Chương 3

Khả Tú đỡ Nhã Lợi ngồi tựa người vào thành giường, cô trao ly cà phê cho bạn, vỗ về:
– Rồi sẽ qua thôi, sẽ không ai mãi khổ. Cậu buồn có ích lợi gì đâu, sinh bệnh, anh ta cũng đâu có biết. Tiếc làm gì thứ nhu nhược nghe lời mẹ, cậu hãy nghĩ việc xa anh ta là điều tốt cho cậu.
Khả Tú còn nói nữa... ọc ọc... Mới uống mấy hớp sữa, Nhã Lợi đã vội bỏ sữa xuống giường mà nôn. Nôn thốc nôn tháo, nôn đến mệt nhoài. Đã vậy, đầu cô cứ quay quay chóng mặt. Mồ hôi vã ra trên trán, mệt kinh khủng, Nhã Lợi thở dốc. Khả Tú vớ cây quạt nan, cô vừa quạt vừa lau mồ hôi cho Nhã Lợi, cô vừa thương bạn vừa ghét Trần Hoàng. Trên đời sao có loại đàn ông nhu nhược vô dụng như thế, tuyệt đối nghe lời mẹ, bỏ vợ.
– Cậu bệnh như thế này nửa tháng rồi chớ ít hay sao. Nghe lời mình đi bác sĩ đi Lợi, bộ muốn bệnh hoài cho thành con ma dở dở ương ương hay sao?
Nhã Lợi khép mắt lại. Cô bắt đầu sợ những ngày bệnh của mình, nó hành hạ cô không chút tiếc thương. May nhờ có Khả Tú, nếu không còn thê thảm hơn.
Lấy áo khoác ngoài cho Nhã Lợi, Khả Tú dìu cô ra đường đón xe đến phòng khám.
Nhã Lợi rầu rầu:
– Chắc tại mình quá suy sụp nên cứ đau dai dẳng.
Khả Tú chì chiết:
– Cậu nhìn xem, cậu giống như con ma vậy. Trần Hoàng có thấy cậu, dẫu còn thương, anh ta cũng bỏ cậu chạy đi luôn.
Nhã Lợi ứa nước mắt. Từ buổi ra đi đến nay, cô sống như loài du mục, bám vào Khả Tú. Cô thấy nhớ Trần Hoàng và vòng tay ấm nồng đêm chia tay, tất cả chỉ còn là kỷ niệm.
Vị bác sĩ khám, đo tăng– xông và bắt mạch cho Nhã Lợi, mỉm cười:
– Cô sắp làm mẹ đó, không biết sao?
Nhã Lợi thảng thốt. Cô có nghe lầm không vậy?
– Làm mẹ?
– Đúng vậy! Mang thai con so bao giờ cũng có triệu chứng này. Cô đừng quá lo lắng. Nhớ giữ gìn sức khỏe, cô yếu sức lắm đó.
Nhã Lợi ngỡ ngàng. Cô mang thai. Điều mơ ước từ 3 năm qua không ngờ mãi bây giờ mới có, khi Trần Hoàng vừa cưới vợ, khi cô vừa có 2 chữ "tự do".
Đưa Nhã Lợi ra về, Khả Tú băn khoăn:
– Tại sao vậy Lợi? Có thai gì kỳ vậy? Lúc cần lại không có, bị bỏ rơi thì vướng bầu. Rồi cậu tính sao? Phải báo cho Trần Hoàng biết để anh ta lo chứ.
Đưa tay lau nước mắt, Nhã Lợi cúi đầu im lặng. Cô cũng đang quá bối rối, không biết mình nên có thái độ nào. Nỗi khát khao được làm mẹ, bây giờ được bù đắp, nhưng chẳng đúng chỗ đúng lúc chút nào.
Thật lâu, Nhã Lợi lắc đầu:
– Mình không muốn báo tin cho anh ấy biết. Để làm gì? Anh ấy đã cưới vợ, ngay sau khi mình rời nhà chưa quá 1 tháng. Mình sẽ sinh con và nuôi con khôn lớn bằng chính khả năng của mình.
Khả Tú mỉm cười:
– Tưởng cậu sẽ báo tin cho anh ta rồi cam tâm chịu làm phòng nhì, chịu cho người ta sỉ nhục đánh ghen chớ. Tớ hoan nghênh quyết định của cậu. Cậu đừng lo, bây giờ mình đi làm có đồng lương rồi. Ngày xưa cậu từng giúp mình, bây giờ mình bỏ cậu thì mình nên sống với... chó chớ sống với ai.
Đang buồn, Nhã Lợi cũng phải phì cười. Cô lườm bạn:
– Về nhà đi! 1 lát, cậu đi mua thuốc giùm mình nghe?
– Ừ. Cậu cũng phải nhớ uống. Ai chớ cậu là mình biết, chúa sợ thuốc luôn. May là cậu và Vũ Văn không có duyên nợ. Chứ nếu không, chồng làm bác sĩ, vợ sợ thuốc.
Nhã Lợi nắm tay Khả Tú, lắc đầu:
– Đừng nhắc đến Vũ Văn nữa! Mình phụ người ta mà, cho nên ông trời trừng phạt mình đó.
Nhắc đến Vũ Văn, cả 2 cùng lặng im. Vũ Văn đang ở rất xa và có lẽ anh đã quên tất cả rồi. 3 năm, 1 thời gian không ngắn không dài nhưng đủ để quên 1 mối tình từ thuở học trò.
– Nhã Lợi này! Cậu sẽ nhất định không gặp lại ba của con cậu chớ?
– Ừ. Cậu không tin?
– Tin nhưng sợ. Dù sao cậu và anh ta cũng 3 năm chăn gối mặn nồng. Nếu biết cậu có mang, nhất định ảnh sẽ mừng và tìm cậu, cậu yếu lòng lại sống với nhau.
– Mình sẽ không bao giờ trở lại với anh ấy. Mình ghét tính cách nhu nhược và quá hiếu thảo của anh ấy. Tại sao anh ấy không biết tranh đấu với mẹ chứ? Hay vì ảnh cũng thích cô ta?
Hỏi để mà hỏi, và Nhã Lợi lại lao vào cái vòng đau đớn, bị bỏ rơi, vòng tay, ánh mắt, vành môi từng là của cô, bây giờ của người phụ nữ khác mất rồi. Đêm đêm, cô chiếc bóng nhớ thương lệ đầm đìa. Còn anh, có ngàn lần ân ái và say đắm cùng vợ mới.
Trái tim Nhã Lợi đau đớn, xót xa. Cái đau đớn của người vợ bị phụ tình.

*

Trần Hoàng gắt gỏng:
– Sao em không lo chuyện nhà vậy? Cứ suốt ngày đi bên ngoài, 2 buổi cơm nấu cho mẹ và anh cũng không có được. 7 giờ tối mà bếp núc lạnh tanh, nền nhà nhớp bụi, bàn ghế bẩn thỉu, chưa bao giờ nhà cửa tệ đến như thế này.
Chẳng xem sự khó chịu của Trần Hoàng vào đâu, Hồng Loan ngồi ngả người trên ghế, như quá mệt mỏi. Cô cong cớn vươn vai, 1 chân móng sơn đỏ lên bàn, lạnh lùng xẳng giọng:
– Má đi đánh bài suốt ngày. Còn anh nay đi ăn tiệc, mai ăn đám, em nấu cơm cho ai ăn đây.
– Em nói cái gì vậy? Lâu lâu cơ quan mới có tiệc. Em phải nấu cơm cho anh ăn mỗi khi đi làm về chớ.
Hồng Loan vùng vằng:
– Ăn mà luôn chê thì ăn làm gì? Em biết em không bằng cô ta, hầu anh hầu mẹ không khéo, nên anh đâu có yêu thương gì em, anh luôn nhớ vợ cũ của anh mà. Biết như vậy, em chẳng chịu ưng anh đâu. Cưới em chẳng qua cần 1 cái máy đẻ, 1 con ở phục vụ cho anh với mẹ anh mà thôi.
Trần Hoàng sững sờ:
– Em nói như vậy mà nghe được à?
– Tại sao không được! Anh sống chung với em là do bị ép buộc, chớ trong lòng anh vẫn còn nhớ cô vợ cũ của anh. Anh tưởng em ngu lắm, đến không biết gì cả hay sao?
Trần Hoàng thở dài:
– Trước khi về đây làm vợ anh, em biết rõ tính cách của anh rồi kia mà.
– Anh nói như vậy có nghĩa là em phải chấp nhận việc anh ở với em mà trái tim của anh vẫn còn đầy hình bóng của vợ anh?
– Em biết mà Hồng Loan. Chuyện tình cảm đâu phải nói quên là quên, huống chi anh và Nhã Lợi chia tay không quá 1 tháng, mẹ đã buộc anh phải cưới em. Em nên thông cảm và tha thứ cho anh.
Hồng Loan giễu cợt:
– Nhã Lợi vô sinh, mẹ anh cưới em cho anh, bà cần đứa cháu nội chớ đâu cần biết em có đảm đang, có đức hạnh hay gì gì đi nữa. Còn anh, muốn em phải dịu dàng và biết chịu đựng chiều chuộng anh, xin lỗi à, em chỉ có thể sinh con, còn đảm đang đức hạnh... để xem. Em quen sống tự do, cha mẹ nuông chiều từ nhỏ. Em thích người khác chiều em chứ không phải em chiều người khác. Anh chưa quên được vợ anh, thì đừng có đòi hỏi bất kỳ điều gì nơi em.
Trần Hoàng lạnh lùng:
– Được. Vậy em cứ vui chơi đi. Bao giờ chán thì sang nhà bác Hương rước mẹ về.
– Để làm gì, để đưa tiền cho mẹ anh đi đánh bài chắc? Em nói không đúng hay sao còn nhìn em?
– Em cho rằng mẹ cần tiền của em?
– Mẹ anh lợi dụng em. Nè, mẹ anh đâu có cho tiền em xài, mà đi đâu còn được người ta kính nể là làm sui với bà chủ tịch huyện.
– Lớn quá vậy?
– Chứ còn gì nữa, ba em khôn phải là người có địa vị và giàu có trong cái huyện này sao? Anh đừng có quên tiền đám cưới anh và em, người ta đi rất nhiều. Đã vậy, ba em còn tặng cho anh chiếc ghế vững vàng ở ngân hàng.
Trần Hoàng kêu lên:
– Hồng Loan!
– Đừng có gọi tên em! Em ghét cái kiểu ấy. Nếu em không có của hồi môn là tiền vàng, mẹ anh có mờ mắt vội đuổi vợ anh đi không? Phải nói là em cưới chồng chứ không phải anh cưới em.
Trần Hoàng ngớ người ra. Dĩ nhiên là anh không biết những chuyện lằng nhằng này. Anh là người bị đặt để, hèn nào Hồng Loan mới quá quắt như vậy, cô chẳng xem anh ra gờ– ram nào...
Anh còn chưa biết nói như thế nào, thì cô đã hất mặt chanh chua:
– Cứ xem như mẹ tôi bù của, khi tôi chẳng cho anh được cái nghìn vàng.
Chuyện như vậy mà cô cũng dám nói ra, Trần Hoàng lắc đầu chào thua. Hồng Loan chưa chịu thôi:
– Em lấy anh là để có danh phận mẹ anh thì được lợi, làm sui với ông chủ tịch huyện. Chúng ta đều có thế giới riêng của nhau, như vậy đi, cho đỡ bực mình.
Trần Hoàng châm biếm:
– Nếu em muốn vậy, anh càng vui lòng hơn và càng biết ơn em. Em còn muốn nói gì nữa, nói ra cho hết đi!
Hồng Loan thản nhiên săm soi mặt mình vào chiếc gương nhỏ:
– Khi nào nghĩ ra, em sẽ nói tiếp, chỉ sợ anh không dám nghe.
Tức mình trước kiểu nói đâm hông kia, Trần Hoàng ra xe giận dữ lái đi. Đây là cái giá anh phải trả cho hành vi tiếp tay mẹ, phụ bạc Nhã Lợi. Không hiểu mẹ có chịu sáng mắt ra chưa?
Hồng Loan cần 1 người chồng để cho cô qua cái tuổi lỡ thời, ế ẩm khi mà người đàn ông chỉ nhìn thấy ở cô là 1 người tình tốt hơn là làm vợ.
Càng nghĩ, anh càng đau và càng nhung nhớ người vợ 1 thuở đã cùng anh chăn gối mặn nồng.
Nhã Lợi ơi! Em ở đâu?

*

Bây giờ không còn là căn nhà bề thế sang trọng nữa. Cái thuở vàng son hưng thịnh ấy chấm dứt rồi. Và thói đời, "giậu đổ thì bìm leo" ấy, muôn đời vẫn như thế.
Gia đình Nhã Lợi bỏ nơi chôn nhau cắt rún của mình, để đi đến phương xa, không còn 1 ai quen biết. Cái cảnh, cơ hàn cùng khổ ấy giống như ngày mới sinh Nhã Lợi ra đời.
Đã vậy, bây giờ Nhã Lợi còn bị ruồng rẫy. Sau nửa tháng đau ốm, hôm nay cô có vẻ khởi sắc hơn 1 chút. 2 mẹ con cùng lặng im ngồi trên chiếc ghế đá cũ. Bóng chiều đổ dài, tia nắng, cuối cùng rồi cũng tắt, nhường cho màn đêm buông xuống.
– Tối rồi, vào nhà đi con. Mẹ dọn cơm 2 mẹ con cùng ăn nha?
Nhã Lợi lắc đầu:
– Mẹ ăn đi, con không thấy đói.
– Không đói cũng phải ăn chớ con. Bây giờ là ăn để sống.
Nhã Lợi nắm tay mẹ áp lên má:
– Con có ăn vào nó cũng đâu ở lại bụng con. Mỗi lần nôn, con sợ lắm mẹ ạ. Mệt muốn đứt thở luôn.
– Phải ăn 1 chút con ạ. Có như vậy cái thai mới mạnh được.
Nhã Lợi xúc động. Bây giờ cô chỉ còn có mẹ. Ba đi tù vì nợ nần phá sản, cô bị chồng hắt hủi bỏ, nhưng cô sẽ là điểm tựa cho mẹ nương tựa vào. Nếu không, mẹ sẽ suy sụp mất, và điều gì sẽ xảy ra, Nhã Lợi không dám nghĩ đến.
Bà Hiền vuốt tóc Nhã Lợi, ngậm ngùi:
– Tất cả tại mẹ! Ngày xưa ép con ưng Trần Hoàng, mẹ thấy nó hiền, biết lo làm ăn, con có chỗ nương tựa tốt. Ai ngờ nó nhu nhược quá, nghe lời mẹ ruột bỏ vợ.
Nhã Lợi ứa nước mắt:
– Chuyện qua rồi bỏ đi mẹ! Mẹ nhớ hoài rồi lại buồn sinh bệnh. Mẹ còn phải lo cho ba nữa.
– Không biết... Vũ Văn bây giờ ở đâu? Con biết nó ở đâu không?
– Dạ không! Con cũng không muốn biết, mẹ ạ. Chính con phụ bạc anh ấy mà.
– Còn ba mẹ thì khinh nó nghèo. Con có giận mẹ đã làm khổ đời con không?
– Dạ, con đâu dám! Ơn cha nghĩa mẹ như trời biển. Con sẽ bắt chước anh Hoàng, là cha mẹ khó tìm chứ chồng vợ thì kiếm đâu mà không có hả mẹ? Mẹ ạ! Có nhiều lúc con nghĩ hay mình cứ bỏ cái thai này.
– Kìa con, đừng như vậy, ác lắm!
– Nhưng mà mẹ con mình sống ra làm sao đây?
– Đói cũng phải nuôi. Bất quá mẹ lại đi buôn bán ve chai như ngày xưa vậy.
– Mẹ!
Nhã Lợi kêu lên, cô ngả vào lòng mẹ khóc âm thầm.
– Có ai ở nhà không?
Tiếng nói sang sảng vang lên. Nhã Lợi lau nước mắt mừng rỡ:
– Mẹ ơi! Cậu Tư đến!
Cặp gà trên tay cậu Tư vùng vẫy, mồm kêu oang oác, cậu đưa cho Nhã Lợi:
– Cậu cho đó, để ăn cơm hay nấu cháo gì đó. Sao, ở đây có thoải mái không?
– Dạ, cũng thoải mái cậu ạ. Chiều gió từ sông thổi lên mát lắm. Cậu nói chuyện với mẹ, con đi cột 2 con gà này lại.
Ngồi xuống cạnh chị Hai mình, cậu Tư thở dài:
– Chị thấy nghèo khổ chưa. Đã có tiền người ta làm ăn thận trọng 1 chút đi. Phân bón cũng bán, xác mì cũng thầu, cứ thấy cái gì lời nhiều thì mê, bung đồng vốn không lấy lại được, phá sản nợ nần, anh Hai đi tù vào cái tuổi 50, có đau đớn không?
Bà Hiền sa nước mắt:
– Thôi mà cậu. Dì gì cũng tan nát hết rồi. Buồn là buồn thói đời người ta thấy mình suy sụp, còn muốn đạp cho lún sâu thêm hơn.
– Thì thói đời luôn khốn nạn như vậy, bộ bây giờ chị mới biết hay sao? Còn con Nhã Lợi, nghe nói cũng bị mẹ chồng và chồng đuổi đi?
– Ừ, 3 năm rồi không sinh con nên bị đuổi đi. Ngặt nỗi, về nhà 3 tháng bây giờ mới biết có mang.
Cậu Tư giận dữ đập tay lên bàn:
– Qua nắm cổ thằng Hoàng, bắt nó lo!
– Con Lợi tự ái không chịu đâu cậu. Thằng Hoàng cũng đã cưới vợ rồi,nói sao được, khi con Lợi tự ý ký giấy ly hôn.
– Đồ ác nhơn ác đức!
– Đúng hơn, con Lợi bị bỏ vì ba nó đi tù, nhà cửa bị tịch biên hết. Họ bỏ là phải rồi cậu.
– Thứ người ăn ở bạc như vậy, trời sẽ quả báo họ.
2 chị em tâm sự mãi, mà chừng như nỗi buồn của cuộc đời cứ như sâu thẳm thẳm hơn.
– Hay là chị về Châu Đốc sống với vợ chồng em đi chị, ở chi cái xứ bạc bẽo này.
– Để chị bàn với con Lợi. Chị cũng không muốn phiền cậu. Tuy cậu là em chị nhưng cậu còn có mợ.
– Vợ em chẳng dám nói gì đâu, quyền là ở em nè.
Bà Hiền vẫn băn khoăn:
– Về đó, chị biết làm gì mà sống đây, ruộng thì không biết làm, trồng rau hay chăn nuôi cũng ngơ luôn.
Cậu Tư trấn an:
– Chị lo gì, em sẽ chỉ cho chị làm. Chị em lúc này không lo cho nhau, thì sao gọi là chị em cho được.
Thấy Nhã Lợi đi ra, cậu Tư gọi lại:
– Con định không cho thằng Hoàng biết gì cả à? Phải bắt nó có trách nhiệm chớ con.
Bị khơi nguồn vết thương, Nhã Lợi ứa nước mắt:
– Dạ thôi đi cậu! Bắt người ta có trách nhiệm, có nghĩa là tiếp tục mối quan hệ, vợ sau của anh ấy biết lại thêm phiền.
– Ờ, cháu nói như vậy cũng phải. Nhưng mà thấy cháu chịu thiệt thòi, cậu ức lắm.
– Tại cháu và mẹ không nỡ bỏ núm ruột của mình. Thôi thì là máu thịt của mình, mình nuôi cậu ạ.
– Cậu đang bàn với mẹ cháu để 2 mẹ con cháu về Châu Đốc sống với cậu, cháu nghĩ sao?
– Dạ... con tùy mẹ và cậu quyết định.
– Nếu như vậy, tối nay soạn đồ đạc đi, ngày mai đi. Đi bằng tàu. Tàu của cậu chở lá dừa nước đang neo ở Mũi tàu Củ Chi.
Nhã Lợi cúi đầu. Quyết định này sẽ vĩnh viễn đưa cô đi xa rời Bình Dương, có nghĩa càng xa Trần Hoàng vạn dặm hơn nữa, không mong gì 1 lần gặp lại. Không hiểu anh có đi tìm cô.
– Mẹ à! Con có thể đi gặp anh Hoàng 1 chút được không? Có lẽ sẽ không bao giờ gặp nữa, nếu như mình về Châu Đốc ở.
Hiểu tâm trạng của con, bà Hiền gật đầu:
– Cẩn thận nghe con!
– Mẹ yên tâm đi! Sẽ không có chuyện gì xảy ra đâu.

