CHƯƠNG 9-12
Con sư tử đen

    
gày tộc trưởng Kapđu Ip Sađin lên đường thì có một lá thư từ phương bắc xa xôi chuyển tới cho Tácdăng. Đó là thư của trung úy Ácnốt. Đọc thư, Tácdăng cảm thấy như tim mình thắt lại. Ácnốt thường nói đùa rằng vết thương lòng đó đã lên sẹo từ lâu! Nhưng mọi việc đâu có đơn giản như vậy. Những gì Ácnốt viết trong thư đều làm Tácdăng nhức nhối: Tácdăng thân mến của tôi!
Từ lúc tôi gửi cho bạn lá thư gần đây nhất, tôi rất bận lòng vì một câu chuyện ở Luân Đôn. Tôi đã ở Luân Đôn ba ngày. Ngày đầu tiên tôi ở phố Henrieta và vô tình gặp một người bạn cũ của bạn. Chắc bạn không đoán nổi người đó là ai đâu. Bạn biết không? Chẳng ai khác ngoài ngài Philanđơ! Đúng thế! Bạn đừng cau mày! Tin hay không tin, tùy bạn. Nhưng vẫn chưa hết. Ông Philanđơ nhất định bắt tôi phải cùng ông quay về khách sạn. Và ở đó, tôi đã gặp tất cả mọi người: giáo sư Potơ, tiểu thư Gian cùng cô hầu phòng da đen to đùng Exmêranda (Chắc là bạn đang nhớ tới cô ta). Một lát sau thì chàng Clâytơn cũng tới. Anh ta sắp cưới Gian. Thế là tôi phải chờ giấy mời dự cưới. Nghe nói các thủ tục kết hôn không có gì trắc trở. Sự chậm trễ lại nằm trong những mắc mớ của chính hai người - cô dâu và chú rể.
Khi tôi và ngài Philanđơ ngồi riêng với nhau, ông già đáng mến này đã kể hết cho tôi nghe mọi chuyện. Ông nói rằng cô Gian đã bày ra đủ lý do khác nhau để trì hoãn ngày cưới tới ba lần. Ông rỉ tai tôi: Ông có cảm giác như Gian không muốn kết hôn với ngài Clâytơn. Chẳng qua là cô đã lỡ lời ưng thuận.
Tất nhiên là khi gặp tôi, ai cũng hỏi thăm bạn. Tôi đã thỏa mãn nguyện vọng của bạn trong chuyện lai lịch của bạn. Hãy ghi nhận cho tôi công lao to lớn ấy. Tức là tôi đã không nói gì về quá khứ mà chỉ nói về hiện tại của bạn. Tất cả những gì có liên quan đến bạn đều làm Gian Potơrôva quan tâm. Cô đã đặt cho tôi rất nhiều câu hỏi về bạn. Tôi sợ không khéo mình thuộc loại người đa cảm, mềm yếu mất. Bởi vì tôi đã kể cho Gian nghe ý định trở lại rừng già châu Phi của bạn. Tới nửa chừng, tôi biết ngay là mình đã lỡ miệng. Vì nghe nói thế, nét mặt Gian lộ vẻ giận hờn. Cô nghĩ đến những nguy hiểm của cuộc sống rừng rú lại bắt đầu trở lại với bạn. "Tôi không thể hiểu nổi! - Cô kêu ầm lên - Tôi không biêt có cuộc sống nào tồi tệ hơn cuộc sống rừng rú mà anh Tácdăng đã chọn nữa không. Hay là anh ấy tìm thấy ở đó sự yên tĩnh thực sự cho mình. Trong rừng già quả thật cũng có nhiều cái đẹp. Có lẽ ngài ngạc nhiên thấy tôi lại nói thế. Tôi đã phải chịu đựng trong rừng bao nhiêu tai họa. Nhưng nói ngài đừng cười! Mặc dù vậy, thỉnh thoảng tôi cũng khao khát được trở lại những cánh rừng ấy. Bởi vì tôi cảm thấy ở đó tôi đã có những giây phút đẹp nhất của đời mình...".
Khi Gian nói với tôi như vậy, bạn biết không, cô ấy rất buồn! Tất nhiên là tôi hiểu những gì đang diễn ra trong lòng Gian. Qua giọng nói ấy, tôi biết răng Gian muốn qua tôi chuyển tới bạn lời nhắn nhủ cuối cùng từ trái tim Gian, vẫn ấp ủ những kỷ niệm đẹp đẽ, tha thiết một thời, mặc dù người mang trái tim ấy sắp lên xe hoa.
Cứ mỗi lần nói tới bạn là Clâytơn lại tỏ ra bối rối không yên. Tuy nhiên Clâytơn vẫn hỏi về bạn một cách lo lắng và có vẻ quan tâm tới cuộc sống của bạn. Ước gì anh ấy biết toàn bộ sự thật về bạn.
Có một người tên là Tenintơn đến thăm Clâytơn. Hai người là bạn bè từ lâu. Tenintơn đang có ý định làm một chuyến đi biển bằng thuyền buồm nên đang đi tìm thuỷ thủ và những người cộng tác. Anh ta cũng muốn tôi tham dự. Con thuyền sẽ bơi vòng quanh châu Phi. Tôi nói với anh ta rằng cái trò chơi đắt tiền đó sẽ có lúc đưa cậu xuống đáy đại dương. Cần phải nhớ rằng, thuyền buồm không phải là tàu thủy hay tàu chiến.
Hôm kia, tôi đã quay về Pari và hôm qua ở một trường đua ngựa tôi đã gặp và chuyện trò với nữ bá tước Đơ Côngđơ. Ngài bá tước thì tỏ ra rất quý bạn và gần như đã hoàn toàn quên chuyện cũ. Cả hai đều hỏi thăm bạn. Ônga ngày càng đẹp và hình như chỉ hơi dè dặt, giữ gìn một tí thôi. Tôi nghĩ rằng sự quen biết bạn đối với Ônga đã trở thành một kỷ niệm đẹp đẽ trong suốt cuộc đời mình. Đó là một may mắn và hạnh phúc cho cả cô ấy lẫn ngài bá tước. Nếu như bạn thực sự yêu Ônga, có lẽ mọi chuyện sẽ không kết thúc đẹp đẽ cho cả ba người. Ônga đã yêu cầu tôi thông báo cho bạn biết rằng Rôcốp đã rời khỏi Pháp. Cô ấy đưa cho hắn 20.000 phờrăng, với điều kiện là hắn ra đi và không được quay lại. Cô ấy rất vui vì đã đuổi được hắn đi, trước khi hắn thực hiện lời thề độc là tìm cách giết bạn. Cô ấy tỏ ra khiếp đảm khi nghĩ tới cảnh bàn tay của em mình vấy máu bạn. Nguyên do là cô ấy yêu bạn. Bạn biết không? Cô ấy không hề giấu diếm tình cảm đó ngay cả khi có chồng trước mặt. Cô ấy vẫn tin rằng cuộc gặp mặt giữa bạn và Nicôlai thể nào cũng kết thúc bằng cái chết của một trong hai người. Ngài bá tước đồng ý ngay với nhận định đó của vợ, nhưng lại nói rằng: để giết được bạn thì phải có một trung đoàn những kẻ như Rôcốp." Bá tước rất cảm phục lòng can đảm của bạn.
Tôi đã được gọi trở lại đơn vị. Khoảng hai ba hôm nữa đơn vị tôi sẽ nhổ neo rời Lơ Havơrơ. Đi đâu thì giờ này chưa biết. Nếu như bạn viết thư cho tôi, hãy đề trực tiếp địa chỉ con tàu. Tôi tin rằng nhất định những lá thư của bạn sẽ tới tay tôi. Viết cho tôi đi!
Pôn Đơ Ácnốt của bạn.
"Mình sợ rằng Ônga đã phí mất 20.000 phờrăng" - Tácdăng nghĩ thầm.
Tácdăng đọc lại đoạn thư trung úy Ácnốt miêu ta cuộc trò chuyện với Gian Potơrôva. Chàng cảm thấy không thỏa mãn, nhưng dù sao đó cũng là đoạn văn có ý nghĩa hơn tất cả.
Một vài tuần lễ toàn tẻ nhạt và đơn điệu trôi qua. Thỉnh thoảng Tácdăng trông thấy người đàn ông Ả rập bí hiểm đã có lần nói chuyện với trung úy Giơnoa. Chàng để ý tới khu tập thể của người nước ngoài. Nhưng mọi sự thăm nom của chàng tới khu ấy đều vô hiệu. Còn Giơnoa, một người kín đáo, không thích tiếp xúc rộng rãi thì có phần dè dặt với Tácdăng, nhất là từ khi xảy ra chuyện nhìn nhau tại nhà ăn trong khách sạn. Nếu như Tácdăng và Giơnoa đã cãi nhau vài lần, có lẽ Giơ noa sẽ cảnh giác ra mặt.
Tácdăng thường đi săn ở vùng xung quanh Bu Sađi. Suốt ngày chàng lang thang trên những ngọn đồi để bắt linh dương. Tuy vậy, rất ít khi chàng đến gần được cái loài thú đẹp mê hồn đó. Chàng thương mặc cho chúng chạy, không đuổi bắt. Không bao giờ chàng coi chuyện bắn giết những loài thú rừng yếu ớt, vô hại là một sự tiêu khiển. Chàng thích những trận chiến đấu danh dự, công khai mà cuối cùng chàng giành được niềm vui chiến thắng. Những trận chiến đấu sinh tử như vậy cũng giống như những lần chàng lên đường đi kiếm ăn vì đói. Trong những cuộc săn lùng thú dữ, chàng hãnh diện vì lòng can đảm, trí thông minh, nhanh nhẹn của mình. Còn bây giờ, chàng rời thành phố vào rừng khi bụng vẫn còn no. Vì vậy chàng coi việc bắn giết những con linh dương mắt đen ngây thơ là một việc làm tàn nhẫn, chẳng kém gì việc giết người. Chàng thường đi săn một mình, không để ai phát hiện ra rằng chàng chỉ giả vờ săn bắn.
Nhưng một hôm, có lẽ vì không có người dẫn đường mà suýt nữa chàng mất mạng. Hôm ấy khi đang đi qua một khe đá rất hẹp, bỗng sau lưng chàng vang lên một tiếng nổ chát chúa. Viên đạn trúng vào chiếc mũ cát chàng đang đội trên đầu. Mặc dù đã lập tức thúc ngựa quay đi và nhanh chóng vượt ra khỏi khe núi, chàng vẫn không tìm thấy dấu vết của người nổ súng. Ngay trên con đường đi Bu Sađi cũng không một bóng người.
Tácdăng thầm nghĩ - "Ônga vứt ra hai mươi nghìn phờrăng đó, thực thừa".
Buổi chiều chàng được mời đến ăn ở nhà đại úy Ghêrát.
- Hôm nay ngài có săn được gì không? - Ghêrát hỏi.
- Không, - Tácdăng trả lời - Thú rừng ở vùng này rất nhát. Mà tôi thì không thích bắn chim và linh dương. Tôi tính sẽ đi tiếp về phương nam và thử săn một vài con sư tử Angiêri xem nó thế nào.
- Thế thì tuyệt với! - Đại úy Ghêrát kêu lên - Sáng sớm mai, chúng tôi sẽ lên đường đi Gianpha. Ngài có thể đi cùng. Tôi và trung úy Giơnoa chỉ huy khoảng một trăm tay súng, tiến về phía nam để trấn giữ một vùng đất đang có bọn cướp hoành hành. Đến đó chúng ta có thể cùng đi săn. Ngài thấy thế nào?
Nghe viên sĩ quan nói, Tácdăng rất mừng, chàng nhận lời không do dự. Nếu như biết vì sao Tácdăng mừng rỡ, có lẽ đại úy Ghêrát sẽ rất ngạc nhiên. Khi đó Giơnoa đang ngồi trực diện với Tácdăng. Anh ta không tỏ ra vui mừng trước sáng kiến của viên đại úy.
- Rồi ngài sẽ thấy là săn sư tử lý thú hơn nhiều so với bắn linh dương - đại úy Ghêrát khẳng định - nhưng mà cũng nguy hiểm hơn nhiều.
- Ngay cả bắn linh dương cũng hết sức nguy hiểm - Tácdăng nói - Nhất là khi người ta đi săn chỉ có một mình. Chính hôm nay tôi mới đi đến kết luận đó. Tôi cũng khẳng định thêm là mặc dù nhút nhát nhưng linh dương không hèn hạ.
