Dịch giả: Phan Thái
Chương II

Tính cách và nếp sống của người Laputa - Khoa học Laputa - Quốc vương và các quần thần của Người - Cuộc tiếp đón tác giả ở hoàng cung - Những nỗi sợ hãi và báo động của người Laputa - Những người vợ Laputa.

Khi tôi vừa mới đặt chân lên hòn đảo, một đám đông dân chúng đã vây lấy tôi. Những người đứng gần tôi hơn cả rõ ràng thuộc về giai cấp quyền quí. Mọi người nhìn ngó tôi với vẻ hết sức kinh ngạc. Nhưng chính tôi đối với họ cũng vậy: chưa bao giờ tôi nhìn thấy những con người trần mắt thịt mà lại gây cho tôi ngạc nhiên như thể trước hình dạng, quần áo và vẻ mặt của họ. Tất cả bọn đều có đầu hoặc nghiêng sang phải hoặc sang trái, một số có mắt lác vào trong, còn một số lại trợn ngược mắt lên trên. Quần áo ngoài của họ được trang hoàng bằng những hình tượng mặt trời, mặt trăng, các vì sao xen lẫn với hình vẽ vĩ cầm, ống sáo, thụ cầm, tiêu, guitar, clavico và nhiều nhạc cụ khác mà châu Âu chưa từng biết. Xa hơn một chút tôi nhận thấy có một số người ăn mặc quần áo gia nhân. Trong tay họ có các gậy nhỏ. Đầu gậy buộc một quả bóng thổi hơi.
 
Như sau này tôi đã kể, trong quả bóng đó có một ít hạt đậu khô hoặc mấy viên sỏi nhỏ. Thỉnh thoảng những người hầu lại đập các quả bóng ấy vào môi hoặc tai của những người đứng bên cạnh.
 
Mãi tôi không thể hiểu điều đó để làm gì. Thật vậy, những người này đã trầm tư mặc tưởng đến mức hầu như không có khả năng nghe được lời nói của người cùng tiếp chuyện, hoặc trả lời lại. Để thức tỉnh họ thì cần phải có tác động cơ học thuần túy nào đó bên ngoài vào các cơ quan ngôn ngữ và thính giác. Chính vì thế những người giàu có bao giờ cũng giữ trong số gia nhân một người được gọi là người đập bóng (theo tiếng địa phương là climenole) và thiếu người ấy thì họ không bao giờ đi ra khỏi nhà. Nghĩa vụ của người đập bóng là khi có cuộc gặp mặt của một số người thì anh ta phải đập bóng nhẹ vào môi ai cần phải nói và vào tai phải của ai cần phải nghe. Trong những lúc dạo chơi, người đập bóng thỉnh thoảng lại phải đập nhẹ bóng vào mắt của chủ mình, vì trường hợp ngược lại chủ nhân có nguy cơ ngã xuống hố trong mỗi bước đi, hoặc va đầu vào cột, hoặc giả, đâm sầm vào người qua đường khác.
 
Tôi thấy cần thiết phải kể cho độc giả tất cả những chi tiết này. Nói khác đi, độc giả cũng như tôi thật khó hiểu biết chừng nào đối với những bộ tịch của những người này, khi họ hộ tống tôi leo theo các bậc thang lên đỉnh hòn đảo, đến cung điện của quốc vương. Trong khi đi lên theo các bậc thang họ quên bẵng mất là họ cần phải làm gì và tụt lại sau tôi. Khi ấy những người đập bóng lại thức tỉnh các chủ nhân của mình. Ở họ, rõ ràng chẳng có một chút ấn tượng nào đối với diện mạo, quần áo của tôi, cũng chẳng hề có tiếng kêu ngạc nhiên nào như của một dân tộc giản đơn, chưa từng biết đến trầm tư mặc tưởng.
 
