Đi ven theo những con đường nhỏ, những dãy mộ mới chưa kịp xây, tôi với Lan vào đến nơi an nghỉ muôn đời của người yêu nó. Đôi mắt con bé chớp chớp liên hồi, tôi nghĩ là Lan sắp khóc nên nắm nhẹ bàn tay Lan – bàn tay con nhỏ lạnh giá. Tôi thì thầm:
-Buồn rồi hở Lan?
Lan cười nhẹ:
- Buồn từ lâu rồi chứ đâu phải đợi đến giờ này mới buồn, nhưng mày yên trí đi, tao không khóc đâu mà sợ.
Tôi nhìn Lan để ước đo câu nói của nó. Lan không khóc thật, đôi mắt con bé ráo hoảnh với gương mặt lúc nào cũng âm thầm.
Sửa lại chậu hoa trên mộ Quang, Lan nói:
- Mỗi lần đến đây tao bỉnh thản ghê Hạnh ơi, tao cứ tưởng như đi thăm người còn sống vậy.
Tôi nhìn Lan lắc đầu:
- Lãng mạn vừa thôi chứ!
Lan cười – nụ cười buồn như chiều sắp tắt nắng. Để Lan ở lại với người yêu nó, tôi đốt một nắm nhang cắm lên những mộ chung quanh. Nắm nhang vơi dần theo khoảng cách xa chỗ đứng của Lan, còn lại nén cuối cùng tôi cắm trên mộ một người con trai còn trẻ - rất trẻ. Tôi đứng lại đây rất lâu. Tôi muốn nói với người lính trẻ những lời nói thành thật nhất, thiết tha nhất của tôi trong lúc này. Tôi muốn đứng lại đây nhìn thật kỹ khuôn mắt không hồn của người lính trẻ lồng trong mộ kia. Tôi muốn đứng lại đây nhìn nén hương tàn cho đến hết. Ở cuối đằng kia Lan cũng lặng lẽ đứng dưới chân mộ người yêu. Chiếc robe trắng với dáng người nhỏ nhắn của nó trong thế giới âm thầm này đã tạo nên cho nó một cái gì mơ hồ thanh thoát – một cái gì ma quái lạnh lùng. Bỗng dưng tôi rùng mình nghe gai gai bờ vai. Nghĩa trang buổi chiều thật hoang vắng im lìm, tôi thoáng thấy sợ hãi sao đó..Tôi nhìn ngôi mộ với khung ảnh người línhtrẻ lần cuối cùng trước khi bước ra khỏi khoảng đất vắng. “Thôi anh, hãy ngủ yên đi anh, ngủ cho quên hết phiền muộn – cho giấc ngủ anh bình yên không mộng mị, không nghe súng nổ đạn rơi, không còn thấy cuộc chiến này mỗi ngày thêm tàn khốc – Hãy ngủ yên đi anh! Cầu xin giấc ngủ đời đời cho anh”.
Tôi đến bên Lan mà hình như con bé không biết. Tôi gọi Lan, Lan thật khẽ. Lan quay lại mỉm cười. May quá, tôi nhìn thấy nụ cười của nó là mừng rồi. Nếu nó khóc…nhưng Lan không khóc. Nướcmắt đâu có thể chảy dễ dàng được. Những giọt nước mắt bừa bãi như thế tôi với Lan thường gọi là những giọt nước mắt không có hồn. Khóc chỉ để mà khóc thôi.
Lan kéo tôi ngồi Lên thành mộ. Chiếc robe trắng của nó vẫn làm tôi thấy lạnh người. Tôi dục Lan:
- Thôi, về chưa?
Lan nhăn nhăn:
- Ngồi chơi một chút đã. Về Sài gòn nhìn thiên hạ đi chơi càng chán chứ ích gì.
Tôi nói thầm: mày chán chứ tao đâu có chán, tao đáng thèm nhìn phố phường và mọi người vui chơi cho quên đi khuôn mắt người yêu ở xa tao hàng trăm cây số, chứ ngồi đây thì buồn quá, buồn quắt quay, buồn đến chết giấc.
- Sao Hạnh? Huy hồi này vẫn thư từ hoài hoài chứ?
- Ừ, chứ sao!
Tôi nói trong niềm hãnh diện vu vơ:
- Mỗi tuần tao đều viết thư và mỗi tuần đều nhận thư. Như thế đã gọi là hạnh phúc chưa?
Lan cười cười:
- Hạnh phúc một nửa.
- Tại sao lại một nửa?
- Nếu mỗi tuần đều gặp nhau đi chơi thì hoàn toàn hơn.
Tôi gật đầu nghiêng mái tóc dài:
- Thế thì còn gì bằng, tuy nhiên đòi hỏi hơi quá đáng.
Lan nói giọng chán chường:
- Theo tao chả có gì là đòi hỏi, là quá đáng cả. Tao chán làm người yêu của lính lắm rồi.
Tôi mắng đùa Lan:
- Sắp sửa “phản” rồi phản không? Chết, coi chừng….
Lan lặng yên không phản đối câu dọa đùa của tôi, đôi mắt nó nhìn lạc lõng qua hàng lá non mới mọc trên thành mộ. Hàng là này Lan trồng cho mát. Lan bảo thế. Tôi nhìn Lan và thấy thương nó làm sao? Tôi biết Lan khổ lắm, buồn lắm. Nhìn nét chịu đựng của nó thì biết, nó che giấu tình cảm bằng đủ mọi cách. Tôi nghĩ Lan giỏi chịu đựng hơn tôi nhiều. Tôi thua nó, tôi không bằng nó đây. Hôm nghe tin người yêu Lan tử trận, tôi tưởng là Lan phải khóc ngất, phải đau đớn tột cùng, nhưng trái lại, Lan bình thản đến dửng dưng, lăng xăng bên quan tài lo lắng hết cái này đến cái khác y như một người vợ trong gia đình – Săn sóc bà Mẹ khóc nhiều quá đến ngất đi, lo cho những đứa em mỗi đứa một vành khăn trắng. Buổi tối tôi đi với Lan về nhà, Lan rũ ra như một người không còn sức lực. Tôi sợ Lan buồn nên ở lại với nó đến nửa khuya – Thương Lan làm sao là thương! Người chết nằm đó thì không còn gì nữa để xót xa nữa cả, chỉ còn lại những buồn khổ cho người sống mà thôi. Tôi thương Lan và thương chính tôi nữa, bởi người yêu tôi cũng là lính. Biết đâu mà lường chuyện tương lai sẽ xẩy ra…buồn biết mấy buổi chiều ơi!
