Ðược ông chủ gọi đến từ một buổi sáng, viên quản lý run sợ đến ngay. Từ khi ngài đến đây, hắn đã ba lần quở trách tàn tệ và hàng ngày hắn đều lo sợ hoàng thân tính thất thường sẽ đuổi hắn và cả gia đình hắn ra khỏi Xtanitza. Vliđimia ngã người trên chiếc ghế đi văng da hút thuốc trong khi lướt nhanh mất tờ báo. Chàng đưa mắt nhìn viên quản lý đang cúi rạp xuống gần đến đất và hỏi cộc lốc: -Ai ở ngôi nhà gác rừng gần đây nhất? -Thưa điện hạ, Nicôla Hốpnich, người cao tuổi nhất trong những người gác rừng ở Xtanitza. -Lão không ở đây một mình? -Thưa điện hạ, không, cùng ở với lão có người em gái họ là Irina Hốpnich và một cô gái mồ côi thường gọi là Lilia Vêrin. -Họ hàng? -Thưa không, không phải họ hàng … chuyện này hơi lạ … -Như thế nào? -Cách đây mười hai hay mười ba năm, một người đàn bà khoảng chừng ba mươi tuổi dọn đến nhà Hốpnich với đứa con gái nhỏ của bà ấy. Bà ấy xưng tên là bà Vêrin, vợ góa của một giáo sư và từ Matxcơva đến. -Bà ấy nói? …. Anh không kiểm tra xem có đúng không à? Xtretnốp cố cúi xuống thấp hơn nữa và ấp úng: -Bà ấy không có giấy tờ gì … bà ấy nói giấy tờ bị cháy hết trong một vụ hỏa hoạn. Vì Hốpnich rất quen biết bà ấy nên đã nhận đảm bảo mọi điều bà ấy nói. -À ra thế, được lắm! Vậy là anh cho rằng như thế là đủ để cho một người lạ nào cư trú trên lãnh thổ của ta? Viên quản lý lạnh xương sống. Miễn là Hoàng thân không bao giờ biết rằng Hốpnich đã cho hắn một trăm rúp để hắn ngơ đi. Vlađimia khắc nghiệt và khinh bỉ nhìn gã đàn ông đang cúi khom người trước chàng. -Những năm gần đây hình như anh chồng chất đủ mọi thứ trễ nãị Nhưng hãy để vấn đề ấy đấy. Nói tiếp chuyện kia đi … bà Vêrin đến xtanitza làm gì? -Bà ấy nói bị bệnh đau ngực, thầy thuốc khuyên bà ấy nên sống ở nơi có rừng. Không khí của rừng sẽ tốt cho bà ấy. Nhưng vì không giàu có nên bà ấy phải tìm một nơi xa để có thể sống ở mức vừa phải. Chính một người bà con của Hốpnich ở Matxcơva đã giới thiệu bà ấy với lão. Bà ấy đến ở ngôi nhà gác rừng với đứa con gái nhỏ. Lúc đầu bà ấy ít khi ra khỏi nhà. Mấy năm sau bà ấy đi săn sóc những người ốm ở vùng lân cận và chăm lo các công việc nhà thờ. Ngoài ra bà ấy không giao thiệp với ai và người con gái không bao giờ tiếp xúc với các trẻ khác. Tôi cho là bà ấy tự dạy con học. Tôi nghe nói cà hai mẹ con phải làm việc để sống, hình như họ làm đồ thêu. Năm ngoái bà Vêrin chết. Cô gái tiếp tục ở với Hốpnich, lão canh giữ cô ta như công rồng canh kho báu. Có lẽ gã sợ người ta nẫng mất cô ta, vì cô ấy đẹp cực kỳ … “Tôi tin rằng khó có thể tìm được người đẹp hơn …” Trong khi nói, Xtretnốp hé hai mí mắt đang cụp xuống lén rình nét mặt của ông chủ. Hắn ngờ rằng ông chủ đã nhìn thấy Lilia Vêrin, cô ta đã vừa ý ngài và hắn thoáng nghĩ đến cách lấy lại được ân huệ của vị lãnh chúa không dễ tính này bằng cách hỗ trợ vào việc làm thỏa mãn hứng thú vương giả kia. Nhưng hắn thấy mình đột ngột bị ngắt quãng một cách khó chịu. Con chó giống sói rất đẹp nằm dưới chân Hoàng thân cho đến lúc ấy vẫn chỉ nhìn chòng chọc vào viên quản lý bằng đôi mắt màu vàn anh ánh của nó. Thế mà bây giờ nó đứng dậy, lại gần hắn vừa đánh hơi một cách nghi ngờ vừa nhe hàm răng sắc nhọn như răng thú rừng. Vlađimia thú vị nhìn bộ dạng sợ sệt của Xtretnốp một lúc. Rồi chàng gọi con chó đẹp đẽ ấy lại -Nào Yamin, mặc hắn. Vừa đưa tay vuốt ve đầu con chó đã vâng lời chủ ngay tức thì, Hoàng thân nói tiếp, giọng giễu cợt khinh bỉ: -Hình như nó không ưa anh thì phải. Chàng giơ tay ra hiệu cho viên quản lý đi ra. Rồi chàng lại hút thuốc và nghĩ đến cô gái. Cô Lilia hơi bí ẩn kia. Phải, đúng thế, câu chuyện kỳ lạ ấy có vẻ hơi lãng mạn, hoàn toàn phù hợp với dáng dấp của Xtanitza. Ðiều ấy làm cho Xtanitza thay đổi và chàng sẽ thấy ở đây một vài thú vui trong thời gian ở rừng. Ngay chiều hôm ấy, khi đi chơi trở về, chàng ra lệnh cho xe đỗ ngay trước nhà Hốpnich. Người gác rừng ngồi hút thuốc cạnh cửa với con chó nằm không xa chổ ấy. Lão vội đứng dậy, đặt tẩu xuống ghế và chào theo kiểu quân sự, ông hoàng đang bước xuống xe cùng với ông Ðờ Grơly. -Hình như lão là người gác rừng lâu năm nhất của ta, phải không Hốpnich? -Thưa Ðiện hạ phải, đã gần năm mươi năm nay tôi hoàn thành nhiệm vụ này. Có đôi chút kiêu hãnh trong giọng nói và trong đôi mắt sáng của ông già. -Ðiều ấy đáng kể. Ta sẽ phải thưởng cho lão … vì muốn mời ông Ðờ Grơiy đến thăm chỗ ở của một người gác rừng của ta, ta chọn nhà lão là vì lão là người kỳ cựu. Nét mặt ông già đột nhiên biến sắc khi nghe mấy lời sau. Môi ông run và nỗi sợ hãi hiện lên trong đôi mắt mà ông chủ đang đăm đăm nhìn vào một cách oai nghiêm -Ðây là niềm vinh dự lớn đối với tôi … nhưng chỗ ở sơ sài của tôi ….hơi không được gọn gàng. Tôi không dám … -Cứ dám đi, vì ta muốn thế Ôbe không biết dụng tâm của Hoàng thân nên không tự giải thích được ý muốn lạ lung này cũng như nỗi lo lắng mà người gác bị bất ngờ không che giấu nổi. Nhưng Vlađimia lại hài lòng nghĩ: “ Cô nàng Lilia xinh đẹp ở đây rồi.” Chàng tiến đến bên cánh cửa hé mở và bước vào một gian phòng nhỏ tầng dưới. Ôbe đi theo chàng. Ðằng sau họ là ông già đang cất tiếng hỏi, hơi khan lại -Xin Ðiện hạ cho phép tôi báo tin cho người em họ bị ốm đang phải nằm tại giường hôm nay Hoàng thân ra hiệu đồng ý, người gác biến vào gian bên cạnh. Hai phút sau lão xuất hiện và nép vào một bên để