Chương 3
Hai Ngã Sông Đi Về Đâu

Năm mười bảy tuổi Thiệu đỗ thành chung. Thày mừng lắm nhưng Thày chẳng vui được bao lâu. Thày bị cảm nặng rồi mất vào giữa hè năm đó. Mẹ phải cưới chạy tang cho anh Tín. Chú Hai ở Hà Nội về nói với Mẹ :
Chị để em trông nom thằng Thiệu, vợ chồng em nay đã khá và vừa tậu được cái nhà ở Hàng Than, thôi thì chật rộng cũng là nhà của mình, không còn cảnh thuê chung thuê đụng như xưa nữa, cháu nó ra ở được lắm.
Ra Hà Nội học, Thiệu những vui thầm vì sẽ có dịp gặp Yến,. Yến năm đó học năm thứ ba trường Đồng Khánh. Bác Yến nghiêm khắc lắm. Nguyên việc hai đứa trai gái khá lớn gặp nhau đã là điều đáng lúng túng rồi, lại còn thêm cung cách nhìn nghi kỵ của bà Bác nữa, khiến bầu không khí càng nghẹt thở. Thế là cả năm đó Thiệu chỉ đến thăm Yến có một lần. Và một lần nữa vào buổi chiều Thiệu qua trường Đồng Khánh đúng giờ tan học. Thiệu thoáng thấy bóng Yến đạp xe phía trước. Hôm đó Yến mặc toàn đồ lụa trắng. Thiệu đạp xe cách Yến chừng hai mươi thước. Cảnh đó y hệt cảnh mà Sỉnh – anh bạn đồng học của Thiệu đã - trải qua. Sỉnh là ‘‘ vua quấy’’  trong lớp, nhưng cũng là một tâm hồn phong phú trữ tình. Hôm đi theo sau người yêu mặc áo trắng trở về thi tứ dạt dào, Sỉnh có ghi được mấy vần thơ mà anh em đều cho là tuyệt tác.
Theo Yến đến Bờ Hồ, thấy rằng vượt lên để đi ngang nói chuyện thì không tiện cho Yến, mà theo sau thế này thì chẳng đi đến đâu, Thiệu dừng lại bên hồ, tìm một ghế xi- măng vắng dựa xe rồi ngồi xuống. Thiệu đưa mắt nhìn mặt hồ gợn sóng và Tháp Rùa đằng xa trầm lặng. Thốt nhiên Thiệu thở dài và cất tiếng ngâm khẽ sáu câu thơ của Sỉnh. Chưa bao giờ Thiệu thấy mình ngâm thơ buồn bằng hôm ấy :
 
Em nghèo ta có giàu đâu.
Tịch dương đổ xuống đôi đầu ngẩn ngơ.
Hoe đuôi mắt em vơ tà áo,
Áo trắng bong ảo não hồn trinh,
Theo em nào biết chúng mình về đâu.
 
