ừng tưởng chỉ lo sao cho có đủ tiền chi phí, được lòng mọi người là cha có thể an phận! Một vấn đề thiết yếu để hướng dẫn cộng đồng dân Chúa là vấn đề lãnh đạo cha lại cũng chẳng bao giờ được học hành chi! Nơi trường thần học, ai dạy ngành điều khiển? Bởi không được học, không để ý về tâm lý của dân Chúa được gom góp bởi đủ mọi giới người từ trẻ tới già, từ mù tịt "không biết chữ nhất là một," cho đến kỹ sư bác sĩ; thực tại rắc rối này đã khiến hầu hết các cha nản lòng trong những ngày đầu đời bước vào cuộc sống linh mục. Với một tập thể bao gồm những trình độ kiến thức và tuổi tác khác nhau như vậy, làm sao có thể nói cho được dù chỉ một câu thuận tai hết mọi người? Nói cho giới bình dân dễ hiểu thì lại lòng thòng, lặp đi lặp lại đối với những người có trình độ học vấn khá. Nói ngắn gọn đôi khi cha phải đối diện với những xôn xao bởi lời nói bị hiểu lầm nhiều lúc đầy vẻ cố tình; nào diễn giải, thêm mắm thêm muối đầu voi đuôi chuột vì có người thích diễn giải nhưng lại ưa thêm lý luận để chứng tỏ mình hay, mình giỏi... khổ nỗi, những lý luận dường như tự trời rơi xuống bởi chính người dùng nó có thể cũng không hiểu tại sao mình nói... Hơn nữa, cha được sai đến một nơi xa lạ khác kiểu nói và đôi khi khác luôn cả nghĩa chữ địa phương thường dùng nên lắm lúc sinh nhiều chuyện ngậm bồ hòn làm ngọt. Có một thày kia, hôm ấy được đi theo cha ăn cơm mời, xảy ra chủ nhà có cô con gái khá xinh bỏ nước đá vô ly trước khi rót bia. Ngồi yên không nói gì đôi khi cũng ngượng, thấy cô bé xinh xắn ấy gắp nước đá bỏ vô ly mình, thày khen: cô gắp nước đá khéo quá. Chỉ có thế mà chủ nhà cố tình cho rằng thày ăn nói tục tĩu. Lỗi bởi thày hay bởi chủ nhà bị tiêm nhiễm nặng những truyện nói lái Trạng Quỳnh?Thực ra, nghề lãnh đạo đòi hỏi không những khả năng mà còn cần nhiều kinh nghiệm sống. Đối diện với thực tại muôn mặt và thay đổi tùy hoàn cảnh, lối sống, người lãnh đạo cần có khả năng bao quát và những hiểu biết thực tế. Muốn thành công và làm việc hữu hiệu, chính người dẫn đầu lại cần am hiểu cuộc đời vì đâu ai dại chi thuê người không biết gì về sóng nước lái con tàu lênh đênh trên biển cả. Vả lại, thực tế cho thấy, đâu thiếu gì kỹ sư điện bị điện giật chết; kỹ sư điện đâu được huấn luyện để sửa điện mà ngồi văn phòng tính toán phương án cho cán sự điện thực hiện. Xét như vậy, linh mục đâu phải được truyền chức để đứng chỉ tay năm ngón, bảo dân Chúa phải làm thế này, phải làm thế kia; nếu chỉ là người ra lệnh cho dân Chúa làm thì đâu cần đến kẻ ngu ngơ chưa bao giờ biết cảnh khổ cực của người dân chân lấm tay bùn cũng như chẳng bao giờ biết cảnh mệt mỏi của người mẹ thao thức cả đêm vừa lo lắng vừa chăm nom con thơ đau yếu! Linh mục làm sao hiểu được nỗi khó khăn của những người chồng lâm vào cảnh thất nghiệp, vợ con nheo nhóc; rồi nào nay nợ đòi, mai vợ con so sánh chồng người ta thế nọ, bố mẹ người ta thế kia. Thực tế mà nói, người dân phải đối phó với cả cuộc đời bon chen vất vả, những kinh nghiệm sống sao cho được lòng người này, người kia cũng như hàng xóm láng giềng, những cảnh khó khăn cười ra nước mắt hay cắn răng cố nuốt nỗi thù hằn khinh bỉ để đong đưa lời nói cho qua hầu mong công việc nhờ cậy được mau giải quyết tránh khỏi cảnh túng bấn, cơ hàn hoặc tai bay vạ gió... Những kinh nghiệm khổ sở phải trả bằng những giá mắc mỏ ấy chắc chắn đào tạo nên những người khôn ngoan mềm dẻo, dễ hòa hợp với thực tại rắc rối hơn. Lý luận như vậy, tất nhiên những người đó mới đáng ở ngôi vị chỉ tay năm ngón hơn là linh mục và chẳng có lý do nào đặt người không có kinh nghiệm, vốn liếng chỉ một mớ kiến thức thần học dẫn đầu cả một thực tại rắc rối muôn mặt.Có một cha bạn tổ chức tết cho cộng đồng; bởi cộng đồng không có ban nhạc, ngài phải nhờ anh chị em ca đoàn nơi khác về giúp. Đôn đáo, vất vả lái xe tới lui, nào đã hết, ngài lại còn phải năn nỉ vì vào dịp tết các chương trình đã được xếp đặt khiến ca đoàn khó có giờ nghỉ nếu giúp ngài. Cùng đi với ngài trên đường lái xe tới gặp ban điều hành ca đoàn, cha Lành hỏi thử:- Thế nhân viên điều hành cộng đồng đâu mà cha phải mất công lái xe vội vã gặp họ, rồi lại phải về dâng lễ chiều!- Họ chẳng biết xoay xở ra sao; kẻ bàn tới, người lại bàn lui chán cả ra!- Nếu để họ họp nhau phân chia công việc, mỗi người một tay một chân có phải mình đỡ mệt không?- Đâu có được, mình phải bảo họ làm, chứ để họ họp hành, chỉ mất giờ mà lại chẳng quyết định được gì. Suốt ba lần họp tháng trước, mỗi lần ba bốn tiếng đồng hồ mà chẳng nên cơm cháo gì, thôi thì mình làm quách cho xong.- Tôi nghĩ nếu trình độ dân chúng như thế, mình có lẽ nên cần thời gian để họ nhận ra khả năng của họ. Chẳng làm văn nghệ năm nay thì sang năm có chi đâu mà vội.- Nhận ra khả năng gì, chưa nhận ra khả năng thì đã thất bại, hao phí, tổn ải... hơn nữa, ngứa mắt...- Đâu ai chưa biết đi đã biết chạy! Họ cần những thất bại để sửa sai chứ làm sao có ai mới bắt tay vào một việc gì đã có thể thành công ngay được. Nếu mình cứ làm hết mọi việc thì sức đâu mà làm. Việc của mình đâu phải tổ chức văn nghệ văn gừng... Hơn nữa, một mình làm một ngày thì được bao nhiêu, nhưng nếu kiếm được mười người, mỗi người làm một tiếng có phải bằng mình làm hai ngày rồi không!- Khi cậu đụng chuyện rồi biết! Làm với người Việt không giống làm với người Mỹ.- Bác nói vậy thì biết vậy nhưng tôi nghi quá...- Thôi, bỏ qua chuyện đó đi...!Nghe đâu sau lần văn nghệ tết đó, giáo dân nơi cộng đồng cha bạn rủ nhau đi lễ Mỹ, còn lại chơ vơ hai, ba gia đình dự lễ Việt bởi quen biết đã lâu không nỡ bỏ. Lý do được họ nêu ra là cha không để giáo dân làm việc! Có thiện chí, có lòng nhiệt thành, xả thân lo lắng sao cho công chuyện hoàn thành để rồi lãnh kết quả "không để giáo dân làm việc," nghĩ cũng cay! Phỏng những ai thông cảm cho nỗi lòng bi đát này hay có chăng chỉ ngược lại, thay vì tìm hiểu lại góp thêm lời ca thán...!Đồng ý rằng, qua ít nhất hai mươi năm ngồi ghế nhà trường: mười hai năm trung tiểu học, bốn năm đại học, và bốn năm thần học, những bài vở phải làm, phải suy nghĩ, xếp đặt sao cho hợp lý hợp tình ấy là chưa kể đến những kiến thức giao tiếp thực tế cần có làm căn bản đã tạo cho linh mục khả năng nhìn bao quát đi từ những thực trạng đơn lẻ để có quyết định tổng hợp và từ điểm tổng hợp cần được phân tích kiếm tìm đường lối thực hiện hay giải quyết vấn đề. Với khả năng nhận định trong vị thế lãnh đạo một giáo xứ hay một cộng đồng, linh mục chắc chắn có cái nhìn bao quát hơn bởi ngài là người nghe được hầu hết những tin tức, điều kiện thực tại của giáo xứ hay cộng đồng từ các nhóm hoặc đoàn thể phụ thuộc vì thế ngài nhìn thấy rõ hơn bất cứ ai những gì cần được giải quyết hay phát triển cấp thời, những gì cần gia giảm hơn kém... Vai trò lãnh đạo được so sánh như người nấu ăn, món nào cần được thêm muối thêm mắm, tiêu, xả, ớt hơn kém ra sao. Dĩ nhiên, nếu tất cả mọi món ăn đều nấu như nhau, mọi thứ gia vị cứ đem bỏ hết vào... thì món nào cũng giống món nào, cũng chỉ là món găm bô của Mỹ. Tuy nhiên, những thành viên của cộng đồng hay giáo xứ lại là những người xưa nay quen giải quyết công việc tùy thuộc phạm vi cá nhân với ý thích và suy đoán riêng tư ít lệ thuộc vào sự liên hệ tới tập thể hoặc không bị ảnh hưởng đến quan điểm của những người khác. Thế nên, cá nhân khi được bầu vào những vai trò chức sắc nơi giáo xứ hay cộng đồng tất nhiên những đường lối thực hiện công việc của tập thể rất khó có thể thành đạt theo ý muốn nơi thuở ban đầu mới làm việc bởi còn đang bị ảnh hưởng nặng nề tính chất làm việc riêng tư của các thành viên. Hơn nữa, thường thì nơi đâu cũng thế, chín người mười ý mà chẳng ai chịu thua ai; ai cũng thấy ý riêng mình là nhất, là hơn hết.