ột tổ chức quân sự căn cứ trên những hiệu lệnh quyết liệt như thế, bắt buộc phải có tính cách cứng rắn. Quân đội Nhật được tổ chức thuần nhất. Trong đó sáng kiến gần như không được biết tới ngoại trừ ở cấp bậc tối cao. Các mệnh lệnh ban đầu luôn luôn được thiết lập trước từ lâu và ấn định các sứ mạng trong từng chi tiết nhỏ. Vả lại ngôn ngữ phức tạp và không chính xác của Nhật không sẵn sàng để giúp thay đổi mệnh lệnh lúc chúng đang được thi hành. Trong các câu chuyện sắp được thuật lại sau đây, ta sẽ thấy Bộ Tư lệnh Nhật vẫn khăng khăng cứng đầu trong những cuộc hành quân vô vọng, lý do là vì họ không thể nào hướng thuộc viên các cấp theo một đường lối khác. Một vài sự thất bại mà chúng ta hay có khuynh hướng quy trách nhiệm cho những lầm lỗi chiến thuật, thật ra là hậu quả của sự bất lực căn bản này. Một Tư lệnh Hạm đội hay Tư lệnh Không đoàn chỉ thấy mình ở trong vị thế của một tài công đầu máy xe lửa trông thấy dấu hiệu và nghe tiếng pháo báo động nhưng không còn có phương tiện nào nữa để đảo ngược hơi nước được nữa. Đổi lại, so với tất thảy mọi quân đội khác trên thế giới, quân đội Nhật Bản có một ưu thế không thể chối cãi được: giá trị tinh thần của người chiến binh. Thái độ tàn khốc của người binh sĩ Nhật trên chiến trường thật khác xa với thái độ của binh sĩ thuộc các dân tộc khác. Sự tận tuỵ, tinh thần tôn trọng kỷ luật, sự bình dị, sự chấp nhận vô điều kiện mọi thử thách khổ nhọc nhất về phương diện thể chất của anh ta, cũng khác biệt như vậy. Với một chén cơm, một ít rượu Sake và một phần nước uống không đáng kể, anh ta có thể sống và chiến đấu trong nhiều tháng không nghỉ ngơi và gần như không ngủ. Anh ta đề kháng một cách đáng ngưỡng mộ với thời tiết khắt khe dù cho đó là cái lạnh hay sức nóng kinh hồn. Anh ta chiến đấu xuất chúng trong rừng rậm, di chuyển như con mèo trong rừng cây dày đặc nhất mà không gây một tiếng động nhỏ và có khả năng ngồi chồm hổm trong thế bất động tuyệt đối hàng giờ để rồi đột ngột xuất hiện như ma quỷ khi thời cơ thuận lợi. Tính lãnh đạm di truyền được triển khai rất mạnh mẽ do một công cuộc huấn luyện liên tục giúp anh ta không bao giờ chùn tay phạm vào điều mà ta gọi là sự tàn ác. Có lẽ đấy là một trong những khía cạnh đặc thù nhất của công cuộc đào tạo về mặt quân sự của Nhật. Trong tất cả các quân đội trên thế giới, những người chuyên đi đổ thùng, quét dọn chiến hào, cảm tử đặc biệt, đều được lựa chọn cẩn thận và chịu một công cuộc huấn luyện hà khắc. Hiếm khi họ được sử dụng vào các nhiệm vụ khác. Tại Nhật Bản, bất cứ viên Thiếu úy nào cũng có thể buộc phải chỉ huy một nhóm hạ sĩ quan để thi hành một công việc tàn sát, tận diệt. Mới đây tôi có cơ hội rất đặc biệt được gặp một ông Trung tá tùy viên quân sự tại một tòa Đại sứ Nhật ở ngoại quốc mà ngày xưa đã từng tham dự các cuộc hành quân loại này trong vùng rừng rậm tại Bornéo. Đó là một chàng trai cao nhã, dễ thương một người mà khi mặc quân phục vào, trông giống như một kẻ đầu tiên nhận thánh thể. Ông nói tiếng Pháp rất giỏi khiến cho sự trao đổi kỷ niệm giữa chúng tôi dễ dàng hơn nhiều. Chắc chắn tôi đã gây được niềm