HỒI THỨ CHÍN
Mở cửa Hồng cho Thompson viếng,
Trỏ Minh Đạo luận việc âu ca.

     ây nói về hai mươi tám nàng, khi nghe bà chủ chùa Hồng Môn, đề cử một nàng khác làm thủ lãnh của mình, thì phản ứng đầu tiên là thấy tự ái mình bị chạm. Đường đường mình là sinh viên ở một Viện Đại Học. Trong làng văn, ít nữa là có một đôi uy tín. Nay hạ xuống mà lãnh sự chỉ đạo của một nàng, có lẽ tuổi nhỏ hơn, học vừa hết ban tiểu học, rồi mấy năm nay ở am mà tu luyện, chẳng biết đời là gì, thì các cô thấy thèn thẹn, tủi tủi, hơi ganh tị một chút. Nhưng đến đây mà cầu tiên giáng cơ dạy dỗ, cũng không biết trả lời làm sao. Chủ chùa nhìn dáng điệu các nàng, đón biết tâm sự, nên nói:
Bất cứ trong đoàn thể nào, chất kéo sơn hàn gắn phần tử khăng khít với nhau, không phải là tình thương của các phần tử đối đãi nhau, mà chính là lòng các phần tử phục người thủ lãnh chung của mình. Các em cứ xem các chánh đảng, các giáo hội. Các em sẽ thấy điều đó rõ như ban ngày. Thủ lãnh còn, thì tổ chức được nhứt trí. Thủ lãnh mất đi, mà chưa mọc được một chơn tài khác, thì năm bảy vị cán bộ cận thần, cá mè một lứa, chia đoàn thể ra làm năm bảy hệ phái, chống đối nhau, hãm hại nhau, kéo sang đông, lôi qua tay, xô đi tới, đẩy thối lui, mà rốt cuộc chẳng ra trò chi ráo. 
Các nàng chưa kịp thốt chi, thì từ trên gác, khoan thai bước xuống một nàng trạc mười bảy, mười tám tuổi, gương mặt trái xoan, nước da trắng hồng, đôi mắt lớn mà tròn, tròng đen có ngời, mũi cao mà thẳng, tóc thề bỏ xỏa, mặc áo đạo có màu hường lợt, tay rất rộng và dài che khuất mất hai bàn tay. Thật có vẽ tiên phong đạo cốt. Nàng hé miệng cười, bày hàm răng đều như hột bắp và nói:
- Em là Diễm Hồng, xin chào các chị. Lời của thầy em thật là chí lý. Một đàn cừu do một con sư tử lãnh đạo, thì tranh đấu ắt thành công. Một đàn sư tử do một con cừu cầm đầu, thì chỉ cắn lộn lẫn nhau mà không thành chi cả. Vậy tối đại vấn đề là ta xét cho kỹ cái ta. Xưa Tôn Tử đặt vấn đề tri bỉ trước vấn đề tri kỷ. Em cho rằng phương pháp ấy là lầm. Trước phải đặt vấn đề tri kỷ, giải quyết nó cho chính chắn rồi, mới có đủ tư cách mà xét lại vấn đề tri bỉ. Về điểm này, thiên hạ cho Khổng Khưu là lỗi thời, song em thấy rằng đặt vấn đề tu thân trước tề gia, tề gia trước trị quốc, trị quốc trước bình thiên hạ, ấy là củng cố cái hạch tâm trước, sau mới phân phát công việc hướng ngoại. Vấn đề chọn em làm thủ lãnh là vấn đề rất phụ thuộc. Vấn đề chánh là đưa người có tài, có trí, có đức, nhất là có chí lên cầm đầu, để cho tất cả đều phục... Các chị đến đây, nhờ thầy em cầu tiên giáng cơ dẫn dắt. Nhưng em nghĩ, việc cầu cơ đâu phải là việc khó? Bất cứ ai, có lòng thành, bày hương hoa, lập bảng có đủ mẫu tự và một mảnh gỗ chạy lui tới được, rồi hai người đặt tay lên gỗ để truyền diễn vào, cho nó chạy chỉ chữ, thì là lãnh được ý tiên. Người phàm lãnh ý tiên, điều đó còn quan niệm được. Nhưng, ví như hai mươi tám chị thảy đều là tiên, thì các chị lãnh ý ai, mà cầu cơ?
Câu hỏi đột ngột của Diễm Hồng làm cho các nàng ngơ ngác. Ví như các nàng là tiên, thì các nàng muốn thỉnh lời chỉ giáo của ai? Mẫu Đơn thấy chị em lúng túng, mà chính mình cũng chưa thấy rõ vấn đề, nên nói cưỡng:
- Cô em Diễm Hồng đặt vấn đề phương pháp như vậy rất trúng cách. Nhưng ở nơi căn bản, có một nghi vấn to tát. Bằng vào đâu mà bảo rằng chị em chúng tôi là tiên?
Diễm Hồng quơ tay, tay áo phất tròn, rồi tuột xuống, bày ra một bàn tay nõn nà, mấy ngón cuốn lai, chỉ chừa ngón trỏ chỉ lên không trung. Và nói:
- Các tôn giáo lớn đều đặc biệt chú ý đến thời đại chúng ta. Đạo Ki Tô bảo rằng sắp đến ngày «Phán xét cuối cùng». Đạo Phật cho rằng sắp đến ngày mở Hội Long Hoa. Cái đạo mà có uy tín nhứt trong thời đại của chúng ta, là cái đạo Khoa Học, lại dạy rằng chúng ta bước đến ngưỡng cửa của thời nguyên tử. Mỗi đạo nói mỗi khác. Mà cái ý chánh phảng phất giống nhau. Cái ý chanh ấy là sự «cứu thế». Tinh thần cứu thế ấy thắng được, là nhơn loại sẽ tồn tại và cùng nhau bước sang ngươn Thanh Bình. Còn lực lượng «diệt thế» mà hơn, thì dự trí của Jésus, bảo rằng có «Phán xét cuối cùng» là đúng. Em «soi căn» các chị, em thấy các chị vốn là các đóa hoa trên cõi trời Đâu Suất, tuy xuống thế không gì mục đích cứu thế, song cũng vốn là tiên...
