II/ CÁNH CUNG

Cây cung có lẽ là một trong những khí giới phổ thông nhất của loài người. Dường như bất cứ dân tộc nào, bộ lạc nào khắp năm châu đều có cây cung. Thành thử chúng ta không thể biết được nguyên thủy nó từ đâu. Ở Trung Hoa cũng như ở Việt Nam, cung nỏ đã xuất hiện trong những truyện thần thoại như truyện Hậu Nghệ bắn rơi chín mặt trời hay truyện chiếc nỏ thần của An Dương Vương.
Khổ nỗi cung nỏ cũng như tên đều dễ bị hủy hoại theo thời gian nên ít khi người ta tìm được một cây cung còn nguyên vẹn của thời xưa. Cây cung cũ nhất mà người Trung Hoa tìm thấy vào khoảng thời Chiến Quốc mặc dầu chữ viết đã đề cập đến loại binh khí này từ thế kỷ thứ 15 trước TL trên những xương thú hay mai rùa.
A/ Cung Liên Hợp
Cây cung dùng trong chiến trận không phải chỉ làm bằng gỗ mà ghép thêm sừng và gân (sinew), dán bằng a dao (keo nấu bằng xương). Vì a dao có thể bị chảy khi dính mồ hôi nên người ta cố gắng tránh tiếp xúc với lòng bàn tay, chỉ khi nào dương cung mới phải chạm vào và có thể có một mảnh đúc bằng đồng để bảo vệ.
Theo John Keegan, chiếc cung đó được chế tạo như sau:
… Cung liên hợp (composite bow) bao gồm một thanh gỗ mỏng (slender strip of wood) – có khi là nhiều thanh được ép lại với nhau – mà phần lưng (phía ngoài) được dán sát vào một sợi gân động vật dẻo suốt chiều dài, còn phần bụng (phía trong) thì dát bằng những thanh sừng, thường là sừng bò rừng (bison). Keo được nấu bằng gân trộn với da (a dao), thêm một phần xương và da cá và phải mất hơn một năm mới khô hẳn và được trét trong những nhiệt độ và ẩm độ thật chính xác … rất nghệ thuật cả về việc chế tạo lẫn thực hiện, phần lớn trong một phương thức thần bí, bán tôn giáo.”[22]
Cung liên hợp khởi thủy gồm năm mảnh gỗ mộc hay gỗ ép – phần tay cầm ở trung tâm, hai cánh cung, và hai ngọn cung. Những mảnh này sau khi đã được ráp lại với nhau sẽ được chưng trong hơi nước để uốn thành một vòng cung, ngược chiều với khi căng giây, và những lớp sừng mỏng sẽ được dán vào bụng. Cây cung lại được bẻ tiếp tục cho thành một vòng tròn và dây gân sẽ được dán vào lưng. Cây cung cứ được giữ như thế cho đến khi nào tất cả mọi bộ phận dính chặt với nhau thì mới tháo ra và căng giây thử lần đầu.
Căng một cây cung liên hợp đòi hỏi cả sức mạnh lẫn khéo léo. Sức kéo, thường thường tính bằng pounds[23], khoảng chừng 150, trong khi cung làm bằng gỗ non chỉ cần độ vài pounds thôi.[24]
Cho đến nay, các học giả vẫn tranh luận về loại cung liên hợp này có từ bao giờ và người ta đoán rằng có lẽ đã xuất hiện từ thiên niên kỷ thứ ba trước TL. Tuy nhiên việc chế tạo nên một kiểu cung như thế hẳn là không phải ngày một ngày hai và cũng như chiếc xe ngựa, một dụng cụ phức tạp hẳn đã qua nhiều thời kỳ thử nghiệm kéo dài hàng chục năm, có khi hàng mấy trăm năm không chừng.
Cung liên hợp đó còn được dùng cho mãi đến tận thế kỷ thứ 19 trong Bát Kỳ Quân của nhà Thanh và chỉ được thay thế khi thấy cung tên không thể nào chống được với súng đạn của người Âu Tây.