tin nơi ông nhờ các cố gắng tìm hiểu thành thật của tôi. Vì rất băn khoăn khi được nghe nói nhiều lần đến công cuộc huấn luyện sử dụng kiếm mà các cấp chỉ huy Nhật quan niệm là hết sức quan trọng, tôi hỏi ông về điểm này. Lúc đó còn lâu tôi mới nghĩ rằng chính ông ta cũng đã sử dụng kiểu chiến đấu xưa cũ ấy trong thời kỳ chiến tranh. Tôi hy vọng ông sẽ tha thứ cho tôi nếu một ngày nào đó những dòng này xuất hiện dưới mắt ông vì đã viết lại câu chuyện của ông gần như nguyên văn. “Mùa Xuân năm 1944 tại Bornéo, ông nói, tôi là một thiếu úy thuộc một Sư đoàn vừa nhận được lệnh rút về các cơ sở lọc dầu ở Balikpapan và chống giữ đến cùng, vì đã không thể nào một mình đẩy lui một quân đoàn có xe lội nước của Úc đông đến 30.000 người. Đạo quân đóng tại Balikpapan chỉ gồm có ba hay bốn ngàn người, tất cả gần như là chuyên viên kỹ thuật trù bị, không hề được huấn luyện như bộ binh. Bộ chỉ huy quyết định thành lập, với phần còn lại của Sư đoàn của tôi, một số cảm tử quân và các toán phá hoại có nhiệm vụ vượt qua phòng tuyến địch để thực hiện các cuộc đột kích quấy rối hậu tuyến địch. Mục đích là làm giảm tinh thần chiến đấu của quân Úc, vốn đã bị đập mạnh khi thiết lập đầu cầu và bị thử thách tàn bạo vì khí hậu ác nghiệt đang ngự trị trên đảo Bornéo vào đầu mùa mưa lũ. Vì lực lượng của chúng tôi quá chênh lệch, các cuộc đột kích này là phương cách độc nhất của chúng tôi nhằm trì hoãn cuộc tấn công cho đến khi đoàn quân tăng viện giả định của chúng tôi đến tăng cường”. Vì không thấy mối tương quan giữa lời giáo đầu này và vụ đánh gươm, tôi nhìn ông với vẻ dò hỏi. “Công cuộc huấn luyện đánh gươm, ông nói tiếp, trong quân đội chúng tôi là một truyền thống xưa cũ. Các thanh gươm đều thuộc sở hữu của Trung đoàn, ngoại trừ gươm của sĩ quan. Chúng chỉ được cấp phát cho hạ sĩ quan trong các cuộc hành quân nhất định, và phải được thu hồi lại bằng mọi giá, bất chấp mọi hiểm nguy. Chúng không dài lắm, hơi cong và được chế bằng thứ thép tốt nhất thế giới. Chúng là vật được dành cho một sự săn sóc đến phát ghen lên được - ta có thể nói đó là một sự thờ phụng thật sự. Vinh dự cao quí nhất của một hạ sĩ quan có nhiều chiến công nhiều sứ mạng là được chấp nhận cho suốt đời làm chủ một trong các thanh gươm ấy”. “Tại Balikpapan, các nhóm của tôi gồm có chừng mười hạ sĩ quan, mỗi nhóm do một sĩ quan chỉ huy. Việc mang súng bị cấm đoán nghiêm ngặt mặc dầu rất hữu ích trong một trận đánh rút lui. Khẩu súng cá nhân hay tiểu liên bị cấm bởi vì chúng cồng kềnh và ồn ào trong khi tiến quân, còn khẩu súng lục thì vì mối đe dọa bị một người rối trí sử dụng không đúng lúc”. - Vậy ra các ông chỉ vũ trang bằng gươm thôi sao? - Đúng thế. Sự im lặng tuyệt đối là đảm bảo duy nhất cho sự thành công của chúng tôi. Gươm là thứ vũ khí duy nhất có thể giúp tạo ra cái chết tức thời mà không gây ra một tiếng động nhỏ nào. Tất nhiên là còn phải biết vận dụng đúng cách. “Các toán phá hoại theo nhau cách một quãng ngắn để lơi dụng lỗ hổng do các toán xung kích đi đầu thực hiện. Chúng tôi tiến gần lại phòng tuyến địch lúc chập tối và tiến lên với sự thận trọng tuyệt