Những gương mặt rất căng thẳng, rất cáu kỉnh, nhích từng chút, từng chút một, những cái đầu rướn lên, có người leo cả lên trên yên xe để nhìn phía trước xem có chỗ nào thoáng không? Và cũng để biết từ khoảng cách này đến chỗ ấy là bao xa, mất khoảng bao nhiêu thời gian? từng centimet trong lúc này cũng đã rất quý giá, mang theo từng chút hi vọng rằng điểm đến của mỗi người sẽ không bị trễ giờ. Làn đường xe ngược chiều trống dần, trống dần vì hướng người đi ngược lại còn kẹt phía bên kia đống bùng nhùng này. Thế là vượt lên, lấn qua, lấn qua cho đến khi người đi ngược lại không có đường tới, cũng không có đường lùi. Hai bên đứng nhìn nhau. Cứng ngắc, không còn centimet nào nữa để nhích lên. Tắt máy xe, từng người một. Cái ngột ngạt vì nồng nặc mùi khói xe tan dần, cái nóng của những chiếc máy xe phát ra cũng tan dần. Khi không còn hi vọng gì thoát ra khỏi chỗ này. Người ta ngồi đợi một phép màu, đó chính là cảnh sát giao thông. Ông già đi xe wave cũ, phía trước là chiếc cặp da đen, đeo đôi mắt kiếng, nịt áo gọn gàng, có vẻ là một viên chức, gương mặt có vẻ rất bình thản, mà giờ này có quạu lên cũng chẳng biết quạu với ai. Im lặng, chịu đựng như tất cả mọi người. Bên cạnh là một đôi nam nữ rất trẻ, cô gái mệt mỏi (hoặc âu yếm) úp mặt vào lưng chàng trai. Chàng trai bỏ hai tay khỏi xe, vòng ra phía sau nắm tay cô gái kéo về phía trước như thể vòng tay cô gái ôm chưa đủ chặt, chưa đủ thể hiện hết yêu thương. Một lúc sau, cô gái nhướn đầu lên khỏi vai và cằn nhằn vào tai chàng trai "biết thế này khi nãy ở nhà ngủ, mai nghỉ lễ rồi, tối nay lớp cũng chẳng học, đi làm gì cũng có đến lớp được đâu", chàng trai dỗ dành "thì coi như đi chơi đi, đứng vầy cũng vui mà", cô gái cằn nhằn thêm vài từ gì nữa, nhưng chàng tay kéo chặt tay cô gái ra phía trước hơn, mặt cô gái lại úp vào lưng chàng trai, mỗi người đang có một suy nghĩ riêng. Phía sau đó là một người mẹ trẻ, trước xe là một bé gái chừng ba tuổi, đang mỏi mệt ngoẻo đầu ngủ. Chị gọi điện thoại, có lẽ là cho chồng "em bị kẹt ngoài đường không biết khi nào về tới nhà, đói bụng thì anh ăn cơm trước đi, anh chuẩn bị nước sôi để về pha sữa liền cho con, nó mệt và đói lắm rồi". Kế bên một thanh niên cũng điện thoại "tụi mày tới được đứa nào thì xử đi, tao kẹt xe quá, ủa mày cũng kẹt hả? ừ, ừ, có gì gọi sau". Một người phụ nữ có lẽ là dân buôn, chở phía sau một thùng hàng to tướng, đang lấy xấp tiền lẻ ra đếm rồi xếp lại cho ngay ngắn. Có hai cô gái đi xe tay ga mặc váy rất xinh, một cô chơi game trên điện thoại, một cô nhắn tin chat với ai đó cười rất tươi. Tất cả những điều ấy không tìm thấy trên bất cứ con đường nào đang lưu thông tốt. Tất nhiên, khi kẹt xe thì mức độ an toàn rất cao, không hề có cướp giật. Chị cũng nghĩ vậy và bình an ngồi đợi. Dù trước khi chui vào mớ hỗn trộn này, chị cũng đã chạy lòng vòng qua mấy ngã, để tìm con đường nào trống nhất. Nhưng khi chui vòng qua chân cầu Sài Gòn chạy lên, chị gặp một đám tại Văn Thánh, chị quay lại con đường nhỏ hơn, nhưng ở đó cũng kẹt. Chỉ đành chui vào một quán nước ngồi đợi, dẫu gì thì việc của chị không vội. Ngồi coi đâu gần nửa vở kịch phát trên tivi trong quán nước, mấy bác xe ôm thở dài "kiểu này chắc mấy tiếng nữa mới hết, kẹt