ĐỐI DIỆN THỰC TẠI (tt)

     ừa nói đến đó thì các chú giúp lễ rầm rập đi vào phòng áo. Mọi lần, các chú lo thay áo xống, người cất sách, kẻ tắt bớt đèn nhà thờ... Riêng hôm nay không hiểu có chuyện gì, bẩy chú hùa nhau kéo ra đầu nhà thờ bây giờ mới trở lại. Các chú ồn ào, nhốn nháo làm cha phải ngưng câu chuyện...
- Các con nói nho nhỏ đủ cả làng nghe thôi; người ta còn đang đọc kinh trông cậy... Ngài không muốn các chú có cảm nghĩ bị la rầy.
- Thưa cha thằng này... Thưa cha tại nó...
- Thôi, thôi... không tại vạ chi hết; cha đã bảo nói nhỏ vì nhà thờ còn đang đọc kinh bao nhiêu lần rồi mà các con không chịu để ý gì hết...
Bà trương lúc ấy nói chen vô:
- Đấy cha xem, chỉ nói như vậy thì có ăn thua gì; cha cứ quật cho mỗi đứa một roi là yên chuyện hết. Ai đời nào hôm nọ cha đi vắng nhờ cha cố sang dâng lễ, chúng nó xô đẩy nhau té lăn cù trên gian cung thánh đang lúc lễ... nhất là hai ông tướng này này...
Bà giơ nắm tay định ký vào đầu khiến cho chú nhỏ bước lùi ra và la lên:
- Cha, bà nội đòi đánh con.
- Thế ra con là cháu nội bà trương à?
- Cháu nội đấy cha ạ. Một đứa cháu bằng sáu đứa kẻ cướp...
Nghĩ mà tức cười, cha Lành định buột miệng nói "rau nào sâu ấy" nhưng ngưng lại được. Cháu bà mà bà không đánh, bà lại xúi cha phạt trẻ... có lẽ bà định đùa, hay bà muốn được để ý chuyện chi... Ở đất Mỹ này, bạt tai một đứa trẻ con coi chừng vào bót cảnh sát nằm ấy là chính bố mẹ chúng. Mới đây, có một cha bạt tai một "ông tướng con" chuyên viên nô nghịch trong nhà thờ bởi nói mãi không được. Bố mẹ ông tướng con này cũng biết con mình nghịch như giặc giời thế mà họ lên gặp giám mục... Nào đâu đã hết, ông nội chú nhỏ mười hai tuổi cũng tát tai đứa cháu vì nhân viên an ninh khu chung cư báo cho biết chú nhỏ phá ghế của hàng xóm; ông cụ phải gọi cha đi thông dịch bào chữa và giải thích... may mắn, hôm ấy gặp một nhân viên an ninh chung cư người da đen biết điều:
- Chúng tôi được báo cáo là ông cụ đã vi phạm luật bởi tát tai cháu nội của ông ta...
- Tôi có đôi lời giải thích, cha Lành lên tiếng; trước tiên, người Việt chúng tôi là người tình cảm nên có một phần đặc tính giống như người Ái Nhĩ Lan, người Pháp, Tây Ban Nha, Mexico, người Mỹ đen các ông. Khi còn học nơi chủng viện, tôi thường nói chuyện với mấy người bạn Mỹ đen nên có được sự nhận thức này. Ông thấy đó, khi nói chuyện ở nhà hay ở nơi công cộng, người Mỹ đen các ông hay người Việt Nam thường hay nói lớn tiếng; mấy người chung quanh không hiểu họ tưởng mình cãi nhau; tuy nhiên, đó là thói quen bày tỏ cảm nghĩ bình thường của những con người tình cảm... Người Việt chúng tôi quan niệm rằng sự giáo dục gia đình là quan trọng nhất vì nó đào tạo cho xã hội sau này những công dân tốt... Ông thử nhớ lại xem, tôi thực sự tin rằng những gì mà ông mang ơn cha mẹ ông thời còn trẻ để bây giờ ông là người tốt lành đó là những cái bạt tai ngày xưa...
- Cha nói đúng, sự giáo dục gia đình đã đào tạo cho xã hội những công dân tốt. Thực ra khi nghe người ta báo cáo, tôi chỉ muốn ông cụ đây giải thích trường hợp này ra sao thôi. Cha làm ơn viết những lời giải thích vào tờ giấy này và để ông cụ ký vô...
Có những điều ngoài ý muốn do sự vô ý của kẻ khác cũng được khoác lên trách nhiệm của cha. Mấy chú giúp lễ tuổi còn quá trẻ khó ngồi yên được lấy vài phút, đong đưa đôi chân lúc cha giảng cũng được đặc biệt chiếu cố và kết án cha không chỉ bảo. Cha nào dạy chú nghịch ngợm? Cha đứng quay xuống; các chú ngồi lùi về phía sau sao có thể thấy, mà vô tình có thấy, chẳng lẽ ngưng việc phụng vụ để chỉnh mấy chú thì lại biến chuyện nhỏ thành chuyện lớn và... ai còn dám xung phong giúp lễ. Đầu tóc các chú đôi khi nào thua gì những người cùng lứa tuổi, punk mà, cũng dựng đứng hoặc chia thành tầng theo kiểu thời trang choai choai. Có chú để đuôi chuột, có chú bắt chước xỏ lỗ tai... rồi lại đến tai cha rằng không chỉ bảo. Bảo cái gì nếu vì bị cắt bỏ cái đuôi chuột trông đến ngứa mắt chú không chịu giúp lễ nữa... và rồi lấy ai thay thế? Có hô hào, khuyến khích rát tai, bỏng cổ, thì quay đi quay lại chỉ loe ngoe những khuôn mặt ấy... Có lần, một chú nhỏ ham chơi gần đến giờ lễ, chạy vội tới nhà thờ mặc áo. Giầy theo mốt thời trang to tổ bố ôm đôi ống chân trần lộ ra phía dưới chiếc áo trắng vô tình chú mặc hơi ngắn trông giống như kiểu đóng khố đi giày... Thấy vậy, cha thầm nghĩ thế nào cũng có người để ý kêu ca... Mà đúng thật, vừa mới xong lễ, cha chưa kịp thay áo đã có bà cụ xông ngay vào la chú nhỏ về cách ăn bận...
- Thôi được rồi bà cụ, để tôi nói sau; chú còn quá trẻ nên ham chơi vô tình...
- Cha lại còn bênh nó... Đáng lẽ cha phải xáng cho nó mấy bạt tai... Bà cụ nói xong quày quả đi ra khỏi cửa.
- Bà nào đó con có biết không?
- Bà nội con.
Cha Lành nhìn chú nhỏ thân thiện, nhận ra lối ăn mặc cũng có hơi ngộ nghĩnh. Chiếc áo rộng thùng thình bao bọc thân hình xương xương bị đè nặng dưới mái tóc rậm rịt được chống đỡ bằng đôi giầy to tướng bọc hai ống chân không mập lắm gợi nơi trí nhớ ngài hình ảnh những thằng nộm bù nhìn dọa chim ở vườn ngô, nương lúa miền quê xa xưa. Thật đúng là tuổi trẻ muốn được để ý nên thích theo thời trang... Cố nín cho khỏi bật thành tiếng cười, cha Lành dặn chú nhỏ:
- Từ nay con nhớ để ý đến quần áo và tóc tai trước khi đi nhà thờ nghe...
- Vâng thưa cha.
- Con ra dọn bàn thờ và đem chén thánh vô. Làm ơn nhớ, khi treo áo nơi tủ, nếu những chiếc nào rơi xuống con mắc lên thẳng thắn tránh khỏi nhầu và bụi bậm...
- Vâng thưa cha.
Tuổi trẻ ham chơi nên thích bè bạn đàn đúm nô nghịch mà biết chịu khó giúp lễ cả là một sự cố gắng hiếm thấy. Thử hỏi trong một cộng đồng hay một xứ bao nhiêu gia đình có được mấy chú giúp lễ? Những ai trong bậc ông bà, cha mẹ để ý khuyến khích con cháu năng đi nhà thờ giúp lễ hay chỉ thường xuyên chê trách! Cũng phải công nhận thực tế khó tránh khỏi là các chú giúp lễ cũng như hội viên ca đoàn là hai nhóm có thể nói nhố nhăng nhất nơi nhà thờ; trong khi mọi người lo đọc kinh thì các chú nô chạy, đuổi nhau như bắt giặc quanh nhà thờ; ca đoàn thì hở ra là tụm năm tụm ba chụm đầu lại nói chuyện xì xèo lắm lúc quên cả hát. Tuy nhiên, nào ai để ý đến công lao cũng như thời giờ họ phải bỏ ra để đi tập hát thay vì đi chơi và nhiều khi chẳng may cung đàn lạc giọng nên hát là phải hỏng lại bị chê trách ai có thể nghe dùm cho?... Những tướng giặc trong lứa tuổi ham chơi mà không có sự ràng buộc bởi trách nhiệm và những lời khuyến khích nào hy vọng gì thấy mặt nơi nhà thờ...