Đàng khác, đa số dân chúng, bởi xưa nay vốn quen với kiểu quyết đoán tự ý, không liên hệ đến sự ảnh hưởng tới người khác trong công việc riêng tư, khi làm việc chung, quyết đoán cá nhân sẽ có nhiều thiếu sót liên hệ. Có những trường hợp cả hội đồng giáo xứ hay ban đại diện cộng đoàn không làm theo ý một người nào đó thì lại sinh ra lắm điều ong tiếng ve chê bai và còn có thể xảy ra những hoạt cảnh nhố nhăng "không theo ý ông, ông phá cho bõ ghét." Thật ra, ý kiến nào chả là ý kiến dù hợp hay không hợp với thực tại. Tuy nhiên, cũng cùng một ý kiến hoặc phương cách làm việc nếu đem áp dụng vào hai lối nhìn khác nhau được tạo nên do sự khác biệt quan điểm hay nhận thức hoặc trong hai trường hợp nơi những môi trường đoàn thể nhỏ bé và nơi cộng đồng bao gồm nhiều đoàn thể khác rộng lớn hơn, ý kiến được đưa ra có thể chỉ áp dụng nơi môi trường này mà không cách nào thực hiện được nơi môi trường kia. Lẽ tất nhiên, quan điểm nhận xét và đề nghị cá nhân chưa chắc đã luôn luôn đúng bởi sự nhận biết cá nhân còn thiếu nhiều khía cạnh khác biệt hoặc yếu tố đã gây ra sự kiện... Vì vậy nhiều khi chính vì cái nhìn hạn hẹp không được chấp thuận đã trở thành những rắc rối gây cản trở bước thăng tiến cộng đồng; chẳng những thế, đôi khi còn có thể làm phiền cả cha.Họp với quí cụ còn khó gấp trăm ngàn lần thực hiện công việc. Nào ai lạ gì, cụ nào không thấy mình quan trọng, không cho rằng chỉ ý kiến mình là hay. Xét về phương diện tâm lý, con cháu quí cụ ở nhà còn bận rộn lo công chuyện làm ăn kiếm sống hoặc đã biết tính nết hay cả ngàn lần đã bị nghe nên lỡ gặp dịp phải nghe giảng thuyết đều tìm cách trốn tránh khiến quí cụ mang phần nào mặc cảm không được ai để ý đến. Thêm vào đó, nơi công cộng, không có tiếng nói thì đâu ai biết mình đang hiện diện nên đã có những trường hợp cụ nói mà chính cụ cũng chẳng biết mình đang nói gì.- Tôi nhận thấy ý kiến thì hãy còn nhiều mà thời gian lại hạn hẹp, thế nên quí cụ làm ơn cắt bớt phần thưa bẩm, chỉ nói ngắn, gọn ý của mình cho thư ký tiện bề làm việc và rút ngắn thời gian... Cha quản nhiệm lên tiếng trong một buổi họp mở rộng.Cũng chỉ được một hoặc hai cụ để ý rồi đâu vẫn hoàn đấy. Cụ khác đứng lên với đầy vẻ trang trọng:- Kính thưa cha quản nhiệm cộng đồng, kính thưa hai ông chánh phó đại diện, kính thưa cụ trưởng cố vấn... kính thưa... Con tuy là một giáo dân tầm thường mặc dầu con được Chúa ban cho có tí tuổi nhưng cũng chưa đến nỗi già, có thể nói cũng chưa già lắm, nhưng con xin mạo muội dám đưa lên ý kiến mộc mạc thấp hèn của một người giáo dân; con xin kể một bài học của đức Khổng Phu Tử...Hình như nói trước đám đông là một sự kiện hấp dẫn và hãnh diện đối với quí cụ đến nỗi có những cụ thích nói, nói hăng say, nói văng mạng bởi trước khi đi họp đã làm vài tợp rượu thuốc lấy can đảm phô bày lý lẽ của mình. Lại nữa, cụ này còn đang nói, vừa tới vấn đề hợp ý hoặc nghịch ý cụ khác, thế là cả hai cụ cùng nói; cứ coi như mọi người có hai tai, mỗi tai có thể nghe được những điều khôn ngoan của một cụ. Làm sao để chấm dứt cảnh hai hoặc ba cụ cùng nói một lúc? Làm sao có thể tránh cảnh nói lung tung... không ra môn chẳng ra khoai, đang bàn về chuyện nọ đem xọ sang chuyện kia lại cứ rối lên thưa với bẩm. Nào đã hết, đôi khi những cảnh cười ra nước mắt đột nhiên lộ dạng... Có người lấy cơ hội họp chung để trả thù hay giải quyết việc xích mích riêng tư...Lúc ấy, cha chỉ còn nước chết điếng ngồi đó thầm mong cho chóng kết thúc... Biết ăn nói sao đây! Không để quí cụ nói... cha độc tài. Để quí cụ nói... cha khổ hoài... Ba bốn buổi họp mất giờ, tốn sức chẳng mang lại kết quả và đường lối giải quyết nào rõ ràng... Thế nên, thôi thì một mình quyết định theo tính nóng sốt của con người vừa đỡ tốn giờ vừa đỡ phiền hà khỏi bị đau tai nhức đầu. Bởi đó, lâu dần thành quen, cha đành chấp nhận âm thầm tìm hiểu, nhận định và kiếm người làm việc... Và kết quả lại cũng đổ vào cha: cha không thèm hỏi ý kiến, cha chỉ ra lệnh... hoặc "họp hành gì, đến để nhận lệnh thì đi làm gì cho mất thời giờ..." Thử hỏi những ai làm việc giúp cộng đồng chưa đã một lần than thở như thế?Họp, cha nào không sợ nhưng trong vị thế lãnh đạo làm sao tránh thoát. Coi một cộng đồng hay một xứ còn có những cảnh phiền hà hơn họp, không liên hệ gì tới đạo mà vẫn du cha vào thế khó xử nhiều khi bị vạ lây, chẳng hạn trong những trường hợp xích mích giữa hai gia đình giáo dân hoặc giữa hai đoàn thể. Người ta muốn cha vừa là quan tòa, vừa là luật sư biện hộ cho phe mình dẫu cha nói bên nào đúng cũng thiên vị và nói bên nào sai trái lại càng bị cho là bất công. Thời gian sống nơi kinh tế mới, chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra để đến nỗi cả hai gia đình lâm vào cảnh đối nghịch sinh xô xát ỏm tỏi ngoài đường; người nào người nấy tay lăm le cầm gậy chuẩn bị tấn công đối phương. Thày Lành được thông báo hối hả chạy tới đã đang thấy hai cặp vợ chồng tay chân huênh hoang kèm theo bóng gậy dứ lên dứ xuống, mặt mũi đỏ gay đầy vẻ căm phẫn, miệng buông những lời thách đố gay cấn. Hộ tống cho hai cặp vợ chồng một bên là bốn người con, hai trai hai gái, bên kia năm mạng, ba trai hai gái; ai cũng lăm lăm trong tay những khúc cây chuẩn bị xáp là cà... vây quanh dẫu có mười mấy người chứng kiến nhưng không ai có thể can gián nổi. Bị du vào thế lưỡng quân hăng tiết, thày Lành cảm thấy khó xử bởi đâu biết chuyện chi và cách nào giải quyết trong khi hai bên đã đến hồi gay cấn. Nói rằng bên này phải thì sẽ trở thành đối nghịch với bên kia và ngược lại, hơn nữa, lúc sự bực tức đã trở nên quá độ, nào ai thèm nghe lời phân giải mà nếu chẳng may lời nói chi vô tình bất lợi cho bất cứ bên nào thày cũng sẽ bị du vào thế khó ăn khó nói... Nhưng chuyện xảy đến nước này không vội cũng chẳng được... Đành liều... thày nghĩ... và chen vào giữa hai đoàn quân đang đấu võ miệng tới mức chót, dạ thầm lo nếu một trong hai bên quất bậy một cái cũng mang họa...- Làm ơn nghe tôi nói...- Đ... mẹ...Chẳng biết có được lợi ích gì không mà chưa chi đã bị nghe chửi thề, thày Lành thầm nghĩ nhưng không giận bởi chẳng lạ gì hai gia đình này. Họ khá thân thiết với nhau không hiểu tại sao lại sinh ra chuyện xung đột! Đôi lúc ghé qua nhà họ thăm hỏi và có khi chung bàn với họ nhắm rượu với mấy con cá khô nướng; nhất là những lúc sừng sừng, rượu vào lời ra, miệng quen thói nói nhăng nói cuội nhưng tâm tính họ rất tốt lành, thẳng thắn. Vả lại, thày cũng hiểu họ quen miệng nên chụp cơ hội nói diễu:- Ơ! Tôi đã làm gì, nói gì ông đâu, sao mà nóng thế!- Cái ông này sao lại ăn nói bậy bạ với thày! Bà vợ lên tiếng nói chữa.Thày Lành tảng lờ như không nghe, quay qua phía bên kia nhẹ giọng:- Để chuyện xảy ra ngoài đường ngoài xá như thế này không nên, ông bà đưa các cháu về đi; tôi sẽ tới nhà nói chuyện sau... Bây giờ, làm ơn nín nhịn để tôi giải quyết chuyện bên kia.- Nhưng thưa thày, đ... mẹ...