Trong khi đó, tới thời Trung Cổ, người Âu Châu tuy cũng áp dụng cách uốn cung ngược nhưng lại dùng cung dài và chỉ sử dụng được khi xạ thủ đi bộ. Trái lại, cung liên hợp ngắn, khi giương lên chỉ dài khoảng từ đầu đến ngang lưng người bắn rất thích hợp cho chiến xa hay cưỡi ngựa. Nói tóm lại cung liên hợp là phương pháp để tăng cường tụ lực và sức đàn hồi mà một loại vật liệu riêng rẽ không thể có được. Đó là một phát kiến kỹ thuật của dân sa mạc rồi được người Trung Hoa bổ túc thành một kỹ thuật phức tạp và thành một võ khí lợi hại trong nhiều thế kỷ và được chép thành kinh điển.
Cung liên hợp bắn một mũi tên ngắn và nhẹ – tốt nhất là khoảng một ounce (chừng 30 gram) – nhưng nhắm ở khoảng 300 m vẫn chính xác, có thể xuyên qua áo giáp trong khoảng 100 m. Vì nhẹ nên xạ thủ Mông Cổ mang được đến 50 mũi tên và có thể bắn như mưa vào phía địch mỗi khi tấn công.[25]
Theo sách vở muốn làm được một cây cung phải mất bốn năm, từ việc tìm kiếm vật liệu đến tạo hình, dán gân dán sừng và những thứ linh tinh khác, mỗi việc đều mất hàng năm mới qua giai đoạn kế tiếp.
Cổ thư cũng phân biệt rõ ràng bảy loại gỗ dùng để làm cánh cung theo thứ tự: tốt nhất là gỗ chá (cudrania tricuspidata) tương tự như cây dâu, thứ đến là gỗ ý, rồi đến gỗ yểm (dâu núi), gỗ cam, mộc qua[26] (chaenomeles lagenar), gỗ kinh (mận gai) và sau cùng là tre. Nói chung phải là những vât liệu dẻo và có sức đàn hồi cao. Gỗ cũng phải kiếm loại gỗ già, gõ nghe kêu, màu sậm và không gần gốc, không có mấu, thớ phải thẳng. Gỗ phải cắt vào mùa đông khi cây đang thu liễm khí lực, chắc hơn vào mùa xuân, mùa hạ khi cây đang tăng trưởng. Trên lý thuyết thì như vậy nhưng thực tế cung chỉ chế tạo bằng tre già, thường được cắt vào mùa đông mà người ta cho rằng sẽ đỡ bị mối mọt.
Sừng thú phải được cưa vào mùa thu, lúc đó sau mùa hè, thú vật no đủ, sừng chắc và phải thẳng, tránh loại sừng xoắn hay cong quẹo. Những con vật ốm yếu không thể lấy sừng vì hay bị rỗng và thớ không săn.
Người ta cũng phân biệt sừng gần xương đầu thì dẻo và mỗi đoạn sừng lại dùng vào một mục đích, tùy theo màu sắc mà có cá tính khác biệt. Vấn đề là sừng phải đủ mềm để khỏi bị xước (splintering) nhưng lại cũng cần đủ cứng để khi giương cung có thêm lực.
Keo (a dao) gắn cung phải đỏ và để lâu năm cho thấm vào các thớ gỗ. Mỗi loại da thú cho một loại keo khác màu và chỉ dùng da một số loài vật để gắn cung mà thôi.
Gân cần những sợi dài, tước ra thành sợi rồi gắn vào cánh cung bằng keo. Gân thường lấy dọc theo xương sống con bò, mỗi con bò có thể có được đến ba mươi lượng gân, phơi khô rồi mới tước nhỏ thành sợi, người du mục dùng làm dây cung nhưng người Hán chỉ dùng để tăng cường đạn lực của cánh cung.
Cánh cung phải được cưa dọc theo thớ gỗ, những đoạn vướng mắt phải bào nhẵn, uốn bằng cách hơ trên lửa nhưng không để lửa quá già. Cung uốn và tẩm luyện đúng các sẽ rất dẻo dai, giương lên thì cong vòng nhưng khi tháo dây ra thì sẽ ngược trở lại như cũ. Cũng như thanh kiếm, chế tạo một cây cung tốt đòi hỏi sự khéo léo và kỹ lưỡng mà người chuyên môn bảo là đạt được tam quân (three balances) và cửu hòa (nine harmonies). Cung tốt cần sáu tiêu chuẩn: nhỏ nhưng mạnh, chắc chắn do thợ lành nghề chế tạo, không yếu đi khi dùng lâu, trời nóng trời lạnh cũng không thay đổi, dây cung bật lên tiếng thanh, cung căng cứng và thẳng thắn. Nghệ thuật chế tạo cung tuy có những tiêu chuẩn từ lâu nhưng mãi đến đời Nguyên mới được Đào Tông Nghi (Tao Zongyi) viết xuống thành kinh điển.