Lan choàng vai tôi đứng dậy – Buổi chiều xuống nhanh quá, Lan tỉ tê nói về người yêu. Giọng nói buồn buồn của Lan êm như hơi gió thoảng bên tai tôi. Mầu vàng với mầu trắng của áo chúng tôi sát bên nhau, âu yếm như một cặp nhân tình trẻ. Tôi lại không muốn nghĩ ngợi gì nữa cả - không muốn nghe những tiếng động cơ đuổi nhau từng loại xe ngoài đường. Không muốn nhìn những nụ cười vô tư, từng bộ mặt nham nhở của mọi người. Tôi chỉ muốn ngồi đây với Lan hết một buổi chiều rộn rịp ăn chơi, để nghe Lan nói về người yêu cùng với cái chết thật tự nhiên của người lính khi ra trận. Để tôi nhắc đến người yêu tôi giữa vùng yên tịnh vắng vẻ này “anh có nghĩ em lãng mạn quá đáng không hở anh? Bao giờ thì em chẳng lãng mạ thế, nhỉ?”.
Tôi với Lan đi qua từng ngôi mộ. Có những người chết thật bình dị như những khuôn mặt quá già lồng trong mộ bia. Có những người hình thật trẻ đã nằm xuống. Có những em bé còn mang trọn nét thiện mỹ. Chân tôi bước lên đất vụn khi đi ngang qua những đám cỏ may, cỏ bám đầy lên áo chúng tôi lấm tấm như điểm hoa. Có những ngôi mộ mới đắp sơ sài đất vung vãi tứ tung. Đôi giầy trắng của tôi và Lan bám đầy đất bụi. lan bảo:
- Để kỷ niệm buổi chiều trong nghĩa trang của chúng mình.
Tôi cười không nói. Lan lầm lũi đi bên tôi. Nhìn bước chân Lan tôi không đoán được Lan đang nghĩ gì? Tôi không muốn hỏi nó. Tôi muốn nghĩ về Huy. Nếu Huy biết được tôi đã bỏ cái buổi chiều cuối tuần thật đẹp để vào nghĩa trang thăm người chết để nhắc và nghĩ về Huy hẳn Huy cảm động ghê lắm. Chắc Huy chả ngờ đâu nhỉ? Bởi vì mỗi lần về Sài gòn cảnh thành phố lúc nào cũng tưng bừng náo nhiệt Huy thường nghĩ phải có tôi trong đám người ồn ào đó dù Huy vẫn bảo hiểu tôi, yêu tôi và tin tôi nhất. Ai mà chẳng nói thế và ai mà chẳng nghĩ thế. Làm sao mà trách Huy được. Thật lòng, không bao giờ tôi múôn giận Huy cả bởi vì tôi ở thành phố - bởi vì tôi là con gái mà con gái sống giữa thành phố này dễ bị lôi cuốn, đua đòi. Có thể tôi sẽ không thoát nổi những đua đòi lôi cuốn ấy nếu tôi không yêu Huy bằng tình yêu mạnh mẽ nhất. Tôi yêu Huy hơn cả bản thân tôi. Ngày Huy vào lính tôi cứ chê Huy ba gai, rừng rú. Về Sài gòn trông ngớ ngẩn như mán rừng. Thấ mà tôi lại yêu anh chàng mán rừng ấy – không phải là tình yêu thơ mộng của tuổi học trò – của những buổi chiều đứng trên balcon để chờ đợi một dáng người với mái tóc đẹp đi ngang qua. Mà tôi yêu con người thật của Huy sau chín tháng thụ huấn ở quân trường trở về để bắt đầu vào những ngày thực thụ là lính cả năm mới được phép một lần.
Hai đứa ra khỏi cổng nghĩa trang. Lan vẫy một chiếc taxi, tôi với Lan chui vào. Hình như Lan buồn, con nhỏ nói trong tiếng thở dài:
- Thế là hết một buổi chiều cuối tuần.
Tôi ngồi sát vào Lan, choàng tay lên vai nó nhìn thành phố sắp lên đèn mà không nói gì với nó cả. Tôi cũng đang buồn như Lan. Tối nay trở về, không học bài tôi sẽ viết thư cho Huy. Tôi sẽ kể cho Huy nghe buổi chiều của tôi với Lan trong thế giới người chết. Tôi mỉm cười hình dung ra khuôn mặt ngạc nhiên lẫn cảm động của anh chàng mán rừng khi đọc thư tôi – chắc trông Huy lúc ấy nhốn không chịu được. lan nhìn nụ cười của tôi chả hiểu gì nhưng vẫn cười theo thật buồn…
II
Tôi trở dậy sau giấc ngủ dài mệt mỏi. Đêm qua tôi đã thức với My đến gần ba giờ sáng nằm “tâm sự vụn” nên bây giờ dậy không nổi nữa. Đã lâu lắm rồi, cũng phải đến tám chín năm tôi mới gặp lại My. Con bạn thân từ thủa bé tí teo. Tám chín năm không xa cách không làm My thay đổi nhiều như tôi hằng tưởng. Vẫn đôi mắt to trông ngây thơ, vẫn dáng người gầy gầy cao cao, vẫn mái tóc ngang vai cong ra duyên dáng mà cho dù không gặp My tôi vẫn có thể hình dung ra được như thế. Ở My, tôi vẫn thấy My hoàn toàn, My thể hiện tất cả những nét dễ thương của con gái Huế.
Buổi sáng trời hơi lành lạnh nhìn My vẫn còn ngủ say, tôi đánh thức My bằng cách nhổ một sợi tóc ngoáy vào tay con nhỏ. My ú ớ một vài tiếng rồi lại nằm yên. Lạ giường lạ chiếu mà con nhỏ ngủ say ghê. Tôi phì cười nhẩy xuống giường lấy một viên đá nhỏ trong tủ lạnh áp lên má My. Lần này My tỉnh hẳn ngủ; vùng dậy kêu to lên:
- Cái chi mà lạnh ghê rứa?
