Trang bị bắt trên đường trở về. Khi xe lửa chưa ra khỏi Saigon Công an lên khám xét vé, hành lý và người để tìm “Việt gian”. Đây là thời kỳ tranh tối tranh sáng, Chưa đến giờ phút cuối, quân Giải Giới chưa đến, Chánh quyền vẫn còn ở trong tay nhóm người vẫn chỉ huy các cơ quan hành chánh trong thành phố. Các Cơ quan Cảnh sát, Công An vẫn còn có súng để thi hành nhiệm vụ giữ gìn an ninh, bắt bớ nếu cần tiền. Người ta bắt Trang trong lúc cái phong trào “ mò tôm” “ săn nai” đang thịnh hành. Một mạng người trong thời loạn có nghĩa gì đâu! Chỉ một mũi dao phập vào tim, ném một cái xuống sông cho “ mò tôm” là xong! Họ bắt Trang vì trong tay nàng có một số tiền lớn, một số sách học ngoại ngữ và xét lý lịch Trang lại là con quan! Trời hỡi! Trang tự mắng thầm mình tại sao lại ở trong cái giai cấp không may ấy! Mà ngót mười chín năm trời làm con quan, Trang đã được hưởng những gì, và đã làm ra tội gì? Trang ngơ ngác nhìn người thanh niên đang ngồi sau bàn viết thẩm vấn, đôi mắt mở to nhìn nàng chầm chập và cố lên giọng quát: - Tại sao chị có lắm tiền thế, đáng giá những 3 lượng vàng. Chị làm Việt gian phải không? Không nói à? Tôi chỉ muốn dộng cho chị một đạp! Anh Ba giam đầu chị này vào trong khám! Trang đứng dậy vẫn còn ngơ ngác, đi theo người lính có đeo súng và lựu đạn, bước qua mấy lần cửa sắt, cho đến khi vào một cái phòng tối om, đã có độ hai mươi người đang ngồi khoanh tay ở đấy. Nghe tiếng xích khóa sắt rộn ràng sau lưng, Trang biết mình bị cắt đứt với cuộc sống bên ngoài, ánh sáng và tự do. A! Khám Chí Hòa là đây! Cũng còn may! Cô em không đi cùng, vì phải đợi thu được tiền cái máy may bán chịu, khất tuần sau mới trả nên không bị bắt chung. Trong phòng giam, Trang ngồi yên lặng, mặc hai giòng nước mắt chẩy dài xuống má. Những ngày xưa lại từ từ hiện ra trước mắt Trang, những ngày sống bên cạnh người cha Trang không hiểu lắm, ông rất nghiêm, mà đôi lúc cũng khá khôi hài mỉa mai, người mẹ có một tình thương bao la đủ chia đều cho cả lũ con cháu của mấy giòng cha mẹ khác nhau. Sau giờ làm việc công, Ba Trang còn phải bận rộn thu xếp việc đại gia đình, nên ông giao hết việc nhà cho Me Trang là người có một quan niệm riêng về cuộc sống và cách sống. Trang không bao giờ quên được cái cảnh vẫn diễn đi diễn lại mãi mỗi lần cuối tháng: - Mới tiền học đã lại tiền học à? Học cho lắm được cái tích sự gì kia chứ, cứ “ ngu si hưởng thái bình” có phải hơn không? Khối người có học hành gì đâu mà cũng được làm ông này bà nọ, cũng lên xe xuống ngựa như ai... Những buổi chiều thấy chị em Trang rỗi việc, mẹ Trang bèn ra sân nhổ cỏ, thế là các cô trông thấy sợ hãi chạy cả ra sân làm theo, mặc dầu đó là phận sự của người làm vườn, và trong lúc ấy thì những người ở gái đứng bên gốc cây hay xó bếp nào đó, nỉ non tình tự với các chú lính hầu trong dinh. Me Trang càng ngày càng ghét sự mê học của chị em Trang: - Bộ trứng muốn khôn hơn mén à? Con gái học lắm vô ích, nhiều chữ có nấu chữ mà ăn được đâu, con gái cho học nhiều chỉ tổ cứng đầu cứng cổ, viết thư cho trai chứ được ích gì. Lúc ấy trong trí Trang tinh nghịch, nghĩ thầm: - Viết thư cho trai cũng chẳng xấu, nếu đến thư cho trai cũng không viết được, phải nhờ người viết hộ mới xấu chứ. Đã nhiều lần chú Trang, khi chưa mất, phải