Sau khi hoàn thành người ta treo cung lên cao, thường là trong bếp để cho những chất keo thấm vào thớ gỗ từ nửa tháng cho tới hai tháng. Hong khô xong mới đem xuống đánh bóng, trét thêm keo hay sơn.
Theo Trịnh Chú, nghệ nhân phải biết tính toán, cánh cung để riêng sức kéo cần một thạch (khoảng 27.8 kg) thì khi thêm gân vào sẽ tăng lên hai thạch, thêm một lớp sừng lên thành ba thạch. Chế tạo một chiếc cung ba thạch, phải có chiều dài là ba thước (khoảng 90 cm).
Muốn đo sức nặng của cung người ta treo quả cân vào dây cung cho đến khi tới đúng như khi giương cung. Cung cho người khỏe có thể tới ba thạch (120 cân), người yếu thì chỉ được hai thạch rưỡi hay hai thạch. Dưới nữa chỉ được một thạch rưỡi.
Cung chế tạo cho mỗi giai cấp, mỗi thứ bậc có độ dài khác nhau, cho nhà vua phải khoảng chừng 122 cm. Ngoài ra cung lại phải theo tác người, theo tính nết, theo sức lực. Người tính trầm khác với người tính nóng, người mập khác với người gầy, rất chi li tiểu tiết. Có loại chế tạo để tập bắn hay săn chim chóc, có loại đủ mạnh để bắn xuyên qua giáp trụ. Người ta lại còn phân biệt cả những loại cung đã cũ, cần phải tái tạo, nếu thay gỗ có tên khác mà thay gân cũng có tên khác.
Theo Thiên Công Khai Vật của Tống Ứng Tinh đời Minh, dây cung làm bằng tơ tằm, chập hai chục sợi làm lõi, sau đó mới dùng dây quấn chung quanh (như dây đàn hiện nay), chia thành ba khúc cách quãng nhau để khi không dùng đến thì gấp lại tiện việc cất giữ. Nơi dây cung dùng dể tra vào mũi tên người ta còn dùng da bò hay gỗ mềm dán vào gọi là “điếm huyền” (lót dây cung) để dây cung bật vào thân cung không bị hư. Ở nhiều nơi khác, dây cung thường làm bằng ruột thú vật phơi khô và sao tẩm. Người ta dùng ruột cừu, ruột dê, ruột hươu, ruột mèo … làm dây cung. Cũng có khi người ta dùng dây gai bện lại nhưng phải dùng một loại lá cây thoa lên cho các sợi gai tết lại với nhau. Những cung thủ Mông Cổ và kỵ binh bao giờ cũng mang theo một hay nhiều bộ dây để phòng hờ.
Cánh cung như vậy đã trở thành một sản phẩm phức tạp, kỹ thuật cao. Thành thử việc bảo trì cũng rất chi tiết. Xạ thủ không thể để cung bị ướt hay ở nơi ẩm thấp, cũng không được hơ trên lửa cho khô và có lẽ đây cũng là một trong những yếu tố mà vó ngựa Mông Cổ phải chùn bước ở phương nam nơi khí hậu nóng và ẩm, có những cơn mưa lũ kéo dài nhiều ngày.
B/ Cung Bắn Đạn và Nỏ
Ngoài chiếc cung được coi như vũ khí chính yếu có tác dụng sát hại tầm xa của người xưa, chúng ta không thể không nhắc đến loại cung bắn đạn và nỏ.
