Ngồi nơi phòng khác nhà họ Dương, Vân Lâu thấp thỏm, lòng chàng đầy thù hận và phiền muộn. Cơn giận một năm trước chưa nguôi, bây giờ phiền nhiễu cũ lại tái diễn? Tại sao? Tại sao cha mẹ cố chấp và độc tài coi thường tình cảm và lòng tự ái của con cái? Tại sao không bao giờ chịu hiểu cái hoàn cảnh và hạnh phúc mà con cái đang hưởng? Ai đã cho cha mẹ cái quyền phá vỡ hạnh phúc của con cái? Một năm trước, khi Vân Lâu đang sống hạnh phúc tràn trề, thì cha chàng đã như tử thần mang nàng đi khỏi vòng tay đầm ấm. Bây giờ chàng vừa tìm thấy hạnh phúc thì ông lại lù lù xuất hiện. Tại sao? Tại sao? - Ông ấy đúng là kẻ thù của hạnh phúc! Vân Lâu lớn tiếng hét to lên. Chàng không hiểu tại sao mình lại hành động thế. Bà Dương ngồi bên cạnh đan áo, ngừng tay ôn tồn bảo chàng thanh niên nóng tính: - Tôi thấy tốt nhất là cậu nên ngồi xuống bình tĩnh một chút. Cậu cứ tới lui mãi thế này đầu óc tôi cũng căng thẳng. Vân Lâu vẫn bực mình: - Chắc chắn cha cháu cho người theo dõi, dò xét cháu, bằng không làm gì biết chuyện Tiểu My. - Có thể lắm. Dù sao ông ấy cũng là cha cậu. - Nhưng cháu không cần. Bà Dương trách: - Cậu đừng nói vậy, không phải! - Bác không hiểu chứ, tình cảm cha cháu... - Làm sao tôi lại không hiểu? Sợ tôi còn hiểu nhiều hơn cậu nữa là... Bà Dương vừa cười vừa nói. Vân Lâu chợt nhớ ra mối tình của cha và bà Dương ngày trước, chàng im ngay. Nhưng cái bực bội vẫn không nguôi, Vân Lâu như con thú lồng lộn trong chuồng, hai tay thừa thãi, lúc khoanh ngang ngực, lúc lại chắp ra sau. Bà Dương lo sợ vì tính tình ông Mẫn bà hiểu quá rõ, tính của Vân Lâu bà cũng biết nhiều. Hai cha con mà đụng nhau thì phải biết. Dù thế nào đi nữa, bà vẫn thấy tình cảm mình thiên về phía Vân Lâu. - Cậu Lâu, cậu cứ yên tâm, lần này cha cậu không thể làm vỡ hạnh phúc của cậu đâu. - Sao bác biết? Bà Dương nhìn ra ngoài trời: - Tôi biết, tất cả mọi sự kiện đều phải theo định luật thiên nhiên, không thể chống lại thiên mệnh. Trời có mắt người cũng có lòng... Vân Lâu hậm hự: - Với cha cháu thì không bao giờ có chuyện đó. Cha cháu tự cho mình cái quyền tối thượng đối với con cái. Ngoài cửa có tiếng còi xe, cơn giận nửa chừng của Vân Lâu bị cắt ngang. Bà Dương nói ngay: - Họ đến rồi đấy. Vâng họ đã đến. Ông Dương vào trước, mang hành lý của ông Mẫn vào, cha của Vân Lâu theo sau. Chiếc bóng cao lớn của ông làm khuất cả ánh sáng chiếu vào phòng. Bà Dương đứng bật dậy, mắt chạm mắt, bao nhiêu năm không gặp nhau, ông Mẫn vẫn không có gì thay đổi, vẫn cao ngạo, tự tin, lạnh lùng. Có điều người đã già đi, mập ra, mái tóc điểm sương tạo cho ômg một dáng dấp uy nghi. Bà Dương