- III -

Theo lời kể thì Xuân Dương đang bị bệnh mất trí nhớ, nên An Toàn đưa năm triệu để Thế Nhân tìm đưa cho Xuân Dương ( Trong khi chưa ký kết điều kiện hợp tác làm phim cụ thể). Hy vọng khoản tiền ấy giúp cô gái Nghệ An đở khốn khổ tỉnh trí nhớ ra, hai người không còn mấy tin tưởng Ấn ngọc và kho báu chôn giấu đâu, mà chỉ tập trung vào viên ngọc được vẽ chi li trên tờ giấy nháp:
Xem ra, tìm viên ngọc là cụ thể hơn…
Dù sao thì cũng có được một người biết đến. Anh đến đấy lo liệu cho cô gái ấy đàng hoàng, thuốc bổ nhiều may ra cô gái đó nhớ lại chăng?
Anh không muốn gặp cô gái à?
Nghe trong lời văn giọng nói của anh cũng có ý thương yêu gì cô gái đó rồi, tôi tới không tiện. Anh gặp cô gái ấy và cố gắng làm sao tìm thêm thông tin gì đó đi…
Vậy cũng được. Anh tự lo liệu. - Thế Nhân chỉ định nói tới đó, nhưng giờ đã có tiền lòng nghe rào rạc không kiềm nén được-  Anh nên đi dạo trên cầu Tràng Tiền nhiều lần, sẽ có thơ. Lần trước tôi sang chợ Đông Ba về, ngồi ngắm cây cầu thế kỷ ấy họa rằng:
“ Sông Hương nước chảy lờ đờ
Tràng Tiền nối nhịp, hai bờ sông Hương”.
Thơ anh họa dở ẹc…Tôi đi đây.
Anh chê dở, mà anh đi đi. Về thử họa được như tôi chăng? Việt kiều đâu phải mọi thứ đều giỏi, thơ vậy mà chê dở ẹc đúng là không biết cảm nhận.
Thế Nhân vừa đôi co vừa đi ra nơi bờ sông, vì còn sớm nên Xuân Dương chưa đi làm về. Anh muốn gặp cô em tìm hiểu thêm vài chuyện:
Chị em có ai đeo đuổi chưa hả em?
Nghèo lắm ai thương nì…Chị em xinh hơn em mà không ai thương, em sao có ai thương.
Anh hỏi chị em thôi, anh đâu có hỏi em. Bán cho anh một con khô giống hôm trước…
Con khô hôm trước anh ăn rồi, làm sao mà có nữa được.
Xuân Hồng tên cô bé, tinh nghịch vặn vẹo. Tay tìm gắp một con khô đưa lên lửa nướng:
Anh nhớ chừa cái điện thoại di động lại, lần trước anh ăn luôn cả cái điện thoại…mắc cười.
Nhớ dai ghê! Chiều nay em nghĩ sớm về anh dẫn cả hai chị em đi ăn…Chịu không?
Không…Em không thích ăn của người ngoài. Ở đây em bán cho có mối mang, đi hoài người ta không biết mà mua…
Triết lý nhỏ nhoi đó nhưng có cái gì hay hay. Thế Nhân lấy điện thoại di động ra ghi nhận, nhưng không biết ghi nhận thế nào cho nhớ nên đành phải ghi: “Đứng bán hoài…”
Thôi em giữ mối mang của em, còn anh cũng vậy. Anh tìm chị em có công việc…
Tìm viên ngọc chứ gì…Chúc anh thành công…
Có vẻ gì đó mai mỉa, Thế Nhân mặc xác. Mỗi một người có niềm tin khác nhau, thành công khác nhau, rồi sẽ thấy thôi. Ăn con khô mỏng mà cảm giác lâu hơn bao giờ hết, như nhai vải thun. Anh đến nhà trọ công nhân chờ Xuân Dương về.
Hai con người mơ tưởng chuyện viễn vông, đi dạo trên bờ sông Hương:
Sao chú ở lại Huế nè?