Tường Vi ngắt ngang nói:
- Bằng vào đâu, mà cô em Diễm Hồng lại quả quyết điều ấy?
Các nàng thảy hoan nghinh cách đặt câu hỏi trúng phép ấy, và ngóng xem Diễm Hồng trả lời làm sao. Nàng từ từ đáp:
- Hơn một năm nay, ngày nào em cũng đọc mấy chục tờ báo và dõi theo tiểu thuyết do các chị viết, cũng như của người khác viết. Người thường nói: «Văn ấy là người». Em bổ sung vào mà nói rằng: «Văn tâm của một tác giả cho ta biết cái tiên thiên» của tác giả. Và đọc văn của người là «soi căn» của người vậy. Các chị không nịnh nọt dục tính của thanh niên, mà tả cảnh phòng trà, mà gợi những cuộc chơi ở các hộp đêm, mà vẽ vời những trò thoát y vũ, mà lôi cuốn độc giả trong cuồng loạn của các truy hoan do ma vương điều khiển. Văn của các chị thanh thoảng mùi thơm của hoa, phảng phất cái đẹp của hoa, trình bày một văn tâm siêu thoát. Ấy là các chị có một tiên thiên là nàng tiên rồi. Cung nhu sen moc trong bun ma chang hoi tanh mui bun, cac chi song trong o troc cua vat chat ma khong hoen o cua vat chat. Ke vui thu trong hoi tanh ay Hơn một năm nay, ngày nào em cũng đọc mấy chục tờ báo và dõi theo tiểu thuyết do các chị viết, cũng như của người khác viết. Người thường nói: Văn ấy là người. Em bổ sung vào mà nói rằng: Văn tâm của một tác giả cho ta biết cái tiên thiên của tác giả. Và đọc văn của người là «soi căn của người vậy. Các chị không nịnh nọt dục tính của thanh niên, mà tả cảnh phòng trà, mà gợi những cuộc chơi ở các hộp đêm, mà vẽ vời những trò thoát y vũ, mà lôi cuốn độc giả trong cuồng loạn của các truy hoan đó mà vương điều khiển. Văn của các chị thanh thoảng mùi thơm của hoa, phảng phất cái đẹp của hoa, trình bày một văn tâm siêu thoát. Ấy là các chị có một tiên thiên là nàng tiên rồi. Cũng như sen mọc trong bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, các chị sống trong cảnh ô trọc của vật chất mà không hoen ố của vật chất. Kẻ vui thú trong hôi tanh ấy là ma đầu thai vào đời, lãnh lịnh của Quỉ vương. Còn các chị vốn là tiên, nhập thế để giúp cho thiện thắng ác, cho thanh thắng ô, cho chánh thắng tà. 
Hạ Liên nói:
- Cô em bảo như vậy, thì lấy đâu làm bằng cớ?
- Thưa các chị, bằng cớ là thái độ của các chị. Ngày xưa, Jésus lâm nạn, người ta đến cầu thống đốc của xứ là Ponce Pilate can thiệp mà cứu giùm. Ponce Pilate chẳng có thiện căn, gác việc nghĩa một bên, đi rửa tay để tỏ lòng mình không dính dáng chi đến việc người Do Thái hành hạ Jésus ấy. Ngày nay, Xích Tử lâm nạn, mắc vào tru tiên trận. Vừa bị nhốt vào hang đá, lại kẹt trong binh đinh. Phần đông bắt chước theo dân Do Thái của thời xưa, mỗi người một tay, ví chàng vào trận. Còn một số bắt chước theo Ponce Pilate, rửa tay sạch đứng ngoài mà nhìn. Chỉ có các chị, tuy là gái, mà «kiến nghĩa bất vi vô dỏng giả» các chị lo lắng mà cứu hắn. Đó là những bằng cớ rằng các chị có thiện căn, các chị là tiên đầu thai xuống phàm mà hành cái hạnh cứu thế.
Bụp thiệt thà, hỏi:
- Còn em?
- Còn em à? Pháp danh của em là Diễm Hồng, nghĩa là cái mống đẹp. Các chị là hoa. Nhờ cỏ cây thạnh mậu, mà hoa mới nở, mới đẹp. Mà muốn cho cỏ cây thạnh mậu, phải tưới nước. Trong thiên nhiên, tưới nước ấy là do mưa. Khi nào có mưa, những giọt nước nhỏ lơ lửng trên không trung, ánh thái dương rọi vào, bị phản chiếu lại, thì ở xa nhìn, thấy mống hiện. Vậy mống là dấu hiệu của mưa, là báo điềm rằng cây cỏ được tưới, là mách trước rằng hoa sẽ trổ xinh tươi. Nói một cách nôm na, các chị sẽ hiện sinh hoàn toàn bản thể của các chị, khi nào em vừa giúp các chị đó.
Lài xen vào hỏi:
- Em nói vậy? Phải chăng em khuyên chị không nên cầu cơ à?
- Đúng vậy! Lẽ thứ nhứt, em đã nói rồi. Các chị là tiên, còn ai là trên các chị nữa mà có thể dạy các chi được? Chẳng qua đầu thai vào phàm tục, các chị lú đi mà thôi. Chỉ cần vén mây mù, thì các chị sẽ thấy rõ hướng đi. Lẽ thứ hai là «mưu bất khả chúng». Bày ra cầu cơ, hai mươi tám chị thảy đều biết, rồi thiên hạ cũng sẽ biết. Thiên cơ đã lâu. Làm sao mà việc được thành? Điều cốt yếu là mỗi chị chỉ biết một bộ phận nhỏ của guồng máy thôi và cố gắng làm cho xong phần của mình. Các bộ phận ráp lại, ta có cả guồng máy. 
- Em có thể cho biết cả guồng máy ra sao, còn mỗi bộ phận ra sao chăng?