Trong khi nhận xét như vậy, Tácdăng lướt nhìn thăm dò thái độ của Giơnoa. Chàng không muốn cho viên trung úy biết rằng chàng đang nghi ngờ hắn, và hắn ta cũng có vẻ như không biết gì. Mặc dù vậy, Tácdăng vẫn không xua đuổi được cái linh cảm cho rằng Giơnoa ít nhiều có nhúng tay vào sự kiện trong khe đá vừa rồi, hoặc ít ra là hắn có biết nhưng không nói... Bởi vì lúc đó Tácdăng thấy dưới cổ Giơnoa sởn lên như da gà. Thế là đủ. Tácdăng cảm thấy thỏa mãn nên vội chuyển đề tài câu chuyện sang hướng khác.
Ngày hôm sau, khi toán quân của Ghêrát rời Bu Sađi tiếp tục đi về hướng nam, thì có một tốp đàn ông Ả rập xin nhập bọn. Mấy người này trông mặt mũi khá dữ tợn, đáng gờm.
- Họ là người của chúng ta phải không? - Tácdăng hỏi.
- Họ không thuộc phiên chế đơn vị - Ghêrát trả lời - Họ vui chân mà đi cùng chúng ta thôi.
Trong thời gian ở đây, Tácdăng đã hiểu khá rõ tính cách Ả rập. Vì vậy chàng biết rằng những người Ả rập đi cùng không phải vì tình cảm bạn bè như viên đại úy giải thích. Có người Ả rập nào ở Angiêri ưa người nước ngoài đâu, nhất là người Pháp! Nghĩ như thế, Tácdăng thấy phải để mắt tới những kẻ đáng nghi này.
Mấy người Ả rập đi sau toán quân chừng một phần tư dặm. Không lúc nào họ để cho mọi người trông rõ họ. Vì vậy khó lòng mà đoán nổi họ đang mưu tính chuyện gì. Tácdăng tin rằng họ chính là những tên đâm thuê chém mướn đang theo dõi chàng. Còn kẻ chủ mưu thì chẳng ai khác ngoài Rôcốp. Tất nhiên cũng không thể loại trừ khả năng họ là những người có liên quan với trung úy Giơnoa. Thật khó mà biết. Nếu như Giơnoa nhúng tay vào chuyện này, thì bọn hắn sẽ tìm cơ hội thủ tiêu chàng mà không để lại một dấu vết gì.
Nghỉ ngơi hai ngày ở Gianpha, toán quân lại lên đường theo hướng tây nam, nơi có tin bọn cướp đã tấn công các bộ lạc sống dưới chân núi. Đêm hôm đó, khi có lệnh chuẩn bị rời Gianpha, nhóm người Ả rập đi theo từ Bu Sađi lập tức biến mất. Chẳng một ai biết vì sao nhóm Ả rập bỏ đi và đi về hướng nào.Tácdăng rất khó chịu. Nhất là khi chàng nhìn thấy trung úy Giơnoa thì thầm với một người nào đó ngay sau khi nghe đại úy Ghêrát ra lệnh hành quân. Chỉ Tácdăng và Giơnoa là giả thiết được hướng hành quân. Còn binh lính thì chỉ biết rằng họ phải chuẩn bị rời khỏi đây ngay sáng sớm hôm sau. Tácdăng cảm thấy rất có thể Giơnoa đã tiết lộ cho mấy người Ả rập biết hướng hành quân.
Chiều tối hôm đó, bọn cướp đã xông vào một làng. Tộc trưởng của bộ lạc bị cướp hết cả đàn gia súc. Một số dân làng bị giết hại. Trông thấy đơn vị quân đội, người Ả rập vội lao ra khỏi những túp lều lợp da dê rách rưới, vây lấy những người lính. Họ nói gì đó líu lo không ai hiểu được. Nhưng riêng Tácdăng nhờ lâu nay có Apđula dạy cho, nên chàng hiểu được khá nhiều. Chàng quay sang trò chuyện với người đày tớ hộ tống tộc trưởng đi đón đại úy Ghêrát. Người này nói rằng anh ta chẳng trông thấy nhóm sáu người Ả rập nào từ Gianpha đi đến cả. Xung quanh đâ, có nhiều làng khác nữa. Có thể họ đến những làng đó. Còn trên những dãy núi vùng này thì đầy bọn cướp. Chúng đi thành từng nhóm, hoành hoành, cướp bóc cho tới tận Bâura. Sáu gã đàn ông Ả rập mà Tácdăng hỏi tới có thể là một toán cướp trở về sau một chuyến hành nghề.
Sáng hôm sau, đại úy Ghêrát chia đơn vị thành hai phân đội: Phân đội do trung úy Giơnoa phụ trách và phân đội do Ghêrát đích thân chỉ huy đi tuần tiễu các dải núi phía bên kia bình nguyên.
- Ngài định đi với phân đội nào, ngài Tácdăng? - Đại úy Ghêrát hỏi - Hay là ngài không thích đi săn bọn cướp?
- Tôi rất thích - Tácdăng trả lời và nghĩ xem có cách nào không làm lộ mục đích của mình là theo dõi trung úy Giơnoa. Nhưng Tácdăng không phải bối rối lâu.
- Nếu dịp này đại úy nhường ngài Tácdăng cho tôi thì tôi thật sung sướng và lấy làm hân hạnh. Hôm nay chúng tôi rất muốn có ngài Tácdăng đi cùng - Trung úy Giơnoa giả bộ chân thành. Tácdăng nghe nói không khỏi ngạc nhiên, nhưng vẫn vui vẻ nhận lời.
Thế là Tácdăng sánh ngựa cùng Giơnoa dẫn đầu phân đội kỵ binh lên đường. Nhưng được một quãng, thoát khỏi tầm mắt của đại úy cùng phân đội một, trung úy Giơnoa mất hết vẻ niềm nở, khuôn mặt gã lại khó đăm đăm như cũ. Đoàn người tiếp tục hướng về phía những dãy núi. Tới ngọn cuối cùng, họ gặp một triền núi có dòng suối chảy qua. Trung úy Giơnoa ra lệnh nghỉ. Binh lính ăn uống qua loa rồi xuống suối lấy thêm nước dự trữ. Một lúc sau phân đội lại gặp một khe đá dựng đứng. Mọi người phải xuống ngựa và Giơnoa quan sát địa hình một cách cẩn thận.
- Chúng ta phân tán ra thành nhiều nhóm! - Giơnoa quyết định.
Giơnoa phân công các hạ sĩ quan phụ trách các nhóm xong, liền quay sang Tácdăng.
- Thưa ngài! Ngài chờ chúng tôi ở đây, chúng tôi sẽ quay lại.
Tácdăng định phản đối nhưng Giơnoa đã chặn trước:
- Có thể sẽ xảy ra đánh nhau. Thường dân không được phép làm vướng chân các quân nhân.
- Ngài trung úy quý mến! - Tácdăng gọi - Tôi sẵn sàng tuân theo mệnh lệnh của ngài hoặc các hạ sĩ quan chỉ huy. Tôi muốn chiến đấu bên cạnh các ngài. Chính vì vậy mà tôi mới đi cùng các ngài.
- Rất tốt - Giơnoa nói với nụ cười châm biếm - Ngài nói rằng sẽ chấp hành tất cả các mệnh lệnh của tôi. Vậy mệnh lệnh đầu tiên của tôi là: ngài phải dừng lại ở đây, chờ cho tới lúc chúng tôi quay về. Chuyện này coi như đã được giải quyết.
Một lát sau, chỉ còn trơ trọi một mình Tácdăng giữa vùng núi đá hoang vu. Mặt trời thiêu đốt bỏng cả da. Tácdăng phải tìm một bóng cây gần đó buộc ngựa rồi ngồi xuống hút thuốc. "Hay đây là một sự trừng phạt?". Tácdăng ngẫm nghĩ. Nhưng rồi chàng lại cho rằng Giơnoa chắc chắn không đến mức ngây ngô đi trừng phạt chàng chỉ vì một chuyện vặt vãnh nào đó. Đằng sau việc này, hẳn phải có một nguyên cớ nào đó nghiêm trọng hơn nhiều.
Với ý nghĩ ấy, Tácdăng đứng dậy, rút khẩu súng trường ra khỏi bộ yên cương. Chàng kiểm tra lại ổ đạn rồi kiểm tra thêm khẩu súng ngắn. Chuẩn bị xong xuôi, chàng thận trọng quan sát bốn phía.
Cho tới lúc mặt trời xuống sát những ngọn núi phía tây, phân đội kỵ binh vẫn chưa quay về. Cuối cùng thì thung lũng đá cũng chìm dần trong bóng hoàng hôn. Tácdăng cảm thấy vui vui khi nghĩ rằng chàng sẽ quay về doanh trại sớm hơn, trước khi phân đội của Giơnoa quay lại thung lũng. Bởi vì đêm càng khuya thì vùng đất này càng nguy hiểm. Còn chàng thì đã quá quen với chuyện đi đêm, từ thời còn ở trong rừng già. Chẳng có ai tiến lại gần mình trong bóng đêm mà chàng lại không phát hiện ra. Ngoài đôi tai cực nhạy cảm, chàng còn có đôi mắt đủ sức chọc thủng bóng tối và chiếc mũi rất thính, có thể đánh hơi được từng bước tiến của kẻ thù.
Với tâm trạng thư thái, tự tin, Tácdăng dựa lưng vào gốc cây và thiu ngủ. Khi chàng choàng dậy thì thời gian đã trôi đi đến vài giờ. Ngựa của chàng cất tiếng hí ầm ĩ. Tiếng hí của nó như lay động cả vầng trăng tròn vành vạnh đang lặng lẽ tải ánh váng xuống thung lũng ướt đẫm sương đêm. Chỉ cách chỗ buộc ngựa vài bước: Con Atrê đang đứng, thong thả quẫy đuôi một cách vừa ngang tàng vừa trang trọng, dương mắt nhìn thẳng vào con mồi. Atrê chẳng phải là con gì quá xa lạ: Đó chính là loài sư tử đen.
Tácdăng khoan khoái lạ thường. Nhìn thấy sư tử, chàng có cảm giác như gặp lại ông bạn đã bao ngày xa cách. Chàng ngồi im không nhúc nhích, chiêm ngưỡng vị chúa tể rừng xanh. Vừa lúc đó, con sư tử cũng sửa soạn cho cú nhảy vồ mồi. Tácdăng nâng súng lên vai... Chưa bao giờ chàng bắn một con thú nào bằng súng. Thông thường chỉ dùng mũi lao, tên thuốc độc, thòng lọng hoặc dao găm. Với khẩu súng trong tay thế này, chàng cảm thấy tự tin tới mức dửng dưng.
Con sư tử đã nằm ép mình xuống đất. Chỉ còn trông thấy cái đầu của nó. Tácdăng không muốn nổ súng từ phía bên hông sư tử. Chàng rất biết sư tử sẽ phản ứng ra sao nếu nó bị bắn trượt. Chàng lùi lại một bước, rồi một bước nữa. Con sư tử vẫn không rời mắt khỏi con ngựa. Còn chừng chục bước nữa mới tới chỗ con ngựa, nhưng con sư tử vẫn nằm yên, không hề nhúc nhích. Tácdăng nhằm vào khoảng giữa mắt và mang tai sư tử. Chàng xiết cò. Tiếng nổ vang lên nhức óc. Con sư tử nhảy dựng lên khỏi mặt đất. Ngay lúc đó con ngựa cũng giật bắn mình, co cổ lôi sợi dây cương đang bị cột vào bụi cây. Sợi dây chằng bên má ngựa đứt tung. Nó lao mình xuống bờ khe rồi biến mất trong sa mạc.