- Phỏng khi con về nhà, bà nội con có la mắng nữa không? Con có cần cha gọi điện thoại nói với bà nội để khỏi la con không? Giọng ngài đầy vẻ ân cần lo cho chú nhỏ bởi nghĩ rằng nếu chú về nhà bị quở phạt sẽ bị nản lòng không chịu khó giúp lễ nữa chăng.
- Không đâu cha, nội la con hoài về vụ ham chơi và mặc quần áo xốc xếch nhưng đâu có sao.
- Thế sao nội con đề nghị cha xáng cho con mấy bạt tai?
- Nội đánh con đâu có được; vừa giơ tay lên là con đã chạy mất tiêu...
- Hèn chi con cần đôi giầy to chạy cho khỏe phải không?
- Mốt mà cha, nó có vẻ oai hơn... Chú nhỏ mỉm cười bẻn lẽn.
- Con lo dọn đồ để cha đóng cửa nhà thờ...
La chú nhỏ đâu có được! Mặc dầu còn trẻ nhưng cũng như người lớn, ai không muốn được nghe những lời nhẹ nhàng êm tai; đâu phải cứ thấy còn nhỏ mà chỉ trích thì chỉ có nước cha dâng lễ một mình. Ngược lại, nếu dịu dàng nói cho chú biết thái độ khi giúp lễ có ảnh hưởng quan trọng tới tâm tình người tham dự, không những chú sẽ chấp nhận thay đổi mà còn thích giúp lễ hơn. Có lần, một chú bé lớp năm, khá thông minh và nghịch thì khỏi chê, giúp lễ cha Lành vào một buổi sáng, không thể ngồi yên mà cứ ngó ngoáy, cựa quạy... đôi chân đong đưa nhố nhăng quá sức trong lúc lễ làm mấy người chia trí. Thay áo xong vẫn không thấy chú nhỏ mang đồ lễ vô, cha trở ra nhà thờ xem chú làm gì thì thấy bà trưởng ban giáo lý đang nghiêm trang giảng giải cho chú về thái độ nên giữ khi giúp lễ. Trông chú bé thật tội nghiệp, cha lại e ngại lỡ chú có cảm nghĩ bị xài xể mà từ nay không muốn xung phong giúp lễ nữa chăng nên ngài vội tiến tới:
- Tôi có để ý đến thái độ chú ta và đã nói rồi. Thôi để chú dọn bàn thờ còn trở về lớp học.
- Vâng thưa cha.
Khi chú nhỏ đi khuất sau cửa, bà ta nói nhỏ: "Chú sẽ là người bạn tốt của cha."
Cha Lành trở vô phòng áo nhìn chú bé thân hình loắt choắt hai tay bưng chén thánh giơ cao cẩn thận đi vô trông giống con ếch đang đuổi theo mồi câu. Đợi chú bé để chén lên bàn, cha mới nói:
- Từ nay con nhớ, mọi người chú ý tới mình khi giúp lễ nên cố gắng giữ nghiêm trang, đừng nghịch nữa.
- Vâng thưa cha...
Chỉ có thế mà cả mấy tháng sau tuần nào cha Lành dâng lễ lúc 8g15 cũng chỉ thấy chú bé đó giúp lễ. Đến lúc hỏi bà trưởng phòng giáo lý tại nhà trường mới biết chú đã cố gắng học bài tập đọc riêng ở nhà để xung phong...
- Con đã nói chú ta sẽ là bạn tốt của cha mà...
- Tại sao?
- Cha không nhớ cha đã bênh chú ta ư?
- Ồ! Có chi đâu! Không ngờ vô tình mà tôi học thêm được một kinh nghiệm.
Thực trạng ngây ngô còn đang lần lượt gợi lại khiến cha Lành đứng yên như chìm vào cõi mộng nào đó... Bà trương đã lên tiếng:
- Có cha, sao chúng nó ngoan thế mà cha vừa đi vắng, chúng nó đã nổi loạn...
Vâng, tôi đã nghe khi mới đi cấm phòng về là các chú giúp lễ ở nhà nổi loạn đến nỗi bà trương phải lên dẹp chúng nơi phòng áo... Chúng hò la rùm trời, đấm đá nhau như gà chọi, đứa nằm lăn kềnh ra sàn nhà, mấy đứa đuổi nhau như chạy loạn... lại còn chen lấn tranh nhau bàn quỳ đến độ té lăn nhào đang khi lễ làm cha cố phải nhờ người xin các tướng đừng giúp lễ nhiều, chỉ hai tướng thôi...
Cha vẫn chưa kịp nói gì thì bà trương tiếp:
- Sao cha để cho nhiều chú giúp lễ vậy, con thấy các cha khác chỉ cho hai chú và chỉ những ngày chủ nhật hay lễ trọng mới cần nhiều chú giúp lễ...
- Bà trương thử nghĩ coi, lễ nào mà không trọng. Sỡ dĩ tôi muốn tất cả các chú giúp lễ ngày thường vì bà biết đó; có hai nhóm loạn nhất trong nhà thờ là nhóm giúp lễ và ca đoàn... Để các chú lên giúp lễ ngồi trên gian cung thánh, ít nhất các chú đỡ nghịch hơn; chứ những tướng này mà ngồi dưới tụm năm tụm ba với nhau sẽ phá tung cả nhà thờ. Hơn nữa, giúp lễ cũng là một sự hãnh diện cho các chú do đó các chú chịu khó đi nhà thờ hơn và như vậy lợi cả đôi đàng...
- Sao con thấy chúng nó nói chuyện ở trên gian cung thánh mà cha không la rầy chi vậy.
- Bà không biết đấy chứ, khi bắt tay chúc bình an, lần nào tôi cũng hỏi các chú có nói chuyện không. Chả mấy lần các chú không trả lời là "chúng con nói chuyện tí tí." Các chú đã nhận ra điều đó nên tôi chỉ bảo "Thôi đừng nói nữa, người ta đang để ý đến các con..." Bà thấy không, càng ngày các chú càng ngoan và giúp lễ gọn gàng mực thước hơn... Tôi nghĩ như vậy đủ rồi, la rầy thêm lấy ai giúp lễ nếu các chú ấy chán không đi nhà thờ. Coi vậy chứ, dâng lễ không có các chú cũng thấy thiếu thiếu làm sao ấy...
- Nói kiểu nào thì cha cũng bênh chúng nó; coi chừng chúng nó được nê nổi loạn...
- Không sao đâu bà trương; để đến lúc các chú nổi loạn hãy tính; bây giờ các chú hãy còn ngoan chán...
Chân thành nhận xét, trẻ con là phải nô nghịch. Nếu mấy em nhỏ ngồi im đến độ con ruồi đậu mép không muốn đuổi thì cha mẹ cứ tha hồ vắt giò lên cổ mà chạy. Nó đau rồi đó! Hơn nữa, ở lứa tuổi mười hai tới mười lăm em nào không nghịch, không phá phách. Ai kêu ca thử nhớ lại thời xưa mình đã phá như thế nào; chỉ còn thiếu điều người ta đến nhà mắng vốn mới thôi. Các em nghe cha năn nỉ vô nhà thờ ngồi im không nói chuyện còn đòi gì hơn. Cũng phải công nhận rằng mặc dầu nghịch phá nhưng các em biết nghe và còn biết điều lắm đấy chứ...
Trẻ em nô nghịch còn dễ thông cảm bởi đâu ai chấp với trẻ... Trẻ lớn không nô nghịch nhưng lại làm gai mắt các cụ... Quí cụ phàn nàn, kêu ra kêu vào và rồi cũng lại đổ tại cha. Ai đời thuở nào một số chị choai choai, xồn xồn, xinh xắn, đẹp đẽ, trời lạnh cũng như trời nóng, ăn mặc coi bộ chứng tỏ mình nghèo lắm không đủ tiền mua loại áo kín đáo vừa cỡ nên đành chấp nhận sắm đồ chật, chật đến độ để lộ cả một phần thân thể ra. Khổ nỗi các loại áo chật cứ lộ những phần không nên hở có lẽ bởi cho rằng sự thiếu vải làm tăng thêm nét hấp dẫn của người mặc chúng. Nào đã hết, người nào càng có thân hình đẹp lại càng tỏ ra nghèo hơn nên muốn hở chỗ nào thì hở... Ngoài ra, chẳng thà như thế mà coi được còn đỡ, cái phong trào thiếu vải lan cả tới những cảnh chẳng ra gì mới thật ác ôn, xốn con mắt... Ăn mặc như vậy, lỡ chẳng may ra đường gặp gió máy bị bịnh thì khổ!
Nhớ buổi chiều trước lễ Phục Sinh, cha Lành ra nhà thờ coi xếp ghế thêm vì e sẽ có đông người tham dự. Cụ trùm phụ trách việc xếp ghế đang chỉ bảo mấy người thanh niên giúp việc...
- Nhờ mấy anh xếp thêm hai hàng ghế trước bàn quì vì còn rộng chỗ không nên để trống. Cha Lành lên tiếng.
- Thưa cha không xếp ở đó vì không có bàn quì. Cụ trùm đáp lại.
