Chương 3

     ái tin thằng Bình bị bắn chết ở trên cầu vào hồi nửa đêm bữa trước vẫn còn làm xôn xao dư luận quanh mấy vùng, nhất là ở ngoài phố chợ. Bởi vì so với những loại du kích xã cắc ké khác, thằng Bình là một nhân vật nổi bật. Điều thứ nhất là vì tuổi nó nhỏ, thân hình của nó lại còn nhỏ hơn nữa. Vậy mà thành tích của nó lại lớn hơn bất cứ một anh du kích xã nào. Chiến công đầu tiên của nó là vụ lợi dụng lòng tin của mấy anh dân vệ xã nên đã chớp được khẩu súng chuồn ra bưng. Sau đó liên tiếp nó tham dự vào nhiều vụ thảm sát khác: hai lần giật mìn những chuyến xe lam di chuyển qua quốc lộ, một lần bắn sẻ trọng thương tiểu đội trưởng Dân vệ Nguyễn Bá Phúc, ba lần đột kích cầu chợ Lùng. Danh tiếng của nó lẫy lừng quanh mấy ấp. Trong túi của nó có hai tờ giấy tuyên dương của Huyện ủy, một giấy ban khen của Tỉnh ủy, nó lại có cả một bức ảnh chụp kỷ niệm trong kỳ đoạt giải thi đua dũng sĩ diệt Mỹ nữa. Bây giờ nó ngã xuống, xác của nó được kéo về cửa phòng thông tin, xế đồn Dân vệ. Nó bận một manh áo phong phanh vá chằng vá đụp, chiếc quần đùi ngắn cũn cỡn lúc may không tốn hơn một vuông vải, vậy mà hai mảnh mông đít cũng phải đắp lại bằng hai miếng vải khác mầu. Mái tóc thằng bé bù xù, khuôn mặt xanh xao, hai gò má hốc hác, những ống chân, tay khẳng khiu như những ống sậy. Hình ảnh ấy nom thật thê thảùm, đúng như lời khuyên của lão Đối với thằng Đực hôm nào:
- Mầy theo ai mặc cha mầy! Mà điều đi với bên đây thì còn có đôi giầy, cái áo mà bận. Chớ qua bên đó chết trần, chết truồng, ai thương!
Câu nói thật đã thể hiện một cách thê thảm cái tâm trạng của đám quần chúng khốn cùng ở thôn ấp sau bao nhiêu năm bị lôi cuốn triền miên vào vòng lao lung của khói lửa. Chủ nghĩa ở bên kia, lý tưởng ở bên này, những lời nói ngon ngọt Tự Do, Dân Chủ, Hòa Bình, Giải Phóng, Dân Tộc, Chủ Quyền và những gì gì nữa trải bao nhiêu năm vẫn chỉ là những cái bánh vẽ. Những cái bánh vẽ chẳng đem lại cho đám nông dân nghèo khó thêm cơm, thêm áo nhưng trái lại có thừa quyền uy để bắt người dân đã đói lại đói thêm, đã nghèo lại nghèo thêm, và rốt cuộc thôn làng đã trở thành một nơi xơ xác, điêu tàn. Nhưng nhà cửa sụp đổ sẽ còn có cơ hội xây dựng lại, ruộng đất bỏ hoang sẽ còn có ngày được cầy cấy, còn cái sự phá sản tình yêu thương bà con làng xóm, tình nghĩa đồng bào trong chia rẽ, thù hận thì biết đến bao giờ mới hàn gắn lại được đây?
Về điểm này lão Đối là người cảm thấy rõ nhất. Lão đã chứng kiến những con mắt hận thù của chính những kẻ mang cùng một máu mủ ruột thịt. Lão cũng đã chứng kiến những tâm hồn bị tàn phá và hủy hoại đến không còn mảy may biết xúc động là gì. Bởi vì họ đã mất hết, kể cả người thân lẫn sản nghiệp. Mất đến không còn gì để mà mất nữa. Tâm hồn của họ đã tới mức chai lì. Trong những giấc ngủ chập chờn hàng đêm, mọi người đã chúi đầu trong những căn hầm đào sâu dưới đất. Nếu đêm trước có đụng độ thì đến sáng ra, nhìn khung cảnh tàn phá trước mặt, họ đã thấy ác mộng không phải chỉ xảy đến như trong một giấc mơ mà đã đi vào đời sống. Như đôi mắt người này đã thực sự mù, đôi tai kẻ kia đã rỉ máu. Cẳng chân, cánh tay của ai đó nằm rơi vãi. Và kinh hoàng hơn, trong hàng thân thuộc lại đã có thêm người thân vĩnh viễn đi vào lòng đất.