Chẳng có người nào cả gan đọ sức với sư tử đen. Nhưng Tácdăng thì không chỉ là một con người. Từ thuở ấu thơ, hệ thống cơ bắp của chàng đã được tôi luyện qua biết bao cuộc chiến sinh tử với đủ loại thú rừng. Hệ cơ ấy sẽ phản ứng nhanh nhẹn, mạnh mẽ và quyết liệt, cùng với hệ thần kinh hết sức nhạy cảm. Con Atrê dù đã nhanh, Tácdăng còn nhanh hơn. Tuy trúng đạn, Atrê vẫn còn đủ sức thu toàn bộ sức mạnh nhảy bổ vào bụi cây buộc ngựa. Nhận thêm viên đạn thứ hai, nó gầm thét, tung mình lên phía trước. Tá dăng bắn thêm hai phát nữa, cho tới khi con thú khổng lồ thôi gầm thét, co mình nằm yên không nhúc nhích. Tácdăng không chỉ là "Ngài Tácdăng" mà còn là "Tácdăng loài vượn". Chàng dẫm chân lên sống lưng sư tử rồi ngửa mặt lên trời nhìn vầng trăng mờ. Tiếng thét của con vượn đực làm rung động cả một vùng hoang mạc.
Tiếng thét ấy làm tất cả các loài thú đang đi kiếm ăn quanh đó phải dừng chân nghe ngóng và rùng mình. Cùng lúc ấy người dân địa phương cũng vội vã chui ra khỏi những túp lều da dê. Họ nhìn quanh các đỉnh đồi, nghe ngóng. Không biết có con quái vật nào xuất hiện, đe dọa những đàn gia súc của họ ở chốn heo hút, xa vắng này.
Cách chỗ Tácdăng giết sư tử đen không đầy một dặm, có mấy người đeo súng, cưỡi ngựa, nghe tiếng thét đã phải ghìm cương. Họ nhìn nhau bằng những đôi mắt hoang mang, dò hỏi. Khi không nghe thấy tiếng thét tái diễn, họ lại chạy tản xuống thung lũng.
Lúc này, Tácdăng tin rằng trung úy Giơnoa hoàn toàn không có ý định quay lại tìm chàng. Nhưng chàng cũng không băn khoăn nhiều lắm. Chàng đã mất ngựa. Vậy thì không dại gi chàng nằm chờ mãi ở đây. Chàng quyết định quay ra khỏi thung cát. Nhưng vừa tụt xuống vách đá, chàng đã nhìn thấy bên kia bờ thung lũng xuất hiện mấy bóng người mặc đồ trắng Ả rập.
Mấy người Ả rập dừng ngựa, quan sát thung lũng. Khi không trông thấy có ai ở đấy, họ thúc ngựa tiến vào. Họ phát hiện ra ngay dưới gốc cây một con sư tử đen nằm chết. Họ đứng xung quanh con thú, gật gù với nhau có vẻ như đã tìm ra điều gì bí ẩn. Ngay lập tức cả đám người vội vã dắt ngựa chạy tụt xuống vách đá. Họ bỏ đi hối hả nhưng cố không gây tiếng động. Hình như họ đang truy tìm một người nào đó.

Thung lũng cô đơn
Tácdăng thong thả tụt xuống khe đá hoang vắng. Trên đầu chàng, vầng trăng châu Phi lặng lẽ tỏa sáng. Chàng có cảm giác như nghe thấy đâu đây tiếng gọi của rừng xanh thân thuộc ngày nào. Giữa một vùng trời đất bao la, thoáng đãng, bây giờ chỉ có một mình chàng. Chàng khoan khoái thở dài. Thật là một con người tự do - cái cảm giác tự do trong cô đơn, hiu hắt. Nhưng chính cái cảm giác tự do và đơn độc này lại làm trào lên trong trái tim chàng tràn trề sức mạnh.
Chàng bước đi ung dung, ngẩng cao đầu, mái tóc tung bay trong gió và hoàn toàn vững tin vào sức mạnh của mình. Toàn bộ các giác quan cuả chàng đều như báo trước cho chàng những tình huống nguy hiểm. Dưới ánh trăng mờ, mọi tiếng động từ bên kia dãy núi vọng tới tai chàng đều không có gì mới lạ. Những tiếng động đó vang lên dường như không phải từ thiên nhiên mà từ chính lòng chàng. Đó là tiếng nói của một nỗi lòng khao khát không lời. Trong tất cả những âm thanh đa dạng của thiên nhiên hoang dã, có những âm thanh rất dễ làm trái tim chàng thổn thức. Trong đó, có một âm thanh đặc biệt quen thuộc với chàng - đó là tiếng bước chân uyển chuyển, xa xôi của loài báo.
Vừa lúc ấy, chàng bắt được một âm thanh hơi lạ tai - rón rén và lặng lẽ. Chẳng có đôi tai người nào cảm nhận được thứ âm thanh đó. Thoạt đầu, Tácdăng không xác định được thứ tiếng động đó phát ra từ đâu, thuộc loài nào. Nhưng chỉ không đầy nửa giây sau, chàng biết chính xác rằng đó là tiếng bàn chân trần đạp đất. Tiếng chân vang lên sau lưng chàng, mỗi lúc một gần. Có kẻ đang theo dõi chàng!
Lúc này chàng đã hiểu vì sao trung úy Giơnoa để chàng một mình trong thung lũng. Nhưng toàn bộ kế hoạch của Giơnoa vẫn còn một khiếm khuyết: giờ tấn công hơi muộn.
Những bước chân nghe mỗi lúc một gần. Tácdăng dừng lại, quay mặt về phía những kẻ truy đuổi và lên đạn chờ sẵn. Vừa lúc đó chàng trông thấy tấm áo choàng trắng. Chàng lên tiếng hỏi bằng tiếng Pháp xem họ muốn gì ở mình. Đáp lại lời chàng là một loạt đạn súng trường chớp sáng chói mắt. Tácdăng cảm thấy mình ngã úp mặt xuống đất.
Những người Ảrập chờ một lát xem kẻ bị bắn có ngồi dậy được không. Một lát sau, họ chạy ra khỏi chỗ nấp, vây lấy cái cơ thể đang nằm sóng soài. Họ sờ ngực chàng và thấy rằng kẻ bị bắn vẫn còn thở. Một tên trong bọn chúng dí mũi súng vào gáy Tácdăng định bắn cho chết hẳn. Nhưng một người khác đã gạt mũi súng ra.
"Để nó sống thì tiền thưởng nhiều hơn". Gã Ảrập giải thích hành động của mình. Cả bọn xúm vào trói Tácdăng rồi khiêng về chỗ buộc ngựa. Dưới ánh trăng mờ, toán người rời dãy núi, tiến về phía nam. Con đường đi về phương ấy dường như phẳng phiu hơn.
Tácdăng tỉnh lại. Chàng thấy mình bị trói và bị vất úp trên lưng ngựa. Vết thương trên người chỉ xượt qua thái dương. Vết thương đã cầm máu. Những vệt máu khô đen bám chặt vào mặt và quần áo chàng. Khi tỉnh dậy, biết mình đã rơi vào tay những người Ảrập, Tácdăng không nói một lời. Những kẻ bắt cóc chàng cũng gần như im lặng. Suốt dọc đường chúng chỉ mở mồm nguyền rủa tù binh của mình vài tiếng mà thôi.
Suốt sáu tiếng đồng hồ vượt qua những dải cát nóng bỏng, đoàn người ngựa không hề ghé vào một làng nhỏ nào ven đường. Khoảng giữa trưa, họ tiến vào một khu trại có chừng hai chục chiếc lều. Họ dừng lại ở đó. Khi một gã Ảrập sửa soạn cởi dây chẳng Tácdăng ở lưng ngựa, một đám người có cả đàn ông, đàn bà và trẻ nhỏ lập tức chạy ra vây quanh. Một trận mưa đòn rơi xuống đầu Tácdăng. Một vài người thậm chí còn ném đá và dùng gậy vụt vào đầu Tácdăng. Nhưng chỉ một vài phút sau, một vị tộc trưởng già bước tới, xua đuổi đám người:
- Ali Íp Ahômét nói với ta rằng, người đàn ông này ở một mình trên núi và đã giết được một con sư tử. Ta không biết Ali định làm gì với cái người tù binh ngoại quốc này. Phải chờ cho tới lúc ta nộp cho Ali! Nhưng người tù binh này là một người dũng cảm. Một khi người này còn ở trong tay chúng ta, chúng ta phải xử sự thế nào cho xứng đáng với người đã một mình chiến thắng Ngài Đại Thú.
Tácdăng nghe tộc trưởng nói rõ từng lời. Chàng thấy mình đã thoát khỏi trận mưa nhục nhã là nhờ lòng kính trọng của người Ảrập đối với người chiến thắng sư tử đen.
Tácdăng được ăn uống nhưng vẫn bị trói chặt. Những người Ảrập để chàng ngồi một mình trên tấm thảm dày trải giữa lều, có một người đứng gác ngay ở cửa ra vào. Chàng thử tìm cách cởi dây trói nhưng không được. Những cơ bắp cuồn cuộn của chàng dù căng đến mấy cũng không thắng nổi những nút dây thừng.
Vào quãng xế tối, có mấy người đàn ông đi tới, bước thẳng vào lêu. Cứ nhìn trang phục thì họ đều là những người Ảrập. Nhưng có một người Ảrập bước lại gần Tácdăng và thong thả cởi áo. Phần dưới khuôn mặt của người đó lộ ra. Ngay tức khắc Tácdăng nhận ra Rôcốp.
- Ồ, ngài Tácdăng! - Rôcốp giả bộ ngạc nhiên - Một sự tình cờ mới hiếm hoi và lý thú làm sao! Nhưng tại sao ngài không đứng dậy đón khách?
Rôcốp cười gằn rồi dùng hết sức đá mũi giầy bọc sắt vào hông Tácdăng.
- Đứng dậy! Con chó! - Rôcốp vừa đá vừa nghiến răng quát. Hắn đá túi bụi vào lưng, vào mặt Tácdăng.
Tácdăng không nói một lời, cũng không thèm nhìn lên. Những cú đá hằn học của Rôcốp phải ngừng vì tộc trưởng bước vào. Ông nhăn trán, sửng sốt kêu lên:
- Thôi đi! Mày cứ giết nó, nếu mày muốn. Nhưng tao không cho phép mày hành hạ một người đàn ông dũng cảm như thế trước mặt tao. Một lối hành hạ vô liêm sỉ! Nếu mày cởi trói người ta ra, mày sẽ biết. Khi đó liệu mày có đá được không?
Lời đe dọa của tộc trưởng làm cho Rôcốp mất hết hứng thú trả thù. Tất nhiên hắn không muốn Tácdăng được cởi trói. Hắn vẫn còn nhớ sức mạnh của bàn tay Tácdăng.
- Thôi được, thôi được rồi! - Rôcốp lập bập nói - Vậy thì tôi sẽ giết nó ngay.
- Nhưng không phải ở chỗ này, không phải trong khu trại của tao! - Tộc trưởng ra lệnh - Người đàn ông này khi rời khỏi bộ tộc của tao phải là người đang còn sống. Nếu mày tính chuyện với người ta ở sa mạc, tao không quan tâm. Nhưng tao không thể để cho máu của người Pháp dính vào tay bất kỳ người nào trong bộ tộc của tao. Người Pháp có thể cho lính đến giết người của tao, đốt cháy những lều trại của tao, giết chết gia súc của tao.
- Vậy ông nghĩ thế nào, - Rôcốp hất hàm nói - Nếu như tôi đưa nó ra khỏi trại để thanh toán nợ nần với nó.
- Mày phải đưa tù binh này ra khỏi địa phận của tao ít nhất là một ngày đường! - Tộc trưởng nhắc nhở Rô cốp một cách kiên quyết - Người của tao sẽ đi cùng mày để giám sát xem mày có lừa dối tao hay không. Nếu mày lừa dối tao thì... trên sa mạc này sẽ không phải có một mà hai xác chết.
Rôcốp nhún vai:
- Tôi phải ở đây đến mai. Bây giờ tối rồi.
- Tùy mày - Tộc trưởng nói - nhưng sáng sớm mai, một giờ sau khi mặt trời mọc, mày phải rời khỏi khu trại của tao. Tao không ưa gì lũ người tà giáo, nhưng lại không muốn mang tiếng là kẻ hèn mạt.
Rôcốp còn muốn nài nỉ chút nữa, nhưng hắn kịp nhận ra rằng tộc trưởng không muốn nghe nữa. Rôcốp im bặt. Một lúc sau hắn cùng tộc trưởng ra khỏi lều. Trước khi bước ra khỏi cửa, hắn vẫn không kiềm chế được sự đắc ý. Hắn quay lại nhếch mép cười, nói với Tácdăng:
- Hãy vui vẻ mà từ giã cõi đời, ngài Tácdăng ơi! Ngài đừng quên cầu nguyện! Ngày mai ngài sẽ chết. Cũng chẳng có đủ thời gian mà nguyền rủa ai nữa đâu, thưa ngài!