Tôi đứng nhìn My cười ngặt nghẽo, biết tôi trêu My cong môi mắng tôi:
- Con ni thiệt ác, tao tưởng mô tám chín năm xa nhau mi đổi thay nhiều, người lớn ra nhiều, ai ngờ mô mi vẫn quỉ quái như ngày xưa khỉ ạ, lạnh tê người.
- Trời thế ni mà lạnh cái chi. Trời ơi! Đây Sàigòn chứ không phải mùa đông xứ Huế của mi mô mà kêu với than rứa nghe.
Tôi bắt chước “ri với rứa” toàn giọng Huế khiến My mắc cỡ kêu:
- Hạnh kỳ cục, bữa mô mi về Huế mi nói giọng Bắc Kỳ răng tao không cho tụi hắn nhái mi đến phát khóc thì thôi, tao không thèm can thiệp mô.
Tôi nheo mắt:
- Còn lâu mới nhái, cưng! Chừng nào ra Huế tao sẽ nói giọng Huế. Ở Sàigòn tao nói giọng Nam và về nhà tao nói giọng Bắc Kỳ cố hữu thì ai mà nhái nổi tao nào.
Rồi tôi trêu My:
- Sao đã chịu dậy chưa? Sửa soạn xong còn đi chơi nữa chứ, con nhỏ.
My nhẩy xuống giường nhăn nhăn:
- Mi học được ở mô cái tiếng con nhỏ nghe chi lạ rứa Hạnh? Tao ghét quá đi.
Tôi cười nhìn theo My đi vào phòng rửa mặt. Dân miền Trung là chúa ghét hai tiếng “con nhỏ” mới nghe nó có vẻ xấc láo, khinh người sao đó. Hồi mới vào Sàigòn tôi cũng như My. Ghét làm sao cái tiếng con nhỏ mỗi khi bạn bè gọi đến. Thế rồi mãi cũng thành quen. Bây giờ tôi lại thấy thích hai tiếng con nhỏ đó nữa chứ. Bạn bè gọi nhau nghe thân mật, âu yếm và đậm đà làm sao ấy.
My trở ra hỏi tôi:
- Chứ đi mô Hạnh?
Tôi bảo My:
- Đi đâu cũng được hết, đi luôn đến chiều mới về My chịu không?
My kêu lên kinh ngạc:
- Đi mô mà dữ rứa. Mẹ la chết mi đi.
Tôi cười:
- Ở đó mà dữ, chỉ cần quanh quẩn một hai đứa bạn là đã hết một ngày rồi chứ tưởng. Sàigòn có phải cái xứ Huế bé bỏng của mi đâu mà than. Hồi ở Huế ta chỉ cần đi một vòng xe đạp là hết phố. Còn ở đây cho mi cả tuần cũng chưa thấm vào đâu.
My lườm tôi:
- Mới ra Huế có vài năm mà mi đã bắt đầu phản Huế rồi, nhớ đó hỉ? Mi còn đặt chân ra Huế nữa mi chết với ta.
Tôi cười không nói, hai đứa nắm tay nhau bước xuống cầu thang:
- Tao xin phép Mẹ cho tụi mình đi nghe Hạnh?
- Ừ, Mẹ cho đi từ khuya rồi.
My vẫn kéo tay tôi vào phòng Mẹ. My nói:
- Xin phép Mẹ cho con với Hạnh đi thăm mấy người bạn cũ.
My bắt chước tôi gọi Ba Mẹ tôi bằng Ba Mẹ từ hồi nhỏ. Vì hồi bé chúng tôi thân nhau, My đến nhà tôi rất thường và ăn cơm chung với gia đình. Ba Mẹ tôi vẫn gọi đùa My là con nuôi và My cũng bằng lòng như thế.
Mẹ nhìn hai đứa thật hiền:
- Ừ đi chơi một chút trưa về sớm ăn cơm nghe con.
My chỉ tôi:
- Hạnh bảo con phải đi suốt ngày mơi kịp cơ Mẹ.
Tôi phì cười, con nhỏ ngớ ngẩn, ngây thơ đến thế là cùng. Mẹ tưởng thật trợn mắt mắng tôi:
- Đi những đâu mà trưa không về, Hạnh?
Tôi nheo mắt:
- Con dọa nhỏ My đấy, chút tụi con về liền.
My mắc cỡ đấm tôi:
- Rứa mà hắn nói làm con tưởng thật. Hạnh lớn rồi mà còn nghịch ghê Mẹ. Mẹ gả chồng cho Hạnh để Hạnh người lớn một chút đi Mẹ.
Mẹ cười:
- Mẹ cũng đang mong ai hỏi. Mẹ cho không đấy, con gái lớn rồi mà còn ở nhà nhõng nhẽo Mẹ hoài.
My gọi tôi:
- Đó, mi nghe Mẹ nói chi không Hạnh? Mẹ “đuổi” mi rồi đó.
Tôi cười dắt xe ra cửa:
- Nhỡ tụi bạn con có giữ con với My ở lại ăn cơm trưa Mẹ đừng mong nghe Mẹ, Mẹ thông cảm cho con tí ti mà.
My bảo tôi:
- Mi được Mẹ cưng sướng như công chúa nhỏ đó Hạnh.
- Bộ My ở nhà má không cưng mi sao?
My cười duyên dáng, đến chỗ đông My ôm eo tôi chặt cứng, luôn mồm kêu:
- Đi chậm dùm tao chút Hạnh ơi, mi đi nhanh tao sợ quá à.
Tôi gắt:
- Con nhỏ, đừng có nhát như thỏ đế thế, mi kêu ta nghe sốt ruột lắm.
- Thế, mi tính đưa tao đến đứa mô trước đây?
- Đến Thủy, à còn nhớ Thủy không?
My reo lên:
- Nhớ chứ, Thủy lọ lem phải không?
Tôi cười:
- Đừng có tưởng, Thủy ngày xưa lọ lem vậy chứ giờ lớn và đẹp ghê lắm nghe, sắp làm bà Đại Úy Pilot đáng hoàng rồi.
My nói nhẹ như tiếng thở dài:
- Mau ghê, mới ngày nào cả bọn còn bé tí teo..
Tôi tiếp lời My bằng câu pha trò:
- Mà bây giờ đứa mô cũng lớn như con bò…
My cười:
- Lúc nào My đùa cũng được hết. Còn mi nữa, khi mô mới cho My ăn bánh đây.