- Thì quì xuống thảm đâu có sao!
- Không được đâu cha, xếp ghế nơi ấy mấy người mặc váy ngồi bắc chân chữ ngũ coi chướng mắt lắm, chỉ làm các cha chia trí...
Đến lúc này ngài mới hiểu ý cụ trùm. Thì nào có chi đâu, cũng con cháu các ông các bà chứ còn ai vào đấy mà khắt khe thế! Các cụ chia trí hay các cha chia trí mà cứ lấy cha làm bình phong. Rõ bày tội... Cha Lành cố nín cười lấy giọng chậm rãi như không để ý, đề nghị:
- Thì một cụ trùm đứng đây chỉ cho mấy người không mặc váy lên ngồi có sao đâu.
Cụ trùm thật thà:
- Nó chẳng mặc váy thì cũng đến xốn cả mắt sao còn tâm trí nào mà lễ với lạy. Không thể kê ghế ở đây được đâu thưa cha.
- Có chi mà xốn mắt, đó chỉ là thời trang, ăn thua gì! Cả như người Thượng chỉ đóng khố thì mọi người đau mắt hết ư! Cha Lành nhẹ nhàng.
- Ấy thưa cha, thà rằng cứ thỗn thễn như thế lại đỡ sinh lắm tội. Đàng này cứ úp úp mở mở trông... đến khó chịu. Cha phải cấm họ, thật là nhố nhăng quá lố... Cụ trùm dùng tiếng bình dân tả chân chứng tỏ không mấy hài lòng...
Lời của cụ trùm chân thành và ngay thẳng làm cha Lành thấy tội cho quí cụ đang sống trong buổi giao thời giữa hai nền văn hóa Âu, Á khó có thể hòa hợp. Đàng nào thì cũng thế, mỗi kiểu cách có những nét riêng của nó đồng thời cũng có những vẻ đẹp đặc biệt tùy theo nề nếp người ta quen sống; tuy nhiên, lại thật khó cho bất cứ ai chỉ cho rằng phải như thế này phải như thế kia bởi không quen hoặc không muốn hòa mình sống với thực tại đang xảy ra. Dĩ nhiên, khi gia nhập một cộng đồng mới, người ta cần biết chấp nhận đường lối cũng như cách sống của tập thể để một phần nào sống hòa theo. Mỗi tập thể có một đường lối cách thức riêng, cá nhân cần uyển chuyển thay đổi cho phù hợp chứ tập thể không bao giờ thay đổi theo lề lối cá biệt của một người mới gia nhập. Vì thế, nét đẹp, nét thanh lịch theo ý quí cụ lại hoàn toàn trái ngược với thực trạng thời trang hiện giờ. Ngày xưa, biết bao nhiêu cố gắng của quí cha giảng dạy đổi váy, đổi khố ra quần với những lý lẽ đơn sơ: nào quần ít tốn vải hơn váy, nào kín đáo hơn, nào tiện lợi hơn, vậy mà vẫn còn bị một số khích bác không hài lòng vì đã quen mặc váy hay đóng khố... Ngày nay thiên hạ đổi quần ra váy các cụ lại không hài lòng. Chắc cụ trùm không biết chuyện đóng khố ngày xưa hay biết mà đã quên... Không thể hiểu được..., cụ trùm bị xốn mắt mà lại cứ đổ thừa cho cha... Nghĩ vậy thấy ngộ ngộ nên cha diễu tiếp với cụ trùm:
- Ngày xưa cụ trùm chính lẽ nên đi tu làm linh mục mới đúng. Làm linh mục tha hồ nói, cụ muốn nói thế nào cũng được.
- Con chịu, cha nói mà họ còn không nghe thì con nói thế nào được. Con chỉ làm trùm thôi...
Kể cũng lạ, cụ trùm cứ nghĩ rằng cha nói là người ta nghe theo... Cụ muốn mọi người ăn mặc cho vừa ý thích của cụ thì có lẽ nhà thờ chỉ còn những bà già đi lễ... Và rồi thế nào cụ cũng ca thán rằng tuổi trẻ nó bỏ đạo. Không đâu cụ ơi, cái gì thiên hạ thích là họ làm theo chẳng ai cấm được... Đất nước tự do mà, vả lại, ai không thích tự do nhưng tự do nhiều khi bị hiểu trật; nào ai biết đấy là đâu! Mà thật thế, cấm họ nào được; có nói ra đôi khi lại chỉ sinh tội nhất là nói trên tòa giảng bởi giáo dân cũng có kẻ nọ người kia. Kẻ chẳng ưa, suy diễn lời ngay thành ý gian chỉ càng thêm rắc rối phiền lòng... Có một lần, sau khi họp Legio Mariae, bà quản Thân vừa ra khỏi nhà xứ gặp mấy người đang đi lễ chiều trong khi cha cũng đang định tới nhà thờ trước nửa tiếng đọc kinh nguyện và giải tội...
- Thưa cha, không hiểu mấy người ăn mặc vô tình hay cố ý mà lố lăng quá! Có người mặc áo dài coi bộ thật hợp thuần phong mỹ tục người Việt; bà liếc xéo mắt hướng về phía một chị cỡ hai mấy ba chục; cha coi, chiếc áo dài trắng ôm sát cơ thể, gọn gàng đến nỗi phô trương cả những lằn eo lớn eo nhỏ. Vải thì may loại mỏng cho tà áo dễ dàng phất phơ làm duyên đến độ dơ dáng... thế mà đóng ngay cái "kiếng đen" lồ lộ tạo cho người khác thoạt nhìn thấy ngỡ như đang lái xe đụng phải núi... Đến rõ nghịch thường...
Cha Lành dõi theo hướng mắt của bà quản Thân thì cũng gần đúng như vậy... ngài thầm nghĩ, bao lâu nay có bao giờ mình để ý đến chuyện này; thế ra giáo dân họ để ý đủ mọi thứ chuyện chung quanh. Ngài chợt nhớ đến ông giáo Tương, người hay xoi mói những chuyện kín đáo của tất cả những ai quen biết để bới móc cũng như nói bất lợi cho họ. Ông ta lại thuộc loại người ghen vô lý trong khi bà vợ chẳng vừa gì. Ông mới được vợ bảo lãnh sang chừng một năm, ỷ mình là dân trí thức ở Việt Nam, chẳng gì cũng có tiếng nhà giáo nên không chịu học Anh văn do mặc cảm thua kém vợ. Bà vợ vì sang từ năm 1975 sống một mình nên nghe đâu cũng đàn đúm nhảy nhót và cặp bồ lai rai... Đồng thời, ai còn lạ gì khi mới nhập vào một xã hội xa lạ, người ta thường hấp thụ những điều bất lợi trước tiên... Bà vợ mua sắm những loại quần áo theo mốt đào kép nơi ti vi trông thật quá quắt... Nhân một vụ đôi chối với gia đình bạn quen đã khá lâu và vì bà kia không biết khiêu vũ nên bà giáo Tương đã tuyên bố "không biết dạ vũ là quê mùa." Bà kia cũng không kém đá lại: "Vậy thì cha mẹ, ông tổ ông tiên của bà không quê mùa là gì; họ nào đâu biết nhẩy biết nhót; họ nào đâu biết động cỡn..." Ông Tương sang tới đây được người khác, không hiểu vì vô tình hay cố ý, kể lại những cảnh nhố nhăng của vợ làm ông tức lộn ruột nhưng sợ vợ bỏ do đó quay ra châm biếm những người chung quanh đôi khi đến độ quá lố. Hơn nữa, ông giáo lại thích quan niệm vợ phải phục tùng chồng theo kiểu ngày xưa, muốn vợ nô dịch chồng như con hầu đầy tớ. Nghe đâu ông hay nói: "Tôi thích lối sống như các cụ ngày xưa, các cụ ngồi nhậu lai ra còn các bà lo sắm sửa món nhậu và cơm nước..." Cứ thế, ông cố tình khen nếp sống ngày xưa thật là lý tưởng... Lý tưởng đâu không biết mà chỉ thấy một người ngồi chễm chệ ăn, còn người khác hầu hạ quá con sen được thuê mướn đối với chủ. Nơi bữa tiệc hôm ấy tại nhà một người quen, cha Lành bị xếp chỗ ngồi gần ông giáo Tương; không nhớ ai nói chuyện gì liên quan đến thời trang... nên ông giáo đế tiếp:
- Còn nữa, đâu phải đã hết, vài chị xồn xồn người không đến nỗi ốm mấy mà còn mang vẻ có da có thịt một chút cứ làm ra như còn trẻ trung, mi nhon lắm, ăn mặc mới đáng sợ! Cái váy thì ngắn cũn cỡn, những hàng voan may chồng chất phùng ra phía trên giống như vũ công trong đội múa chuyên nghiệp quốc tế thường thấy chiếu trên ti vi. Phần trên cơ thể, áo được may bằng vải lưới đeo quàng lên vai bởi hai đường ren mỏng kèm theo lớp voan lồm xồm dính vào quăn queo giống riềm màn cửa cho hợp với phần xù ngang bên hông để rồi đàng trước đàng sau bị cố tình khoét vòng sâu xuống... Tệ hơn nữa, dây kiếng thì cái bên này cứ như chứng tỏ chủ mình bận rộn quá không để ý sửa sang đến nỗi lã lơi rơi cả xuống cánh tay; cái bên kia chẳng hiện nguyên hình cũng lấp ló cho mọi người biết mình cũng đang hiện diện... Không hiểu người ta có ý gì, hoặc bởi trời quá nóng nực mặc thế cho mát hay vì lý do bận rộn chợt đến giờ lễ vơ quàng mặc đại đi nhà thờ và sự vô tình cố ý ấy biến người tròn như con quay. Chịu thua... không ý kiến ý bọ nổi...