*

– Cậu muốn đi gặp Trần Hoàng?
– Ờ.
– Hình như Hồng Loan cũng mang bầu. Bà Khai làm tiệc ăn mừng ầm ĩ, cả huyện Dĩ An này, ai cũng biết.
Nhã Lợi lặng người, lòng cô đau nhoi nhói. Con của cô ra đời chẳng nhằm lúc, khiến cha mẹ long đong.
Nhìn vẻ bần thần của Nhã Lợi, Khả Tú thương hại:
– Cậu không nên đi 1 mình, lỡ gặp bà Loan, con mẹ ấy dữ có tiếng, quậy có tiếng. Để mình nhờ anh Nam đưa cậu đi.
Nhã Lợi gật đầu:
– Cũng được!
– Phải cẩn thận đó!
– Ừ.
Khả Tú gọi Khoa Nam, cô luôn luôn "sai" cái anh chàng dễ bảo hiền lành này. Còn Khoa Nam chẳng bao giờ dám từ chối điều gì Khả Tú nhờ anh.
Anh đẩy chiếc Wave, chờ cho Nhã Lợi ngồi lên đàng hoàng rồi mới cho xe chạy.
Ngừng xe trước cơ quan của Trần Hoàng, Nhã Lợi nhờ người bảo vệ gọi anh ra.
Mắt Trần Hoàng sáng lên vui mừng khi trông thấy Nhã Lợi, anh đưa cô qua quán nước bên kia đường, gọi 2 chai nước ngọt và nhìn cô xót xa.
– Em ốm quá Lợi ạ. Bộ em bệnh hay sao vậy? Anh có đến nhà cũ mọi lần hỏi em và mẹ nhưng không ai biết em ở đâu cả. Em tìm anh... có phải em kẹt tiền không vậy?
Anh hỏi cô huyên thuyên, làm cho cô không biết trả lời câu nào trước câu nào sau. Xem vẻ anh rất mừng và xúc động, bao nhiêu đó quá đủ để ấm lòng Nhã Lợi.
Cô ngập ngừng rồi hỏi:
– Có phải cô ấy mang thai rồi hả anh?
Trần Hoàng bối rối cúi đầu:
– Ừ.
– Chúc mừng anh. Mẹ chắc là mừng lắm.
– Ừ.
– Anh cũng mừng nữa chứ?
– Ừ.
– Vậy nếu... em nói em cũng có mang gần 4 tháng rồi, anh có mừng không?
Trần Hoàng tròn mắt, người anh nhỏm thẳng dậy, anh siết mạnh tay cô.
– Thật không em?
– Anh ngạc nhiên à?
Không giấu được tâm trạng mình, anh gật đầu:
– Ừ.
– Không đúng lúc chứ gì?
– Tại sao hồi ấy không có? Nếu không, anh và em đâu phải chia tay đau đớn như thế này.
– Xa em, anh đau đớn thật à?
– Nhã Lợi! Em hiểu mà, anh đâu có thương ai ngoài em.
– Anh cũng thương con mình chứ?
–...
– Anh có tin đứa bé này là cốt nhục của anh không?
Trần Hoàng không trả lời, mà anh đưa mắt nhìn Khoa Nam ngồi cách anh 1 bàn. Rõ ràng lúc nãy đi ra, anh thấy 2 người đứng cạnh nhau. Nhã Lợi không hề giới thiệu gì cả. Anh ta là ai vậy?
Nhìn theo hướng mắt anh, Nhã Lợi cười buồn:
– Có phải anh đang nghĩ với nhau 3 năm không có con, xa nhau 3 tháng lại có mang?
– Anh nghĩ không quá đáng chứ?
– Anh nghĩ như vậy à? Nhưng đứa con em đang mang là cốt nhục của anh.
Trần Hoàng ngập ngừng:
– Em đến để đòi hỏi trách nhiệm của anh à?
Thái độ của anh làm cho lòng Nhã Lợi đau đớn quá. Lẽ ra cô không nên đi tìm anh, gặp nhau trong hoàn cảnh này để cô thấy anh quá tầm thường. Tiếc rằng cô đã trao cuộc đời mình cho 1 kẻ không ra gì. Cô lạnh lùng:
– Không.
– Vậy em tìm anh làm gì?
Nhã Lợi cay đắng:
– 3 năm, em làm vợ anh, có khi nào anh cho em sự công bằng đâu mà em đòi hỏi.
Giọng Hoàng xẵng:
– Vậy em tìm anh làm gì? Chúng ta đã ly hôn rồi mà.
– Đúng là chúng ta đã ly hôn, không còn gì ràng buộc hay tìm đến nhau. Anh yên tâm đi, đây là lần cuối cùng em gặp anh.
– Sao không nói đi, muốn anh tin đứa con trong bụng em là cốt nhục của anh?
Nhã Lợi mở to mắt nhìn Trần Hoàng. Đây là người cha của đứa con trong bụng cô đây sao? Cách cư xử của anh không đáng 1 xu. Cô còn đối diện với anh làm gì nữa, cho lòng thêm hận, trái tim thêm đau. Khoa Nam cũng không sao chịu được thái độ kia, anh đứng dậy tức giận bước tới, nắm tay Nhã Lợi.
Giọng anh khinh bỉ, ánh mắt rẻ khinh chiếu vào Hoàng:
– Anh nghe cho rõ. Tôi và Nhã Lợi chưa yêu, nhưng tôi sẽ yêu cô ấy, tôi đưa cô ấy đến đây để nhìn rõ con người anh đấy.
Mặt Trần Hoàng tái lại, anh châm biếm:
– Để cho tôi biết vị trí của tôi ngày nào đã có anh thay thế rồi chớ gì. Cô ấy còn sinh con cho anh. Hay quá hả, vừa xa nhau đã có người thế vào, còn sắp có con.
– Cốt nhục Nhã Lợi đang mang là của anh, anh tin hay không cũng được. Cô ấy đi tìm anh không phải đòi hỏi trách nhiệm ở anh, mà vì cô ấy sắp đi xa. Không ai cần anh lo lắng hay nhận từ anh bất cứ sự hổ trợ tiền bạc nào.
Trần Hoàng lạnh lùng, cơn ghen biến anh thành kẻ tàn nhẫn:
– Dĩ nhiên rồi, và điều tôi muốn thông báo cho 2 người biết, giọt máu nếu là của tôi, thì sẽ không bao giờ xuất hiện, sau khi Nhã Lợi bước ra khỏi cuộc đời tôi. Nó là con của ai, tự lương tâm cô ấy biết.
Đau tê tái, Nhã Lợi cố ghìm lòng mình xuống, trong lòng cô lúc này là hận chứ không là tình yêu nữa. Cô nhìn thẳng vào mắt anh.
– Ngày mai em rời Bình Dương rồi, cơ hội gặp lại chắc chắn không có. Anh yên tâm đi, em sẽ không bao giờ đi tìm anh, đây là lần đầu cũng là lần cuối. Chúc anh hạnh phúc.
Quay sang Khoa Nam, cô khe khẽ:
– Đi thôi anh Nam!
Khoa Nam chưa đi, anh đứng lại nghiêm nghị:
– Tôi từng học chung với Hồng Loan, cô ấy quậy như thế nào tôi quá rõ. Thái độ của anh hôm nay rồi anh sẽ hối hận suốt 1 đời.
Trần Hoàng giễu cợt:
– Phải không?
– Anh là đàn ông, định đoạt cuộc đời mình phải do chính mình sao lại đặt để vào mẹ mình như con gái. Anh là thằng đàn ông nhu nhược và hèn hạ.
Mặt Trần Hoàng tím thẫm lại vì giận:
– Nhưng tôi không ngu để đi làm cái việc "quà quạ nuôi con tu hú". Tôi không có tâm hồn cao thượng như anh đâu. Nhường cái việc cao thượng ấy lại cho anh đó.
– Tôi chỉ tiếc là Nhã Lợi vì chữ hiếu mà trao cuộc đời mình cho 1 gã đàn ông bạc tình và vô đạo đức như anh. Sau này, anh đừng có nói là nhận con, xấu hổ lắm.
Nhã Lợi bỏ chạy đi, cô vừa chạy vừa khóc làm cho Khoa Nam hoảng hốt chạy theo. Nếu không, chắc chắn anh còn mắng vào mặt Trần Hoàng những lời thậm tệ hơn nữa.
Anh ôm cô lại giữa đường, mặc cho Trần Hoàng chiếu ánh mắt giận dữ vào họ. Hừ, chẳng lẽ anh nói sai cho họ?
Dìu Nhã Lợi lại xe, Khoa Nam vỗ về:
– Mặc kệ ai ăn ở bạc, trời sẽ phạt họ em ạ?
Nhã Lợi cúi đầu lặng im, cô không muốn khóc, mà dòng lệ đau khổ cứ tuôn trào ra.
– Tình cảm mà em dành cho Trần Hoàng uổng phí lắm Nhã Lợi lạ. Em hãy quên hắn và hãy sống vì mẹ em vì đứa con trong bụng em.
Nhã Lợi lau nước mắt:
– Anh nói đúng, em phải sống vì mẹ, vì đứa con của em. Em sẽ sinh nó ra và nuôi nó khôn lớn. Em phải sống và ngày nào đó nhìn sự suy tàn của họ.
Trong trái tim Nhã Lợi bây giờ còn lại là cay đắng và thù hận.
Người ta có thể quên nhau dễ dàng vậy sao? Lời nói yêu nào trong đêm cuối cùng. Vừa chia tay nhau, anh vội đi cưới vợ. Và phải say đắm lắm, ân ái ngọt ngào lắm mới cho Hồng Loan đứa con. Anh đã vội vàng quên cô. Đồ giả dối, bạc bẽo!
o O o
Nhã Lợi đưa tay xoa bụng, cô đưa mắt nhìn những sản phụ khác, bụng họ đâu to như bụng cô, mới hơn 8 tháng mà cô đi không muốn nổi.
– Nguyễn Nhã Lợi!
Cô y tá gọi tên Nhã Lợi, cô giật mình vội đứng lên. 1 sản phụ đối diện vui vẻ:
– Mình may mắn đó, vị bác sĩ Văn ở bên Pháp về khám cho, nghe nói ông ấy mát tay lắm.
Nhã Lợi đi luôn vào phòng khám cái tên Văn làm cho cô thoáng nhớ rồi thôi. Bây giờ có lẽ Văn ra trường rồi cũng nên. Sài Gòn vẫn gợi cho cô với bao kỷ niệm êm đềm, thời sinh viên với tình yêu học trò lãng mạn.
Mới đẩy cánh cửa bước vào, Nhã Lợi khựng lại. Vũ Văn cũng vừa ngước lên nhìn cô sững sờ. Nhã Lợi hổ thẹn muốn lùi ra. Vũ Văn đứng lên, anh lấy vẻ tự nhiên của người thầy thuốc, chỉ chiếc ghế cho cô ngồi:
– Em ngồi đi. Mấy năm rồi mới gặp phải không? Bụng em mấy tháng rồi Nhã Lợi.
– Dạ, hơn 6 tháng! Em mang song thai nên phải lên thành phố khám.
Thấy cô có vẻ ngại, anh cười:
– Để anh nhờ bác sĩ Ngọc khám cho em. Ngọc ơi!
Từ cánh màn trong, Bích Ngọc bước ra:
– Anh gọi em?
– Ừ, em khám giùm cô Nhã Lợi, bạn học của anh ngày xưa đó.
Bích Ngọc trêu:
– Ngại không khám được à? Không sao, bạn của anh, em khám cẩn thận cho là được rồi. Cô ấy mang song thai?
Nhìn Nhã Lợi, Bích Ngọc vui vẻ:
– Thai con so mà mang song thai, hẳn ông xã chị vừa mừng vừa lo lắm phải không. Đừng lo và cũng đừng sợ gì cả.
Vũ Văn đùa theo:
– Nhã Lợi có làm sao là thằng bạn của nah sẽ không để yên cho anh và em đâu đó Ngọc.
Bích Ngọc ra hiệu cho Nhã Lợi leo lên bàn khám, cô nói như cho Vũ Văn nghe:
– Chị được bác sĩ Vũ Văn tận tình lo lắng là may lắmnghe. Bình thường lúc làm việc, anh ấy nghiêm lắm.
Nhã Lợi hỏi nhỏ xíu:
– Bác sĩ là bà Vũ Văn à?
Nhún vai, Bích Ngọc cười:
– Chưa đâu. Thương chưa ra thương, cưới thì chưa ngỏ.
– Vậy là đang tìm hiểu?
– Tạm gọi là như vậy.
– Anh Văn mà được người vợ như bác sĩ là phước của anh ấy.
– Vậy à!
Bích Ngọc khám kỹ cho Nhã Lợi, cô lắng nghe trái tim thai thật lâu và cuối cùng xếp dụng cụ lại. Trong lúc chờ Nhã Lợi mặc áo lại, cô nói như ấm ức:
– Quen nhau 3 năm rồi đó, ảnh chưa khi nào chịu nói cưới. Có lẽ do anh ấy mặc cảm nghèo hơn tôi. Tôi đâu cần chuyện ấy, chỉ cần anh ấy yêu tôi thôi. Thật ra lúc đi học anh ấy vui vẻ lắm. Trở về Việt Nam không hiểu sao cứ trầm lặng suy tư như u uất điều gì vậy.
Như nhận ra chưa gì mình đã trút tâm sự cho người mới quen, Bích Ngọc giả lả:
– Ngày xưa anh Văn và chị học chung 1 nhóm à?
– Phải.
– Lúc chị biết anh Văn, ảnh đã có bạn gái chưa vậy?
– Đã yêu anh ấy, cô còn nghĩ đến quá khứ của ảnh làm gì. Chỉ cần bây giờ anh Văn yêu cô và kết hôn với cô, 2 người thấy không thể nào thiếu nhau là quá hạnh phúc rồi.
– Ờ... À! Thai của chị mạnh, em bé tốt lắm, cả 2 là gái, 1 cân nặng 2 ký 7, 1 nặng 3 ký, chị cần nghỉ ngơi nhiều hơn.
– Vâng, cám ơn bác sĩ.
– Nhìn chị Lợi, tôi nghĩ hồi con gái chắc chị phải đẹp lắm.
Nhã Lợi phì cười:
– Không có đâu! Tôi xấu nhất đó.
– Bộ trong nhóm của chị nhiều người đẹp lắm à?
– Cũng có.
– Lẽ nào anh Vũ Văn không chấm ai hết.
Liếc ra ngoài phòng khám, Nhã Lợi trêu:
– Cô đóng vai cảNh sát điều tra hay sao? Sao không hỏi anh Văn? Yêu cô, anh ấy nhất định phải nói chớ.
Bích Ngọc càng có cảm tình với Nhã Lợi hơn, cô ân cần:
– Quen được chị, tôi vui lắm. Từ lúc về nước cho đến bây giờ, tôi chưa hề nghe anh Văn nhắc bạn bè cũ, nay gặp chị. Nếu không, dễ gì biết được thời sinh viên của anh ấy như thế nào.
Nhã Lợi thở dài:
– Thà đừng biết, đừng dọ dẫm tìm hiểu có lẽ sẽ khá hơn. Cứ yêu hiện tại và sống cho tương lai, bie6't quá khứ làm gì.
Bích Ngọc gật gù tiễn Nhã Lợi và dặn:
– 3 hôm nữa, chị trở lại. Chuẩn bị mọi thứ, thai của chị sụt nhiều lắm rồi đó.
Lo lắng vạn điều nhưng Nhã Lợi cố tươi cười:
– Tôi biết rồi, cám ơn sự săn sóc của cô.
– Đâu có gì, không biết thì thôi, đã là bạn bè thì phải giúp đỡ nhau chớ. Sếp Vũ Văn ra lệnh, chị không nghe sao?
Nhã Lợi cười, đưa 2 tay đỡ bụng, bước đi nặng nề. Bích Ngọc hỏi:
– Anh ấy có đợi chị bên ngoài không?
Nhã Lợi ngỡ ngàng hỏi lại:
– Anh ấy? Cô nói anh ấy nào?
Bích Ngọc bật cười:
– Là chồng của chị đó.
– À...
Nhã Lợi cười khỏa lấp:
– Dĩ nhiên là có rồi! Ai lại để bà bầu đến đây 1 mình chớ.
– Chị xinh quá đi à. Có thai mà còn nét, dễ gì anh ấy để chị đi 1 mình.
Nhã Lợi đùa:
– Chứ sao! Vợ là nhất mà.
Bích Ngọc vui vẻ:
– Với tôi, chị cũng nhất luôn.
– Cô mới là nhất của anh Văn. Thôi, chào tạm biệt.
Nhã Lợi ra về, lúc Vũ Văn còn bận rộn với bệnh nhân. Cô cúi thấp đầu và đi luôn ra cửa, thừa lúc anh quay lưng vào trong. Gặp nhau nói gì đây, chỉ có ngỡ ngàng mà thôi. Ngày nào đó của hơn 3 năm về trước, cô đã phụ anh, lúc anh miệt mài nơi xứ người lao đầu vào học tập. Nhìn nhau chỉ thêm ngỡ ngàng, xấu hổ.
Có dấu hiệu đứa con chào đời nên Nhã Lợi đành lưu lại thành phố. Cô vừa rời bệnh viện, đứng lóng ngóng đón xe, thì Vũ Văn cho xe đỗ lại trước mặt cô, anh nói như ra lệnh:
– Lên xe đi, anh đưa em đi1
Nhã Lợi giật mình, cô từ chối:
– Nhà trọ của em ở gần đây, không cần đâu anh Văn.
– Lên xe đi, anh muốn nói chuyện với em mà!
Ánh mắt Văn sắc bén, bỗng dưng Nhã Lợi thấy mình có lỗi với anh. Cô bối rối, nửa muốn lên xe nửa không. Cô nhìn vào bệnh viện như sợ Bích Ngọc có thể xuất hiện và thấy Văn đưa đón cô.
Như thầm hiểu ý nghĩ của cô, Văn nhẹ giọng:
– Bích Ngọc về nhà rồi. Lên xe đi em!
– Em mệt lắm, muốn về phòng trọ để nghỉ.
Văn lắc đầu:
– Đừng quên anh là bác sĩ của em. Còn đứng đó, bộ muốn cho người ta nhìn thấy anh năn nỉ em lên xe à?
Nhã Lợi đành ngập ngừng ngồi vào xe. Văn chồm người qua đóng cửa xe lại, anh lái xe đi. Vừa lái xe, anh vừa hỏi:
– Em ở nhà trọ 1 mình à?
Không đáp, Nhã Lợi hỏi lại anh:
– Sao anh biết?
– Ah thấy đi và về chỉ có 1 mình.
– Anh có về Dĩ An không?
– Có. Ba mẹ anh ở trên ấy mà, làm sao anh có thể phụ lòng ba má anh. Chỉ có 1 người cư xử thật tàn nhẫn với anh.
Biết anh trách mình phụ bạc lúc anh đi du học, Nhã Lợi cúi đầu không dám nói.
Vũ Văn xẵng giọng:
– Anh hiểu rồi, cho nên ai thương anh thì không bao giờ anh phụ lại tấm chân tình đó. Tiếc rằng...
– Anh Văn! Đâu phải mình muốn điều gì là hoàn cảnh đáp ứng được. Nếu như vậy làm gì cuộc đời có chữ đau và khổ lụy.
– Em đã từng nếm mùi cay đắng rồi chăng? Không hỏi em, anh cũng biết, anh ta đã bỏ em cưới vợ khác, khi gia đình em phá sản, ba em đi tù.
– Chắc là anh vừa lòng lắm, vì em đã phụ anh, bây giờ bị chồng ruồng rẫy, bụng mang dạ chửa, khổ sở nhọc nhằn.
– Em nghĩ con người anh nhỏ mọn, hẹp hòi như vậy sao. Phải mà, cho nên em đâu hiểu anh đã sống những ngày u ám như thế nào trên xứ người khi em đi lấy chồng. Em thích khoác áo lụa hồng lên xe hoa, em sợ phải chờ đợi anh, tàn héo tuổi xuân của em.
Giọng Nhã Lợi lãnh đạm:
– Sao anh biết?
– Thực tế không phải như thế sao?
Giọng Vũ Văn lúc gay gắt lúc chùng lại nghẹn lời. Nhã Lợi ứa nước mắt:
– Anh trách em hay nghĩ sao về em cũng được. Nhưng hiện tại em cũng chẳng cần giấu, em đã bị ép ly hôn. Đó là cái giá em phải chịu khi phụ bạc anh, anh hả giận chưa?
– Anh lại muốn em khổ hay sao? Hoàn toàn không, vì anh biết cái dư vị bị phụ bạc quá cay đắng, anh đâu có ác như thế.
Vũ Văn cho xe dừng lại trước quán ăn ngày xưa anh và cô từng ghé lại. Anh ngậm ngùi:
– Ngày đi Đầm Sen, theo Hội đoàn Chữ Thập Đỏ, chúng ta có hgé lại dây, em còn nhớ không Nhã Lợi?
– Dạ nhớ.
– Em còn nhớ là anh mừng rồi.
– Ít nhất trong tâm hồm của em vẫn còn có hình ảnh anh chứ gì?
– Đó không là chút an ủi cho kẻ bị từ chối hay sao?
– Anh đưa em đến đây và với ý gì vậy? Em thành thật muốn nghe.
– Dù cho là lời trách cứ, em cũng muốn nghe hay sao?
Nhã Lợi thở dài:
– Khi em khoác áo cưới là em biết lòng anh tan nát. Em cũng có khác gì đâu anh. Nếu nghe anh trách cứ, lòng em sẽ thoải mái hơn. Điều mong đợi của em là...
– Không muốn gặp anh chứ gì?
– Sao anh không nghĩ trái lại?
– Có thật không?
– Anh tin cũng được, không tin cùng được. Em mong gặp lạianh dù biết là lần đối mặt để nghe anh trách móc, lòng em sẽ nhẹ nhàng hơn.
– Giờ thì em nhẹ nhàng chưa?
– Duyên phận đâu phải muốn là được. Cho nên việc em đi lấy chồng là đau khổ ngoài ý muốn. Nay em bị ruồng bỏ là cái giá phải trả. Số phận em là do em tự chọn, anh đừng bao giờ tìm gặp em mà thêm phiền lòng cho anh.
– Không muốn phiền, anh cũng đã phiền rồi.
Cầm thực đơn, Văn hỏi:
– Em ăn gì anh gọi?
Nhã Lợi lắc đầu:
– Em chẳng muốn ăn gì cả. Anh ăn 1 mình đi, rồi đưa em trở lại nhà trọ.
– Sao vậy? Sợ đối mặt với anh hay là em không muốn nhìn anh vậy?
– Em sợ Bích Ngọc buồn. Bích Ngọc rất yêu anh, anh hãy đáp lại tình cảm của cô ấy.
– Anh chưa có ý định kết hôn vào lúc này.
– Vũ Văn...
Nhã Lợi đặt tay mình lên tay Vũ Văn:
– Em và anh không duyên nợ vợ chồng. Giờ anh có Bích Ngọc, hãy giữ lấy hạnh phúc anh đang có.
Văn có vẻ xúc động, anh nhìn cô, cái nhìn sâu lắng:
– Trần Hoàng không quan tâm đến con của anh ta hay sao?
– Nếu có em cũng từ chối.
– Lý do? Dù sao anh ấy cũng là cha của con em mà.
– Tại em muốn dứt khoát. Lui tới với nhau làm gì, chấp nhận cho anh ấy sống giữa em và người vợ sau này của anh ấy à? Em làm không được điều này. Mà chưa chắc người phụ nữ kia đã chịu. Còn mẹ chồng em nữa, bà không thích có đứa con dâu cha ở tù vì phá sản.
Văn thở dài:
– 1 mình lo toan tất cả, không phải dễ dàng đâu em. Em phải có người săn sóc trong thời gian này chứ. Thành phố này nhộn nhịp đông người, nhưng không dễ tìm được 1 tấm chân tình.
– Cho nên anh đã có Bích Ngọc rồi, không nên bỏ qua cơ hội có người vợ tốt.
– Người ta yêu mình thì không có gì khó. Còn trái tim mình có cảm nhận hay không mới là điều quan trọng. Anh nghĩ là em hiểu điều này.
Nhã Lợi lặng lẽ cúi đầu. Văn bóp nhẹ tay cô:
– Lúc biết em đi lấy chồng, anh thật sự ngã quỵ. Nhưng rồi ngày tháng dần trôi qua, anh đứng lên được. Trái tim anh vụt lạnh lùng, như chẳng còn rung động trước 1 ai nữa hết.
Nhã Lợi ứa nước mắt:
– Em xin lỗi.
– Lỗi gì nữa! Quá khứ đã sang trang rồi. Anh cũng hiểu em bị bó buộc mà, và anh không còn thấy giận em nữa. Anh càng thấy thương em hơn nữa, Lợi ạ.
– Đừng thương em, em đã làm cho anh đau khổ.
– Đau khổ mấy anh vẫn khó quên em. Em có hiểu không? Về nước anh có ý tìm em, tìm mỏi mòn. Không ngờ ông trời lại cho anh gặp em, anh vui mừng như thế nào, em có biết không?
Nhã Lợi lắc đầu tránh ánh mắt Vũ Văn:
– Anh và em bây giờ mỗi người có cuộc sống khác nhau rồi. Cám ơn anh còn nghĩ đến em, nhưng chúng mình hãy xem nhau như bạn bè đi anh Văn. Em luôn mong cho anh và Bích Ngọc cưới nhau. Anh bỏ cô ấy là anh sẽ muôn ngàn lần hối tiếc đấy.
– Như ngày xưa chớ gì?
– Ồ không! Đó chỉ là con vịt bầu, dễ tìm lại. Chứ còn thiên nga, 1 khi đã tung cánh vào vòm trời cao rộng thênh thang đầy gió sẽ không bao giờ trở lại.
– Em sợ anh cô đơn nữa thật à?
– Em từng cô đơn và nghèo tình lẫn tiền, nên em hiểu nỗi trống vắng, dằn vặt như thế nào. Em không muốn chìm mình vào thế giới mông lung, tĩnh lặng ấy nữa.
Thức ăn dọn ra, nhưng không ai buồn ăn, mà chỉ có nỗi buồn và ngậm ngùi. Đối mặt nhau lại như kẻ xa lạ nào, nói lời sáo rỗng đau đớn. Còn đâu phút nào tay trong tay, mắt trong mắt.
Mãi đến lúc Vũ Văn đưa Nhã Lợi về trước con hẻm vào nhà trọ, cô mới tha thiết:
– Hãy quên em đi Văn ạ!
Văn thở dài:
– Nếu lý trí ngã theo trái tim thì đâu có ai đủ nước mắt và thời gian dành cho nhung nhớ, cho nuối tiếc. Em tưởng là anh thích như vậy sao?
– Thôi, em vào nhà.
– Anh đưa em vào trong ấy được không?
Nhìn con hẻm sâu, Nhã Lợi lắc đầu:
– Thôi đi anh, mình chia tay ở đây được rồi!
– Em ngại?
– Không, chỉ vì em không thích thôi.
– Tại sao?
– Vì em đã có chồng, lòng em đã chuyển hướng. Tất cả không thể nào chắp vá lại, nó sẽ giống như 1 cái ly vỡ hay cái áo vá vụng về vậy. Anh về đi Văn!
Nhã Lợi bước đi từng bước nặng nề mệt nhọc. Văn không yên tâm chút nào, anh kêu lên:
– Em cẩn thận nghe Lợi!
Không quay lại, Nhã Lợi chỉ khẽ gật đầu. Cô lủi thủi đi vào con hẻm, để lại trong lòng Văn bao nỗi ngậm ngùi xót xa.