- Về chi tiết, em không có quyền tiết lộ. Nhưng về đại thể, em có thể nói được. Lúc nãy ở trên lầu, em có nghe thầy em đọc bài thơ hai mươi tám chữ và nói các chị rằng mỗi chị ứng vào một chữ. Mỗi chị có thể hiện được một chữ của bài thơ, ấy là các chị thể hiện trọn bài thơ rồi.
Bụp ngây thơ hỏi:
- Lúc nãy nghe đọc bài thơ, chị nghe mà chưa hiểu nổi. Chẳng hay ý nghĩa nó ra sao?
Diễm Hồng lại ngồi dưới đất, hai chân tréo nhau theo lối kiết già, bàn tay trái lật ngữa, đặt lên chơn, bàn tay phải sè ra, để thẳng đứng trước ngực, ra dáng điệu một người thuyết pháp. Và khỏi sự.
Hai mươi tám nàng ngồi chung quanh nghiêm phăng phắc. Máy ghi âm của cơ quan tình báo CIA đã thâu vào cuốn băng nhựa lời thuyết pháp của Diễm Hồng và trao cho sử gia Thompson nghiên cứu. 
Đây nói về Thompson. Khi nghe xong lời thuyết pháp của Diễm Hồng thì càng băn khoăn hơn nữa. Một mặt, Hồ Hữu Tường chủ trương không làm gì cả, chẳng ếm mồ mả của cụ phó bảng Huy làm gì cho thất công. Một mặt Lê Xích Tử chủ trương phái thiên đô, bằng không, thủ đô đặt tại Sài Gòn thì trong nội bộ xào xáo hoài, không làm ăn gì được. Bây giờ lại nghe thêm một luận điệu thứ ba nữa của Diễm Hồng, rút trong những bí truyền của lịch sử Phật giáo, mà đề xướng việc lập một nền văn minh trên lưu vực sông Cửu Long. Và khi thuyết pháp xong, Diễm Hồng đã tuyên bố rằng nàng có thảo xong một bức thư cho cựu đại sứ Cabot Lodge. Thompson muốn biết nội dung bức thư ấy như thế nào. Không lẽ tổ chức cho người trà trộn vào chùa mà ăn cắp, bèn nghĩ ra một kế, là tự mình đến chùa Hồng Môn, đề nghị với Diễm Hồng lãnh thơ mà dịch dùm ra tiếng Anh cho. Tính xong, sử gia đến viếng chùa, và xin gặp Diễm Hồng, nói:
- Tôi xin vào đề ngay. Tôi là một sử gia. Tôi nghe đạo cô có thảo xong một bức thơ bằng tiếng Việt cho cựu đại sứ Cabot Lodge. Tôi nghĩ rằng bức thơ ấy có ảnh hưởng đến lịch sử nước này, nên tò mò muốn biết. Một mặt khác, đạo cô làm thế nào cũng thuê người dịch ra tiếng Anh. Tôi e người dịch không lãnh hội ý của đạo cô, mà dịch sai nghĩa đi. Tôi lại e thêm rằng người dịch ấy bị Việt Cộng mua chuộc mà bản dịch lại bị đối phương biết được. Nên tôi đề nghị thẳng với đạo cô giao cho tôi dịch dùm cho. Dich đạt ý, không sợ một người nào khác biết được bí mật của đạo cô.
Diễm Hồng mừng rỡ, đi tìm một xấp giấy mà trao cho Thompson. Sử gia Hoa Kỳ nhận lấy, bỏ vào túi rồi hỏi:
- Tôi tò mò nên đặt một câu hỏi, xin đạo cô vui vẻ đáp. Đạo cô dựa vào truyền thống nào mà có ý nghĩ viết bức thư này?
Diễm Hồng đáp:
- Tôi tu theo phái Hồng Môn. Mà như sử gia biết phái Hồng Môn là một phái nhỏ trong đạo Bạch Liên Giáo, xuất hiện bên Tàu vào thời nhà Nguyên và ảnh hưởng rất sâu mạnh vào lịch sử nước Tàu, từ thời ấy cho đến loạn Quyền Phỉ vào đầu thế kỷ XX này, tức là ngót ngàn năm vậy. Phần công truyền của Bạch Liên Giáo, ai cũng có thể nghiên cứu mà biết được. Phần công truyền dạy tín đồ của Bạch Liên Giáo rằng Di Lặc giáng phàm mà chỉnh lại Phật Pháp, do đó mà một tôn giáo mới xuất hiện. Ấy là câu «Minh đạo tái sanh». Còn phần bí truyền, thì phái Hồng Môn gần ngàn năm nay, nuôi nấng phần bí truyền này, cũng như nuôi ngọn lửa thiêng leo lét, người trong phái cố gắng che chở cho nó còn cháy hoài. Sợ e bão táp ồ ạt bên ngoài làm tắt đi.
Thompson hỏi:
- Do đâu mà một phái bí truyền ở bên Tàu mà sang quá đất Việt được?
Diễm Hồng nhìn thầy mình rồi đáp:
- Phàm là bí truyền, tất phải là tâm truyền. Không thể dùng «thơ truyền», viết rõ vào kinh sách, rồi bất cứ ai đọc cũng hiểu, cũng làm theo được. Như vậy còn gì là bí mật? Cũng không thể là «ngôn truyền», dùng lời nói mà vạch rõ chi tiết. Rủi nói cho người chẳng có tâm đạo nghe, rồi họ phá hoại, thì làm sao? Bởi thế cho nên, tất cả phải là tâm truyền, không dùng chữ viết, chẳng dùng lời, mà áp dụng luật tương ứng mà từ cái tâm này truyền cho cái tâm kia vậy.
- Tôi chưa hề nghe nói đến luật tương ứng ấy bao giờ. Xin đạo cô cắt nghĩa cho rõ.
- Vậy mới biết Tây Phương chỉ hơn Đông Phương nơi chỗ khám phá và chế ngự ngoại giới. Còn về nội tâm, nên thú nhận rằng Tây Phương còn hãy học Đông Phương rất nhiều. Này ông Thompson, năm nay là năm kỷ niệm hai trăm năm của nhà thơ Nguyễn Du, mà ông có chịu khó đọc Truyện Kiều chưa?