Ông giáo Tương diễn tả cách ăn mặc của một số các bà các cô đầy vẻ cay cú đồng thời cố tình bới ra những chuyện nhỏ nhặt, thêm thắt biến sự để ý của mình thành chuyện chẳng nên của người khác... Khi người ta đã mang ẩn ý nào thì tất cả những việc bình thường đều được dùng làm yếu tố bổ túc cho ý định của họ. Đồng thời lời nói cũng được sắp xếp sao cho có thể lôi kéo kẻ khác về phe mình... Cha Lành cũng mới loáng thoáng nghe về chuyện ông bà giáo Tương; nếu không biết trước, lần đầu nghe ông nói có lẽ ngài đã nghĩ ông là người đầy mô phạm... muốn xây dựng cộng đồng tốt đẹp hơn. Phương cách nào để giúp những người như ông nhận thức thực trạng của họ hầu cải thiện sao cho có lối nhìn hòa hợp với những người khác hoặc hơn nữa, bắt tay làm đẹp cuộc đời....
Mọi người trong bàn tiệc biết ông giáo đang có ý chỉ bà vợ nhưng chỉ dám nói về người khác một cách chung chung... Kể cũng tội cho thân phận nhà giáo, dở ông dở thằng, sống trên đất nước này. Con người ta nào có phải là những vị thánh sống bất lực; mà những sự cám dỗ hiển hiện ấy đâu tha bất cứ ai. Do đó, nếu nói rằng tội bởi trong lòng mà ra thì cũng cần nhận thức rõ thực tế là nếu dẫu có cả triệu tấn thuốc nổ mà không ngòi nổ thì nào có thể giết chết ai! Đúng là cuộc đời lắm điều oái oăm! Người thì cứ cố tình chường ra; kẻ lại cứ thích nhìn rồi kêu. Thử hỏi, không nhìn sao biết mà kêu?
Ngược lại với những kiểu giả đò vô tình khoe khoang những gì không nên khoe, có những người bất cần để ý đến cách ăn mặc mới thật là vô ý. Người ta dự tiệc cưới, đi ăn hỏi, hoặc nơi đình đám, dạ vũ, ngay cả đi chơi trong những ngày nghỉ thì sao mà ăn bận lịch sự, lộng lẫy; thế mà tới nhà thờ tham dự thánh lễ lại lắm kẻ bận đồ như đi làm rẫy, quần áo ăn mặc giống điệu ta đây bất cần đời... Có ai dám ăn mặc như vậy vô một tiệm ăn bình thường không? Có ai đi xin việc mà mặc đồ lam lũ tới văn phòng các hãng xưởng... Tại Mỹ, có những tiệm ăn hay những nơi chốn cấm người mặc đồ Jean bước vô. Các tiệm hamburger, quán ăn rẻ tiền treo bảng không chấp nhận kẻ mặc áo mai ô hoặc đi chân không vào ăn. Thế mà người ta tới nhà thờ với bộ đồ không đâu chấp nhận...
Và thế rồi trăm sự vẫn đổ vào cha! Đã có cha nói về sự ăn mặc cẩu thả ấy thì lại có người xì xèo rằng phải làm ăn vất vả chưa chắc đã đủ nuôi sống gia đình nào lấy gì mà may sắm; người ta là dân lao động chứ có phải là thứ ăn trắng mặc trơn đâu! Có người còn thêm mắm thêm muối, đế vô: "Các cha có bao giờ phải chân lấm tay bùn nên nào biết; sống ở đất nước này không đi làm thì đói mà đi làm thì ngày chủ nhật cũng đâu được nghỉ. Nghỉ thì hãng xưởng đuổi, không nghỉ, vừa bước ra khỏi sở làm đã phải vội vàng cắm đầu cắm cổ lái xe tới nhà thờ cho kịp lễ còn thời giờ đâu mà sửa soạn..." Nói như thế nghe ra cũng hợp lý nhưng chẳng hợp tình chút nào... Người ăn mặc kiểu bất cần đời không một tiếng viện cớ sở mỏ ngày chủ nhật vì có đi làm đâu mà nói; trong khi kẻ lúc nào cũng có vẻ ta đây thanh lịch lại lên tiếng bào chữa dùm... Bào chữa để có tiếng nói và dùng linh mục làm bàn đạp kiếm sự chú ý của những người chung quanh...?
Thật ra, vấn đề ăn bận không phải tại công việc hoặc thời giờ mà tùy thuộc sự hiểu biết của từng người... Bất cần đến độ không để ý gì đến mình cũng như những người chung quanh là điều chẳng nên, mà lạm dụng sự ăn mặc không hợp thời hợp cảnh lại trở thành dị kỳ nhiều khi khiến kẻ khác phát sợ. Người cẩu thả không để ý cách ăn mặc thì lôi thôi bệ rạc đến độ thiếu cả sự tôn kính Chúa mà kẻ kỹ lưỡng lại chăm chỉ quá thành ra lố bịch. Quần áo là vật tùy thân còn có thể mượn cớ vô ý hay vội; tóc tai, trang điểm vẽ vời mới cả là một vấn đề phức tạp càng khó thể nói. Mấy chú choai choai, dùng keo xịt cho bộ tóc đứng dựng chẳng khác gì hình mẫu mấy em học trò lớp một vẽ mặt trời với những đường ánh sáng chĩa ra tua tủa. Có chú đòi cho bằng được thợ cắt tóc hớt lẹm hẳn một bên, bên kia thì rậm rịt rồi xịt keo khô cứng lại giống chiếc bánh xe đặt lệch dính chặt trên đầu. Chú khác lòi cái đuôi chuột lòng thòng phía sau tựa đuôi diều gió thổi đứt còn sót một đoạn. Còn loại đầu tóc dựng đứng như lông nhím thẳng tắp nghênh ngang từng sợi trông mới đáng sợ làm sao... Cũng giỏi, sửa soạn được những bộ tóc khó khăn cách xếp đặt như thế ít nhất phải cả vài lọ keo và hàng giờ đứng trước gương...
- Con không hiểu được thời nay nhà trường dạy trẻ con ra sao. Bố mẹ thì tiếng anh tiếng u không biết mà mấy đứa con thì đứa nào cũng giống đứa nào, trai không ra trai, gái không ra gái. Cha xem, ai đời nào mà mấy đứa con trai đi xỏ lỗ tai; mấy đứa con gái cắt tóc cộc ngốc lên để cái ót như tên cao bồi và rồi thằng nhỏ nhà con để cái đuôi tóc lòng thòng trông giống như đuôi chuột chù mà bảo thế nào cũng không được... Sáng sớm lúc con dậy sửa sọan đi làm đã thấy chúng nó bảo nhau thức từ bao giờ, rồi tranh giành cái gương, cái máy sấy... nhốn nháo cả nhà lên... Con làm đồ ăn cho mình, cho chúng nó xong rồi mà hãy còn có đứa vẫn ngắm ngắm nghía nghía, tay này lăm lăm cái lọ keo xịt xịt, tay kia cầm cái lược chải ngược chải xuôi trông đến rối mắt...
- Ông bà được mấy anh mấy chị tất cả?
- Dạ thưa cha, Chúa ban cho nhà con được mười đứa... Hai đứa lớn đang học đại học chúng có thế đâu; chỉ bốn đứa choai choai này nó làm loạn cả nhà lên...
- Bà nhìn kìa, trông cũng ngộ đấy chứ nhưng công phu lắm... Cha Lành hướng mắt về một cậu trai cỡ mười bốn mười lăm tuổi đang đi tới nhà thờ dự lễ chiều...