bước tới với nụ cười trên môi: - Anh Mẫn, lâu quá không gặp anh! Dáng dấp cao quý như một mệnh phụ của bà Dương làm ông xúc động. Thời gian không để lại dấu vết tàn phá nào, trái lại còn tăng thêm vẻ đẹp thiếu phụ của bà. Điều này chứng tỏ rằng đời sống của gia đình cố nhân của ông đầy hạnh phúc. Đó chính là lý do làm ông Mẫn ghen tức và khó chịu. - Cô Nhã, cô vẫn đẹp như ngày nào. Hai năm nay chắc cô cũng bực mình với Vân Lâu lắm phải không? Ông Mẫn vẫn gọi bà Dương bằng tên của bà thời con gái. Nhưng thái độ ông thật nhạt nhẽo khiến bà Dương cảm thấy bị sỉ nhục. - Cả năm nay Lâu đâu có ở đây. Nếu có ở đây chắc ông cũng không hài lòng đâu, - Thôi bỏ qua chuyện đó đi. Ông Mẫn gạt ngang - Tất cả đều do lũ trẻ ngu dại gây nên cả. Quay sang Vân Lâu, ánh mắt ông nghiêm khắc trở lại – Vân Lâu! Vân Lâu đứng yên nơi cửa, lòng buồn vô cùng. Người cha trước mặt là đá, một hòn đá sẵn sàng đập vỡ nát quả tim của Vân Lâu. - Cha! - Cha? Với một đứa con biết vâng lời như mày mà còn biết gọi tao là cha nữa sao? Ông Dương cản ngăn: - Thôi anh Mẫn ạ, nghỉ ngơi một chút cho khỏe rồi nói chuyện sau. Ngồi xuống đi nào, anh uống gì? Nóng hay lạnh? Nước cốt dừa nhé? Bà Dương chen vào: - Anh ấy không thích uống nước lạnh đâu. Anh Mẫn dùng trà nóng nhé? Ông Mẫn ngồi xuống ghế, lau mồ hôi trên trán: - Uống cái gì cũng được. Nhờ gian phòng có gắn máy lạnh nên không khí bắt đầu dịu hơn. Ông Mẫn ngồi đối diện với ông Dương, nói như phân bua: - Anh không biết chứ tôi khổ vì thằng Lâu không biết bao nhiêu mà kể. Người ta cũng có con lớn như tôi, nhưng người ta đâu có nhọc lòng như vậy? Bà Dương chen vào: - Tôi nghĩ, có lẽ sự hiểu lầm nào đó chăng? Quay sang Vân Lâu, bà gọi – Lâu, cậu làm gì đứng đấy mãi thế? Sang đây hầu chuyện cha cậu đi? Ông Mẫn nổi nóng: - Làm gì có chuyện hiểu lầm, tụi nó cứng đầy cứng cổ như vậy đó. Bảo nó học Khoa Học, nó lại không chịu bỏ qua học Mỹ thuật cái quái quỷ gì không biết. Ở nhà chọn Mỹ Tuyên cho nó, nó lại không chịu cứ đòi cưới cho được con Hàn Ni. Bây giờ Hàn Ni chết rồi nó lại cặp bậy cặp bạ với mấy con ca sĩ... - Cha! Vân Lâu cắt ngang, chàng bước tới trước mặt ông Mẫn với thái độ hùng hổ - Cha đừng nói vậy tội cho người tạ Người ta hành nghề ca sĩ chẳng qua vì miếng ăn, vả lại nghề đó đâu có gì xấu đâu mà cha khinh miệt. Tiểu My sợ còn trong sạch, đứng đắn hơn bao nhiêu đứa con gái con nhà lành khác chứ đừng nói chi. Ông Mẫn trợn mắt: - Mày giỏi lắm, tao chưa nói gì mà mày đã hét to như vậy, mày có coi cha mày ra gì nữa đâu! Bà Dương giảng hòa: - Thôi mà, có chuyện gì thì từ từ mà nói, chứ làm gì mà la hét như vậy? Vân