Tôi lắc đầu:
- Tao thì còn lâu, lo cho thân mi ấy.
My nhéo khẽ cánh tay tôi:
- Thôi mi ơi, dấu hoài, tưởng ta không biết đó hả? HÔm qua đọc lén nhật ký mi ta biết hết rồi.
Tôi kêu lên:
- Con nhỏ, sao mi tò mò thế?
My cười khúc khích:
- Chứ răng, lâu ngày mới gặp nhau chứ bộ, ra không tò mò thì làm sao biết được mi với người ta yêu nhau ghê thế.
- Mà, ông ấy làm chi Hạnh?
Biết không dấu nổi con nhỏ, tôi cười:
- Lính – Lính thôi.
- Nhưng mà thương ghê lắm phải không?
Tôi gật đầu nghĩ về Huy thật nôn nao, nhung nhớ. My nhẹ nhàng:
- Buồn ghê, thời buổi ni nứa mô cũng có người yêu là lính cả.
Tôi gài My:
- Kể luôn mi phải không?
Không nghe My trả lời, biết cô nàng mắc cỡ, tôi càng trêu dữ, hỏi mãi My mới ngập ngừng:
- Ừ…ừ, thì tao cũng lớn rồi chứ bộ.
- Dĩ nhiên, ta có bảo mi còn bé đâu. Mà ai thế?
- Người ni quen lắm, mi cũng biết nữa đó, đoán thử xem.
Tôi thả ga cho xe đi thật chậm đưa trí nhớ về những ngày còn bé. Hồi đó thì chưa có ai để đoán nổi có thể là người yêu của My bây giờ cả. Tôi mường tượng thấy người con trai đó hẳn My phải thương yêu ghê lắm nên My mới có thể vượt bao trở ngại “bay” vào tận Sài gòn để thăm người yêu. Tình yêu của My quả thật mãnh liệt hơn tôi tưởng.
- Sao, đoán ra chưa?
My hỏi, tôi lắc đầu:
- Chịu.
- Hạnh dỡ quá.
- Làm sao tao đoán nổi, những người ngày xưa tụi mình quen đều nhỏ nhít, biết ai đâu mà đoán.
My cười tủm tỉm:
- Ờ, Hạnh nhớ Tuyết Hồng không?
Tôi nhăn mặt, và kêu lên:
- Nhớ, Tuyết Hồng “đuôi ngựa” phải không?
My cười khúc khích:
- Ừ, ừ Hồng đó.
- Mà sao, Hồng bây giờ ở đâu?
- Ở Sài gòn như Hạnh.
- A, thế tại sao không gặp nhỉ?
My cong môi:
- Mi mà cần gặp ai, tối ngày chỉ gặp bồ.
Tôi cho tay ra sau cấu cánh tay My:
- Nhảm nhí, bồ ta ở xa Sàigòn hàng trăm cây số, làm sao mà gặp hoài được.
- Mi sướng ghê!
My nói, tôi cười:
- Lại sướng, ừ thì sướng, tại sao?
- Tại bồ ở gần.
- Thế mà gần đó hả, xa như chưa bao giờ xa thế còn gì.
My nhăn:
- Mi nói vậy còn ta thì sao?
- Ừ, ừ…
Tôi ngập ngừng, ừ, mà người yêu của mi là ai?
- Hạnh dốt, ta nhắc Hồng mà mi chưa đoán ra ai hết à?
- A, ta đoán ra rồi.
Tôi kêu lên giữa đường.
- Hải, anh Hải phải không? Anh trai Hồng đuôi ngựa chứ gì nữa. Thảo nào…
Không quay lại tôi cũng biết má My đang hồng lên vì ngượng. My hỏi:
- Thảo nào chi…
- Thảo nào ta thấy ngày xưa anh Hải đã có vẻ cảm tình đặc biệt với bé My rồi.
- Đừng có nói ẩu, ngày xưa nhỏ nhít biết chi mà cảm tình.
- Mi nhỏ nhít nhưng anh Hải không nhỏ nhít, ai cấm anh Hải thương mi nào.
My tựa cầm lên vai tôi thì thầm:
- Đến thăm nhỏ Hồng một lát nghe Hạnh.
- Gớm, bây giờ mới nói.
Tôi trêu My, My nhăn nhó:
- Thôi mà, mi đùa hoài. Ta đến không có ý gặp anh Hải đâu mà chọc. Anh ấy đi lính lâu rồi mi ơi.
- Ta biết, anh Hải ở đâu?
- Hình như Vĩnh Long.
Tôi so vai:
- Hơi xa Sài gòn đó, nhưng biết đâu…
- Chi?
- Biết đâu ông ấy chả về phép bất ngờ…
My nghe như nôn nao:
- Ta cũng đang mong như thế, trước khi vô Sàigòn ta có viết thư cho anh Hải.
Tôi cười – nghe thương My nao nao, My thật hiền, thật dễ thương và dễ tin tưởng. Một bức thư báo tin mà My cũng có thể nghĩ Hải sẽ về được. Tôi thì không nghĩ thế. Chuyện lính tráng mà My tưởng như chuyện đi chơi không bằng. Nhìn My, tôi hiểu My đang nhớ Hải ghê lắm. Ai mà chả thế, xa nhau cả ngàn cây số làm sao mà mỗi phút nhớ nhau lại có thể “dù” về thăm nhà được. Tôi muốn ao ước dùm My – có Hải - Ừ, biết đâu đấy, Hải chẳng về như điều My tin – My nhỉ?
Tôi dừng xe trước cửa nhà Hồng, căn biệt thự nguy nga khiến tôi thoáng ngại ngùng trong phút chốc. Tay My run run bấm nút chuông. Tôi bảo My:
My rút tay lại:
- Thôi, Hạnh bấm chuông đi.
Tôi chun vai:
- Thôi, thôi…
My năn nỉ:
- Mi bấm chuông dùm ta đi Hạnh, ác quá à!
Tôi cười – thấy tội nghiệp My ghê nên không nỡ trêu tiếp. Tôi nhón chân bấm chuông trong nỗi hồi hộp của My. Một người con gái mặc pyjama xanh chạy ra, theo sau là mấy cậu bé lóc nhóc. My chỉ:
- Tuyết Hồng kìa Hạnh.