Chú nhỏ bận chiếc áo, ngắn không ra ngắn, dài không ra dài, rộng thùng thình kéo xuống che khuất mông, vai chảy dài nơi cánh tay, và nơi hai cổ tay áo được vén lên giống như mấy diễn viên phim kiếm hiệp. Kiểu cách mới này khiến người mặc có vẻ nhỏ bé, lọt thỏm giữa những hàng vải... coi bộ như người mới ốm dậy cần nhiều chăn mền che gió mỗi khi đi ra ngoài trời... Chiếc quần thì hai ống bó sát làm chú giống như thằng bù nhìn coi lúa nơi đồng ruộng vào những ngày mùa... Mắc tiền lắm đấy, cha Lành nghĩ, lứa tuổi choai choai này không thèm mua những thứ rẻ đâu; hình như những đồ mắc tiền dù đẹp hay xấu, hợp hay không hợp cũng làm họ có cảm nghĩ quan trọng hơn, quan trọng bởi được người khác chú ý. Có một cô bé tuổi mười lăm, mẹ đi chợ "Hudson" mua chiếc áo mưa hai đồng, cũng cùng loại hàng được bày bán tại "Gayfer" nhưng nhất định cô ta không mặc chỉ vì biết mẹ mua ở Hudson... Mua chỗ rẻ tiền có lẽ làm cho người mặc có cảm nghĩ mình không đáng giá... Chú nhỏ bận đồ như thế cũng không có gì đáng nói, nhưng bộ tóc của chú mới chứng tỏ lắm công phu... Bên trái thì dựng đứng lên và xòe ra như cánh quạt giấy mở rộng, còn bên kia lại bị cắt lẹm tới da đầu. Nếu nhìn từ phía trái, đầu chú có hình thể giống như mặt trời mọc với những tia sáng màu đen hoặc nếu không tưởng tượng như thế, nó lại giống hình con nhím đang sù lông nếu nhìn từ phía sau đuôi...
- Ôi thôi cha ơi, cái đầu gì mà như con nhím, coi phát ghê! Nhà con, có lần thằng Tín chải kiểu đó, con xáng cho một bạt tai...
Tóc tai các cô mới cả là một kỳ công! Người thì nhỏ, tóc chải bồng bềnh đội lớp nhau cao lên ngất ngưởng tưởng chỉ một cơn gió nhẹ là bay tiêu tán. Không đâu, keo xịt tóc gắn cứng như có lớp fiber-glass dán chặt... Có cô chải rối ngược về phía sau nửa phần gáy; phía trước cố ý để lòa xòa rã rượi như người chết trôi. Kẻ tém bên này, người cột bên kia; thôi thì đuôi gà đuôi ngựa, heo, bò... đủ kiểu, nhiều cách. Chắc các cô chải tóc quen hàng ngày nên cũng chẳng tốn giờ là bao. Cách trang điểm mới đáng nói... Nếu chỉ sơ sài cho tăng thêm vẻ mặn mà tự nhiên thì nào có chi bận rộn... Đàng này, một bà vấn tóc, quần là áo lượt như một mệnh phụ phu nhân, cái môi sơn đỏ chói, và rồi hai con sâu róm được quét màu nâu ở phần chân mày nằm chình ình phía trên hai gò má bôi phấn đỏ au như mới bị ai đánh... Bé em nào vô tình nhìn thấy cũng phải giật mình nín thở không dám khóc vì sợ. Chưa hết, người khác, móng tay móng chân nào xanh, nào đỏ, nào tím, nào nâu kèm theo những cặp môi được tô đỏ chói hoặc tím lịm như tiết lâu ngày đông đặc... thoạt mới nhìn đã thấy e ngại...!
- Cha coi, người gì mà phấn son lòe loẹt trông giống như con ma... Tay chân thì móng vuốt dài ra cả tấc chẳng khác gì mụ phù thủy... lại ăn mặc không biết kiểu cách là gì, cứ y như trò múa rối... mà sao chẳng thấy cha nói gì... Bà cụ Hà cũng có lần nói với cha.
- Có thể lúc đánh phấn chị ta không bật đủ ánh sáng đèn nên không nhìn rõ do đó tô màu bị đậm quá chăng... Bà cụ nghĩ coi, nói sao được bây giờ, chẳng lẽ cha lại đi dạy các bà các chị trang điểm hay sao; mà thật ra cha có biết gì về trang điểm đâu...
- Cha phải bảo người ta ăn bận cho đàng hoàng chứ nơi nhà thờ nhà thánh mà ăn mặc nhố nhăng như thế còn gì là nơi thờ phượng...
- Bà cụ nhớ lại coi, ai không thích mình đẹp, ai không muốn được để ý. Nếu ngày xưa khi còn con gái bà cụ có phấn son chắc cũng không từ đâu...
- Nhưng thời ấy chúng con không quá như bây giờ...
- Thế ra ngày xưa cụ cũng biết làm dáng cơ đấy... Thật ra, chẳng quá như bây giờ nhưng quá thời bấy giờ... Thôi tôi phải vô tòa giải tội, có lẽ người ta đang chờ...
Không hiểu người ta trang điểm để che bớt nét xấu hay để làm đẹp hơn! Mà dù với chủ đích nào thì cũng đã tự chứng tỏ nhược điểm tự ty mặc cảm chưa hài lòng với chính mình hoặc muốn che dấu bớt những gì e sợ người khác biết. Tuy nhiên, càng cố gắng trang điểm thì lại càng chứng tỏ sự yếu kém bởi khoảng trống rỗng nội tâm mong tìm một vài hình thức bên ngoài che đậy. Ngược lại, càng cố tình che đậy bao nhiêu chỉ càng thêm vẻ lố bịch bấy nhiêu bởi bị loại ra khỏi những nét tương đồng bình thường của những người chung quanh. Thế mà trang thì cứ trang; điểm đâu chẳng thấy chỉ mất giờ sửa soạn. Kể cũng lạ, phụ nữ thích chạy theo thời trang đến nỗi quên mất cả hạnh phúc mình đang có để phục vụ cho những chuyện chóng qua, nay còn mai mất. Họ đâu biết rằng sự ham thích này chỉ phục vụ cho niềm kiêu hãnh nhất thời bởi thời trang làm con người chấp nhận nhiều điều dại dột... và sự dại dột lớn lao nhất là trở thành nô lệ của nó.
Ấy, người ta ăn mặc, vẽ vời đủ kiểu đủ cách thì chẳng sao; mà đôi khi cha thấy quá lố lăng, lên tiếng nói, có được lòng người nọ lại mất lòng kẻ kia. Cha nói; quí cụ hả hê, bàn tán, lắm lúc bớt ra thêm vô trong khi nhóm trẻ choai choai, xồn xồn khó chịu bởi có cụ không hiểu vì lý do gì, nóng sốt đúng lúc gặp cảnh chướng mắt, vạch mặt chỉ tên người có lối ăn mặc không hợp nhãn quan của mình. Đã vậy vẫn chưa đủ, có cụ còn kéo cha vô cho lý luận của mình thêm hùng hồn:
- Cha đã dạy mà không biết nghe theo, đồ quân mất nết...
Cha đâu dám nói ai mất nết; thế mà cũng chỉ vì bị cụ già nói đụng chạm đến giữa chốn công cộng, một chị xồn xồn nào có kém chi việc đánh đáo lưỡi:
- Tôi đi nhà thờ nghe cha giảng dạy mà, thế ra cụ bảo cha dạy tôi mất nết?
Cụ già chưng hửng chẳng còn biết nói sao vì cái miệng lém lỉnh quá quắt ấy, chỉ còn cách lẩm bẩm:
- Thời ngày nay luân thường đảo ngược; ăn mặc nhố nhăng như thế sao Chúa không trừng trị!...
Cụ già đáng tuổi ông bà cha mẹ mà còn bị bẻ quẹo xóc óc như thế phương chi là cha, cả ngàn con mắt để ý. Gặp ai quá quắt lắm, cha đành tìm cách nói riêng, mà phải nói sao cho nhẹ nhàng, lọt tai chứ nếu không cũng khổ... Người ta thường nói "Một người làm quan cả họ được nhờ," nhưng làm linh mục đối với xã hội Việt Nam thì một người làm cụ nhiều khi cả họ bị vạ lây. Khi những chuyện không nên không phải cần được sửa sai, lại gặp cảnh đầu bò đầu bướng chẳng những ông bà cố cha bị vạ mà nhiều khi dây dưa đến cả họ hàng. Lẽ đương nhiên, đã là người nào có ai tránh thoát những điều không nên không phải đôi khi dù là cha hay dù là con. Thế mà đụng những chuyện nên nói, cần nói may ra mưu ích được phần nào làm đẹp cộng đồng, cha lại càng cần suy trước xét sau bởi nếu chẳng may chuyện không nên không phải đó đã xảy ra nơi gia đình hoặc họ hàng thân thuộc nhà mình, cha chỉ còn nước ngậm tăm. Nói ra chẳng bị ngựa đá cũng bị gậy ông đập lưng ông.