Cuối cùng chúng tôi cũng đi đến cung điện và được dẫn vào nơi triều yết. Ở đây quốc vương ngồi trên một cái ngai cao có các quan đại thần danh tiếng nhất vây quanh. Trước ngai vàng có một cái bàn lớn, trên đặt quả địa cầu, vòng hành tinh và các dụng cụ toán học khác nhau. Quốc vương không chú ý mảy may nào đến chúng tôi, mặc dù sự xuất hiện của chúng tôi kèm theo sự hộ tống của thị đồng, gây nên sự ồn ào khá lớn. Quốc vương đang chú mục vào việc giải một bài toán khó và chúng tôi đã phải chờ ít ra là một giờ khi Người còn chưa giải xong. Hai bên quốc vương có hai thị đồng đang đứng cầm bóng trong tay. Nhận ra quốc vương đã giải xong bài toán, một viên thị đồng đập bóng một cách kính cẩn vào môi quốc vương, còn viên thị đồng kia thì đập bóng vào tai phải. Quốc vương nghĩ một lát và hướng tầm nhìn của mình vào tôi và đoàn tùy tùng đi với tôi. Người phán một vài lời, sau đó một người còn trẻ cầm bóng ngay lập tức tiến lại gần tôi và khẽ động nhẹ vào tai phải của tôi. Tôi ra hiệu là không cần những sự nhắc nhở tương tự. Điều đó như tôi đã biết sau này, đã khiến cho quốc vương của họ và toàn thể triều đình đánh giá thấp về khả năng thông minh của tôi.
 
Quốc vương đặt cho tôi một số câu hỏi. Tôi đã trả lời người bằng tất cả các ngôn ngữ mà tôi biết được. Khi đã thấy rõ ràng chúng tôi không thể nào hiểu được nhau, quốc vương ra lệnh đưa tôi đến một trong các cung điện, và phái đến chỗ tôi hai gia nhân. Khác với tất cả các tiên vương của mình, đức vua này rất lịch thiệp đối với những người nước ngoài. Người ta dâng bữa ăn trưa và bốn nhân vật quan trọng mà tôi đã nhìn thấy đứng cạnh vua tại gian thiết triều dành cho tôi vinh hạnh là ngồi cùng bàn ăn với tôi. Bữa ăn trưa có hai hiệp, mỗi hiệp có ba món. Ở hiệp đầu, người ta đưa ra món bả vai cừu, được cắt thành dạng tam giác đều, một miếng thịt bò hình thoi lệch và bánh pudding dạng cycloid. Trong hiệp thứ hai người ta dâng hai con vịt được chế biến thành dạng vĩ cầm và xúc xích với giò hình ống sáo và kèn ô boa còn thịt ức bê có hình thụ cầm. Những người hầu cắt bánh mì cho chúng tôi thành những hình nón, hình trụ, hình bình hành và các hình học khác.
 
Sau bữa ăn trưa, tôi tự cho phép mình đặt một số câu hỏi về tên gọi những vật khác nhau bằng tiếng nước này. Khi có sự trợ giúp của những người đập bóng, những nhân vật quan trọng này đã trả lời tôi rất nhã nhặn. Chắc họ hy vọng rằng sự khâm phục của tôi vào khả năng của họ sẽ tăng thêm nếu tôi có thể nói chuyện một cách thoải mái với họ. Chẳng mấy chốc tôi đã có thể xin bánh mì, nước và tất cả những gì mà tôi cần.
 
Sau bữa trưa, những nhân vật quan trọng cùng ngồi ăn với tôi rút lui. Một nhân vật mới có người đập bóng đi cùng đến gặp tôi theo lệnh của quốc vương. Người này mang theo bút lông, mực, giấy và ba hay bốn quyển sách rồi bằng cách ra hiệu, ông đã làm cho tôi hiểu rằng ông được giao trách nhiệm dạy tôi ngôn ngữ địa phương. Chúng tôi đã ngồi học bốn giờ đồng hồ và trong khoảng thời gian đó tôi đã viết được mấy cột chữ và đã học thuộc một số đoạn ngắn. Thầy giáo của tôi nhiều lúc ra lệnh cho người hầu mang đến một vật gì đó hoặc quay người, cúi chào, ngồi, đứng, đi lại, v. v.. Còn tôi thì nhắc lại và ghi từng đoạn mà ông đã đọc. Ông chỉ cho tôi những hình vẽ trong sách về mặt trời, mặt trăng, các vì sao, hoàng đạo, các chí tuyến và vòng cực và dạy tên gọi các hình của hình học phẳng và các hình thể không gian. Ông gọi tên và viết cho tôi tên gọi các loại nhạc cụ và dạy cho tôi các thuật ngữ sử dụng khi chơi trên các nhạc cụ ấy. Khi ông đi khỏi, tôi đã sắp xếp tất cả những từ này cùng với lời giải thích nghĩa của chúng theo trật tự vần chữ cái. Nhờ có trí nhớ tốt mà trong vài ngày tôi đã tiếp thu được một số kiến thức bằng tiếng Laputa.
 