Tôi cũng đã nhận ra Hồng. Bây giờ Hồng lớn nhiều, duyên dáng hẳn ra. My nói:
- Hồng, còn nhận ra My không?
Hồng kêu rú lên mừng rỡ:
- A, My, My vào đây bao giờ vậy?
My cười chỉ tôi:
- My vào hôm qua, ở nhà Hạnh.
Hồng cũng vừa nhìn ra tôi, con nhỏ đập lên vai tôi:
- Cả Hạnh nữa, bộ quên Hồng rồi hay sao mà lặng thinh vậy?
Tôi cười:
- Đâu có quên, tại thấy Hồng gặp My vui quá nên mình làm thinh cho mấy bồ chào nhau đấy chứ.
- Trời ơi! Hạnh khách sáo ghê!
Hồng nói và nắm tay chúng tôi kéo vào nhà:
- Nhớ mấy bồ ghê vậy đó. Từ ngày xa Huế đến giờ Hồng mất liên lạc với tất cả trừ My ra. Hồng chẳng gặp ai nữa hết, buồn ghê đi.
Hồng nói luyến thoắng hết chuyện này đến chuyện khác. My ngồi thu tròn như con mèo nhỏ trong Salon, đôi mắt xa xăm. Một lát Hồng nói.
- My, Hạnh ở lại đây với Hồng chiều về nghe. Hôm nay mẹ Hồng làm bún chả dò để đãi ông con trai về phép, có thêm Hạnh, My chắc là vui ghê lắm.
My giật nẩy mình ngơ ngác, tôi thở phào nhẹ nhõm nheo mắt ngầm với My “lên tiên rồi nhé!”. My nhìn “trả” tôi bằng ánh mắt reo vui cùng nụ cười e ấp. Tôi hỏi Hồng:
- Anh Hải đâu Hồng, chả biết tám chín năm rồi anh Hải có nhìn ra tụi mình không nhỉ?
My nhìn tôi bằng đôi mắt cám ơn vì thật tình My cũng đang mong gặp Hải ghê gớm. Hồng cười:
- Để Hồng đi kêu anh Hải. Từ hôm qua tới giờ anh ấy chỉ nằm nhà xem kiếm hiệp.
Hồng nói và chạy vụt vào nhà. Còn lại hai đứa, tôi bắt đầu trêu My:
- Một chầu kem đấy nghe. Hôm nay My lên tiên rồi nhá!
My đỏ hồng đôi má, con nhỏ ừ, ừ, liên hồi và la kèm theo:
- Mi nói nho nhỏ ta nhờ với, mấy chầu kem cũng được hết.
Tôi cười ròn tan trong nét ngượng ngùng bối rối của My.
Hồng đi ra, theo sau một người con trai cao lớn với mái tóc lính cũn cỡn – tôi nhận ra ngay anh Hải của thủa bé. Hồng chỉ tôi:
- Anh Hải, đố anh biết ai đây không?
Tôi gật đầu chào anh Hải, anh Hải kêu:
- A! Cô bé Hạnh chứ ai.
- Anh nhớ giỏi ghê.
Hồng khen và chỉ My, hóm hỉnh:
- Còn ai đó, anh nhớ không?
Hải nhìn My nheo một mắt lắc đầu:
- Không.
My ngúng nguẩy quay đi giả vờ dỗi, Hồng kêu:
- Ứ ừ, điệu hoài.
Tôi cười:
- Tại có mặt tụi mình nên anh Hải còn mắc cỡ đấy.
Hải cười ồn ào – đúng là lối cười của mấy ông nhà binh – tiếng cười thoải mái, ròn rã không ngại ngùng ánh mắt mắng thầm âu yêm của người yêu. Nhìn nụ cười của Hải, bỗng dưng tôi nhớ Huy quay quắt, xót xa. Cũng gần hai tháng rồi Huy không về thành phố. Điều đó đôi lúc cũng khiến tôi cảm thấy lo âu không chừng.
- Hồi xưa cô bé này phá nhất bọn đó nghe.
Hải nói và chỉ tôi. Tôi cười cười:
- Đâu có, anh nói oan cho Hạnh.
My chen vào:
- Đúng từ khuya rồi còn oan cái nỗi gì nữa.
Tôi nhăn nhó:
- Bây giờ có hai người rồi thi nhau bắt nạt “tui” đó phải không?
My cuối đầu cười nhè nhẹ. Hải ngồi xuống bên cạnh My, má con nhỏ đỏ hồng trong buổi sáng đẹp trời, tôi thấy vui lây torng niềm vui của My.
- Hạnh ở Sàigòn lâu chắc rành đường lắm phải không?
Hải hỏi, tôi không trả lời. Hải nói tiếp:
- Chiều nay phải nhờ Hạnh hướng dẫn anh, My và bé Hồng đi chơi đấy nhé.
Tôi dẫy lên:
- Ư, đâu có được. Chiều nay Hạnh bận, đang tính đem con nhỏ My đến giao cho anh, nhờ anh đưa My đi chơi hộ Hạnh đấy. Từ hôm qua đến giờ My chưa được đi đâu cả.
My hét lên:
- Mi…bỏ tao sao, Hạnh?
Tôi nheo mắt với My:
- Ta gởi tạm mi thôi, tối ta lại lãnh về, chịu không? Anh Hải giữ My hộ Hạnh nghe, anh Hải?
Hải cười với tôi:
- Chóng thật, mới ngày nào còn lê la chơi bán hàng ngoài ngõ mà bây giờ cô nào cũng lớn và lém không chịu được, anh xin chào…thua các cô luôn.
Tôi nhìn Hải cười hóm hỉnh:
- Ừ, có lớn mau như thế anh mới có dịp…tỏ tình với bé My chứ, nhỏ nhít hoài anh đâu dám phải không?
My la tôi không ngớt trong lúc Hải nhìn My gật gù:
- Hạnh nói thật…có lý.
