Chương 28
Hán, Việt đều cùng một tổ

Tu-Kỷ nhắc lại:
– Ta muốn gặp Chiêm vương.
– Chiêm vương hiện không ở trong thành này.
Đinh Môn lắc đầu, chỉ về hướng Tây: Giờ này vương đang ở trong các thôn trang điều động cuộc kháng chiến. Đêm nay chúng tôi sẽ đưa các vị đến yết kiến vương. Bây giờ chúng tôi xin mời chư vị cùng nhập tiệc tẩy trần đã, rồi hãy bàn chuyện đánh giặc.
Tiệc được bầy ra, phía Tống có bẩy người, phía trấn thủ thành chỉ có Quảng-Đông ngũ cái. Hai bên đàm luận về tình hình Tống, Việt, Chiêm. Tu Kỷ giới thiệu Trường-bạch ngũ hùng có tên Hoàng-Sơn, Bạch-Sơn, Huyền-Sơn, Lam-Sơn, Hồng-sơn, đều xuất thân từ phái Trường-bạch. Ngoài ra còn có Động-đình thất kiệt, Tuyết-sơn thập anh... đều là những cao thủ tuyệt đỉnh của Trung-nguyên. Quảng-Đông ngũ cái nghe giới thiệu, hay luận bàn về các nhân vật võ lâm Hoa-Việt thì chỉ ậm ừ cho qua. Nhưng khi luận về kinh, sử, tử, tập thì kiến thức của năm người thực bao la, khiến Yên Đạt là người đã đậu tiến sĩ, mà phải công nhận rằng cái sở tri của mình thua xa năm Hoa-kiều này.
Từ đầu đến cuối Trường-bạch ngũ hùng không nói một câu, đến tuần rượu thứ ba, bỗng Huyền-Sơn hỏi Đinh Môn:
– Này Đinh tiên sinh, tôi nghe nói dư đảng của Nùng Trí-Cao hiện tiềm ẩn tại Chiêm, năm vị ở đây lâu, vậy năm vị có biết tung tích chúng không?
– Điều này ngày mai các vị hội kiến với võ tướng của Chiêm, các vị hỏi mấy người ấy may ra mới biết được.
Phạm Bá-Di trả lời thay Đinh: còn chúng tôi, chỉ là những võ sĩ múa may kiếm tiền, thì sao biết chuyện đó?
Lam-Sơn chỉ vào Quảng-Đông ngũ cái rồi cười nhạt nói bằng tiếng Việt:
– Cho đến giờ này mà các vị còn dấu thân phận ư?
Y vỗ vai Phạm Bá-Di: người là người Việt, có tên là Phạm- Đình-Huy, sau sang Tống cải danh là Toàn-Huy, từng đậu tiến-sĩ thời vua Nhân-tông.
Quảng-Đông ngũ cái kinh hoảng, cùng đưa mắt cho nhau, định hô thân binh, đệ tử xông vào can thiệp. Nhưng khi nhìn quanh, thì chỉ thấy nhấp nhô đầy những võ sĩ Trung-nguyên. Năm người định phát chiêu kiềm chế bọn Tu-Kỷ, nhưng tất cả năm người đều cảm thấy chân tay vô lực. Yên-Đạt cười nhạt, y cũng nói bằng tiếng Việt:
– Các người thông minh, tài trí có thừa, nhưng chứng nào tật ấy. Hồi còn mồ ma nước Đại-Nam, các người khinh địch nên bị Địch-Thanh phá. Bây giờ các người ngồi ăn với Trường-bạch ngũ hùng, mà quên mất rằng họ nức tiếng Trung-nguyên về tài phóng độc. Các người bị trúng độc hết rồi.
Y nói với Hoàng-Sơn:
– Hoàng tráng sĩ, người hãy nói về lợi hại của chất độc mà người phóng vào Quảng-Đông ngũ cái đi.
– Độc tố mà ta phóng vào cơ thể các người lấy từ ngũ trùng của Trường-bạch, không hương, không sắc. Sau khi trúng rồi, thì chân tay tê liệt, một khắc sau gân trở thành hủy hoại, cơ thể hoá thành một khối thịt, suốt đời tàn tật. Hiện trên thế gian này không ai trị được, ngay cả chúng ta cũng không có thuốc giải.
– Ta đóng tuồng mà bọn người không biết.
Tu-Kỷ cười ha hả nói tiếp: Nếu các người không khinh địch, thì phải hiểu rằng ta đã già đời rồi, có đâu lại cục cằn thô lỗ như lúc mới tới đây nhỉ? Chẳng qua ta bầy ra như vậy, để cho bọn mi khinh thường mà thôi! Ha...ha...
Yên-Đạt kéo tai Phạm Bá-Di: Sau khi đỗ tiến-sĩ, vì người có khiếu về binh bị, nên được bổ làm việc tại hành doanh « Chinh-Tây mã bộ đô tổng quản” của Kinh-Nam vương. Người lập được nhiều công lao, Kinh-Nam vương nâng đỡ người, cho người về trấn Toàn-châu thuộc Quảng-Tây Nam-lộ. Khi Nùng- Trí-Cao làm loạn, người theo y, được phong làm Tư-đồ. Trí-Cao bị bại, tất cả dư đảng của y trốn vào đây ẩn thân. Trong đó có người. Suốt bao năm qua, triều đình ra công tìm kiếm tung tích Nùng Trí-Cao với các người ở Đại-lý, Lão-qua, Đại-Việt, mà không thấy. Nhưng không may cho người, anh em chúng ta đến đây và nhận diện được người ngay, lập tức chúng ta ra tay kiềm chế.
Y chỉ vào Phạm Thúc-Tề: Người có tên Việt là Phạm Văn-Nhân, người theo Nùng Trí-Cao, giữ chức tư-mã, quản Khu-mật viện.
Y chỉ vào Đặng Túy-Ông: người họ Đặng thì đúng rồi, nhưng tên thực của người là Đặng-vũ Nùng. Người được Phạm Đình-Huy tiến cử với Nùng Trí-Cao, phong làm tư-không. Còn Hồ Đơn-Á, người tên thực là Hồ Liên-Biện, người đổi ngược nghiã tên đi. Người giữ nguyên họ Hồ, chữ lót là Liên đổi là Đơn, chữ Biện đổi là Á. Đến Đinh Nho-Quan, người giữ chức tể tướng dưới của triều Đại-Nam, nay người đổi là Đinh Môn.
Đến đó, Lục Đình trong lớp y phục nô bộc bước vào, Tu Kỷ chỉ vào y:
– Việt-quốc công Lục Đình tuân chỉ Khu-mật viện Tống ẩn tại Chiêm để truy lùng các người, nên ông nghi ngờ bọn người ẩn thân ở đây từ lâu rồi. Nhưng ông không biết mặt các người. Vì ông không tìm ra Nùng- Trí-Cao nên còn trì nghi. Do vậy, một mặt quốc công giả nhắm mắt mặc cho các người làm ma làm quái, một mặt quốc-công thượng biểu về triều. Cho nên triều đình sai bọn ta đến đây xem xét: Nếu đúng là các người thì bắt đem về Biện-kinh. Còn như các người là dân xứ Quảng thực, thì trọng dụng. Người hiểu chưa? Việc cứu Chiêm là hư, việc bắt các người đem về Quảng-Đông xử lăng trì mới là thực.
Y cười rung cả hai vai lên: Hà... đúng ra chúng ta cũng chưa ra tay vội. Nhưng không hiểu bằng cách nào đó, Lý Thường-Kiệt lại liên lạc được với Nùng-trí-Cao, y nhờ Nùng-trí-Cao đánh úp bắt Chiêm vương. Cao ra lệnh cho các người tiềm ẩn trong thành, còn y bố trí sẵn sàng hai đạo binh ô hợp Lam-kỳ, Xích-kỳ, Long-biên ngũ hùng với các đội voi, hổ, báo, sói dưới chân đèo Rundari, định đêm nay tiến công. Các người sẽ mở cổng thành cho chúng vào để kiềm chế Chiêm vương. Các người giữ bí mật quá, đến những đệ tử thân tín nhất cũng không biết. Nhưng...Lục quốc công đã tương kế tựu kế, chỉ tung một mẻ lưới là bắt trọn năm người. Hiện chúng ta đã nhân danh các người, ra lệnh cho đệ tử các người ra ngoài thành phục binh chờ đêm nay Trí-Cao đem quân về, sẽ đổ ra đánh. Thế là quân các người lại đánh quân các người chí mạng.