*

Cú điện thoại của Vũ Văn làm cho bà Hiền cuống lên, vội khăn gói lên Sài Gòn. Gặp Vũ Văn ở bệnh viện trong bộ quần áo bác sĩ, bà không khỏi ngỡ ngàng xen lẫn 1 chút áy náy tiếc nuối. Đó là người bị bà từ chối hơn 3 năm về trước với lời lẽ xúc phạm nặng nề.
– Bác! Nhã Lợi nằm phòng này, cô ấy đã thật khỏe rồi.
Nhã Lợi mở mắt ra nhìn mẹ. Nhờ trời, cô đã mẹ tròn con vuông.
– Mẹ!
Bà Hiền chớp mắt:
– Con sinh khỏe mẹ mừng lắm.
Văn ngắm 2 đứa bé song sinh, vui vẻ:
– Nó giống anh Hoàng quá hả bác.
Bích Ngọc xuất hiện nơi ngưỡng cửa, cô có vẻ thích thú trước 2 đứa trẻ song sinh xinh xắn và giống nhau như tạc. Nựng nịu má 2 đứa trẻ, Bích Ngọc vô tình:
– Còn anh ấy đâu sao không thấy, chị Nhã Lợi?
– À... – Nhã Lợi cười gượng – Anh ấy đã về Châu Đốc, chỉ có mẹ tôi lên thôi.
Bích Ngọc chào bà Hiền, trong lúc Nhã Lợi cố gán ghép và để cho mẹ hiểu, Vũ Văn lo cho cô vì anh là bác sĩ mà thôi.
– Bích Ngọc! Cô và anh Văn cũng nên cưới nhau đi. Tôi tin là con của 2 người sẽ rất tuyệt vời.
– Sao?
– Vì 2 ông bà, ai cũng rất đẹp.
Bích Ngọc liếc Văn. Văn cười:
– Nhã Lợi nói vậy chứ con giống em thì xinh hơn là giống anh.
Mắt Bích Ngọc ấm lên tia lửa hạnh phúc:
– Con giống anh mới đẹp chứ. Anh thông minh, tài giỏi lại đẹp trai, em là người khó tính vậy mà còn khuất phục trước anh nữa là.
Văn nhìn Nhã Lợi:
– Lợi xem, Bích Ngọc đưa anh lên tới trên trời cao.
– Vậy mà anh Văn chưa chịu cưới tôi đó Nhã Lợi.
Văn nhăn mặt:
– Ngọc! Bộ em nói cưới là cưới sao. Thủ tục, tiền bạc. Anh còn nhiều khó khăn.
– Em sẽ giúp anh.
Văn lảng ra:
– Sau này tính đi em! Mình qua phòng khác, để Nhã Lợi nghỉ ngơi.
Văn kéo tay Bích Ngọc đi. Anh không thích để Bích Ngọc nhân cơ hội kéo anh vào cuộc. Anh chưa quên được Nhã Lợi, giờ đây cô đang cô đơn khó khăn, làm sao anh có thể nhắm mắt làm ngơ.
2 đứa trẻ song sinh kia, nó đẹp như thiên thần, như có 1 thứ tình cảm lạ gì đó giữ chân anh lại. Kỷ niệm ngày xưa yêu nhau, cứ mãi về với anh, từng nét từng nét, hơn bao giờ hết.
– Anh Văn!
Bích Ngọc đuổi theo Vũ Văn, cô đi sát vào anh:
– Hình như anh không còn yêu em nữa hả anh Văn?
– Sao em hỏi anh như vậy?
– Em thấy như thế đó. Anh ạ! Em biết anh còn nhớ cô ấy, nhưng cô ấy đã phụ bạc anh đi lấy chồng rồi còn gì nữa. Hãy quên người ta đi anh! Em sẽ lấp vào chỗ trống vá lành vết thương lòng của anh. Em không ngại, kể cả việc làm cái bóng của cô ấy đâu.
Vũ Văn xúc động đứng lại. Đâu phải anh không biết Bích Ngọc yêu anh. Những ngày đi du học, nếu như anh không có cô, anh rất vất vả để kiếm sống, và chưa chắc công thành danh toại như bây giờ. Anh còn đi tìm nơi xa xôi nào nữa, có ai yêu anh như cô đã yêu anh đâu. Còn Nhã Lợi, chỉ còn là tình bạn.
Bất giác, anh đưa tay ra kéo mạnh Bích Ngọc vào lòng mình:
– Anh yêu em Ngọc ạ. Chúng mình sẽ cưới nhau. Em không là 1 cái bóng đâu. Em là tình yêu, là trái tim của anh.
Bích Ngọc rung động đến bàng hoàng. Cô ôm chặt lấy anh, nước mắt trào ra.
– Em có mơ không anh?
– Không, đây là sự thật.
– Vậy anh hãy ôm em cho thật chặt, siết mạnh em cho em thật đau đi, để em biết đây là sự thật.
Anh ghì cô thật chặt vào mình, môi anh tìm môi cô. Nụ hôn thay cho lời nói nồng nàn của tình yêu.