Nhớ lại chuyện cha Hùng ở Virginia, cũng vì giảng mà sinh ra chuyện bứt dây động rừng. Thấy trong đám con chiên có nhiều người đua đòi ăn mặc theo thời trang đến độ lố lăng quá mức đồng thời quí cụ ông cụ bà cứ nhè cha kêu ca... người thì canh chừng sau giờ lễ nói tối tăm mắt mũi; kẻ gọi điện thoại đổ hết lỗi tại cha không nói nơi nhà thờ khiến người ta cứ tưởng hay tưởng giỏi nên càng ngày càng trở nên lố lăng... Mặt khác, đâu phải cha Hùng không làm không nói; nào là khi thì gọi điện thoại nói riêng, khi thì gặp nơi nhà thờ ngài nhẹ nhàng nhắc nhở từng người còn thiếu điều năn nỉ... Hơn nữa, đâu phải cứ cha nói là mọi người nghe theo! Vâng, cũng được một số khá đông thấy cha nhẹ nhàng giải thích, thông cảm tự động sửa đổi. Tuy nhiên, vẫn còn không phải là ít người cứ chứng nào tật nấy hình như không thèm nghe hoặc cha chưa có thể gặp được mà nói. Dẫu đã cố gắng rất nhiều nhưng chuyện gì không thế, đâu phải trong một ngày mà giải quyết hết được... Đàng khác, thay vì quí cụ về nhà răn dạy hoặc ngăn cấm con cháu thì đỡ cho cha biết mấy; đàng này, dạy con cháu không thèm nghe, quí cụ quay ra cứ nhè cha mà trút gánh nặng để rồi cuối cùng bởi thấy cố gắng nói riêng từng người của mình đem lại kết quả quá chậm trong khi phải tốn biết bao nước bọt giải thích... ngài đưa ra vấn đề ăn mặc trong một bài giảng. Và thế rồi ngay sau lễ, vừa về tới nhà xứ đã có người gọi điện thoại với giọng bực tức...
- Chúng con có đụng chạm gì đến ai đâu mà cha đem chúng con lên tòa giảng đấu về vấn đề ăn mặc... Con thấy mấy chị gì đó, cháu cha, ở New York ăn mặc có sao đâu!
- Chị làm ơn thông cảm; quí cụ nói tôi đầy tai... Ai đời nào các chị ăn mặc trong khi quí cụ cứ coi tôi như thùng rác... muốn quăng cái gì vào đó thì quăng... mà lại chỉ quăng những gì không muốn giữ... Chị thử nghĩ xem, người khác phơi ra sao các cụ cứ nhè tôi mà nói. May mắn, cha Hùng là người dễ tính, gặp chuyện gì dù khó đến đâu ngài cũng nhẹ nhàng kiên nhẫn giải quyết.
- Tụi con ăn mặc thế chết chi ai; tụi con có thuê họ nhìn đâu; hơn nữa tụi con đâu có mượn mấy ông bà già chỉ bảo cho cái kiểu lôi thôi lếch thếch bùm đầu bịt cổ như con rùa...
- Chị nói con rùa bùm đầu bịt cổ làm sao? Ngài cố nín cười ra bộ ngây ngô hỏi lạc hướng cho nhẹ câu chuyện.
- Con đâu có nói con rùa bịt cổ mà bịt cổ như con rùa.
- Chị muốn nói con rùa gì, nó như thế nào? Hay con ba ba...
- Cha lại còn ngạo con... Đến lúc này chị đã biết ngài cố tình diễu tránh căng thẳng.
- Chị thử nghĩ coi, chị cũng có thể được gọi là con cháu quí cụ. Tôi đã nói với quí cụ về dạy bảo con cháu nhưng quí cụ lại than thời này sắp tận thế rồi nên nói con cháu không nghe; phải cha nói mới nghe... Cha vừa mới mở miệng thì gặp chị đang nghe; may mắn chị thông cảm đỡ phần nào hay phần ấy nhưng chắc chắn sau khi nói chuyện với chị thế nào cũng còn một số người khác gọi phôn lại. Người càm ràm cha không dạy; kẻ không muốn nghe về vấn đề ăn mặc... viện cớ đến nhà thờ chỉ để nghe Lời Chúa... Chị có thể đề nghị dùm tôi một câu trả lời cho tất cả các trường hợp không? Tôi sẽ thâu ngay vào máy trả lời điện thoại để không ai phải tốn công răn dạy cha...
Cái giọng đanh đá bên kia đầu dây cười như nắc nẻ mang phần nào tính chất dễ dãi vì được cha am hiểu...
- Con xin lỗi cha tại con bực bội với mấy cụ già cứ lườm nguýt nói này nói kia. Có người xa xả nói đốp ngay vào mặt con đã nhiều lần... Cha xem, họ quê mùa mà cứ lên mặt thày đời. Ban nãy, vừa bước ra khỏi hàng ghế đã có bà cụ nói toáng lên: "Thứ gái nỡm, cha đã giảng vậy mà còn cứ phơi ra." Cha tính coi, cha vừa nói xong nơi nhà thờ thì con đâu đã làm được gì! Con tức quá, nói ngay vào mặt bà cụ đó: "Bà muốn tôi tốc váy lên để che hay sao mà nói thứ gái nỡm; ai mượn bà nhìn!..." Thôi, cha thông cảm nghen, tại con tức với bà cụ ấy quá nên cứ nghĩ do cha giảng làm con bị chửi...
- Tôi nghĩ chuyện cũng chẳng có gì đâu nhưng khổ nỗi quí cụ xưa rầy không quen thấy những điều khác lạ nên khắt khe. Ngay mấy đứa cháu tôi ở tiểu bang New York như chị biết đó, tôi đã nói mà chúng có nghe đâu... Thiệt là tréo cẳng ngỗng, nói cũng khổ, không nói cũng khổ... Đấy, muốn nói ngoa làm con cha mà nói... Chào chị thôi, tôi đi kiếm miếng cà phê cho tỉnh người may ra đủ sáng suốt trả lời điện thoại...
- Sao cha không gác phôn để khỏi bị làm phiền hà...
- Chị vừa thấy đó, tôi năn nỉ xin thông cảm còn không xong nói chi đến chuyện gác với kê; cha mà, có phải năn nỉ cũng chỉ là chuyện thường... bởi hơn nữa, gác phôn lỡ có chuyện cần kíp người ta gọi tới không được thì biết ăn nói sao sau này... Thôi, chào chị...
- Vâng, chào cha... Cha tha lỗi cho con nghe; bây giờ con học cha năn nỉ đó...
- Không có chi đâu, chào chị.
Kể cũng thậm chí phiền cho linh mục trong vị thế lãnh đạo giữa chốn chín người mười ý. Ai cũng nhận thấy một vườn hoa nếu trồng nhiều thứ bông khác nhau người ta sẽ được chiêm ngưỡng nhiều màu sắc và vẻ đẹp khác nhau. Ngược lại, thường tình ai cũng muốn có một khuôn mẫu về hình thức cũng như luân lý để theo cho dễ dàng và tiện lợi hơn, tránh khỏi những phiền toái, thay đổi nhiều khi du con người vào thế tiến thoái lưỡng nan. Thế rồi thay vì suy nghĩ, kiếm tìm cho mình một đường hướng phần nào phù hợp với những người chung quanh hầu có thể được  chấp nhận thì chính mỗi người lại lấy quan điểm riêng của mình làm mẫu mực cho những người khác. Như thế, thay vì đắc nhân tâm là làm đẹp lòng người khác lại muốn người khác rập vào khuôn mẫu sao cho hài lòng hoặc phù hợp quan niệm của mình để rồi nếu ai không giống mình thì phê bình, chê bai nhiều khi đến độ phỉ báng. Thật ra, sự chê trách, kết án có bao giờ giúp ích gì cho ai mà chỉ gây lòng bất mãn hoặc tạo thêm mầm mống đối kháng. Bởi vậy, cho dù viện lý lẽ, dù dựa trên những quan điểm luân lý hay lối nhìn nào chăng nữa để giải thích thì cha Hùng cũng đã bị du vào thế tiến thoái lưỡng nan. Giải thích một chiều theo kiểu mẫu đẹp lòng quí cụ thì trở thành kết án giới xồn xồn, choai choai, nhưng không nói để thiên hạ cứ đà này phô bày theo trào lưu ăn diện thì nhà thờ trở thành chốn trình diễn thời trang... có thể còn tệ hơn thế nữa, chốn biểu diễn những phần thân thể cần được che kín... Bởi vậy trong vị thế lãnh đạo, nhiều khi trả lời như không trả lời; nói cho qua... để rồi âm thầm nghiền ngẫm câu "Ở sao cho vừa lòng người..."