- Lại ông nữa, thày lên giọng, tôi đã nói gì đâu mà chưa chi đã vội..., đoạn nhẹ nhàng nói với vợ ông ta: Bà làm ơn nghe tôi, đưa ông và các cháu về... Để chuyện xảy ra chốn công cộng mọi người sẽ cho rằng mình không biết điều. Tạm thời ngưng hết mọi sự rồi từ từ giải quyết cho rõ ngọn ngành. Bà dẫn xấp nhỏ về, cỡ tiếng sau tôi sẽ tới nhà; nhớ nấu cơm cho tôi ăn với...Coi như chuyện đã xong, thày Lành quay qua bên kia nói với chú nhỏ cỡ mười bốn tuổi vẫn còn đang lăm le cây gậy:- Bang, con chạy lẹ về lấy chai ra bà Phương nói bán cho thày một xị rượu để thày uống với ba mày giải sầu... mau lên.Chú nhỏ còn đang trố mắt ngỡ ngàng, bà mẹ đã lên tiếng:- Nhà còn rượu... thày đâu cần phải mua...- Thì về luộc mấy cọng rau làm đồ nhắm... cứ đứng mãi đây lấy gì nhắm!Thày Lành cứ tỉnh bơ như người có quyền hò hống về chuyện ăn uống và lờ phéng luôn việc cãi cọ, giục vợ chồng con cái lo kiếm đồ nhắm rồi quay qua chuyện làm ăn, mưa nắng... Chỉ vài phút sau, một gia đình theo thày bỏ đi, gia đình còn lại chẳng còn đối tượng cũng tiu nghỉu kéo quân ra về. Thày cảm nhận được lòng biết ơn của họ tràn qua ánh mắt nhưng vẫn coi như không biết bởi vấn đề chưa giải quyết xong; lúc này mới chỉ là màn án binh bất động, quân ai theo về nhà nấy. Thật là may mắn, thày nghĩ, can người ta đừng đánh nhau chuyển thành việc hò hống rượu chè... Tâm lý mà xét, không thể nào nói người đang bực tức chuyện gì bỏ qua được cơn giận trong lúc đùng đùng nổi lên ngoại trừ có chuyện khác thay thế. Dĩ nhiên, những việc xô xát bình thường xảy ra nhiều khi chỉ bởi một vài nguyên nhân chẳng đáng kể đụng chạm tới tự ái con người. Hơn nữa, lắm trường hợp do vài lời nói khích bác, châm chọc của những người chung quanh khiến kẻ trong cuộc hăng tiết trổ tài oai phong tựa những con gà tức nhau tiếng gáy vì sự bới bèo ra bọ hoặc thêm ra bớt vào của đôi kẻ vô tình hay cố ý do mục đích riêng tư.Nơi vùng quê, thôn dã, cuộc sống đòi hỏi sự cực nhọc thể xác làm việc kiếm kế sinh nhai bằng cách dầm mưa dãi nắng cuốc đất trồng lúa, bắp, hay rau cỏ, rượu là chất thần dược giúp con người chống lại ảnh hưởng nắng mưa nếu biết dùng có điều độ. Thế nên chẳng lạ gì, càng những người làm việc tay chân cực khổ bao nhiêu càng có khả năng uống rượu bấy nhiêu; bởi vậy, đối với giới này, rượu được coi quí giá và cần thiết. Thày Lành vô tình đánh trúng nhược điểm của nam giới thích rượu; vả lại, là dân Công Giáo, được thày hay cha tới nhà là điều hãnh diện do đó dù có mặc cảm phải chấp nhận bị phần nào thiệt thòi trong vấn đề tranh nhau hơn thua cũng không bằng được thày tới nhà mình. Thày tới nhà thăm hỏi đã là quan trọng, đàng này thày lại tuyên bố đương đường về nhà mình nhậu rượu... Thật ra, thày Lành vô tình chỉ mong sao cho hai đoàn quân rã đám nên chụp vội cơ hội đổi đề tài, âu cũng là điều may...- Giếng còn đủ nước tưới rau muống không? Vừa đi theo lối nhỏ giữa những vườn bắp khô cằn, thày Lành vừa gợi chuyện với mục đích làm giảm bớt sự căng thẳng của việc xô xát mới xảy ra.- Dạo này hạn quá thưa thày, múc nước lên cả bùn...Trời đã không mưa mà giếng lại hết nước thì lấy gì mà sống! Cảm giác đau xót cho thân phận kiếp người lan dần trong cơ thể. Cố vớt vát may ra có cách nào cứu vãn tình trạng khan hiếm nước, thày hỏi:- Phỏng có vét giếng sâu thêm hơn được không?- Cái giếng nhà ông Khanh sâu hơn mà cũng hết nước nên có vét cũng thế thôi, không hơn được vì là nước ngấm chứ không phải nước mạch. Điệu này nếu chậm mưa có lẽ chúng con phải kiếm đường đi nơi khác...Ngoài rẫy thiếu mưa nên những thân bắp cằn cỗi, lá khoai héo rũ, lúa thì mới nhi nhí, không biết năm nay lấy gì ăn... Trong cảnh đói khổ, con người dễ bị chạm tự ái bởi nỗi lo lắng cho ngày mai không biết rồi sẽ ra sao kèm theo mặc cảm bó chân bó tay không đường tránh thoát nghịch cảnh cuộc đời tạo nên niềm bất mãn âm ỉ do đó dễ dàng để cho sự u uất bộc phát nơi những phiền toái bình thường. Trông thấy mấy đứa nhỏ chưa kịp lớn đã phải lam lũ theo bố mẹ làm quần quật mà miếng ăn chẳng đủ... học hành không có... sao mà số phận dân mình hẩm hiu quá..., thày Lành với giọng ngậm ngùi lẫn thương cảm:- Đi đâu bây giờ, nhất là gặp lúc vốn liếng chẳng còn và nơi nào thì cũng đầy dẫy những cảnh ganh ghen chèn ép...Thời bây giờ, bất cứ nơi nào trên đất nước này đều gặp tai họa người chèn ép người do ghen tương mù quáng bắt nguồn từ lòng tham hoặc bởi sự dốt nát mà ra. Những người được đặt làm việc nơi xã thôn thuộc về thành phần dốt nát thiếu hiểu biết như những đòn thù của kẻ chiến thắng khoác trên đầu trên cổ người dân vô tội. Nghĩ mà bực nhưng lại thấy đáng thương cho dân chúng bị sống dưới ách lầm than số phận kèm thêm cái nực cười của tầng lớp "thằng ngu dạy đời." Mới hôm nào mùng hai tết trong buổi tối văn nghệ mừng xuân, ca đoàn trình diễn màn hài hước có câu hát "ăn rau ăn cỏ." Chẳng biết kiếm cách gì tỏ ra mình hay, giỏi, vừa xong buổi văn nghệ, tên trưởng ấp oang oang phê bình: -"Sao lại ăn rau ăn cỏ? Thế ra các anh nói rằng chính quyền cách mạng bắt dân ăn cỏ?" Ai nghe thấy cũng e ngại bởi sợ thằng ngu làm bậy... Thày Lành thở dài khi quay lại nhìn hai vợ chồng, con cái im lặng đi theo như chấp nhận số phận đã được dành sẵn cho đám dân chất phác... Có muốn làm gì thêm cho cuộc sống dễ thở hơn thì dù có sức cũng chẳng có lực... Thôi đành trông cậy vào Trời cho qua ngày tháng...Về tới nhà, nhấp đến miếng rượu thứ ba thì đĩa rau muống luộc nóng hổi kèm theo chén nước muối đỏ lòm bồng bềnh xác ớt hiểm và nồi khoai khô bung nhừ được đem ra... Bữa ăn chỉ có thế. Thày Lành gắp rau chấm nước muối đưa lên miệng để cho vị ớt cay xé làn môi tưởng nghĩ về lằn roi định mệnh đang hoành hành quất trên đám dân hiền hòa chỉ dám cầu mong sao có đủ dù khoai sắn cầm hơi cho qua chuỗi ngày vất vưởng, không dám hy vọng mảy may tương lai thay đổi... Tương lai... tương lai... danh từ thần thánh xa vời; thày cảm thấy lòng đau như cắt...Trời gần tối khi thày Lành từ giã để sang nhà ông Hoành, một trong hai đối thủ của cuộc xô xát hồi chiều. Con đường nhỏ ngập cỏ bởi ít người qua lại mà vẫn mang màu sắc khô úa do nắng hạn. Đất pha cát nên lâu không mưa trở thành bỏng rát khiến cỏ cũng khó lên như chia phần cằn cỗi của đám dân nghèo thiếu ăn thiếu mặc. Sự sống đói kém chẳng những được thể hiện qua thân hình gầy gò lam lũ dân quê mà còn lan tràn cả tới khung cảnh thiên nhiên. Thế cho nên, cũng chẳng lạ gì, nơi những vùng khô cằn sỏi đá, cây cối khó mọc bởi thời tiết hạn hán, đất đai xơ xác thì cũng kéo lây đến những con thú trơ xương và ảnh hưởng khiến con người hằn nét cơ cực. Lác đác bên đường, những cây ké lơ thơ bông trái, khi phá rẫy, người dân cố tình chừa lại. Sự hiện diện của chúng chứng tỏ cuộc sống tính toán, tận dụng mọi tài nguyên thiên nhiên nếu có thể để phần nào bồi dưỡng con người hầu chống chọi lại với sự tàn phá của cảnh đời khó khăn. Những cây ké vươn lên như muốn kéo theo hàng bắp, lúa vượt khỏi chất đất khô thiếu nước đang nhẹ rung theo từng cơn gió thoảng trong cảnh nhá nhem sau một ngày gắt nắng... Người dân nghèo nơi đây thường lấy hạt ké đem rang gần cháy, nấu nước uống thay cho trà vì hạt ké có tính chất mát, giải nắng. Đậu đen rang cháy nấu nước tốt hơn nhưng quá mắc; có trồng được lại phải đem bán lấy tiền lo cho cuộc sống; giỏi lắm, gia đình nấu một nồi chè lỏng bỏng những nước thêm vài hạt muối gọi là an ủi công lao khó nhọc vun xới và còng lưng hái trái.