Lục Đình ngồi xuống, lão tự rót rượu uống:
– Này Quảng-Đông ngũ cái. Việc lão phu bị Ưng-sơn song hiệp kết án tử hình là có thực, nhưng cái vụ sai người đem hộp thịt chó, với mũi tên vàng đọa lão hôm qua, cũng chính lão sai chân tay, bộ hạ làm, để các người mắc kế đấy. Hiện nay Thâm Phúc-Dũng, Phan Vũ-Tỉnh đã cho người giả làm đội Lam-kỳ, Xích-kỳ đón quân Thường-Kiệt đổ bộ lên Pandurango. Khi chúng đang đổ bộ nửa chừng, thì trở cờ, tung phục binh tiêu diệt. Đạo binh Long-biên ngũ hùng với Dư-Phi, Nùng Trí-Cao bị diệt. Tiếp theo đạo binh Thường-Kiệt, Tây-hồ thất kiệt bị trúng phục binh, thì Nhật-Tông chỉ có cách bỏ về nước. Bởi giờ này quân Lưỡng-Quảng đang vượt Bắc-biên tiến về Thăng-long rồi.
Lục trở lại ôn tồn:
– Năm vị với lão phu cùng là người xứ Quảng với nhau, cùng là tiến sĩ Tống triều, lão phu hứa sẽ dành cho năm vị những gì tốt đẹp nhất của giới bút mặc văn chương. Nhưng các vị đã trúng độc, thì lão phu chỉ có thể bảo toàn mạng sống cho các vị, mà không thể giúp các vị khỏi tàn tật. Năm vị yên tâm đi. Kìa các vị thử nhìn xem: chư vị võ sĩ Tống đã phân chia nhau trấn ở bốn cửa thành. Đám đệ tử của các vị cứ tưởng rằng họ vâng lệnh các vị cộng tác với võ sĩ Tống phòng quân Việt.
Quả đúng như bọn Lục-Đình, Tu-Kỷ, Yên-Đạt nói, từ lúc nhận được thư của Nùng-trí-Cao báo cho biết quân Đại-Việt sắp vượt đèo Runsari đuổi bắt Chế-Củ; Quảng-Đông ngũ cái lập tức thiết kế bắt Chiêm vương, nhưng không ngờ bọn Tu-Kỷ, Yên-Đạt đã nhận diện được Ngũ-cái, thành ra mưu cơ bại lộ, bị Trường-bạch ngũ quái ra tay trước. Năm người chỉ còn biết nhìn nhau ân hận, chân tay vô lực, đến mở miệng nói cũng không được.
Thình lình, có sáu người từ trên nóc dinh buông mình xuống sân nhẹ như chiếc lá rụng. Cả sáu người lạng mình một cái đã vào trong nhà. Tu-Kỷ quát lên:
– Ai?
Y ra tay chụp một người áo xanh, Yên-Đạt ra tay chụp một người áo đỏ. Nhưng hai người đều vung tay gạt. Bình, bình. Tu, Yên cùng hai người kia đều bật lui lại ba bước, cánh tay cảm thấy ê ẩm đau nhức, khí huyết đảo lộn cực kỳ khó chịu.
Sáu người đã đứng trước mặt y. Y nhận ra, trong sáu người thì hai là nhà sư, còn bốn người thì một nam một nữ quần áo xanh; một nam một nữ quần áo đỏ. Hai người nam thì thân thể hùng vĩ, mặt mũi khôi ngô, trông như hai cây ngọc trước gió. Còn hai người nữ thì dáng người thanh lịch, mũi cao, mắt đen to, da trắng như tuyết, thực là những giai nhân tuyệt sắc. Tuy bị bất ngờ, nhưng không hổ là danh tướng, Yên-Đạt cung tay hướng hai nhà sư. Y nói tiếng Biện-kinh:
– Bình-Nam thượng tướng quân Tu-Kỷ, Trấn-viễn đại tướng quân Yên-Đạt của Đại-Tống, xin ra mắt nhị vị đại sư đại sư, hai nhân huynh, hai vị tỷ tỷ. Không biết các vị quang lâm có điều chi dạy bảo?
Bấy giờ Tu, Yên mới để ý đến hai nhà sư: một người mang mặt nạ da người, gương mặt lạnh lùng, mắt chiếu ra tia hàn quang sáng loáng. Còn một người cổ đeo mười bông sen đẽo bằng gỗ trầm, tuổi khoảng năm mươi, dáng thực thanh nhã.
Nhà sư đeo mặt nạ da người móc trong bọc ra một cái thủ chó thui vàng ngậy, ông dùng con dao nhỏ cắt một miếng bỏ vào mệng nhai ngon lành. Nhà sư đeo hoa sen nhìn thẳng vào mặt Lục-Đình, Tu-Kỷ, Yên-Đạt rồi chỉ vào Quảng-Đông ngũ cái:
– Năm thằng bé con này là dư đảng của tên giặc cỏ Nùng Trí-Cao, hành sự khinh xuất, thì chả đáng để cho đứng trước mặt bần tăng. Hơn nữa chúng bị trúng độc, thành tàn tật thì còn ích lợi gì nữa? Xin phép các vị cho bần tăng tống chúng ra ngoài hầu rộng chỗ đàm đạo!
Miệng nói ông vung tay, mỗi cái vung tay của ông làm một người trong Quảng-Đông ngũ cái bay tung ra sân, rơi xuống cạnh cái bể cạn, chỗ những bụi hoa mẫu-đơn, nhẹ nhàng êm ái giống như họ ngồi xuống vậy.
Bỗng Quảng-Đông ngũ cái cùng nghe tiếng nhà sư đeo mặt nạ da người dùng lăng-không truyền ngữ rót vào tai:
– Năm người nghe đây! Trong khi dùng chưởng đẩy các người bay ra ngoài, ta đã dồn vào cơ thể các người thuốc giải độc. Thuốc này nửa khắc sau mới hiệu nghiệm. Vậy các người cứ giả bị trúng độc, đợi khi ta gây sự đấu võ với bọn chúng, các người âm thầm trốn ra ngoài điều động binh tướng, đệ tử, và làm như thế... như thế... nghe không!
Quảng-Đông ngũ cái tưởng phen này mình thành người tàn tật, thì cũng cam tâm, nhưng việc làm hỏng đại sách của cuộc Nam chinh khiến cả năm đau xót trong lòng. Nay thình lình có cứu tinh đến, cả năm mừng chi xiết kể.
Thấy hai nhà sư hành sự kỳ lạ, Tu-Kỷ chợt nhớ ra một chuyện, y hỏi hai ông:
– Phải chăng hai vị là Mộc-tồn Vọng-thê và Đại-từ Liên-hoa hòa thượng, pháp danh Viên-Chiếu?
– Đúng vây!
Mộc-tồn hòa thượng trả lời, tay ông chỉ vào Lục-Đình: Bần tăng vốn là người Việt, rất trọng tình thương yêu giữa tộc Hoa, tộc Việt, mà cũng rất ghét bọn chủ trương chia rẽ tình Hoa-Việt. Tên Lục-Đình này cứ muốn xúi triều Tống đánh các nước phương Nam. Đúng là cây muốn lặng, gió chẳng muốn đừng! Đó là một tội đáng giết. Y bị Ưng-sơn song hiệp kết án tử hình, lo trốn tránh không xong, mà lại đi giả danh bần tăng để hù dọa người khác, đó là hai tội đáng chết. Vậy bần tăng xin các vị võ-lâm Trung-quốc đứng nhìn bần tăng móc buồng gan y ra xem nó to đến như thế nào?