Mọi nhà văn ít nhất một lần ước nguyện đến Huế, vì nơi đây là cố đô. Huế được mệnh danh là nơi trầm lắng, cổ kính. Mình ở lại Huế, vừa thắm đậm tinh hoa vừa như tiếng gọi con tim của nghề viết.
Con tim nào? Nghề viết thôi à? Chú nghe gì tự đáy lòng mình…
Cứ gọi chú hoài. Lớn hơn có năm tuổi mà gọi anh không được à…
Thấy mấy người viết văn mắt ghèn không…Tựa như mấy cụ lão.
À, thì ra là vậy.- Thế Nhân đưa tay áo lên quệt mắt- Trí tưởng tượng siêu việt của người viết văn làm cho họ trằn trọc suốt đêm.
Những người viết văn, tóc tai họ hay bù xù…Chú cũng vậy.
Thay đổi màn ảnh trong não, y như sân khấu thay đổi cảnh diễn phải kéo màn. Những người viết văn thì chỉ có kéo tóc…
Ngấn mắt phù to…là sao?
Ngấn mắt phù to…Ngấn mắt phù to là do thức đêm thức hôm nhiều quá.
Thế khi họ liếc mắt lên trời, ra xa xăm nhìn gì đó trên vách tường?
Chăm chú vào vách tường…Chăm chú đó là chăm chú vào não. Khi não lướt thấy hình ảnh nào cần phải diễn tả, hình như dưới chân mày ta là cơ quan nhạy cảm tạo hình ảnh, phản xạ của mắt là phải nhìn ra khoảng cách nào đó...Mà mấy tay nhà văn thường bị viễn, đúng một tiêu cự nhất định mới ghé mắt luôn ở đấy. Vì vậy, mới có chuyện nhìn lên vách tường.
Vậy? Những khi thấy chú chặt tay vào không khí là sao?
Chặt tay vào không khí hồi nào? Ý nói “tới giờ” chứ gì…
Anh…À mà chú…mới chặt tức thì. Giống hệt chặt thịt…
Thế Nhân gãi gãi gò má hết chối. Mình cũng mới vừa “chặt thịt”.
“Chặt thịt” là để khẳng định những ý nghĩ của mình đã thông qua, rồi lại tiếp tục nghiên cứu “thịt” khác…
Mỗi lần gặp những người viết văn họ nói chuyện khó hiểu quá…
Viết văn hay phải tìm ý lạ…Đôi khi họ đang tìm thì có ai đó phỏng vấn họ. Họ chưa xác định ý mới đó là gì thì bị hỏi…
Bắt đầu khó hiểu rồi đó…
Ai biểu hỏi…Có khi nhà văn còn không hiểu họ. Đơn giản chỉ việc viết truyện có khi mấy năm trời ròng, bán chẳng được bao nhiêu tiền mà cứ cắm cúi viết hoài…Việc đó cũng thấy lạ, khó hiểu rồi.
Thế ra chú có ý định bỏ viết văn không?
Bỏ hoài, nhà văn nào cũng có lúc thất vọng tràn trề…Tựa như mình lúc này…Đang muốn không viết văn nữa làm gì…
Rồi họ cũng viết lại, chú cũng vậy…
Đó là cái nghiệp.
Tại họ háo danh tiếng…
Ê! Nói ai…
Ờ! Dương chỉ nói chung thôi à!
Họ viết vì nghệ thuật …Vì họ phát hiện ra một thể loại, một tình tiết chưa ai có. Họ cố gắng làm cho được…háo danh gì ở đây…Danh tiếng có ăn uống được không?