Từ đó suy ra, linh mục nơi vị thế làm dâu trăm họ muốn đắc nhân tâm cũng không được vì nói cũng phiền, chẳng nói cũng phiền... Cây muốn lặng mà gió nào ngừng và cho dù muốn lựa gió phất cờ thì chỉ gặp gió lốc... Khi hai luồng gió đối nghịch đập thẳng vào nhau, cờ chỉ còn nước rách tan... Cha Lành thở dài... Đến ngay như Chúa ngày xưa mà còn không thể nào làm đẹp lòng hết mọi người để rồi bị la ó, ném đá và cuối cùng bị đem đi đóng đanh thì mình có lẽ sẽ còn phải đối diện với nhiều màn rắc rối... Nói rằng theo Chúa mà không chấp nhận thập giá phải chăng đang tự lừa dối chính mình? Nhưng theo Chúa thì sẵn sàng mà đối diện với thập giá lại cứ thấy ngại ngùng muốn tránh thoát... Làm chi có con đường nào dẫn tới phục sinh không qua cầu tử nạn... Cả một sự đối nghịch hấp dẫn... ai cũng muốn sống lại vinh quanh trong khi nói đến chuyện chết thì cứ cầu xin chết nơi đâu cũng được, miễn là đừng chết đến mình mặc dầu vẫn biết không ai thoát chết... Thế cho nên cứ hằng mơ ước sẵn lòng theo ý Chúa trong khi lại cầu xin lần lữa cho điều mình không muốn chậm xảy đến giống như câu chuyện một cha bạn. Ngài có bà bác tốt lành, ngoan đạo, bất cứ chuyện gì cũng nói rằng xin vâng theo ý Chúa. Được cái gia đình bà đề huề, làm ăn khấm khá và con cái cũng ngoan ngoãn, biết thương mến và giúp đỡ cha mẹ tận tình mặc dầu họ đã yên bề gia thất. Chẳng may một hôm không hiểu vì lý do gì bà bị sưng hết cả mặt mũi tay chân, chừng như bị sơn ăn phải đưa vào nhà thương. Cha bạn ghé qua thăm và hỏi "Bác đã sẵn sàng về với Chúa chưa?" vì bà rất sợ chết... Vừa nghe đến về với Chúa, bà vội trả lời: "Để thủng thẳng đã..." làm ngài phì cười khiến bà nhận ra cha cháu diễu mình. Bà quê quá mắng yêu: "Thằng cháu cha dám ngạo bác..."
Song song với sự phê phán cách ăn mặc của những người chung quanh, các cha cũng không thoát khỏi miệng người đời chê trách, chẳng những thế, lại còn bị mang ra mổ xẻ giữa chốn công cộng, nơi những bàn ăn hoặc lúc chuyện vãn để phê bình. Trời nóng, nắng như đổ lửa, cha có mặc chiếc áo sơ mi trắng ngắn tay cho mát thì đã có người vội đặt câu hỏi có phải mặc thế, ra đàng không ai biết đấy vào đâu cho dễ làm ăn! Chẳng lẽ bao nhiêu người mặc như vậy cũng chỉ cho dễ làm ăn...?
- Cha phải mặc áo đen có cổ chứ mặc như thế làm sao ai biết để chào!
- Chào hay không nào có chi khác đâu; trời thì nóng nực mà mặc áo đen chẳng khác chi ở trong chiếc nồi rang, chịu đâu nổi!
- Thì ít ra cha cũng nên đeo cái cổ vô cho có vẻ cha một chút...
- Không sao, chẳng cần ra vẻ cha nào có thiệt thòi chi; mà đã là cha lại còn làm ra vẻ cha thì là vẻ chi?
- Nhưng mà cha thì phải ăn mặc giống cha chứ đàng này cha mặc áo không có cổ...
- Có đấy chứ, cái đầu còn đang dính vào cái thân mình mà nói không có cổ... Cha Lành nghĩ, cho dù ăn mặc thế nào cũng không thể vừa lòng được mọi người; thôi đành chấp nhận ngây ngô trả lời theo lối đổ bùn sang ao cho đỡ phiền...
Cũng có cha ăn bận chỉnh tề, quần áo tóc tai chải chuốt một chút thì lại cho rằng làm đỏm, giựt le... "Các cha không nên ăn diện..." Người cho rằng cha phải ăn mặc đẹp, kẻ quan niệm các cha phải khó nghèo... mà đâu có kiểu nào chung cho vừa mọi cặp mắt... Đàng nào cũng khó tránh được chê bai; thôi thì im lặng làm hài lòng chính mình là tốt nhất; có cố gắng theo kiểu mẫu của người này thì lại mất lòng người kia và đàng nào cũng mất lòng chính mình.
Sự chấp nhận im lặng may ra phần nào đắc nhân tâm lại đòi hỏi nhiều cố gắng nuốt trôi cảnh khó có thể mang... Giáo Hội đâu cấm rước lễ bằng tay; thế mà nhiều người cứ cố chấp cho rằng rước lễ bằng tay là điều thất kính với Chúa, mà phải bằng miệng. Ngày xưa, giáo dân quỳ hàng dài rước lễ, thấp hẳn xuống, rước lễ vừa nhanh vừa đỡ làm tội các cha. Ngày nay, giáo dân hai hàng đi lên, cha đứng đó, phải chịu hằng trăm thứ hương hoa... Hôm nào gặp thời tiết thay đổi, có những loại phấn son gây dị ứng với cái mũi, cha mới thậm chí khó chịu bởi cái mũi đâu chịu nghe theo sự sai khiến của tâm não. Son phấn làm phiền chưa hết... Nhiều người không để ý đến hơi thở của mình mới thật là cực hình, trong khi chợ bày bán muôn thứ nước súc miệng lại không thèm dùng, cha chỉ còn cách nín thở... Đúng là trọng kính Chúa đôi khi làm khổ cha. Mà cha nào dám nói; có nói tại nhà thờ chỉ sinh thêm muôn thứ tội... tội càm ràm... Lúc còn học nơi đại chủng viện có lần ghé thăm gia đình người anh họ nhân nói chuyện liên quan đến việc rước lễ, ông anh họ phát biểu:
- Tôi không thể nào chấp nhận giáo dân cho rước lễ. Đụng đến Mình Thánh Chúa, tay chân phải sạch sẽ chứ đàng này tay các ông ấy cũng như tay tôi, thật cả là một sự bất kính...
Nhớ lần đến thăm gia đình anh chị Tư sau Thánh Lễ phục tang bố chị mới qua đời tại Việt Nam. Một người trong bàn ăn đưa ra vấn đề về các ông các bà thừa tác viên thánh thể... Chị Tư oang oang kể lại câu chuyện trong lúc lễ giữa hai vợ chồng sau khi anh Tư lên rước lễ trở về chỗ ngồi thấy chị vẫn còn quỳ đó:
- Sao em không lên rước lễ?
- Thôi, không lên đâu, cha không cho rước lễ mà ông Huỳnh nên em không lên... người gì mà gớm ghiếc, cái mùi thuốc gián nồng nặc nơi quần áo lại xức thứ nước bông rẻ tiền cộng thêm mùi rượu làm người chịu lễ cũng phải say...
- Rước lễ là rước lấy Chúa chứ em có rước ông Huỳnh đâu mà sợ...!
Một ông ủy viên thánh thể chỉ cho rước lễ mà còn bị để ý từng chút phương chi là linh mục. Hơn nữa, cùng lắm, nếu mọi người không chấp nhận, ông ta nghỉ giúp là huề. Linh mục trái lại, thái độ, cách ăn mặc hoặc ngay cả đến tâm tình nhiều khi không được phản ứng theo ý tự nhiên của mình mà có chăng chỉ là sự âm thầm chịu đựng.

 

Luật đạo và luật đời cũng lắm lúc trở thành thế trên búa dưới đe đập cha ở giữa cho xất bất xang bang không biết làm sao phân giải tạo nhân hòa. Ai mà không hiểu thái độ và lối sống thân tình của người Việt giúp cho tình bằng hữu và anh em họ hàng gần gũi nhau hơn. Lắm trường hợp anh chị em họ xa lắc xa lơ mà vẫn còn thân thiết như ruột thịt, đến lúc hỏi ra mới biết ông cố ông kỉnh của đôi bên là anh em ruột mà thôi. Bởi tình cảm họ hàng đằm thắm như thế nên luật "họ máu" được coi rất trọng trong gia tộc người Việt. Chẳng những thế, ý thức sống liên đới và ảnh hưởng danh dự cá nhân tới họ hàng giòng tộc được coi trọng như chính mạng sống của một người hay gia đình. Quí cụ quan niệm, dù anh chị em đôi bên bốn đời theo hàng dọc vẫn không được phép lấy nhau. Mặc dầu nói không được phép nhưng quí cụ cũng chẳng biết phép tắc này từ đâu ra, chỉ biết không được phép. Cứ như phép này thì ông bà sinh ra bố mẹ; bố mẹ sinh ra con cái; con cái sinh các cháu; các cháu sinh hàng chắt và dẫu cho tới hàng chắt vẫn chưa được lập gia đình với người ngang hàng trong họ, chắt của ông cố bác hay cố chú hoặc cô; chỉ từ hàng chút tức là con cái của hàng chắt tính theo hàng dọc đôi bên mới có thể được chấp nhận để lấy nhau; ấy vậy mà vẫn còn được cho là gần. Đàng này Giáo Luật cho phép bốn đời hàng ngang. Anh em ruột đếm một, hai; con cái của anh chị và con cái của em đếm ba, bốn. Những người ngoài bốn hàng này đều được phép lấy nhau ngoại trừ hàng dọc họ máu... Quí cụ không thể nào chấp nhận được Giáo Luật vì cho rằng như thế còn quá gần, gần như anh em ruột.