*

– Con vào đây mà xem đi Hoàng!
Bà Khai khuỵu xuống. Quả là 1 cú sốc kinh khủng đối với bà. Những nữ trang quý giá gìn giữ bao nhiêu năm nay bây giờ lại toàn là đồ mạ vàng.
Hồng Loan ngồi 1 góc, mặt cô khó chịu. Trần Hoàng nhìn vợ:
– Mẹ mất của dĩ nhiên mẹ phải xót. Em cay đắng, la hét ầm ĩ như vậy mà xem được hay sao?
Hồng Loan đưa tay đẩy chiếc võng cho con trai, cô cáu kỉnh:
– Ai biết vàng của mẹ là vàng giả thật. Hay là giả vờ bệnh để cho em lại bỏ tiền ra trả nợ. Em không tin đâu.
– Em không tin là sao?
– Là mẹ đem sự giàu có dỏm ấy để lừa gia đình em. Thực sự là sao? Từ lúc em về nhà này cho đến bây giờ, có khi nào mẹ xuất vốn cho em buôn bán hay không, hay là tự em kiếm sống bằng cái tiệm vàng ngoài kia? Mẹ lòe em đấy à? Vì thật ra cái nhà này chỉ có lớp vỏ sang trọng. Trái lại, bên trong là thứ thùng rỗng kêu to.
Trần Hoàng quát khẽ:
– Em im đi, đừng có nói bừa! Mẹ anh là người kỹ lưỡng và khá giả nhất nhì ở đây. Nhà anh chi phí hàng ngày đâu có nhiều, tích lũy hàng năm cao thì có gì lạ. Hiện vật không còn giá trị, anh không hỏi em, em còn ong óng.
Hồng Loan sừng sộ lại:
– Anh nói như vậy là ý gì hả?
Trần Hoàng châm biếm:
– Em đánh trống ì xèo mới là ý gì đấy.
Hồng Loan cười gằn:
– Anh muốn nói gì, nói phứt ra đi, đừng có vòng vo!
– Nhà này chỉ có 3 người, em anh và mẹ, phòng của mẹ chẳng lẽ người ngoài vào tráo đồ mạ, đem vàng thật đi.
Hồng Loan cay cú:
– Đừng nói với em là anh chưa 1 lần cưới vợ. Ngày trước mẹ anh đuổi cô ta đi, ai biết cô vợ yêu quý của anh có thù ghét mà tráo đổi, để khi ra ngoài có vốn làm ăn hay không.
Trần Hoàng trừng mắt:
– Nhã Lợi tuy gia đình sa sút, nhưng có học, có giáo dục, 1 lời nặng nề có thuê bao nhiêu cô ấy cũng không hở môi.
– Vậy tại sao mẹ lại từ chối 1 cô dâu tốt như vậy? Em hơn gì cô ta đâu?
– Có chứ.
Mắt Trần Hoàng tối lại:
– Em hơn Nhã Lợi vì cha mẹ em giàu có. Còn cha mẹ Nhã Lợi phá sản. Mẹ anh thích làm thông gia với người có danh phận hơn. Mẹ anh thà chọn em, 1 người luôn quên mình là phụ nữ đã có chồng.
Hồng Loan cười khẩy:
– Thời đại này nam nữ bình quyền. Anh đừng có mang tư tưởng cổ lỗ sĩ của anh ra, bộ chỉ có anh mới được quyền ra ngoài có bạn bè.
– Em thích bạn trai chứ đâu thích bạn gái. Tiền ở đâu em đi vũ trường, phòng trà mỗi đêm vậy?
Hồng Loan cau mày:
– Vậy ý anh muốn nói là em đánh tráo để xài. Anh sao vậy? Tiền của mẹ em mua cả nhà anh cũng còn thừa đó anh Hai.
– Nhà em có thể, nhưng em thì không? Bởi vì em quen thói ăn chơi đua đòi. Thực chất, em chẳng có tài cán gì cả. Nhã Lợi là người tốt, tất cả tại mẹ anh, đây là cái giá bà phải trả.
– Anh tiếc nó à?
– Dĩ nhiên.
Giọng Trần Hoàng chán ngán, anh không cần cư xử tốt đẹp với kẻ mà anh quá ngán ngẩm. Giọng anh trở thành châm biếm:
– Cũng muộn rồi! Mất cả chì lẫn chài cho bà nếm đủ cay nồng, hối tiếc. Bà lý tưởng con gái nhà giàu lắm mà.
Hồng Loan tự ái sửng cồ lên:
– Con gái nhà giàu thì sao? Không bằng cô ấy à? Vậy sao anh không đi theo cô ta đi. Tôi cho anh biết, vì tôi lỡ có con với anh nên phải ở lại trong căn nhà rỗng toác này, để con tôi có cha. Chứ nếu không, tôi bỏ đi từ lâu rồi. Anh tưởng tôi cần anh và yêu anh lắm sao? Không có đâu!
Trần Hoàng giận dữ:
– Thì cô cứ đi đi, tôi thề tôi không thèm giữ lại!
– Tôi là vợ có cưới hỏi đàng hoàng của anh, đâu phải gia đình phá sản mà cần nương tựa vào anh. Chính cô ta đã tráo đổi đồ mang đi bán chứ không ai vào đây.
– Cô đừng có hồ đồ! 3 năm nay, cô phá bao nhiêu mẫu đất rồi, còn bày đặt bêu xấu Nhã Lợi. Cô ăn chơi cả cái tỉnh Bình Dương này ai không biết cô. Chỉ có mẹ tôi là mù quáng nghĩ tốt cho cô. Vàng mất, đất đai bán đi 1 nửa, dĩ nhiên là ít nhiều mẹ tôi cũng hiểu rồi.
Hồng Loan cười gằn:
– Đất xa nhà, anh có quản lý được hay không mà giữ? Bán rồi mua vàng cho mẹ anh đeo, đẹp mặt đẹp mày với người ta còn không mang ơn. Mỗi lần mua vàng, mẹ anh không thử à?
Trần Hoàng lạnh lùng:
– Nhà này không em thì cònai vào mà viện cớ này nọ?
– Nhưng vàng tôi mua thì còn, vàng của mẹ anh toàn là đồ giả, tại sao? Nếu tôi lấy thì dại gì tôi bán đất mang tiền về đưa cho mẹ anh mua vàng. Đó là tôi chưa nói việc mẹ anh khoe hột xoàn, nhưng lại là hột đá. Xí!
Hồng Loan hậm hực chỉ lên vành tai mình:
– Nè, anh làm ơn xem đi, đôi bông cưới này là hột đá, chẳng lẽ khi phát hiện tôi la toáng lên để cho xấu hổ?
Chịu không nổi màn cãi vã, bà Khai quát lên:
– Thôi! Làm ơn im hết cho tôi!
Đứa bé thức giấc khóc, Hồng Loan bế con đi ra ngoài, không quên hằn học đá vào cái ghế dưới chân mình cho đổ nhào.
Trần Hoàng lắc đầu nhìn theo. Đã không có tình yêu, anh càng thấy chán ngán hơn bao giờ hết. Anh đi lại ngồi bên mẹ, bà Khai đang tiếc của rơi vào thất vọng và đau xót. Tuy nhiên, bà lại nhắc đến Nhã Lợi.
– Con biết Nhã Lợi sinh 2 đứa con gái chứ?
– Thật sao mẹ? Mẹ biết tin này từ đâu, sao không cho con biết? Nhã Lợi đang ở đâu?
Vẻ cuống quýt vui mừng của con trai cho bà Khai biết Hoàng vẫn còn nghĩ đến Nhã Lợi. Bà trói buộc được con mình, còn trái tim nó vẫn thuộc về vợ cũ, cho nên gia đình không lúc nào vui vẻ.
– Con có muốn gặp nó không?
Hoàng đáp ngay, không do dự:
– Dạ muốn, rất muốn! Nhã Lợi đang ở đâu hả mẹ?
– Đừng quên 2 đứa nhỏ đó không phải là cốt nhục của con.
– Con không cần biết, con chỉ muốn gặp Nhã Lợi.
Bà Khai nghe thương con hơn.
– Mẹ con Tú nói Nhã Lợi không còn ở Châu Đốc nữa. Từ lúc gặp lại Vũ Văn, nó ở luôn Sài Gòn, và thuê nhà gần chợ Thái Bình.
Trần Hoàng hồi hộp:
– Nhã Lợi làm gì, mẹ có biết không?
– Mẹ không biết! Nhưng nghe nói Vũ Văn bây giờ là bác sĩ trưởng khoa gì đó.
– Khả Tú nói cho mẹ nghe à?
– Ừ, bây giờ con đi tìm Nhã Lợi đi!
Nhìn mẹ, Hoàng ngập ngừng:
– Mẹ nói thật hay là muốn dò ý con?
– Con đến xem cuộc sống của nó như thế nào, 2 đứa bé ấy có giống con không, và nhất là...
– Nhất là gì hả mẹ?
– Xem nó có đeo đồ gì của mẹ đã bị mất hay không. Hồng Loan là con nhà giàu, không lý nào nó lại đánh cắp nữ trang của mẹ, chỉ có Nhã Lợi thôi.
Hoàng kêu lên:
– Mẹ! Tại sao mẹ nghĩ như vậy?
– Không nghĩ cũng phải nghĩ! Nếu không lấy tiền mà nó chịu thiệt thòi ra đi à? Mẹ chắc chắn là nó ăn cắp.
Trần Hoàng lắc đầu:
– Nhã Lợi là người đàng hoàng, không bao giờ sai lời với con dù là 1 chuyện nhỏ. Còn nữ trang mẹ để ở đâu, phòng của mẹ, chưa bao giờ Nhã Lợi vào 1 mình, thì làm sao đánh cắp được mà mẹ cho là Nhã Lợi ăn cắp?
Lời của Trần Hoàng không phải vô lý, nhưng bà Khai cứ khăng khăng theo suy luận của mình.
– Nhà Hồng Loan giàu có, mẹ nó thường cho tiền nó trước mặt mẹ. Mẹ hỏi con làm sao có chuyện túng thiếu mà đánh cắp tiền của mẹ?
– Sao mẹ không nghĩ sâu 1 chút nữa. Biết đâu là tiền của mẹ được "chiên xào" lại thì sao? Nhã Lợi không phải là cô gái xấu đâu mẹ.
– Xấu hay tốt cũng phải tìm hiểu đã! Mẹ muốn con tìm Nhã Lợi, xem cuộc sống kinh tế của nó như thế nào. Nếu nó đúng ăn cắp vàng của mẹ, mẹ tùy con xử lý, chứ không ai bắt tù gì nó đâu.
Trần Hoàng thở dài:
– Mẹ đưa địa chỉ cô ấy cho con!
– Con có đi cũng đừng để cho vợ con biết. Dù gì đi nữa thì đàn bà họ vẫn nhỏ mọn và khi đã ghen lên khó biết chuyện gì sẽ xảy ra, nó bế cháu nội của mẹ đi mất tiêu luôn, cho nên mẹ không muốn có chuyện gì xảy ra.
– Con hiểu rồi mẹ ạ.
Biết mẹ cư xử bất công đối với Nhã Lợi, Hoàng có áy náy. Nhưng rồi vốn nhu nhược, anh chỉ có thể phản đối lại mẹ bằng lời lẽ nhẹ nhàng:
– Mẹ có thấy mẹ cư xử với Nhã Lợi quá bất công không? Cho đến bây giờ mà mẹ vẫn quá tin tưởng Hồng Loan.
Bà Khai thản nhiên:
– Mẹ chỉ có 1 mình con. Tài sản còn nhiều hay ít cũng là của con. Mất số vàng và nữ trang này, mẹ cũng có tiếc. Nhưng nếu Hồng Loan lấy thì cứ xem như nó có quyền hưởng, vì nó là vợ con mà và nhất là nó sinh cho mẹ đứa cháu trai. Ai như con nhỏ kia, vừa xa con đã mang thai, con gái thì mẹ cũng chẳng cần.
Trần Hoàng sững người nhìn mẹ, anh chỉ còn biết thở dài. Bất giác, anh cay đắng:
– Xem như xài trước chớ gì? Cô ấy có quyền tiêu xài mà.
Bà Khai cười:
– Mẹ nói không đúng sao? Nhà này và tài sản này là của con.
– Nhưng nếu Hồng Loan đoạt hết tài sản, bỏ con đi theo gã đàn ông nào đó thì lúc đó mẹ tính sao? Vui hay là tức chết đây?
– Làm gì có! Bên nhà Hồng Loan đâu phải nghèo mà cần tiền của mình. Nhà người ta cả chục căn, xe hơi sáu bảy chiếc, tiệm vàng rồi đại lý phân bón, thuốc trừ sâu. Có năm nào tết đến, bên ấy không mang biếu mẹ quà cáp đắt tiền.
Trần Hoàng ngao ngán. Gần 70 tuổi đời, cái tuổi gần đất xa trời, sao mẹ vẫn chưa nhận định ai là người tốt kẻ xấu.
o O o
Bà Hiền đang chuẩn bị bữa ăn cho 2 đứa trẻ, thì Trần Hoàng bước vào. Bà Hiền ngỡ ngàng:
– Hoàng!
– Mẹ vẫn mạnh?
– À...
Bất ngờ đến mấy giây, bà Hiền mới lạnh nhạt chào Hoàng và mời ngồi. Trần Hoàng ngồi xuống chiếc ghế nhựa nhỏ, anh nhìn quanh căn nhà trọ, nhỏ nhưng sạch sẽ, ngăn nắp.
Vẫn tử tế, bà Hiền rót ly nước mời Hoàng, và nhỏ nhẹ hỏi:
– Con đến đây hẳn là có chuyện?
– Dạ.
Trần Hoàng cố trấn áp cơn xúc động, lướt mắt quan sát 2 đứa trẻ song sinh. Nó rất giống nhau, anh cố tìm 1 đặc điểm giống mình. Anh trả lời bà Hiền mà mắt không rời 2 đứa trẻ:
– Dạ... con đi công việc. Nghe Khả Tú nói Nhã Lợi ở đây, nên con đến thăm. Mẹ vẫn khỏe?
– Khỏe. Còn mẹ của con?
– Dạ, dạo này cứ đau ốm bệnh thấp khớp của người già mà.
– Nghe nói vợ cháu sinh con trai?
– Dạ.
Hoàng cười gượng:
– Con trai cháu chắc cũng bằng tuổi 2 đứa nhỏ này.
Bà Hiền toan cãi lại: "Sao lại bằng? 2 đứa nhỏ này phải lớn hơn chứ". Nhưng bà vội im bặt. Nói ra cũng chẳng ích lợi gì, Trần Hoàng đã cưới vợ, có con. Chỉ tội cho con gái bà lỡ làng và cháu ngoại có cha mà như không. Cha con gặp nhau mà như người dưng kẻ lạ.
Trần Hoàng bế 1 đứa đặt ngồi lên đùi mình, nhưng nó khóc thét lên và tụt xuống, chạy lại ôm bà Hiền cứng ngắt.
Trần Hoàng buồn thiu. Nó là con ai vậy? Của anh, của Vũ Văn, Khoa Nam và anh hỏi để mà hỏi:
– Cháu tên gì vậy mẹ?
– Ừ, tên khai sinh của con bé chị là Nhã Trúc, tên con em là Nhã Ca.
1 cái tên hoàn toàn riêng tư của Nhã Lợi. Trần Hoàng nén tiếng thở dài:
– Còn ba nó đâu hả mẹ?
– Chết rồi.
– Chết? Xem vẻ tướng mạo anh ta đẹp tướng lắm mà.
Bà Hiền cau mày:
– Con nói ai vậy?
– Thì Khoa Nam. Anh ta chẳng phải là ba của 2 đứa nhỏ này sao?
Bà Hiền cười khẽ:
– Ai nói với con vậy? Khoa Nam đâu có phải.
– Vậy, bây giờ Nhã Lợi sống với Vũ Văn?
Bà Hiền mai mỉa:
– Con nghe ai báo tin chính xác quá vậy? Con đến đây là để hỏi như vậy sao? Mẹ nhớ trước khi đi ra khói nhà con, Nhã Lợi đã bị ép ký tên và tờ đơn thuận tình ly hôn rồi ma, không lẽ tờ đơn đó không hợp lệ?
Trần Hoàng vội vàng xua tay:
– Không phải đâu mẹ.
– Vậy thì con đến đây vì chuyện gì?
– Con muốn gặp Nhã Lợi.
– Để mắng nó cho hả hơi phải không? Đừng que6n con đã có vợ!
– Con đâu có ý này.
– Vậy con muốn biết Nhã Lợi khi xa con sống như thế nào chớ gì? Đó con nhìn đi, nhà là nhà thuê, chật hẹp, đủ cho con khinh cái nghèo đeo đẳng Nhã Lợi.
Trần Hoàng cúi đầu:
– Con không có ý đó, xin mẹ đừng cay đắng.
– Mẹ nghèo phải bỏ xứ đi, đâu có tư cách gì để cay đắng ai.
– Con tuy không còn là chồng Nhã Lợi nhưng mẹ cho phép con vẫn xem mẹ như mẹ của con và được kính trọng mẹ.
– Mẹ cũng không quên những tình cảm bên nhà con dành cho gia đình mẹ. Nhã Lợi thật bất hạnh!
Hoàng cười buồn:
– Nhã Lợi bất hạnh, nhưng có lẽ Vũ Văn bù đắp cho còn gì nữa mẹ. Anh ta bây giờ là bác sĩ, mẹ phải vui lên chứ.
– Con nói gì?
Giọng bà Hiền xẵng. Trần Hoàng toan nói tiếp thì Nhã Lợi và Vũ Văn về tới, 2 đứa bé ùa ra mừng:
– Ba! Mẹ!
2 đứa nhỏ sà vào lòng Vũ Văn, anh ôm cả 2 đứa và hôn nó, mỗi đứa hôn lại 1 bên má Vũ Văn, nồng ấm tình hạnh phúc gia đình, cho Trần Hoàng xót xa và đau nghẹn cả ngực. Anh ngồi chết lặng quên chào cả 2.
Vũ Văn trả 2 đứa bé sau khi hôn âu yếm nó cho bà Hiền, anh nhìn Trần Hoàng bằng cái nhìn ngạc nhiên:
– Anh tìm Nhã Lợi?
– Cũng có chút chuyện.
Vũ Văn tự nhiên:
– Chuyện gì thế, tôi nghe có được không?
Trần Hoàng vừa đau khổ vừa khó chịu:
– Tôi đi thành phố, biết Nhã Lợi ở đây nên đến tìm và...
Vũ Văn cắt lời Hoàng:
– Để xem sau khi Nhã Lợi bị mẹ anh đuổi đi sống như thế nào chớ gì? Anh yên tâm đi, cô ấy vẫn sống dù thiếu thốn, nhưng hạnh phúc và vui vẻ.
– Còn anh, sao lại ở đây? Tôi tưởng chỗ này của Khoa Nam chứ?
Vũ Văn cười:
– Khoa Nam? Khoa Nam và Khả Tú sắp cưới nhau, không lẽ anh không biết?
Trần Hoàng sửng sốt nhìn Nhã Lợi. Cô lạnh lùng:
– Anh ấy nghĩ 2 đứa con cúa em là con anh Khoa Nam đó.
Vũ Văn cười thành tiếng:
– Em có muốn anh giải thích giùm em không Nhã Lợi?
Trần Hoàng cau mày nhìn 2 đứa trẻ, hình như anh bắt gặp 1 nét gì đó quen thuộc. Nhưng trước kiểu nói của Nhã Lợi và Vũ Văn, anh nổi giận:
– Tôi muốn nói chuyện riêng với Nhã Lợi. Anh có thể đi chỗ khác được không!
Vũ Văn nhún vai:
– Nhã Lợi bây giờ là vợ của tôi. Chuyện của vợ là chuyện của chồng. Côv ấy buồn tôi buồn, cô ấy khổ tôi đau, cho nên tôi muốn anh không được quyền làm cho cô ấy buồn. Cô ấy bị anh làm cho buồn nhiều lắm rồi.
Người Trần Hoàng nóng lên. Tuy anh nghĩ họ có thể đã sống chung với nhau, nhưng lời nói kia làm cho anh đau đớn.
– Nhã Lợi là vợ của anh?
– Chẳng lẽ cô ấy còn là vợ anh khi anh bỏ rơi người ta. Chúng tôi đã yêu nhau từ thời sinh viên. Tôi đi du học nước ngoài, anh ở nhà chen chân vào, dùng tiền bạc để buộc cô ấy về nhà anh. Để rồi khi gia đình người ta suy sụp, cha cô ấy đi tù thì anh tàn nhẫn đuổi người ta đi. Tôi không yêu và lo cho Nhã Lợi, thì ai vào đây lo cho cô ấy?
Câu hỏi của Trần Hoàng trở nên ngây ngô:
– Anh sống với Nhã Lợi thật?
– Dĩ nhiên.
– Còn 2 đứa nhỏ?
– Anh nghĩ nó là con của ai, của anh à?
Trần Hoàng lắc đầu:
– Làm gì có.
– Không là của anh thì là của tôi.
– Thì ra anh lo cho Nhã Lợi suốt thời gian qua là vì như thế?
– Vợ con mình, thì mình phải lo chứ. Đâu có như ai đó, vợ không thương, con chẳng nhìn, lại đeo mang máu thịt kẻ khác.
Trần Hoàng tức giận:
– Còn cô vợ bác sĩ của anh thì sao?
– Anh muốn nói Bích Ngọc vợ tôi, là cô em họ của Hồng Loan, vợ anh đấy à?
– Anh vừa gọi Bích Ngọc là vợ, vậy Nhã Lợi cũng là vợ anh?
– Có sao đâu! Chẳng lẽ tôi bỏ con tôi và Nhã Lợi, vậy anh xem tôi có đáng mặt đàn ông không?
– Vậy là lúc Nhã Lợi sống với tôi, 2 người vẫn âm thầm dan díu với nhau?
Trước câu hỏi này, nếu không ghìm được có lẽ Vũ Văn đã tống cho 1 nấm đấm vào mặt Hoàng. Anh lạnh lùng:
– Anh muốn nghĩ sao cũng được.
Trần Hoàng xẵng giọng:
– Hèn nào, khi mẹ tôi đuổi Nhã Lợi đi, cô ấy đã tráo hộp nữ trang của mẹ tôi, thay vào đó toàn là vàng giả, đế theo tình nhân sống đầm ấm lén lút ở chốn này.
Nhã Lợi sững sờ kêu lên:
– Anh nói cái gì vậy anh Hoàng?
Trần Hoàng giận dữ:
– Em quá biết rồi còn hỏi.
– Nhưng tôi muốn nghe từ môi anh nói rõ ra kìa.
Trần Hoàng cười khinh bỉ, mắt anh dừng lại trên gương mặt sững sờ tái nhợt của Nhã Lợi, 1 cái nhìn có thể giết chết Nhã Lợi không phải bằng gươm đao, mà là sự nhục nhã.
Vũ Văn khó chịu:
– Anh làm ơn nói cho rõ hơn đi, chúng tôi không hiểu.
– Mẹ tôi bảo toàn bộ số nữ trang bà dành dụm cất trong tủ đã bị Nhã Lợi đánh tráo, trước khi cô ấy rời khỏi nhà tôi.
Như từ trên trời rơi xuống đất, Nhã Lợi kinh hoàng ôm mặt nghẹn ngào:
– Nữ trang? Mẹ anh để ở đâu, làm sao tôi biết mà lấy. Trần Hoàng! Anh nên nhớ, tôi rời khỏi nhà anh từ 2 năm nay, anh nói cái gì vậy?
– Từ ngày cô đi nhà tôi đâu có thiếu thốn mà phải dùng đến nó? Nay mẹ tôi xem lại, mới hay tất cả bị đánh tráo là vàng giả, cô không lấy thì ai lấy? Hồng Loan đâu có thiếu tiền tiêu.
Nhã Lợi đứng chết lặng. Cô không ngờ Trần Hoàng nghe lời mẹ mình đến mù quáng như vậy. Cô nhìn anh đăm đăm, lòng đau đớn và thất vọng. 2 năm qua anh vẫn không có chút tiến bộ, thay đổi nào hết.
Trần Hoàng nhìn sang nơi khác. Anh đâu có ý định thóa mạ cô, thực sự anh cũng không muốn làm rõ chuyện mất vàng, vậy mà nhìn họ với nhau, anh ghen tức thành ra nói bậy bạ, giận ghét lẫn lộn. Anh muốn Nhã Lợi luôn chờ đợi anh, dù là ghét anh hay hận anh.
Anh có mang theo 1 số tiền cơ quan thưởng, định giúp Nhã Lợi nuôi con, đứa con của anh hay của Vũ Văn, Khoa Nam gì cũng được, thế mà mọi chuyện không theo như anh nghĩ nữa.
Còn Nhã Lợi, cô lịm người đau đớn, bởi danh dự bị xúc phạm, lăng nhục. Hồng Loan giàu có nên cô ta không bị nghi là kẻ ăn cắp. Còn cô, cha đi tù, gia đình xuống dốc, bà con họ hàng xa lánh rẻ khinh, mẹ chồng và chồng ruồng bỏ. Cô mang thai sinh con không được nhìn nhận, còn bị nghi ngờ là kẻ ăn cắp. Mặt cô cứ tái dần đi trong cơn đau và uất hận.
– Mẹ anh nhất định cho là tôi đã lấp cắp?
Trần Hoàng nói mà không dám nhìn Nhã Lợi:
– Phải. Vì mẹ tôi bệnh lúc đó chỉ có 1 mình cô vào phòng, chìa khóa tủ mẹ tôi để đâu lẽ nào cô không biết? Cô còn ngủ đêm lại trong phòng mẹ tôi, dọn dẹp quét dọn. Cái gì cũng là cô hết.
Nhã Lợi nói qua dòng nước mắt:
– Còn Hồng Loan, chẳng lẽ từ 2 năm qua sống trong nhà anh, mẹ anh không hề ốm đau, và Hồng Loan không hề vào phòng?
– Hồng Loan rất ít khi ở nhà, phòng của mẹ tôi đời nào cô ấy chịu vào. Vả lại, gia đình Hồng Loan giàu có, cô ấy không cần ăn cắp của cải của mẹ tôi, vì sau này của tôi cũng là của cô ấy.
Nhã Lợi cắn chặt răng nhìn Trần Hoàng, cô không còn cảm giác đau nữa, bởi con người này, cô quá thất vọng và chán ngán tư cách của anh ta. Cô đã chung sống 3 năm với 1 người đàn ông tầm thường và thô thiển như thế đó. Cô còn thương xót ngậm ngùi và nhớ thương anh ta chi nữa.
Cô cười đau đớn:
– Có nghĩ là nghèo nên mới có tính tham lam, còn giàu có thì không. Anh có ý nghĩ này từ bao giờ thế?
Vũ Văn nhìn Trần Hoàng, nghiêm mặt:
– Tóm lại là anh muốn vợ tôi hoàn trả lại cho anh những gì đã mất? Bao nhiêu vậy?
Trần Hoàng lúng túng:
– Tôi biết mẹ tôi đuổi Nhã Lợi đi là không công bằng. Nhã Lợi từng là người tốt.
Vũ Văn ngắt lời:
– Anh đã vì chữ hiếu quá nặng mà thành người nhu nhược rồi.
Không màng đến câu mắng khéo của Vũ Văn, Hoàng gật đầu:
– Tôi biết phải làm sao giữa mẹ và vợ. Bà chỉ có 1 mình tôi là con trai, và cần cháu nối dõi tông đường.
– Lúc nãy anh vừa nói Nhã Lợi là người tốt. Đã sống 3 năm với cô ấy, tôi nghĩ là anh biết tính tình Nhã Lợi như thế nào rồi. Anh đã im lặng để cho mẹ anh đuổi vợ mình đi, trong lúc gia đình Nhã Lợi suy sụp, cô ấy đã để hết nữ trang cưới lại, bao nhiêu đó không đủ chứng minh là cô ấy không màng đến, của cải nhà anh?
Trần Hoàng cúi đầu ra vẻ suy nghĩ. Vũ Văn cao giọng:
– Gần 2 năm qua, anh vẫn chưa suy nghĩ thấu đáo được ai tốt ai xấu hay sao?
– Anh bảo tôi nghĩ như thế nào, khi mà phòng của mẹ tôi chỉ có 1 mình Nhã Lợi bước vào?
– Thật vậy sao? Mẹ anh có lòng yêu thương Nhã Lợi, đến tin tưởng Nhã Lợi, cho cô ấy tự do vào phòng?
Nhã Lợi chùi nước mắt:
– Lúc ấy, mẹ của anh ốm mấy ngày, em mới được vào phòng săn sóc, và có ngủ đêm lại đó, nhưng em thề, em không có ý tham lam.
Trần Hoàng sụp mắt xuống để che giấu xót xa của lòng mình. Anh đâu có muốn bắt tội cô.
Giọng anh thật khẽ:
– Là mẹ tôi bảo như thế.
Vũ Văn quắc mắt:
– Anh cho là mẹ anh nói đúng à? Anh làm ơn đi ra khỏi nhà chúng tôi, đừng bao giờ đến đây làm phiền chúng tôi. Nhã Lợi bây giờ là vợ của tôi, tôi cấm anh vu oan cho cô ấy!
– Vậy còn nữ trang của mẹ tôi bị tráo đổi thì tính sao đây?
– Tính sao? Anh hỏi thật ngớ ngẩn. Nếu Nhã Lợi có tiền, cô ấy đâu để cho tôi lo, cô ấy đâu phải ở nhà thuê chật hẹp, phải vất vả kiếm sống bên ngoài để có tiền nuôi con?
Vũ Văn ôm qua vai Nhã Lợi bóp nhẹ, như để trấn áp cho cô qua phút xúc động, khi mà Trần Hoàng hầu như không còn nghĩ gì đến nghĩa vợ chồng 3 năm chung sống, tàn nhẫn lạnh lùng.
Còn Trần Hoàng, vòng tay Vũ Văn ôm Nhã Lợi như để khẳng định họ là của nhau, như nhấn sâu vào tâm hồn anh lửa hờn ghen ngun ngút. Lòng anh tức tối, tim anh cuồng loạn, anh cố ghìm cơn sóng của lòng mình xuống.
– Anh là chồng của cô ấy, dĩ nhiên anh phải nuôi vợ và con của mình chứ, sao lại hỏi tôi?
– Muốn biết sự thật, anh nên đi hỏi Khoa Nam, xem Hồng Loan bên ngoài như thế nào, tính tình và giao du của cô ấy ra sao, chừng ấy anh sẽ biết vàng của anh ai lấy.
Trần Hoàng khó chịu:
– Vũ Văn! Cho dù anh yêu Nhã Lợi như thế nào, anh cũng phải có suy đoán cho chín chắn chứ.
– Anh biết chúng tôi yêu nhau bao nhiêu năm không? Vì tôi nghèo nên anh mới có cơ hội cưới Nhã Lợi, nhưng anh lại không hề biết trân trọng người vợ đầu ấp tay gối của mình. Bây giờ Nhã Lợi là của tôi, tôi không để cho bất kỳ ai, có quyền sỉ nhục, làm mất danh dự của cô ấy. Tốt nhất anh đi về đi! Nhã Lợi tốt hay xấu, điều ấy tôi tự hiểu.
– Anh đừng quên anh cũng đã có vợ rồi! Bích Ngọc là em bạn dì của vợ tôi, có cần tôi che chở giấu giếm mối quan hệ này của anh không?
Vũ Văn cười nhạt:
– Anh đừng mang Bích Ngọc ra hù dọa tôi! Chuyện của tôi, tôi tự biết cách giải quyết. Trở lại vấn đề hộp nữ trang của mẹ anh bị mất, tôi khẳng định Nhã Lợi không có lấy. Anh đi về đi!
– Rồi tôi trả lời với mẹ tôi như thế nào đây?
Nét khắc khổ in trong mắt của Trần Hoàng, khiến Vũ Văn vừa khinh bỉ vừa thương hại:
– Đó là chuyện của gia đình anh, không liên quan đến chúng tôi. Anh về mà nói cho mẹ anh biết, Nhã Lợi có nghèo có khổ thật nhưng cô ấy không thèm tham tiền và vàng của nhà anh để cất đi mà sống đâu.
Ánh mắt Nhã Lợi bây giờ khô ráo và sắc bén, 1 chút lạnh lùng lẫn rẻ khinh.
– Anh Hoàng! Dù em không yêu anh trước khi về làm vợ anh, nhưng em vẫn là người vợ tốt của anh. Anh tin hay không tin, tùy anh. Anh hãy vượt lên trên sự yếu đuối nhu nhược, để có cái nhìn cứng rắn và sáng suốt hơn.
Trần Hoàng thở dài:
– Mẹ tôi ngã bệnh rồi, nên bà bảo tôi đi tìm em, xem em có lấy hay không.
– Tại sao anh vẫn không tin là em không có lấy. 2 năm qua, em vẫn chưa 1 lần trở lại Dĩ An. Còn nhà anh, có bao nhiêu là thay đổi. Anh làm ơn đi đi, đừng bao giờ để em nhìn thấy mặt. Làm ơn đi đi!
– Nhã Lợi!
– Đừng nói gì nữa cả! Nếu anh nghĩ tôi xấu xa hay ăn cắp vàng của mẹ anh thì... ừ... tôi lấy đó.
Trước câu nói lẫy giận dữ của Nhã Lợi, Trần Hoàng vẫn cứ như người ngớ ngẩn, chậm hiểu.
– Em có lấy thật? Nếu thật sự em có lấy tôi cũng không trách em, vì mẹ tôi đã đối xử không tốt với em.
– Đúng vậy! Bà chưa bao giờ xem tôi là đứa con. Người ta nói con dâu là con gái, còn tôi là 1 con ở không công.
Trần Hoàng chớp mắt:
– Anh biết mẹ anh luôn gắt gao với em. Nay em lấy số nữ trang ấy, xem như bù đắp cho em ngày tháng cơ cực đã qua.
Vũ Văn kêu lên:
– Tôi không hiểu anh nói, Trần Hoàng.
– Tôi nhớ Nhã Lợi và lo cho cô ấy, bây giờ thấy 2 người hạnh phúc, tôi ganh tỵ nên có nặng lời. Thật ra số vàng ấy có hay không đối với tôi không quan trọng. Nhã Lợi ra đi, tôi cũng có 1 phần trách nhiệm. Tô hy vọng Nhã Lợi sẽ đợi tôi, và Hồng Loan sau 1 thời gian chung sống không hạnh phúc, cô ấy sẽ bỏ đi, nhưng tất cả không như ý tôi muốn.
– Anh Hoàng!
Nhã Lợi đưa tay ra ngăn không cho Vũ Văn lên tiếng, vì cô hiểu Vũ Văn muốn nói gì. Cô cười nhẹ với Trần Hoàng:
– Anh yên tâm đi! Dù cuộc đời có như thế nào, tôi cũng không quay trở lại với anh. Bây giờ mỗi người có 1 con đường rồi. Anh hãy lo săn sóc cho mẹ anh, cho vợ con của anh, đừng bao giờ tìm đến đây. Chúng tôi muốn được sống yên ổn để nuôi con.
Trần Hoàng tuyệt vọng:
– Anh biết. Xin tạm biệt.
– Có 1 điều, em muốnanh tin em, số nữ trang đó, em không có lấy.
– Anh tin! Những lời nói lúc nãy là do anh tức quá mà nói ra. Bây giờ anh hiểu tại sao em yêu anh Văn mà không yêu anh.
– Anh hiểu?
– Phải! Anh Văn tế nhị, biết hy sinh cho em, anh ấy đã không ngại khó dễ để lo lắng chăm sóc cho em và con. Anh ấy đã dám bỏ đi hạnh phúc êm ấm bên Bích Ngọc, để đến căn nhà thuê chật hẹp này, cho anh biết Vũ Văn còn yêu em.
Vũ Văn xúc động. Anh không ngờ Trần Hoàng bày tỏ tâm tư chân thành của mình trái với những lời tức giận hàm hồ lúc đầu. Tiếc rằng Trần Hoàng quá nhu nhược, tự mình làm tan vỡ hạnh phúc của chính mình.
Từ suy nghĩ ấy, anh đuổi theo bước chân Trần Hoàng:
– Anh Hoàng! Anh nghe đây, 2 đứa nhỏ...
Nhã Lợi ngăn Vũ Văn lại, ánh mắt cô đầy trách cứ. Cô cướp lời Văn:
– Anh Hoàng! Anh hiểu cho hoàn cảnh em và anh Văn, em mừng lắm. Cám ơn anh đã hiểu em. Anh cũng nên quên em, trở về nhà lo vun đắp hạnh phúc gia đình, đừng để con anh phải xa cha.
– Cám ơn.
Trần Hoàng đi lầm lũi, dáng đi nghiêng nghiêng đổ dài. Nhã Lợi thẫn thờ trông theo, lòng cô buồn héo hắt. Cô vừa hận anh vừa yêu anh. Từ trong sâu thẳm của lòng, cô vẫn dành cho anh 1 tình cảm sâu đậm. 3 năm chăn gối đâu phải dễ dàng quên.
– Nhã Lợi!
Vũ Văn đặt tay lên vai Nhã Lợi:
– Tại sao em không cho anh nói sự thật chớ? Trần Hoàng còn yêu em.
– Yêu thì sao, em tiếp tục chung sống với anh ấy ư? Hồng Loan đâu phải người hiền, cô ta chịu im sao? Anh Văn! Em có chuyện này muốn nói với anh.
– Gì, em nói đi!
– Em định về quê Vĩnh Long.
– Sao lại đi, còn công việc buôn bán ở đây?
– Em từng bị đau khổ vì mất chồng. Em không muốn chị Bích Ngọc buồn như em. Anh đã cưới chị ấy, chị ấy có thể không nói nhưng làm sao không buồn, không khổ khi anh lo lắng cho em. Làm đàn bà ai không ghen.
– Em định đi đâu?
– Em về Vĩnh Long. Có như vậy, anh mới chịu quay về với chị Bích Ngọc. Dù rằng anh vì yêu 2 đứa trẻ và dù rằng anh và em xem nhau như bạn bè, nhưng ai hiểu cho chúng ta chỉ xem nhau như bạn bè?
– Anh van em khoan hãy đi! Anh sẽ giải thích cho Bích Ngọc hiểu. Anh dàn xếp được mà. Hứa với anh đi!
Nhã Lợi đứng lặng im, nước mắt rưng rưng. Văn chỉ biết đứng nhìn cô. Ai hiểu cho họ đến với nhau chỉ còn tình bạn?