Rồi Thiệu nghĩ bụng: “Thôi cả hai còn ít tuổi cả, mình chịu khó học thi đỗ, rồi ngày hết tang Thày, sẽ nói với Mẹ chính thức hỏi Yến.
Nhưng Mẹ chẳng bao giờ hỏi Yến cho Thiệu vì năm sau Mẹ đã theo Thày trước mùa thi, Mẹ không kịp biết là sau đó hai tháng Thiệu đỗ tú tài phần một. Mùa đông năm đó bà Ba nhận trầu cau ăn hỏi của Yến. Người hỏi Yến nhà giàu lắm, anh chàng vừa du học ở Pháp về. Làm sao mà  Thiệu địch nổi? Thiệu thấy chỉ theo học chử không thực nhạt nhẽo, vô nghĩa, bèn xin vào trường Cao Đẵng Mỹ Thuật ban Hội Họa. Vừa học vẽ, Thiệu vừa học lấy chương trình thi tú tài phần hai. Tất cả năng lực Thiệu như kết tinh lại bên trong, Thiệu chỉ còn biết học để quên. Cuối năm Thiệu thi đỗ, các bà con, các bạn bè ai nấy đều phục Thiệu thông minh. Riêng Thiệu nghĩ thầm: “Thời thế tạo anh hùng!”
Theo học trường Mỹ Thuật đến năm thứ ba thì vào đầu năm đó chị Hoa về nhà chồng. Vợ chồng anh Tín trông nom ruộng nương cũng khá, mấy năm liền được mùa cả. Chị Tín đã sinh con trai đầu lòng, Thiệu lên vai chú. Nhưng tới đầu thu, Thiệu chịu hai cái tang lòng cùng đau đớn ngang nhau: trường Mỹ Thuật tạm đóng cửa và Yến lên xe hoa. Kể từ ngày bà Ba nhận trầu cau của “người kia,” mối tình của Thiệu hoàn toàn tan vỡ, nhưng dẫu sao Yến chưa lên xe hoa thì Thiệu vẫn thấy rằng tuy không thuộc về mình nhưng Yến cũng chưa thuộc hẳn về ai. Đến nay thật là hết, Yến đi vào màu hồng của đêm tân hôn mà màu hồng đó trở thành màu máu loang trong tim THiệu.
Thiệu đi Bắc Giang thăm chị Hoa cùng anh rể, Thiệu ở Bắc Giang một tuần rồi về làng? Thằng Nghĩa – con anh Tín- đã chập chững biết đi. Nó đã gọi được “chú … Thiệu” khá sõi.
Thiệu ra bến phà, lên con đê, nhìn dòng sông, nhìn khúc quành xa, nhìn luỹ tre xanh cùng cây đa làng Thái Lung Thượng. Rồi một đêm trăng mười sáu kia Thiệu mang giấy vẽ ra ghi bằng bút than một vài nét về con sông, về khúc quành, về vừng trăng … Hôm sau Thiệu nhận được thư của bạn ở Hà Nội gửi lên cho hay ông Giám đốc Mỹ Thuật, trước khi về Pháp, muốn triệu tập tất cả các sinh viên hai ban hội họa và điêu khắc lại tổ chức một cuộc triển lãm chung.
Thiệu trở lại trường Mỹ Thuật với một tập croquis và làm việc liên miên trong bảy ngày, Thiệu góp phần mình vào cuộc triển lãm chung đó ba bức sơn dầu trong đó có bức nhan đề là “Khúc quành của dòng sông.”
Ông Giám đốc trường Mỹ thuật quả là có con mắt của bậc thầy; ông đã dừng rất lâu trước bức đó và gật gù nhắc đi nhắc lại câu:
“Mais c’est bien, c’est bien!" (Được lắm, được lắm !)
Rồi ông gọi Thiệu lại để cùng Thiệu thảo luận.
Ông nói :
Màu vàng úa của vừng trăng gợi màu nâu thăm thẳm lấp loáng sáng của dòng sông. Màu tím xẫm của từng khối mây ‘‘ nghẽn thở’’ hòa hợp rất đúng với màu xám chết của bãi cát bên dưới. Tất cả bức tranh toát ra một vẻ man rợ hoang sơ thuở khai thiên lập địa.
Thiệu chỉ biết cám ơn ông thầy cũ của mình.
 
Ông lại nói :
Tình yêu thiên nhiên của anh có những rung cảm khác thường.
Thiện toan cải chính : ‘‘ Thưa ông không phải tình yêu thiên nhiên, mà tình yêu của tôi với người tôi yêu,’’ nhưng chàng lại chỉ gật đầu nói khẽ :
Vâng, tình yêu thiên nhiên của tôi !
Bức tranh đó Thiệu bán đúng theo giá ông Giám đốc đề nghị, nghĩa là đắt, đắt lắm. Người mua là một nhà tư bản Việt Nam ở ngay Hà Nội. Thiệu xin phép chú thím cho đi thuê nhà riêng. Thiệu nhận vẽ và trình bày cho mấy tờ báo lớn ; Thiệu còn nhận dạy học thêm ở một trường tư kia. Tính ham giao du của Thiệu được đà phát triển mạnh vào dịp này. Chẳng tối nào là Thiệu không rủ các bạn đi ăn, hoặc xi –nê, hoặc đi coi diễn kịch ở nhà hát lớn. Chẳng chủ nhật nào là Thiệu không kéo vài bạn hội họa đi về các tỉnh xa : Bắc Giang, Thị Cầu, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình để lấy croquis. Sau này người ta còn thấy Thiệu la cà với các bạn ở các hợp đêm từ hạng sang nhất đến hạng tồi nhất. Có đêm tới bốn giờ sáng Thiệu còn ngồi ở góc phòng để lấy croquis cảnh một vài gái nhảy mệt mỏi ngồi bên mấy người khách quần áo đã xộc xệch trong khi piste nhảy vắng mênh mông như một bãi sa mạc.
Các bạn Thiệu đều tưởng Thiệu trụy lạc to, nhưng không. Thiệu chỉ đi tìm những cảm giác mới, những đường nét mới, những ánh sáng và màu sắc mới để phục vụ nghệ thuật hội họa. Thiệu chỉ thấy chua chát và tưởng như mình tụy lạc thật mỗi khi gặp Yến đi với chồng (Thiệu được biết, tuy đã về nhà chồng, Yến vẫn tiếp tục học. Yến học ngành bào chế).
 