My nhìn Hải ứ ừ thật dài, thật nũng nịu và âu yếm. Để hai người tự do với nhau bằng mắt, tôi giả vờ ngó vu vơ qua song cửa – Trời hôm nay trong sáng và nhiều nắng hơn mọi hôm. My quay sang bấm nhẹ vai tôi. Cô bé nói thật nhẹ - thật êm đềm:
- Nắng hôm nay đẹp ghê Hạnh nhỉ? Đã lâu lắm rồi hôm nay My mới được sống một ngày có nắng tuyệt diệu như thế này…
Tôi không quay lại nhìn My cũng đoán được đôi mắt My đang mơ màng say đắm. Tôi nói thật khẽ: “Nắng của My – Một ngày cho riêng My – thôi đó”.
III
Từ khi chị Vân theo chồng đổi về Mỹ Tho, đây là lần đẩu tiên tôi lặn lội đường xa thăm. Ngày chị chưa lấy anh Khải, hai đứa chúng tôi ít khi rời xa nhau lấy một bước. Nhưng đến lúc lập gia đình, chị đã vui vẻ từ giả tôi một cách tự nhiên, và tôi tự hỏi, tại sao chị lại có thể như thế. Nghĩa là không luyến tiếc, nhớ nhung hay bịn rịn một chút nào đứa em gái mà chị đã bao nhiêu năm gần gũi. Lúc thoạt đầu tôi ngạc nhiên và bực tức. Nhưng từ khi gặp Huy thì tôi hiểu nguyên do tại sao chị sao có thái độ ấy. Tình yêu! Không thể có một động lực nào mạnh hơn và chỉ tình yêu mới có thể thúc đẩy một người con gái chịu rời xa gia đình, xa những người thân yêu nhất. Chị Vân hẳn là yêu anh Khải lắm cũng như tôi thương yêu Huy biết bao nhiêu. Nên tôi đã không ngần ngại, gạt bỏ mọi rụt rè e ngại ngày thường và thuyết phục Ba Mẹ tôi.
Mới đầu Mẹ bảo muốn cho tôi xuống thắm vợ chồng chị Vân lắm vì bà cụ cũng đã lâu không được gặp cháu Bách, con đầu lòng của họ. Nhưng mẹ lại ngại tôi con gái, đường đi… không yên tâm nên hứa một dịp nào khác bà cụ khỏe sẽ dắt tôi đi. Mãi sau Ba tôi phải can thiệp (ông cụ lúc nào cũng hiểu ý các con, nhất là con gái) mẹ tôi mới bằng lòng với điều kiện dung hòa là tôi phải dắt Việt, cậu em út đi.
Tôi mỉm cười lúc đó, cảm động vì sự quan tâm của mẹ về tôi.
Nhưng tôi lớn rồi, nào phải còn như bốn năm năm trước. tự dưng tôi lại thấy hơi bứt rứt. Mẹ tôi không biết rằng, tôi còn một lý do khác để háo hức vượt gần trăm cây số thăm người chị ruột. Một lý do như hôm nào My đã có, và hình như tôi được khuyến khích vì My nên bắt chước nó.
Ngày Chủ Nhật, tôi thức dậy thật sớm, mặc dù đã cân nhắc, sửa soạn từ hôm trước, đến lúc lên đường tôi vẫn loanh quanh với những câu hỏi: “còn quên gì không nhỉ?”, “quà chị Vân, quà…cho Huy nữa”. Đợi mãi sốt ruột, Việt phải gắt lên: gớm chị cứ đi ra đi vào mãi, bộ sửa soạn về nhà chồng hay sao thế. Tôi lườm nó và bỗng thấy nóng bừng hai má.
Hai chị em “líu ríu” dắt nhau ra bến xe. Quãng đường thì không dài lắm nhưng cũng mất đến hai tiếng đồng hồ mới tới vì kẹt xe ở cầu Bến Lức. Rồi lại loay hoay mất nửa tiếng mới hỏi thăm và tìm được đường Yersin. Sau biến cố hai lần từ Tết Mậu Thân, con đường này hầu như tan nat hẳn. Nhà cửa chỉ còn là những nhà cất tạm bằng tôn cháy. Đường nhấp nhô ổ gà và bụi kinh khiếp. Anh Khải ở trong trại quân ngay trong đầu đường.
Chị Vân đang dạy bé Bách học vỡ lòng, mừng rỡ hơn cả tôi tưởng. Chị nắm tay tôi và véo má Việt. Cu Cậu ngượng ngập nhìn quanh. Chị hỏi han tôi đủ chuyện và dù tôi không thắc mắc chị vẫn giải thích. Từ Tết đến giờ không về thăm ba mẹ được vì anh phải đi hành quân luôn và tình hình không yên ổn lắm. Chị cười: ở đây nghe thử pháo kích một đêm xem. Tôi nói: “em chả lạ gì”. Hồi nọ Sài gòn bị liên miên, hồii hộp mà cũng thê thảm lắm. Đêm nằm nghe đạn bay vèo vèo trên đầu. Sáng ra đã thấy có nhà cháy, người chết. Viên đạn và nạn nhân đều vô tình như nhau, chỉ có những kẻ bắn đi là cố ý. Tôi thù ghét và sợ hãi chúng nó. Những ngày Tết chạy tối tăm mặt mũi từ nơi này sang nơi khác để tránh chúng nó vẫn còn ấn tượng sâu đậm trong đầu óc tôi.
Chị Vân bảo tôi đi tắm và thay quần áo. Chị nói hôm nay không nấu cơm nhà, mấy chị em mình ra tiệm, anh Khải có về thì sớm nhất cũng phải bảy tám giờ tối. Rồi chị đi sửa soạn nước, xà bông, khăn tắm cho tôi y như tiếp đãi khách. Tôi bật cười, nhớ lại ngày trước. Buổi chiều đi học về đứa nào cũng tranh nhau tắm trước để khỏi cất hộp xà bông và tắt máy bơm nước dưới sân. Nhiều khi xô đẩy nhau để vào nhà tắm, khiến mẹ phải quát lên, chúng tôi tìm ra giải pháp… “oẳn tù tì” xem ai thắng. Những ngày ấy thật vui, thật vô tư bây giờ thì xa vời quá. Chị Vân giờ đã thành…bà Khải, được quyền sử dụng tiếng “mẹ” ngọt ngào và chiêu đãi tôi như khách.