Đã từ trưa tới giờ không ai mang đến cho Tácdăng lấy một ngụm nước, một mẩu bánh mỳ. Tácdăng lả đi vì khát. Chàng định xin người lính gác một ít nước. Nhưng chàng cất tiếng hỏi mấy lần, người gác vẫn không thèm hé miệng đáp một lời.
Đêm đã về khuya. Từ vùng núi xa xôi đâu đó vọng tới tiếng sư tử gầm thét. Tiếng gầm vừa giận dữ vừa như ai oán. Cái tiếng vang quen thuộc của rừng già khiến Tácdăng nảy ra một nhận xét buồn bã: hóa ra sống cùng sư tử còn an toàn hơn sống giữa con người! Thuở chàng còn sống trong rừng, chưa bao giờ chàng bị truy đuổi dai dẳng như mấy tháng qua trong thế giới văn minh. Chưa bao giờ chàng bị cái chết kề cận bên cổ như lúc này.
Tiếng sư tử lại vang lên mỗi lúc một gần. Tácdăng định thét lên đáp lại tiếng gầm của sư tử. Trước kia, mỗi lần bị sư tử đe dọa, chàng lại thét vang rừng như một hiệu lệnh kêu gọi cả bộ lạc mình bước vào cuộc chiến đấu. Còn bây giờ bộ lạc của chàng ở đâu? Lâu nay gần như chàng đã quên rằng có một thời chàng chỉ là một con vượn đực lạc loài. Nhưng ngày mai, mọi sự sẽ kết thúc. Một thời hạnh phúc còn đâu!
Chàng lại dãy dụa, thử căng mình cho đứt những vòng dây trói. Chàng lại co cổ, ghé mồm vào sợi dây, hy vọng sử dụng hai hàm răn sắc, khỏe của mình. Mọi cố gắng của chàng đều vô nghĩa. Đầu chàng như bốc lửa vì nỗi căm uất và bất lực.
Tiếng sư tử lúc nãy lại vang lên không dứt. Rõ ràng là con sư tử đã xuống núi, săn mồi trên sa mạc. Tiếng kêu chứng tỏ rằng nó bị đói. Tácd ăng cảm thấy ghen tị với nó. So với chàng, cuộc đời của nó tự do biết bao! Nếu nó có bị chết, cái chết của nó cũng thật đàng hoàng, lẫm liệt. Không ai trói nó và giết nó như giết một con cừu thế này. Tácdăng cảm thấy tức ngực vì nỗi bất lực và lòng hận thù hành hạ. Chàng không còn hy vọng chiến thắng để bảo vệ sự sống của chính mình. Chàng không hề sợ chết, nhưng chàng đang bị làm nhục.
Chàng có linh cảm rằng đêm đang ngả dần về sáng. Chỉ còn vài giờ nữa thôi! Ước gì chàng có thể lôi Rôcốp theo mình về thế giới bên kia! Vừa lúc đó chàng lại nghe thấy tiếng kêu của vị chúa tể các loài thú! Lần này tiếng thét của nó quá gần. Có thể nó đang săn bắt đàn gia súc trong khu trại.
Tiếng thét chấm dứt. Bốn bề lại yên tĩnh một cách đáng ngờ. Một lát sau, Tácdăng nghe thấy tiếng sột soạt phát ra từ mình con thú chạm vào vật gì đó. Tiếng động mỗi lúc một gần. Bỗng nhiên tất cả im bặt. Nhưng chàng đã nghe thấy tiếng thở của con thú đang bước tới thẳng cửa trại chàng nằm. Đúng thế! Kia rồi. Cơ thể con vật đang chuyển động từng bước, từng bước một. Tácdăng quay đầu về phía có tiếng động. Bốn bề tối đen như mực. Nhưng rồi bức vách phía sau bắt đầu bị giật ra và nâng lên. Bóng con sư tử lẫn vào bóng tối. Từ tấm vách bị xe thủng lộ ra một mảng trời điểm vài vì sao nhấp nháy.
Tácdăng mỉm cười. Rôcốp rồi sẽ phát điên lên. Tácdăng thích chết bởi hàm răng sư tử hơn là bởi bàn tay bẩn thỉu của hắn.
Bức vách lại bị nâng lên lần nữa. Một bóng đen kỳ lạ đã lọt vào trong trại. Tácdăng nghe rõ tiếng bước chân đang tiến lại gần mình. Chàng nhắm mắt lại, chờ đợi nhát đớp đầu tiên của sư tử. Bỗng chàng cảm thấy có bàn tay mềm mại của ai đó chạm vào mặt mình. Bàn tay đó đang quờ quạng trong bóng tối. Một giọng con gái thì thào gọi đúng tên chàng.
- Vâng, tôi đây - Tácdăng trả lời nho nhỏ - Nhưng, lạy Chúa, người là ai vậy?
- Vũ nữ ở Siđi Aisa - Tiếng trả lời có vẻ vội vã.
Tácdăng cảm thấy cô gái đang cố hết sức cởi trói cho chàng. Lưỡi dao lạnh lẽo thỉnh thoảng lại chạm vào tấm lưng trần của chàng. Cuối cùng tất cả các vòng chão đều bung ra.
- Đi nhanh! - Cô gái thì thào.
Tácdăng luồn ra khỏi trại rồi trườn theo vị cứu tinh. Cô gái cũng trườn trên mặt cát ngay trước mũi chàng. Cuối cùng cả hai dừng lại ở một bụi cây rậm rạp. Cô gái nói nhỏ với Tácdăng:
- Người anh họ của em đến bộ lạc này thăm bạn. Anh ấy đến đúng lúc anh bị bắt. Thế là vừa về đến nhà, anh ấy đã kể rằng: Có một người Pháp cao lớn vừa bị Ali Ahơmét bắt về nộp cho một người Pháp khác. Nghe anh ấy miêu tả, em đoán ngay rằng người tù binh đó là anh. Cha em đi vắng. Em đã cố thuyết phục mấy người đàn ông đi cứu anh, nhưng họ đều từ chối. Họ bảo rằng: "Cứ để mặc cho quân tà giáo giết nhau, tùy thích. Đấy không phải là việc của chúng ta. Còn nếu như chúng ta làm Ali hỏng việc thì hóa ra chúng ta lại vô tình gây chiến với bộ lạc của Ali. Đã đánh nhau thì thể nào người của bộ lạc ta cũng bị chết". Thế là chờ cho trời tối hẳn, em đã một mình phóng ngựa tới đây. Em mang thêm một con ngựa cho anh. Em buộc chúng ở gần đây thôi. Chỉ sáng ra là chúng ta đã đến làng của em. Chắc là cha em đã về. Họ có giỏi thì cứ đến mà chạm vào bạn của Kápđu Ip Sađin.
Tácdăng cùng cô gái lặng lẽ bước đi.
- Lẽ ra chúng ta phải có ngựa rồi, - Cô gái dừng lại nói - Rõ ràng là em buộc chúng ở quãng này. Sao không thấy đâu cả?
Bỗng cô gái sững người kêu lên hoảng hốt:
- Chúng chạy mất rồi! Em buộc chúng đúng chỗ này đây.
Tácdăng nhìn quanh và phát hiện ra một khóm cây đã bị giật bung cả rễ lên. Chàng còn thấy một cái gì đó nữa và đứng lên, nhìn cô gái, cười nói:
- Sư tử đã mò đến đây. Xem dấu vết thì đúng là nó bị mất mồi. Nhưng ở sa mạc này hai con ngựa còn bị nguy hiểm đe dọa nhiều hơn là đối mặt với sư tử.
Tácdăng và cô gái cùng thở dài. Chảng còn cách nào khác là tiếp tục cuốc bộ! Con đường mòn dẫn lên những sườn núi cheo leo, vòng vèo. Nhưng cô gái thuộc đường như lòng bàn tay. Tácdăng lặng lẽ đi sau cô gái. Hai người vừa đi vừa nói chuyện nhưng vẫn thỉnh thoảng dừng chân để quan sát xem có kẻ nào theo dõi mình không.
Thật là một đêm trăng tuyệt vời! Trời đã bắt đầu chớm lạnh. Sa mạc thầm thì những ngọn gió tươi. Đó đây thấp thoáng những khu làng đang chập chờn trong giấc ngủ về sáng. Bên những ngôi nhà đất im lìm dưới bóng cây chà là còn có những túp lều lợp bằng da dê. Sa mạc ánh lên màu cát bạc. Thật là một quang cảnh thiên đường giữa một vùng đất dữ dằn.
Đi được một lúc, trước mặt hai người hiện lên những ngọn núi im lìm. Tácdăng cảm thấy tim mình chợt như nhảy lên rộn ràng trong lồng ngực. Đối với chàng, núi rừng mới thực sự là cuộc sống. Chàng lại bắt đầu một cuộc đời mới! Chàng nhìn đôi vai nhỏ của cô gái đi trước mặt mình. Một cô gái - người con của sa mạc đi cùng một chàng trai - đứa con bất trị của rừng già! Tácdăng bật cười vì ý nghĩ của mình. Tự nhiên chàng khao khát có một đứa em - một đứa em gái như cô gái đang đi trước chàng. Hai anh em - đó là một tình bạn tuyệt vời!
Hai người lại leo lên những dãy núi cao và bước chân mỗi lúc một chậm lại. Con đường mòn nhiều đá tai mèo và rất cheo leo. Cô gái thì mong sao cho mình đưa được Tácdăng về làng thật nhanh trước khi người của Ali truy đuổi tới nơi. Còn Tácdăng lại cứ mong cho con đường cứ kéo dài vô tận. Chàng thích đi cùng cô gái mãi thế này. Trong đáy sâu tâm hồn, chàng khát khao một người bạn tâm giao - một người yêu cũng sống hoang dã như chàng. Lâu nay, chàng có rất nhiều người quen biết. Nhưng hầu như ai cũng thích những nơi đô hội, thích phố phường, nhà cửa hơn rừng xanh. Và hầu như tất cả đều thích mặc quần áo đẹp hơn là trần truồng như chàng trong rừng xanh. Thực sự Tácdăng không hiểu họ, mặc dù hiện tại chàng vẫn sống như họ.
Hai người lại đi vòng qua những mô đá. Con đường mòn cứ vấn vít quanh khe suối, lưng đèo. Đột nhiên cả hai dừng lại. Chặn ngay trước mặt họ là một con sư tử đen. Đôi mắt xanh của nó ánh lên những tia chớp giận dữ. Nó nghiến răng, vẫy đuôi một cách nôn nóng rồi bắt đầu gầm lên. Đúng là tiếng gầm của con thú đói.
- Đưa dao! - Tácdăng ra lệnh rồi đưa tay về phía cô gái.
Chàng nắm chặt đốc dao găm và đẩy cô gái sang bên.
- Chạy nhanh trở lại sa mạc! - Tácdăng quát to - Có nghe thấy không? Xuống sa mạc rồi quay về sau.
- Muộn rồi, - Cô gái đáp - Đằng nào thì chúng ta cũng không thoát khỏi nó.
- Chạy đi! - Tácdăng giục - Nó chuẩn bị tấn công đấy.
Con sư tử chậm rãi bước lại gần. Cái đầu nó ghé xuống sát đất, chiếc đuôi căng ra và cơ thể nó rung lên. Đứa con của rừng già cũng co người lại chờ sư tử. Phía sau lưng chàng, cô gái đứng im như tượng đá. Cô há miệng, căng tròn mắt, sửng sốt vì lòng dũng cảm của chàng trai. Đối mặt với "ngài Đại Thú", chàng trai chỉ có trong tay một con dao. Tuy vậy, cô gái vẫn tin rằng cuộc chiến đấu này sẽ không kết thúc bằng cái chết của chàng. Cô nhìn chăm chăm vào đôi vai vạm vỡ của chàng. Lúc này trông chàng cũng hung tợn chẳng kém gì sư tử.
Con sư tử nhích lên một chút. Bằng một tiếng thét xé họng, nó nhảy bổ về phía trước.

Ngài Canđuen ở Luân Đôn
Con Atrê bắn tung lên vì một cú đấm vào hàm dưới. Vuốt chân và hàm răng của nó vẫn chưa kịp thu về vị trí cũ. Nó vẫn tưởng kẻ đối mặt với mình chỉ là một con mồi yếu đuối. Ai ngờ con mồi ấy lại là một đối thủ nhanh nhẹn, khéo léo và dữ dội chẳng kém gì mình. Trước khi con vật chạm mặt đất, Tácdăng đã vọt sang chỗ khác.