can thiệp: - Chị ạ, trẻ con nhất là con gái chỉ được một thời kỳ ở với cha mẹ là sung sướng mà thôi. Hãy cho chúng nó được hưởng thụ một chút. Đến lúc ra đời biết đâu chẳng gặp cảnh ngộ không may. Lúc ấy cũng còn cái an ủi là đã trải qua được một thời kỳ hạnh phúc lúc còn ở với cha mẹ. Me Trang trả lời không kém hùng hồn: - Theo tôi thì tôi có một cách dạy riêng, tôi cho chúng nó chịu trước tất cả các sự cực khổ, khó nhọc, cái khó gì cũng phải biết, cái khổ gì cũng phải chịu. Đấy chú xem cả cái vườn hoa đằng trước, vườn rau đằng sau, toàn là chúng nó tự làm đất vun xới cả. Có thế sau này nó gặp phải cảnh khổ, mẹ chồng hành hạ, em chồng cay nghiệt, nó cũng đã quen rồi mà không cho là khổ nữa. Ngừng một chốc để lấy hơi, Me Trang lại tiếp: - Con tôi, tôi phải dạy cho chúng nó vâng lời như trâu, bảo đi đường tắc là phải đi đường tắc, bảo đi đường rì là phải đi đường rì. Trang biết “tắc” và “ rì” là tiếng người cày ruộng chỉ huy con trâu quẹo trái hay quẹo phải. Trang tinh nghịch nghĩ thầm, mẹ không nói cho biết phía nào là tắc, phía nào la rì, lỡ mình quẹo lầm thì sao? Lâu dần, Trang cảm thấy hình như mình cũng tuân lệnh “tắc rì” như ý Me muốn, nhưng không biết trong đầu óc trâu thật có suy nghĩ gì không, và có biết phản đối ngầm như Trang không? Trang cũng không biết là mẹ nói đúng hay chú nói đúng, chỉ biết ngẫm nghĩ tại sao Trang lại phải ra đời không cầu? Và tại sao lại ỡ giữa cả một bầy con gái “không cầu”? Trong khi xót xa cho mình như thế, Trang lại còn phải xót xa giùm cho những ông anh họ hay bà con, và phải lấy dầu xoa giúp những vết roi thâm tím; vì cứ mấy tuần một lần, các ông ấy lại bị bố đánh một trận về tội trốn học đi chơi. Thật là mỉa mai, còn chị em Trang muốn học bài hay xem sách thì phải đợi đến đêm khuya, những đêm mùa hạ nóng dịu dàng và tiếng còi xe lửa vang lại như tiếng nhạc lên đường. Hay những đêm đông mưa dầm rả rích, Trang ngồi dựa lưng vào tường thở hổn hển nhọc mệt tay cầm cuốn sách đọc mười hiểu một. Trí óc nàng cũng không nghĩ ra được điều gì mới lạ, nhưng cảm thấy hình như mình không sống trong hiện tại. Sự thực tình thương con của me Trang cũng rất nồng nàn, nhưng tình thương ấy chỉ biểu lộ ra với những đứa ở xa. Những lúc ăn, lúc ngủ, không lúc nào me Trang không nhắc: - Giờ này nó ở đâu? Làm gì? Có khỏe mạnh không? Có túng thiếu không? Muốn được me thương đã nhiều lần Trang nghĩ đến chết, hay là đi thực xa, đi biệt tích để cũng được thương được nhớ như thế. Có nhiều đêm, chị em Trang thức khuya nói chuyện, những câu chuyện vô đề và hình như không bao giờ dứt, Dung tả hình dáng những anh chàng ngấp nghé muốn “ xin bàn tay” nàng: - Ông Tú béo lùn, lại đen nữa, thực giống hệt một con vịt bầu, mình đã lùn ông ta lại mới đứng ngang vai thôi, nếu mình lấy ông đẻ con ra thì cho ăn hết cơm hết gạo, đo đi đo lại cả ngày chỉ được một thước là cùng! Còn cái thằng bé Ngọc, hắn viết cho chị một bức thư giấy màu tim tím mở đầu là “ Je soussigné…..” (tôi ký tên dưới đây) như đơn xin việc làm! Hoài cắm cúi viết một lúc ngẩng lên bảo Dung: - Chị Dung, bài thơ này chị phải tặng em hai bát phở mới được. Thực là một áng văn tuyệt tác để trả lời cái đơn je soussigné... Như ông có đói lắm tôi mời Đúng sáu giờ mai lại ngõ tôi Thằng nhỏ tôi sai