Đi hết đoạn đường dài, loáng thoáng xuyên qua vách dựng bằng phên nứa, ánh đèn từ nhà ông bà Hoành le lói khi thày Lành tới gần lối vào. Hai hàng cà ghém xinh xắn dọc theo con ngõ thẳng tắp áng chừng cố ngăn chận những luống cải non mỏng manh muốn bò ra ngoài. Chen lẫn nhau vây quanh miệng giếng gần nhà, những đám rau đay, rau mùng tơi, húng, răm, ngò gai, bạc hà... nổi mầu đậm hơn dưới ánh sáng mờ mờ vì được hưởng nhiều nước vương vãi hơn. Cảnh khác biệt màu sắc giữa vườn rau, đám húng tựa sự chênh lệch số phận con người, những kẻ có cơ hội nắm giữ quyền hành với thân phận khó khăn của biết bao con dân cùng thời. Tội chăng chỉ dồn đổ nơi những người bần hàn vất vả lãnh tất cả những trái ngang của thời cuộc. Theo làn gió nhẹ, mùi rau răm chen lẫn húng quế, húng đứng, húng quăn thoảng đưa tạo cho thày Lành nhớ đến hương vị hột vịt lộn thuở nào... Ôi ngày xưa ấy... thày lẩm bẩm... Mùi vị rau thơm chỉ làm khổ chiếc dạ dày đang quen thói ngủ yên rộn lên cơn quặn thắt... Con chó nhỏ bị cột dây cho khỏi phá vườn đánh hơi người lạ lên tiếng sủa yếu ớt, tựa tiếng rên cảm thương số phận hẩm hiu của mình, nhắc nhở mục đích thày tới nhà ông Hoành... cái mục đích giải hòa mà thày chợt quên bẵng từ lúc rẽ vào con đường xơ xác. Nói năng sao đây... thôi thì cứ gặp họ trước đã... có tính toán cũng chưa được bởi nào đã biết chi...- Chào thày; mời thày vô nhà. Ông Hoành nghe tiếng chó sủa đã ra tới cửa.- Chào ông, nghe thấy mùi rau răm tự nhiên thèm vịt lộn. Có lẽ bao giờ phải đi kiếm ít ốc về xào bông chuối trộn mẻ nhậu với rau húng quế cho đã miệng. Hôm nọ tôi về quê vô nhà xứ thấy nơi ao lắm ốc mà không có giờ bắt... thiệt uổng!Chủ nhà đã ra đón mà thày Lành vẫn chưa biết phải mở đầu câu chuyện thế nào. Cũng may, có mùi rau thơm vào đề nhắc nhở ý thích của những người đang đói khát làm đề tài, dễ phần gây sự thân thiện, thày Lành thoát qua cửa ải! Bao ngày tháng chỉ có khoai sắn cầm hơi nên sống trong cảnh thiếu thốn chất bổ dưỡng, chiếc dạ dày luôn luôn thôi thúc nghĩ đến ăn. Kẻ được nghe cũng đồng tình a dua tự dọn bữa cỗ thịnh soạn dù chỉ là hàm thụ! Ông Hoành cười nói vui vẻ:- Mai thày ghé chơi, con đi suối đá mò trai nấu cháo. Thày biết ăn cháo trai không?Đã mấy lần gặp, ông Hoành thấy thày Lành bình dân, cởi mở dễ nói chuyện nên không khách sáo lên tiếng hỏi. Thày hơi ngạc nhiên về thái độ của ông có lẽ bởi niềm ưu tư mở đầu câu chuyện trong khi ông Hoành tựa như không có gì bị ảnh hưởng bởi cuộc cải vã buổi chiều khiến thày mừng thầm bàn tiếp về việc ăn uống:- Tuyệt, nhớ phải có tiêu và rau răm thái nhỏ. Ráng mò kha khá để chừa một ít xào chua ngọt...Cái quá khứ dù không mấy phong lưu, huy hoàng nhưng ngày hai bữa no đủ thuở nào đã làm cho cả hai người tưởng nhớ. Nhớ để mà nhớ, để nói cho đã thèm chứ thực ra trong hoàn cảnh người khôn của khó ai ai cũng rán mò mẫm kiếm sống thì mong gì lấy đâu ra nhiều. Có chăng, lục lọi cho cố cả ngày trời may ra đủ được một bữa...- Má thằng Thành đâu, có gì ăn dọn sẵn mời thày dùng bữa luôn. Ông Hoành quay vào nói với vợ đoạn tiếp... Thày yên trí, bán thì không có chứ ăn chẳng có nhiều cũng có ít...- Chào thày... Mời thày vô dùng nước để con dọn cơm. Bà Hoành từ trong nhà lên tiếng vọng ra.Thày Lành theo ông Hoành bước chui qua cánh liếp bằng phên tre đập dập đan làm cửa được chống cao lên. Dưới ánh đèn dầu nhỏ đặt nơi đầu bàn được ghép lại bằng những thanh gỗ đẽo vuông đóng đinh vào hai thanh ngang đầu chân bàn hình chữ T được chôn xuống đất, nhìn rõ một chiếc sàn chạy suốt từ đầu tới cuối nhà làm chỗ ngủ chiếm hết bên cánh trái thay thế cho giường. Chiếc sàn cao hẳn lên chừa phần phía dưới để đồ đạc chứng tỏ cảnh nghèo nàn nhưng cũng thể hiện đầu óc tháo vát của chủ nhà để hội nhập hoàn cảnh. Nơi góc phải, một miếng thiếc quây nửa hình tròn, bên trong đặt sáu viên đá làm hai bếp đun buổi tối tiện việc đuổi muỗi. Bà Hoành đang dập tắt mấy thanh củi còn ngún cho đỡ khói.- Chào bà, vườn tược dạo này có khá không? Mùi rau thơm làm tôi muốn nuốt trôi cái lưỡi từ nãy giờ...- Thưa thày, chẳng ăn thua gì. Nắng hạn quá nên không có nước tưới làm rau cỏ chưa kịp lên đã đâm bông... Hạn kiểu này coi chừng năm nay kém lắm; chúng con chẳng biết tính ra sao nữa.- Mấy đứa nhỏ đâu hết rồi?- Dạ thưa thày, các cháu vừa qua bên nhà anh chị Tuyền đọc kinh tổ...Tuy miệng bô bô nói chuyện với hai vợ chồng nhưng tâm trí thày Lành còn đang bận bịu tìm cách ăn nói sao cho họ có thể chấp nhận chín bỏ làm mười, thông qua những rắc rối mới xảy ra hồi chiều. Nói sao cho lọt tai, nói sao để họ không phiền lòng và đồng thời nói sao khỏi đụng chạm tự ái. Trước đây vài tháng, hai gia đình khác cũng lâm vào cảnh đôi co lời qua tiếng lại giữa chốn công cộng, và bạn thày Lành bị du vào cảnh phải xử trí... Chẳng hiểu ăn nói sao, một bên cố chấp, thày bạn kẹt vô lối giải quyết cho rằng bên này đúng và bên kia sai. Bên bị cho là sai không chịu nên cãi ngang. Thày bạn ra chiều bất mãn lên án và rồi bị nói hỗn. Bởi có một vài lần thày Lành tới uống rượu với vài người quen ở gia đình bên cãi ngang, thế rồi người bạn kết án luôn rằng thày Lành cầm đầu cho người ta nói hỗn với mình... Khi nghe biết chuyện, thày Lành chẳng nói năng chi, chỉ âm thầm nhận thêm bài học chẳng nên phân xử những chuyện đôi co. Nói rằng bên này đúng tức là lên án bên kia sai. Mà khi đã cãi nhau, ai cũng có lý; ai cũng đúng và đồng thời ai cũng cảm thấy tự ái bị tổn thương; ai cũng cảm thấy bị thua thiệt. Thày nghĩ, có lẽ tốt nhất nên kiếm cách nói riêng cho bên này biết bên kia đã nhân nhượng để bên nào cũng nhận thấy phần quá đáng của mình và đồng thời nhận thức được sự tốt lành của bên kia mà bỏ qua mọi chuyện hy vọng nối kết tình thân thiện với nhau hơn. Nếu phân xử hơn thua, nào ai chấp nhận mình thua, người khác đúng, nhưng nếu vạch ra rằng mình hơi quá mà người kia đã nhân nhượng trước, chắc chắn mình đỡ bị chạm tự ái mà còn sẵn sàng bỏ qua... Đúng lúc cần đưa ra những nhận xét, thày Lành lại không biết nguyên nhân và cũng chẳng hiểu họ đã nói những gì... Phân xử kiểu mù tịt thế này, chỉ còn hy vọng lựa lời dựa trên sự tốt lành của gia đình kia từ trước tới giờ và sự quen biết giữa hai gia đình may ra họ chấp nhận chăng... Tuy nhiên, vào đề bằng kiểu cách chi...?Bữa ăn được dọn ra, nồi bắp bung pha khoai lang kèm theo rổ rau cải non sống và chén nước muối lại cũng đầy những ớt có pha thêm xả thái nhỏ.- Rau cải non mà thêm nước cá kho nhan nhát, ăn chỉ có quên chết. Mai ông đi mò trai nhớ đem theo mấy cái cần câu cặm may ra có cá kho ăn rau...- Trưa nay con định ra bờ suối cuốc ít giun làm mồi thì xảy ra vụ cãi lộn chưa đi được; thôi để sáng mai...- Mà chuyện gì đã xảy ra vậy?Thật đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh! Đang không biết phải mở màn thế nào cho phường tuồng bất đắc dĩ, chủ nhà lại khơi ra nên thày Lành chụp vội.- Ôi nào có chi đâu thày, chẳng biết nhà con nghe ai nói qua nói lại về mấy đứa nhỏ thế rồi sinh ra dây dưa lung tung đụng cả đến con làm con bực mình la toáng lên chứ xưa nay tụi con quen biết nhau đã lâu mà có bao giờ xảy ra chuyện chi đâu!- Thế ông bà Khoát từ trước tới giờ đối xử với hàng xóm láng giềng thế nào?- Anh chị ta biết điều lắm. Con đã nghĩ kỹ rồi; có lẽ vì anh em bạn thân nhau nên khi nghe đến chuyện nhỏ nhoi phi lý đã làm mình dễ bất bình chăng. Con lại cũng không để ý hỏi anh chị ấy trước thế nên lúc nóng cứ nói bừa đi! Chẳng hiểu anh chị ấy nghĩ sao chứ con thì rầu từ lúc về tới giờ. Âu dó cũng là một kinh nghiệm cho sự xấp nổi của mình...