Cô gái không khỏi kinh ngạc vì sự phản công của Tácdăng diễn ra quá nhẹ nhàng, đơn giản. Còn bây giờ? Lạy thánh Ala! Chàng trai nhảy lên lưng sư tử, chộp tay vào bờm nó. Con sư tử co hai chân trước lên, lắc mình, chẳng khác gì con ngựa bất kham dưới cặp giò kỵ sĩ. Tácdăng đã hiểu thế nào là tình thế cưỡi lưng hổ. Chàng biết con sư tử lúc này sẽ chuẩn bị làm gì. Chàng vòng tay trái xiết chặt cổ họng con vật. Và tay phải, một nhát, hai nhát,... liên tục những nhát dao sắc nhọn cắm ngập vào kẽ vai trái của con vật. Con vật rùng mình, rống lên từng hồi đau đớn và giận dữ. Nó không thể nào hất được đối thủ khỏi lưng mình. Cho tới khi Tácdăng thả lỏng cánh tay, con sư tử đã lăn ra đờ đẫn.
Cô gái lúc này lại trợn mắt kinh ngạc và lo sợ. Cô không sợ con sư tử chết mà sợ chính Tácdăng. Chàng trai đang dẫm một bàn chân lên thân thể bất động của con thú và ngẩng cao vầng trán nhìn trăng sa mạc. Một tiếng thét khủng khiếp vang lên đập vào vách núi, lan xa. Tiếng thét này cô gái đã nghe thấy một lần nào đó rồi. Tuy vậy cô cũng thét lên vì sợ hãi và nhảy bắn sang bên cạnh. Cô nghĩ rằng vì đánh nhau với sư tử, chàng trai đã phát điên. Nhưng chờ cho tiếng thét của mình vang xa, lặn vào không trung, Tácdăng cúi xuống nhìn cô gái. Khuôn mặt chàng lại sáng lên một nụ cười. Chàng muốn cho cô gái tin rằng chàng đã hoàn toàn tỉnh táo. Lúc này cô gái mới thở dài nhẹ nhõm và cũng cười đáp lại nụ cười hiền khô của Tácdăng.
- Anh có phải là người không? - Cô gái hỏi một cách hoài nghi - Anh làm những điều khó mà tin nổi. Cho đến bây giờ em vẫn không thể tin rằng, bằng một con dao, người ta có thể đánh nhau và chiến thắng Atrê. Còn tiếng thét của anh thì không có vẻ... tiếng người. Tại sao anh lại thét?
Tácdăng đỏ bừng mặt.
- Tôi quên mất, - Tácdăng nói - quên rằng mình là một con người.Khi đánh nhau, tôi biến thành... người khác.
Tácdăng không giải thích gì thêm nữa. Chàng sợ cô gái sẽ ghê tởm người đàn ông thỉnh thoảng lại biến thành ác thú.
Hai người tiếp tục lên đường. Mặt trời mỗi lúc một lên cao, vượt qua đỉnh núi, tỏa ánh sáng xuống sa mạc. Đến một dòng suối nhỏ, hai người tìm thấy hai con ngựa. Chúng chạy mãi tới chỗ này. Khi đã cảm thấy an toàn, chúng ung dung gặm cỏ. Bắt chúng lúc này chẳng có gì là khó.
Tới gần trưa, cô gái đã dẫn Tácdăng về đến khu làng của mình mà không bị kẻ nào truy đuổi. Khi tộc trưởng Kápđu về đến nhà, ông rất lo lắng vì con gái biến đi đâu mất. Ông đoán rằng con gái của mình lại rơi vào tay bọn cướp. Cùng với năm mươi người đàn ông trong làng, ông đang sửa soạn, lên đường đi vào sa mạc để lần tìm dấu vết chúng. Đúng lúc ấy, cô gái và Tácdăng vào làng. Ông già lặng đi vì sung sướng. Ông biết ơn Tácdăng vì đã đưa con gái ông vượt qua bao nhiêu đe dọa của dêm sa mạc, về tới nhà an toàn. Nhưng ông cũng rất kiêu hãnh về đứa con gái của mình. Thân gái dặm trường, con gái ông đã một mình đi cứu Tácdăng!
Ông đã dành cho Tácdăng những nghi thức tiếp đón cầu kỳ và sang trọng. Khi cô gái kể chuyện đánh nhau với sư tử giữa đường, cánh đàn ông trong làng vây kín lấy Tácdăng và nhìn chàng như nhìn một vị thánh. Tácdăng cảm thấy rất vui vì lòng ngưỡng mộ và kính trọng của dân làng.
Vị tộc trưởng già bắt Tácdăng phải ở lại chơi một thời gian thật dài. Thậm chí ông còn muốn Tácdăng ở lại sống với làng mình. Tácdăng rất băn khoăn vì lời mời của tộc trưởng. Quả thật, nơi đây chàng đã gặp những người tự do, không bị ràng buộc như những người sống trong đô thị. Chàng đã gặp những người dễ hiểu và họ cũng rất hiểu chàng. Không những thế, tình bạn với cô gái lại càng thôi thúc chàng đi tới quyết định ở lại.
Nếu như cô gái là một người đàn ông, có lẽ chàng sẽ không cần phải băn khoăn cân nhắc. Chàng sẽ nhận lời ngay và tộc trưởng Kápđu sẽ làm lễ kết nạp chàng trở thành thành viên của bộ lạc. Như vậy, chàng sẽ có được người bạn đúng như mong ước của mình - một người sẽ cùng chàng cưỡi ngựa, săn bắn, nô đùa dưới bầu trời tự do. Nhưng cô lại là một người đàn bà. Vì vậy, những phong tục, tín ngưỡng của bộ lạc du mục vừa trói buộc cô nặng nề hơn những người cùng họ hàng của cô ở thành phố. Và rồi chẳng bao lâu nữa, cô sẽ lấy một chiến binh nào đó trong bộ lạc làm chồng. Điều đó có nghĩa là tình bạn của cô với Tácdăng chấm hết.
Nghĩ như vây, Tácdăng đành từ chối lời mời của tộc trưởng. Chàng chỉ lưu lại chơi ở đó một tuần.
Buổi sáng trước lúc lên đường, Kapđu Íp Sađin gọi năm mươi kỵ sĩ đưa Tácdăng tới Bu Sađi. Cô gái cũng ra tiễn Tácdăng.
- Em đã bao đêm cầu nguyện để anh ở lại với dân làng chúng em - Cô gái cúi đầu, đưa tay cho Tácdăng - Vậy mà bây giờ em lại phải cầu nguyện cho anh trở về bình an - Trong khóe mắt cô gái long lanh giọt lệ. Cái nhìn của cô sâu vời vợi như kẻ mất hồn, đôi môi cô run run như cánh hoa sắp rụng - Em mong có ngày gặp lại chàng.
Tácdăng bước đi.
- Cũng chẳng ai biết được! - Tácdăng nói rồi giật ngựa đuổi theo đoàn kị binh hộ tống.
Tới cửa thành Bu Sađi, Tácdăng tạm biệt tộc trưởng và đoàn kị binh của ông. Tácdăng muốn vào thành một cách bí mật. Tộc trưởng hiểu điều đó. Ông dặn mọi người không được tiết lộ cho ai trong thành Bu Sađi biết chuyện Tácdăng. Đoàn người Ả rập vào thành như những người khách du lịch.
Chờ cho tới tận nhá nhem tối, Tácdăng mới lặng lẽ bước qua cổng thành. Chàng không thấy ai theo dõi mình nên đi thẳng tới khách sạn đã đặt trước. Sau bữa ăn tối cùng Kapđu, Tácdăng xuyên qua một đoạn phố nhỏ, trở về khách sạn của mình. Vừa bước vào lối cửa sau, chàng đã gặp ông chủ khách sạn. Ông ta rất ngạc nhiên vì thấy Tácdăng còn sống, khỏe mạnh. Ông ta nhận chuyển các thứ bưu phẩm tới tay Tácdăng và hứa rằng sẽ không lộ một câu về chuyện chàng vẫn còn sống. Đi được một lúc, ông ta trở về với một gói thư từ. Một trong những lá thư đó là mệnh lệnh của cấp trên: Tácdăng phải chấm dứt những công việc lâu nay ngay tức khắc và phải đi tàu tới ngay thành phố Capơtun, một thành phố của Nam Phi. Ở đó Tácdăng sẽ gặp một tình báo viên và sẽ nhận những nhiệm vụ tiếp theo.
Như vậy. Tácdăng phải gấp rút chuẩn bị lên đường. Chàng vội đến doanh trại chia tay với đại úy Ghêrat. Ông chủ khách sạn tiết lộ cho chàng rằng đại úy mới trở về hôm qua sau chuyến hành quân tiễu phạt. Quả nhiên Tácdăng gặp được Ghê rát trong phòng riêng. Viên đại úy rất kinh ngạc và không giấu được niềm vui thấy Tácdăng vẫn bình an.
- Lúc trung úy Giơnoa trở về báo cáo với tôi rằng không tìm thấy ngài, tôi rất lo. Trung úy nói rằng ngài tự tìm lấy một chỗ hoang vắng để săn bắn và dặn mọi người sẽ đón ngàiở đấy. Chúng tôi đã tìm ngài trên khắp các dãy núi, bờ khe suốt một ngày dài. Sau đó chúng tôi biết rằng ngài đã trở thành mồi của sư tử. Người ta đã mang súng của ngài về làm bằng chứng. Ngựa của ngài thì tự tìm về khu trại sau khi ngài mất tích một hôm. Chẳng còn hy vọng gì nữa, trung úy Giơnoa tỏ ra đau khổ dằn vặt mọt cách âm thầm. Anh ta nhận hết lỗi về mình. Chính anh ta đã dắt một người Ả rập cầm súng của ngài đến báo cáo tôi. Chắc trung úy sẽ rất mừng khi biết ngài thoát nạn.
- Điều ấy thì chắc chắn rồi! - Tácdăng nói và cười vang.
- Bây giờ trung úy đang ở trong thành phố - Đại úy Ghêrát nói tiếp - Tôi đã cử người đi tìm trung úy để báo tin vui là ngài đã trở về.
Tácdăng nói cho Ghêrát tin rằng chàng bị lạc rồi gặp khu trại của tộc trưởng Kápđu. Tộc trưởng đã đưa chàng trở lại Bu Sađi.
Nghe Tácdăng kể, đại úy tin ngay. Sau đó, chàng kiếm cớ từ biệt rồi quay lại thành phố.
Trong một khách sạn nhỏ, vừa trông thấy Tácdăng trở về, tộc trưởng Kápđu đã thông báo ngay một tin quan trọng. Ông kể rằng, có một người đàn ông da trắng, râu đen, ăn mặc cải trang thành một người Ả rập. Hình như ông ta mới chữa khỏi cánh tay bị gãy. Cách đây không lâu, ông ta rời khỏi Bu Sađi và vừa quay trở lại. Tộc trưởng còn biết được cả chỗ ở của ông ta.
Tácdăng lập tức xuyên qua những đường phố hẹp, mốc meo và tăm tối, tiến thẳng tới một ngôi nhà cổ. Chiếc cầu thang vòng vèo của ngôi nhà dừng lại trước một tấm cửa đóng kín mít và một cửa sổ nhỏ, không gắn kính. Chiếc cửa sổ này rất cao, sát mái hiên. Tuy vậy Tácdăng vẫn bám được vào bậu cửa ổ và nhìn vào trong. Trong phòng rất sáng sủa. Bên chiếc bàn cũ kỹ, Rôcốp và trung úy Giơnoa đang nói chuyện với nhau.
- Rô cốp này! Ông là một con quỷ! - Giơ noa nói - Ông đã đẩy tôi tới chỗ đánh mất hoàn toàn uy tín và danh dự. Ông đã buộc tôi phải nhúng tay vào việc giết người. Hóa ra bàn tay tôi đã vấy máu người đàn ông có tên là Tácdăng. Nếu thằng quỷ Páplôvích bạn ông không biết những chuyện riêng của tôi, tôi sẽ giết ông tại chỗ, bằng bàn tay này.