Hoàng thân và khách đi vào. Gian phòng rất chật hẹp này là phòng ông lão. Cầu thang khá dốc đưa lên tầng trên gồm hai buồng bày biện khá sơ sài. Trong buồng đầu, Irina, mặt đỏ bừng rất xúc động, đang đứng tựa vào chiếc giường chưa xếp gọn gàng. Cách ăn mặc của bác không hề tỏ rõ bác vừa phải mặc áo một cách vội vàng. Bác cúi đầu và nhún chân rất thấp, chào theo kiểu học được ở thành thị, nơi bác đã làm hầu phòng cho một gia đình quyền quý. “Ông ấy nghĩ thế nào mà gây phiền phức cho những con người tội nghiệp này nhỉ?” Ôbe nghĩ, chàng khó lòng quen nổi với thái độ bất cần của Vlađimia khi cư xử với những người phụ thuộc chàng. Buồng thứ hai, Hốpnich mở cửa bằng bàn tay run run, không có một ai. Trên chiếc bàn gỗ trắng sạch sẽ có một bình sứ thô cắm đầy thạch thảo. Một chiếc mũ rơm màu đen buộc băng tang ném trên ghế. Dưới đất, gần chiếc ghế bành nhỏ bằng cói bỏ vương một tấm thêu mới vừa bắt đầu. Chiếc nhẫn khâu lăn ra tới khung cửa kính mở ra một bao lơn nhỏ hẹp bằng gỗ. Hình như người ngồi khâu vừa vội vã lánh đi. Vlađimia bước đến cửa sổ và cúi ra ngoài rồi quay đi. Vẻ tức giận lạnh lùng lộ rõ trong cái nhìn vừa dừng lại giây lát ở Hốpnich đang đứng bên cửa và cố giấu sự lúng túng. Ông già cụp mắt xuống, rùng mình lo sợ. Vlađimia bước ra không nói một lời. Lúc xuống thang chàng nói với Ôbe đang đi theo sau: -Thế nào, ông thấy những người gác rừng của tôi ở không đến nỗi tồi chứ? -Ðúng thế, ngôi nhà này có vẻ dễ chịu -Nó sẽ tại hạnh phúc cho một trong bao nhiêu người đang xin ở, làm cho người đội trưởng đội gác rừng của tôi rất lúng túng. Ông già Hốpnich đi sau ông Ðờ Grơiy. Nghe thấy những lời ấy, ông dừng lại một chút, bíu chặt vào tay vịn cầu thang đã cũ mòn. Ôi! Không phải chờ đợi gì nữa, sự báo thù của ông chủ đối với người dám bỡn cợt ông đã đến rồi đây! Nó đã đánh đúng yếu điểm của con nguời gắn bó thiết tha với rừng, với ngôi nhà giản dị mà lão vẫn hy vọng sẽ được chết ở đấy. Cố gắng đứng vững trên đôi chân run rẩy, Hốpnich tiếp tục bước xuống lúc lão vừa ra đến bậc cửa, Hoàng thân sắp bước lên xe bỗng quay lại nói: -Xtretnốp kể cho ta câu chuyện những người đàn bà lạ mặt đến ở nhà lão mà không có giấy tờ gì, phải không? Mặt ông già càng tái đi. Ông ấp úng: -Thưa Ðiện hạ, có thể giấy tờ của họ đã bị cháy hết trong một vụ hỏa hoạn. Nhưng tôi biết bà Vêrin là một người rất đáng kính trọng … -Một trong hai người ấy vẫn đang ở đây? Hốpnich cố trả lời: -Thưa vâng. -Ðược ta cần xem giấy tờ của họ. Nếu không có ta sẽ đuổi họ khỏi lãnh địa của ta và giao việc này cho cảnh sát. Còn lão, nếu phát hiện ra điều gì mờ ám ở đây …. Một cử chỉ có ý nghĩa chấm dứt câu nói. Khi