- Tôi vừa nói chuyện bên nhà ông bà Khoát rồi sang đây. Ông bà ta cũng nói hai gia đình là bạn bè thân thiết thế mà vài câu đôi chối đã làm phiền lòng ông bà. Tôi thấy ông bà ấy tỏ vẻ ngưỡng mộ ông bà lắm mà. Ông Khoát còn nói rằng ông nghĩ chuyện vừa qua chỉ cần một ly rượu là mọi chuyện êm thắm như xưa. Hay mai mình kêu ông ta nhậu chơi; tôi có lít rượu mua cả tháng rồi khi về quê đem lên chưa có cơ hội uống. Ông bà nghĩ thế nào?- Không có gì đâu thày, bà Hoành nói chen vô, chị em bạn gái chúng con đôi co là chuyện thường. Nếu thày muốn vậy, mai con cho cháu mời cả hai anh chị ấy qua cho vui.- Thế thì còn gì bằng! Chiều mai, ba người mình phải xin Chúa giúp sức cạn sạch những chén cay đắng...- Thày yên trí, chắc chắn con phải mò ra đồ nhắm... Rượu mới khó kiếm chứ đồ nhắm thì cùng lắm đi đặt vài chiếc bẫy chồn may ra cũng có thịt...Mới nói qua lại ít câu mà chén nước muối xả ớt đã đẩy trôi cả rổ rau và nồi khoai bắp... thày Lành cảm thấy vui, niềm vui chất phác tình người cộng thêm niềm vui vì học thêm được kinh nghiệm nho nhỏ đắc nhân tâm. Cảm tưởng thoát nạn vụt qua; may mà mình không biết làm quan tòa để xét xử đúng sai... thày thầm tự an ủi...Thực tế cho thấy, có được kinh nghiệm này thì mất kinh nghiệm kia; vả lại không kinh nghiệm nào được xử dụng đến lần thứ hai. Nhiều khi lý thuyết kinh nghiệm thì làu thông nhưng thực tế lại chứng minh "Ai nên khôn không khốn một lần." Kỳ mới về làm phó, cha xứ trao cho cha Lành coi sóc đoàn C.Y.O. (Catholic Youth Organization). Cứ mỗi lần bước vô buổi họp sau giờ lễ chiều chủ nhật, cha Lành phải tự bảo mình "shut up, sit down, and get out." Họp hành gì lũ trẻ nơi đất nước quá tự do phóng túng, phóng túng cả về mặt luân lý lẫn thái độ cư xử của con người. Có người đã nói, "Nơi đất Mỹ, thứ nhất đàn bà, thứ nhì trẻ con, thứ ba chó, thứ bốn xe, và thứ năm đàn ông." Nước Mỹ cũng là thiên đàng của trẻ em, của lứa tuổi vị thành niên. Trẻ nhỏ muốn sao được vậy; cho dầu có phạm những lỗi lầm, cha mẹ không được phép sửa phạt bởi nếu dầu chỉ xáng con cái một bạt tai, chúng có thể bốc phôn gọi cảnh sát và thế là cha mẹ bị nhốt vô tù vì lý do đánh đập làm tổn thương con cái. Mỹ rất nhiều nhà tù bởi lắm giới phạm pháp nhưng lại ít có nơi nào chứa chấp để sửa phạt vị thành niên; thế nên ngay những em phạm pháp cũng không bị giam giữ mà tội qui nơi cha mẹ. Đúng thật, con dại cái mang trong khi mọi qui định giáo dục trẻ em tùy thuộc nơi học đường. Cha mẹ chịu trách nhiệm về con cái nhưng không có quyền dạy; chính vì thế các em càng được nước nhố nhăng, chẳng coi ai vào ai! Vậy mà mới lớ ngớ về xứ, cha Lành đã phải coi sóc bọn trẻ vô kỷ luật.Tuổi của nhóm trẻ C.Y.O. từ 15 đến 18; nào ai còn lạ gì cá tính lứa tuổi choai choai này, không bao giờ có thể giữ im lặng được lấy vài phút. Cứ vừa lấy lại trật tự đã vội ồn ào lộn xộn, đã có đứa cười, đứa nghịch, đứa ném giấy, quăng đồ lộn xì ngầu để rồi những tiếng hét đinh tai nhức óc "Shut up" đập vào màng nhĩ khiến cha Lành chóng cả mặt. Chúng không coi sự có mặt của cha cụ là gì hết nên tạo thành mặc cảm nơi con người khác chủng tộc tâm tình bị coi rẻ phải ép mình ngồi một chỗ. Họp với hành gì, nhiều lần ngài thầm cảm thấy chán nản; thiên hạ chỉ bới chuyện để đày đọa mình. Bố mẹ chúng nó không chịu nổi những ông thần bà thánh ngỗ nghịch ở nhà nên bày đặt muốn cha trở thành vú em giữ con cho họ được chút nào hay chút ấy... Nơi phòng họp cả là một mớ lộn xộn; dẫu ghế được xếp thành vòng tròn lớn nối liền với bàn chủ tọa, chỗ này đứa ngồi trên ghế, nơi kia đứa nằm lăn ra sàn nhà; mà nào chúng còn nhỏ dại gì cho cam, con gái to một đống đã kềnh ra lại còn gác chân chữ ngũ mới lạ lùng. Chỗ khác, hai "ông con trai" khổng lồ tựa hai thớt voi bắt cặp chễm chệ chồng lên trên chiếc ghế sắt mỏng manh, đứa nơi mặt ghế, đứa thượng mãi lên đỉnh lưng dựa. Giả sử chúng có té cũng không sao, chỉ thương hại cho bốn chân ghế! Vài "ông nhóc" không hiểu học được mốt thời trang ở đâu mà lúc nào cũng xùm xụp chiếc mũ trên đầu làm ngang như rét mướt lắm dẫu trong phòng họp nóng nực... Đối với giới trẻ Việt Nam, cho dù phá phách đến mấy, sự hiện diện của cha cũng được phần nào kính trọng ít nhất bằng cách đứng ngồi nghiêm chỉnh. Đàng này, có mặt đó tham dự cuộc họp mà ngài cứ thấy mình bị bỏ rơi ngoài lề như không có. Chúng tự do nô đùa nhố nhăng chẳng coi ai vào ai. Đã bao nhiêu lần anh chàng ủy viên trật tự hét chán không ai thèm để ý, kiếm ngay cái chuông to bằng vốc tay lắc inh ỏi hy vọng giữ lại trật tự. Dẫu thế, chuông kêu mặc chuông, tụi trẻ cứ coi như bị điếc với âm thanh kim loại chói lói ấy do đó vẫn tỉnh bơ nói chuyện, cười đùa. Lắc chán mỏi tay mà không đem lại kết quả, chú ta học đòi quan tòa, cả nửa ngày trời hì hụi nơi phòng mộc của bố đóng ngay chiếc vồ bằng gỗ chắc nịch mang đi họp. Cho dù có thiện chí đến mấy thì cũng còn mang đầy tính chất trẻ con, khi đi họp chú ta phải dùng chiếc sắc tay dấu kín chiếc vồ mong làm mọi người ngạc nhiên. Thế rồi buổi họp cũng như mọi lần, đang ồn ào, lộn xộn thì một tiếng ầm thật to vang dội chẳng khác gì căn phòng bị nổ tung khiến ai nấy giật mình đổ dồn mọi cặp mắt về phía bàn chủ tọa. Trong khi mọi người còn đang ngạc nhiên đã thấy chú ta với nét mặt hớn hở vì được để ý, miệng hô lớn tiếng "Shut up." Với thân xác lực lưỡng như con bò mộng được dồn hết năng lực vào đôi tay mập mạp giáng chiếc vồ xuống mặt bàn, chú ta đập quá mạnh! Chiếc bàn chủ tọa bị lủng. Giữ trật tự đâu không thấy chỉ làm mọi người được bữa cười no lại bể cả bàn họp.Suốt hai năm trời, mỗi lần cha Lành bước vào phòng họp lại cảm thấy chán chường với sự bực bội vì phải nghe những tiếng hét, tiếng la "Shut up" chói lói. Sự điều hành tổ chức C.Y.O. của địa phận thật là lỏng lẻo, không một đường hướng thăng tiến, không một chương trình thống nhất, chẳng có cơ quan huấn luyện người làm việc. Tất cả chỉ là một sự nhào nháo thực hiện những chương trình kiếm tiền đi chơi. Chương trình sinh hoạt C.Y.O. của địa phận giỏi lắm một năm có một lần họp bạn, hai hoặc ba lần cấm phòng cuối tuần cho hạng tuổi nhất định nào đó... Hơn nữa, nào ai còn lạ gì nơi đất nước này, gì cũng tiền. Có lần cha xứ nói với cha Lành trong bữa ăn trưa khi nghe ai đó nói nhóm trẻ không cắt cỏ nhà thờ:- Cha phải thúc đẩy chúng nó, bảo cho tụi nó làm.Cha xứ đã là linh mục những ba mươi năm, được huấn luyện theo quan niệm cổ xưa, linh mục là người chỉ dẫn mọi công việc cho giáo dân nghe theo nên nói cha Lành phải làm theo lối của mình.- Khó có thể bảo gì được vì cha nghĩ coi, chính tôi đã cảm thấy bị hất ra ngoài lề còn nói chuyện gì thúc đẩy.