Nơi thôn dã, nào có nhà ai không phải dựng lên một bàn thờ cho kẻ đã chết, vì bên này hay bên kia. Tâm trạng thê thảm ấy đã tạo nên một bầu không khí sinh hoạt đặc biệt của đám nông dân vùng hỏa tuyến. Họ đã sống trong sự lầm lì. Những ánh mắt không còn sinh động. Những cử chỉ không có dấu hiệu nhiệt thành. Và cứ như thế, thời gian đã trôi qua từng tháng, từng năm, họ khắc khoải trông chờ cuộc chiến chấm dứt và họ đã mòn mỏi thấy như không bao giờ nó sẽ tới.

*

Ký vào sổ đổi gác xong, Hoanh lững thững xách khẩu Thompson lên phố chợ. Hoanh là anh ruột của thằng Há trong một gia đình mà lão Đối cho là vô phước. Thằng anh đi lính cho bên này. Thằng em lại là đệ tử cuồng nhiệt của chủ nghĩa bên kia. Thằng Há đã thề không đội trời chung với anh của nó. Nó dọa sẽ có ngày cắt tiết thằng Hoanh bằng mã tấu.
Hoanh biết thế, tự ái nổi lên đùng đùng, nhắn tin thách thức đứa em diện đối diện, để xem thằng nào cắt tiết được thằng nào. Hắn rất tin tưởng vào hai cánh tay vạm vỡ của mình. Hắn ước ao có lúc kẹp được cổ thằng Há ốm nhom bằng đôi cánh tay cuồn cuộn những bắp thịt để cho nó biết là ai hơn ai. Nhưng rồi hắn sẽ xử nó thế nào thì Hoanh chưa bao giờ thực sự nghĩ tới. Có thể hắn sẽ buông tha nếu thằng Há ngỏ lời van xin. Cũng có thể hắn kẹp chết đứa em trong một giây phút bốc lòng. Hoanh chẳng bao giờ nghĩ tiếp mà chỉ chép miệng tự nhủ: “Để hãy tóm được nó cái đã”.
Theo dư luận bạn bè thì Hoanh thuộc vào loại người phổi bò, nóng nẩy mà ít có bề sâu. Tuổi hắn trạc ngoài ba mươi, đầu bươu, trán dô, mắt xếch, đôi lông mày rậm rịt. Hắn tứ thời bận bộ quần áo đen, hai tay áo sắn lên tận khuỷu để lộ một bên là một vết sẹo dài, chứng tích của một vụ đụng độ xáp lá càvới mấy thằng du kích xã, còn một bên là một mảng xâm màu xanh đậm, ghi hai hàng chữ mà Hoanh rất đắc ý:
Trai mùa Chinh Chiến
Da ngựa bọc thây
Hai câu này nghe có vẻ trái với những chữ xâm mình phổ biến của những tay lính khác có tâm hồn đa cảm như: “Xa quê hương nhớ mẹ hiền” hoặc của những anh đã dấn thân vào cuộc đời với mặc cảm thua lỗ với hai chữ vỏn vẹn: “Bụi đời”.
Dầu sao thì những dòng chữ một khi đã gắn liền vào da vào thịt ấy cũng ảnh hưởng đến lề lối suy nghĩ của mỗi người. Hoanh thì ồn ào, sôi nổi, đầy vẻ anh hùng tính một cách rất cá nhân và hiếu thắng. Ở giữa đám đông, bao giờ Hoanh cũng chứng tỏ sự hiện diện của mình bằng cách ăn to, nói lớn. Trong mỗi câu nói, bao giờ hắn cũng tìm cách chêm được vào một tiếng thật kêu, thật sáo, có khi sai lạc cả ý nghĩa nhưng hắn lại rất vừa lòng về phương diện “trí thức” ấy của mình. Thêm vào đấy, Hoanh lại còn diêm dúa nữa. Ở cổ hắn, lúc nào cũng có một vuông lụa đỏ, vuông lụa không bao giờ rời hắn, ngay cả đến giờ phút nguy nan, dễ lộ mục tiêu nhất, hoặc vướng víu nhất, hắn cũng không chịu bỏ ra. Cái bản tính này thật phù hợp với cái tính kiêu kỳ, diêm dúa không kém của Thư, vợ hắn.
Hồi chưa cưới nhau, họ là hai cái đinh đặc biệt để mọi người trong ấp xì xào. Giữa thời kỳ chiến tranh, sự tàn phá đã cầy vào đến từng gốc chanh, ngọn quít, giữa lúc mà dân chúng lấy hầm hố làm nhà, sống chui rúc ẩn náu mũi tên hòn đạn của cả bên này lẫn bên kia, thì Thư vẫn có thể làm đỏm được với đôi môi hồng, với mái tóc xức dầu óng ả. Sự đỏm đáng tuy khiến các ông già, bà cả đàm tiếu nhưng lại được bọn thanh niên chiếu cố hết mình. Trong số đó có cả thằng Hoanh lẫn thằng Há. Há ôm một mối tình câm nín, tuyệt vọng vì nó rất xí trai. Người đã nhỏ thó, lại đen, lại xấu, ăn nói thì cục cằn chẳng ra vẻ gì là có văn hóa. So với anh Hoanh, Há thua rất nhiều bậc. Mặc dầu vậy, nó vẫn yêu. Càng thấy ánh mắt long lanh, tánh tình lộ liễu của Thư đối với anh ruột của mình, Há càng mê đắm, càng nung nấu hình ảnh của Thư trong trái tim nóng hổi của mình.
Tất nhiên đó chỉ là mối tình tuyệt vọng. Trước mắt Thư, Hoanh như một hào quang, che mờ cả hình ảnh một thằng Há loắt choắt, chẳng có vẻ gì là thương được cho nổi. Và rồi Thư đã ngã vào tay Hoanh trong một đêm tối trời, có tiếng đại bác rót ì ầm về phía mật khu Lê Hồng Phong. Đám cưới sau đó chỉ còn là vấn đề hợp thức hóa một sự đã rồi. Cũng chẳng ai quan tâm lắm đến điều đó, bởi vì mọi người đã phân tán đi dần dần theo đà biến chuyển của tình hình chiến sự. Một số gia đình rút lên tỉnh. Một số khác đi theo chương trình Phát Triển Dinh Điền. Cũng có nhiều người ngã xuống và may mắn thay, họ được an nghỉ vĩnh viễn trên mảnh đất quê hương của mình, điều mà các ông già bà cả vẫn ước ao được như vậy. Có những người đã toại nguyện. Nhưng cũng có những kẻ khác chưa biết số phận của mình sẽ ra sao, và họ cứ bền bỉ với ước ao nhỏ mọn đó bằng cách bám riết lấy xóm làng như những con đỉa đói.
Dù trong hoàn cảnh buồn bã như vậy, nhưng việc lập gia đình của Hoanh vẫn không bị giảm sút niềm vui tràn ngập trong lòng hắn. Nàng đã để lại trong trí nhớ của hắn hình ảnh của một cô dâu tuyệt vời đúng như hình ảnh của những đêm tân hôn mà hắn thường vẽ trong ý nghĩ. Bao giờ, ở đâu, lúc nào và ngay cả khi ân ái, Thư cũng sống động, cháy bỏng khiến cho gã luôn luôn cảm thấy mình được nâng niu, chiều chuộng, tuân phục, khiến gã lúc nào cũng như được uống những ly rượu nồng.
Nhưng rồi Hoanh dần dà nhận ra rằng tính sôi nổi, lẳng lơ tình tứ của Thư chẳng phải chỉ dành cho riêng gã. Cái đầu mày cuối mắt ấy của Thư sao mà cứ như của chung tất cả mọi ngưòi, nhất là cái đám thanh niên mà Thư gặp gỡ. Nàng ban phát một cách dễ dãi những nụ cười, những cái liếc mắt đong đưa, những cái phát vai, phát vế đôm đốp trong tiếng cười giòn giã. Điều đó làm Hoanh nổi cơn ghen lồng lộn. Nhưng càng ghen, càng chửi rủa tục tằn, càng phản ứng với nàng thô bạo bao nhiêu, Hoanh càng thấy Thư như cái bóng hạnh phúc chập chờn, nhởn nhơ ở ngoài tầm tay nắm giữ của hắn bấy nhiêu. Có lẽ rồi trong suốt cuộc đời, hắn sẽ phải mãi mãi ở trong cái thế săn đuổi, gìn giữ, chụp bắt hoài hoài cái con người nồng cháy ấy.