Ông phát một ưng trảo hướng ngực Lục-Đình, kình lực khiến lão không tự chủ được, lão lảo đảo tiến về phía ông. Tu-Kỷ vội xuất một chiêu cầm long công xỉa vào giữa Mộc-tồn với Lục-Đình, lão mới đứng vững. Mộc-tồn hòa thượng lại xỉa tay một cái hướng ngực Lục-Đình, chiêu số chưa phát hết, mà người y đã muốn ngộp thở. Tu-Kỷ biết võ công Mộc-tồn hoà thượng vô song, y vội xuất một chiêu chưởng với tất cả bình sinh công lực đánh vào người ông, trong khi Yên-Đạt gạt tay ông cứu Lục. Mộc-tồn biến cái xỉa thành cái phẩy, ông đẩy chưởng cửa Tu-Kỷ vào người Yên-Đạt. Bộp một tiếng, hai người cùng cảm thấy rung động toàn thân.
Tu-Kỷ cười ha hả:
– Khoan!
Cả ba người đều lui lại. Tu-Kỷ xá Mộc-tồn:
– Đại hòa thượng! Tiểu bối nghe nói rằng khi đại-giá hòa thượng xử ai cũng chỉ đánh có ba chiêu. Nếu ai đỡ hay tránh được ba chiêu đó thì coi như trắng án. Có đúng thế không?
Mộc-tồn hòa thượng điểm lại, quả mình đã ra đủ ba chiêu, ông mỉm cười nói với Lục-Đình:
– Người trắng án rồi. Ta sẽ viết thư cho Ưng-sơn song hiệp đại xá cho người luôn. Hà! Tu-Kỷ, Yên-Đạt thực xứng tài đại tướng. Hai đại tướng đã cứu được gã họ Lục.
Lục-Đình cung tay:
– Xin đa tạ hồng ân của hòa thượng.
Mộc-tồn nhảy sang bên cạnh, tay chỉ Tu-Kỷ, Yên-Đạt:
– Người không nên xá ta. Cứu người là hai vị này. Người phải hành lễ với hai vị đó.
Lục-Đình đành cúi đầu vái Tu, Yên tám vái.
Lục-Đình tuy thoát chết, nhưng kình lực ba cao thủ làm lão bật lui đến hơn trượng. Qua một vài chiêu, Tu-Kỷ, Yên-Đạt thấy rằng cả hai người cùng liên thủ cũng không phải đối thủ của Mộc-tồn hòa thượng. Hai người vội nhảy lui trở lại, rồi hú lên một tiếng, đó là hiệu lệnh cho bộ hạ ra tay. Lập tức Trường-bạch ngũ hùng, Động-đình thất kiệt, Tuyết-sơn thập anh cùng đứng dàn ra làm ba vòng trong tư thế bao vây lấy đám người của Mộc-tồn.
Mộc-tồn hoà thượng chỉ tay vào đám võ sĩ Tống, rồi lại chỉ vào hai cặp nam nữ quần áo xanh, đỏ:
– Ta là bậc tiền bối, không muốn dây dưa với các người. Các người muốn đấu võ ư? Hãy đấu với bốn đệ tử của ta đây.
Bỗng Tu-Kỷ, Yên-Đạt cùng cảm thấy như có con dao đâm vào ngực đau đớn không thể tưởng tượng nổi. Không tự chủ được, hai người cùng bật lên tiếng kêu lớn:
– Ái!
Cả hai cùng đưa tay lên nhìn, bàn tay cả hai cùng đỏ lòm. Hoàng-Sơn kêu lên:
– Chư-sa ngũ độc chưởng.
Y hỏi Mộc-tồn hòa thượng:
– Tại hạ ở mãi tận Quan-ngoại, từng nghe danh đại sư đường đường là một cao tăng hành sự quang minh lỗi lạc, nhưng cớ sao lại dùng Chu-sa ngũ độc chưởng đánh người? Như thế là thế nào?
Viên-Chiếu chỉ bàn tay Mộc-tồn hòa thượng:
– Hoàng đại hiệp đừng hấp tấp mà đắc tội với sư huynh bần tăng. Này đại hiệp ơi, phàm người luyện Chu-sa ngũ độc chưởng thì bàn tay phải đỏ, chứ có đâu lại trắng như bàn tay của sư huynh bần tăng?
–???
Ông chỉ vào bốn người quần áo xanh, quần áo đỏ:
– Bần tăng xin giới thiệu với hai vị, đây là hai cặp vợ chồng Lam-kỳ chủ, Xích-kỳ chủ trong Hồng-thiết giáo Chiêm-quốc. Anh em bần tăng chỉ mới gặp bốn người cách đây mấy ngày. Nhân bốn người muốn thoát khỏi cái ách Chu-sa độc tố, nên anh em bần tăng mới mang theo để chữa trị, rồi thu làm đệ tử. Ban nãy Tu, Yên tướng quân phát chưởng đánh hai kỳ chủ. Bất đắc dĩ hai người phải đỡ, nên Tu, Yên tướng quân mới lĩnh vạ.
Tu-Kỷ, Yên-Đạt đã từng thấy biết bao nhiêu người bị trúng Chu-sa ngũ-độc chưởng đau đớn đến chết đi sống lại, nếu trong 49 ngày mà không có thuốc giải thì sẽ chết như ngọn đèn hết dầu. Đứng trước cái chết cả hai cùng nghĩ thầm:
– Bây giờ chỉ còn có cách dùng số đông áp chế đám này, may ra mới có thể lấy được thuốc giải.
Nghĩ vậy Yên-Đạt vẫy tay cho Trường-bạch ngũ hùng, Động-đình thất kiệt, Tuyết-sơn thập anh bao vây sáu người của Mộc-tồn hòa thượng vào giữa. Y nghiến răng nói với Lam-kỳ, Xích-kỳ chủ:
– Xin hai vị ban thuốc giải, tôi cam đoan để bốn vị cùng nhị vị đại sư rời khỏi đây. Bằng không thì chúng tôi bất kể luật lệ võ lâm.
Lục-Đình đã ở Chiêm lâu ngày, y biết rất rõ về Hồng-thiết giáo Chiêm. Y vẫy tay:
– Thuốc giải Chu-sa ngũ độc chưởng, thì chỉ giáo-chủ, phó giáo chủ; tả, hữu hộ pháp mới có. Còn các kỳ chủ không có đâu.
Lão hướng Viên-Chiếu:
– Đại sư! Vừa rồi Tu, Yên tướng quân có chỗ vô phép với Phật giá. Mong rằng với tâm bồ tát, xin đại sư ra tay cứu hai tướng quân.
Yên-Đạt, Tu-Kỷ đau đớn đến gập đôi người lại. Viên-Chiếu hòa thượng móc trong bọc ra một cái bình, ông lấy hai viên thuốc trao cho Tu, Yên:
– Đây là hai viên thuốc trấn thống, bần tăng hy vọng có thể làm dịu cơn đau của nhị vị trong ít nhất một tuần trăng. Trong tuần trăng đó, hai vị mau đi tìm một trong các vị sau đây, xin các vị ấy ra tay tế độ, dùng thần công trị dứt độc tố cho các vị; đó là đại hiệp Trần Tự-An, Hồng-sơn đại phu, phò mã Thân Thiệu-Thái, phò mã Lê Văn, công chúa Bảo-Hòa, hoặc Kinh-Nam vương.
Hai người bỏ thuốc vào miệng nuốt đi, rồi vận công cho khỏi đau, khoảng nhai dập miếng trầu, cơn đau giảm dần, rồi hết. Tu-Kỷ cung tay hướng Viên-Chiếu hòa thượng:
– Đa tạ đại sư.
Bỗng Mộc-tồn, Viên-Chiếu cùng hú lên một tiếng, rồi vung tay phát chưởng đánh về phía nóc dinh. Ầm một tiếng, gạch ngói rơi ruống, bụi bay mịt mờ. Đám võ sĩ Tống cùng thi nhau nhảy ra khỏi dinh. Khi bụi, gạch ngói ngừng rơi, Tu-Kỷ chạy vào, thì không thấy bọn Mộc-tồn đâu.
Tất cả đám võ sĩ Tống cùng kinh hoàng, nhưng chỉ còn biết ngao ngán lắc đầu.
Bấy giờ Tu-Kỷ mới phân chia đám võ sĩ thành năm toán. Mỗi toán được cầm đầu bởi một trong Trường-bạch ngũ hùng. Bốn toán trấn tại bốn cửa thành, một toán túc trực tại trung ương. Lục-Đình ra lệnh cho Bạch-Sơn:
– Hôm qua, Chiêm vương phải giả trúng kế của Quảng-Đông ngũ cái, xuất thành ẩn vào núi phía Tây, nơi mà hoàng-đệ Chế-ma-Đa đóng đại quân. Bây giờ đã có các vị võ sĩ Thiên-triều đây, tôi cho người đi đón vương về. Vậy tướng quân thấy xa giá của vương thì báo cho chúng tôi cung nghinh.