Mấy cô diễn viên có tiếng tăm, họ đi quảng cáo tiền nhiều. Ở đó mà không có ăn…
Mấy cô diễn viên là nữ. Còn nhà văn họ lại thích lặng lẽ và ẩn danh. Tự dưng có tiếng rồi chườn mặt lên ti vi quảng cáo, kiếm tiền à…Tóc rụng nè, quảng cáo xà bông ai mua cho…
Thì tại chú tóc rụng, chứ mấy nhà văn Nguyễn Đông T và Nguyễn Nhật A họ đẹp trai hơn nhiều…Quảng cáo được…
Thỉnh thoảng trong nghề văn cũng có ganh đua. Thế Nhân đứng thẳng người lên cho bắp tay phồng to lên, rồi quảng cáo:
Hai nhà văn đó tướng phong độ như anh không hả?
Xuân Dương là người nễ nang công việc của những người sáng tác, cô thấy họ như một ngọn núi đồ sộ nên ngán ngại mà có cách xưng hô xa xôi. Lần lần, cô giải mã được một số chuyện mà Thế Nhân mắc mứu, rồi cô cảm thấy gần gũi hơn nhưng không muốn thay đổi cách xưng hô.
Thế chú hy vọng gì ở Huế nào?
Chỉ còn hy vọng ở viên ngọc…
Chú hy vọng gì ở viên ngọc?
Hy vọng nhiều thứ…Có lẽ, có viên ngọc mới có nguồn cảm hứng sáng tác lại.
Chú nói gửi tiền vào tài khoản Dương, chừng nào gửi?
Nhận tiền một người, thường nhận thêm một điều kiện của người đó. Tự dưng không phải em của mình, cháu của mình bỏ tiền vào tài khoản người đó còn mình ăn muối tiêu à.
Vậy chú muốn điều kiện gì?
Chuyện bình thường…Hết sức bình thường…
Chú là một người viết văn, chắc chú thích tình cảm thơ mộng lãng mạn…Không chừng chú muốn ôm Dương đứng nhìn ra bờ sông Hương chứ gì…
Thế Nhân mắt mở to, chừng chừng:
Tự dưng nói chuyện đó… mà nghe… cũng hợp… lẽ - Thế Nhân gãi đầu- Việc đó cũng thích nhưng từ từ…Tình cảm phải từ từ, giai đoạn chính muồi kìa…Hiện tại chú chỉ muốn Dương nhớ ra sơ đồ trên tờ giấy này, rõ ràng câu chữ Dương viết: “ Muốn rõ chi tiết, thì hỏi Đặng Xuân Dương…”
Dương không nhớ thật! Ép Dương hoài…
Lần này nhớ ra là có tiền…Cho Dương ba trăm trước
Không nhớ thật mà…
Năm trăm nhớ không?
Dương nói với chú rồi, Dương viết cái này hồi nào nhỉ? Không rõ làm sao mà nhớ…
Bảy trăm…Thôi, một triệu luôn đó.
Thế Nhân cứ nghĩ, Xuân Dương giấu giếm chỉ vì tiền. Ai đời nói cho tiền là đưa ngay ra số tài khoản, người này chắc ham tiền. Thế Nhân kết luận và nghĩ là đang trả treo. Cuối cùng tăng lên hai triệu, thấy tiền nhiều Xuân Dương nói bừa:
Chú nói cho tiền mà chú có đưa tiền cho Dương cầm bao giờ đâu?
Hai triệu đưa là phải nhớ đó nghen…- Thế Nhân vừa nói vừa liếm tay để đếm tiền, nhẫm tính mình còn lời ba triệu- Đây…Tiền trao cháo múc…
Chụp liền…- Xuân Dương nghĩ là còn đùa, nên vói tay chụp. Nhưng cầm xấp tiền hai triệu đồng hơn lương tháng mình, mà không thấy người đưa phản ứng. Cô hồi họp, vì tới phiên mình phải thực hiện điều kiện giao kèo- …Sơ đồ này hôm đó…Dương nhớ là…Có một ông già…Hình như râu tóc bạc trắng như một ông tiên…Nói là ông sắp qui tiên, nên cần ghi lại một chuyện rất quan trọng.