đối cho đến tiền đồn địch trong một thứ tự được nghiên cứu kỹ lưỡng. Mỗi lính canh của địch trong khu vực chọn lựa bị một toán ba hay bốn người chúng tôi bao vây. Thời điểm tấn công phải càng đồng loạt càng tốt để giúp cho các toán phá hoại một khoảng trống đầy đủ, tạm thời tránh khỏi bị kiểm soát. Chiến thuật quen thuộc là rình cơ hội thuận tiện hay là tạo ra cơ hội bằng cách lôi kéo sự chú ý của tên lính canh qua hướng khác nhờ một tiếng động trên cành lá. Đúng lúc chính xác, người nào trong chúng tôi ở vào vị trí thuận lợi nhất liền nhảy vào đối thủ với thanh gươm”. Sau một lúc im lặng, ông Trung tá dễ thương của tôi nói thêm vừa lấy bàn tay phác hoại một cử chỉ dưới cổ áo chỗ tiếp nối của xương vai. “Chúng tôi chém ở đây...”. Tôi định thần. Tôi thấy quang cảnh đó. Tôi thấy không cần phải nài nỉ thêm và cuộc đàm thoại chuyển qua một đề tài tổng quát. Tiếp theo sau câu chuyện này tôi đã có thể sử dụng nó một cách hữu ích rộng rãi. Sự trái ngược giữa cung cách như phụ nữ của người đối thoại với tôi và sự gợi lại các hành động oai hùng trong quá khứ của ông gây ngạc nhiên đến nỗi tôi đã tìm cách tập trung các kỷ niệm, và các điều tôi có thể quan sát được trong những ngày thăm viếng Nhật Bản để cố tìm ra lời giải thích. Dầu thuộc bất cứ giai tầng xã hội nào, dầu là một trong những kẻ được cưng chiều nhất thế giới, trẻ con tại Nhật cũng cho việc bắt chước các bậc cha anh chống đối lại niềm đau đớn với nụ cười là một vinh dự. Nhiều cuộc trình diễn trong hội chợ đã duy trì khuynh hướng này nơi đứa bé, đặc biệt các đấu thủ đô vật hay đánh côn vốn đạt đến mức tàn bạo tuyệt đỉnh trước công chúng. Ai cũng nghe nói đến các đô vật Ainos thuộc một chủng tộc khác cực kỳ cao lớn và mạnh hơn chủng tộc Nhật. Nguồn góc xuất phát từ đảo Kouriles, các tay đô vật này ngay từ tuổi ấu thơ, đã bị đặt dưới các sự thử thách thể chất ghê gớm nhất và dưới một chế độ ăn uống có thể gia tăng sức vóc và trọng lượng. Một vài người đã đạt đến những kích thước đồ sộ cao hơn hai thước và nặng gần 200 kí lô! Các tay vô địch đấu với nhau trước sự hiện diện của Thiên Hoàng đã lôi cuốn hàng chục ngàn khán giả và tạo ra các cuộc biểu tình điên cuồng. Người thắng trận được đãi ngộ gần như thần thánh và nhận được các tặng phẩm vô giá và các số tiền khổng lồ, có thể làm cho các minh tinh nổi tiếng nhất của chúng ta phải tái mặt vì ganh tị. Một sắc dân khác ít nổi tiếng hơn, đã tập luyện ngay từ bé cách sử dụng bàn tay như một thứ khí giới không làm chảy máu, cứ mải chặt mép phía ngoài của lòng bàn tay, da dần dần cứng lại như sừng. Các ngón tay teo lại và dính liền vào với nhau, bàn tay nở lớn và biến dạng cho đến khi trở thành một bàn tay hộ pháp quái gở. Những tay cự phách của nhóm này có thể chặt vài cái lá phá vỡ được bức tường gạch hay chẻ một hòn đá đẽo ra làm hai. Ta có thể kể nhiều ví dụ khác về môn phái vô cảm giác thể chất này thật tương phản với dáng điệu dịu dàng và mức sống cao của dân chúng. Phải chăng đây là mặc cảm tự ti của một chủng tộc bề ngoài có vẻ yếu kém? Hay đây là sự xác nhận tập thể về quyết tâm không gì chế ngự nổi của mình? Dầu