Sáng hôm sau, khi ánh nắng hè chói chang trên những ngọn núi ngoài khơi thành Phong-sa-trang, sóng biển vỗ rì rào trên bãi cát trắng xóa. Thình lình có tiếng pháo nổ, rồi tiếng quân reo, trống thúc vang dội. Một binh canh chạy vào báo với Lục-Đình:
– Xa giá đức vua trở về.
Lục-Đình hướng dẫn Tu-Kỷ, Yên-Đạt ra cửa Tây. Vốn cẩn thận, Lục lên cổng thành nhìn ra: hoàng-đệ Chế-ma-Đa cỡi ngựa dẫn đầu đoàn voi, phía sau hàng đoàn xe nối đuôi nhau. Xa xa, Chế-Củ ngồi trên bành voi với Chế-đa-Mạc. Lục vội xuống dưới thành ra lệnh cho quân mở cửa.
Chế-ma-Đa phi ngựa vào trước, thấy Lục-Đình y vẫy tay:
– Lục tể-tướng, cô gia trải qua trăm nghìn khó khăn mới mang được mấy đạo quân rút lui từ Đồ-bàn về đây. Cô gia đã để lại hai hiệu binh trấn thủ đèo Rundari. Còn lại đám hùng binh này đem về trấn cửa biển Phong-sa-trang. Bây giờ đạo quân này, với đạo quân ở Pandurango hợp lại, có thể đủ sức cầm cự với quân Việt, chờ quân Tống nhập Bắc-biên. Hãy chuẩn bị đón hoàng huynh ta.
Nói rồi Đa-Ma thúc voi vào giữa thành, phía sau hơn ba mươi dũng tướng, năm trăm kị mã, rồi tới đoàn voi. Chợt Lục-Đình thấy đoàn voi có hơi khác lạ với voi của Chiêm, y định ra lệnh cho tượng binh ngừng lại, thì đoàn xe phía sau đang đi hàng hai, thoáng một cái lại đổi đội hình thành hàng năm, vọt vào trong thành. Dũng tướng, kị mã, voi, xe toả ra làm ba phía tiến đến ba cửa thành Đông, Nam, Bắc. Các xe được mở cửa, trong xe nào hổ, nào báo, nào chó sói, nào đười ươi cũng phân làm ba, đi theo yểm trợ cho đoàn dũng tướng, kị mã. Đoàn thú của gánh hát Quảng-Đông cũng được thả ra, bao vây lấy dinh tổng-trấn, nơi có nội cung Chiêm vương ở. Trong thành náo loạn cả lên.
Tu-Kỷ hỏi Lục-Đình:
– Quốc-công, thế là thế nào?
Lục-Đình chưa kịp trả lời, thì voi của Chiêm vương đã tới. Y nhìn lên, thì người ngồi cạnh Chiêm vương quả là Chế-đa-Mạc, nhưng Chiêm vương không phải là Chế-Củ, mà là Nùng Trí-Cao.
Nùng Trí-Cao đứng trên voi, cầm cờ phất lên ra lệnh, chỉ thoáng một cái các đội quân đã chiếm được bốn cửa thành. Đoàn hổ, báo dưới cờ chỉ huy của Long-biên ngũ hùng đang bao vây bọn Tu-Kỷ, Yên-Đạt cùng đám võ sĩ vào giữa thành.
Tu-Kỷ chỉ liếc mắt một cái đã biết ngay Trí-Cao, Thuần-Khanh là người chỉ huy đạo quân này. Y nghĩ nhanh:
– Phải kiềm chế hai đứa này, mới mong thoát thân.
Y chỉ tay về phía voi hai người. Hoàng-Sơn, Bạch-Sơn cùng phóng mình hướng về phía Nùng Trí-Cao với Thuần-Khanh. Hai người chỉ nhấp nhô mấy cái, đã vượt qua đội quân, tiến sát tới chân voi. Hoàng-Sơn vung chưởng tấn công Trí-Cao, Bạch-Sơn tấn công Thuần-Khanh. Trí-Cao, Thuần-Khanh thấy thân pháp hai người nhanh như điện chớp, chưởng lực phát ra không có gió, thì biết ngay là chưởng âm nhu. Hai người vận đủ mười thành công lực đỡ. Bốp, bốp. Cả bốn người cùng bật tung lên cao, khí huyết đảo lộn cực kỳ khó chịu. Bốn người rơi xuống đất nhẹ nhàng, đưa mắt nhìn nhau, tự cảm thấy đã gặp kình địch.
Trí-Cao cười:
– Tưởng bản lĩnh người đứng đầu Trường-bạch ngũ quái thế nào, hóa ra chỉ có vậy thôi sao? Ta biết nội công âm nhu của các người với nội công phái Mê-linh vốn cùng một nguồn gốc. Nhưng thay vì luyện cho bản lĩnh cao thâm, các người ưa dùng độc chất. Có đúng thế không?
– Đúng vậy! Nhưng đối với người ta chẳng cần dùng độc tố cũng thừa sức thắng.
Trí-Cao là đệ tử của Hoàng-Giang cư sĩ thuộc phái Sài-sơn, sau được tiên nương Bảo-Hòa thu làm đệ tử, ông lại được học thêm võ công Tản-viên, nên bản lĩnh hiếm có người bằng. Ông với Hoàng-Sơn xoay lấy nhau, tung ra những quái chiêu.
Còn Thuần-Khanh, là đệ tử của vua bà Bình-Dương, võ công của bà là võ công Mê-linh. Biết rằng đấu chưởng thì mình không phải là đối thủ của Bạch-Sơn. Bà đánh liền ba chiêu với tất cả bình sinh công lực đưa thẳng vào cổ đối phương. Bạch-Sơn bị bất ngờ, nhưng y coi thường, dùng hai ngón tay kẹp kiếm Thuần-Khanh. Nhưng Thuần-Khanh chuyển động thân một cái, kiếm như con rắn co lại, rồi bật sang trái đến véo một tiếng. Bạch-Sơn kinh hãi, vội lăn mình xuống đất tránh khỏi, trong khi đó y cũng rút kiếm ra chĩa lên trên trả đòn.
Tu-Kỷ những tưởng có người kiềm chế vợ chồng Trí-Cao là địch quân rồi loạn. Không ngờ khi y nhìn lên, thì có đến sáu bẩy người cầm cờ chỉ huy, y không biết rõ ai chỉ huy ai. Bởi những người chỉ huy đó là Dư-Phi, Phạm-Dật Kim-Loan, Vũ-Quang Kim-Liên. Hổ, báo, sói, voi, tiễn thủ phối hợp rất nhịp nhàng cho nên không đầy một khắc, đoàn võ-sĩ Tống bị dồn đến khu diễn võ. Các vòng vây theo thứ tự: trong cùng là chó sói, hướng mõm tru lên, nanh nhe ra, chỉ cần một hiệu lệnh của Kim-Loan là nhảy vào vồ họ ăn thịt. Kế tiếp là vòng vây của đội báo, chúng vờn vờn chân trước, miệng há ra đỏ lòm, vòng này do Kim-Liên chỉ huy. Ngoài cùng là vòng vây của đội hổ, do Vũ-Quang chỉ huy. Sau cùng là các dũng sĩ Long-biên, tên nạp vào cung, loại cung cứng, mũi tên bằng thép dài, bất cứ lúc nào cũng có thể buông ra. Các đoàn bao vây hành động mau quá, chỉ thoáng một cái đã hoàn bị. Phạm-Dật đứng trên bành voi cầm cờ chỉ huy như một thiên tướng. Bọn Lục-Đình, Tu-Kỷ, Yên-Đạt cùng bị dồn vào trong ba bốn vòng vây.
Tại bốn cổng thành: cửa đóng chặt, binh tướng, võ sinh, dân binh trấn thủ rất nghiêm cẩn. Tu-Kỷ nhìn ra, thì ôi thôi, năm người chỉ huy năm vòng vây lại chính là Quảng-Đông ngũ cái.