- Có: tôi đã nhờ ông giáo sư dạy Việt văn cắt nghĩa cho tôi. Và tôi cũng đọc bản dịch ra tiếng Anh.
- Ông thấy như thế nào?
- Tôi thấy rằng văn chương ủy mị, đài các đọc trong tiếng Việt thì hay mà lồng vào ngoại ngữ như tiếng Anh thì chướng. Còn cốt chuyện như lạch nước chảy trong đồng bằng, tình tiết này nối tình tiết kia, mà không có éo le, khúc chiết. 
Diễm Hồng trầm ngâm một chập, rồi nói:
- Tôi là đạo cô, tôi không thể nào chấp nhận cái tâm biện hộ sự sa đọa của nàng Kiều từ cảnh khuê các rơi vào giới thanh lâu được. Trường hợp «giảm khinh», bán mình chuộc cha có một sắc thái giả tạo. Độc giả có một tinh thần chỉ trích, chi khỏi đặt vấn đề: «bán mình nào phải là biện pháp độc nhứt? Tại sao Kiều lại không ướm thử biện pháp khác?».
Đó là về văn tâm, Nguyễn Du tự mình cũng thấy chỗ gượng gạo, chỗ đuối lý của văn tâm mình, nên núp sau lưng cái văn tứ để tránh lời chỉ trích khắc khe. Nguyễn Du, vì tránh cho hậu thế chỉ trích cái văn tâm của mình, nên không tự tìm văn tứ, mà chỉ dịch một bộ Thanh Tâm tài nhân là bộ tiểu thuyết hạng bét của Tàu. Tiếc thay, cái văn học, rất có căn bản của Nguyễn Du, cái văn khí, rất lưu loát của Tiên Điền, và cái văn tài trong xứ Việt đến nay chưa ai hơn, lại đem phụng sự một cái văn tâm và một cái văn tứ tồi tệ dường ấy. Chẳng khác nào vào đời Đông Hán, tướng tài Trương Liêu, Hứa Chữ... lại đi phò một tên gian thần là Tào Tháo...
Thompson chận ngang nói:
- Thưa đạo cô, nãy giờ tôi muốn đạo cô cắt nghĩa cho tôi rõ luật tương ứng là gì? Với mục đích nào mà đạo cô lại phê bình Truyện Kiều?
Diễm Hồng cười hàm tiếu đáp:
- Tôi biết các ông ngoại quốc, khi đọc Truyện Kiều, thảy đều có chung một nhận xét như tôi. Tôi cần nói rõ như vậy, sợ e rằng các ông vì chê văn tâmvăn tứ của Kiều, các ông lại làm cuộc ngoại suy mà chê luôn những cạnh khía của áng thơ nọ. Bởi vì, chính tôi muốn mượn một vài tình tiết của cái Văn học của Nguyễn Du, mà trình cho ông thấy rõ luật tương ứng kia.
- Chẳng hay những tình tiết ấy ra sao?
- Tôi xin kể. Đạm Tiên là một ả giang hồ, vào làng chơi trong một đô thị đông đảo. Không phải tất cả đàn ông đều mê nàng, đến chơi với nàng, đến tìm nàng mà mua vui, chỉ có một thiếu số mà trong tâm, đã sẵn có một «yếu tố tương ứng». Khi nàng chết không phải tất cả ai đã thương hương tiếc ngọc của nàng, mà thảy giăng tay lo chôn cất cho nàng. Chỉ có một người, mà trong tâm sẵn có một «yếu tố tương ứng», nên mới sắm sanh nếp tử xe châu. Mộ nàng chôn bên cạnh đường, kẻ qua người lại không biết bao nhiêu, biết chuyện nàng cũng lắm, mà đã có người nào thương xót cho nàng? Chỉ có nàng Kiều, trong tâm sẵn có «yếu tố tương ứng», nên vì sẵn mối thương tâm, mà khóc nàng... 
- Đạo cô không cần dẫn thêm nhiều nữa, tôi đã rõ cái học sâu rộng của Nguyễn Du đã làm cho thi sĩ bày ra cái luật tương ứng cách rõ ràng. Nhưng tôi vẫn chưa hiểu đạo cô muốn dắt tôi đến đâu?
- Tôi nào có muốn dắt sử gia quanh co trong mê ly đồ mà sử gia sợ lạc? Tôi chỉ muốn dắt sử gia đến câu trả lời cho vấn đề mà sử gia đã đặt. Do đâu mà một phái bí truyền ở bên Tàu mà lại sang qua Việt Nam được? Số là vào năm 1948, ở xứ ta có một người, gì cũng biết phớt vài nét, thấy gì cũng dùng giọng trào phúng mà chế diễu chơi. Người ấy biết bên Tàu có phái Hồng Môn tin tưởng rằng cuối đời Hạ Ngươn, Di Lặc giáng trần để cứu thế. Cứu thế đâu chẳng thấy, mà thấy Cộng Sản của Mao Trạch Đông tràn lan, đem thuyết vô thần mà diệt tất cả tôn giáo, kể cả phái Hồng Môn. Vì vậy mà người ấy đem cả phái Hồng Môn bên Tàu ra mà chế nhạo. Nào hay đâu, ở xứ Việt chúng tôi, có người sẵn có «yếu tố tướng ứng» trong lòng. Chỉ nghe hai tiếng Hồng Môn, mà tâm đạo bừng tỉnh. Do đó mà bí truyền của phái Hồng Môn bên Tàu được «tâm truyền» sang qua đất Việt.
- Có điều mà tôi muốn biết, là đạo cô vốn là một tu sĩ, mà đạo cô gởi thơ cho ông Cabot Lodge làm chi?