Tôi vẫn chưa tài nào biết được cái từ Laputa xuất xứ từ đâu, nên tôi dịch thành từ "hòn đảo bay". Lap- là một từ cổ, xuất xứ từ một từ có nghĩa là "cao", untuh - là người cầm quyền, từ này như các nhà bác học khẳng định, sinh ra từ Laputa, đọc trại đi của từ Lapuntuh. Nhưng tôi không thể nào đồng ý với cách giải thích tương tự, tôi cảm thấy nó gượng gạo thế nào ấy. Tôi mạnh bạo nói với các nhà bác học ở đây điều phỏng đoán nguồn gốc của từ này.
 
Theo tôi, Laputa chẳng có gì khác với: Quasi lap outed: lap có nghĩa là sự lấp lánh của các tia nắng mặt trời trên biển, còn uted là cảnh. Hơn nữa, tôi cũng không tin điều ức đoán của tôi là đúng, tôi chỉ đưa nó ra cho các độc giả khôn ngoan phán xét.[1]
 
Các vị cận thần được nhà vua giao cho chăm sóc tôi đã để ý thấy bộ quần áo rách nát và bẩn thỉu của tôi, nên ngay lập tức gọi thợ may tới đo cắt cho tôi bộ quần áo mới. Để thực hiện việc này, người thợ may ở đây đã hành động hoàn toàn khác với đồng nghiệp của anh ta ở châu Âu. Trước hết, anh ta xác định tầm vóc của tôi nhờ góc phần tư, sau đó dùng com-pa và thước tính toán trên giấy các kích thước và hình vẽ cơ thể tôi. Sau sáu ngày, quần áo đã may xong. Bộ quần áo được may hoàn toàn không vừa với người và mặc vào trông rất cộc cỡn. Người thợ may giải thích với tôi là trong tính toán của anh ta chắc là có sai sót nào đó. Trái lại tôi không đồng ý với điều đó. Xét đoán theo quần áo của các quần thần xung quanh tôi thì những sai sót như thế khá thường tình.
 
Tôi thấy mình rất mệt sau những thử thách mà tôi đã trải qua. Hơn nữa, tôi không có quần áo tử tế. Bởi thế tôi đã ở trong phòng suốt mấy ngày liền và trong thời gian đó đã mở rộng đáng kể kiến thức của mình bằng ngôn ngữ ở đây. Trong những lần đến thăm cung điện mới, tôi đã có thể trả lời thỏa mãn nhiều câu hỏi của quốc vương. Quốc vương đã ra lệnh đưa hòn đảo theo hướng Đông Bắc, đến Lagado, kinh đô của vương quốc, nằm ở trên mặt đất phía dưới. Để làm việc này cần phải đi qua chín mươi dặm và cuộc hành trình của chúng tôi kéo dài bốn ngày rưỡi. Điều thú vị là tôi hoàn toàn không cảm nhận thấy sự chuyển động dần dần của hòn đảo trong không trung. Sang ngày hôm sau, lúc gần mười một giờ, quốc vương, giới quý tộc và các quan lại cầm các nhạc cụ bắt đầu hòa nhạc. Cuộc hòa nhạc kéo dài ba giờ liên tục. Tôi hoàn toàn bị đinh tai nhức óc và không thể nào hiểu là làm như thế để làm gì. Nhưng người thầy của tôi liền giải thích cho tôi là dân chúng sống trên hòn đảo bay có tai nhạc. Âm nhạc ấy chỉ có thể được nghe theo quy định thời gian nghiêm ngặt. Thời gian ấy đã tới gần và mỗi một cận thần sẵn sàng tham gia vào cuộc hòa nhạc chung trên nhạc cụ mà người ấy chơi tốt hơn cả.
 