Lâu quay sang bà Dương: - Bác thấy đó, cha cháu coi thường người ta như vậy ai mà chịu cho được. Bà Dương nhìn ông Mẫn, bà muốn xoa dịu cái không khí căng thẳng: - Anh Mẫn, theo tôi thấy tốt nhất anh đến gặp Tiểu My xem sao. Bây giờ dẹp chuyện đó sang bên đi, tối này chúng tôi xin mời anh dùng cơm ở nhà hàng Thống Nhất. Ông Mẫn trừng mắt bảo bà Dương: - Tôi làm gì mà phải đến gặp mặt con đó chứ? Chuyện này có liên hệ gì đến cô đâu mà cô lại chen vào? - Anh Mẫn, hai mươi năm rồi mà tánh anh vẫn không thay đổi tí nào cả, vẫn cố chấp vẫn gàn bướng. Tôi không nói giúp Vân Lâu gì đâu, nếu anh gặp Tiểu My, anh sẽ thấy ngay cô ấy không phải là loại gái như anh tưởng. Cô ấy rất dễ thương, biết suy xét và rất xứng đáng với Vân Lâu. Gương mặt ông Mẫn thật khó chịu: - Tôi biết mà, lúc xưa gửi con tôi cho ông bà tôi cứ tưởng là... Không ngờ ông bà đã dạy được cho nó quá nhiều điều hay, dạy nó cãi lại mẹ cha, vào phòng trà, vào vũ trường trụy lạc... Ông Dương bực mình đứng dậy: - Anh Mẫn, anh đừng nói vậy. Anh hỏi lại con anh xem tôi đối với nó ra sao? Tại sao anh đặt nặng vấn đề như vậy? Với chuyện Hàn Ni chúng tôi đã không muốn nhắc đến, không ngờ hôm nay anh lại khơi lại, dù sao anh cũng phải nể tình bằng hữu trên ba mươi năm của chúng ta chứ. Ông Mẫn cười lạnh lùng: - Phải, tôi đã gặp bạn tốt nhất. Bà Dương đứng dậy, bà khó chịu ra mặt: - Thôi được rồi! Tình hình này tôi thấy mục tiêu anh sang đây không phải vì Vân Lâu mà là vì muốn trách vợ chồng chúng tôi. Ông Mẫn dịu xuống một chút: - Không phải tôi sang đây để trách cứ ông bà. Nhưng tôi đã gửi gấm Vân Lâu thì ông bà phải coi nó như con ruột của mình mới phải chứ. Phải dạy bảo nó chứ sao lại để nó vào phòng trà, mê ca sĩ như vậy? Hôm nay tôi sang đây, để răn dạy nó, ông bà không giúp thì thôi sao lại còn bênh vực nó... Bà Dương xúc động: - Chúng tôi bênh vực Vân Lâu là vì Vân Lâu chẳng có tội tình gì cả. Nếu anh bình tĩnh một chút, chịu khó nghĩ lại một chút, tôi chắc chắn anh sẽ thông cảm cho chúng nó ngay. Ông Mẫn lớn tiếng: - Tội mê đào hát của nó có thể tha thứ được à? Nó sang đây để học chứ đâu phải để sa đọa? Vân Lâu lên tiếng biện hộ: - Nhưng con có bỏ học đâu? Trong lớp con có thua ai đâu? Không tin cha đến trường hỏi sẽ biết. Vả lại lúc gần đây con có đến vũ trường, phòng trà đâu? Tiểu My thôi hát rồi mà! Ông Mẫn thở khói: - Thôi bỏ qua chuyện đó đi, bây giờ tao hỏi mày, chuyện mày với con ca sĩ đó mày tính sao? Thái độ Vân Lâu cương quyết: - Con sẽ cưới nàng! - Cái gì? ông Mẫn ngồi ngay lại – Mày nói sao? Mày muốn giết tao hả. Cưới nó? Cưới một con đào hát? Mày dám nói câu đó với