Diễm Hồng đáp:
- Ông là sử gia, chắc ông biết rằng về đời nhà Nguyên, quân Mông Cổ chiếm cứ nước Tàu, đặt dân tộc Tàu dưới ách đô hộ, nhờ có Bạch Liên Giáo xuất hiện, tạo một ý thức hệ cho dân Tàu, làm cho dân chúng Tàu nổi lên dấy loạn tứ phương. Châu Nguyên Chương thừa hưởng cuộc dấy loạn của dân chúng mà đánh đuổi được quân Nguyên, và lập nhà Minh. Lùi lại mấy trăm năm, lịch sử diễn lại phảng phất có nhiều nét giống thuở trước. Đế quốc cộng sản ngày nay trùm từ Âu sang Á, giống như đế quốc của Mông Nguyên. Cộng Sản lại xâm lấn đất đai chúng tôi, chẳng khác nào Thoát Hoan, Toa Đô đánh Trần vậy. Thì nay cũng như xưa, lịch sử cần có một Trần Quốc Tuấn để chuyển chiều của lịch sử, cần có một thứ Bạch Liên Giáo mới để giải phóng nước Tàu khỏi chủ nghĩa Mác Lê. Tôi tưởng rằng tất cả máy tính điện tử của Hoa Kỳ cũng chưa thấy vấn đề. Tôi tin rằng trong một trăm tám mươi triệu dân Hoa Kỳ, trừ ông Cabot Lodge, chưa ai quan niệm nổi biện pháp mà tôi đã thấy. 
Thompson nghe Diễm Hồng chê như vậy, tự ái bị chạm nặng, bèn không nói chuyện với nàng con nít ấy nữa, và day qua hỏi bà chủ chùa:
- Nghe nói nhờ tâm truyền, bà hiểu được bí truyền của phái Hồng Môn. Bà có thể nào cho tôi biết được sự hiểu ấy như thế nào chăng?
Chủ chùa chậm rãi đáp:
- Một cái bí mật mà đến lúc sắp thực hiện nó, thì ai cũng đều biết cả.
Tưởng không cần giấu kín nữa làm chi. Chỉ có hai chữ Hồng Môn, mà mười bảy năm trước đây, đã giúp cho tâm linh tôi thông cảm với bí truyền của phái tôn giáo bí hiểm nhứt của nước Tàu. Bởi chữ Hồng, theo chữ Tàu, có nhiều cách viết thứ nhứt là Hồng là họ tổ tiên của người Việt, là họ Hồng Bàng. Từ đó mà suy ra phái Hồng Môn là phải mở cửa cho dòng giống Việt bước vào lối dẫn dắt cho loài người... 
- Chà! Bà nói sao mà đề cao dân tộc bà quá vậy?
Chủ chùa hàm tiếu đáp:
- Tôi không đề cao dân tộc tôi. Mà thật ra, chính là lịch sử đề cao đó! Ông nghĩ coi! Dân tộc chúng tôi mà giải quyết ổn thỏa được chuyện riêng của nước nhà, ấy là cứu thế giới. Không được vậy hai khối cộng sản và tự do choảng nhau trong một cuộc chiến tranh thứ ba bằng nguyên tử, bằng hóa học hoặc bằng vi trùng. Chừng ấy còn gì là loài người? Dân tộc chúng tôi len vào con đường trường tồn được, ấy là cả loài người trường tồn được. 
- Bà ngụy biện, mà có lý.
- Chữ Hồng ấy, cũng dùng mà viết chữ Hồng Quân, tức là cái khuôn lớn, tức là cuộc vận hành của vũ trụ, tức là Tạo hóa vậy. Xưa, Hồng Quân chơn nhơn thâu được đệ tử mình, một bên là Thông Thiên Giáo chủ, một bên là Lão Tử và Ngươn Thủy thiên tôn, mà cứu được Xiển giáo và Triệt giáo. Nay, hai bên, cộng sản màu xích, tư bản màu bạch mà giống Hồng chúng thâu được, thì mới cứu loài người. Bởi vậy, chúng tôi mới đặt được vế đầu để cho tín đồ thờ vế ấy là:
Hồng ly càn khôn thâu xích bạch
- Nghĩa là chừng nào đạo Hồng của người Việt ra đời, thì hết cộng sản mà cũng hết tư bản nữa à?
- Phải, Xích, Bạch, màu đỏ gắt và màu trắng bị thâu, hòa lại làm màu hường, tức là màu đỏ lợt. Ấy là chữ hồng thứ hai. Tinh túy của văn mình kỹ sư và tinh túy của văn minh chánh ủy hòa hợp nhau lại thành một xã hội chủ nghĩa có màu nhân đạo. Ấy là thuyết «nhân xã» mà suốt hai mươi năm nay, người Việt chúng tôi đề xướng. Chữ hồng màu hường này tượng trưng cho con gái. Gái thoa má hồng, gái mặc quần hồng, gái ở lầu hồng. Vậy thì người chủ xướng việc thâu xích bạch này sẽ là một người con gái Việt, nối truyền thống của bà Trưng, bà Triệu mà làm một việc phi thường. 
- Bà có trực giác mà biết nàng gái Việt phi thường này là ai chăng?
- Thiên cơ bất khả lậu. Song tôi thấy rằng tổng hợp hai cái văn minh kỹ sư và chánh ủy là một việc rất khó. Phải động viên cả cái văn minh tu sĩ, phải cất nhắc cái văn mình tu sĩ lên cho thật cao, có đủ phép mầu như Phật tổ, mới nhốt hai cái văn minh kia vào bàn tay ngũ hành mình, như xưa kia, Phật tổ nhốt Tôn Hành Giả vậy.
- Điều ấy khó lắm. Chẳng lẽ một cô con gái Việt mà làm nổi?
- Ông nghĩ coi tuổi lập đạo là tuổi của Jésus, của Thích Ca ngộ đạo, tức là tuổi ba mươi. Vào tuổi này, con trai ở xứ tôi thảy đều động viên đi đánh giặc cả. Có ai rảnh mà ngồi dưới gốc bồ đề để tìm đạo? Nếu chẳng có một cô con gái tìm thế cho, thì làm sao mà cái tôn giáo mới xuất hiện được?
Bị lời đáp trào phúng của bà chủ chùa đưa ra một cách thình lình, Thompson không cãi được, bên hỏi tản:
- Lúc nãy, bà đã nói một vế. Còn vế thứ hai ra sao?