xe đi ra, ông già lê bước chân nặng nề đi vào gian phòng nhỏ lúc nãy có người em họ ở đây và ngồi sụp xuống chiếc ghế dựa. Irina tái mặt, bơ phờ, rên rĩ lên: -Ôi, lạy chúa! Ôi! Chúng ta sẽ ra sao đây? Ngài hỏi giấy tờ của cô ấy rồi! Hốpnich âm thầm nói: -Chúng ta hỏng rồi! Chính ngài đã đuổi theo cô ấy tối hôm qua rồi hôm nay người đến để gặp cô ấy. Ngài biết rõ chúng ta đã bảo cô ấy đi. Bây giờ người sắp trả thù chúng ta rồi đây …. Ôi! Nếu bà thấy ngài nhìn tôi như thế nào lúc ở trên kia! Ông già lại rùng mình. -Thế là ta sắp phải rời khỏi ngôi nhà này, nơi mẹ tôi, người vợ tội nghiệp cuả tôi đã chết, để đi đâu đây? … Ôi, lạy chúa! Lão úp mặt vào hai tay, một cái rùng mình làm rung hai vai vạm vỡ của lão. -… Nhưng điều xấu nhất là đối với tiểu thư còn non trẻ của chúng ta, làm thế nào bảo vệ được cho cô chống lại ngài! -Phải đi trốn, Nicôla! -Ði trốn à? Bà tưởng với những phương tiện sẵn có trong tay ngài không nhanh chóng bắt được chúng ta hay sao? … Tuy vậy, có lẽ vẫn cứ phải liều đi trốn. Nhưng chúng ta sẽ sống như thế nào đây? Số tiền tiết kiệm ít ỏi của ta đã gần cạn kiệt vì các khoản chi tiêu cần thiết cho bà Fabiêng và cho Bá tước tiểu thư thân yêu của ta. Còn chúng ta, hai người đều già cả, mệt mỏi, không thể tìm được việc khác để sinh sống. Còn tiểu thư, tội nghiệp cô bé yêu quý, tiểu thư thì làm được gì? Ít tuổi như thế, đẹp như thế? Họ ngồi im lặng rất lâu, họ nhìn nhau đau đớn xót xa. Hốpnich nói tiếp, giọng càng khàn hơn: -Nếu chúng ta trốn, hoàng thân có thể buộc ta cố tình làm cho Lilia Anđrêepna thoát khỏi việc điều tra của cảnh sát. Cảnh sát sẽ được lệnh theo dõi chúng ta … và điều tra từ việc này đến việc kia, họ có thể sẽ biết sự thật. Sẽ có tiếng đồn đến tai người đàn bà tội lỗi kia. Ôi! thế là tất cả công sức của bà Fabiêng tội nghiệp sẽ trở nên vô ích Irina ạ. Bà già bật khóc nức nở: -Cầu chúa thương xót chúng ta, ông Nicôla! -Phải đấy, nếu không có Chúa giúp đỡ, đưa bé bà Fabiêng giao cho chúng ta sẽ lâm nguy. Tuy nhiên chúng ta đã làm tất cả … hy sinh tất cả để hoàn thành lời hứa sẽ chăm sóc cô ấy. Nhưng chúng ta không phải kẻ mạnh. Ông chủ sẽ bóp nát chúng ta như ông muốn, nếu trời không che chở chúng ta. -Có lẽ ngài sẽ rủ lòng thương …. nếu ông nói rõ tất cả. Hốpnich nhún vai: -Ngài ấy ư? Chà! Bà em tội nghiệp ơi! Ngài muốn bắt con chim câu nhỏ của chúng ta để vui chơi ít lâu. Lòng thương, sự áy náy, bà biết không, những thứ ấy không hề có trong một người như ngài! Ông lão tỳ hai khuỷu tay lên đầu gối và nhìn mơ hồn lên bức tường trước mặt với vẻ tuyệt vọng. Irina thở dài não nuột. Con chó săn dưới gầm bàn nhìn họ bằng đôi mắt âu yếm và lo lắng.