Điều mà Hoanh hận nhất là sau đêm bị thằng Há lén vô mùng, thế mà Thư không chịu mất lấy một giọt nước mắt. Nàng vẫn nhơn nhơn như không thấy đó là một điều ô nhục, như lương tâm của nàng chẳng hề bắt nàng phải cắn rứt. Đến nỗi, mỗi lần say rượu nhắc lại chuyện đó, Hoanh không thấy thù hận thằng Há bằng thù hận thái độ nhởn nhơ của nàng. Hắn đã gào lên:
- Mầy có đầu óc suy nghĩ gì không? Tao như mầy thì tao đã đâm đầu xuống sông chết cha đi cho rồi.
Thư vênh váo:
- Việc gì mà tôi phải chết. Tại nó chứ bộ tại tôi sao?
- Tại nó, sao mày không “hú” lên?
- Tôi hú, nhưng ai mà thấy? Anh nằm chết giấp trong đồn, có vợ không lo thủ, còn nói. Đêm tối hù như thế, biết ai với ai mà đòi “hú”.
Lời nói của nàng có đôi chút hữu lý. Bởi vì cũng có rất nhiều khi Hoanh làm tình với nàng ở trong bóng tối ngay cả khi nàng đang ngủ mê mệt. Nhưng lòng hắn vẫn hậm hực:
- Mầy không thấy, nhưng lương tâm của mầy sau đó cũng phải cắn rứt chớ. Bộ bị thế rồi cứ nhơn nhơn cái mặt được sao?
Thư cười giòn:
- Bộ anh nhìn thấy được lương tâm của tôi sao, mà anh biết nó không cắn rứt?
- Ngó cái mặt của mầy, làm sao tao không biết!
- Mặt tôi làm sao?
- Tức ứa gan quá đi.
- Tức thì thôi nhau đi. Nói cho hay, cái mặt anh cũng chẳng đẹp đẽ gì. Người ta không nói là không nói vậy thôi. Đừng có nghèo mà ham!
Những lời đối đáp cạn tầu ráo máng như vậy vừa đủ tạo thành một cái cớ để họ xáp lại đánh nhau túi bụi. Kết cục, Thư ngồi khóc ở đầu hè, Hoanh bỏ đi uống rượu. Men rượu gậm nhấm làm phai dần lòng thiết tha đối với xóm làng của hắn. Cho đến một buổi chiều ngồi trong góc quán nhìn đoàn xe đầy lính di chuyển băng băng qua quốc lộ mù mịt khói và bụi, Hoanh bỗng nẩy sinh ý tưởng thoát ly gia đình để tìm một bầu không khí mới. Cái ý tưởng đó trước chỉ là một cái bóng mơ hồ, sau hiện ra thành những toan tính rõ rệt, và cuối cùng đã trở nên một khát vọng mà hắn ấp ủ không nguôi.
- Sẽ có một ngày tao bỏ ra đi!
Bỏ ra đi cũng là một cách trả thù những người ở lại. Điều đó hiển nhiên ai cũng nhìn thấy rồi.

*

Những lời bàn tán về cái chết của thằng Bình, Hoanh nghe nhưng không góp chuyện. Đứng giữa đám đông ở phố chợ nhỏ bé này, bản chất ồn ào của Hoanh bỗng mất hẳn. Cái tâm lý này hầu như tất cả các bạn của Hoanh đều mắc phải, nhất là những lúc ra phố có một mình. Một số không nhỏ dân chúng ở đây đã nhìn Hoanh và những đồng đội của Hoanh với cặp mặt của kẻ đối nghịch. Họ là những người có thân nhân đã chết vì bom đạn của bên này hoặc có người quen biết hoạt động cho hàng ngũ bên kia. Những ý tưởng đối nghịch được thúc đẩy hoàn toàn bằng những lý do tình cảm chứ không phải vì lý trí biết so sánh chủ nghĩa này hơn, chủ nghĩa kia kém. Đầu óc đơn giản của họ chỉ quan tâm đến ruộng vườn, trâu bò, mùa màng, mưa nắng. Và họ chỉ động lòng trắc ẩn đối với những tên du kích bên kia, khi thấy chúng cứ phải kéo dài mãi cuộc sống lẩn trốn, lén lút trong đói khát, thiếu thốn. Cái nhìn của họ đối với cuộc chiến, ít ra là vào thời điểm này, hầu như chỉ đơn giản có thế mà thôi.