Chủ chùa đáp: 
Môn trung nhựt nguyệt xuất kỳ hương
- Có phải ý bà muốn nói rằng «kỳ hương» tức là Phật Di Lặc giáng lâm kỳ này, sáng khai ra «minh đạo» (do chữ nhựt và chữ nguyệt cấu tạo) lại là người con gái Việt ở trong phái Hồng Môn mà ra chăng?
Chủ chùa cười mà không đáp. Diễm Hồng nối lời ngay:
- Hồng hãy còn viết là «hồng», có nghĩa là dâng lên tràn trề. Chiết từ chữ này ra, thì một bên là bộ thủy, một bên chữ cộng. Ấy là báo trước rằng chừng nào cộng sản lan tràn khắp thế giới rồi, thì đạo Hồng của người Việt đã xuất hiện mà cứu thế. Và chữ hồng cũng viết là «hồng», nghĩa đen là cái mống trời, như tên của đồ đệ bần đạo đây. Người xưa thấy cái mống trời là con vật to lớn vô cùng, khi hiện ra là có mưa. Mà hễ có mưa, thì có nước, nguồn sống của vạn vật. Ông Thompson có biết chăng chữ nước, trong tiếng Việt, vừa có nghĩa là chất lỏng nguồn sống của muôn loài, vừa là cái tổ chức của một dân tộc? Văn minh của Việt tộc là văn minh của nước. Mấy ngàn năm về trước, tổ tiên chúng tôi quần tụ chung quanh điểm nước là lưu vực sông Hồng, mà văn minh chói lọi một thời. Bước sang qua thượng ngươn dân tộc chúng tôi lại xây đắp một cái văn minh, chung quanh một điểm nước, là lưu vực sông Cửu Long, và văn minh này phồn thạnh hai ngàn năm trăm năm.
Nghe nói tới đây, Thompson nhớ lại rằng khi nghe bài thuyết pháp của Diễm Hồng, mình chưa hiểu cho lắm. Bèn cáo từ mà về quay cuộn băng nhựa mà nghe lại. Và khi nào cần, nhờ Xích Tử giảng giải thêm cho tường tận.
Đây nói về sử gia Thompson, sau hai ngày cặm cụi, sửa từng chữ, gọt từng lời mà dịch xong bức thơ của Diễm Hồng sang tiếng Anh, thì đọc lại thật kỹ. Thơ rằng:
Thưa ông Cabot Lodge, cựu đại sứ ở Việt Nam,
Bần đạo rất hân hạnh mà viết thư cho vị đại sứ đã sáng suốt nhận thức rằng củng cố chế độ Ngô triều là mắc mưu của công sản và thực dân cố kết nhau để thi hành quỉ kế «thả sâu vào quả». Khi rời Sài Gòn, ông có tuyên bố rằng ông ân hận sau ngày đảo chánh 1-XI-1963, Ngô Đình Diệm lại lỡ chết đi. Hai tỉ rưỡi người trong thế giới chẳng một ai hiểu lời tuyên bố ấy của ông. Vì vậy mà bần đạo tin rằng ông hiểu được bức thư này, nên bần đạo trân trọng gởi thơ này cho ông vậy.
Bần đạo là ai? Bần đạo có bổn phận tự giới thiệu lấy. Bần đạo tên là Diễm Hồng, có nghĩa là cái mống đẹp. Năm 1955, lúc bần đạo bảy tuổi, thầy của bần đạo gặp bần đạo nằm ngủ dưới gốc cây da, bên cạnh xác của một người đàn bà chết. Suốt mười năm nay, dùng mọi phương pháp bí truyền, mà chỉ người trong đạo mới biết được mà thôi, bần đạo đã nghiền ngẫm vấn đề: «Người đàn bà chết ở gốc cây da ấy có phải là mẹ của bần đạo chăng?». Lời giải đáp là: không phải. Chẳng những người đàn bà ấy không phải là mẹ của bần đạo, mà cũng chẳng có người đàn bà nào khác là mẹ của bần đạo cả. Thế nhơn không tin, cho việc ấy trái với khoa học. Bần đạo nay đứng ra lập một tôn giáo mới, lấy tên là «Minh đạo». Bần đạo đâu có cần hợp với khoa học hay không hợp với khoa học? Bần đạo nêu ra giáo điều, ấy là đủ để lập tôn giáo rồi. Hai ngàn năm sau, hai mươi tỉ người ở quả địa cầu này tin tưởng rằng giáo chủ mình không mẹ lẫn không cha, ấy là lịch sử tôn giáo đã bước vào một bước dài trên đường tiến bộ. Bởi vì, trong lúc này, là lúc mà các dân tộc tranh đấu nhau quyết liệt, có mẹ và có cha, thì trong máu huyết mình đã có dân tộc tính, nghĩa là có thiên vị, thì không làm sao giải quyết các tương tranh giữa các dân tộc được. Vậy, bần đạo không cha, không mẹ, bần đạo không có dân tộc. Bần đạo là siêu nhân. Bần đạo không phải là người. Xác người mà bần đạo mượn đây chỉ là một giả tướng mà thôi. Bần đạo tên là Hồng, hồng vốn là cái mống. Đến như một cái mống cũng là một giả tướng nữa! Một giả tướng do các tia của ánh sáng phản chiếu lên mấy giọt nước lơ lửng trên không, rồi hồi quang dọi vào mắt người, làm cho người ta thấy ảo ảnh ấy mà thôi. Thực chất của nó là do ánh sáng mà có. Ánh sáng, tiếng Việt là minh. Do đó mà đạo của bần đạo lập ra, có tên là «Minh Đạo».
Tất cả tôn giáo lớn đều xuất hiện trên một vùng nước, hoặc lấy lưu vực của một con sông to, hoặc ở ven một biển. Tôn giáo của Krishma lập trên lưu vực sông Indus, tôn giáo của các vị Pharaons lập trên lưu vực sông Nil, tôn giáo của đạo Hoàng Lão lập trên lưu vực sông Hoàng Hà, tôn giáo của Jésus lập trên ven biển Địa Trung. Nay, minh đạo ra đời, phải lấy lưu vực sông Cửu Long làm cho phát xuất. Tại sao lại chọn lưu vực sông Cửu Long? Bần đạo xin chịu khó giảng lý thiên nhiên cho ông nghe.