chờ ở đấy Một nồi cơm nguội để ông xơi... Huệ đang vẽ những hình ba góc, vuông tròn trên bàn, ngẫm nghĩ mãi hỏi: - Tại sao me lúc nào cũng chăm chăm đòi cưới vợ lẽ cho ba nhỉ? - Nó là một biểu tượng tỏ ra mình không ghen chứ gì Hoài ngớ ngẫn: - Thế sao đàn ông không làm thế để tỏ ra họ cũng không ghen nhỉ? Huệ lại tiếp: - Ừ, tại sao người ta cứ phải ghen? Nghe mãi những câu chuyện đánh ghen phát chán. Khi người chồng thích gì thì bổn phận và tình yêu làm cho người vợ phải chiều chứ. Chồng thích vợ lẽ sao lại cấm đoán, bắt bớ thế là làm khổ chồng, là ghét chồng chứ đâu có yêu chồng. Trang nhìn em cười: - Thế còn Huệ ngày sau chắc là chịu chiều chồng kiểu đó ghê lắm. - A, a, cái ấy không chắc, đó là nói chơi cho vui vậy thôi. Ai tin thì phải có nhiều lúa giống để đổ ra mà ăn. Kìa Hoài viết gì thế? Hoài thản nhiên: - Em đang tính hộ sổ chi tiêu cho thầy. Dung nguýt dài: - Sổ chi tiêu của thầy thì đã có cô tính, việc gì đến Hoài, rõ khéo. - Em biết rồi, không phải việc của em, nhưng đàn bà ích kỷ lắm. Nếu để cô tính thì tiền phấn son nước hoa của cô còn thừa, còn tiền cine, rượu và cô đầu của thầy không có? Em tính xong đánh máy tử tế mai đưa cho thầy, để thầy phát cáu chơi. - À này chuối bao nhiêu tiền một nải nhỉ? - Lại làm đến bài toán chuối phải không? 5 hào chớ mấy. - Thế mà nải chuối chúng mình ăn lúc chiều me phải trả đến 20 đồng đấy nhé - Ở bên Nam Mỹ châu gửi sang bằng máy bay có bảo đảm phải không? - À, thôi phải rồi, lại chuối của mụ Lé mang đến và tán me:”Bẩm cụ tối hôm qua con nằm mơ thấy cụ bà bay, chà bay cao quá, chắc sau này thế nào cụ cũng thành Phật thành Tiên chứ không phải tầm thường” - Thế là móc được túi me 20 đồng phải không? Trang thở dài: - Quê ta thật lắm nhân tài. Câu chuyện cứ nhảy từ chỗ này sang chỗ khác cho đến lúc mọi người đi ngủ cả, Trang vẫn không ngủ được. Trang lúc nào cũng hình như băn khoăn thắc mắc một cái gì, ước ao một cái gì mà chính nàng cũng không tự biết. Trang thấy cuộc sống bấp bênh làm sao ấy. Ngày mai có thể có một sự gì lạ, hay một tai nạn gì xảy ra. Ngày mai có lẽ sẽ không giống như hôm nay. Trang không tin tưởng, nhưng sự thực thì ngày nào cũng giống ngày nào. Ba Trang vẫn mê sách báo, thuốc lá và trầm ngâm khó hiểu, nhưng câu chuyện cuả ông đôi khi không kém hài hước. Một hôm đang ăn cơm, bỗng nhiên me Trang bảo: - Ông cụ Phú thế mà biết quý vợ đáo để, hôm qua ông ấy nói với bà vợ trước mặt tôi:” Nếu có ai đúc một con người vàng, to bằng người thực đổi mình tôi cũng không đổi”. Ba Trang bật cười bảo: - Thế sao mình không hỏi:” Nhưng nếu là một con người bằng xương thịt thực, chứ không phải bằng vàng, trẻ hơn cụ bà những 25 tuổi, và chỉ béo bằng nửa cụ bà thôi, thì cụ nghĩ sao? Chị em Trang đều cười để ủng hộ ba, còn me thì có vẻ tức bực lắm nhưng cũng phải gượng cười theo cho đúng nguyên tắc “Bắt không được, tha làm phước” Hay” Một sự nhịn chín sự lành.” Mẹ luôn luôn muốn làm gương cho các con. Ngày lại ngày, me Trang vẫn tần tiện trong nhà để tiêu vào những việc khác như cúng các chùa, sư, vãi, giúp đỡ các bà con, trả tiền xe cho những họ hàng từ nhà quê ra mang một nắm rau, hay mấy quả cà đến thăm, và vẫn cố hết sức làm cho các con mình được nếm đủ các thứ khổ để cho nó quen đi, sau này nếu có khổ cũng