Cung bắn đạn (hay hoàn – pellet) nhiều người cho rằng còn được sử dụng trước cả cung. Trên nhiều mảnh giáp cốt văn có vẽ hình chiếc cung không có tên nhưng được hiểu như dùng để bắn đạn. Cung bắn đạn thường nhỏ và yếu, khi kéo dây thường kéo lệch ở một bên (cả về phương hướng lẫn vị trí trên sợi dây) chứ không phải ở giữa và nhắm sao cho viên đạn bay ra không trúng tay cầm. Thành thử bắn đạn còn khó hơn bắn cung dùng tên[27]. Người ta dùng đạn để bắn chim và thường chỉ làm chúng bị thương ngõ hầu bắt sống đem về nuôi.
Chiếc nỏ được đề cập đến từ thời Xuân Thu và nhiều văn thơ đã nhắc đến những bộ tộc thiểu số dùng nỏ trước cả đời Chu. Đến thời Chiến Quốc, người Trung Hoa đã xây dựng nhiều đội quân chuyên dùng nỏ. Nỏ dễ sử dụng và ít phải tập luyện hơn, lại có thể dùng toàn thân để giương (người lính đạp hai chân lên cánh nỏ, hai tay cầm dây kéo). Tuy nỏ bắn chính xác nhưng có cái bất tiện là chậm hơn giương cung. Thành thử khi dùng nỏ, quân đội thường phải chia thành ba nhóm chia ra ba nhiệm vụ, giương nỏ, lắp tên và phát xạ thì mới có thể bắn liên tục.
Nỏ chia ra làm hai loại, lớn và nhỏ. Loại nhỏ còn gọi là thủ nỗ dùng cho kỵ binh hay bộ binh cầm. Loại lớn phải để trên một cái giá gỗ sức bắn mạnh hơn nhưng từ đời Minh thì người ta không còn dùng nỏ lớn nữa mà thay bằng súng thần công. Đời Tống có Thần Tí Nỗ ghi trong Mộng Khê Bút Đàm của nhà khoa học trứ danh Thẩm Quát và Khắc Địch Nỗ có thể bắn hai hoặc ba mũi tên một lượt. Ngoài ra còn có nỏ Gia Cát Lượng là loại bắn được mười mũi tên liên tiếp nhưng uy lực rất yếu chỉ ra xa độ hai chục bước nên được dùng trong dân gian để bắn kẻ trộm.[28]
Việc sử dụng nỏ trong quân đội rất có thể liên quan đến việc người Trung Hoa biết đúc đồng để dùng làm lẫy. Lẫy nỏ là một bộ phận cơ khí nhỏ cần bền bỉ nên khi đúc bằng đồng sẽ tốt hơn làm bằng gỗ. Gần đây người ta đã tìm thấy những dụng cụ bằng đồng tại Đông Nam Á có niên đại còn cao hơn cả tại Trung Hoa đến mấy trăm năm,[29] cũng như kỹ thuật đúc đồng của các dân tộc sống ở miền nam (kể cả Việt Nam) thời cổ có nhiều điểm vượt trội và Taylor cũng cho rằng nỏ là do những dân tộc ở miền nam Thái Bình Dương (Austroasiatic peoples) truyền sang Trung Hoa vào khoảng thế kỷ thứ ba, thứ tư trước TL.[30] Phát kiến đó có điểm phù hợp với truyền thuyết của nước ta về chiếc lẫy nỏ của An Dương Vương. Cũng theo Stephen Selby, người ta đã đào được lẫy nỏ bắn liên châu tại mộ thời Chiến Quốc ở Tần Gia Chủy, tính ra thì cũng xuất hiện đồng thời với chiếc nỏ thần ở nước ta.
Trước đây nhiều học giả vẫn cho là truyện nỏ thần có thể chỉ là một huyền thoại xuất phát từ Trung Hoa nhiều thế kỷ sau khi nước ta bị Bắc thuộc[31] để giải thích những biến chuyển chính trị tại phương nam mà họ không biết rõ. Thế nhưng những di chỉ mới đào được cho thấy rằng người Việt đã biết dùng nỏ từ thời xa xưa có thể còn trước cả người Tàu[32]. Các nhà khảo cổ Việt Nam đã tìm thấy hàng vạn mũi tên đồng ở Cầu Vực năm 1959 chứng tỏ tổ tiên chúng ta đã có những loại vũ khí sát thương lợi hại từ hơn 22 thế kỷ trước.[33] Ngoài ra cũng còn đào được hai lẫy nỏ bằng đồng tại Bắc Việt Nam.[34]
Hay là người Việt thời đó đã biết dùng nỏ liên châu trong thời chiến nhưng vì tính chất sát hại cao của võ khí này nên cấm sử dụng trong thời bình?