- Tôi thấy cha ít ở lại chơi banh với tụi nó. Cha phải đi chơi với chúng, dẫn chúng đi ăn kem buổi tối hay ra bãi biển đốt lửa trại, làm thân với chúng thì may ra nói chúng mới làm...Cha Lành cảm thấy câu nói của cha xứ mang đầy vẻ lý thuyết bất lực; thầm nghĩ, chính vì ngại ngùng không dám tham gia họp với trẻ do đó ngài thường mơ ước những điều chẳng thể thực hiện, đành thở dài im lặng... Tiền đâu đưa chúng đi ăn kem. Đoàn thể thì có; quĩ chi tiêu thì không. Có kiếm được đồng nào do bán bánh, rửa xe hoặc những việc làm khác thì còn phải dành dụm để chi tiêu cho ngày đại hội hoặc du lịch. Cả một xứ lớn như thế, cha xứ giữ phần quyết định về vấn đề chi tiêu trong mọi lãnh vực rồi nói suông đưa trẻ đi ăn kem trong khi tiền không chi... Đi ăn kem..., những ý kiến tốt lành ai cũng có thể đề nghị, nhưng làm gì có nơi nào cho kem chùa!... Cha trách sao không ở lại chơi với chúng thế sao cha không dám tham dự họp... Họp hành đã thế, lúc trẻ chơi đùa thì nào có khác chi tự giam mình với một lũ điên. Nhạc mở to đến độ chói lói, tiếng hò hét nhức cả tai... rồi những thân hình bò mộng ấy lỡ ngon trớn dành banh xô phải chắc chỉ có nước chết choẹt. Vậy những lần rửa xe, bán bánh kẹo gây quĩ, cắt cỏ nhà thờ thì ai ở lại với chúng?... Cha Lành tự hỏi và cảm thấy bất bình. Cái lối giáo dục cổ xưa tạo thành mơ ước muốn người khác hoàn thành điều mình không thể thực hiện được, nhưng mấy ai làm việc đã đem lại những lợi ích chưa bao giờ phải chịu tìm hiểu tự học thêm, nếu không, có chăng chỉ đem đến kết quả tai hại. Có bao giờ cha nói lên được lời khuyến khích người khác để họ mở rộng lòng giúp sức hay chỉ luôn luôn bị mặc cảm yếu kém của mình làm mờ nhận thức trung thực để rồi cho rằng những gì mình thiếu sót lại là bổn phận của người khác phải hoàn thành. Sao cha không nói lên điều tốt lành có thể nhận thấy được nơi bất cứ ai và nào thiệt hại chi lời khen tặng dẫu chỉ là đãi bôi giúp người ta hăng say làm việc...Tự đặt những vấn đề như thế nhưng cha Lành cảm thấy thương hại cho cha xứ bởi chẳng gì thì cũng đã ba mươi năm ròng rã ngài chịu đựng những tâm tình khó xử này dằn vặt. Đường hướng giáo dục ngày xưa đã gây ấn tượng sai lầm về vai trò lãnh đạo trong vị thế của linh mục... Đại chủng viện được coi như lò đào luyện nên những con người gương mẫu, đạo đức theo những khuôn mẫu nhất định được nhấn mạnh bằng những chữ phải... phải ngủ đúng giờ, phải đọc kinh đúng lúc, phải ăn bận chỉnh tề, phải giữ luật này, theo cách thức kia... phải để tay thế nào khi đọc lời nguyện, phải giảng, phải dạy... phải muôn thứ chuyện nên khi đối diện với thực tế các ngài gặp khó khăn muốn đào luyện cho con chiên đi vào khuôn phép... Tuy nhiên, những ước muốn này đã trở thành lỗi thời nên khó tạo được sự thông cảm của giáo dân...Thỉnh thoảng cha xứ ghé vô xem xét trẻ họp hành ra sao. Cứ mỗi lần thấy mặt ngài là mọi người ngao ngán bởi chẳng bị trách móc chuyện này thì cũng bị chỉ trích về chuyện kia. Một chuyện mà lần nào ngài cũng nhắc đến là nhóm trẻ đã gây tiếng xấu cho giáo xứ... Chuyện đã xảy ra của thời sáu năm về trước... Dĩ nhiên, không có người nào của sáu năm về trước còn ngồi lại nơi nhóm C.Y.O. bây giờ. Thật ra, nhóm trẻ chẳng ai hiểu chuyện đã xảy ra thế nào vào thời đó nhưng bất cứ điều gì trẻ muốn làm mà ngài không muốn đều được ngài liên kết với chuyện đã làm mang tiếng giáo xứ. Xét cho đúng, chính ngài phải nhận lỗi về mình vì đã không dự đoán ngày ấy để ngăn ngừa đến nỗi cả một giáo xứ bị vạ lây thì trái lại ngài đem chuyện đó đổ vào đầu những người mới lớn không biết mô tê gì chuyện cũ.Sáu năm trước, khi ngài đã về giáo xứ được hai năm, nhóm C.Y.O. tham gia kỳ đại hội họp bạn thường niên của toàn thể C.Y.O. trong địa phận. Mấy người hướng dẫn cũng bị ảnh hưởng lối giáo dục cổ xưa, thay vì khuyến khích và giúp trẻ tự tìm đường lối thăng tiến lại tự cho mình là khuôn mẫu giáo dục có trách nhiệm uốn nắn, dạy dỗ chúng sao cho tốt lành hơn. Lẽ đương nhiên, nhận ra điều chẳng nên nơi người khác theo ý mình thì dễ hơn là tìm hiểu những đặc tính tốt lành của họ. Ban cố vấn chỉ biết nêu lên những gì thấy "ngứa mắt" nơi nhóm trẻ để rồi cứ lặp đi lặp lại sự răn đe khiến chúng mang nơi tâm não niềm tự ty mặc cảm "mình chẳng ra gì" và thèm khát được mọi người để ý. Nơi cuộc họp bạn, không hiểu chuyện gì đã xảy ra giữa hai người của hai nhóm C.Y.O. khác nhau... thế là hai nhóm kéo bè đảng gây cuộc chiến. Nào lạ gì tâm trạng của những kẻ mang đầy mặc cảm tự ty giữa chốn đông người, bởi nhận ra đang được chú ý, họ dám làm bất cứ chuyện gì để chứng tỏ "ta đây cũng không đến nỗi tệ" hầu chống nghịch lại mặc cảm tự ty xưa nay vẫn ngấm ngầm ám ảnh. Một người rút súng ra... đoành... đoành, bắn dọa; dăm ba tên con trai trong phe có súng hùng hổ xông vào đấm đá biểu dương oai phong với mấy em gà nhà. Cơn hăng tiết vịt lan dần đến nỗi nhóm trẻ phá phách bất cứ gì có thể nơi khách sạn ban điều hành đại hội thuê cho kỳ họp bạn... Đã sáu năm, vết nhơ ngày ấy không ai còn nhớ nhưng cha xứ vẫn ngậm ngùi mang để rồi yên trí gà nhà luôn luôn là tuồng phá phách làm mất danh dự của mình...- Chúng ta sẽ mặc áo mầu gì trong kỳ họp bạn này... Trưởng nhóm C.Y.O. lên tiếng trong một buổi họp bàn về việc tham dự đại hội họp bạn địa phận với sự tham dự bất thình lình của cha xứ.- Áo trắng chữ đỏ.- Áo đỏ chữ trắng.- Áo xanh...- Áo đen...- Màu đen, màu đen... ba bốn tên choai choai nghênh ngang cổ động cho áo màu đen... và thế là cả nhóm trẻ hùa theo...- Tại sao lại màu đen mà không màu khác? Cha xứ lên tiếng.- Vì chưa có nhóm nào dùng màu đen, mình mặc cho khác màu với mọi người mới nổi.- Không được, các anh các chị có thể chọn bất cứ màu nào ngoại trừ màu đen...- Chứ tại sao không được dùng màu đen? Một người ngổ ngáo lên giọng chất vấn cha xứ.- Màu đen là màu những người thờ quỉ thường dùng...- Vậy cha mặc áo đen thì sao?- Nhưng tôi nói không được dùng màu đen vì có thể làm mang tiếng cả giáo xứ. Nên nhớ rằng, C.Y.O. đã một lần làm mang tiếng giáo xứ...Thời buổi này nảy sinh ra cái đạo thờ quỷ gây biết bao ảnh hưởng nguy hại chẳng những đến giới trẻ mà còn một số gia đình theo tin tức của cảnh sát cho biết. Sự ảnh hưởng này lan tràn vào âm nhạc, lối nói lóng, ngay cả kiểu cách ăn mặc mà những người chuyên môn nghiên cứu hiện trạng thờ quỷ mới chỉ khám phá được phần nhỏ nào đó. Người theo đạo thờ quỷ dám làm bất cứ chuyện gì mà nguyên những chuyện động trời, hại người. Họ chọn màu đen để vẽ ký hiệu cũng như làm màu chung khi tụ họp cho những nghi thức thờ quỷ. Nếu nhóm trẻ mặc một loạt áo màu đen trên đó in huy hiệu riêng của nhóm, người ta sẽ nghĩ gì nhất là khi gặp những người đồng lứa choai choai; họ có thể bày đủ chuyện, nghĩ mọi cách để dỡn chơi... lỡ những lời đồn bất lợi xảy ra sao có thể ngăn cản. Nghĩ đến mối nguy hại khó lường có thể xảy ra, cha xứ phải lên tiếng để ngăn cản... Khổ nỗi, tuổi trẻ nào ai biết đấy là đâu...Những người trẻ tỏ vẻ bất mãn ra mặt vì sự cấm cản của cha xứ. Xưa nay trẻ đang quen lối sống muốn gì được nấy; ở nhà, bố mẹ cũng không ngăn cản được, và ra đường, ăn mặc kiểu nào, cách chi cũng không bị ai bó buộc. Dẫu đầu tóc nghênh ngang, quần áo cố mặc như thứ ăn mày để được mọi người chú ý thì cũng không ai dám nói chi. Giờ đây, chỉ muốn mặc áo mai ô màu đen cho ngày họp bạn lại bị cấm cản và còn bị coi là thứ gây tai tiếng cho giáo xứ... Thật ra, với quan niệm tự do cá nhân thường được hiểu quá rộng rãi, tuổi trẻ cảm thấy bị cấm đoán đã bất phục, ngấm ngầm phản đối. Ngược lại, cha xứ thì bao nhiêu lâu nay quen đứng trên cương vị lãnh đạo được hỗ trợ bởi thần quyền đồng thời muốn tránh cảnh giải thích, nói qua nói lại dằng dưa mất thời giờ nên vô tình tạo nơi người nghe tâm tình khó chấp nhận. Đâu lạ gì, đối với những người xưa nay quen tiếp cận với ngài có thể hiểu rõ tính nết và thông cảm được phần nào những mệnh lệnh ngắn gọn bao hàm những lý do, ít khi được giải thích thành thói quen, nên không lấy gì làm phiền. Cha xứ đồng thời cũng là người quyết định tối hậu những chương trình được đề nghị do đó thói quen ra lệnh ngắn gọn không cần giải thích trở thành cố tật. Đàng khác, khi họp hành về những vấn đề cần giải quyết của giáo xứ, ngài chỉ phải họp với những chương trình, đề nghị đã được bàn soạn, suy tính kỹ lưỡng nên càng không cần phải giải thích dài dòng. Bây giờ đối diện với nhóm trẻ ngài trở thành chới với. Cha Lành không hé răng bàn ra thêm vô dù chỉ một lời, âm thầm nghĩ về sự khó xử của ngài.