Phạm Văn-Nhân (Thúc-Tề) đứng trên bành voi, tổng chỉ huy. Ông chỉ vào bốn cỗ xe vừa được đẩy vào cửa Nam mà hỏi Lục-Đình:
– Lục tiên sinh! Tiên sinh có nhận được những ai ngồi trên xe kia không? Tiểu sinh chắc tiên sinh có quen biết họ.
Lục-Đình nhìn ra, trên năm cỗ xe, chở đầy đủ người nhà ông: song thân tuổi đã trên tám mươi, năm bà vợ, mười tám đứa con, chín đứa cháu, cùng bộc phụ, tỳ nữ, mã phu... không thiếu một ai. Lục kinh hoàng, vì mấy hôm trước y đã cho tất cả xuống thuyền, kéo buồm chạy về Quảng-châu. Nay không hiểu sao lại bị bắt đem đến đây?
– Lão phu nghe người xưa nói: kẻ sĩ tuy phải đối đầu chém giết nhau, nhưng dù sao cũng không nỡ hại quyến thuộc của nhau. Năm vị với lão phu cùng ở trong cửa Khổng, xin dành cho gia đình lão phu một cái mộc che chở, nên chăng?
Lục-Đình xuống nước: Còn thân lão phu thì xin để cho các vị định liệu.
Văn-Nhân cung tay:
– Lục tiên sinh, xưa gia quyến Cao-tổ nhà Hán bị Sở-bá vương bắt được, mà không nỡ hại. Không lẽ anh em tiểu sinh lại thua Bá-vương sao? Không những gia quyến tiên sinh được an toàn, mà ngay tiên-sinh cũng được thư thả.
Đình-Huy cười lớn:
– Chúng ta đều là người Hoa gốc Việt, sinh trưởng ở xứ Quảng. Hồi nãy tiên sinh hứa dành cho năm anh em tiểu sinh một ân huệ, gọi là chút tình kẻ sĩ, bút mặc văn chương với nhau, thì bây giờ anh em tiểu sinh cũng dành cho tiên sinh cái nồng hậu đó.
Lam-kỳ chủ đứng cạnh Đình-Huy vung tay lên, lập tức có sợi dây quấn quanh người Lục rồi giật mạnh. Người Lục bay bổng ra khỏi vòng vây, rơi xuống chiếc xe chở năm bà vợ, êm đềm như đặt xuống vậy.
Văn-Nhân cầm tay Lục:
– Mưu kế của tiên sinh thực kỳ diệu. Cuối cùng chúng ta đã vây được đoàn võ-sĩ Tống và bắt sống Chiêm vương. Tiên sinh cứ thư thả về nhà với nhị vị đại lão gia, ngũ vị phu nhân và quý công-tử, tiểu-thư. Quân Đại-Việt là quân nhân nghĩa, sẽ bảo trọng quý quyến. Đại-Việt hoàng đế sẽ phong tước công cho tiên sinh để lao tưởng công lao mà tiên sinh ở Chiêm, nhưng lòng ở Việt.
Lục-Đình nghe Văn-Nhân nói, lão chẳng hiểu gì, nhưng trước mắt lão thấy gia quyến cùng mình được thoát chết thì mừng vô hạn.
Sự thực như thế này: khi Quảng-Đông ngũ cái bị trúng kế Lục-Đình, bị kiềm chế, giữa lúc tuyệt vọng thì Mộc-tồn, Viên-Chiếu xuất hiện. Hai ông biết rằng dù mình với Lam, Xích kỳ chủ có ra tay cũng không cứu được đại cuộc. Hai ông bàn với nhau cùng xuất hiện, Viên-Chiếu giả đẩy năm người rơi xuống vườn hoa. Trong khi đẩy, ông tống vào thân thể mỗi người một viên thuốc giải Ngũ-độc trùng của Trường-bạch, rồi nói chuyện, tấn công vào Tu, Yên kéo dài thời gian. Trong lúc đó Quảng-Đông ngũ cái lẻn trốn ra ngoài đuổi theo đám đệ tử mình, tìm đạo quân của Nùng-trí-Cao với bọn Phạm-Dật.
Phạm-Dật cho biết đạo binh của y đã bắt tay được với đạo binh của Dư-Phi. Dư-Phi cùng hai đạo Lam-kỳ, Xích-kỳ giao chiến với đội tàn quân của Chế-ma-Đa ở đèo Rundari. Chế-ma-Đa bị trúng Chu-sa ngũ độc chưởng của Lam-kỳ chủ. Y đau đớn đến chết đi, sống lại. Cuối cùng y xin đầu hàng, để được thuốc giải.
Phạm-văn-Nhân nhân đó thiết kế: chia quân làm hai. Cánh thứ nhất do Dư-Phi chỉ huy, đem theo Hoàng-Nghi, Lý-Đoan Ngọc-Hương, Trần-Ninh Ngọc-Liên đi bắt Chế-Củ. Còn lại, Trí-Cao tổng chỉ huy, tương kế tựu kế, giả xa giá Chiêm vương về đánh thành Phong-sa-trang.
Bây giờ tuy bắt được Lục-Đình; Văn-Nhân thấy rằng lực lượng người Hoa trong vùng khá mạnh. Mà bọn này đều là thủ hạ của Lão. Nếu giết Lục, thì mình phải chống với khối người Hoa, là một điều không nên. Vì vậy Văn-Nhân mới nảy ra ý phóng thích Lục, tìm cách chia rẽ Lục với võ sĩ Tống, với người Chiêm bằng lời nói ngụ ý rằng Lục là người của Đại-Việt tiềm ẩn trong triều đình Chiêm; nhờ mưu của lão mà Đại-Việt thành công trong việc bắt các cao thủ Tống.
Trong vòng vây, Trí-Cao, Thuần-Khanh với Hoàng-Sơn, Bạch-Sơn vẫn đấu với nhau bằng những chiêu trí mạng.
Văn-Nhân hướng vào vòng vây hỏi Tu-Kỷ, Yên-Đạt bằng tiếng Biện-kinh:
– Còn nhị vị tướng quân với các vị cao thủ Đại-Tống! Các vị định thế nào?
Yên-Đạt nhìn Tu-Kỷ rồi thở dài:
– Dĩ nhiên chúng ta thua trí các người. Ta đành chịu để cho các người muốn băm vằm mổ xẻ thế nào thì cũng chịu. Nhưng... nhưng ta muốn biết bằng cách nào mà các người lại lật ngược được thế cờ dễ dàng như thế này? Nếu các người không nói cho ta biết, thì họ Yên này có chết cũng khó mà nhắm được mắt.
– Cái đó thực giản dị! Yên tướng quân vốn người Hà-Bắc, nên không hiểu gì về tộc Việt chúng tôi. Người Hoa thì nhìn khắp gầm trời này đều là thiên-hạ, ở đâu cũng được, có phân biệt là phân biệt về phong hóa, học thuật, đạo lý mà thôi. Có đúng thế không?
– Không sai.
– Còn người Việt của chúng tôi thì khác. Đất tổ của chúng tôi gồm phía Nam sông Trường-giang đến tận cùng Chân-lạp, Xiêm-la. Trong vùng đó, thì chúng tôi sống ở chỗ nào cũng thế, nói tiếng nào cũng vậy, chúng tôi luôn hướng về đất tổ.
– Tôi hiểu.
– Lục tiên sinh với chúng tôi là dân xứ Quảng. Dù chúng tôi nói tiếng Quảng, tiếng Việt, tiếng Chiêm, thì chúng tôi cũng là người Việt. Cho nên, tôi làm quan với Tống, hay với Chiêm, khi có những điều hại cho đất tổ thì chúng tôi không làm. Nhưng đạo lý tộc Việt cũng dạy chúng tôi rằng ăn cây nào, rào cây ấy. Cho nên lúc nhận được tin Đại-Tống cử đoàn cao thủ sang giúp Chiêm, thì Lục tiên sinh đã sắp xếp kế hoạch sao cho vẹn toàn: không làm đổ máu đoàn võ sĩ Tống, mà vẫn chặn không cho đoàn võ sĩ Tống làm hại đến Đại-Việt
Yên-Đạt lắc đầu ngao ngán:
– Tôi hiểu rồi, vì thế cho nên tên khốn kiếp Lục-Đình mới cùng quý vị bàn kế để chúng tôi bị vây như thế này hẳn? Yên mỗ thề rằng sẽ có ngày băm vằm tên phản phúc ấy ra mới nư giận.