Làm sao quí cụ có thể chấp nhận được một người con trai, một người con gái còn đang phải gọi hai anh chị em ruột là ông và bà mà có thể lập gia đình với nhau... Và lý của quí cụ thì cho rằng loạn luân. Mặc dầu thế, sự đến vẫn đến để rồi cha lại bị lâm vào thế quan tòa; nói được bên này, bên kia không chịu; chỉ còn mình cha chịu, chịu mỗi bên nắm một tay thi nhau kéo, chịu bị xé tan... Hai cụ là anh em ruột, thế mà ai đời nào thằng chắt trai của người em thương ngay con chắt gái của ông anh... Kể ra chúng cũng giỏi, mới thương nhau khơi khơi ra đấy mà con bé thấy mau lớn hẳn lên, lớn như thổi, lớn bề ngang... Ông bà, cha mẹ, họ hàng đua nhau cấm cách, chửi mắng, xỉ vả hai đứa trẻ mới lớn chẳng may có hai con tim cùng vội nhịp đập; cấm muộn! Hai bên cha mẹ, anh chị em con chú con bác ruột bị chỉ trích không biết dạy con cháu; thật phiền, chỉ trích người ta không biết mà chẳng ai dạy dùm sớm sớm để khi nói ra thì đã lỡ, lỡ toang cả ra, chẳng những cả họ trong mà còn cả họ ngoài, mọi người đều biết hết. Đôi trẻ chạy vô cha thú tội cho xong may ra cha chỉ cách giải quyết; cha bảo không có gì ngăn trở hai con cưới nhau theo Giáo Luật. Hí hửng về nhà, đôi trẻ mang cha ra làm lý lẽ bào chữa thì quí cụ trả lời không chấp nhận Giáo Luật ấy viện cớ Giáo Luật gì mà cho hai đứa còn đang anh em họ hàng được lấy nhau rồi quen miệng ca lên: mỗi cha một lý đoán... hoặc cha làm như vậy thì loạn hết! Thế là quí cụ cũng vô cha, vô để nói luật ngày xưa không cho phép...
Đôi trẻ gọi điện thoại xin cha giúp; đôi bên họ hàng xin cha khuyên nhủ trẻ bỏ nhau; cha không tìm ra chữ bao gồm cả hai nghĩa bỏ và giúp... chỉ còn nước chấp nhận nghe, nghe giúp và nghe cấm... Cuối cùng có cấm thì cũng đến lúc một em bé kháu khỉnh ra đời... Thế mà đôi bên vẫn cấm, cấm không cho lấy nhau đợi ngày đôi trẻ đủ 21 tuổi tự động đưa nhau ra tòa án lấy giấy phép thành hôn... Phần cha, bất lực bởi bị kẹt giữa Giáo Luật và quan niệm dân luật... tạm gọi là xa xưa cho vừa lòng quí cụ... Cũng cùng cái chuyện bốn đời hàng ngang mà một tờ báo mang danh Công Giáo đăng lên với đầu đề: Tin Vui Cho Bạn Trẻ... và thế là quí cụ không chấp nhận, không thèm mua báo ủng hộ nữa... lại còn cho rằng báo rối... Báo mới đăng lên đã bị cho là rối; cha muốn kiếm con đường nhân hòa thì lại không hy vọng gì có đường nào liên kết nổi giữa nước và lửa; có chăng, nhân hỏa thay vì nhân hòa khiến cha trở thành bên nóng bên lạnh... Đắc nhân tâm đâu chẳng thấy, thấy bị cả hai bên đập mình đứng giữa cho đúng với câu dưới đe trên búa!
Chẳng những sự tương phản giữa luật đạo và luật đời làm cha rối tơi bời; quan niệm về lời ăn tiếng nói, phong cách xưa và nay hoặc những chuyện ngoài ý muốn xảy ra đẩy cha vào thế đứng giữa chịu trận dù có muốn làm hài lòng hết mọi người cũng không thể nào tránh thoát sự phiền toái như rơi vào đám bùn lầy càng cố gắng ngoi lên càng lún sâu mà chẳng ngoi ngóp rồi cũng bị lún. Chẳng nói chi nhiều, ngay thái độ, cách ăn nói của cha cũng trở thành khối hỏa mù chính cha là nhân vật bị quay mòng mòng lại cần để ý từng li từng tí sao cho đẹp lòng quí cụ, thoải mái giới thanh niên, và được chấp nhận nơi nhóm trẻ.
Mới chịu chức được mấy tháng, bởi suốt tám năm sống nơi nhà trường Mỹ quen thói ăn nói thoải mái với bạn học đồng lứa và lối sống cởi mở chân thành nơi chủng viện, cha Lành cũng tưởng mọi người đều giống nhau... Đến khi ngồi ăn uống với mấy cụ, những cụ biết rồi thì không sao; quí cụ mới gặp cho rằng cha gì mà ăn nói không biết phép tắc. Nào có chi đâu; cụ làm trùm, làm trương thời xửa thời xưa, thời mà cha còn đang trong trứng nước thì sao có thể biết để gọi cụ là trùm, là trương để xưng hô đẹp lòng quí cụ, thế mà cũng bị nói không biết phép tắc. Có lúc nâng ly với đám thanh niên, quí cụ nói cha không có oai; "ai lại cha cụ ăn nhậu như người đời!" Người nào chẳng là người mà nói đời với tu... Bài học vỡ lòng ở sao cho vừa lòng người khiến cha quýnh quáng... quí cụ muốn gì!... Thế nào là phép tắc theo ý quí cụ... và làm sao để chỉ một lối sống phù hợp với hết mọi người...? Nếu đối với quí cụ phải ăn nói, đối xử theo kiểu này, thanh niên phải kiểu kia; người địa phương này phải thế khác; người địa phương kia lại phải thế kia... nào là cách thức này, cách thức khác cứ như con tắc kè thay đổi màu da tùy nơi chốn... mà thay đổi cấp thời vài lần chỉ còn nước lăn quay ra chứ đừng nói tới đắc nhân tâm hoặc hài lòng mọi người. Rõ khổ, đắc nhân tâm được hết mọi người thì lại chẳng thể nào sống hài lòng cho chính mình. Đúng là đắc người, thất mình.
Người xưa đưa ra ba yếu tố: Thiên Thời, Địa Lợi, Nhân Hòa. Nếu đã thiên thời đâu cần làm chi? Trời đã phù mắc mớ gì nhọc sức! Nếu địa lợi, tiền của tự nhiên kiếm người, nào ai cần năn nỉ ai cho hoài nước miếng. Ngược lại, dẫu yếu tố nhân hòa tuy được xếp hàng thứ ba mà vẫn có thể tạo dựng được thiên thời và địa lợi bởi "ý dân là ý Trời." Một điều ngoắc ngoéo, nhân hòa như thế trở thành yếu tố chính lại là điều khó thực hiện dẫu chỉ 60%. Ai có thể được lòng hết mọi người? Cầu mong sao nửa nọ nửa kia là đã quá ư thành công rồi. Hơn nữa, nếu được lòng hết mọi người mà chưa được lòng chính mình cũng vẫn còn nửa nọ nửa kia; đàng nào thì cha cũng vẫn phải đối diện với ngõ bí... Phải thực dụng điều mình không được học.
Suốt bốn năm đại học và bốn năm thần học nhà trường chỉ dạy những chuyện trên trời không thể rờ tới được. Dù được học thần học những bốn năm, đến khi bắt tay vào thực tế, những vấn đề thần học phải dùng đến thì ít mà biết bao chuyện không bao giờ được dạy dỗ, linh mục lại phải thực sự đương đầu. Nào mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế cứu chuộc, phép bí tích... bài vở chồng đống, học ngày học đêm rồi nào bài thi, nào bài viết nào có bao giờ thấy dân chúng kêu ca, hỏi han gì đến. Ngược lại, vấn đề tiền bạc, nếu cha không biết làm cách nào kiếm tiền để trả bill thì chỉ còn nước dài cổ ra năn nỉ con chiên giúp đỡ. Năn nỉ chứ không dám ra lệnh bởi càng ra lệnh, giáo dân càng không nghe. Ai không hiểu đồng tiền liền khúc ruột! Cuộc đời này tự do mà, ai cũng muốn làm chủ quyết định cuộc đời mình nhất là quyết định cho tiền hay không. Thật ra, cha năn nỉ, con chiên nhận biết rộng tay thì êm chuyện; cha hò hét, con chiên chán ghét không thèm đi lễ lại càng khổ. Thậm chí có trường hợp nói quá, con chiên trả lời bằng cách bỏ đi nhà thờ khác thật đau lòng. Có ai bị đứng trong thế chẳng đặng đừng ấy mới thấy làm linh mục oai đến độ nào. Nếu cái máy lạnh, máy hít năn nỉ mà nó chạy không cần điện, có lẽ hạnh phúc cho cha biết mấy... Phải đối diện với điều chẳng bao giờ được dạy bảo, chỉ dẫn này, lắm lúc cha ước muốn Chúa làm phép lạ như chuyện ngày xưa trong Kinh Thánh, cho tiền rơi vô nhà thờ thay vì mana cho dân Chúa. Kể ra đôi khi cũng phiền, cha chỉ được truyền chức để truyền phép bánh và rượu thành Mình Máu Chúa; nếu được ban thêm cách thức truyền phép biến giấy trắng thành giấy xanh có hình ông Washington có phải là oai vọng biết mấy không! Biết truyền phép đạo mà không biết truyền phép đời, đành năn nỉ đến sút mồ hôi!