Dân số Tàu càng ngày càng tăng. Năm nay là 750 triệu. Cuối thế kỷ dân Tàu đếm đến một tỉ. Đất Tàu không phì nhiêu, sản xuất ngũ cốc, không đủ để nuôi dân Tàu. Mắc cái họa nhân mãn này, chính phủ Tàu chỉ có hai đường lối. Một là mỗi năm cho di cư ba mươi triệu dân Tàu đến nơi đất rộng người thưa mà sanh sống. Hai là làm ẩu, tràn qua xứ người, cướp giựt mà ăn. Hiện nay, Mao Trạch Đông đã lỡ làm cho tất cả các dân tộc đều sợ Tàu xâm lăng: không một nước nào dám mở cửa đón rước người Tàu di cư vào vì e rằng họ có một số đông rồi họ tổ chức du kích, gây nội loạn làm rối tình thế quốc tế để cho Hồng quân Tàu dùng chiến thuật biển người mà tràn qua mà xâm lăng. Tàu tịt đường di dân, chỉ còn độc có nước làm ẩu. Mà Đông Nam Á là vùng phì nhiều hơn hết trong việc sản xuất lúa gạo. Đất rộng, người thưa, chia ra làm nước nhỏ nhỏ, không có quốc gia nào đủ sức cự lại sự xâm lăng, dân tộc nào cũng chậm tiến thành nội bộ không vững. Do đó mà Đông Nam Á là cục thịt mỡ ở bên mép con mèo đói là Tàu. Tình trạng chiến tranh là thường trực ở vùng này, không sao giải quyết bằng phương pháp thông thường được. 
Phải giải quyết bằng phương pháp phi thường của tôn giáo. Không phải của các thứ tôn giáo cũ xưa từ hai ngàn năm về trước. Phải là của thứ tôn giáo thật mới, của thế kỷ XX, của thời nguyên tử. Trong hai mươi năm nay, vô tình nhân loại đã thí nghiệm, tuy nhỏ nhỏ thôi, mà đem lại nhiều kết quả. Bần đạo mới nói đến nước Israel tí hon, dựng trên sa mạc, mà đã làm cho thế gian thán phục những thành tích của tôn giáo rồi, mặc dầu là cái tôn giáo của Moise cũ xưa hai ngàn năm trăm năm. Nay, lợi dụng những kinh nghiệm của nước Israel, mà xây dựng minh đạo trên lưu vực sông Cửu Long, khai thác tất cả lòng tin tưởng của Phật giáo đồ rằng vào thời này, Di Lặc giám phàm độ thế, thi hành những kinh nghiệm của Hoa Kỳ khi khai thác lưu vực sông Tennessee, thì đấp mấy cái đập trên sông Cửu Long, có thể làm cho lưu vực sông này nuôi sống được hai trăm triệu dân. Cộng với hai trăm triệu dân sẵn có trong vùng, tách Tây Tạng, Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, ra khỏi nước Tàu và cho vào khối đó, thì khối Đông Nam Á mở rộng như vậy sẽ đếm được năm trăm triệu dân, kể cả Nam Dương.
 Lấy đâu hai trăm triệu người để dời đến ở lưu vực sông Cửu Long? Lấy trong số người tin tưởng rằng Di Lặc giáng thế, số người này bất cứ ở đâu, miễn cùng chung một căn bản ấy. Chừng ấy, ở Á Châu có ba khối lớn. Nước Tàu thu hẹp lại còn chừng năm trăm triệu người. Khối Đông Nam Á sẽ đếm được năm trăm triệu dân. Không còn cái tình trạng một nắm nước bé tí hon nằm cạnh một con sư tử khổng lồ chực nuốt chửng mấy nước ấy. Sẽ có tình trạng quân bình, tình trạng chân vạc. Nước Ấn Độ đem bốn trăm triệu tín độ của Ấn giáo, Khối Đông Nam Á đếm gần năm trăm triệu tín đồ của «minh đạo» là chuyển thân của Phật giáo. Nước Tàu với năm trăm triệu tín đồ của chủ nghĩa Mác Lê lần lần bị xét lại. Tình thế ấy là khởi điểm của âu ca. 
Bần đạo không đi vào tiểu tiết của minh đạo, vì Mục đích không phải là truyền đạo cho ông. Ông là một nhà chánh trị, lo tìm đường lối chánh trị cho nước Hoa Kỳ xây dựng một nền Hòa bình vĩnh cửu. Hòa bình là mục đích. Chiến tranh hay thương thuyết là phương tiện. Dùng phương tiện này hay phương tiện khác, thế nào rồi cũng đến vấn đề xây dựng Hòa bình. Vì vậy mà bần đạo trình bày cho ông thấy kế hoạch xây dựng âu ca của minh đạo.
Bần đạo tin rằng ông là người Hoa Kỳ duy nhất hiểu được lập luận của bần đạo. Ông nên giữ kín, chờ khi nào hội nghị, ông thình lình ném lên thảm xanh. Lúc ấy, Mao Trạch Đông ỡm ờ, giả vờ không chịu, ông nhắc sơ rằng năm 1955, họ Mao đã dụ dỗ Hồ Chí Minh mà cắt Văn Nam, Quảng Đông, Quảng Tây mà biếu không cho Bắc Việt, rồi Hồ Chí Minh ngán mà không nhận. Mao Trạch Đông sẽ trơ trẽn. Luôn tiện, ông sẽ lật tẩy Mao Trạch Đông mà nói rằng trong cái Hiệp Chủng Quốc Đông Nam Á, thì riêng Tây Tạng, Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông đếm đã hơn trăm triệu dân, thêm trong số hai trăm triệu tín đồ của «minh đạo» định cư ở lưu vực sông Cửu Long, cộng sản Tàu sẽ đội lốt là tín đồ của Hồng Môn bên Tàu mà len lỏi vào, thì Tàu sẽ chiếm đến hơn ba phần năm, nghĩa là có đa số tuyệt đối. Phe của Tàu bảnh như vậy, thì còn sợ phe nào của thế giới tự do? Ông thấu cấy như vậy, là ăn tiền đấy!