Hè tới, có một sớm kia Thiệu còn đương ngủ thì chị Hoa hớt hải mở cửa vào. Chi đi chuyến tầu sớm từ Bắc Giang tới.
Chị Hoa vừa chấm nước mắt vừa nói :
Chị không ngờ cậu bây giờ lại đâm ra chơi bời tệ thế. Giời bắt tội cha mẹ mất sớm, cậu đã lớn, cậu không tự tu tỉnh, chị chẳng biết làm thế nào.
Thiệu phải hết lời phân giải với chị, rồi Thiệu vội đi tắm sớm để lấy thêm vẻ tươi mát, tỉnh táo. Quả nhiên chị Hoa yên lòng. Chị Hoa đòi Thiệu phải về Bắc Giang với chị. Thiệu thu xếp hành trang ngay lập tức. Chín giờ tối hôm đó Thiệu đã đùa với Trang, đứa con gái bốn tháng đầu lòng của chị, trong khi chị hí hoáy viết thư cho ai rồi bỏ vào bì. Thiệu cũng chẳng hỏi chị viết thư cho ai, nhưng mười ngày sau thì anh Tín ở quê tới. hai an hem gặp nhau tuy mừng rỡ nhưng Thiệu thấy anh nhìn mình có vẻ nghiêm khắc. Hôm sau anh bảo Thiệu :
Chú theo tôi về quê.
Thiệu lại thu xếp hành trang theo anh ra bến ô tô. Ngày hôm đó thấy thái độ Thiệu chơi với cháu, Thiệu lên đê ngắm dòng sông và hôm sau cùng ra thăm đồng, chắc là anh yên lòng, nên Thiệu thấy anh nhìn mình hoàn toàn thân ái.
Cuối tháng Thiệu nhận được thư của Lũy rủ vào Huế quê anh, mở trường dạy học. Thiệu nói với anh Tín xin đi. Anh ưng thuận nhưng bảo phải chờ, rồi anh đi bắc Giang, khi trở về có cả chị Hoa. Một bữa tiệc tiễn hành khá lớn được tổ chức ngay hôm đó. Suốt từ đầu bữa đến cuối bữa chị Hoa không ăn mấy, chỉ gắp cho Thiệu và chốc chốc lại căn dặn giọng đầy nước mắt :
Cậu nhớ là không được chơi bời. Giời bắt tội cha mẹ mất sớm, mình đã lớn phải biết tu tỉnh.
Cứ mỗi lần chị Hoa nói câu đó, chị Tín lại gạt đi – tuy là gạt đi nhưng Thiệu thừa biết là chị Cả muốn tô đậm thêm lời khuyên :
Có việc gì phải lo, chú ấy biết thừa những điều ấy rồi. Gớm, non yểu gì !
Một tuần sau, Thiệu đã ngồi cùng bạn trên chuyến xe lửa tốc hành chạy xuyên Bắc Nam. Chuyến xe chuyển bánh vào hồi sáu giờ hai mươi nhăm phút. Thiệu đưa mắt nhìn bằng tưởng tượng của Hà Nội qua ga Hàng Cỏ. Tiếng còi thét lên như xé lòng Thiệu. Rồi con tầu chuyển bánh nặng nề, nặng nề như chính hồn Thiệu muốn ngồi sụp xuống để ở lại gần mảnh đất quê hương, Thiệu nghĩ đến anh chị Tín và đứa cháu, Thiệu nghĩ đến vợ chồng chị Hoa và đứa cháu. Sau cùng Thiệu nghĩ đến Yến … nghĩ đến Yến. Tàu chạy phăng phăng qua ngã tư Khâm Thiên, qua đầm sen Linh Đường, qua Bạch Mai, rồi một bên là đường cái quan với những làng mạc gần, một bên là cánh đồng mênh mông, ý nghĩ của Thiệu vẫn dừng lại ở nơi Yến. Thiệu thấy con tầu như con thuyền và đường sắt như một dòng sông. Giờ đây đời Thiệu với đời Yến như một dòng sông tách ra làm hai ngành cách biệt hẳn.
Hai ngành cách biệt hẳn và xa khơi…
Rồi đây hai ngả sông đi về đâu ?