– Yên tướng quân thông minh thực. Bây giờ một là tướng quân ra lệnh cho chư vị võ sĩ đầu hàng. Hoặc là chư vị cứ việc xông ra mà phá vòng vây. Đám thú này đói quá rồi, bây giờ được xơi thịt các vị thì còn gì bằng.
Yên-Đạt thở dài hỏi Tu-Kỷ:
– Huynh nghĩ sao?
– Đành vậy.
Tu-Kỷ thở dài:
– Ta thua trí các người, nên phải đầu hàng. Vậy các người định đối xử với chúng ta ra sao?
Phạm Văn-Nhân mỉm cười chỉ vào đám võ sĩ:
– Càc vị võ-sĩ đây đều là nhưng đại cao thủ Trung-nguyên, có vị lại giỏi phóng độc. Nếu mở vòng vây cho các vị ra ngoài, thì thú thực anh em chúng tôi cảm thấy tính mệnh bị đe dọa. Vậy thì thế này, tôi xin mời Tu, Yên tướng quân ra lệnh cho các vị đây khuất thân để anh em chúng tôi trói lại. Sau đó hai vị được tự do ra khỏi vòng vây. Chúng tôi sẽ đưa các vị xuống chiến thuyền với đầy đủ lương thảo, rồi để các vị về Đại-Tống.
Động-đình thất kiệt quát lên:
– Sĩ khả sát, bất khả nhục (kẻ sĩ thì chỉ có thể giết đi, chứ không thể làm nhục). Tu, Yên nhị vị sợ chết thì cứ để cho người ta trói, chứ chúng tôi thì chiến đấu đến cùng.
Trong đám võ-sĩ Tống thì Tuyết-sơn thập anh là những người trẻ nhất. Một người hướng về Phạm Văn-Nhân cung tay:
– Phạm tiên sinh! Vãn bối họ Du tên Tín-Nhị, là người ít tuổi nhất trong Tuyết-sơn thập anh, mà cũng là người trẻ nhất trong anh em võ-sĩ Tống sang trợ chiến cho Chiêm. Vãn bối xin có đôi lời với tiên sinh.
Tín-Nhị nói bằng giọng ôn nhu, bình tĩnh: Phạm tiên sinh từng đậu tiến-sĩ, thì hẳn tiên sinh biết đạo lý tộc Hoa, tộc Việt đều có một phần giống nhau. Trong phần giống nhau đó có điểm: trung quân, ái quốc. Trước đây Phạm tiên sinh từng được Tống phong cao quan, tước hậu, nhưng khi quân Đại-Việt đánh sang Lưỡng-Quảng, lập tức tiên sinh bỏ về với Đại-Việt, đó là chuyện cũ.
Y liếc nhìn Nùng-trí-Cao: Sau khi họ Nùng thất bại, tiên sinh ẩn thân ở Chiêm, ai cũng tưởng tiên sinh qua đời rồi. Ấy thế mà khi nghe quân Đại-Việt tiến vào đây, tiên sinh lại hăm hở xông pha vào chỗ muôn đao nghìn tên. Đó là phần tiên-sinh.
Y chỉ vào anh em mình: Còn phần anh em tiểu bối, từ hồi còn thơ, chỉ biết đọc sách, đánh võ, tiêu dao với cỏ cây. Nhưng khi chiếu chỉ của Hy-Ninh hoàng thế ban xuống triệu anh em tiểu bối trợ Chiêm, lập tức anh em tiểu bối phơi phới lên đường. Bây giờ vì Tu, Yên tướng quân thua trí tiên sinh, mà anh em tiểu bối bị bó tay. Nếu tiên sinh thấy rằng tha anh em tiểu bối được thì tha; còn không thì xin cho mỗi người một mũi tên, anh em tiểu bối quyết không chịu cái nhục bị trói đâu.
Y quay lại nhìn cả chín anh em, rồi cùng hướng phía trước đi tới.
Phạm-Dật cười lớn:
– Tuyết-sơn thập anh khẳng khai tuẫn quốc, thì chúng tôi sẵn sàng giúp quý vị bảo toàn chính khí.
Nó hướng đội võ sĩ Long-biên:
– Buông tên!
Mười võ sĩ cùng dương cung, cánh cung uốn cong như vầng trăng mồng bốn, rồi những mũi tên bằng thép sáng lóng lánh dưới ánh sáng của mặt trời tháng ba bay tới trước ngực Tuyết-sơn thập anh, kình lực rít lên vi vu chói tai. Cả mười người cùng đứng thành hàng ngang, ưỡn ngực ra nhận tên, không một ai tránh né hay dùng tay bắt. Người nào cũng bị trúng ba mũi tên vào cùng ba bộ vị: trán, ngục, bụng... nhưng tên trúng người, mà họ cảm thấy như chỉ sẽ chạm vào da thịt, rồi rơi xuống. Trước mặt mỗi người ba mũi nằm song song rất chỉnh tề.
Tuyết-sơn thập anh những tưởng mình sẽ chết, khi thấy tên rơi trước mặt, thì họ kinh ngạc cúi xuống nhặt lên xem. Họ càng kinh ngạc khi thấy chỉ có mười tiễn-thủ mà bắn một lần đến ba mươi mũi tên; như vậy mỗi tiễn thủ bắn một lúc ba mũi. Bất giác thập anh cùng ngẩn người ra, vì trên mỗi mũi tên đều đã bẻ đầu đi.
Phạm-Dật từ bành voi tung mình rẽ vòng vây đến trước Tuyết-sơn thập anh, cung tay:
– Hùng tráng thay! Chính khí của các huynh làm cho anh em bọn này khẩu phục, tâm phục. Xin các huynh hãy cùng anh em bọn tiểu đệ thoát khỏi cái chỗ chém giết này, để kết bạn, nên chăng?
– Nên chứ!
Thế rồi Tuyết-sơn thập anh cùng Phạm-Dật thư thả ra khỏi vòng vây, coi như không biết đến Tu-Kỷ, Yên-Đạt đã đành, mà còn không xin lệnh của Phạm Văn-Nhân nữa.
Đến đó có tiếng quân reo, ngựa hí, rồi một đội binh từ phía Nam, quân khí mạnh đến long trời, lở đất, hùng hổ tiến tới. Tướng đi đầu mặt đẹp như ngọc, không râu, giáp bạc cỡi ngựa trắng, cạnh lá cờ có hàng chữ:
« Chinh Nam đại nguyên soái Lý ».
Một lá cờ khác có chữ:
« Tả kiêu vệ thượng tướng quân, Thái-hà hầu ».
Quân tướng đều biết, đó là nguyên-soái Lý Thường-Kiệt. Nùng Trí-Cao reo lên một tiếng, ông đánh liền ba chiêu đẩy lui Hoàng-Sơn, rồi phóng mình ra ngoài thành, hạ mình xuống vệ đường đón sư huynh. Thường-Kiệt cũng đã trông thấy Trí-Cao. Ông xuống ngựa, nắm lấy tay Trí-Cao:
– Sư đệ. Sư huynh nhớ hai em quá. Sư huynh tưởng đâu hai em không còn trên thế gian này nữa chứ! Không ngờ trong lúc Nam chinh gặp muôn vàn khó khăn, lại được em giúp đỡ.
Trong khi Thường-Kiệt mải nói chuyện với Trí-Cao, thì Lý Thường-Hiến, Nguyễn-An đã dàn hai hiệu Vạn-lược, bao vây ngoài thành; hai hiệu Hùng-tiệp tiến vào trong thành.
Trí-Cao trình bầy sơ lược tình hình chiến trận cho Thường-Kiệt nghe. Thường-Kiệt vội cùng Trí-Cao lên ngựa vào thành. Ông vẫy tay cho các đội thú, đội võ sĩ Long-biên lui lại, rồi tiến vào vòng vây. Thấp thoáng một cái, ông tung chưởng vào giữa Thuần-Khanh với Bạch-Sơn. Chưởng lực mạnh đến nghiêng trời lệch đất đẩy bật hai người lại phía sau. Ông nói lớn:
– Xin ngừng tay!