tao à? Vân Lâu vẫn bình tĩnh: - Con nói là con làm. Vả lại ca sĩ cũng là con người vậy, quan niệm của cha cổ hủ quá rồi. - Mày dám nói thế với tao à? Ngu xuẩn như vậy là đủ rồi. Tao nhất định không chấp nhận đấy, mày phải về Hương Cảng ngay với tao. Vân Lâu không nao núng: - Thưa cha, con đã đến tuổi trưởng thành, con có thể quyết định cuộc đời con không cần ai lo cả, có quyền làm chủ đời con chứ! - Giỏi lắm, mày lớn rồi, mày trưởng thành rồi, tao không có quyền dạy dỗ mày nữa. Được rồi, nhưng tao cho mày biết, nếu mày không cắt đứt liên lạc với con ca sĩ đó, tao sẽ từ mày ngay. Từ đây mày đừng hòng bước chân vào cửa nhà tao, cũng như đừng hòng xài của tao một cắc bạc... Vân Lâu ngẩng đầu lên: - Thưa cha, một năm trời nay con có xài của cha một cắc bạc nào không? Ông Mẫn cười gằn: - Hừ, mày tưởng là mày không xài tiền tao à. Mày đã tự lập rồi sao? Đừng lầm con ạ, con cứ hỏi bác Dương con sẽ rõ, việc con đang làm cho cơ sở quảng cáo kia là do ai giới thiệu? Bác Dương à? Ha! Ha! Ông Dương khó chịu: - Anh Mẫn, sao anh lại nói thế? Đột nhiên, Vân Lâu thấy ớn lạnh cả xương sống, mồ hôi toát ra như tắm. Bây giờ thì chàng đã hiểu rồi, thì ra... Hèn gì có nhiều lúc chàng bỏ bê công việc ở hãng mà chẳng ai phiền trách gì cả? Mẫu quảng cáo vẽ ra thì nhiều nhưng có mấy cái được dùng đâu. Thế mà mỗi tháng lương vẫn đầy đủ. Thì ra... thì ra... Vân Lâu mở to mắt nhìn cha, lắp bắp: - Tất cả đều... do cha sắp đặt cả à? - Hừ. Ông Mẫn cười một cách đắc ý – Bây giờ cậu mới hiểu à? Cậu đừng lớn lối trước mặt tôi, công việc đâu có dễ kiếm như cậu nghĩ đâu? Cậu đâu có biết sự liên hệ giữa công ty với tôi thế nào. Cho cậu biết lông cừu bao giờ cũng lấy từ thân cừu, bây giờ cậu biết rồi chứ? Vân Lâu cắn môi, đột nhiên chàng thấy choáng váng muốn xỉu ngay. Khuôn mặt cha càng lúc càng to, lời nói của cha sang sảng vọng mạnh vào màng nhĩ. Vân Lâu rùng mình, cứng miệng không nói gì được cả. Có tiếng bà Dương nói: - Anh Mẫn, anh tàn nhẫn quá! Vân Lâu quay nhanh lại, nhìn thẳng vào vợ chồng ông Dương, nước mắt tràn ra mi, chàng tức nghẹn: - Hai bác cũng đồng lõa trong vụ lừa gạt cháu nữa sao? Ông Dương lên tiếng: - Cậu Lâu, cậu bình tĩnh lại đi. Sự thật không như cậu nghĩ đâu. Lúc đầu quả thật hãng quảng cáo thu nhận cậu là vì thể diện của cha cậu, nhưng sau một thời gian, cậu làm việc quả có tiến bộ, được nhiều khách hàng yêu chuộng nên hãng trọng dụng... Vân Lâu tuyệt vọng: - Không, tôi không tin. Thôi được rồi! Vân Lâu quay sang ông Mẫn - Được rồi, tôi sẽ bỏ việc. Tôi sẽ không xài đồng tiền của cha nữa, thử xem tôi có chết đói không! Ông Mẫn chau mày: - Mày