Xuân Dương không quen bịa chuyện, nên kể vấp váp. Tự dưng ai đó đưa tiền và ép bịa chuyện, tiền nhiều hơn lương thì mình phải bịa thôi. Ý nghĩ là nếu nghe không hay lấy tiền lại, Xuân Dương sẽ đưa lại nên  thấy tự tin:
Ông ấy như một ông tiên…tay chỉ về phía trước bảo ghi nhận lại. Ở đó có một viên ngọc…
Nhớ ở đâu không…
Lúc đó đang đứng trước cửa Ngọ Môn…Tay ông tiên chỉ về phía trước, chếch về trái…
Thế Nhân lật đật xem xét lại sơ đồ, đối chiếu sao đó liền kết luận:
Thấy chưa…Mình biết chắc là ở ngay sân cờ lắm mà…Thôi được rồi…Có tiền rồi, tự đi ăn đi nhe. Anh về khách sạn đây…
Chú…Cho tiền Dương thật à?
Cho thật…Mà này! Không được nói bất cứ ai biết nghe không?
Dương cầm tiền chú kiểu này, Dương chỉ biết ngậm bồ hòn chứ ngu sao nói ai…
Ừ…Nhớ giữ lời…
Thế Nhân điện thoại gặp gấp tay Việt Kiều, tình hình xem ra rất khả quan nên giọng nói trong suốt:
Anh coi, từ đầu tôi đã nghi ngờ viên ngọc ngay chỗ sân cờ, mà hồi chiều mình thấy đám thanh niên đá bóng đó.
Anh nói ở đó chỉ có ấn ngọc…Còn viên ngọc là tặng phẩm trên đường đi vua tặng bà phi họ Đặng nào đó mà…
Thì linh cảm…Còn cụ thể thì giờ tìm thấy vị trí viên ngọc rồi. Ngày mai buổi sớm, tôi với anh ra đó đào lên…
An Toàn ấp úng một lúc, ngờ ngợ. Một lúc tỏ rõ quan điểm của mình:
Tôi nghĩ viên ngọc đó anh đã đeo đuổi từ lâu. Kết quả đó là công cán của anh, nên anh cứ hãy tiếp tục công việc của anh. Tôi chỉ là người tài trợ đạt được kết quả đó…Anh cần tiền thêm thì tôi tài trợ cho anh, nhưng vừa phải thôi.
Ừ, anh nói vậy cũng cám ơn anh nhiều. Tôi cần thêm mười triệu, mới đạt được kết quả mỉ mãn. Anh có thể tài trợ khoản đó được không?
Không sao…Nếu có viên ngọc, khoảng tiền đầu tư cho anh coi như là công việc của tôi vậy. Viên ngọc cũng là di sản của Huế, không góp được một tay tìm kiếm thì ủng hộ một khoản tiền tôi không mấy bận tâm đâu.
An Toàn tỏ rõ quan điểm, rồi cũng nghĩ loáng qua số tiền mà mình đã đưa ra:
Hồi chiều, anh đưa tiền cho cô Dương…Cô ấy nhớ ra à?
Ừ!
Anh đưa hết năm triệu à?
Ừ!
Đưa hết luôn…
Đưa hết…Nhớ liền…
Thôi sao cũng được…Tôi không mấy bận tâm. Chúng tôi có một khoản thời gian sống sung sướng ở nước ngoài, còn những người ở lại gìn giữ cho hồn sông núi còn đây. Góp phần bảo vệ di sản bằng kiểu này không được thì kiểu khác mà thôi…
Biết mà…
Anh cần lấy mười triệu ngay bây giờ luôn à?
Lấy luôn cho rồi! Sáng mai là đi tìm mướn nhân công đào bới…
Ờ tôi cũng có việc mai về Sài Gòn sớm, anh ở lại tiếp tục tìm viên ngọc…Anh chờ tôi đi rút tiền. Tối về, anh chờ tôi ở phòng.