*

Ánh mắt buồn hiu hắt của Bích Ngọc làm cho bà Hằng chú ý. Đối với tấm lòng người mẹ, dù cho Bích Ngọc đã lớn, lập gia thất, nhưng dưới đôi mắt người mẹ, Bích Ngọc vẫn bé bỏng. Bà đến ngồi bên cô:
– Con không khỏe hay sao mà đi làm về không ăn cơm, để Vũ Văn ăn có 1 mình vậy?
Mắt nhìn lên màn hình, Ngọc lắc đầu:
– Đâu có gì, má! Tại lúc ở bệnh viện, con ăn bánh bao của tụi bạn nên còn no.
– Buồn gì thì cùng nên nói ra. Có giận chồng cũng vậy, nói cho Vũ Văn nó sửa, chớ ôm mãi trong lòng.
Nắm tay mẹ, Bích Ngọc xúc động:
– Dạ, con biết. Tại con mệt mỏi thôi, má không phải lo.
– Ngày xưa, lúc có mang con, má phải giữ gìn đủ mặt, để sinh con cho đẹp. Làm mẹ phải chịu nhiều đau đớn vất vả lắm con ạ. Phải cố lên, có cần gì mẹ giúp cho.
– Dạ không có gì đâu mẹ. Con lớn rồi, mẹ đừng xem con như đứa trẻ nữa.
– Dù con bao lớn đối với mẹ con vẫn bé bỏng, làm sao mẹ không lo cho con. Chừng nào con làm mẹ đi rồi biết.
– Dạ, con biết chứ. Nhưng con không có chuyện gì đâu mẹ.
Biết Bích Ngọc không muốn nói, nên bà Hằng đành đứng lên:
– Thôi, mẹ đi nghỉ đây. Chừng nào ba con đến rước thì gọi mẹ dậy.
– Dạ.
Đâu phải bà Hằng không biết Bích Ngọc đang buồn, nó không chịu tỏ bày, bà biết sao bây giờ. Mấy ngày nay ngồi bên chiếc ti vi, nhưng hồn thì ngẩn ngơ, không tập trung theo dõi hình ảnh trên phim, nhất là thái độ không tự nhiên khi đối diện trò chuyện với Vũ Văn, có lẽ nó giận Vũ Văn.
Nhìn theo mẹ, Bích Ngọc buồn chán gục trên đôi cánh tay. Cô có tất cả, 1 căn nhà khang trang bài trí đẹp mắt, có mọi thứ từ tiền tài, nhưng sao lòng cô tràn ngập tủi sầu đau đớn.
Trái tim của Vũ Văn đâu phải dành cho mỗi mình cô. Ở bên cô là thể xác khô cằn, 1 tâm hồn vỡ vụn lừa dối.
Anh và Nhã Lợi từng 1 thời gian yêu nhau. Người ta phụ bạc anh theo chồng, vậy mà tình cho người ta vẫn đong đầy, thủy chung. Vậy tại sao anh còn cưới cô?
2 đứa bé kia là cốt nhục của anh? Nếu như Hồng Loan không nói, cô cũng không biết cô đang bị lừa dối.
– Bích Ngọc! Em làm gì ngồi từ ra đó vậy?
Giật mình, Bích Ngọc nhìn lên.
Giọng Vũ Văn nhẹ nhàng:
– Em xem ti vi hết chương trình, sao không tắt ti vi. Bộ có chuyện gì không vui à?
– Dạ đâu có.
– Anh thấy em buồn và lạnh nhạt với anh.
– Vậy sao?
Bích Ngọc đứng dậy. Văn ôm qua vai cô, định dìu cô đi, nhưng cô gỡ nhẹ tay anh:
– Em về phòng ngủ.
– Hình như em giận anh? Anh đã làm điều gì cho em giận? Em nói ra đi, anh nhất định sẽ sửa.
– Anh biết lo cho em?
– Em nói gì vậy, em là vợ anh mà.
Bích Ngọc đặt tay lên bụng mình, cái bụng tròn lum lúp. Giọng cô héo hắt:
– Trên pháp lý, em là vợ anh. Trong bệnh viện cũng vậy, em là vợ bác sĩ Vũ Văn. Nhưng trong lòng anh, em là ai, anh tự biết mà.
Cô quay đi, Văn dang tay ra ngăn lại:
– Em nói như vậy là ý gì?
Cau mày nhưng giọng Bích Ngọc vẫn nhỏ nhẹ:
– Chẳng nói gì cả, ngoài ý muốn là em muốn đi nằm 1 mình, đừng ai nói bên tai nữa. Được chưa? Ngày mai em còn phải trực ban nữa.
Vũ Văn buồn bã:
– Hơn 1 tuần lễ nay, trước mặt ba mẹ và mọi người, em cười vui với anh. Nhưng khi về nhà, em không hề chịu nói gì với anh cả. Anh không hiểu anh đã làm điều gì sai, cho em buồn anh?
Bích Ngọc cay đắng:
– Thật ra, anh quá hoàn mỹ trong mắt em, làm gì có điều sơ sót tại em thôi.
– Anh không hiểu lời nói của em.
– Là em không xứng đáng được có 1 người chồng như anh. Anh cưới em, bởi vì em đeo đuổi anh, bám lấy anh, anh tội nghiệp chứ không hề yêu, đúng không?
Vũ Văn ngạc nhiên:
– Em nghĩ như thế à?
– Khi yêu anh, em có nói, em chấp nhận tất cả, dù cho em không là mối tình đầu của anh. Có nghĩa là từ giây phút vợ chồng gắn bó, chúng ta không giấu nhau điều gì cả. Có đúng không?
– Anh giấu em? Điều gì?
– Tất cả những gì anh không muốn nói, em đều biết hết.
– Là chuyện gì mới được, tình cảm hay công việc?
– Em đã tìm hiểu và chứng kiến tất cả những gì anh muốn che giấu em. Mấy tuần qua em đã đau khổ, thất vọng và chán ngán, bây giờ thì không còn nữa.
– Ngọc!
Nghẹn ngào nhưng Bích Ngọc cố nói tiếp:
– Phải, em không trách anh tại sao lợi dụng tình cảm của em để nuôi dưỡng tình yêu tưởng đã lụn tàn theo năm tháng. Em cũng không giận anh nữa, khi anh giả dối nói anh yêu em, còn trái tim anh vẫn thuộc về cô ấy.
– Cô ấy?
– Anh lén lút gặp người đã 1 thời yêu nhau đúng không?
– Em nói ai?
– Tự lòng anh phải biết, sao lại đi hỏi đố em? Em nói là nói cho hả hơi thôi đong đầy trong trái tim bị từ chối của em.
Vũ Văn thở dài:
– Em nghe anh nói đi!
– Anh không cần thanh minh, khi em đã thấy và đã nghe chuyện 2 người rồi. Lúc em muốn chia sẻ thì anh giấu giếm. Khi em đã tìm biết, thì không cần sự thành thật của anh nữa. Anh nói gì đi nữa, niềm tin của em đối với anh cũng hết rồi.
– Em là vợ anh, em phải tin anh chớ.
– Tin tưởng sau khi thu lượm hình ảnh kết quả hay sao? Em không phải là thần thánh, anh phải biết thiên đường không có ở trần gian.
Vũ Văn nắm tay vợ bóp nhẹ:
– Em nghe anh nói đã.
– Em đã nghe anh và cả người ấy nói với nhau rồi, bây giờ em không muốn nghe nữa, em muốn yên tình. Em hứa sẽ không phá hạnh phúc của 2 người đâu.
– Em nói... Bích Ngọc, em nói rõ đi! Em muốn đi đâu vậy?
Lạnh giọng, Bích Ngọc nói:
– Em sẽ ngủ ở phòng đọ csách, ở đó yên tĩnh em sẽ dễ ngủ.
Cô đi nhanh về phòng đọc sách đóng cửa lại, Vũ Văn thở dài trông theo, lòng đầy phiền muộn.