nói thế là thế nào? Mày nhứt định không bỏ con đào hát đó à? - Không. - Mày cưới nó? - Vâng! - Thôi được rồi, kể như mày có lý đi, nhưng gia đình con ca sĩ đó có bằng lòng không? - Bằng lòng. - Nếu nó biết rằng từ đây tao sẽ không cho mày lấy một xu, nó vẫn nhận lời mấy chứ? Vân Lâu cười buồn: - Cha, cha đừng có xem thường người ta như vậy. Tiểu My không phải là hạng người chỉ biết có tiền, nàng đã hiểu con nghèo từ lâu rồi. Ông mẫn cười nhích môi cười nhạt: - Sợ không phải chứ, đối với hạng ca kỹ tao biết rõ quá mà! - Vậy thì cha cứ chờ mà xem! Vân Lâu nói với tất cả tự tin, ông Mẫn chỉ còn biết giận dữ đứng dậy: - Được, tao sẽ chống mắt xem tụi bay đi đến đâu cho biết. Rồi ông bỏ ra cửa, ông Dương gọi theo: - Anh Mẫn, anh đi đâu đấy? Ông Mẫn xách hành lý lên: - Đến khách sạn. Ông Dương giữ lại: - Làm gì lạ vậy, anh đến Đài Loan để ở khách sạn sao? Nhà chúng tôi biết bao nhiêu là phòng trống? Ở lại đây với chúng tôi đi. Dù sao anh cũng chưa hiểu rõ chuyện Tiểu My với Vân Lâu thì ở lại tìm hiểu thêm rồi hãy quyết định. Ông Mẫn vẫn cương quyết: - Tôi không ở lại, cũng không cần tìn hiểu thêm. Thằng Lâu cứng đầu cứng cổ thì tôi còn gì để nói với nó nữa đâu! - Dù sao anh cũng nên ở lại! Ông Dương cố nói, nhưng ông Mẫn vẫn từ chối: - Đừng làm tôi khó chịu anh Dương. Tôi thích ở khách sạn vì nó tiện nghi và thoải mái hơn. Bà Dương giảng hòa: - Thôi được rồi đừng nài ép anh Mẫn nữa. Anh Dương anh lấy xe đưa anh Mẫn đến khách sạn Thống Nhứt đi. Ông Dương yên lặng, đưa ông Mẫn ra cửa. Vẫn chưa nguôi cơn giận, ra đến cửa ông Mẫn còn ngoái đầu lại, lớn tiếng với Vân Lâu: - Tao sẽ chống mắt xem tình yêu của chúng mày kéo dài được mấy bữa cho biết! Vân Lâu đứng thẳng lưng, chàng nhìn theo bóng cha với tất cả hậm hực. Trong lúc bà Dương bước ra cửa, xe vừa rồ máy, bà cúi người xuống, chồm người vào khung cửa kính nói với theo: - Anh Mẫn, dù sao anh cũng có một đứa con ngoan, đừng cố chấp quá mà mất nó. Suốt quãng đời anh đã mất mát nhiều thứ rồi, đừng để mất thêm một cái gì nữa, nhất là con anh. Ông Mẫn ngẩn người ra, mấy câu nói của bà Dương như những tiếng nói tự đáy lòng ông. Ông bàng hoàng. Mối tính cũ ray rức trong tim. Sự cứng rắn đột ngột băng hoại hóa đá. Xe chạy xong, bà Dương trở vào nhà nhìn Vân Lâu ngồi yên trong lòng ghế, bà tiến tới đặt tay lên vai cậu thanh niên: - Đời sống bao giờ cũng đầy gian nan, cậu phải can đảm lên mới thắng được. - Cháu không phải không có can đảm, nhưng cháu thấy khó chịu không hiểu sao con người lại chẳng chịu cảm thông nhau. - Làm sao cảm thông nhau được. Khi giữa cha mẹ và con cái có một khoảng cách to!