Hoanh lách qua đám đông chen chúc dưới bóng mát của một tàn cây lớn để chui vào một quán lá lụp sụp. Hắn kêu một xị rượu nhấm nháp với đĩa tôm khô. Bên cạnh gã, khẩu Thompson trần trụi đã tháo báng nằm lạnh lẽo trên mặt bàn. Hắn mệt mỏi nghĩ đến gia đình, bạn bè và khung cảnh rã rời trước mặt. Những ý nghĩ thoát ly lại bắt đầu gậm nhấm tư tưởng của hắn như men rượu đang bắt đầu dâng lên làm mắt hắn thêm hoa, nắng lửa bên ngoài thêm đỏ rực. Hắn bỗng nghĩ đến một đời sống thường trực di chuyển của những đoàn lính tác chiến. Cực khổ gian nan nhưng lúc nào cũng đổi mới, lúc nào cũng đầy sinh động với tiếng bom rơi, đạn nổ, tiếng lửa reo, tiếng kèn trận và những tiếng la hét om sòm trong đêm thâu của những kẻ biến thành thiêu thân của lửa đỏ.
Rồi khi đám người rút về hậu tuyến, những kẻ sống sót lại vẫn tiếp tục sống điên cuồng, hối hả với những ngày nghỉ phép ngắn ngủi tuy quí giá nhưng lại chỉ biết tiêu vào chuyện gái, chuyện rượu, chuyện đập phá, đánh lộn để rồi bất chợt vào buổi sáng tinh mơ hay lúc nửa đêm khuya khoắt, tất cả lại lầm lũi cấp tốc ra đi, hướng về một trận địa mới.
So sánh cuộc sống ồn ào, sôi nổi, và đầy vẻ hào hùng đó với nếp sống buồn tẻ của những ngày đứng chôn chân trong một vọng gác đã quen thuộc đến từng bờ cây, ngọn cỏ, hay những buổi tuần tiễu quanh một chu vi không vượt quá một tầm mắt hẹp, Hoanh lại càng thấy mình có nhiều lý do để thực hiện một cuộc thoát ly. Như thằng Hinh, thằng Dũng đã làm. Giờ này, phút này không biết hai kẻ ham chuộng phiêu lưu ấy đã luân lạc đến chiến trường nào và Hoanh không biết cuộc đời đã xô đẩy chúng đến hoàn cảnh nào trong cuộc sống. Nhưng gã tin rằng dù bất cứ chúng ở đâu, làm gì, chắc chắn cũng đáng vươn ngực tự hào, hơn là đóng một vai trò mòn mỏi của một chú dân vệ quèn như hắn hiện tại.
Bỗng có tiếng ồn ào trước cửa và mọi người có vẻ nhốn nháo. Hoanh nghe thấy cả tiếng ổ súng đem đạn lên nòng kêu lách cách. Hắn vội chộp lấy khẩu Thompson của mình và lao ra cửa. Trong men rượu chập choạng, Hoanh nhận thấy mấy bạn đồng đội của mình đang vây quanh một gã thanh niên. Thân hình nhỏ thó của gã với khuôn mặt choắt choeo gợi cho Hoanh một hình ảnh quen thuộc. Hắn cố lục lọi trí nhớ và một kỷ niệm xa xôi nào đó chợt lóe lên trong ý nghĩ:
- À! Thằng Sách! Thằng Sách ở xã trên, hồi nhỏ đi làm mướn ở Vĩnh Hội và cũng đã có thời kỳ đi học cùng với bọn Hoanh ở trường sơ cấp trong làng.
