Phần dẫn II

    
àng...” một tiếng sấm rền vang khiến hai cô gái đang ngồi trên ghế trong nhà gần như đứng bật dậy. Họ vừa đọc xong bản thảo về câu chuyện Phượng Trung Long và Văn Oanh, về người khoác áo tơi buông cần câu suông, về xác chết nổi trên mặt nước... cả hai chưa kịp hoàn hồn thì ngoài kia gió mưa dồn dập kéo đến.
Cô gái để tóc dài là Thẩm Dung Dung, vừa tốt nghiệp trung cấp y, khoảng một tháng nữa mới đi làm. Được người quen giới thiệu, cô đến nhà này chăm sóc một bệnh nhân quanh năm nằm liệt giường. Hôm nay nhà chủ đi vắng, Dung Dung thuyết phục cô bạn thân Tiền Tinh đến chơi cho vui. Bệnh nhân đã ngủ, hai cô bạn rỗi quá đâm chán, lại nhìn thấy tập bản thảo này trên bàn sách của chủ nhân.
Tiền Tinh nhìn ra ngoài cửa sổ vừa đúng lúc có tia chớp lóe sáng, cô nói: “Kia là đảo Hồ Tâm phải không?”
Thẩm Dung Dung bước đến bên giường, bệnh nhân đang ngủ say. Cô quay lại nói: “Phải! Có nhìn thấy à? Ban ngày nếu không mưa thì bầu trời xanh lơ, nước hồ xanh lục, cảnh rất đẹp. Tuy đây chỉ là nhà ở thôn quê nhưng mai kia sẽ được mở mang như khu đông của hồ, sẽ xây biệt thự hoặc khu nghỉ dưỡng.”
Tiền Tinh nhìn các bức tường gạch quét xi-măng lở lói dường như có thể bị sập bất cứ lúc nào, rồi ngôi xuống lẩm bẩm: “Nhà quê...” Chợt nảy ra một ý, cô mở trang đầu tập bản thảo, đọc lướt đến câu “thấy mấy gian nhà lá mặt tiền hướng ra phía hồ”, bèn đứng bật dậy nhìn ra ngoài cửa sổ rồi quay lại nói với Thẩm Dung Dung: “Tớ chợt nghĩ... Trời ạ, liệu có phải...”
Thẩm Dung Dung lấy làm lạ, cũng nhìn ra cửa sổ rồi chợt hiểu: “Ý cậu nói là ngôi nhà chúng ta đang ở đây... chính là căn nhà lá mà tiểu thuyết đã viết?”
“Là căn nhà lá mà Phượng Trung Long và Văn Oanh đã ở!”
Thẩm Dung Dung hoảng hồn nhưng rồi trấn tĩnh lại ngay: “Thôi nao, đừng nên tự hù dọa mình. Đó chỉ là tiểu thuyết mà thôi. Khi biết sách, họ miêu tả khung cảnh nơi mình ở đưa vào cho đỡ phải mất công nghĩ ngợi, cứ nhìn ra ngoài mà tả cảnh là xong. Tớ cho rằng tác giả hơi lười. Chả trách đến giờ vẫn chưa thành danh.” Dung Dung hiểu rõ điều kiện kinh tế của nhà chủ.
“Ý cậu là, truyền thuyết về người mặc áo tơi ấy, chỉ là do tác giả này bịa ra?”
“Truyền thuyết đều là bịa đặt cả, nên mới gọi là truyền thuyết. Chứ không bịa thì đã gọi là lịch sử.” Dung Dung đáp. “Tớ quả có nghe bà nội kể về câu chuyện này. Chắc những ai ở gần hồ Chiêu Dương đều nghe nói đến. Nhưng từ bé tớ đã bơi lội, đi thuyền trên hồ Chiêu Dương mà chưa từng nhìn thấy ai mặc áo tơi ngồi câu cá bao giờ.”
Bất giác cả hai đều đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ như muốn khẳng định rằng truyền thuyết về người mặc áo tơi chỉ là chuyện vớ vẩn. Nào ngờ hành động ấy lại trở thành mối ân hận lớn nhất đời họ.
Vì đúng lúc họ nhìn ra thì một ánh chớp lóe sáng mặt hồ, soi rõ một con thuyền nhỏ.
Cùng người mặc áo tơi trên thuyền.
Tim hai cô như bị tử thần bóp chặt, mỗi nhịp đập đều dữ dội kinh khủng làm sao. Một, hai, ba, bốn, năm.
Trên thuyền có cả thảy năm người mặc áo tơi!
Mưa rơi trên mái nhà lợp bằng giấy dầu, kêu rào rào như rắc đá sỏi. Gió rú rít từng hồi qua khe cửa cánh vênh. Nhưng bên trong căn nhà lại im ắng lạ thường.
Lặng đi đến vài phút, Tiền Tinh mới nói: “Cậu cũng nhìn thấy ư?”
Câu nói của cô dường như trùng với khóe miệng của Thẩm Dung Dung bật ra: “Cậu có nhìn thấy gì không?”
Rồi cả hai gần như đồng thành: “Cậu nhìn thấy mấy người?”
Cả hai lại cùng giơ bàn tay đang run rung xòe đủ năm ngón.
“Chẳng lẽ... sẽ có năm người phải chết?”
Trong nhà chỉ có ánh đèn lù mù, không còn chớp lóe nữa, không gian ngoài kia trở về tối đen. Hai cô gái không dám mở cửa sổ, chỉ tiến lại áp sát ô kính nhìn ra. Mặt hồ mịt mù, hệt như thế giới hỗn độn trước thời Bàn Cổ.