gì chăng nữa, chính đấy là một trong những nét của cá tính Nhật Bản có thể giải thích - nếu không phải là để tạ lỗi - một vài điều quá lạm. Ta cần nên nhớ điều đó. Dựa trên sức chịu đựng lạ kỳ, của thể xác, tinh thần của chiến binh Nhật thật là sắt đá. Không có một hệ thống tuyên truyền nào, một sự quyến dụ nào có thể tác động lên anh ta được. Trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, quân Mỹ đã cố gắng chấm dứt lò tàn sát bằng các truyền đơn giải thích rằng kháng cự là chuyện không tưởng, nhưng vô ích. Họ còn ra sức đến mức mạo hiểm có thể chết được, để đặt những loa phóng thanh gần các miện hang núi mà dân chúng vào trốn trong đó. Không ăn thua gì. Đàn ông, đàn bà chờ cái chết với sự khắc kỷ hơn là tính chuyện đầu hàng nhục nhã. Sau khi chiếm cứ quần đảo san hô Eniwetok, và khi quân Mỹ đổ bộ lên Bikini, họ tìm thấy dưới một căn lều xác bốn lính Nhật, toán phòng thủ duy nhất trên đảo. Họ tự mổ bụng để khỏi bị quân địch bắt sống. Sự hăng say khó hiểu nhằm chống lại tất cả lý lẽ đã tiếp diễn trong các vùng biển phía Nam, ngay cả sau khi có cuộc đầu hàng chính thức. Dân chúng Nhật đã cam chịu với tinh thần kỷ luật bởi vì họ đã nghe giọng nói của Thiên Hoàng ban các chỉ thị. Nhưng đối với các toán quân đóng cô lập trên các đảo tại Thái Bình Dương thì tình trạng không giống như thế. Bốn năm sau khi chiến tranh chấm dứt, các phi cơ Mỹ tại Saipan đã thấy những làn khói đáng nghi trên hòn đảo nhỏ Anatahan mà ai nấy tin là không có người ở, viên chỉ huy trưởng phái một khinh tốc đỉnh đến xem có chuyện gì. Chiếc tàu được nhiều nhiều tràng tiểu liên tiếp đón và phải chạy tháo lui hết tốc lực. Truyền đơn liền được thả đầy xuống đảo để báo cho các ông Lỗ Bình Sơn rõ rằng xứ sở họ đã ký kết hiệp ước hòa bình từ bốn năm và một chiếc tàu của Mỹ sẽ đến rước họ. Khi chiếc tàu tiến đến, nó cũng bị tưới nhiều loạt đạn và phải từ bỏ nhiệm vụ. Quân Mỹ thấy không nên đưa mạng sống binh sĩ ra mạo hiểm một cách vô ích làm gì, đành đều đặn rải truyền đơn xuống cho những kẻ cứng đầu và chỉ cho họ dấu hiệu phải làm khi họ quyết định đầu hàng. Trong khoảng thời gian này, một thảm kịch đã xảy ra trên đảo. Các tay Lỗ Bình Sơn ấy là những người bị đắm tàu cả dân sự lẫn quân nhân, tàu của họ bị trúng thủy lôi vào cuối cuộc chiến. Tổng số chừng mười người trong đó có một phụ nữ. Một trung sĩ cực kỳ tàn bạo và cuồng tín đã chỉ huy nhóm và cai trị bằng sự khủng bố. Người phụ đã phải tổ chức cả một cuộc âm mưu mới thắng được tên hung hăng này, sau cùng y bị hạ. Rốt cuộc khi dấu hiệu hòa bình xuất hiện trên đảo thì cả một đoàn sinh vật hốc hác thảm thương đã được chiếc khinh tốc đỉnh Hoa Kỳ đưa ra khỏi cơn ác mộng hãi hùng. Chắc ta có thể tưởng rằng vở bi kịch kỳ lạ tại Anatahan đã kết thúc hẳn cuộc kháng cự khăng khăng của những kẻ cuồng tính cuối cùng. Không phải vậy. Một nhóm binh sĩ Nhật đã được tìm thấy cách đây không đầy một năm trong quần đảo Đông Nam Á châu và rất có thể là khi tôi đang viết những dòng này, nhiều kẻ không nao núng khác còn lang thang trong rừng rậm, chờ đợi “ngọn gió thần” mang lại chiến thắng cho xứ sở của họ.