Chuyện khó xử

- Chị làm biên tập viên cho một hãng phim. Công việc chính của chị là đọc và nhận xét kịch bản ở khắp nơi gửi tới rồi góp ý cho lãnh đạo xem cái nào dựng được, cái nào không. Xưa nay, phàm cứ được ngồi vào một cửa ải, được “phán xét” quyền lợi cho người khác là được “ăn”.
Cái tiếng nhiễu nhương của “bọn” biên tập xem ra cũng không thua tin đồn “chủ nhiệm phim nào mà không ăn?”. Có lẽ bởi vậy mà hôm rồi chị nhận được lá thư của một tác giả trẻ, lời lẽ dễ thương khiêm nhường.
Anh hỏi xem kịch bản mới gửi có dựng được không, và đặt vấn đề thẳng thắn với chị xem chị có thể giúp anh - hợp tác lâu dài - chỉnh lại các kịch bản, giao dịch với các hãng phim, nôm na là tiếp thị các kịch bản của mình vì chị quen biết nhiều.
Bù lại, chị sẽ được... ký tên chung với anh, nghĩa là được chia phần danh nghĩa và 50% nhuận bút. Rủi cho tác giả nọ, chị thuộc loại người “cõi khác”. Nổi giận đùng đùng vì cảm giác bị hiểu lầm, bị xem thường, thấy tiếc cho một người viết trẻ “có ý” mà chị có cảm tình, đang định giúp đỡ lại có cách xử sự “chợ búa” đến thế, suýt nữa chị đã nhất định không gặp lại anh.
Tuy nhiên, đây là một câu chuyện có hậu vì tác giả đã lặn lội từ xa đến tìm, và biên tập viên cảm vì ý tứ của những trang viết cũng như thái độ chân thành của người viết, đã chỉ nói lên sự bực tức của mình bằng một cách nói nhẹ nhàng. Chị nghĩ âu cũng do một thứ lệ chung, bất thành văn nhưng ghê gớm quá làm người ta thấy ít nhất là phải sòng phẳng thế khi giao dịch, làm ăn. Còn tác giả nọ chắc hẳn được một phen ngại ngùng pha lẫn ngạc nhiên cực độ.
Chuyện vừa xảy ra thì tiếp ngay chuyện khác. Mà lần này “nhân vật chính” lại là chị! Số là chị đang chờ một nhân viên ngân hàng đến xem hiện trạng nhà để làm thủ tục hóa giá và lại được hẹn sẽ đến vào buổi chiều, ngoài giờ.
Có phải làm “nghĩa vụ” gì không nhỉ? Nhất là người sẽ đến có quen với một người quen của chị. Đến lượt “nhà” biên tập lúng túng phải làm sao để mình không trở thành... anh tác giả nọ, bị mát mẻ cho một trận vì cái tội “đút lót” trắng trợn, đồng thời cũng không bị áy náy vì cái tội “không biết luật chơi”? Một bài toán không lời đáp!
Ngày nay, chắc chẳng còn ai ngây ngô đến mức không biết rằng từ việc nhỏ như xin cô y công đổi tấm drap giường sạch hơn cho người thân trong bệnh viện, mong cô bảo mẫu ở nhà trẻ “để ý” nhiều hơn đến con mình, đến việc xin quota nhập xuất cho những chuyến hàng trị giá hàng tỉ, người ta đều phải tuân theo một thứ lệ bất biến.
Đương nhiên, không phải ở cửa nào người ta cũng “ăn”, nhưng điều đáng nói là mức phổ biến của “cái sự ăn” khiến người người nhìn nhau dè chừng, nghi ngại. Cứ nhất nhất theo lệ thì có khi thành cố tình xúc phạm một tấm lòng thành, còn cứ tưởng được giúp “vô tư” mà quên hậu tạ có khi hậu quả lại tệ hại khó lường. Có là thầy giáo về khoa ứng xử gặp mấy trường hợp này chắc cũng phải... vò đầu bứt tai! 
HOÀI HƯƠNG