Trong thời gian chúng tôi bay đến Lagado, quốc vương đã ra lệnh dừng hòn đảo trên một số thành phố và làng mạc để nhận các đơn thỉnh cầu từ các thần dân của mình. Nhằm mục đích này người ta thả xuống phía dưới những sợi dây mảnh có buộc một tải trọng nhỏ ở đầu. Dân chúng treo các đơn từ của mình vào đấy và chúng được kéo lên trông như những mẩu giấy mà các học sinh đính vào dây của các cánh diều. Đôi khi chúng tôi còn nhận được rượu vang và thực phẩm đóng thành các khối được kéo lên. Những kiến thức toán học của tôi đã giúp tôi rất nhiều khi nghiên cứu ngôn ngữ hội thoại của họ. Trong ngôn ngữ này nhiều thành ngữ được vay mượn từ toán học và âm nhạc. Trong đầu của những con người này chứa đầy các hình và vật thể hình học. Chẳng hạn khi họ muốn ca ngợi vẻ đẹp của phụ nữ họ thường xuyên vay mượn các thuật ngữ hình học như: hình thoi, hình tròn, hình bình hành, hình ellipse - hoặc giả các so sánh vay mượn từ âm nhạc. Trong nhà bếp của quốc vương, tôi trông thấy các dụng cụ toán học và nhạc cụ các kiểu, mà theo mẫu ấy, các đầu bếp sẽ thái món ăn dâng lên bàn của quốc vương.
 
Nhà cửa của người Laputa được xây dựng rất tồi. Các bức tường bao giờ cũng xiên xẹo, không thể nào tìm thấy một góc nhà vuông vức trong bất cứ phòng nào. Vấn đề chính là ở chỗ họ hết sức khinh thường môn hình học thực nghiệm. Theo ý kiến họ, đó là một môn khoa học cực kỳ tầm thường, chỉ có những thợ thủ công thô lậu mới học nó. Họ chỉ chú ý tới các vấn đề trừu tượng cao siêu, mọi mệnh lệnh mà họ ban phát cho công nhân phức tạp, không thực tế đến mức phi lý, đầy dẫy những khiếm khuyết sơ đẳng nhất. Họ sử dụng thước kẻ, bút chì và com-pa khá thành thạo. Nhưng tôi chưa bao giờ nhìn thấy những người trong cuộc sống thường ngày vụng về, lóng ngóng, hậu đậu, chật vật hiểu tất cả những gì liên quan đến toán học và âm nhạc đến thế. Họ tư duy rất tồi: bác bỏ các lập luận của họ chẳng khó nhọc chút nào - có lẽ trừ những trường hợp khi chân lý về phía họ, nhưng điều đó thường rất hiếm. Những con người này đã mất hết trí tưởng tượng, ước mơ và tính sáng tạo. Trong ngôn ngữ của họ thậm chí không có những từ ngữ để thể hiện các khái niệm này. Ngoài toán học và âm nhạc họ chẳng biết gì hết và thậm chí không muốn biết.
 
Phần lớn người Laputa, đặc biệt những ai nghiên cứu thiên văn học, tin vào chiêm tinh học, mặc dù họ thấy xấu hổ khi phải thừa nhận công khai điều này. Nhưng điều làm tôi kinh ngạc hơn cả là sự say mê không hiểu nổi của họ đối với chính trị. Họ thường xuyên hỏi han về các vấn đề mới nhất trong chính trị, bàn luận hàng giờ về các công việc quốc gia đại sự và gây ra các cuộc tranh cãi gay gắt mà nguyên do chỉ là bất đồng phe phái. Hơn nữa, tôi cũng thấy khuynh hướng ấy ở đa số các nhà toán học châu Âu, mặc dù chưa bao giờ thấy có gì chung giữa toán học và chính trị. Tôi có cảm giác khuynh hướng này bắt nguồn từ điểm yếu khá phổ biến của những người thích khêu gợi chúng ta quan tâm và chú ý tới những việc mà thật ra chúng ta chẳng có quan hệ gì.
 