Trong khi Bạch-Sơn nổi cáu:
– Tổ cha tên nào mà hách quá vậy?
Nhưng y biết rằng bản lĩnh mình thua xa đối phương nên đành đứng ngây người ra nhìn.
Thường-Kiệt cung tay hành lễ với Tu-Kỷ, Yên-Đạt:
– Xin nhị vị tướng quân thứ lỗi, vì bản soái tới trễ, thành thử suýt nữa xẩy ra trận đánh đẫm máu. Bây giờ giữa những người lớn với nhau, chúng ta nói chuyện phải trái sao cho đẹp tình Tống-Việt.
Bạch-Sơn bị Thường-Kiệt đẩy lui, y ấm ức trong lòng, hai tay y xoa vào nhau:
– Đẹp cái gì? Đẹp là Tống để cho Giao-chỉ ỷ lớn hiếp nhỏ, đem quân đánh chiếm Chiêm chăng? Nếu người muốn cho bọn ta rút lui về Trung-thổ, thì phải thắng được ta đã.
Thường-Kiệt cười:
– Dường như tuổi của Trường-bạch nhị hiệp hãy còn trẻ thì phải? Còn trẻ thì khí huyết vượng, nên muốn dùng sức phải không? Nhưng cái sức đó phải xử dụng đúng chỗ chứ? Nhị hiệp hãy nhìn xem, nếu như bản soái phất tay ra lệnh, thì liệu tất cả các vị đây có toàn thây chăng? Chế-Củ giết chúa, cướp ngôi, tàn hại dân, thì bất cứ ai trong chúng ta cũng muốn tru diệt y. Nay y bị cầm tù rồi. Chúng ta không nên vì y mà đâm chém nhau.
Ông nói lớn:
– Khi còn sinh tiền, vua Nhân-tông nhà Tống với bề trên của bản soái là Kinh-Nam vương đã kết làm huynh đệ. Lại nữa Yên-vương với Quốc-phụ của bản soái cũng kết làm huynh đệ. Hoá cho nên Tống, Việt trải mấy chục năm thanh bình. Bây giờ bọn văn quan mặt trắng bàn ra, nói vào với Hy-Ninh hoàng đế, để gửi ba trăm vị sang đây hầu chống với binh hùng tướng mạnh của Đại-Việt, thì thực là chúng muốn giết các vị. Các vị có nhận thấy không? Nếu như việc thành, thì công chúng hưởng. Nay việc thất bại, chúng sẽ đổ tội lên đầu các vị, liệu nay các vị trở về có thoát khỏi họa sát thân không? Thôi, hãy ngừng chém giết, chúng ta nói chuyện tử tế với nhau đã.
Yên-Đạt, Tu-Kỷ, cùng Trường-bạch ngũ hùng, Động-đình thất-Kiệt, được mời vào trong dinh tổng trấn thành. Thường-Kiệt nói với Quảng-Đông ngũ cái:
– Phiền năm vị cho làm một tiệc lớn, để bản soái tiễn Tu, Yên tướng quân cùng chư vị cao thủ trở về Tống.
Thường-Kiệt, Trí-Cao, Thuần-Khanh, Quảng-Đông ngũ cái chia nhau ra ngồi làm chủ vị để tiếp đãi bọn Tu-Kỷ. Thấy vắng bóng Long-biên ngũ hùng, Tuyết-sơn thập anh; Thường-Kiệt hỏi Trí-Cao:
– Long-biên ngũ-hùng, với Tuyết-sơn thập anh dâu rồi?
Đinh Nho-Quan chỉ ra ngôi nhà phía góc thành:
– Trình nguyên soái, năm tiểu tướng quân gặp mười vị anh hùng Tuyết-sơn... hai bên tâm đầu ý hiệp đã kéo nhau ra ngôi nhà kia đàm đạo rồi!
Thường-Kiệt cười:
– Cho hay thanh khí, lẽ hằng. Tuổi trẻ khí phách gặp nhau là thân nhau ngay. Khi xưa vua Nhân-tông với Kinh-Nam vương cũng vậy. Gặp nhau là gắn bó keo sơn liền. Phải chi tất cả tộc Hoa, tộc Việt đều có tình với nhau như đám trẻ này thì hay biết mấy!
Hoàng-Sơn thấy Thường-Kiệt hào sảng mà thanh cao, trong lòng y nảy ra sự kính phục:
– Nguyên soái dạy thực phải. Cái tình giữa võ lâm chúng ta vượt khỏi khuôn khổ ngôn ngữ, giống nòi. Anh em tại hạ vốn thích tiêu dao mây nước, thấy kẻ ác thì giết, thấy người cô thì bênh. Nhưng rồi chẳng may bị bọn cẩu quan biết tông tích, chúng đem quân bắt toàn gia giam lại. Trước cái thảm họa đó, anh em tại hạ phải đầu hàng triều đình, với điều kiện là cho anh em tại hạ được xung quân đánh bọn Liêu cẩu. Nhưng... bọn mặt dơi tai chuột trong Khu-mật viện lại đẩy anh em tại hạ sang đây để trợ kẻ ác Chế-Củ, nên mới bị cái họa này.
Huyền-Sơn tiếp lời sư huynh:
– Nói ra thực xấu hổ. Lúc mới tới đây, anh em tại hạ xông thuốc đánh Quảng-Đông ngũ cái, tưởng đâu ngoài thuốc giải của mình ra thì dưới gầm trời này không ai có thể cứu nổi. Không ngờ Viên-Chiếu bồ-tát chỉ vung tay một cái, đã giải độc cho ngũ cái.
Động-đình đệ nhất kiệt trở lại thực tế:
– Triều đình Hy-Ninh sai Tu, Yên nhị tướng dẫn anh em tại hạ sang đây mới mục đích chính là tìm bắt hết dư đảng của Nùng Trí-Cao, nhưng bề ngoài thì nói là giúp Chế-Củ. Bây giờ việc thất bại, nguyên-soái nghĩ tình võ lâm cho về Tống, thì anh em tại hạ vô cùng cảm kích. Nhưng... nhưng thời vua Thái-tông, các tướng sang đánh Đại-Việt bại ở Chi-lăng, Bạch-đằng trở về đều bị chặt đầu. Nay anh em tại hạ chắc cũng không thoát khỏi cái họa đó. Vậy mong nguyên soái tìm cho một kế an toàn.
Nùng-trí-Cao cầm chung rượu lên ực một cái hết sạch, rồi cười lớn:
– Trời ơi! Tôi nghe nói Động-đình nhất kiệt họ Từ tên Bá-Tường, xuất thân tiến sĩ, mưu trí có dư, thế nhưng chỉ vì cao ngạo, không chịu luồn cúi nên không được bổ nhiệm. Thế mà không nghĩ ra được kế an toàn ư?
Từ Bá-Tường không ngờ kiến thức Nùng Trí-Cao lại quảng bác đến thế. Y đứng dậy chắp tay:
– Tường này mong Nùng tiền bối chỉ cho con đường sống. Nguyện không quên ơn.
Trí-Cao chỉ Phạm Đình-Huy:
– Trí-Cao này làm gì có diệu kế mà hiến cho tiên sinh? Xin tiên sinh thỉnh danh sĩ Bá-Di thì hơn.
Phạm Đình-Huy đứng dậy nhìn tất cả đám võ-sĩ Tống:
– Huy này trước đây đã làm quan dưới triều vua Nhân-tông, ít nhiều biết về bọn hủ nho ở tòa Trung-thư lệnh. Bây giờ mà các vị về, chúng sẽ lôi những gì là trung quân, ái quốc, những gì là nhục mệnh quân vương ra để kết tội giết cả nhà các vị rất thảm khốc. Có đúng thế không Tu, Yên nhị vị tướng quân?
Mặt Yên-Đạt xám lại, y nói như người mất hồn:
– Đúng vậy!
– Hiện nay chỉ có cách là các vị ở lại bên Chiêm, hay bên Đại-Việt, thì gươm đao nào mà giết nổi các vị?
Một võ sĩ nói:
– Nhưng còn vợ con?