*

Lại 1 tuần trôi qua, Bích Ngọc vẫn thản nhiên khi đứng trước mọi người và trong bệnh viện. Nhưng khi về nhà, Vũ Văn hỏi gì cô cũng không đáp. Quá bực mình, Vũ Văn bỏ nhà đi, chỗ anh đến là nhà Nhã Lợi, cùng tiếng cười trẻ thơ.
– Có chuyện gì buồn hả anh?
Nhã Lợi chú ý ngay đến nét mặt phiền muộn của anh. Văn thở dài:
– Bích Ngọc giận anh. Cô ấy nghi ngờ anh và em gắn bó nhau, 2 đứa nhỏ này là con của anh. Cô ấy bảo đã theo dõi và nhìn thấy sự thật.
Nhã Lợi lo lắng:
– Sao anh không giải thích đây chỉ là màn kịch?
Vũ Văn buồn bực:
– Có chịu nghe đâu mà giải thích.
– Sao lại như thế? Anh phải bằng mọi cách phân bày cho chị ấy biết rõ chứ. Hay là anh để em đến gặp chị Bích Ngọc phân giải mọi lẽ, biết đâu chị ấy sẽ nghe.
Văn lắc đầu:
– Bích Ngọc cứng rắn, khó lay chuyển lắm. Em đến cô ấy sẽ nổi giận, nặng lời với em nữa à.
– Em với anh có gì đâu.
– Thì tại Trần Hoàng kìa.
– Thật ra là em rất quý anh, anh Văn ạ. Chứ còn tình yêu thì không còn nữa. Em không muốn nghĩ đến chuyện tình yêu nữa. Em muốn được sống yên ổn để nuôi con cho đến ngày chúng nó khôn lớn.
– Anh biết tình cảm và ý chí của em. Còn Bích Ngọc, cô ấy có thèm hiểu đâu.
– Chẳng lẽ 2 người chiến tranh lạnh hoài sao?
Vũ Văn thở dài:
– Từ từ rồi cô ấy cũng sẽ hiểu. Anh không muốn con của em biết cha chúng nó không nhìn đến chúng. Tuổi thơ nào có lỗi lầm gì, anh cố gắng đem lại niềm vui cho chúng. Rồi khi lớn lên, trưởng thành, anh sẽ nói cho chúng biết cha là ai, hoàn cảnh như thế nào đẩy đưa chúng đến cảnh khổ cực như ngày nay.
– Chị Bích Ngọc cho anh tự do để thực hiện ý muốn đó sao? Anh là chồng, anh pảhi hoàn toàn thuộc về chị ấy chớ. Anh nên đi về đi, anh Văn ạ. Đừng phí thời gian vì mẹ con em nữa, cũng đừng đến đây, em không muốn vợ chồng anh mất hạnh phúc vì em.
– Còn em, làm sao anh có thể không quan tâm đến em?
– Chuyện của em, nuôi con và dạy dỗ con là của em. Anh phải biết lo cho Bích Ngọc, chị ấy đang mang thai, anh hãy tạo hạnh phúc và cho chị ấy niềm vui. Anh về đi!
Văn nhìn đồng hồ:
– Ừ, anh đi về. Nhưng dù thế nào anh cũng lo cho em. Hôm nào rảnh, anh đến. Nhớ bảo với các con là anh đi công tác.
Nhã Lợi cảm động:
– Em biết rồi mà.
– Nhưng anh nhớ 2 đứa nhỏ, anh sẽ không thể không đến.
– Nếu muốn như vậy, anh phải giải thích cho chị ấy biết hoàn cảnh của chúng ta. Chừng nào chị ấy thông cảm hiểu cho, anh hãy đến.
Vũ Văn đi khuất sau cánh cửa, Nhã Lợi trông theo, lòng cô nặng trĩu nỗi buồn. Cô phải làm gì đây để cho hạnh phúc của anh tròn đầy?

*

Cơn đau kéo dài, mỗi lúc thêm nhiều hơn. Bích Ngọc cắn chặt răng cố nén cơn đau. Văn ngồi bên, anh xoa tay lên bụng cô, vỗ về.
– Ráng đi em! 1 chút nữa thôi, con mình sẽ ra đời, em sẽ khỏe lại ngay.
Dù đau đớn đến rã rời, nhưng cơn giận trong lòng Bích Ngọc vẫn còn âm ĩ, cô hất bàn tay Văn trên bụng mình xuống. Biết cô còn giận mình, Văn cố dỗ dành:
– Ngọc à! Anh xin lỗi em. Mong em thôi giận, hãy nghĩ đến sức khỏe của mình.
Khuôn mặt Bích Ngọc đọng đầy mồ hôi, chứng tỏ cô rất mệt và đau. Cô không rên rỉ thường tình mà chỉ nhăn mặt. Anh ôm cô vào mình như muốn chia sẻ:
– Hay là... anh giải phẫu cho em đỡ đau?
Bích Ngọc cắn mạnh môi bởi cơn đau lại ập đến, mặt cô xanh tái mệt mỏi.
– Anh Văn! Hay đưa chị Ngọc vào phòng khám lại.
– Ờ... ờ.
Ngày nào, Văn chỉ tay ai cũng răm rắp nghe theo. Giờ Bích Ngọc chuyển dạ, anh ngơ ngẩn và quên hết những điều cần thiết. Anh "ờ... ờ" rồi dìu cô.
– Anh đưa em vào phòng sinh.
Bích Ngọc không ừ hử cũng không phản đối. Anh dìu cô đi vào. Từng phút căng thẳng và cơn đau đến dữ dội như muốn xé tan cả thân xác Bích Ngọc... Nhưng dù sao, sự có mặt của Vũ Văn bên cạnh lúc cô vượt cạn sinh con cũng cho cô ấm áp, không quá tủi buồn.
Rồi chẳng nhìn theo xem con như thế nào, Bích Ngọc nằm thiêm thiếp, mặc cho bạn bè, 2 bà mẹ vây quanh...
Lau mồ hôi trên trán vợ, Vũ Văn âu yếm, lúc Bích Ngọc chìm vào cơn mơ sau cơn vượt cạn mỏi mệt. Anh ngắm con rồi hôn lên má vợ.
– Anh thương em lắm Ngọc ạ. Tại sao em không suy nghĩ cho sâu vậy? Em cho rằng anh yêu Nhã Lợi và 2 đứa bé ấy là con anh rồi cứ giận anh lừa dối em hay sao? Thật ra thì anh vì 2 đứa nhỏ. Trần Hoàng quá nhẫn tâm, anh ta như là thiên lôi ấy, mẹ nói như thế nào thì làm như thế đó. Sao anh ta không chịu động não 1 chút, 2 đứa bé đó là cốt nhục của anh ta. Còn anh, lại không nỡ nhìn Nhã Lợi và 2 đứa nhỏ khổ. Anh biết em giận anh vì cho là anh lừa dối em. Anh và Nhã Lợi bây giờ chỉ là tình bạn, sao em không chịu hiểu như thế. Em giận không thèm nghe anh giải thích, anh giận em vì em không tin tưởng anh. Em cứ nghĩ anh trở lại và yêu thương Nhã Lợi. Anh đâu còn yêu cô ấy, người anh yêu là em. Còn Nhã Lợi, 3 năm bên chồng tuy chăn gối ngắn ngủi, nhưng tình yêu đã đến với cô ấy...
Bích Ngọc vẫn còn mê man, có lẽ thuốc mê chưa tan, nên giấc mê dài vẫn còn. Văn ngồi tư lự nhìn vợ. Anh cũng có tự ái của 1 người đàn ông khi bị vợ lạnh nhạt hắt hủi. Xuất thân từ nghèo khó, cái mặc cảm ấy không dễ dàng mất, nhất là khi anh làm chồng 1 cô gái nhà giàu.
Anh nắm tay cô áp lên má:
– Em đã sinh cho anh được 1 đứa con bụ bẫm, anh thích lắm. Nhưng nếu vẫn cứ tiếp tục sống lạnh nhạt, anh chịu không nổi. Cho nên anh sẽ chuyển công tác, đi xa 1 thời gian, cho em thấy anh và Nhã Lợi không có gì cả... Anh biết em có yêu anh nên em mới ghen, nhưng thà em làm ầm ĩ rồi vợ chồng hòa nhau, hơn là em cứ âm thầm và lạnh nhạt. Em phải hiểu nếu 2 đứa bé kia là con anh, thì anh đâu có cưới em. Thời gian Nhã Lợi mang thai, lúc đó anh và em đều ở bên Pháp bận rộn ôn thi, làm sao anh bay về nước. Còn Nhã Lợi cũng đâu có khả năng sang bên đó gặp anh. Tại sao em không chịu suy nghĩ vậy?
Bích Ngọc mở mắt, cô đã nghe hết lời anh nói. Anh nói như 1 lời tự sự cho đến khi mệt mỏi và ngủ thiếp bên cạnh cô. Bất giác cô đưa tay sờ lên mái tóc bồng rủ trên trán anh.
– Em tha lỗi cho anh rồi, Văn ạ.
o O o
Nhã Lợi đến thăm Bích Ngọc với gương mặt buồn. Cô hỏi thăm sức khỏe của Bích Ngọc và cuối cùng mới đi vào câu chuyện của 3 người.
– Tôi sẽ về Vĩnh Long sống, cho nên đây là lần cuối cùng tôi đến thăm chị.
Bích Ngọc ngạc nhiên:
– Nhã Lợi đi đâu? Ở đây công việc tạm ổn rồi mà.
Thành thật, Nhã Lợi đáp:
– Nếu ở lại thành phố, cuộc sống cũng không giàu có gì, nhưng dù sao cũng có phương tiện để sống. Đi xa rồi, tôi cũng không biết môi trường đó sẽ đem lại cho mình những gì nữa.
– Vậy tại sao Nhã Lợi lại rời nơi này?
Thẳng thắng, Nhã Lợi nhìn vào mắt Bích Ngọc:
– Vì tôi không muốn chị buồn và hiểu lầm tôi. Chị nghĩ anh Văn đến với mẹ con tôi vì anh ấy còn yêu tôi. Thực sự chúng tôi chỉ xem nhau như bạn bè, anh ấy giúp đỡ tôi như 1 người bạn. Anh Văn luôn yêu chị, trân trọng chị. Vì nếu như không có chị, ảnh đâu có được như ngày nay. Tình yêu đó còn có cả ơn sâu nghĩa nặng.
Bích Ngọc cười nhẹ:
– Anh Văn nhờ chị đến gặp tôi và nói như thế này à?
Nhã Lợi lắc đầu:
– Anh Văn đâu phải là người thích kẻ thứ 3 vào cuộc, mà chị hỏi tôi như thế. Chị là bạn của anh ấy lâu rồi, mà không hiểu tính tình của chồng mình sao?
– Vậy tại sao chị nói với tôi chị sẽ đi, mà không âm thầm đi?
– Là vì tôi muốn chị đừng hiểu lầm anh Văn. Anh ấy là 1 người chồng tốt. Đã là vợ chồng, có hiểu lầm gì, cần phải giải bày, đừng vì nghi ngờ mà làm tan vỡ hạnh phúc gia đình. Ngày xưa, tôi vì nghe lời cha mẹ làm tan vỡ trái tim của anh ấy, tôi không muốn chị giẫm lên dấu chân đau buồn của tôi nữa.
Bích Ngọc cúi xuống nhìn khuôn mặt tươi tắn của con trong giấc ngủ. Giọng Nhã Lợi nhẹ nhàng:
– Chị vừa là bạn vừa là ân nhân của tôi, đưa tôi từ bóng tối ra nơi quang đãng, tôi làm sao có thể vui vẻ trên sự đau khổ của chị. Tôi mong chị suy nghĩ mà đừng làm tan trái tim anh Văn hơn nữa.
– Nếu như tôi hiểu trái tim anh Văn vẫn thuộc về tôi, Nhã Lợi có đi nữa không?
Nhã Lợi cười vui mừng:
– Thật chứ?
– Chị sao vậy Nhã Lợi?
– Tôi mừng! Chị không giận anh Văn và vui vẻ với anh ấy, gia đình hạnh phúc là tôi mừng. Tôi mong ước 2 người vui vẻ đầm ấm. Sở dĩ tôi ra đi cũng vì lý do này mà tho6i. Nếu 2 người đã đầm ấm và hiểu nhau thì tôi ở lại.
– Nếu tôi không tha thứ cho anh Văn thì sao?
Nhã Lợi nhún vai:
– Nhưng trong đáy lòng chị vẫn yêu anh ấy, tại sao lại đem lòng hành hạ cho anh Văn phải đau khổ?
– Chị đau lòng à?
– Điên khùng vừa thôi! Tôi đã chia tay, vì chia tay nên tôi biết nỗi trăn trở tủi buồn lẫn tức giận ấy như thế nào. Tôi không muốn anh Văn và chị bước vào vòng thương nhớ 1 cách vô lý như vậy.
Bích Ngọc mỉm cười. Nhã Lợi nghe lòng mình nhẹ nhõm hơn bao giờ hết. Cô siết tay Bích Ngọc:
– Chị là 1 người vợ tốt, anh Văn không thể nào quên 1 cô vợ tốt và xinh đẹp để đi sống với 1 người đàn bà đã phụ bạc anh ấy, lại còn có con nữa. Chị hiểu cho anh ấy là tôi rất yên tâm để lo cho cuộc sống 2 đứa nhỏ.
– Nhã Lợi vẫn giữ ý định về Vĩnh Long à? Ai ở đó mà về?
– Quê ngoại của tôi ở đó. Cuộc sống ở đó yên tĩnh mộc mạc, nhưng việc học của con cái thì có lẽ không được như ở đây.
Bích Ngọc lại cười:
– Vậy thì ở lại, đi làm gì?
Nhã Lợi cười theo:
– Không đi dễ gì anh Văn chịu xa 2 đứa nhỏ. Mà anh ấy đến hoài, Bích Ngọc nghĩ anh Văn đến vì mẹ chứ chẳng phải vì con, 2 người giận nhau hoài, ai chịu cho nổi.
– Anh Văn than với Nhã Lợi như vậy à?
– Đời nào, tuy anh ấy không than nhưng có nơi nào cho ảnh trú tnỗi buồn. Còn tôi đã qua rồi thời mộng mơ con gái, để sống thực tế hơn, sống vì con và cho con.
Đôi bạn trò chuyện thoải mái và thông cảm. Mọi giận hờn, buồn phiền tan trong lòng Bích Ngọc.

*

Vũ Văn trở về nhà trong men rượu say chếch choáng. Anh buồn vì không còn cách nào giải quyết cho ổn thỏa. Bích Ngọc lạnh nhạt tránh xa, còn Nhã Lợi chuẩn bị đồ đạc đưa 2 con về quê.
Lần đầu tiên, Bích Ngọc ra đón chồng, sau mấy tháng xảy ra chiến tranh lạnh. Vũ Văn quá say, anh chẳng còn biết gì cả, cứ lăn ra mà ngủ.
Anh tỉnh dậy lúc nửa đêm, và 1 phút đau lòng, khi nghĩ mình sẽ ra đi. Hành lý chỉ là vài bộ đồ. Anh nhổm dậy lấy cái va ly trên đầu tủ và mở tủ lấy áo quần dồn hết vào va ly, xong đóng va ly lại.
Men rượu hãy còn làm anh chếnh choáng và nỗi buồn cũng thật sâu.
Tiếng động làm cho Bích Ngọc thức giấc. Cô bước qua phòng ngoài và sửng sốt... trước mắt cô là Văn với cái va ly. Anh chuẩn bị cho chuyến đi từ bao giờ thế?
2 người nhìn nhau, cùng cảm thấy lòng đau đớn. Nước mắt lưng tròng, Bích Ngọc chẳng thể nói lời gì.
Còn Vũ Văn, anh định tỉnh lại:
– Anh đã xin chuyển công tác.
Bích Ngọc cắn mạnh môi ngăn xúc động và đau khổ, cố dằn nén thành ra người côv muốn ngã. Văn buông va ly, anh bước lại ôm cô.
Bích Ngọc cố đẩy anh ra, giọng cô yếu ớt:
– Đi đi, em không sao đâu!
Cô tựa người vào tường, sắc mặt nhợt nhạt. Vũ Văn định bồng cô vào phòng nhưng cô đẩy anh ra.
Văn khe khẽ:
– Anh đi là vì anh không muốn giữa 2 chúng ta quá nặng nề như thế này nữa. Thật ra thì lúc nào anh cũng yêu em.
– Anh muốn gì cứ thực hiện đi, em không cản đâu.
– Anh đâu thể bỏ em mà đi. Tại hoàn cảnh không làm sao khác được, thật lòng anh vẫn yêu em.
Hoàn cảnh là do mình tạo ra. Đâu cần đi xa, sang căn phố ấy thuê ở là được rồi.
Vũ Văn bật cười trước giọng châm biếm ấy:
– Nói vậy chứ không phải vậy, đúng không? Anh không đổi đi, em đâu có thèm nhìn, hay chịu nói gì với anh. Anh nói, em cũng chẳng chịu nghe. Anh bỏ nhà đi, em không cho, anh biết làm sao đây?
– Không có gì với Nhã Lợi, tại sao phải đi?
– Nếu anh và cô ấy yêu nhau, anh cưới em làm gì? Sẵn đứng ra khai sinh cho con Nhã Lợi, anh hợp hôn với cô ấy luôn cho rồi. Đợi em gán ghép có phải trễ quá không?
– Không có thật sao?
– Dĩ nhiên rồi, người ta xem nhau như bạn bè thôi, ai có gì với nhau đâu.
– Vậy sao xưng ba với tụi nhỏ ngọt quá vậy?
Vũ Văn cười khì:
– Tội nghiệp chúng nó không có ba. Không tin, em đi thử ADN đi thì biết liền chứ gì. Tự nhiên ghen lên làm như anh hảo phụ nữ lắm vậy. Nếu anh có tính đó, lúc ở bên Pháp, anh cưới 1 lúc 3 cô vợ rồi, ai thèm theo em về nước.
– Chứ không phải về nước xem nàng có còn phòng không để nhào vô nối lại cung đàn đã lỡ?
– Gắn bó cho em buồn chứ!
– Vậy sao!
– Chứ gì nữa! Biết anh không có bay bướm, vậy mà em còn hờn giận. Lỡ như tự ái của anh lớn hơn tình yêu dành cho em thì sao, có phải mình chia tay rồi không?
– Tại em sao? Anh phải hiểu tình yêu luôn ích kỷ, có người phụ nữ nào chịu đượC, khi chồng mình lo cho người yêu cũ. Nếu như anh nói thật, anh không nỡ để Nhã Lợi thiếu thốn trong khi anh dư dả, em đâu có hẹp hòi.
– Tại em đang mang thai, đi đứng nặng nề nên anh không rủ em đi sang nhà Nhã Lợi. Anh cũng đâu nghĩ em nghi ngờ anh.
Bích Ngọc phụng phịu nhủi đầu vào ngực Văn, anh ôm cô vào lòng:
– Hứa với anh, khi nào giận anh, em phải nói rõ. Anh ghét sự lạnh lùng và căng thẳng lắm.
Anh nheo mắt:
– May là anh say, tới sáng mới đi. Nếu không, anh đi từ lúc khuya, làm sao em biết được.
– Anh định đi đâu?
– Hỏi chi vậy?
– Để đi theo chứ chi.
– Người ta đi trốn, chỉ cho em đi tìm hả?
– Anh này!
– Gì?
– Nếu Nhã Lợi không chê, mai mốt em và Nhã Lợi làm sui gia nghe.
– Vậy em nên gặp cô ấy mà hỏi.
– Em gặp rồi.
– Hồi nào?
– Hồi chiều. Cô ấy đến đây và chịu cho Nhã Trúc về làm dâu nhà mình.
– Tụi nó hơn kém nhau 1 tuổi đó.
– Có sao đâu. Nhưng cũng tùy tụi nhỏ có yêu nhau hay không, phải không anh?
– Ừ.
Văn khép môi vợ bằng nụ hôn. Lâu lắm rồi, tay mới lại đan tay và mắt chìm trong mắt cho tình yêu lên ngôi.