Đối với người Mỹ, nếu mình nói hoặc làm điều gì không hợp, chỉ cần lên tiếng chấp nhận mình sai hoặc đó chỉ là điểm vô ý của mình là được người khác chấp thuận bỏ qua ngay lập tức. Cha xứ có cá tính hay tự ái nên không dám nhận điều vô ý của ngài. Nếu chấp nhận mình vô ý, ngài cảm thấy danh dự bị tổn thương; thế nên sự im lặng hoặc bào chữa của ngài làm nhóm trẻ bất bình. Trong trường hợp này, cha Lành thêm lời bào chữa cho cha xứ chỉ làm nhóm trẻ có thêm ý nghĩ hai cha vào một phe o ép họ vì mỗi lối sống có lối đối xử cũng như quan niệm giải quyết khác nhau... Đối với họ, ai làm người ấy chịu... Về xứ Mân Côi cỡ một năm, có ba gia đình đưa con đến rửa tội sau lễ trưa chủ nhật. Lễ xong đã 12g45, cha Lành lại không thích ăn sáng nên bụng tuy cồn cào mà vẫn còn cứ phải đợi một người đỡ đầu chưa kịp tới. Nửa tiếng trôi qua, những người của hai gia đình khác đã tỏ ra khó chịu... Cha Lành cố nhẫn nại nói chuyện với vài người hy vọng họ quên phần nào cảm giác bực bội. Một người thấy đợi quá lâu lên tiếng hỏi:- Thưa cha, sao chưa bắt đầu? Chị này vô tình không để ý đến lý do.- Chúng ta đợi một người mẹ đỡ đầu cho em nhỏ Cecilia.- Hay là bà ta không tới vì đã quá nửa tiếng chờ đợi rồi...Cha Lành được cha xứ cho biết gia đình có người chậm trễ rất ít khi tham dự Thánh Lễ... chỉ mang danh là Công Giáo nhưng không coi chuyện đạo nghĩa ra chi hết. Người mẹ đỡ đầu bị trễ lại là một em gái mới mười ba tuổi... "Tôi đã gọi cho cha chưởng ấn xin chuẩn tuổi của người mẹ đỡ đầu với hy vọng nhờ dịp này may ra từ nay gia đình đó để ý đến việc đạo nghĩa hơn." Cha xứ giải thích khi cha Lành đọc lý lịch em nhỏ trong danh sách rửa tội và lên tiếng hỏi...- Tôi cũng không rõ, có thể cô ta đi chơi rồi vô tình quên mất nên trễ... Cha Lành có ý trả lời phỏng chừng cho qua câu hỏi.- Chúng tôi không thể chấp nhận được cha nói vậy... Tôi đã gọi điện thoại và cô ta đang trên đường tới... Chúng tôi không cần cha rửa tội nữa... Người ông có đứa cháu muốn được rửa tội lên tiếng và thế là cả gia đình có người cầm đầu đi trễ kéo nhau vào gặp cha xứ...Nào mình có nói nặng nhẹ gì đến họ! Nghĩ như thế trong khi cha Lành cảm thấy vô cùng bực bội, cố nén lòng ra vẻ chấp nhận như không có chuyện gì xảy ra... và rửa tội cho hai em nhỏ còn lại. Mặc dầu thi hành nghi thức Rửa Tội, tâm trí cha Lành không sao tránh thoát khỏi mặc cảm tự ty vì câu trả lời vô ý đã nên cớ cho những người khác biến sự thiếu sót của họ trở thành lỗi lầm của mình... Ngài định giải thích cho hai gia đình còn lại hiểu lý do sự kiện đã xảy ra nhưng lại nghĩ đến việc giải thích có thể bị cho rằng tự bào chữa để đổ lỗi cho kẻ vắng mặt nên đành im lặng cố nuốt sự bực bội... Sau đó cha Lành gặp cha xứ than thở, ngài khuyên:- Trong vị thế linh mục, còn nhiều trường hợp đắng cay hơn... Cách giải quyết chỉ là im lặng cố nuốt trôi niềm tự ái cho qua... đỡ sinh phiền hà.Nhớ lại cảnh tréo cẳng ngỗng ngày ấy, cha Lành cảm thông phần nào nỗi cay đắng cha xứ đang phải mang... Đối với người trẻ vô tư, màu nào chả là màu, áo quần có nghĩa gì tại sao cấm màu đen để rồi trả lời đụng ngay màu áo mình mặc. Thoạt nghe, người ta sẽ nghĩ là càng khuôn mẫu hóa vấn đề thì chỉ càng làm người khác tức giận mà tránh né bởi cho rằng điều mình nghĩ là tốt chưa chắc đã gây lợi ích cho kẻ khác mà đôi khi chỉ sinh ra điều bất lợi lúc áp dụng. Tuy nhiên, thường thì nhiều khi mình chỉ mới có ý nghĩ rằng người nào không nên làm chuyện gì đó thì coi chừng chính điều, ý mình vừa nghĩ tới mới là điều không nên... Cha xứ nói trẻ không nên mặc áo mai ô đen; trẻ cho rằng cha xứ không nên ngăn cấm. Ai cho rằng cha xứ không nên ngăn cấm, chắc chắn họ không phải đứng trong vị thế của cha xứ do đó nói sao cũng được. Nói trật!Hai năm đằng đẵng trôi; thuở ban đầu mọi chuyện được giải quyết tốt lành vì đã có người giúp cho nhóm trẻ. Tuy nhiên, bất cứ chuyện gì, cố vấn nhóm trẻ cũng gặp riêng cha xứ bàn hỏi không cần biết gì đến người trực tiếp được ủy quyền chịu trách nhiệm... "Thì mình càng khỏi phải lo lắng..." Cha Lành cố lờ đi như không biết... Nhận ra thực trạng để rồi suy nghĩ đưa ra kết luận thì như thế, nhưng với bản tính con người, tâm tình cha Lành đâu có dễ chiều theo lý luận cùng cụt ấy. Xét theo nguyên tắc làm việc, người chịu trách nhiệm và có bổn phận với một đoàn thể không lý nào được coi như thứ bù nhìn để rồi gánh chịu mọi hậu quả do việc làm của những người khác ngoài ý muốn của mình. Thế nên, dẫu là tuyên úy của C.Y.O. cha Lành trên thực chất cũng chỉ là một thứ bù nhìn, bù nhìn nơi cuộc họp và bù nhìn nơi vai trò tuyên úy do lối làm việc theo quan niệm xưa của cha xứ. Cuối cùng chẳng hiểu sao, đôi vợ chồng cố vấn giúp trẻ rút lui, cha phó phải đôn đáo chạy quanh hỏi han kiếm người... Nhân một buổi họp phụ huynh các em, cha Lành nói chuyện với một số cha mẹ...- Các em thực sự cần được quí vị giúp đỡ, chỉ bảo và hỗ trợ sinh hoạt. Hiện giờ các em không có một ai giúp cố vấn. Có một điều rất bất lợi cho các em là chính tôi, dầu được học hành tại Mỹ nhưng phong hóa của tôi không phải phong hóa Mỹ, kiểu cách làm việc thật khác biệt và đồng thời đường lối suy tư hay giải thích phần lớn khó phù hợp đối với các em. Quí vị làm ơn bớt chút thì giờ giúp những chương trình họp hành và gây quĩ vì ngày họp bạn chỉ còn ba tháng nữa trong khi tiền bạc chưa có mà mỗi em phải đóng những 85 đồng.- Con bằng lòng giúp các em theo lời yêu cầu của cha nhưng với một điều kiện là không nhận làm cố vấn và dứt khoát không liên lạc gì với cha xứ... Một chị cỡ ba mấy bốn chục lên tiếng.Câu trả lời của chị ta khiến cha Lành ngạc nhiên... Chuyện gì đã xảy ra, ngài thầm nghĩ. Tuy nhiên bởi có sự hiện diện của một số phụ huynh khác, ngài trả lời dung hòa:- Có chi đâu, chị làm việc giúp các em chứ đâu có giúp cha xứ... Hơn nữa, đó là chuyện cá nhân, nào phải chuyện của các em...- Vấn đề này đã từ lâu, kể ra quá dài dòng nhưng bất cứ việc gì có cha xứ nhúng vào là không có con, và con cũng không thích nghe gì nơi cha xứ... Nếu hôm nào ngài hiện diện tại buổi họp các em, con sẽ lánh mặt. Chị ấy tiếp.Chồng chị đang sinh hoạt hướng đạo cùng với đứa con trai nhỏ. Đứa con trai lớn mới gia nhập C.Y.O. nên chị ta tới dự buổi họp phụ huynh. Bố chị là ông từ giúp việc nhà thờ đã hơn ba mươi năm... Không hiểu chuyện gì đã làm chị ta cay cú đến thế. Cha Lành thầm nghĩ nhưng cố lờ đi như không để ý. Có hỏi thêm cho biết cũng chẳng ích lợi gì vì đôi khi vô tình sẽ đặt mình vào bên này sinh khó chịu với phe bên kia. Đàng khác, biết đâu người kể lại sẽ cho rằng mình vào phe với họ, và lỡ nếu chẳng may xảy thêm chuyện gì, người ta kéo mình vào làm hậu thuẫn sau này sẽ khó ăn khó nói có thể gây sự bất hòa với cha xứ... Thôi thì biết thế nhưng cứ tảng lờ là thượng sách.- Cha xứ ít khi có giờ họp với C.Y.O.. Hơn nữa, các em cần nhiều người làm việc; vậy nếu có thể chị làm ơn kiếm dùm thêm một vài người nữa giúp các em...