- Điều đó ông không làm nổi, trung úy quý mến! - Rôcốp cười - Nếu Alécxây Páplôvích biết ông đã hại tôi, ngay lập tức Bộ Chiến tranh sẽ nhận được các bằng chứng về mọi chuyện mà ông đã làm và cố gắng che đậy. Hãy tỉnh táo và biết điều một tí! Tôi vẫn đang là một người bạn tốt của ông. Đằng nào thì cho tới giờ, tôi vẫn coi danh dự của ông cũng là danh dự của chính tôi.
Giơnoa cười chua chát rồi lẩm bẩm chửi rủa.
- Vẫn còn một khoản nữa - Rôcốp tiếp lời - Ông hãy đưa cho tôi tờ giấy mà tôi yêu cầu. Tôi thề danh dự với ông là ngoài cái đó ra, từ nay tôi sẽ không đòi hỏi ở ông điều gì nữa.
- Ông có vẻ có lý đấy, - Giơnoa gầm gừ - Nếu tôi đưa ông tờ giấy đó thì nghĩa là tôi không nợ nần gì nữa. Đó là một bí mật quân sự duy nhất mà tôi có trong tay. Lẽ ra ông phải trả tiền tôi thật tử tế vì đã nhận một thông tin quan trọng như vậy. Ông đừng có lấy tờ giấy đó rồi lại vòi thêm tiền.
- Tôi sẽ trả công ngài bằng cách giữ mồm, không nói cho ai biết, - Rôcốp tuyên bố - Còn bây giờ thì vào việc đi. Ông muốn hay không? Tôi cho ông ba phút để suy nghĩ. Nếu ông không đồng ý thì ngay trong đêm nay tôi sẽ tố cáo với chỉ huy và thượng cấp của ông. Sự nghiệp, cuộc đời ông sẽ kết thúc, ít nhất thì cũng giống như vụ án Đrâyphut: bị tước quân hàm trước tòa án binh. Chỉ có khác là Đrâyphut là người vô tội, oan uổng. Còn ngài thì... - Rôcốp dừng lại, mỉm cười.
Viên trung úy cúi đầu, ngồi im suy nghĩ. Cuối cùng gã đứng bật dậy, rút trong túi áo kabát ra hai tờ giấy.
- Đây này! - Giơnoa nói với giọng chán chường - Tôi đã chuẩn bị trước. Bởi vì tôi biết rằng tôi không còn cách nào khác.
Giơnoa đưa hai tờ giấy cho Rô cốp. Khuôn mặt Rôcốp giãn ra với cái cười độc ác.
- Ông biết điều đấy, Giơnoa ạ! - Rôcốp nói - Tôi sẽ để ông yên thân cho tới khi ông lại gom góp đủ thông tin và một lượng tiền nhất định - Rôcốp nói và cười hô hố.
- Không đời nào! Đồ chó má! - Giơ oa bật tiếng chửi rủa rồi nín giọng một lát - Tôi sẽ giết ông. Chẳng thiếu gì cơ hội, kể cả trong ngày hôm nay. Tôi đã ngồi đây suốt một tiếng đồng hồ với hai tờ tài liêu chết tiệt này và với một khẩu súng no đạn. Ông biết chứ? Nhưng tôi không thể biết được chuyện gì rồi sẽ xảy ra. Chắc rồi lần sau, sự lựa chọn và quyết định của tôi sẽ nhanh hơn. Hôm nay ông vẫn còn gặp may đấy, Rôcốp ạ! Nhưng lần sau thì đừng đùa với thần Chết nữa!
Giơnoa đứng dậy, chuẩn bị bước ra khỏi phòng. Tới những giây đồng hồ cuối cùng của cuộc hội thoại, Tácdăng đã nấp được vào bóng tối sau cánh cửa. Cánh cửa đột nhiên bật mở. Trung úy Giơnoa bước ra. Sau lưng Giơnoa, Rôcốp vẫn bám theo. Cả hai lặng lẽ bước. Đi được vài bậc cầu thang, Giơnoa dừng lại suy nghĩ, có vẻ như muốn quay lại phòng Rôcốp. Tácdăng có cảm giác là mình đã bị phát hiện. Trong khi đó Rôcốp đứng lại ở bậc cửa, có lẽ chỉ cách Tácdăng một cánh tay. Rôcốp vẫn đứng theo dõi viên trung úy. Đột nhiên viên trung úy quay đầu, vùn vụt chạy xuống cầu thang. Tácdăng nghe thấy Rôcốp thở phào nhẹ nhõm. Một lát sau Rôcốp quay vào, đóng sập cửa sau lưng.
Tácdăng đã lọt vào phòng. Chờ cho tiếng chân Giơnoa đi xa, Tácdăng mới bắt đầu hành động. Rôcốp đang định nhổm người dậy khỏi ghế thì giật bắn mình vì Tácdăng lừ lừ tiến đến. Rôcốp run rẩy như một chiếc lá sắp lìa cành.
- Ông? - Rôcốp kêu lên kinh hãi.
- Vâng, tôi đây - Tácdăng trả lời.
- Ông muốn gì ở đây? - Rôcốp thều thào, giọng nghẹn lại vì trông thấy ánh mắt lạnh lẽo của Tácdăng - Ông đến để giết tôi hay sao? Ông tự đưa mình vào máy chém đấy. Ông chớ có làm việc đó!
- Nhưng mà tôi dám làm, - Tácdăng trả lời - Không ai biết tôi có mặt ở đây. Ông chết thì Páplôvích sẽ nghĩ rằng Giơnoa giết. Nhưng những chuyện đó đối với tôi không có nghĩa. Tôi hoàn toàn yên tâm nếu như có người nào đó biết rằng tôi giết ông. Niềm vui vì cái chết của ông sẽ bù đắp cho tôi sự trừng phạt mà tôi chịu trước pháp luật. Ông là một con vật ghê tởm nhất mà tôi gặp lâu nay. Tôi phải giết ông. Và giết ông một cách vui vẻ.
Dây thần kinh của Rôcốp căng lên như sắp đứt. Bỗng gã thét lên một tiếng và chạy bổ sang phòng bên cạnh. Nhưng gã chưa đến bậc cửa thì đã bị Tácdăng giữ lại. Những ngón tay gọng kìm xiết chặt lấy cổ họng gã. Gã kêu ằng ặc như con chó vì bị nghẹt thở. Tácdăng lôi gã về phòng. Gã cố gắng giãy giụa để thở nhưng hoàn toàn bất lực. Tácdăng đặt gã vào ghế và thả lỏng tay. Trong khi Rôcốp ngồi thở, Tácdăng lại nói:
- Tôi vừa cho ông nếm thử cái chết một tí. Nhưng ngay cả lần này, tôi cũng chưa giết ông. Tôi tiếc cái mạng của ông chẳng qua chỉ vì người đàn bà tốt bụng - người đàn bà không may lại cùng chung một mẹ với ông. Nhưng đây là lần cuối cùng tôi tha. Nếu như tôi còn nghe nói ông làm hại chồng người đàn bà ấy, làm hại tôi hoặc trở về nước Pháp thì việc đầu tiên tôi làm sẽ là gì? Ông đoán được đấy. Tôi sẽ tóm ông và kết thúc cái việc vừa làm dở đoạn đầu.
Tácdăng quay sang phía chiếc bàn đang có hai tờ giấy. Chàng vừa thò tay lấy, Rôcốp đã tái xám cả mặt mày. Chàng đọc cả hai tài liệu. Tờ giấy thứ hai bao gồm những tin tức quan trọng khiến chàng choáng váng. Chắc Rôcốp đã đọc giấy này. Nhưng chàng tin rằng người ta không đủ khả năng nhớ hết các số liệu và thông báo nhiều như vậy.
"Tài liệu này rất quan trọng đối với Tổng tham mưu trưởng" Tácdăng nghĩ rồi đút cả hai tờ giấy vào túi. Rôcốp lầu bầu điều gì đó. Gã chửi bâng quơ mấy câu nhưng không dám đứng dậy.
Ngày hôm sau Tácdăng lên đường đi về phương bắc, tới Bâura và Angiê. Khi Tácdăng lên xe, đi vòng qua khách sạn, Giơnoa đang đứng ở hiên ngoài. Vừa trông thấy Tácdăng, Giơnoa tái mặt đi. Tácdăng nghĩ rằng tốt nhất là không nên gặp Giơnoa. Nhưng đằng nào thì cả hai đã trông thấy nhau rồi. Vì vậy Tácdăng phải giơ tay vẫy. Giơnoa giơ tay vẫy đáp lại và nhìn Tácdăng bằng cặp mắt hoảng loạn. Giơnoa không tin vào mắt mình. Không biết đó là Tácdăng bằng xương bằng thịt hay chỉ là một bóng ma.
Khi tới Siđi Aisa, Tácdăng gặp viên sĩ quan chàng mới quen biết trong dịp thăm thành phố cách đó không lâu.
- Ngài từ Bu Sađi tới phải không? - Viên sĩ quan hỏi - Có lẽ ngài không biết chuyện trung úy Giơnoa bất hạnh.
- Tôi vừa gặp ông ta trước khi lên đường tới đây - Tácdăng trả lời - Ông ta có chuyện gì vậy?
- Ông ấy chết rồi. Khoảng tám giờ sáng hôm nay, ông ta bắn vào thái dương mình.

*

Hai ngày sau, Tácdăng tới Angiê. Chàng phải chờ ở đó hai ngày nữa mới có tàu đi Capơtun. Chàng bèn dùng thời gian đó để viết báo cáo tổng hợp về những kết quả của chuyến công tác. Những tài liệu lấy được từ Rôcốp, chàng vẫn giữ trong người. Chàng không dám đưa chúng cho một người nào. Chàng định trực tiếp nộp cho cơ quan tham mưu phản gián, khi trở về Pari.
Hai ngày sau, Tácdăng lên tàu. Từ cabin ở tầng cao, chàng trông thấy hai người đàn ông ăn mặc khá lịch sự. Người cao hơn có mái tóc vàng nhưng đôi mắt thì lấc láo dưới cặp lông mày đen rậm. Sau đó, Tácdăng lại gặp họ trên boong tàu. Cả hai đều quay lưng về phía Tácdăng. Vì vậy chàng không nhìn thấy mặt hai người và đi ngang qua sau lưng họ một cách vô tư.
Theo lệnh cấp trên, Tácdăng lên tàu với cái tên giả là Giôn Canđuen - người Luân Đôn. Không hiểu sao phải làm như vậy, nhưng chàng cũng chỉ băn khoăn tí chút. Chàng chỉ muốn biết phải làm gì ở thành phố Capơtun.
"Thế cũng tốt! - Tácdăng thầm nghĩ - Lạy Chúa! Mình đã thoát khỏi Rôcốp. Nó quấy rầy mình quá nhiều rồi. Mình chưa đủ văn minh, lịch duyệt để làm chủ bản thân mình. Nó đã chọc tức mình. Chưa lần nào nó tấn công mình công khai, đàng hoàng. Không bao giờ biết hắn xồ ra cắn trộm mình từ góc nào, vào lúc nào. Ở hắn có cả dòng máu của sư tử Numa lẫn rắn độc Hisơta. Nhưng ngay cả những con thú độc này vẫn còn tử tế hơn Rôcốp. Không bao giờ chúng toan tính những thủ đoạn hèn mạt.
Trong bữa ăn tối, Tácdăng ngồi cạnh một phụ nữ trẻ. Ghế của cô kề bên ghế một đại úy. Viên sĩ quan đứng ra giới thiệu để hai người làm quen với nhau. Cô ta tên là Stroong. Stroong? Hình như Tácdăng đã nghe thấy cái tên này một lần nào rồi? Một cái tên có vẻ rất thân thuộc với chàng. Lúc này mẹ cô gái đã vô tình giúp chàng lục lại trí nhớ. Bà gọi cô là Hadel. Hadel Stroong! Chàng nhớ ngay tới lá thư của Gian Potơrôva - cô gái mà chàng khao khát được gặp đến cháy lòng. Gian đã viết thư cho Hadel giữa rừng đêm, trong ngôi nhà của cha chàng. Chàng đã đứng bên cửa sổ ngắm cô mà thở dài. Bởi vì cô sẽ sợ hãi biết chừng nào khi biết con vượn không lông của rừng già theo dõi cô từng bước.
Đây là Hadel Stroong - người bạn gái thân thiết nhất của Gian!