*

típ theo cho sis Mina nè... baby phẻ hông sis... muốn coi hình baby của sis wá đi mà bây giờ wán bị dẹp rồi, tiếc wá xá hà...
– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –
20 năm sau...
Nhã Ca vừa cho xe chạy ra cổng, Mỹ Hân dang tay ngăn lại:
– Ê! Có đi thăm Minh Thiện không?
Nhã Ca gật dầu:
– Chung nhóm chẳng lẽ anh ấy bị tai nạn mình không đi thăm?
Mỹ Hân cười ranh mãnh:
– Ai chứ Nhã Ca nhất định phải đi. Nội cái kiểu trả lời của cậu... cậu gật đầu OK 1 cái người ta biết rồi, còn vòng vo "tại bị... giải thích".
Nhã Ca phì cười:
– Ờ, tui là vậy đó, đâu đó rõ ràng. Vậy mà còn bị mấy người cáp đôi hoài, đúng là... muốn ăn rồi cứ gắp bỏ cho người. Người ta ăn mất rồi lại vào ra ngẩn ngơ.
– Đồ quỷ! Ờ, tớ thích Minh Thiện thật đó, rồi sao?
– Đâu có sao! Thích thì cậu cứ tiếng tới. Tớ chưa nghĩ đến chữ "yêu" đâu, cậu yên tâm.
– Hay là cậu đã phải lòng Vũ Khang, anh chàng luôn theo 2 chị em cậu như 1 tên cận vệ trung thành nhất?
– Làm gì có! Bà Nhã Trúc với ông Khang hạp nhau hơn. Mình không yêu người bằng tuổi hay nhỏ hơn mình đâu, dù là chỉ có 1 tuổi. Mẫu người mình yêu phải hơn mình ít nhất 3 tuổi.
– Vậy là Vũ Khang hay Minh Thiện ở ngoài vòng "xích đạo yêu"?
– Ừ.
– Vũ Khang đẹp trai đó chứ. Anh chàng đá bóng tuyệt vời, thần tượng cho bao cô gái mơ mộng mà cậu chê?
– Không chê, nhưng quen nhau từ nhỏ, thân quá nên sẽ không có cảm giác để tiến đến tình yêu đâu. Cậu yêu Minh Thiện, thì nên tại tình cảm với anh ta đi!
Mỹ Hân nhún vai:
– Thôi đi, mặc cho hắn thích ai cũng được, tới chẳng thèm bận tâm. Phải đậu ra trường tớ mới nghĩ đến tình yêu.
– Khi đó già háp rồi Nhã Ca.
– Có sao đâu! Nhường cho bà Nhã Trúc có chồng trước.
– Cái đó cậu khỏi nhường. Có biết bao nhiêu chàng bướm ve vãn bên cô nàng Trúc, tha hồ cho nàng chọn lựa.
– Chẳng là cái "xi– nhê" gì cả, trái tim chị tớ đã dành cho chàng cầu thủ bóng đá Vũ Khang đẹp trai rồi.
– Ca này! Mi và Trúc là chị em song sinh mà chẳng giống "tí ti ông cụ" nào cả. Nhã Trúc sôi động, còn cậu như bà cụ non.
– Bộ cậu nói sinh đôi là phải giống nhau hay sao? Thân hình và mặt mũi là do trời cho, còn tính tình là do môi trường sống mà có.
Mỹ Hân trêu:
– Nhã Trúc học Luật lại thích văn chương, vi vu lả lướt. Còn cậu thì thực tế nên đi ngành y.
– Ừ, mình muốn nối nghiệp ba Vũ Văn, và cũng để báo hiếu cho mẹ. Mẹ đã ở 1 mình nuôi 2 chị em mình 20 năm nay. Mẹ đối với mình là 1 người mẹ phi thường và vĩ đại nhất, cho nên tiêu chuẩn mình đặt ra giành 1 suất học bổng ở Đức 5 năm.
Mỹ Hân nhìn Nhã Ca, bằng đôi mắt ganh tỵ, tuy nhiên cô không vì thế mà ác cảm với Nhã Ca.
Giấc mộng của Nhã Ca cao quá, cho nên Minh Thiện với không tới.
Mỹ Hân đi thăm Minh Thiện bằng cả tấm lòng vui vẻ. Nhưng thật buồn, vì cái nhìn của Minh Thiện chỉ cdành cho Nhã Ca. Vừa trông thấy Nhã Ca, Minh Thiện xúc động đến không nói nên lời. Anh cố trỗi dậy, nhưng vết thương bị động đau quá nên đành nằm xuống.
Nhã Ca trách:
– Đang đau, Thiện cứ nằm đi. Làm như Nhã Ca là khách vậy.
Mỹ Hân cười trêu:
– Minh Thiện, cảm động quá hả?
Biết Mỹ Hân chọc mình, Minh Thiện đỏ mặt nhưng không phủ nhận, mà muốn nhân dịp này cho Nhã Ca biết rõ tấm lòng mình.
– Dĩ nhiên rồi! Mấy ngày nay thấy ai vào thăm mình cũng cứ tưởng là Nhã Ca. Cuối cùng thì Nhã Ca cũng vào.
– Minh Thiện mau lành bệnh đi, còn đi học nữa, đâu có phải baby mà nhõng nhẽo. Như Nhã Ca nè, cái gì cũng tự làm, để mai mốt có đi du học bên Đức sẽ không thấy hụt hẫng lúng túng vì không có mẹ lo cho.
Mắt Minh Thiện tối lại:
– Nhã Ca đi du học bên Đức à? Chừng nào đi?
– Xong giấy tờ thủ tục thì đi.
Minh Thiện thở dài. Anh biết đó là câu trả lời gián tiếp của Nhã Ca dành cho anh. Cô sẽ biến ước mơ của mình thành sự thật. Tình yêu nào chưa kịp tỏ bày đành câm nín.
Nán lại 1 chút, Nhã Ca và Mỹ Hân từ giã ra về.
Mỹ Hân áy náy:
– Cậu có thấy Minh Thiện buồn không, Nhã Ca?
Nhã Ca thản nhiên:
– Rồi sẽ quên mau thôi mà.
Cả 2 rẽ sang hướng bệnh viện Trưng Vương, nơi họ đang thực tập.
Vừa thấy Nhã Ca, Tâm Tâm vội lôi cô vào:
– Cuối dãy giường này có 1 thằng bé bị gãy xương đùi, tội nghiệp lắm.
Giọng Tâm Tâm ra chiều tức giận:
– Cậu xem bọn lưu manh đua xe, tông vào thằng bé bán bánh mì làm cho nó té rồi chạy mất, người đi đường trông thấy nên đưa nó vào bệnh viện.
– Vết thương ra sao rồi?
– Đang đợi thầy Cát vào lên ca sắp xương lại.
Nhã Ca lo lắng:
– Vậy còn ba má có vào không?
– Hỏi thì nó bảo nhà ở bên hiên nhà của người ta. Nhà không số và có 2 anh em hà. Ông anh đi làm đến tối mới về nhà.
Nhã Ca bước lại bên giường bệnh. Thằng bé đang khóc vì đau. Nhã Ca xót xa:
– Đau lắm hả em?
– Dạ, đau lắm.
– Em ăn gì chưa?
– Dạ, em ăn bánh mì rồi.
Tâm Tâm xen vào:
– Đây là chị Nhã Ca. Hôm nay là ca trực của chị ấy, chị Nhã Ca sẽ săn sóc cho em. Có gì em cứ nói, ở đây các chị sẽ giúp đỡ em.
Thằng bé gật đầu. Tâm Tâm thu dọn mọi thứ cho gọn lại, cô nhìn Nhã Ca:
– Bây giờ mình về. Hồ sơ bệnh nhân chị Hà giữ.
Nhã Ca gật đầu:
– Ừ, cậu về đi.
Cô quay nhìn thằng bé:
– Em tên gì?
– Dạ, Vũ ạ. Tụi bạn em gọi em là Vũ Nhí.
– Vũ Nhí! Vậy em có nhớ mặt của người chạy xe hay là số xe của người đã đụng em?
– Dạ, em nhớ ạ.
– Bây giờ chị đưa em lên phòng chụp hình để xác định xương bị tổn thương như thế nào.
– Chị ơi! Chụp hình có đau hay tốn tiền nhiều không?
– Chụp hình không đau, nhưng tiền phải trả.
– Em không có tiền. Hay là nhờ chị báo tin giùm cho anh Hoàn Vũ của em, nhưng chị đừng có nói là em trốn ảnh đi bán bánh mì, vì ảnh cấm em. Chỉ tại em thấy ảnh vừa học vừa làm vất vả quá, em chịu không nổi. Có hôm đến sáng ảnh mới về.
– Anh Vũ em làm gì vậy?
– Dạ, phụ việc cho 1 nhà in.
– Em nói địa chỉ. Trưa ra ca, chị đi báo tin cho anh Hoàn Vũ của em giùm cho.
– Cám ơn chị. Nhìn chị, em thấy chị giống mẹ em ghê.
– Vậy à! Bây giờ mẹ em ở đâu?
– Dạ, mẹ em chết rồi, lúc em còn nhỏ. Em nhớ mẹ nên chẳng lớn nổi, anh Hai em gọi em là Vũ Nhí.
Nhã Ca đưa Vũ Nhí đến phòng trực làm thủ tục nhập viện. Cô bận rộn mãi đến trưa, mới đi tìm ra địa chỉ Vũ Nhí ghi.
Đó là 1 xí nghiệp in nằm trên đường Lạc Long Quân, cô phải đợi hơn 15 phút, người bảo vệ mới gọi Vũ ra.
– Tôi là Hoàn Vũ. Xin lỗi, cô tìm tôi?
– Phải. Em trai của anh, Vũ Nhí bị tai nạn giao thông gãy xương đùi, cho nên anh phải vào bệnh viện ký tên phẫu thuật cho nó.
Hoàn Vũ hốt hoảng:
– Có nặng lắm không cô? Cô là...
– Tôi là y tá thực tập ở bệnh viện Trưng Vương. Vũ Nhí đang đau lắm, nó cũng khá can đảm không khóc. Đi ngay được chứ?
– Dạ.
Hoàn Vũ có vẻ cuống quýt. Nhã Ca biết anh lo lắng.
– Mau lên, sáng giờ nó nằm có 1 mình!
– Tôi đi ngay, nhưng cần phải báo lại tổ trưởng đã.
Nhã Ca đi ra bãi gởi xe. Không đầy 5 phút, Hoàn Vũ chạy ra.
– Hay cô đi trước đi, tôi đạp xe theo sau.
– Đạp xe? Đợi anh đạp xe đến nơi người ta mổ rồi à. Lên xe tôi đưa đi, còn xe anh để lại.
Hoàn Vũ tần ngần, anh nhìn cái xe đắt tiền của Nhã Ca rồi cúi đầu. Hiểu ý, Nhã Ca dẫn xe rời xa cổng 1 quãng rồi quay lại:
– Anh chở tôi đi.
– Tôi... chở?
– Ừ. Xem như tôi cho anh thuê xe, tính giờ trả tiền là được rồi. Sao còn nhìn?
Hoàn Vũ gãi đầu:
– Cô không lên xe làm sao tôi nổ máy?
– Thì anh nổ máy đi, rồi tôi ngồi lên ngay.
Hoàn Vũ thở mạnh, vừa cho xe lăn bánh vừa phân bua:
– Tôi ít chạy xe gắn máy, nên sợ lái xe không cứng lắm.
– Chạy chậm được rồi. Hay đưa tôi cầm lái!
– Dạ...
– Chở tôi thì anh sợ, còn để tôi lái thì anh ngại, sao vậy? Em trai nằm viện mà còn thể diện à? Anh có biết là thằng nhỏ bị bọn đua xe tông gãy xương đùi, phải mổ sắp xương lại rồi băng bột. Nó sẽ không đi lại được trong một hai tháng đó.
Hoàn Vũ thở dài:
– Nó lại đi bán bánh mì. Tôi đâu có cho đi bán, bắt ở nhà ôn bài đi học cho tốt. Vậy mà tôi đi làm, ở nhà nó lén đi bán.
– Tại nó lo cho anh vừa học vừa làm vất vả. Cũng may thằng bé còn nhớ số xe của bọn đua xe, để tôi báo bên Giao thông tìm hộ.
– Phiền cho cô quá, cũng chưa chắc người ta nhận. Thời bây giờ, dân đua xe là con ông cháu cha, họ có quyền có tiền dễ gì đứng ra và trả tiền chi phía cho mình. Cô đừng tốn công vô ích, tôi gặp rồi.
– Anh đã gặp?
Hoàn Vũ trả lời, giọng anh chùng thấp:
– Ngày ba mẹ tôi ngã xuống, kiện tụng, có bên công an giao thông hỗ trợ mà có được gì đâu, theo hoài chán rồi bỏ.
– Anh để tôi thử, không đến gặp họ làm sao biết.
Cổng bệnh viện hiện ra turớc mắt, Nhã Ca rẽ vào, cô gởi xe vào khu dành cho nhân viên.
Hoàn Vũ ngạc nhiên:
– Cô là nhân viên bệnh viện?
– Ừ.
– Vậy xin thành thật cám ơn cô. Mà này chi phí mổ có nhiều tiền không? Lúc nãy tôi quên mất, nghe tin em trai bị đụng xe lo chạy đi, bất ngờ nên không nghĩ là mổ xương tốn khá nhiều tiền.
Nhã Ca chỉ tay lên lầu:
– Khu Ngoại chấn thương trên ấy. Anh xem bảng chỉ dẫn rồi hỏi y tá, tôi phải đi đây.
– Cô không lên?
– Tôi phải đi công việc của tôi. Tìm được anh và đưa anh vào đây lo cho thằng bé là quá khả năng tôi rồi. Nhớ đó, đưa thằng bé vào phòng phẫu thuật, anh ngồi ngoài hành lang đợi, xem bác sĩ có gọi mua thuốc gì thêm không, chứ không được bỏ thằng Vũ Nhí 1 mình.
– Tôi biết rồi.
Hoàn Vũ lúng túng. Tự nhiên Nhã Ca vụt hỏi giọng thân thiện:
– Có tiền đó không?
Hoàn Vũ đỏ mặt. Nhã Ca nắm tay anh ta, đặt vào số tiền rồi quay đi.
– Cô Nhã Ca... chừng nào tôi gặp cô và ở đâu?
– Rồi sẽ gặp. Nhớ trả tiền lại cho tôi.
Hoàn Vũ còn định nói nữa, nhưng Nhã Ca đã mất hút trong lớp người đi trên hành lang bệnh viện. Ngẩn người 1 lúc, Hoàn Vũ mới đi nhanh lên cầu thang.

*

– Ê! Sao tự nhiên làm Mạnh Thường Quên cho Vũ Nhí vậy hả?
Tâm Tâm nhướng mắt tra gạn Nhã Ca. Cô chỉ lên bục giảng, 1 tay che miệng:
– Nhỏ nhỏ thôi!
– Tránh né trả lời hả?
– Chưa thấy ai nhiều chuyện như bà. Làm ơn nghe thầy giảng bài đi, giờ nào việc ấy, coi chừng thầy kêu chào cờ bây giờ.
– Hừm...
Tâm Tâm hừ nhẹ, chân cô đá vào chân Nhã Ca dưới cầm bàn. May là chuông reo tan giờ học. Tâm Tâm vội nhào người qua Nhã Ca:
– Tớ biết tại sao "đằng ấy" ưu tiên với Vũ Nhí rồi.
– Biết sao?
– Hoàn Vũ đẹp trai quá trời.
Nhã Ca phì cười:
– Vậy cậu cho rằng mình giúp đỡ Vũ Nhí vì nó có ông anh đẹp trai à?
– Có thể!
– Này, đừng có suy bụng ta ra bụng người! Mỹ Hân thì gán tớ cho Minh Thiện, bây giờ tới cậu. Chưa nghĩ đến tình yêu bây giờ đâu. Bây giờ tớ phải đi đây!
Tâm Tâm ôm cặp sách chạy ầm ầm theo Nhã Ca. Nhã Ca cười quay lại:
– Tớ về nhà, cậu cũng muốn đi theo à?
– Ai thèm! Đường cậu cậu đi, đường tớ tớ đi chớ bộ.
Nhã Ca lấy xe chạy đi. Cô quyết định đến gặp chủ nhân chiếc xe gây tai nạn cho Vũ Nhí, cho dù Hoàn Vũ đã ngăn cô lại.
Mở cửa cho cô là cô giúp việc còn trẻ. Nhìn Nhã Ca từ đầu đến chân, cô ta lãnh đạm.
– Chị tìm ai?
– Chủ nhân của chiếc xe mang biển số đang đậu trong nhà đó.
Chiếc Majesty kềnh càng, như của tay đua thứ thiệt dựng nghênh ngang giữa nhà. Cô giúp việc giọng xẵng lè:
– Đang ở trên đó đó!
– Chị mời xuống giùm tôi.
– Ủa! Tôi thấy ai đến nhà cũng bay lên đó mà.
Giọng điệu cô ta có vẻ xem thường Nhã Ca. Nhã Ca lắc đầu nghiêm giọng:
– Tôi muốn gặp có chuyện cần. Phiền cô gọi xuống giùm tôi.
– Đợi đó đi!
Cô ta ngoe nguẩy đi lên lầu. Thật lâu, có gần nửa giờ, giữa lúc Nhã Ca sốt ruột đứng rồi lại ngồi, ngồi rồi lại đứng, chủ nhân của chiếc xe mới chịu đi xuống, mặt anh ta khó chịu. Nhìn Nhã Ca, anh ta khựng lại:
– Cô tìm tôi?
Nhã Ca lặng im, mắt nhìn anh ta. Thái độ của cô làm cho anh ta bực mình, xẵng giọng hơn:
– Tôi hỏi sao cô không nói, bộ a– mi– đan có vấn đề hả?
Anh ta ăn nói mất dạy thật! Hèn nào đụng người rồi mặc kệ người ta sống hay chết...
Cô khinh bỉ:
– Nếu a– mi– đan cúa tôi không có vấn đề thì là anh đó.
– Cái gì đây? Tôi không có rảnh để tiếp loại người kỳ khôi như cô đâu.
– Không muốn tiếp, anh cũng phải tiếp, bởi tôi cũng đâu có thích đi tìm anh mà cũng phải đi tìm.
– Có chuyện gì làm ơn nói phứt ra đi!
– Được. Anh đua xe đêm trước, đã đụng 1 em bé bán bánh mì rồi thản nhiên cho xe chạy luôn. Tôi nói đúng chứ?
Trần Hải nhún vai:
– Rồi sao, cô muốn gì?
– Phóng xe vượt ẩu đua xe, gây tai nạn giao thông nghiêm trọng, anh phải chịu trách nhiệm cho hành động của anh.
– Cô có bằng chứng tôi đụngthằng nhỏ không?
– Nếu không có, tôi đã không đến đây. Anh phải đến bệnh viện xem thằng bé như thế nào, lo chi phí thuốc men cho nó.
– Nếu không thì sao. Hôm ấy tôi thua là tại thằng quỷ nhỏ đó băng qua đường. Tôi thua cả ngàn đô đang tức anh ách đây nè, cô còn đến nhiều chuyện nữa.
– Anh là đồ vô lương tâm, là cái mụt nhọt ung thối của xã hội. Đua xe! Luật pháp nào cho anh đua xe hả? Tôi báo cho anh biết liệu mà xử sự.
Nhã Ca toan quay lưng đi, Trần Hải ngăn cô lại:
– Cô mắng tôi cho đã miệng rồi tính bỏ đi hả? Đâu có dễ vậy?
Nhã Ca lùi lại thủ thế:
– Anh dám đánh tôi không? Tôi thách anh đó. Tôi sẽ mắng anh như thế nữa. Nhìn anh, tôi nghĩ anh là người có ăn học, có gia giáo chứ đâu phải hạng đầu trộm đuôi cướp, vậy mà cư xưnhử là phường mất dạy. Anh đụng thằng bé rồi bỏ mặc nó, còn cán lên những ổ bánh mì của nó. Cha mẹ anh dạy anh như thế à?
Trần Hải giơ cao tay, anh ta tấn Nhã Ca vào 1 góc. Không chút sợ hãi, cô hất mặt rút tờ giấy mời của công an phường giơ lên trước mặt anh ta:
– Anh làm ơn nhận giấy này đi.
Nhanh hơn, ông Trần Hoàng bước tới giật phăng tờ giấy mời của phòng công an, cũng là lúc Trần Hải hiểu tại sao Nhã Ca dám mắng như xối nước vào mặt mình. Anh khó chịu:
– Ba đừng có tin cô ta!
Nhã Ca dịu giọng:
– Thưa bác, đây là giấy mời của công an Giao thông. Anh Hải đã cùng 1 nhóm bạn đua xe gây ầm ĩ mất trật tự, còn đụng 1 em bé bán bánh mì gãy xương đùi. Cậu bé ấy đang điều trị ở phòng 1, khoa Ngoại bệnh viện Trưng Vương. Còn bác, có khuyên con trai mình đi trình diện được hay không là tùy bác. Chào bác.
Ông Trần Hoàng ngẩn nhìn Nhã Ca, có 1 nét gì đó rất quen thuộc mà ông không thể nào nhận ra.
– Cháu tên gì vậy? Là thế nào với cháu bán bánh mì?
– Cháu thực tập ở khoa Ngoại bệnh viện Trưng Vương, thấy chuyện bất bình nên can thiệp vào thôi. Gặp được bác, cháu hy vọng bác giúp em bé bán bánh mì thanh toán tiền viện phí và mua thuốc điều trị. Bây giờ cháu xin phép ra về.
– Cháu tên gì vậy?
– Dạ Nhã Ca.
– Muốn gặp cháu phải hỏi như thế nào đây?
Vẻ hiền lành của ông, cho Nhã Ca chút cảm tình:
– Cháu đang học năm thứ 4 ở trường Y, thực tập khoa Ngoại bệnh viện Trưng Vương, bác đến hỏi sẽ gặp được cháu.
– Vậy tình trạng thằng bé như thế nào rồi?
– Chân được băng bột. Gia đình cậu bé nghèo quá, anh của cậu bé không có tiền mua thuốc và trả viện phí, cháu có giúp nhưng không đủ. Thôi, cháu xin phép về.
Nhã Ca bước ra cửa, ông Hoàng đuổi theo:
– Cháu còn chị em gì không Nhã Ca?
– Chi vậy bác?
– Ờ... bác thấy cháu thẳng thắng, có lòng nhân hậu nên muốn làm quen.
Nhã Ca cười:
– Nhưng con trai bác thì chắc không thích quen đâu.
– Mặc nó! Cháu có chị em gì chớ Nhã Ca?
– Dạ, còn chị Nhã Trúc, chị song sinh của cháu. Chị ấy học Văn chứ không học Y như cháu.
– Chị em cháu giỏi quá, chắc cha mẹ cháu vui và hãnh diện lắm.
Được dịp, Nhã Ca kê nhẹ:
– Dạ, tụi cháu thương và kính trọng mẹ vì mẹ cháu đã hy sinh tất cả để lo cho 2 đứa con. Nhưng không bằng quý tử của bác nổi danh ăn chơi, đua xe gây thương tích rồi bỏ chạy, lấy tiền bịt miệng, xóa tội lỗi của mình.
– Cô nói gì vậy?
Trần Hải trừng mắt hét lên. Nhã Ca hất mặt:
– Tôi đang so sánh giữa người bình thường và người mang tính cá biệt cho ba anh thấy đó, được không?
Trần Hải giận dữ toan lao lại, ông Trần Hoàng trừng mắt:
– Đủ rồi! Cô Nhã Ca nói đúng, không sai chút nào cả.
– Ba lại tin nghe cô ta nói bậy bạ.
– Ba tin cô Nhã Ca.
Ông lấy tờ giấy mời của công an đưa lên, như dán vào miệng cậu con trai của mình. Nó luôn làm ông thất vọng.