Sự xuất hiện đột ngột của nó làm Hoanh như vụt sống lại cả một quãng thời gian êm đềm khi thôn xóm còn im tiếng súng. Bây giờ Sách đứng đó. Vẫn thân hình nhỏ thó ngày xưa, nhưng nước da xanh mét, mặt mũi vêu vao, quần áo xốc xếch, với một vết thương băng vội bằng nùi giẻ ở bụng chân bên trái. Câu chuyện lộn xộn có vẻ bắt nguồn từ cái nùi giẻ đẫm máu này. Quả nhiên, vừa trông thấy Hoanh, thằng Hữu, một đội viên trong tiểu đội của Hoanh đã la lên:
- Anh Hoanh đây rồi! Tụi tui bắt được thằng này mới tham dự cuộc kích cầu đêm trước.
Hoanh len qua vai một vài người, vừa tiến vào hắn vừa hỏi:
- Thằng Sách ở xã trên đây mà. Sao mầy biết nó dự vụ kích cầu?
- Thì chân nó đó. Anh thử vạch ra coi có phải nó ăn đạn Carbine của tụi tôi không?
Gã bị tình nghi, khi được Hoanh nhận ra tên của mình thì vẻ mặt bớt nhợt nhạt hơn. Gã nói líu ríu:
- Phải rồi. Tôi là Sách đây “anh” Hoanh. Tôi Quốc Gia mà. Tôi đâu có biết kích cầu, kích cọt gì đâu.
Hoanh kéo thêm cái ống quần bên trái của gã lên cao nữa và hỏi:
- Cái chân này làm sao đây?
- Tôi... Em.. Em té!
Một đồng đội của Hoanh la lên:
- Té cái con chó! Chân này không ăn phải miễng đạn cứ chặt đầu tui đi.
Hoanh ra lệnh:
- Lột thử cái nùi giẻ ra coi!
Sách lậy van:
- Em lạy các anh. Em van các anh. Làm thế đau em lắm.
Rồi bỗng nhiên gã tu lên khóc như một đứa con nít. Thái độ bất chợt này 1àm Hoanh nhìn gã chăm chú hơn. Những kỷ niệm thơ ấu ngày xưa chập chờn trong óc gã. Nhưng một người đứng bên cạnh đã nhanh nhẩu rút chiếc dao găm, cúi xuống cắt cái nút buộc chằng chịt trên vết thương của Sách. Mớ giẻ được rỡ lên. Những tia máu tím bầm chợt ứa ra chan hòa trên bụng chân còm cõi của gã rồi chảy qua mấy đầu ngón chân và thấm xuống nền đất cát khô bỏng. Một bàn tay không biết của kẻ nào nhấn phũ phàng vào miệng vết thương rồi banh ra. Mấy cái miệng cùng la lên một lúc:
- Vết đạn rõ ràng.
Sách gân cổ lên cãi một cách tuyệt vọng:
- Em bị đạn, mà điều đó là đạn lạc hồi hôm. Em không đi Cộng Sản. Em đi Quốc Gia. Em thề.
Vẻ mặt vừa thiểu não vừa sợ hãi của Sách làm Hoanh vụt nhớ đến ngày xưa, cũng chính vẻ mặt y hệt như vậy đã nhiều lần Sách đã gân cổ lên cãi với thầy giáo về sự nó không chịu làm bài và học bài. Nó cãi. Nó lý sự. Rồi nó van xin. Rút cuộc nó thắng được lòng trắc ẩn của thầy giáo. Mười mấy năm qua, Hoanh thấy nó vẫn là nó, mặc dù quê nhà biết bao thay đổi. Chính vì điều đó mà trước mắt Hoanh bây giờ, nhân vật Sách học trò lấn át nhân vật Sách là một tên du kích. Lòng Hoanh vụt nhen nhúm một nỗi chua xót y hệt như mỗi lần Hoanh nghĩ đến thằng Há, em ruột của mình.
Cái gì đã xô đẩy thân phận của tất cả đám thanh niên có chung một dĩ vãng êm đềm ấy trở nên thù nghịch? Cái gì đã xô đẩy hai anh em ruột đến độ hăm dọa sẽ thanh toán nhau ngay trên mảnh đất của tổ tiên còn để lại này. Thằng Há, dù thế nào thì cũng vẫn là đứa em đã chia xẻ với Hoanh đầy dẫy những kỷ niệm. Hoanh nhớ ngày xưa, mẹ gã vẫn nói:
- Mày có thương tao thì mày phải thương em. Nó còm cõi, tội nghiệp lắm.