Thế Nhân ở lại phòng chờ, buồn vui lẫn lộn nên gọi điện thoại cho Xuân Dương sắp đặt công việc ngày mai. Xuân Dương đồng ý ngày mai ra sân cờ trước cửa Đại Nội, vì Thế Nhân nói là sẽ đưa thêm cho cô ba triệu nữa…Xuân Dương nửa tin nửa ngờ, hồi chiều được hai triệu dễ quá, thành ra cũng tin là Thế Nhân sẽ đưa cho thêm là có khả năng đó.
Sáng ngày hôm sau, sương còn mờ ảo. Bóng cây im lìm như chịu cái lạnh đêm qua, giờ phải đứng im ngủ bù. Xuân Dương ghé ngang khách sạn, chiếc xe máy cũ kỷ chở hai người sang thành Nội. Đến sân cờ, nơi các tay thanh niên đá bóng. Thế Nhân dựng xe nhìn ra xung quanh:
Sáng này vắng người…Mình không mướn ai, nhưng Dương có gặp một người tài trợ cho kế hoạch này…Dương nói là rất đông người đào bới nghe chưa?
Nhưng mà, càng gặp chú Dương càng nói dốc…
Nói dốc mà có tiền nói không?
Dương…
Mình tìm ra viên ngọc, nhà nước cũng lấy để trưng bày mà thôi. Vì đó là di sản của vua chúa, mình cũng không được gì đâu. Vấn đề là niềm tin của mình được kiểm chứng, là tiếng tăm sau đó. Còn người tài trợ được tiếng vang, tiền anh ta bỏ ra thì sẽ được nói đến.
Tiền chú cho Dương là của người đó à?
Ờ! Mà…Thôi đào đi, theo sơ đồ thì nó nằm khoảng này.
Xuân Dương ái ngại nhìn sơ đồ, hoàn toàn không hề nhớ mình vẽ khi nào. Thế Nhân hì hục đào chứ Xuân Dương thì không, đâu được một gang tay thì thấy vật gì đó lấp lánh. Moi lên, cả hai trố mắt nhìn ngắm và ngạc nhiên nhìn nhau:
Thấy chưa? Cứ hễ có niềm tin thì sẽ đạt…
Có đến mấy viên lận, không ngờ tưởng là đùa mà lại có thật…
Hình ảnh các nhà báo, phóng viên đến đây quay phim chụp hình. Thế Nhân tưởng tượng ra cảnh ấy lấy làm thích chí, vì mình là nhân vật chính bằng da bằng thịt, cố nhớ lại từng thao tác để khi quay phim thì làm lại y chang. Hai người moi lên, lau chùi bụi đất. Ánh sáng ban mai càng lấp lánh, chưa định thần quan sát kỹ xem vật gì thì có hai đứa nhỏ, mếu máo chạy ùa đến:
Chú ơi! Mấy viên bi con chôn hôm trước…Chú trả cho con để dành chơi…
Bấy giờ Thế Nhân mới nhìn kỹ lại, đất không còn bám trên mấy viên bi đó nữa nên trông chúng rõ rành rạnh. Vì niềm tin quá lớn, mắt hoa lên nên cũng chưa chịu tin là mấy viên bi của mấy đứa bé chôn lại. Hai đứa nhỏ đòi cho bằng được, tưởng là hai người lớn cũng chơi bắn bi. Người mẹ tươi cười chờ hai đứa con đòi vật phẩm của mình chôn dấu, liền hốt bỏ vào tay cả hai.
Xuân Dương thấy nhiều người đang tập thể dục, từ xa nhìn về phía họ.
Đứng lên đi chú, làm như mình đang hứng thú khuẩy đất thôi.
Thế Nhân đứng lên, cả hai làm bộ đi dạo và lại ngồi gốc cây tràm bông vàng, nghe đắng nghét trong miệng.
Ba triệu đâu? Chú nói sáng đưa cho Dương…
Viên bi chứ ngọc đâu mà đòi ba triệu…Đi làm đi…
Chú nói dốc quá!
Xuân Dương không muốn đôi co nữa, bỏ lại Thế Nhân ngồi đó một mình đang dò tìm lại sơ đồ.