*

– Nhã Ca! Cô chuẩn bị về nhà à?
Hoàn Vũ lấp ló trước phòng khám. Nhã Ca đi ra:
– Có chuyện gì vậy anh Vũ?
– Dạ, cũng có. Tôi muốn cám ơn cô. Nhờ cô mà người ta đã đến đóng tiền viện phí và cho tiền em Vũ Nhí.
Nhã Ca cười tươi:
– Có gì đâu, giúp được em Vũ cái gì tôi giúp ngay.
– Tôi...
Hoàn Vũ ngập ngừng:
– Tôi có thể mời Nhã Ca dùng cơm được không?
Nhã Ca trêu:
– Mới lãnh lương hay sao vậy? Để dành tiền đi, tôi ăn nhiều lắm, hết tiền của anh à?
Hoàn Vũ cười theo, mặt anh có vẻ bớt căng thẳng:
– Tôi mời mà Nhã Ca đi là tôi vui lắm rồi. Còn tiền là thứ có rồi hết, hết rồi lại có, có sao đâu.
– Chứ không phải "tình nghĩa là 9 tiền bạc là 10" sao?
– Trong đời tôi, tôi chưa gặp ai tốt bụng như Nhã Ca.
– Đừng có khen tôi, lỗi mũi tôi phồng lên giống trái cà chua xấu lắm đó.
Câu nói đùa của Nhã Ca làm cho Hoàn Vũ cười thành tiếng. Nhã Ca gật dầu:
– Anh ra ngoài đợi tôi 1 chút, tôi giao ca là ra ngay.
– Được mà.
Hoàn Vũ vui vẻ đi ra cổng chờ. 1 chút xôn xao dâng trong lòng anh, bởi cô bạn mới vui tính và quá... dễ thương.
Không đầy 5 phút, Nhã Ca đi ra. Cô gọn gàng trong chiếc áo sơ mi trắng, quần âu đen, tóc cột gọn lại, 1 nét đẹp thanh thoát giản dị làm rung động lòng người.
Nhã Ca chỉ vào chiếc xe của mình.
– Chúng ta đi cùng 1 xe đi.
Hoàn Vũ ngần ngại:
– Hay là mình đi taxi đi Nhã Ca.
Nhã Ca trợn mắt:
– Anh Vũ có nhiều tiền lắm à?
– Làm gì có! Nhã Ca quá biết hoàn cảnh của tôi mà.
– Vậy sao sang dữ vậy, đòi đi taxi. Anh đừng có nói với tôi là anh không biết chạy xe Honda nghe.
Hoàn Vũ cười nhăn nhó:
– Tôi ngại cho Nhã Ca thôi.
– Tôi không ngại sao anh lại ngại. Nào, cầm lái đi!
Hoàn Vũ đành cầm lái. Anh chờ cho Nhã Ca ngồi lên cẩn thận, rồi mới nổ máy cho xe chạy đi.
Buổi chiều đang thật đẹp với nắng trải dài. Sau lưng cả 2, Minh Thiện đứng nhìn theo. Lòng anh u hoài. Nhã Ca thà với người bạn mới đó chứ không với anh.
Hoàn Vũ vừa định ghé vào 1 nhà hàng, Nhã Ca đã đập tay lên vai anh:
– Đừng vào đây, mắc lắm! Anh chạy xe đi, tôi chỉ cho anh 1 quán ăn ngoài trời, ngon tuyệt vời luôn.
Cái quán mà Nhã Ca khen chính là 1 cái xe đẩy đậu ở 1 góc gần nhà thờ Đức Bà, bán lẩu cá. Nhã Ca gọi 1 phần ăn. Chưa bao giờ Hoàn Vũ thấy ăn ngon như thế, có điều phải trả tiền trước. Anh chưa kịp hỏi Nhã Ca tại sao, thì...
Oét... oét...
Tiếng còi tu huýt, rồi nhốn nháo, cái xe được chủ nhân của nó đẩy chạy như bay vào con hẻm. Nhã Ca dựng xe và 1 kẻ đứng, 1 người ngồi trên xe, trong lúc công an giao thông đi dọn đường phố.
Hiểu ra, Hoàn Vũ cười:
– Lúc nãy tôi cứ thắc mắc mãi tại sao chưa ăn đã đòi tiền.
– Bây giờ thông tư tưởng rồi phải không? Vì nếu không, lỡ mình thừa nước đục thả câu, dông luôn không trả tiền cái lẩu cá này thì sao. Đợi công an đi, mình ăn tiếp.
Hoàn Vũ phì cười:
– Nhã Ca hay đi ăn như thế này lắm à?
– Ừ, là do anh Khang, con của ba Văn tôi bày cho đấy. Nhưng anh có công nhận là ăn chạy ngon đáo để không?
– Quả là tuyệt vời!
Đôi bạn cười phá lên, 1 tình bạn thắm thiết được khởi đầu.
o O o
– Nhã Ca!
Trần Hải khựng lại. Nhã Ca mà anh biết là 1 cô tóc dài và rất dữ miệng. Còn cô gái này tóc cắt ngắn, nhưng sao họ giống nhau kỳ lạ.
Nhã Trúc tỉnh bơ trước cái ngượng ngập của kẻ vừa gọi mình:
– Tôi là Nhã Trúc, chị của Nhã Ca.
– Hèn nào giống quá, chút xíu nữa tôi lầm rồi.
– Anh quen Nhã Ca?
– Không, biết cô ấy thôi. Chẳng hay tôi có thể mời Nhã Trúc nhảy bản này không? Tôi tên Trần Hải.
Không trả lời, Nhã Trúc vui vẻ đưa tay ra cho Trần Hải nắm tay mình. Cả 2 bước ra sàn nhảy. Những bước chân điêu luyện của Trần Hải, làm cho mọi người quay lại.
– Anh nhảy đẹp quá, làm cho mọi người nhìn anh đó.
– Không đâu, người ta nhìn Nhã Trúc, vì cô đẹp lắm.
– Vậy à? Nhưng có người khác khen tôi đẹp hơn anh rồi.
– Ai thế?
– Bạn trai của tôi.
Trần Hải nhún vai:
– Bạn trai chứ đâu phải chồng. Tôi vẫn còn hy vọng đeo đuổi Nhã Trúc.
– Anh tấn công mạnh dữ vậy?
Nhạc bắt qua điệu Cha Cha Cha sôi động, Nhã Trúc và Trần Hải nhảy không biết mệt.
Gần 11 giờ. Nhã Trúc nhìn đồng hồ. Trần Hải vội đề nghị:
– Tôi đưa Nhã Trúc về.
Nhã Trúc nheo mắt:
– Không phải đây là cách hỏi nhà tôi rất khéo của anh chớ?
– Nếu Nhã Trúc muốn xem như vậy thì sẽ là như vậy.
Thực sự Nhã Trúc thích cách nói chuyện của gã con trai này hơn Vũ Khang, "hắn" lành quá. Hồi nhỏ từng ngủ chung với nhau thế mà lớn lên đến nắm tay cũng không dám, gặp Nhã Trúc, bị cô "quạt" mấy cái, thành "ngọng" luôn.
Đưa Nhã Trúc ra đến cửa, Trần Hải ân cần:
– Tôi lấy xe 5 phút thôi, Trúc đợi nhé!
Quả thật, chưa đầy 5 phút Trần Hải đã quay lại, trong khi Nhã Trúc còn đang ngơ ngẩn nhìn đường phố về đêm. Nếu không đi chơi đêm, cô không biết thành phố về đêm đẹp đến như thế.
– Nhã Trúc!
Trần Hải vòng chiếc "A– móc" lại và thắng cụp lại trước mặt Nhã Trúc.
– Lên xe đi Trúc!
– Anh có xe đẹp quá.
– Vừa mới đổi đó.
Trần Hải nói bằng sự hãnh diện:
– Ba mẹ tôi có 1 mình tôi, nên tôi muốn... là trời muốn.
Nhã Trúc bật cười:
– Oai dữ vậy?
– Còn Trúc?
– Ba tôi hả? Ông mất lâu rồi, từ lúc tôi còn nhỏ. Mẹ tôi nói chị em tôi rất giống ba.
– Thành thật chia buồn.
– Chia buồn tôi không có cha à? Bỏ đi! Không có ông, chị em tôi vẫn sống tốt đẹp.
– Trúc đi làm chưa?
– Rồi, văn phòng luật sư Huy Thành.
– Ồ! Đó là 1 luật sư nổi tiếng.
– Còn anh?
– Tôi hả, làm ngành bảo hiểm, nhưng có lẽ chơi nhiều hơn làm và là 1 đứa con phá của, tôi không ngại khi nói với Nhã Trúc như thế.
– Có sao đâu, thành thật sẽ khiến tình bạn tốt đẹp hơn.
– Lên xe đi Trúc!
Chiếc xe cao quá, Nhã Trúc phải vịn lấy cánh tay Trần Hải để leo lên. Chiếc xe nổ máy êm ru, lướt nhẹ tới trước.
Gió thổi bạt vào mặt Nhã Trúc mát lạnh. Trần Hải đề nghị:
– Đi ăn nghe Trúc. Ăn mì vịt tiềm được không?
– Món "gu" của Nhã Trúc đó.
– Vậy chúng ta hãy ăn mừng cho tình bạn tốt đẹp đi.
Nhã Trúc về đến nhà, cây kim đồng hồ chỉ 12 giờ đúng. Cô rụt cổ le lưỡi:
– Thế nào cũng bị mắng.
– Hay anh xin mẹ cho.
Nhã Trúc cong môi nói khẽ:
– Không phải mẹ đâu, mà là Nhã Ca đó. Nhỏ ấy nguyên tắc lắm, cấm về sau 11 giờ.
Trần Hải phì cười:
– Làm chị mà sợ em gái à?
– Sợ chứ, tại mình vi phạm nội quy mà.
Có tiếng khua của chìa khóa, Nhã Trúc vội đuổi:
– Anh đi đi, để Trúc viện lý do không đón được xe với nó.
– Vậy anh muốn gặp Trúc thì đến đâu?
– Chiều 5 giờ 30, ở văn phòng luật sư chỗ em làm đi.
– OK.
Trần Hải vui vẻ:
– Chúc em ngủ ngon.
– Chúc anh ngủ ngon.
Trần Hải vừa đi, cánh cửa nhà cũng vừa mở ra. Nhã Ca khó chịu:
– Chị lại về muộn rồi.
– Bạn bè giữ lại, chị từ chối hoài không được.
– Chị thì có cả trăm ngàn lý do để nói dối em. Lần sau về muộn tự mở cửa đi!
Nhã Trúc nhăn mặt:
– Em gắt gao với chị chi vậy Ca?
– Ai thèm gắt gao với chị. Chị đừng tưởng em không biết có 1 gã đàn ông vừa đưa chị về nhà nghen. Chị cư xử như vậy là có lỗi với anh Khang.
Nhã Trúc sầm mặt:
– Chị có nói chị là cái gì của anh Khang đâu. Tại ảnh yêu chị thì... ráng chịu chứ.
– Hứ! Chị nói như vậy mà cũng nói được. Có bao nhiêu cô gái đeo theo ảnh, 1 cầu thủ đá bóng nổi tiếng...
Nhã Trúc lãnh đạm:
– Chị không thích sự nổi tiếng ấy. Ảnh đi hoài, có khi gần cả nửa năm, chị không thấy được mặt ảnh tròn méo ra sao nữa.
– Anh bị tập trung đi tập huấn đá bóng, hay theo đội tuyển đi nước ngoài, chớ ảnh lăng nhăng với ai sao mà chị hằn học với ảnh.
– Không phải là chị hằn học, mà chị chán. Có người yêu như ảnh cũng như không.
Bực mình vì cách nói của Nhã Trúc, Nhã Ca đi luôn lên lầu. Cô bắt đầu ghét chị mình vì tính cách không chung thủy kia.
Đêm nay, Nhã Trúc đi vào giấc mơ đẹp với hình ảnh Trần Hải quyến rũ, bước chân anh đi theo điệu nhạc lả lướt, và vì cách ăn nói của anh thật khéo.
Trần Hải! Tên anh được gọi trong giấc mơ của Nhã Trúc.

*

Tiếng cãi vã ồn ào, rồi tiếng đổ vỡ dưới nhà đánh thức Trần Hải. Mới 6 giờ sáng đã ồn ào. Trần Hải thở dài, kéo chiếc gối đậy mặt, tiếp tục dỗ giấc ngủ.
Nhưng chừng như sự cãi vã chẳng chịu dừng lại.
Xoảng... 1 tiếng rơi vỡ mạnh hơn, và tiếp theo là tiếng của bà Hồng Loan:
– Khỏi thách tôi! Tôi sẽ đập hết cho ông coi.
– Bà cứ việc, khi chẳng còn gì hết, đi nhặt mủng vùa mà ăn, sợ không có mủng vùa cho bà nhặt nữa kìa.
– Ông im đi, đừng có chọc tức tôi!
Bà Loan khóc òa:
– Tại sao không cho tôi chết đi cho rồi, sống gì mà khổ như thế này. Trần Hoàng! Tôi hận ông. Ngày nào ông còn sống, là tôi làm khổ ông cho đến cùng luôn.
Bực mình, Trần Hải ngồi dậy, anh mở cửa bước xuống nhà.
– Mẹ có thôi đi không? Mẹ đi thì thôi, về nhà là lúc nào sóng gió cũng nổi dậy ầm ầm. Con chán cái nhà này lắm rồi. Sở dĩ con quậy đua xe, đi uống rượu cũng là tại mẹ đó.
Đang khóc, bà Hồng Loan quay phắt lại sừng sộ:
– Mày htấy tao khổ mày không bênh vực tao, mà hùa theo phe ổng ăn hiếp tao. Mày có phải là con tao không hả?
– Nếu con không phải là con trong nhà này, con đi mất lâu lắm rồi.
– Thằng quỷ! Mày im đi!
Ông Hoàng ngồi im lìm, đầu cúi sâu xuống. Sự bất đắc chí đã biến ông thành 1 con người bạc nhược, sống thu mình vào bóng tối, vào thế giới riêng của mình.
Trần Hải nhìn cha, rồi nhìn mọi thứ đổ nát trên nền gạch, anh lắc đầu ngao ngán:
– Ba! Nhà này là mái ấm hay địa ngục vậy ba?
Ông Hoàng cười nhạt:
– Sao con không hỏi mẹ con, mà lại đi hỏi ba? Con nghĩ như thế nào thì nó như thế ấy.
Bà Hồng Loan hét toáng lên:
– Tôi muốn biến nó thành địa ngục, vì chính ông muốn như thế đó. Hơn 20 năm rồi, ông vẫn chưa quên được nó, tại sao vậy? Tại sao?
Không có câu trả lời, mà là cái cúi đầu thật sâu. Trần Hải lắc đầu:
– Từng tuổi này mẹ còn ghen sao mẹ? Ngoài việc đến ngân hàng, ba có đi đâu đâu? Con không hiểu được mẹ. Nếu như mẹ dịu dàng 1 chút có lẽ mẹ sẽ chinh phục được ba.
Đâu phải là bà không từng cố níu kéo tình cảm của ông, nhưng cuối cùng vẫn là trống vắng, là sự lạnh lùng hờ hững. Bây giờ thì trong lòng bà là nỗi căm thù, căm thù sâu sắc, cho nên từng ngày từng giờ, bà muốn giày vò ông xuống tận cùng.