Người Laputa thường xuyên hoảng hốt. Họ chẳng bao giờ có tâm hồn thư thái. Đáng chú ý là họ lo sốt vó chỉ vì những điều mà người trần tục khác chẳng mảy may bận tâm. Họ sợ hơn hết là khả năng thay đổi trong các thiên thể. Họ sợ trái đất cứ xích gần mãi vào mặt trời thì cuối cùng sẽ bị mặt trời nuốt chửng. Họ còn run sợ vì những ý nghĩ đến lúc nào đó mặt trời sẽ bị bọc bởi một lớp vỏ cứng và sẽ không phát ra ánh sáng. Họ cũng còn cho rằng trái đất sẽ biến mất do va chạm với đuôi của sao chổi gần nhất và sao chổi tương lai mà sự xuất hiện của nó theo tính toán của họ còn phải qua ba mươi mốt năm nữa, chắc chắn sẽ tiêu diệt trái đất. Nhưng điều đó chưa phải là đã hết. Theo ý kiến của người Laputa, mặt trời hàng ngày tiêu hao năng lượng để phát sáng mà chẳng có gì bù đắp lại lượng tiêu hao, cuối cùng sẽ cháy hết và tiêu diệt Trái đất và tất cả cách hành tinh nhận năng lượng từ mặt trời cũng sẽ dẫn tới hủy hoại.
 
Người Laputa thường xuyên bị ám ảnh bởi tất cả các tai biến ấy nên không thể nào ngủ yên và thưởng thức những lạc thú và niềm vui thông thường của cuộc sống. Sáng sáng, khi gặp người quen, người Laputa thường đặt các câu hỏi: mặt trời ra sao, nó có dạng gì lúc mọc và lúc lặn, có hy vọng tránh va chạm với sao chổi gần nhất hay không? Những cuộc nói chuyện như thế họ có thể tiến hành hàng giờ với sự say mê giống như trẻ em say mê nghe những chuyện khủng khiếp về ma quỷ, chúng nghe những chuyện ấy một cách háo hức rồi sau đó lại không dám ngủ vì sợ hãi. Các phụ nữ của hòn đảo hoàn toàn không giống với giới mày râu. Đó là những người linh hoạt và bạo dạn, yêu cuộc sống thường nhật và khinh rẻ chồng mình. Họ thường than vãn về cuộc sống hiu quạnh trên hòn đảo, mặc dù theo tôi, đó là góc tuyệt diệu nhất trên thế giới này. Những nữ cư dân đảo ấy khao khát những trò giải trí của thủ đô, mà tất cả những xa xỉ và tiện nghi sinh hoạt quanh họ trên hòn đảo không thể nào thỏa mãn họ. Tai họa chính là ở chỗ chỉ có thể xuống đất theo lệnh đặc biệt của quốc vương. Mà mệnh lệnh đó lại ban phát rất hiếm hoi. Mấu chốt là chỗ các cận thần có thế lực dựa trên kinh nghiệm từ lâu đời biết chắc rằng khó mà buộc phụ nữ dời lục địa để quay trở lại đảo do đó gây mọi trở ngại cho chuyến đi tới thủ đô của họ.
 
Qua một tháng, tôi đã giành được những kết quả khá tốt trong tiếng Laputa và có thể trả lời thoải mái phần lớn các câu hỏi mà quốc vương đặt ra cho tôi. Quốc vương chẳng hề quan tâm tới luật pháp, cách cai trị, lịch sử, tôn giáo, phong tục và tập quán của các nước mà tôi đã từng đi qua. Quốc vương chỉ hạn chế trong việc hỏi han về tình hình toán học, nhưng khi nghe những câu trả lời của tôi thì lại hết sức coi thường và thờ ơ, cho dù những người đập bóng cố công thức tỉnh sự chú tâm cần thiết của quốc vương.
 
Chú thích
[1] Swilt chế nhạo một số điều bịa đặt vũ đoán của các nhà bác học thời đó về nguồn gốc của từng từ riêng biệt.