Tôi chậm chạp đỗ từng lon nước lên người để tận hưởng cảm giác mát mẻ dễ chịu thấm dần vào cơ thể. Văng vẳng tiếng chị Vân vừa đùa với con vừa hỏi chuyện Việt, cười khúc khích. Tôi chợt nghĩ tới Huy, lòng rộn rã. Mai kia, rồi tôi sẽ giống chị Vân, tôi sẽ trở thành…bà Huy (ai mà chả muốn lấy được người mình yêu nhỉ?) và tôi tưởng tượng trước được tiếng mẹ ngọt ngào tôi sẽ thốt ra với con tôi. Con chúng tôi. Chỉ mới nghĩ đến thế tôi đã thấy nóng mặt và tự nhiên tôi nhìn khắp chung quanh.
Gần trưa chúng tôi dắt nhau ra chợ đi một vòng mua vài thứ trái cây trước khi đi ăn cơm. Đường xá ở đây vắng vẻ, bước nghênh ngang giữa đường cũng chả lo bị xe đụng như đi ở hè phố Sàigòn. Thỉnh thoảng tôi gặp vài tốp lính Bộ Binh vai áo mang số 7. Tôi nghĩ tới Huy, chàng cũng ở Sư đoàn ấy. Trung đoàn 11, Huy thường nói đùa: số anh hên lắm, Sư đoàn, Trung đoàn cộng lại với nhau vừa vặn…9 nút. Tôi hỏi anh mê đánh bài lắm hay sao mà lúc nào cũng nút với nút. Huy cười, lắc đầu cải chính. Không thích đánh bài, nhưng hay tham dự chiến dịch “Seven Crown”. Tôi thắc mắc vì cái tên ngoại quốc lạ tai ấy, nhưng không muốn hỏi sợ Huy bảo tò mò việc “Mật”…nhà binh.
Ăn xong chúng tôi đi dọc theo đường bờ sông. Vài con tàu nhỏ đậu trong căn cứ Hải Quân im lìm và cô đơn. Tôi thấy nao nao trong lòng, thương xót vu vơ.
Ngang nhà Bưu Điện, tôi rủ chị Vân vào. Hết sức vắn tắt, tôi báo tin cho Huy biết bằng điện tính về sự hiện diện của tôi ở tỉnh lỵ này. Tôi nghĩ đến nét rạng rỡ trên khuôn mặt Huy lúc cầm điện tính trong tay. Nhưng chả biết Huy có nhận được hay không, hay cũng đi hành quân giống anh Khải?
Sau cùng tôi tự an ủi, là mình còn ở đây ít nhất ba ngày nữa, trước sau gì chả gặp Huy. Bây giờ nôn nóng thế nào cũng không thay đổi được gì.
Chị Vân không nhìn tôi, nhưng tôi thoáng thấy chị mỉm cười ranh mãnh. Tôi đã kể chị nghe bóng gió về “ người bạn trai của em” cũng đóng gần đây.
Giấc ngủ trưa kéo dài vì mệt nhọc đường xa và buổi chiều ngắn lại vì tôi bận rộn với việc bếp núc cùng chị Vân. Nhưng buổi tối, khi anh Khải trở về và ăn cơm xong, tôi bắt đầu nóng ruột. Đã gần 8 giờ. Ánh sáng đã đục dần và một vài căn nhà đã lên đèn. Tôi đùa với bé Bách để che giấu sự mong ngóng trên nét mặt, nhưng mọi người (dù mọi người – trừ chị Vân – ai chả biết chuyện tôi) hình như đều nhìn tôi một cách…kỳ cục.
Tôi giật bắn mình, tiếng Honda rú lên trước khi tắt lịm trước cửa nhà. Dù đã sửa soạn tinh thần và biết trước tôi vẫn bàng hoàng khi Huy hiện ra giữa khung cửa. Chàng bắt tay anh Khải, chào chị Vân và mỉm cười với tôi. Tôi luống cuống hết nhìn Huy lại nhìn anh chị Khải, thẹn thùng như vừa phạm một điều lầm lỗi, anh Khải mời Huy ngồi, nhưng chị Vân đã tế nhị đi thẳng vào điều tôi muốn:
- Nhà cửa chật hẹp, để cô cậu đưa nhau đi uống nước có lẽ…vui hơn.
Chị Vân nháy mắt trêu tôi. Tôi vội vã thay quần áo và lí nhí xin phép. Anh Khải nhắc nhở:
- Ở đây giới nghiêm chín giờ và hay có pháo kích, Cậu đưa cô ấy về sớm nhé. Ngày mai tha hồ đi chơi phố.
Chị Vân lườm chồng, ra điều ông chồng vô ý, kém tế nhị. Anh Khải tỉnh bơ:
- Tôi nói thật đấy chứ.
Huy cười dễ dãi, bắt tay cảm ơn anh Khải rồi cùng tôi ra đường.
Tôi ngôi sau chàng và không dám quàng tay ngang người Huy như mọi lần ở Sàigòn vì biết mọi người đang nhìn theo.
Huy phóng vụt đi, cười nho nhỏ:
- Trông em…cao bồi quá.
Tôi bỡ ngỡ:
- Anh không thích sao?
- Thích chứ. Gặp em là mừng phát điên lên rồi, đâu dám đòi hỏi, chê bai gì nữa.
- Có quyền chê bai mà. Em chiều anh hết đó.
- Thực không?
- Thực.
Hàng thắng xe lại bất ngờ dưới một tàng cây thấp, ngoái cổ bảo tôi:
- Hạnh hôn anh một cái nào!
Tôi rú lên:
- A…Cái đó thì không được, kỳ cục quá à.
Huy cười khúc khích rồi nhả mạnh tay ga. Tôi véo thật đau vao tay Huy để “trừng phạt” sự…nham nhở của chàng.
Huy đưa tôi đến một quán kem dọc bờ sông. Chiếc bàn nhỏ kê sát bên cửa lưới ngó xuống giòng nước. Huy kéo ghế cho tôi và khi tôi ngồi chàng hôn phớt lên má tôi một cách kín đáo. Tôi lườm Huy lắc đầu:
- Anh…quỷ ghê cơ.
Huy gọi nước mà không cần hỏi ý kiến vì đã biết ý thích của tôi. Tôi lặng lẽ quan sát Huy. Chàng đen và có vẻ hơi gầy, chắc hẳn những ngày gần đây phải đi hành quân luôn. Huy vẫn mặc quân phục và ở một tay áo tôi bắt gặp một miếng vá vụng về.