gần cả thành phố". Chị thở dài, làm như dân toàn thành phố hôm nay ra hết ngoài đường, trong nhà có bao nhiêu chiếc xe thì chạy hết hay sao ấy. Khi nhìn thấy chiêc cầu Văn Thánh trống trải, người ta qua nhẹ nhàng thì chị tính tiền nước rồi đi tiếp, nhưng không may cho chị, nó chỉ trống hết cây cầu thôi, hướng Hàng Xanh người vẫn ken đặc, chị quẹo vào D2, hi vọng đường nhỏ thì không ai đi, hoặc ít ra nó không đông như đường lớn. Nhưng chị lầm. Vì đi gần đến cuối đường, gần tới ngã tư thì chị phải tắt máy xe và ngồi đây. Anh lái xe hơi tắt máy, thò đầu ra ngoài hút thuốc. Chị nhà buôn thở dài "ai đau đẻ giờ này không đẻ rớt mới lạ". Lập tức mọi người xung quanh hưởng ứng. Nhanh nhất là ông già viên chức trí thức "Chứ còn gì nữa, lấn lên chặn đầu ngươi ta kiểu đó biểu không kẹt sao được? Mẹ nó!", tự dưng bức xúc ông buông ra một tiếng chửi thề. Cái câu chửi thề dễ hiểu, dễ đồng cảm và dễ hưởng ứng. Hai cô gái mặc váy đi tay ga cũng dừng các trò chơi trên máy điện thoại, góp vào "dạ đúng rồi, năm ngoái chị cháu bị tai nạn, trên đường đi cấp cứu mà kẹt xe thế này, người nhà phải ẳm chị ấy chạy bộ, vậy mà không có đường để đi bộ, bị ra quá nhiều máu mà chị ấy chết đó cô ạ!", mọi người xung quanh rùng mình. Rồi còn nhiều lời kể góp vào, ừ, tôi cũng biết chuyện thế này, thế này... kẹt xe quả là đáng sợ. Những câu chuyện cứ tiếp diễn, hết đề tài kẹt xe chuyển qua đề tài nón bảo hiểm, những chiếc nón đã được tháo xuống khỏi đầu vì nóng quá, ngồi yên một chỗ mà đội thì rụng hết tóc, mồ hôi bết ra nữa. Rồi bác viên chức trí thức "kết luận" "kẹt xe như vầy, không cần chân chống xe cũng chẳng ngã được, cần khỉ gì nón bảo hiểm?", mọi người lại cười. Tất cả mọi chủ đề diễn ra ở đây nhanh chóng được sự nhiệt tình hưởng ứng của nhiều người. Không phân biệt câu nói ấy xuất phát ra từ cái miệng nào, cũng chẳng ai quan tâm mình nói thế nào để lấy lòng người khác, đơn giản nói để giải tỏa, vì ai cũng biết, ngày mai, ngày kia... mà chỉ sau khi thoát ra khỏi chỗ này, chẳng còn ai nhớ đến ai, mà cũng không còn ai gặp lại ai nữa. Cảnh sát giao thông đến, mồ hôi mồ kê nhễ nhại trên áo anh, có thể nãy giờ anh đã làm nhiệm vụ ở một nơi nào đó, tiếng còi, tiếng quát tháo, tiếng máy xe nổ dần dần, từng centimet được dãn ra, lại nhích lân lên từng chút. Đến ngã tư, cảnh sát giao thông huýt còi cho mọi người đi thẳng, không ai được rẻ trái. Ai cũng nghe theo. Tới giờ phút này, không ai nghĩ mình đủ can đảm để lại chen vào đám người dày đặc kia mà về nhà. Ai cũng nghĩ, cứ chọn con đường tốt nhất để đi, xa một chút, không đúng con đường mình đi thường ngày, cũng được, miễn sao về đến nhà và không bị ngăn cản bởi những rối ren như thế này nữa. Từ lúc bắt đầu xuất phát cho tới điểm cần đến, đường dài 2 cây số, chị đã mất ba tiếng đồng hồ. Chiếc xe đò chị đã đặt vé xuất bến 2 tiếng trước sau khi đã cố gắng gọi cho chị đến lần thứ ba, họ không được phép chờ vì trên xe còn mấy chục hành khách. Bến xe cũng không còn tuyến nào về nhà chị nữa. Vì ngày mai là lễ, xe đi vội lắm, vì khách rất đông. Chị quay về nhà trọ. Thôi. Lần khác sẽ về, sẽ chọn một ngày đẹp trời, không kẹt xe mà đi vậy! (Viết ngay sau trận kẹt xe "kinh hoàng" lúc 18g ngày 29/4/2008) Nguyễn Anh Đào