Luôn tiện, bần đạo muốn giải thích cho ông nghe tại sao bần đạo dám chứa hơn ba trăm triệu cộng sản Tàu trong cái Hiệp Chủng Quốc Đông Nam Á, mà chẳng bị cộng sản nuốt chững, lại chẳng sợ các dân tộc miền này bị Tàu đồng hóa. Nhưng ông là người tuyên bố một lời mà hai tỉ rưỡi người không hiểu nổi, ông nào cần giải thích của bần đạo?
Bần đạo xin chấm dứt nơi đây, và yêu cầu ông cất thơ này làm cẩm nang, khi đến hội nghị với đại diện tối cao của họ Mao tung bửu bối ra là thủ lấy phần thắng.
Minh đạo giáo chủ:
DIỄM HỒNG
Đọc thơ tới lui mấy lượt, Thompson không hiểu nên tin hay không, bèn đưa cho Xích Tử xem để hỏi ý kiến, Xích Tử đáp:
- Bức thư này, nên tin một trăm phần trăm.
- Đến như việc nàng Diễm Hồng không có cha mẹ cũng phải tin theo nữa sao?
- Điều ấy, đứng vào phương diện thấp thỏi của loài người, thì khó tin thiệt. Song đứng vào phương diện vũ trụ, thì rất là hợp lý. Ông nên nhớ rằng vào những năm 1952, 1953, ở trên quả đất ta bắt đầu thí nghiệm bom khinh khí. Bom khinh khí nổ, phát ra những tia quang tuyến cùng khắp vũ trụ, nghĩa là vượt ra khỏi «tam thiên đại thiên thế giới» của cõi ta bà, nói một cách khác là tinh vân Ngân Hà của ta. Lúc ấy ở cõi Đâu Suất, các vị trên ấy tiếp được các quang tuyến của bom khinh khí, lòng liền rung động, đoán biết rằng ở trên quả địa cầu, nếu chẳng có biện pháp nào ngăn đón, thì sẽ có chiến tranh thế giới thứ ba, tận diệt cả loài người. Bởi vậy, cần phải gấp rút gởi Maitreya, tức là Di Lặc xuống phàm. Nếu xuống phàm, mà Di Lặc mượn lối «Thường thai», nghĩa là có cha có mẹ đầy đủ, nói theo y học là phải nhờ tinh trùng của một người đàn ông để kích thích một tiểu noãn của một đàn bà, thì thiên hạ có thấy gì khác hơn mình mà chinh phục? Nếu xuống mà Di Lặc mượn lối «thánh thai», nghĩa là có mẹ mà không có cha, nói theo y hoc, thì chỉ cần tiểu noãn của một đàn bà, mà chẳng cần tinh trùng đàn ông kích thích, điều ấy chỉ gây phân vân trong lòng người ta mà thôi. Bằng vào đâu mà tin rằng người mẹ ấy đã kết «thánh thai» chớ chẳng phải có «thường thai»? Còn nếu Di Lặc mượn lối nhập xác, lối lên đồng, thì trong muôn người tuyên bố mình là người được nhập xác biết phân biệt ai là chơn ai là ngụy? 
Thompson hỏi:
- Nghe nói hãy còn có thể giáng cơ bút mà hành đạo nữa?
Xích Tử đáp:
- Quả có như vậy. Như vào những năm 1926 khi Đức Cao Đài Tiên Ông Bồ Tát Ma Ha Tát mở đạo kỳ ba, thì chánh là mượn lối cơ bút ấy mà truyền đạo. Nhưng khốn nỗi, một mặt bọn ma quỉ cũng mượn cơ bút mà xúi người làm bậy, xưng tiên, xưng thánh, mà kỳ thật là quỉ ma. Một mặt bọn lưu manh ở trần, vì lợi quyền, vì địa vị, mà tổ chức những đàn cơ giả để dối dân, gạt chúng. Vì lẽ đó mà Đức Cao Đài đã cấm việc mượn cơ bút và khuyên tín đồ mình chớ nên tin theo cơ bút. 
- Còn lần này, Di Lặc rời cõi Đâu Suất mà vào cõi Ta Bà, đến trần gian bằng cách nào?
- Người phàm ta phải nhờ hỏa tiễn, mà hiện nay, chỉ đi từ mặt đất tới cung trăng mà thôi. Việc đến hành tinh khác hãy còn là việc xa vời. Còn Di Lặc là một vị Phật, thì từ cõi Đâu Suất mà đến đây, nào có hơn chi loài người, để cho loài người phải kinh sợ mà tôn sùng? Ông có đọc truyện Phong Thần không?
- Có.
- Ông có thấy trong đó nói rằng cách đây lối ba ngàn năm, khi các vì tiên bị một bửu bối lợi hại rơi ngay đầu, liệu sẽ lâm nguy, thì hóa ra cái mống mà bay mất. Hóa ra cái mống mà bay đi, ấy là lối đi lại rất thông thường của Tiên Phật.
«Thì Di Lặc đi từ cõi Đâu Suất đến đây bằng cách hóa mống mà tới. Bà chủ chùa Hồng Môn, ban đêm mà thấy mống, đến nơi gặp một đứa con nít. Cái mống ấy là hóa thân của Di Lặc. Cho tôi hỏi ông, mống thường thời ban ngày mới có, còn ban đêm làm gì mà thấy mống được?» 
- Ông cắt nghĩa nghe xuôi rót. Nhưng có điều tôi thắc mắc nữa, là theo kinh sach, Di Lặc, hay Maitreya, tức là Bồ Tát A Dật Đa mà trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa nói, lại có biệt hiệu là Cầu Danh. Vị ấy là một đàn ông. Cớ sao, Diễm Hồng là một nàng con gái, lại có thể là Di Lặc được? 
Xích Tử nghe hỏi, vỗ vế cả cười mà đáp rằng:
Muốn biết Xích Tử đáp lời làm sao, xin xem đến hồi sau phân giải.