Những con tàu lạc hướng
Bây giờ chúng ta hãy lùi lại một khoảng thời gian để chứng kiến câu chuyện tại một ga xép ở vùng bắc Uýtcơnxin!
Những đám khói của vụ cháy rừng tỏa khắp một vùng. Khói làm chảy nước mắt đám hành khách đang chờ tàu đi về phương nam. Giáo sư Potơ với hai bàn tay nắm chặt dấu dưới tà áo khoác cứ đi đi lại lại trong phòng chờ. Mọi cử chỉ của giáo sư không lọt qua đôi măt canh chừng của viên trợ lý - người bạn trung thành Philanđơ. Mới có vài phút mà giáo sư Potơ đã hai lần vượt qua đường ray tiến về khoảng đất ẩm ướt gần đó. Cả hai lần viên ký ga đều phải chạy đến lôi giáo sư ra khỏi vùng bùn.
Gian Potơrôva nói chuyện huyên thuyên. Cô tỏ ra không quan tâm gì tới Clâytơn. Sau lưng Gian vẫn là cô gái lỡ thì Exmêranda. Cô gái da đen cảm thấy hạnh phúc vì đang được trở về Marilân yêu dấu của mình.
Cuối cùng thì mọi sự chờ đợi đều phải kết thúc. Từ trong làn khói đã lóe lên chút ánh sáng nhàn nhạt phát ra từ đầu xe lửa. Cánh đàn ông vội vàng xông vào đống hành lý. Mọi người lục tục lên toa. Bỗng Cl ây tơn kêu lên:
- Lạy Chúa! Tôi quên mất cái áo khoác trong phòng chờ rồi - Clâytơn chạy dọc đường tàu, quay lại.
- Vĩnh biệt Gian! - Tácdăng nói trong khi vẫn đứng gần cô gái - Cầu Chúa phù hộ cho em!
- Vĩnh biệt! - Cô gái đáp nho nhỏ - Hãy quên em đi... Nhưng mà không, không được! Tốt nhất là đừng quên! Em không thể nào chịu đựng nổi cái ý nghĩ rằng em hoàn toàn biến mất khỏi trí nhớ của anh.
- Điều đó chẳng có gì nguy hiểm - Tácdăng nói - Ước gì tôi quên được em. Quên em thì khó hơn là suốt đời nhớ em. Nhưng em sẽ là người hạnh phúc! Hãy nói lại với mọi người rằng tôi quyết định đi New York. Tôi không đủ sức tạm biệt ngài Clâytơn. Tôi sợ rằng tôi vẫn là một con thú dữ khi phải đứng với người đàn ông đã đứng chắn mặt người mà tôi yêu mến.
Lúc này, trong phòng đợi tàu, Clâytơn đã tìm thấy áo khoác. Chợt anh nhìn thấy bức điện nằm trên sàn nhà. Anh cầm lên vì nghĩ rằng có thể một người nào đó đã đánh mất một bức điện quan trọng. Anh đọc lướt qua bức điện. Trong phút chốc anh quên tất cả: quên áo khoác vừa tìm thấy, quên tiếng còi tàu giục giã và quên những gì đang diễn ra xung quanh. Mẩu giấy màu vàng như nóng lên trong tay anh. Anh đọc lại một lần nữa, thật nhẩn nha để ý thức đầy đủ hơn tầm quan trọng của nó. Còn gì khác nữa đâu! Thế là trong giây lát, một quý tộc Anh, một người thừa kế giàu có và đáng kính biến thành một người thường dân không tước hiệu, không tài sản. Bức điện của Ácnốt gửi cho Tácdăng vẫn đập vào mắt Clâytơn từng chữ:
"Những vết vân tay chứng tỏ rằng bạn là huân tước Grâyxtâu.
Xin chúc mừng
Ácnốt"
Clâytơn đứng sững người như vừa bị một vết thương quá nặng. Vừa lúc đó anh nghe thấy tiếng mấy người gọi anh. Như vừa tỉnh sau một cơn ác mộng, anh vội vàng chộp lấy chiếc áo khoác màu xanh của mình. Tất cả mọi người đã lên tàu và giục anh nhanh chân.
Một lát sau, tất cả đã ngồi vào ghế của mình. Chỉ riêng Tácdăng là không có mặt.
- Tácdăng của chúng ta đâu? - Clâytơn hỏi Potơrôva - Bạn ấy ngồi trong toa khác à?
- Anh ấy đã quyết định đi ô tô riêng trở về New York. Anh ấy muốn nhìn nước Mỹ qua cửa ôtô hơn là qua cửa tàu hỏa. Sau đó anh ấy sẽ quay lại Pháp như anh đã biết đấy.
Clâytơn không đáp. Anh đang cố tìm một cách nói thích hợp để thông báo cho Potơrôva biết nỗi bất hạnh đã đổ xuống đầu anh. Và đó cũng là nỗi bất hạnh của chính cô. Anh cố phán đoán xem cái tin quan trọng từ bức điện sẽ tác động tới cô thế nào. Liệu rồi cô có còn muốn lấy anh nữa hay không? Cô sẽ trở thành một bà Clâytơn bình thường ư? Bỗng chốc cô trở thành nạn nhân... Clâytơn tự đặt ra hàng loạt câu hỏi. Liệu Tácdăng có đòi quyền lợi chính đáng của mình hay không? Phải chăng Tácdăng đã đọc bức điện trước khi phủ nhận cha mẹ của mình? Anh ta đã thừa nhận trước mặt mọi người rằng mẹ mình là con vượn cái Kala. Phải chăng điều đó xuất phát từ tình yêu của Tácdăng đối với Potơrôva? Nếu như có chuyện Tácdăng là con của vượn, Clâytơn có quyền hành động để chống lại mọi ý muốn của Tácdăng. Anh không chịu trở thành nạn nhân của người đàn ông kỳ quặc từ rừng già chui ra đây. Còn nếu như Tácdăng thực sự mang giòng máu của ông bác mình và là người toàn quyền kế thừa tước hiệu lẫn tài sản của người cha thì việc Tácdăng từ chối chỉ có nghĩa là Tácdăng muốn Gian Potơrôva không bị thiếu thốn. Nếu trường hợp thứ hai là đúng, lẽ nào anh lại làm ngược lại lợi ích của Gian? Clâytơn suy nghĩ rất lung. Anh nghi ngờ rồi lại hoang mang không biết lựa lời thế nào để công bố sự thật. Anh nghĩ tới số phận của Tácdăng, nghĩ tới hạnh phúc của Gian rồi lại lo cho tương lai của chính mình.
Trên suốt chặng hành trình, anh bối rối nên không hé răng nói một lời. Anh bị dày vò bởi ý nghĩ: Có thể Tácdăng chỉ tạm thời nhượng bộ vì lòng cao thượng và tính độ lượng, sau đó chàng ta mới bắt đầu tiến hành những thủ tục pháp luật để giành lại địa vị của mình.
Vài ngày sau, mọi người đã tới Bantimo, Clâytơn bàn với Gian Potơrôva chuyện hôn lễ.
- Anh nghĩ gì mà sớm thế? - Potơrôva ngạc nhiên hỏi.
- Tôi định tổ chức lễ cưới trong vài ngày tới. Đằng nào thì tôi cũng phải quay về nước Anh. Tôi muốn em cùng trở về.
- Em không thể chuẩn bị kịp - Gian trả lời - Em cần ít nhất là một tháng.
Gian Potơrôva nói và mừng thầm. Cô tin rằng nếu cô đòi một tháng chuẩn bị, Clâytơn không chờ được, sẽ phải về Anh trước. Nhưng câu trả lời của Clâytơn làm cô cụt hứng:
- Thế thì cũng tốt thôi, Gian ạ! - Clâytơn khẽ thở dài - Tôi không vội lắm. Ít nhất tôi cũng hoãn chuyến trở về được một tháng. Xong xuôi mọi việc, tôi sẽ cùng em về.
Một tháng trôi qua, Gian Potơrôva lại tìm ra những lý do khác. Clâytơn đã mất hết kiên nhẫn. Anh buộc phải trở về nước Anh một mình. Về nhà, anh có nhận được vài lá thư của Potơrôva. Nhưng những lá thư không nuôi dưỡng được hy vọng trong anh. Anh buộc phải tìm tới sự giúp đỡ của giáo sư Potơ. Tất nhiên ông già này rất mong con gái lấy chồng. Ông rất mến Clâytơn. Hơn nữa, vì xuất thân từ một gia đình Igiăng giòng dõi, ông đánh giá rất cao tước hiệu quý tộc thượng lưu của Clâytơn. Nhưng ông cũng biết rằng đối với con gái mình, tước hiệu và tài sản không có ý nghĩa nhiều lắm.
Clâytơn viết thư mời giáo sư Potơ sang Anh và tin ông nhận lời mời. Tất nhiên Clâytơn mời cả gia đình, trong đó có cả Philanđơ và cô hầu Exmeranda. Clâytơn tin rằng khi Potơrôva tới nước Anh, mối dây ràng buộc cô với quê hương sẽ bị dứt đứt. Cô sẽ phải chọn quê hương mới - quê chồng.
Nhưng thật buồn cho Clâytơn. Ngay cả khi sang Anh, sống trong lâu đài của Clâytơn, Gian Potơrôva vẫn không mềm lòng đi chút nào. Cô bày ra hết lý do nọ tới lý do kia để hoãn ngày cưới. Cuối cùng, bạn của Clâytơn là huân tước Teningtơn đến mời tất cả mọi người đi du lịch bằng thuyền buồm vòng quanh châu Phi, Potơrôva nhận lời ngay. Cô thở phào nhẹ nhõm và tuyên bố chỉ lấy chồng khi nào quay lại châu Âu.
Chuyến du lịch kéo dài ít nhất là một năm. Clâytơn cứ chửi thầm ông bạn vô tâm của mình. Huân tước Teningtơn dự định bơi thuyền xuyên qua Địa Trung Hải và Hồng Hải để tới Ấn Độ Dương. Từ đó thuyền sẽ bơi dọc bờ biển vùng đông châu Phi. Khi gặp các bến cảng, thuyền sẽ dừng lại nghỉ để mọi người tham quan các xứ sở Phi châu.

*

Từ hải cảng nhỏ, vào một ngày nọ, có hai con tàu nhổ neo đi eo biển Gi bơranta. Con tàu thứ nhất chỉ là một chiếc thuyền buồm gắn máy, sơn màu trắng, trông rất thanh lịch, hướng mũi về phía đông. Trên khoang thuyền có một cô gái ngồi một mình buồn bã. Tay cô mân mê sợi dây chuyền có tấm gia huy nạm kim cương. Đôi mắt cô thẫn thờ dường như không nhìn thấy gì cả. Cô ngồi trên thuyền nhưng trái tim cô đang hướng về một nơi nào đó giữa rừng nhiệt đới châu Phi. Cô bâng khuâng nhớ tới người con trai can đảm ngày nào đã tặng cô sợi dây chuyền có gắn chiếc gia huy này. Không biết chàng đã trở về đến rừng xanh hay vẫn còn lang thang, vất vưởng nơi nào?
Con tàu thứ hai là tàu chở khách, hướng mũi về phương tây. Trên boong tàu có một thanh niên đang ngồi trò chuyện với một cô gái. Hai người ngắm nhìn con tàu trắng duyên dáng lướt nhẹ nhàng trên những làn sóng căng phồng. Con tàu bơi ngang qua mặt họ, nhưng họ vẫn không biết tàu đó là của ai. Khi con tàu đi qua, hai người lại tiếp tục câu chuyện.
- Đúng thế, - chàng trai cao lớn đáp - Tôi yêu châu Mỹ và tất nhiên, yêu người châu Mỹ. Bởi vì mỗi vùng đất đều do bàn tay con người ở đó khai khẩn, điểm trang. Ở Mỹ tôi đã gặp nhiều người rất dễ mến. Tôi nhớ mãi một gia đình ở vùng quê cô. Đó là gia đình giáo sư Potơ.
- Gian Potơrôva? - Cô gái kêu lên, hồi hộp - Anh muốn nói rằng anh biết Gian Potơrôva? Đó là người bạn gái thân thiết nhất của tôi, bạn với nhau đã bao nhiêu năm rồi!
- Thật thế sao? - Tácdăng hỏi lại và mỉm cười - Cô khó thuyết phục được tôi đấy.