– Cái đó đâu có khó? Bây giờ chúng ta làm khổ nhục kế thì Tống triều làm sao mà biết được? Trước hết nguyên soái làm lễ tiễn các vị thực long trọng. Thế rồi thuyền dương buồm ra khơi, khi về đến gần đảo Hải-Nam thì thuyền quay trở lại. Ta thả xuống biển mấy mảnh ván thuyền cho mấy vị Từ, Tu, Yên bám lấy bơi vào bờ. Khi quan quân trên đảo vớt các vị về, các vị cứ nói rằng thuyền gặp bão bị vỡ, chỉ có mấy người sống sót.
Mọi người vỗ tay hoan hô.
– Còn gia quyến các vị.
Đình-Huy tiếp: cứ để cho họ để tang, khóc lóc. Đợi triều Tống sai quan về phủ tuất thì xin được ra bờ biển chiêu hồn, tế vọng. Bấy giờ ta dùng thuyền đón họ sang Chiêm, sang Đại-Việt. Dĩ nhiên ít lâu sau Tống triều sẽ biết. Nhưng biết thì cũng chỉ đến nuốt hận mà thôi.
Các võ sĩ vỗ tay hoan hô.
Đến đó thân binh vào báo:
– Hữu thiên ngưu vệ đại tướng quân Dư-Phi cùng các tướng Hoàng-Nghi, Lý-Đoan Ngọc-Liên, Trần-Ninh Ngọc-Hương xin cầu kiến!
– Mời vào!
Dư-Phi dẫn một đoàn vào thành. Lạ thay Hoàng-Nghi trông thấy Đinh Nho-Quan, nó cảm thấy như đã gặp nhau từ bao giờ, nhiều lần, tự nhiên trong lòng nó dâng lên một cảm giác thân ái, hồi hộp, lẫn buồn man mác. Đinh cũng đứng nhìn nó mà nói không lên lời.
Thường-Kiệt là Tả-kiêu vệ thượng tướng quân, lĩnh ấn nguyên nhung; đẳng trật của ông quá cách xa với Hữu thiên ngưu-vệ thượng tướng quân Dư-Phi. Nhưng vì Dư-Phi là đệ tử của Tôn-Đản, Cẩm-Thi, hơn nữa Dư là em sữa của ông, nên lúc nào ông cũng dùng tình anh em với Dư.
Dư-Phi cùng đám thiếu niên vào hành lễ với Thường-Kiệt:
– Trình sư huynh, bọn đệ tuân lệnh sư huynh, dùng chó sói, chim ưng lục khắp núi non phía Tây, nhưng cũng không thấy tung tích Chế-Củ đâu. Nên bọn đệ về chịu tội với sư huynh.
Thường-Kiệt nghiêm mặt nói:
– Sư đệ với Trí-Cao, Hoàng-Nghi thiết kế, để đến nỗi Lục-Đình biết được, lão tương kế tựu kế suýt nữa hỏng đại cuộc. Tuy sau đó sư đệ đã chuyển khách vi chủ thành công. Nhưng sư đệ quên mất một chi tiết quan trọng là trong kế hoạch, sư đệ dẫn dụ cho Chế-Củ ẩn về dẫy núi phía Tây, rồi bao vây bắt y phải không?
– Dạ!
– Thế mà khi kế bị lộ, sư đệ phải biết rằng Lục-Đình đã chuyển Chế-Củ đi nơi khác rồi chứ? Biết y được chuyển đi nơi khác, mà cứ hì hục vào núi phía Tây tìm y, thì có khác gì tìm chim?
–!!!.
– Khi nhận được báo cáo diễn tiến trận đánh, ta biết chắc Chế-Củ sẽ « tìm cái sống ở chỗ chết”, nên cho phục binh bắt y cùng tùy tùng không sót một mạng. Sư đệ thử đoán xem ta bắt y ở đâu?
Dư-Phi lắc đầu.
Hoàng-Nghi thưa:
– Chỗ chết của Chế-Củ có ba nơi, một là trong thành Pandurango, hai là Phong-sa-trang, ba là đèo Rundari. Vậy chắc y vượt rừng tiến về Pandurango.
– Đúng thế. Ta cho phục binh đón đường, bắt được y cùng với trên ba trăm bộ hạ thân tín. Hiện ta đã cho tất cả xuống hạm đội, giải về Đồ-bàn để hoàng-thượng phát lạc rồi.
Thường-Kiệt nhìn trên người « ông tướng” em sữa của mình: lưng đeo cái nhị (đàn cò), ngực phải một cái ống đựng tiêu... ông lắc đầu:
– Sư đệ xông pha trận mạc, thế có mang đàn hạc, đàn chó theo không?
Thường-Kiệt biết ông em sữa vốn mê âm nhạc, nhưng khi dẫn quân chinh tiễu, chắc y không mang đàn chó, đàn chim theo, cho nên ông hỏi đùa. Không ngờ Dư-Phi nghe anh hỏi, ông rút ống tiêu bên mình ra để lên miệng, tiếng tiêu cất lên cao vút tận tầng mây. Lập tức một đàn hạc từ đâu bay lại, bay lượn trên trời, uốn cánh theo nhịp tiêu.
Chư tướng, cùng đám võ sĩ Tống đều lắng tai nghe tiếng tiêu, hòa lẫn với tiếng hạc trên không. Bỗng chốc họ cảm thấy tạm rời xa cái cảnh chém giết nhau ru hồn vào điệu nhạc.
Chợt Đinh Nho-Quan nắm lấy tay Hoàng-Nghi:
– Này cháu, có phải cháu là đệ tử của sư cụ chùa Từ-quang làng Thổ-lội không?
– Vâng!
Mặt Nho-Quan tái đi, ông nói bằng giọng run run:
– Thế song thân cháu là ai?
– Cháu không biết. Cháu mồ côi từ nhỏ, được sư cụ nuôi dạy, rồi đặt cho cái tên là Hoàng-Nghi.
Thình lình Nho-Quan vung tay một cái, xé rách vạt áo trước ngực Hoàng-Nghi. Trên ngực nó hiện ra hình một con sư tử nhe nanh, múa vuốt. Mọi người còn đang ngơ ngác, thì ông cũng phanh áo trước ngực mình ra. Trên ngực ông cũng có hình con sư tử giống hệt con sư tử của Hoàng-Nghi. Ông nói trong hơi thở:
– Người là... người là con ta.
Nùng Trí-Cao cũng nói:
– Khi ta thấy cháu, nhìn nét mặt, nhìn cử chỉ, nhìn tướng đi, ta thấy cháu giống hệt Đinh hiền đệ. Thì ra hai người là cha con. Này cháu! Trước đây vua Đinh lấy biểu hiệu là con sư tử, nên tất cả những con cháu ngài đều xâm hình con sư tử vào ngực để dễ nhận nhau. Lúc Đinh đệ cùng ta thất bại ở Lưỡng-Quảng; Đinh đệ đeo cháu trên lưng, phá vòng vây thoát thân. Khi về qua Thổ-lội thì kiệt sức. Đinh đệ được sư Viên-Chiếu cứu sống. Đinh đệ đem cháu gửi sư Viên-Chiếu nuôi, để cùng ta đi giải cứu các bạn. Không ngờ trời xanh run rủi, hôm nay cha con cháu đoàn tụ ở đây. Mừng! Ta mừng cho Đinh đệ, cho cháu!
Ghi chú,
Theo QTNC và TTCTGCK thì: Sau trận đánh sang châu Khâm, Liêm, Ung, Nghi, Bạch, Dung bên Tống (1075), Đinh Hoàng-Nghi được phong Chính-tâm hầu, lĩnh ấn Quán-quân thượng tướng quân. Khi Quách-Quỳ, Triệu-Tiết, Yên-Đạt, Ty-Kỷ đem quân sang đánh Đại-Việt (1076-1077), Đinh Hoàng-Nghi tuẫn quốc, triều đình truy phong là Hiển-uy, Trung-Nghĩa, Duệ-mưu đại vương, phu nhân được phong Nghi-hòa, Tuyên-đức, Trang-duệ công chúa. Đinh Nho-Quan là cha, được cắt đất vùng Trường-yên phong cho để phủ tuất. Chỗ đất đó nay vẫn mang tên là Nho-quan? Ở Pháp, hiện có văn hữu Đinh Nho-Tiêu, là hậu duệ của Đinh Hoàng-Nghi, nhưng thuật giả không biết là cháu đời thứ mấy của vua Đinh?