Có bận thằng Há ốm, Hoanh đã ngồi bên cạnh giường nó suốt hai ba ngày liền để có dịp ngắm kỹ cái đầu trọc nhẵn, khuôn mặt choắt cheo, hai mắt lờ đờ, sâu trũng như hai lỗ đáo của nó. Khi đó, thằng Há là tất cả. Hoanh nhường nhịn đủ mọi thứ và chỉ mong mỏi một điều độc nhất là nó khỏi bệnh. Bây giờ kỷ niệm như bị cắt thành mảnh nhỏ, rã rời, đớn đau, chua xót. Hoanh bỗng cảm thấy mình quá mệt mỏi khi phải đối phó với câu chuyện đang xảy ra, trước khuôn mặt xanh nhợt của thằng Sách và vẻ hung hăng, giận dữ của các bạn đồng đội. May sao vừa lúc đó thì có một tiếng nổ phát ra ở phòng đọc sách. Có lẽ là tiếng lựu đạn. Cũng có thể là một quả mìn. Mọi người nháo lên, xô nhau chạy tán loạn. Bọn đồng đội của Hoanh nhanh như những con sóc, xách súng phóng lại như bay.
Thừa cơ hội lộn xộn, thằng Sách vùng lên chạy. Hoanh rối rắm nhìn về phía có tiếng nổ, rồi lại quay về hướng thằng Sách đang chạy. Những giọt máu tím sẫm thi nhau rớt xuống lớp bụi chói chang in thành một chuỗi đốm đỏ vòng vèo theo cẳng chân khập khiễng của nó. Như một cái máy, Hoanh hướng mũi súng lên và mở chốt an toàn. Thằng Sách như một miếng mồi ngon trước mắt. Nhưng óc Hoanh lại quay cuồng vì những hình ảnh đối nghịch. Khuôn mặt đẫm nước mắt với nước da xanh xao của Sách vừa rồi nhòe lên cái hình ảnh ngày xưa nó khóc lóc van xin thầy giáo buông tha hình phạt bằng những roi mây khủng khiếp. Trong những tích tắc bối rối như vậy, Hoanh không xác định rõ rệt được vị trí của gã thiếu niên trước mặt. Nó là bạn. Nó là thù. Nó là đồng bào, cùng quê hương, cùng dĩ vãng, cùng kỷ niệm hay nó là hung thần gieo rắc tàn phá xóm làng. Bắn nó? Tha nó?
Nhưng bây giờ thì trễ rồi. Hình dáng tập tễnh của nó bị che lấp bởi một lớp người gồng gánh nhốn nháo chạy qua. Hoanh lao mình về phía trước. Sách lại hiện ra trước tầm súng. Hoanh nâng khẩu súng lên ngang mày. Một người nữa vụt qua làm Hoanh lại phải sấn lên chút nữa. Lần này thì hắn quạt thẳng một băng đạn giòn giã. Hắn cảm thấy gân tay của hắn bị chùng lại và những viên đạn chếch quá lên cao lọt thỏm vào khoảng trời xanh thăm thẳm trên cao. Thằng Sách vẫn cắm cúi chạy. Bây giờ thì nó đã vượt qua một cái hàng rào thấp, rồi lách băng qua những thân cây gòn xanh mướt để cuối cùng biến mất sau những túp nhà lụp sụp.
Hoanh định chồm lên theo sát, nhưng tự nhiên chân nó hầu như chùn lại. Lia xong tràng đạn, hắn không còn cái hứng thú săn đuổi con mồi. Bởi vì bây giờ trước mặt hắn lại không còn là một thằng du kích đang chạy mà chỉ là thằng Sách của những ngày dĩ vãng xa xưa. Tay súng của nó chợt thõng xuống. Nó không còn thấy đầy đủ lý do để mà dồn ép kẻ chạy trốn đến đường cùng. Nó đâu có khác gì bọn thằng Há, thằng Bình, thằng Đực, thằng Vinh...cả một cái đám con nít đã từng có chung một thời ồn ào, hồn nhiên chạy nhảy ngoài đồng khi thanh bình còn ngự trị trên quê hương đất nước...