- Ồ! Tôi phải cải chính lại chút ít - Cô gái trả lời - Đúng ra là chúng tôi quen nhau được hai năm rồi. Nhưng quả thực, chúng tôi như hai chị em gái. Tôi đã mất cô ấy và tôi rất buồn khi nghĩ tới điều đó.
- Cô đánh mất Gian? - Tácdăng kêu lên - Thế là thế nào? À, tôi hiểu rồi, cô muốn nói rằng Gian lấy chồng và sẽ sống ở Anh. Vì vậy hai cô ít khi có dịp gặp nhau?
- Vâng, đúng thế - Cô gái trả lời - Nhưng còn một điều đáng buồn hơn cả là Gian lấy một người mà thực lòng cô ấy không yêu. Thật là kinh khủng! Lấy chồng mà chỉ lấy vì ân nghĩa và bổn phận. Tôi nghĩ, đó là một tội lỗi. Chính tôi đã nói thẳng điều đó với Gian. Trong chuyện hôn nhân của mình, Gian đã thổ lộ hết nỗi niềm với tôi. Mặc dù tôi là người duy nhất trong số bạn bè sẽ được mời đi dự cưới, nhưng tôi đã không nhận lời. Tôi không muốn làm người chứng kiến nỗi bất hạnh của Gian. Cô ấy tin rằng mình đang hành động một cách danh dự. Cô ấy nói rằng hoặc là lấy huân tước Grâyxtâu hoặc là chết.
- Cô ấy thật đáng thương! - Tácdăng nói.
- Còn tôi thì rất thương cái người đàn ông mà Gian yêu - Cô gái trả lời rất tự nhiên - Bởi vì người ấy cũng yêu Gian. Tôi chưa bao giờ gặp, nhưng theo lời Gian kể thì đó phải là một chàng trai kỳ diệu. Anh cứ tưởng tượng mà xem! Anh ta được sinh ra trong một vùng rừng già Châu Phi, rồi được vượn nuôi dưỡng. Anh ta chưa bao giờ trông thấy một người da trắng, cho tới tận ngày giáo sư Potơ và nhóm người của ông bị xua đuổi từ con thuyền của mình xuống một ngôi nhà gỗ trong rừng già hoang vắng. Anh ta đã bảo vệ nhóm người của giáo sư Potơ thoát khỏi nang vuốt ác thú và làm những việc khó lòng tin nổi. Sau đó anh ta yêu Gian. Một mối tình câm lặng! Khi anh ta ngỏ lời thì Gian vô cùng bối rối vì đã nhận lời lấy huân tước Grâyxtâu mất rồi.
- Câu chuyện thật rắc rối! - Tácdăng lắp bắp. Chàng muốn nói sang chuyện khác. Chàng đã khơi chuyện để được nghe về Gian, không ngờ chính chàng lại trở thành nhân vật chính của câu chuyện. Rất may là chàng đã thoát khỏi tâm trạng bối rối khi mẹ của Hadel đi tới. Câu chuyện tiếp theo giữa ba người lập tức bắt sang đề tài khác.

*

Mấy ngày sau đó không có chuyện gì đặc biệt. Trời sáng sủa, biển bình yên. Không gặp cản trở gì, con tàu tiến thẳng về nam. Thỉnh thoảng Tácdăng mới ngồi với hai mẹ con Hadel Stroong. Hai người đàn bà này thường dành phần lớn thời gian để đọc sách, tỉ tê tâm sự hoặc mang máy ảnh đi chụp tứ phía.
Một hôm Stroong kêu lên rối rít:
- Nhanh lên! Ngài Tơran! Ông phải làm quen với anh Canđuen. Chúng ta là những người đồng hành. Chúng ta phải kết bạn với nhau.
Cả hai người đàn ông trẻ tuổi không thể trái lệnh người đẹp. Nhưng khi Tácdăng bắt tay và nhìn vào mắt Tơran, chàng có cảm giác đã gặp đôi mắt này ở một nơi nào đó rồi.
- Tôi tin rằng đã có hân hạnh gặp ngài một lần rồi - Tácdăng nói - Có điều là tôi không nhớ ra trong hoàn cảnh nào thôi.
Tơran có vẻ bối rối.
- Tôi thì tôi không có cảm giác ấy, thưa ngài! - Tơran đáp lời - Bởi vì cứ gặp một người nước ngoài bình thường nào thì người ta vẫn hay có cảm tưởng là đã gặp rồi.
- Ngài Tơran còn thổ lộ cho tôi biết cả những điều bí mật của chuyên vượt biển này - Stroong giải thích.
Trong câu chuyện, Tácdăng không tỏ ra mặn mà. Chàng cố lục lọi trí nhớ để xem đã gặp anh ta ở đâu. Chàng chỉ biết rằng mình đã thấy Tơran trong một hoàn cảnh nào đó khá đặc biệt. Cuối cùng thì mọi điều đã sáng tỏ: Khi cô gái yêu cầu chuyển cho cô chiếc ghế vào bóng mát, Tơran để lộ ra cổ tay trái của gã gần như không cử động được. Điều đó đã quá đủ đối với Tácdăng.
Tơran lịch sự từ biệt Stroong và Tácdăng, chuẩn bị bước đi.
- Hãy chờ tôi một chút! - Tácdăng nói - Nếu như bà và cô cho phép, tôi sẽ tiễn ngài đây một đoạn. Tôi sẽ trở lại ngay thôi, Stroong ạ!
Tơran giật mình, nhưng không thể nghĩ ngay ra cách từ chối. Khi hai người bước khuất khỏi tầm mắt cô gái, Tácdăng dừng lại, gõ gõ ngón tay vào vai Tơran.
- Ông chơi trò gì ở đây thế, Rôcốp? - Tácdăng hỏi.
- Tôi đã rời khỏi nước Pháp như đã hứa với ngài - Rôcốp trả lời buồn bã.
- Điều đó tôi rất biết - Tácdăng tiếp tục - Nhưng tôi hiểu ông quá rõ, nên không thể tin rằng ông xuất hiện trên con tàu này cùng tôi chỉ là một sự ngẫu nhiên. Mà nếu như chỉ là sự ngẫu nhiên thì tôi vẫn nghi ngờ: Vì sao ông lại phải thay hình đổi dạng?
- Thôi, được rồi - Rôcốp lắc đầu và khẽ nhún vai - Ông muốn nghĩ thế nào, tùy ông. Con tàu thủy mà ông và tôi đang đi đây mang cờ nước Anh nên ông và tôi đều bình đẳng về mặt pháp luật. Còn như ông lại bước lên con tàu này dưới một cái tên giả thì tôi thâm chí lại có quyền hơn ông.
- Chúng ta sẽ không cãi nhau về chuyện đó, Rôcốp! Tôi chỉ muốn lưu ý là hãy tránh xa cô Stroong, đừng làm phiền cô ấy. Đấy là một người đàn bà tử tế và đáng trọng.
Rôcốp tức tối chửi đổng.
- Nếu ông không nghe lời tôi. Tôi sẽ vứt ông khỏi boong tàu đấy - Tácdăng nói thêm rồi quay gót bước đi, để lại sau lưng tên tội phạm đang run lên vì tức tối.
Mấy ngày sau Tácdăng và Rôcốp không chạm mặt nhau. Nhưng Rôcốp không chịu bó tay. Trong buồng ngủ, Rôcốp bàn bạc kế hoạch trả thù Tácdăng.
- Tao muốn quẳng nó xuống biển ngay trong đêm nay, nếu như trong người nó không còn hai tờ tài liệu. Không thể vứt hai tờ giấy ấy xuống biển cùng với hắn được. Nếu như mày không phải là một thằng ngốc, Alécxây, mày hãy đột nhập vào buồng hắn mà lấy lại.
- Ông phải làm việc đó chứ, Nicôlai thân mến! - Páplôvích trả lời với nụ cười tủm tỉm - Tại sao ông không tự nghĩ ra cách đột nhập vào buồng ngủ của ngài Canđuen?
Hai kẻ tội phạm đã gặp may. Sau khi theo dõi Tácdăng được một lúc, Páplôvích biết rằng Tácdăng ra khỏi phòng nhưng không khóa cửa. Rôcốp đứng canh chừng Tácdăng trở lại. Còn Páplôvích lẻn vào phòng lục lọi hành lý của chàng trai. Tìm kiếm một lúc không thấy, Páplôvích đã nản lòng, định bỏ ra thì trông thấy chiếc áo khoác của chủ nhân treo ngay góc cửa ra vào. Hắn thò tay vào túi moi ra được một chiếc phong bì. Hắn nhìn thoáng qua rồi nở nụ cười hài lòng. Trước khi rời khỏi phòng, hắn sắp xếp đồ đạc hành lý để không lộ dấu vết lục lọi. Gã đầy tớ chuyên ngạch trộm cướp này quả thực là một thợ cả khéo tay và có trí nhớ tốt. Tácdăng có về buồng cũng không thể nghi ngờ có bàn tay lạ lục lọi đồ đạc ở đây.
Vừa nhận từ tay Páplôvích hai tờ tài liệu, Rôcốp đã gọi người bồi bàn lấy cho một chai sâm banh.
- Chúng ta phải ăn mừng, Alécxây ạ! - Rôcốp nói.
- Chúng ta gặp may - Páplôvích nói - Chắc chắn rằng nó luôn mang tài liệu trong người chứ không bỏ trong vali. Chỉ vì vô tình thôi, nó thay áo khoác nên mới sao nhãng đó thôi. Nếu nó biết bị mất thì sao nhỉ? Tôi sợ rằng nó sẽ nghi ngay là ông. Nó biết ông có mặt trên tàu này.
- Chẳng sao cả. Qua đêm nay thì nó còn biết nghi ngờ ai nữa? - Rôcốp trả lời với nụ cười bí hiểm.
Buổi tối hôm ấy, sau khi Stroong trở vào buồng ngủ của mình, Tácdăng vẫn ở trên boong, dựa lưng vào lan can, ngắm biển. Trong chuyến đi này, hầu như đêm nào Tácdăng cũng thích ngắm biển ban đêm. Nhưng hôm ấy, Tácdăng đứng lâu hơn mọi lần tới một tiếng đồng hồ. Chàng không biết rằng có hai cặp mắt đang theo dõi chàng từng bước. Và thật ra chàng đã bị theo dõi từ ngày chàng tới Angiêri.
Hành khách cuối cùng đã rời khỏi boong tàu về ngủ. Đêm đã khuya. Trời không tối, nhưng mảnh trăng nhạt nhòa khiến cho mọi vật trên tàu hiện ra lờ mờ. Từ bóng tối của cabin có hai bóng người lặng lẽ nhô ra. Cả hai đều bò nhích lên phía lan can. Tiếng sóng vỗ mạn tàu, tiếng gầm của động cơ, tiếng xích sắt va đập trên tàu - tất cả những âm thanh đó làm át hết mọi tiếng động nhỏ xung quanh.
Hai bóng đen đã tiến lại gẫn chỗ Tácdăng đang đứng. Một tên vung tay lên rồi lại thả tay xuống, có vẻ như một hiệu lệnh đếm "một hai... ba". Sau đó cả hai tên nhảy xổ vào chân người ngắm biển. Mỗi đứa túm lấy một chân Tácdăng. Chàng trai chưa kịp quay lại đã bị hất qua thanh sắt ngang của đoạn lan can thấp nhất. Trong phút chốc chàng bị rơi thẳng xuống những con sóng trập trùng của Đại Tây Dương.
Hadel Stroong lúc đó đang ngồi bên cửa sổ buồng mình. Chợt cô trông thấy phía xa có cái gì đen đen rơi khỏi boong tàu. Điều đó diễn ra quá nhanh, tới mức cô cũng không dám chắc có thật mình nhìn thấy hay không. Cô cảm thấy vật rơi giống một thân người, nhưng cũng giống như một chiếc áo khoác cũ hoặc một vật gì đó. Cô nín thở lắng nghe xem có tiếng kêu cứu hay không. Nhưng trên khoang tàu cũng như trên mặt biển vẫn yên ắng, không có một âm thanh nào khác lạ. Cuối cùng cô cho rằng đó chỉ là một thứ đồ cũ mà người ta không muốn dùng nên vứt xuống biển. Nghĩ thế rồi, cô yên tâm ngả mình vào đệm ấm.
Dưới mạn con tàu, biển Đại Tây Dương vẫn ì ầm bài ca muôn thuở.