Thẩm Dung Dung nói: “Chắc là tại bọn mình vừa đọc câu chuyện kia nên bị ám ảnh, sinh ra ảo giác mà thôi.” Cô tự tin vào chút kiến thức cơ bản về bệnh lý thần kinh mới học được ở trường y tá nên tìm ra cách giải thích này.
“Nhưng cả hai ta đồng thời có ảo giác và đồng thời nhìn thấy năm người trên thuyền à?” Tiền Tinh lắc đầu rồi bước tới định mở cửa ra vào để nhìn thêm xem thực chất là gì.
Nhưng mới đi được vào bước thì một tiếng sấm vang rền, đèn trong nhà vụt tắt.
“Khu này toàn thiết bị cũ rích, hễ gió mưa là cắt điện.” Thẩm Dung Dung nói trong bóng tối. “Cho nên nhà họ hay dự trữ nến. Cậu chờ một lát nhé...”
Tiếng bật diêm xẹt xẹt, rồi ánh sáng lóe lên. Thẩm Dung Dung giả vờ trịnh trọng nói: “Tôi mang ánh sáng đến cho thế giới, khi phát minh của Ê-đi-sơn không được việc nữa...”
Tiền Tinh bật cười nhìn ánh lửa nến đang sáng lên.
Nhưng tiếng cười bỗng ngừng bặt, lập tức biến thành tiếng kêu hãi hùng. Ánh lửa nên bập bùng soi lên một bóng người không rõ mặt đang lặng lẽ đứng sau lưng Thẩm Dung Dung.
Mái tóc dài che kín mặt người ấy.
Thẩm Dung Dung ngớ ra trước tiếng kêu của Tiền Tinh, giác quan thứ sáu khiến cô từ từ quay đầu lại, đối diện với khuôn mặ khuất trong mái tóc đen dài. Cô há miệng định kêu lên thì một đôi tay khẳng khiu đã bóp nghiến lấy cổ cô.
Bãi lau sậy rậm rạp duy nhất ở hồ Chiêu Dương nằm ở góc Tây Nam của hồ, ba mùa xuân hạ thu đều cho chim, cò bay đậu, đó cũng là những ngày vui sướng nhất của các tay đánh cá nghiệp dư.
Sớm tinh mơ, Hà Đại Huy đã chèo thuyền ra hồ, cậu con trai mắt còn ngái ngủ là Hà Hoan ngồi ở đuôi thuyền. Cậu mới 12 tuổi, học lớp sáu, trông tiu nghỉu ra mặt. Cậu nghĩ bụng, ngồi thuyền con đi câu cá là việc của Khương thái công thời viễn cổ, là cách thư giãn của những cán bộ về hưu tầm tuổi na ná Khương thái công. Nếu phải đi câu thật, thì cậu thà câu trên máy tính hoặc trên PS2 còn hơn. Nhưng đây là bố mình, ông ấy mê câu cá đến nỗi mua cả thuyền để đi câu. Không có tiền mua thuyền máy sang trọng, ông ấy mua con thuyền bé tẹo ày, “không số”, dài chưa đến 3 mét, vật liệu thì chắp vá. Giờ chỉ thêm cái máy cát-sét của thế kỉ trước (mà cậu thấy ông nội vẫn “tàng trữ”) treo ở mũi thuyền, bật băng “chúng ta khua mái chèo, thuyền nhỏ xé tan sóng nước...” là đủ bộ!
“Sao con cứ ngồi nghệt ra? Chèo thuyền giúp bố đi, để bố mắc giun vào lưỡi câu.” Hà Đại Duy biết cậu con trai không hào hứng gì nhưng vẫn cố gượng cùng đi. Thằng bé ngồi nhà nhiều quá, nên để nó gần gũi thường xuyên hơn với thiên nhiên.
Hà Hoan chèo thuyền, đành vậy. Bố đang xử lý đám giun dính nhớt, cậu nghĩ mà ghê cổ. Cậu quyết nhìn sang chỗ khác, chứ không xem cái khoa biểu diễn dân gian rất nguyên thủy của bố.
Cậu vừa quay nhìn, thì nhận ra đó là một quyết định sai lầm.
Cậu hét lên kinh hãi: “Bố ơi nhìn xem cái đám trăng trắng kia là cái gì?”
Hà Đại Duy nghển cổ nhìn. Trên mặt hồ phía xa có một đám trắng xóa đứng yên gần đám lau sậy.
“Lạ nhỉ? Ta chèo đến xem sao.”
“Xem làm gì?”
“Cứ đến xem sao.” Hà Đại Duy vẫn khăng khăng.
Quyết định quá sai lầm của ông bố. Thuyền áp lại gần.
Cậu hét lên kinh hãi, rồi sợ quá khóc thét lên. Chẳng phải cậu ta non nớt hoặc chưa nhìn thấy máu me chết chóc bao giờ; cậu từng lén chơi nhiều game chém giết sa trường hoặc tiêu diệt yêu quái, nhưng vẫn không giúp cậu có đủ can đảm đối mặt với cảnh tượng trước mắt.
Xác một phụ nữ lõa thể, đã bị ngâm nước trương phềnh trắng nhợt lẫn xám ngoét.
Chục hôm sau, cái xác thứ hai bị nước xô vào bờ hồ, là xác một nam giới.
Vài ngày sau đó, lần lượt có thêm ba xác nam giới được phát hiện ở lòng hồ và ven hồ Chiêu Dương. Đây trở thành một trong các vụ thảm án lớn nhất năm đó tại thành phố Giang Kinh và vùng phụ cận.
Đến nay vụ án vẫn còn bỏ ngỏ.