Hay là Thục Vương đã cất những bộ phận nỏ ở nhiều nơi khác nhau và những chiếc lẫy nỏ bằng đồng bị gián điệp của Triệu Đà vô hiệu hóa nên khi lâm trận loại vũ khí chiến lược này không còn sử dụng được?
Nếu quả thực sự có truyện Mỵ Châu – Trọng Thủy thì đó cũng vẫn là những nghi vấn lịch sử mà chúng ta chưa hiểu nổi.
C/ Tên
Nói đến cung không thể không nói đến tên. Theo Thiên Công Khai Vật, tên ở miền bắc (Trung Hoa) thường làm bằng hoàn liễu (một loại lau), ở miền nam thì vót bằng tre còn ở ngoài sa mạc thì dùng gỗ hoa[35].
Đầu mũi tên (thốc) thường làm bằng kim khí hoặc bằng xương thú, có khi bằng đá gắn vào cán sao cho trọng tâm ở vào vị trí 1/3 hay 2/5 của chiều dài mũi tên (tính từ mũi nhọn). Tên bắn chim thì có trọng tâm 3/7. Sách vở và di chỉ khảo cổ tìm thấy đến mấy chục loại mũi tên hình dáng to nhỏ khác nhau, mỗi loại mũi dùng vào một mục tiêu riêng biệt. Người Mông Cổ đúc hình lá đào, người Hán lại đúc hình ba cạnh.
Để định phía nào là đầu, phía nào là cán người ta thường vót tên rồi thả xuống nước để xem tỉ trọng. Mũi tên khi bắn ra không chạy thẳng mà phải mất một quãng lượn lên lượn xuống theo hình sine[36] và nếu độ đàn hồi của mũi tên không đều, mũi tên bay ra sẽ không chính xác. Chính vì thế vót tên cũng là một kỹ thuật nhiều công phu. Tuy nhiên đi sâu vào tiểu tiết sẽ quá chi li nên chúng tôi không đề cập đến.
Mũi tên bay ra nhanh chậm thẳng cong là do lông chim gắn ở đuôi. Lông chim điêu là tốt nhất, chim ưng thứ nhì, diều hâu thứ ba. Người mình thì dùng lông ngỗng, lông vịt. Người ta bảo rằng điêu vũ tiễn không bị cản gió, nhanh lại thẳng, còn phương nam dùng lông ngỗng hay bị lệch hướng.
Cưỡi ngựa cũng như bắn cung đã trở thành một đạo (cung đạo) và Khổng Tử đã đề cập đến trong lục nghệ (lễ nhạc xạ ngự thư số). Bắn cung đứng dưới đất đã rắc rối mà bắn cung trên lưng ngựa còn phức tạp hơn nhiều. Có rất nhiều kỹ thuật khác nhau khi giương cung, buông tên, bắn tên trên lưng ngựa, bắn thẳng, bắn ngang, bắn dưới bờm ngựa, bắn ngược trở về sau, bắn khi đứng trên bàn đạp … với rất nhiều qui luật chặt chẽ mà người Trung Hoa đã qui định trong sách vở. Một cung thủ hay một kỵ binh ít ra cũng có những dụng cụ sau đây: bao đựng tên, tên các loại, cung, hộp đựng dây cung phòng hờ, bao đựng cung và nhẫn bảo vệ ngón tay cái. Người Mông Cổ dùng ngón tay cái để kéo dây và muốn tránh da thịt trực tiếp cọ sát với dây cung họ dùng một chiếc nhẫn bao ngón tay cái (chỉ cơ). Chiếc nhẫn đó có thể làm bằng da, xương, sừng, gỗ, ngọc ngà hay kim loại.
Trong lịch sử và truyền thuyết nhiều xạ thủ, cung thủ như Hậu Nghệ, Bàng Mông bắn mặt trời, Dưỡng Do Cơ bách bộ xuyên dương, Lã Bố Viên Môn xạ kích… đã được nhắc đến một cách thần kỳ.