Gió sông lồng lộng thổi. Tôi đưa mắt nhìn ra giòng nước. Những đợt sóng lăn tăn nhấp nhô và mặt trăng lưỡi liềm lặng lờ dưới đáy nước, gợi cho tôi một sự lạnh lẽo mơ hồ trên da thịt. Huy tự tay pha ly Soda chanh cho tôi.
Những tiếng lanh canh va chạm của ly và muỗng cho tôi một ý niệm về thời gian. Những buổi tối đi chơi với nhau ở Sàigòn tôi và Huy thường hay vào quán Lan Phương ngồi lúc gần tám giờ tối. Tôi nhớ tới lời anh Khải hỏi lại Huy:
- Ở đây giới nghiêm sớm vậy anh?
- Ừ, chín giờ, vì Việt Cộng pháo kích hoài.
Huy châm thuốc lá, ánh lửa lập lòe nhảy múa trên khuôn mặt chàng, trong một tích tắt tôi bắt gặp ánh mắt nồng nàn của Huy nhìn tôi đăm đăm. Tôi hỏi khẽ:
- Tối nay anh ở đâu?
- Nhà một người bạn, sáng mai vù về thật sớm. Những ngày em ở đây anh sẽ gặp em buổi tối. Trừ những buổi “dù” được bất ngờ nếu không đi công tác.
Tôi lo ngại:
- Khéo bị phạt chết anh ạ.
Huy mỉm cười nhái giọng Hùng Cường kéo dài ra:
- Lính…mà em.
Một toán quân nhân kéo vào quán ồn ào. Huy nói nhỏ:
- Cũng dân Trung đoàn 11 đấy. Có một thằng quen anh. Cho nó ngồi lại với tụi mình nhé, tối nay anh ngủ nhà nó.
Tôi vui vẻ:
- Vâng, anh mời anh ấy đến.
Huy gọi lớn:
- Quân, lại đây mày.
Quân tiến lại chào tôi:
- Chào chị Hạnh. Tôi có nghe Huy nói về chị.
Tôi trêu:
- Còn tôi thì vẫn nghe Huy nói về anh.
- Chắc là nói không…tốt lắm.
- Anh đa nghi.
Chúng tôi cùng cười. Câu chuyện xoay quanh những chuyện vặt vãnh. Tôi cảm thấy hơi khó chịu. Bỗng Quân nói:
- Huy tốt số thật. Có người chịu khó vượt gần trăm cây số đường đất tới…tâm tình thì hạnh phúc nhất rồi còn gì. Chả bù cho tôi…
Quân bỏ ngang. Tôi tò mò:
- Anh…sao ạ?
- Tôi thì chả bao giờ có cái diễm phúc ấy.
- Anh chưa gặp đó thôi, và cũng tại anh không chịu đi làm. Hạnh phúc có khi tự đến, nhưng cũng có lúc mình phải đi kiếm nữa chứ.
Quân nói giọng thành thật:
- Tôi đã đi tìm rồi chị ạ. Người con gái ấy yêu tôi lắm, nhưng không có can đảm sống chung với tôi. Có lẽ vì cuộc sống bấp bênh của người lính về mọi mặt…
Tôi hiểu động lực nào đã thúc đẩy Quân đi tới kết luận đó, như tôi tự ái:
- Tôi nghĩ anh chủ quan. Nếu cô bạn anh yêu anh thành thật thì dù là bất cứ trở ngại nào, do gia đình đôi bên hoặc do cuộc sống hai người mang đến cũng không làm cô ấy lùi bước.
Quân nghiêm nghị vặn hỏi:
- Nếu chị là cô ấy, chị có dám chắc sẽ thực hành như thế?
Tôi cương quyết:
- Chắc chắn, đó là trường hợp của tôi với Huy bây giờ mà.
Quân cười buồn:
- Xin nghiêng mình cảm động trước tình yêu của quý vị.
Rồi Quân đứng lên nói với Huy:
- Tao ra với tụi nó một chút, tối nay mày ngủ ở nhà tao chứ?
Huy gật đầu. Quân chào tôi rồi sang nhập bọn với những người lính cùng vào lúc nãy.
Huy nhìn tôi hỏi:
- Mình đi dạo một lát rồi anh đưa Hạnh về nhé?
Huy dìu tôi xuống chiếc ghế đá sát bờ sông trong công viên gần trại Hải Quân. Chàng hỏi tôi về gia đình và phố phường Sài gòn. Tôi nghe giọng nói của Huy thoáng những âu yếm khác lạ. Tôi hỏi nhỏ:
- Gần Tết rồi anh nhớ không?
Huy gật đầu:
- Tết này anh về chứ?
Huy ngập ngừng:
- Có thể, làm sao mình biết trước được, nhà binh mà em. Sợ hơi khó, vì kỳ Tết Mậu Thân vừa rồi còn đậm nét lắm.
Tôi chợt buồn. Những người lính chiến dù là Bộ Binh hay Không Quân, Hải Quân, dù là lính Trung Đoàn 11 hay gì đi nữa thì cũng đều cực nhọc như nhau và cực nhọc áy như kéo dài miên viễn. Tôi thấy thương họ và gần gũi họ vì anh tôi, bạn tôi, những người thân, và thân nhất là Huy đều là họ. Những người quanh năm không mấy khi được nhìn thấy ánh đèn thành phố và hàng đêm quen mắt với ánh lửa hỏa châu, nghe tiếng súng và không được ngủ.
Tôi xiết chặt tay Huy và dù tôi không nói, huy cũng hiểu. Chàng quệt ngón trỏ trên má tôi, âu yếm:
- Xa nhau càng nhớ nhau thêm, em ạ. Nhờ vậy mới có những lần gặp nhau thú vị thế này. Rồi suốt đời mình còn nhiều lần như thế này nữa, em có can đảm đón nhận không?
Tôi gật đầu vui vẻ cam chịu và gục đầu trên vai Huy. Lưng trời xuất hiện bất ngờ vài trái hỏa châu, vài tiếng súng ròn rã ở xa vọng về. tôi nói khẽ:
- Sài gòn cũng thế đó anh. Mọi người cùng chiến đấu như nhau cả.
Trong thoáng chốc, Lan, My với chuyện tình của chúng nó ào ạt kéo về trí nhớ tôi, và tôi thấy khuôn mặt người yêu gần kề trong gang tấc.