- Cha yên trí, để con hỏi thử mấy người bạn...Cha xứ thuộc típ người cổ, không dám nói lên điều mình không biết do đó rất sợ nhúng tay vào những việc chưa bao giờ kinh nghiệm. Mấy lần cha Lành mời đi ăn nhà hàng Việt Nam nhưng ngài không dám thử,- Cảm ơn cha, tôi không đi đâu vì chưa bao giờ ăn...- Thì ít nhất mời cha thử món phở vì nhiều người Mỹ đến ăn phở ở nhà hàng đó lắm...- Thôi, thôi, để tôi ăn mấy kẹp bánh mì với "ham" được rồi.Những công việc lặt vặt có thể làm được ngài cũng e sợ hư hỏng không dám thử. Nơi phòng khách có hai bóng đèn treo lòng thòng từ trần xuống được bọc bằng bầu thủy tinh lớn; chung quanh lại có những mảnh gỗ rẽ múi kẹp vòng hai đầu tăng thêm vẻ mỹ thuật. Bóng điện bên trong lâu ngày cháy; cha Lành hỏi ý ngài, muốn tháo ra thay bóng khác.- Để tôi gọi thợ điện; cha tháo tung ra lỡ nó hư mất.Hội trường nhà xứ được dùng làm nơi chơi bingo mà một số người tham dự hút thuốc khiến khói tràn ngập muốn nghẹt thở dẫu đã phải dùng bốn máy lọc khói đặt sát trần... đến nỗi nhiều người không chịu được khói thuốc bỏ đi nơi khác.- Tôi muốn mua một chiếc quạt hút hơi ráp vào trần hội trường để rút hết khói thuốc thổi lên mái theo kẽ hở đẩy ra ngoài vì nhiều người không chịu được khói thuốc bỏ đi nơi khác chơi bingo. Chiếc quạt chỉ có năm mươi đồng, thêm mười đồng dây điện nữa là có thể hoàn thành. Như thế, chỉ cần bốn hay năm người trở lại chơi bingo một lần là lấy lại số tiền đó. Cha nghĩ sao? Cha Lành đề nghị với cha xứ.- Tôi không muốn cha đụng vào điện đóm lỡ cháy nhà hay nó sẽ giật cha chết thì rất phiền phức.Và rồi cả năm sau vẫn chưa thấy chiếc quạt hút hơi được ráp lên. Cha Lành lần nữa cố thuyết phục những người điều hành bingo... họ cũng đưa ý kiến đề nghị với cha xứ nhưng vẫn chẳng thấy gì thay đổi... Nhát thế đấy mà những điều gì ngài đã yên trí thì khó lòng hy vọng tẩy não. Anh Tomy có tiệm sửa xe đối diện nhà thờ bên kia đường. Ngày lễ cưới, hai vợ chồng mới muốn họ hàng, phù dâu phù rể đi dọc hai lối nhỏ lên ghế ngồi và chỉ cô dâu chú rể cùng cha mẹ dùng lối chính giữa nhà thờ; Cha không đồng ý bắt tất cả mọi người đi lên lối chính... Thế rồi không hiểu anh chị bực mình nói gì mà thi thoảng ngài vẫn còn nhắc lại họ không ưa ngài dẫu câu chuyện xảy ra đã năm năm... đứa con đầu lòng của họ bây giờ bốn tuổi biết lon ton chạy theo mẹ trong nhà thờ... Cũng vì vậy, thi thoảng xe bị hư, và bởi yên trí họ không thích mình, ngài ngại ngùng không dám đưa xe nhờ họ sửa. Chính cha Lành cũng có lần khó chịu về vấn đề ngôn ngữ với cha xứ. Dĩ nhiên, khi đã có chút tuổi, dẫu cố gắng học ngoại ngữ cách mấy thì cách phát âm vẫn không thể giống người bản xứ. Đã mấy lần cha xứ ghé qua văn phòng nhắc đi nhắc lại vấn đề học thêm cách phát âm Anh ngữ với một giáo dân... Tiếng Mỹ đâu phải chỉ có một số chữ khó phát âm mà muôn ngàn chữ khó uốn lưỡi đối với người ngoại quốc bởi dân Mỹ lấy tiếng gốc từ Latin, Pháp, hay Anh văn đổi lối phát âm cho thích nghi với cái miệng của họ đã quen dùng... Hơn nữa, học chùa đâu giống tới trường có giờ giấc rõ ràng... vì người ta còn bận công việc con cái, gia đình. Một hôm, tivi quảng cáo bán tự điển phát âm điện tử, cha Lành mua ngay một cái, dầu ruột đau con xót... những hai trăm bạc chứ nào rẻ rúng chi, để khi gặp chữ không quen dễ bề biết cách nói... Có được máy điện tử phát âm, cha Lành thôi học với người giáo dân... Lần ấy cha xứ ghé vô văn phòng cha Lành buông một câu:-Tôi nghe nói cha ngưng học anh văn... Giáo dân nhiều người kêu với tôi rằng cha giảng họ chẳng hiểu gì.Nghĩ mà bực, nào có ai kêu với mình đâu mà lại cứ kêu cùng cha xứ... Cha xứ muốn gì hoặc giáo dân muốn gì mà họ không dám nói thẳng với mình... hay họ muốn được cha xứ chú ý nên kiếm câu chuyện làm quà... Phỏng được bao nhiêu người đi nhà thờ để ý nghe giảng, nghe thông cáo? Đến ngay như giờ lễ còn cứ bị hỏi hoài mặc dầu đã đăng trên tờ mục vụ... Thế tại sao khi mời những người khách tham dự Thánh Lễ đứng lên để được mọi người vỗ tay đón mừng thì họ hiểu; mà những người khách mới lần đầu nghe đã hiểu sao những người quen giọng mình nói lại kêu ca? Tại sao mời những người có birthday trong tuần đứng lên họ lại biết và những người có ngày kỷ niệm thành hôn không ai than rằng không hiểu mà cũng đứng lên để được chúc mừng... Cha Lành định trả lời vì đã mua được máy phát âm điện tử nhưng chỉ nói rằng có lý do riêng... Câu nói của cha xứ đã làm cha Lành thao thức mãi cho tới hai giờ sáng vẫn chưa ngủ được mà năm giờ đã phải thức dậy chuẩn bị cho Thánh Lễ buổi sáng... Hơn nữa, sức chịu đựng của con người chỉ có một giới hạn nào đó; nếu cứ để những chuyện không đáng gì do sự vô ý của cha xứ tiếp tục xảy ra, chồng chất ngày này qua ngày khác, sự chịu đựng sẽ biến thành mối bất bình chỉ gây phiền lòng không những cho mình mà còn ảnh hưởng thái độ cư xử của mình đối với ngài. Cha Lành suy nghĩ, bằng cách nào đó phải nói cho ngài biết; nếu ngài không nhận ra thái độ bất lợi của ngài, phải trình bày rõ ràng để ngài chú ý sửa đổi may ra giúp công việc mục vụ đắc lực hơn. Thế là ngày hôm sau gặp bà thơ ký, cha Lành kể lại chuyện cha xứ làm mình khó chịu và nói nhắn:- Bà thử xét coi, cha xứ được sinh trưởng trong khối nói tiếng Anh mà cũng không thể nào nói giống giọng Mỹ. Tôi được lớn lên nơi môi trường hoàn toàn khác biệt làm sao có thể nói như người Mỹ... Thôi đành chờ ngày nào cha xứ xuống cân, tôi sẽ nói tiếng Mỹ hoàn hảo hơn...Cha xứ không nghe ai ngoại trừ bà thơ ký văn phòng nhà xứ... Cha Lành nói đúng người cần phải nói... Cha xứ cạch, không dám đụng vào gai... Hát "happy birthday" ở nhà thờ cũng vậy; bao nhiêu người lớn, nhất là trẻ em thích thú mong đến ngày sinh nhật của mình rồi gọi điện thoại hỏi lễ cha Lành sẽ dâng để được mọi người vỗ tay chúc mừng. Khác với người Việt chỉ để ý đến ngày giỗ người đã quá cố, người Mỹ để ý đến sinh nhật, kỷ niệm thành hôn... Hát happy birthday cho những người có ngày sinh nhật trong tuần, chúc mừng những đôi hôn nhân có kỷ niệm thành hôn, và chào mừng khách tham dự Thánh Lễ được cha Lành đặc biệt để ý vì đem lại tính chất tươi vui cho mọi người. Vả lại, nơi đất Mỹ vào thời buổi này, ai nấy chỉ lo sống cho riêng mình đến nỗi mất hẳn tính chất liên hệ quen biết giữa những người trong cộng đồng giáo xứ; cha Lành chẳng những được hoan nghênh vì đã làm việc đó mà giáo dân đã có nhiều người nói rằng cha giúp cho họ có thêm mối thân tình của người Công Giáo trong xứ và khuyến khích ngài tiếp tục... Thế mà cha xứ cũng đã mấy lần nhăn nhó:- Có nhiều người đến nói với tôi rằng họ không thích cha hát happy birthday ở nhà thờ...Cha Lành vẫn lặng ngắt không trả lời lần nào... tiếp tục mời mọi người hát... Hơn năm sau, cha xứ lại vào văn phòng:- Đây là lần cuối cùng tôi nói với cha ngưng hát happy birthday ở nhà thờ. Nếu Đức Giám Mục có hỏi, tôi sẽ trả lời rằng đã nói với cha... tùy cha định liệu.Cha Lành vẫn im lặng, nói gì thì nói, đã gần hai năm nay, cả địa phận này mọi người đều biết tôi hát happy birthday ở nhà thờ mà Đức Giám Mục chẳng nói gì; có lần ngài lại khen tôi giúp giáo dân thêm mối thân tình với nhau hơn thì lời cha nói do bởi nguyên nhân nào đó... Hơn nữa, trong Thánh Lễ tôi dâng, cha không có quyền hành gì đụng đến... Thôi thì cứ coi như không nghe cho đỡ phiền... Biết cá tính cha xứ như thế, cha Lành nghĩ chắc có chuyện bất đồng ý kiến bởi sự đụng chạm giữa những cái nhìn khác biệt nên tảng lờ như không để ý đến chuyện xung khắc của chị phụ huynh em nhỏ với cha xứ...