không cho là khổ nữa. Dung và các em không hay tranh giành nhỏ nhặt như các chị em gái xấp xỉ ngang nhau thường có, tạo ra một bức tranh gia đình hòa thuận, không cố ý nhưng cũng khá đẹp. Trang vẫn cứ ao ước những cái không được phép trong gia đình và lắm khi cũng không tự biết mình thực thích cái gì. Trang vẫn ốm, vẫn trằn trọc, vẫn thu thu cuốn sách trong tay. Nhìn những giòng chữ nhẩy múa quay lộn, mà tâm trí phiêu lưu. Đấy cuộc đời con quan, nhung gấm của Trang là như thế đấy. Giờ phút này Trang thấy tất cả mọi thứ đối với nàng đều không có nghĩa lý gì. Cả đến cái cảnh Khám Chí Hòa, trong căn phòng nhỏ hẹp, mấy chục nạn nhân đàn bà nằm dồn lên một chiếc bệ thực dài xây bằng xi-măng lạnh lẽo bên cạnh cầu tiêu, Trang cũng không cho là khổ sở hay khó chịu nữa. Đêm khuya, ngọn đèn dầu bé nhỏ để trên cầu tiêu tỏa ra một ánh sáng mờ mờ lập lòe, Trang lại thấy tức thở, lại thấy như cái gì chặn đè ở ngực. Trang bứt rứt khó chịu lại phải ngồi dựa lưng vào tường. Các phòng giam bên cạnh vẫn còn người thức, đưa sang những giọng ca khe khẽ, não nùng của đủ các xứ, vọng cổ, sa mạc, ca Huế. Sáng ngày không có lược chải đầu, tóc Trang rối bù xổ xuống tận vai. Trang đứng tựa vào cửa song sắt nhìn ra ngoài. Các phòng giam đối diện có tiếng: - Kìa, con sư tử của vườn bách thú cũng đã được dời vào đây. Trang chắc lúc ấy trông nàng cũng giống hệt một con sư tử bị giam. Lúc đến giờ ăn cơm, mọi người được ra khỏi phòng đi vòng vòng trong sân mấy phút, Trang đang rửa bát bỗng nghe tiếng: - Ô kìa chị Trang, sao chị lại vào đây? Thấy Trang có vẻ ngẩn ngơ, người ấy tiếp: - Tôi là Khanh bạn của Tân, tôi vẫn thường đến chơi đằng nhà luôn đấy mà, chị còn nhớ bông Thược Dược giấy Tết năm ngoái không? Trang đã nhớ ra, nàng cũng hỏi lại: - Thế còn anh tại sao anh cũng vào đây? - Tôi vì đeo chuỗi hạt đạo, tôi đoán thế. - Còn tôi thì chưa đoán ra. Trang trông hình dáng người bạn trai bẩn thỉu tiều tụy, thực không hề giống chàng thanh niên anh tuấn đến chơi với anh nàng tý nào. Trang bỗng buồn cười nhớ đến Tết năm ngoái, hoa Thược Dược trắng ở nhà nàng nở chậm, chị em Trang bèn làm hoa giấy cột vào cây nhựa bằng len vàng. Và cái anh chàng ngớ ngẩn này đã vớ lấy một bông ngửi và khen mãi là thơm quá. - Kìa chị Trang, ai cho phép chị vào đây để đọat chức hoa khôi khám vàng của người yêu tôi hở chị? Lại gặp người quen. - Chị Trang. Một thanh niên đứng tuổi, râu mép rất đạo mạo miệng ngậm một cái vú cao su giả của trẻ con chơi chạy đến. Trang nhận ra là ông Yên, một thầy bói sáng. - Kìa Giáo Sư Yên. Ông.. thèm sữa đấy à? Ông định vào đây sinh cơ lập nghiệp phải không? - Không ạ, tôi có thèm sữa đâu. Tôi mua cái vú giả này về cho con chơi chẳng may bị bắt giữa đường, tôi ngậm cho đỡ buồn, đỡ nhớ. Tôi bói dùm cho cô một quẻ nhé, không lấy tiền đâu. Trang cười: - Thôi xin cảm ơn Giáo sư, ông hãy tự bói lấy một quẻ bổn mạng đi đã, nhưng sao ông lại vào đây nghỉ mát thế. - Tôi có giấy chứng nhận của “ Thanh niên ái quốc đoàn”. Và ông thở dài: - Nào tôi có biết là mình không được phép ái quốc đâu. Tối đến, một bà già đạo mạo nằm bên cạnh Trang tự giới thiệu: - Tôi là người của đảng Đệ tam quốc tế, Cố vấn chính trị tham gia quân sự, kiêm đoàn trưởng Phụ nữ Tiền Phong. ở tỉnh Bàrịa. Trang hỏi ngơ ngẩn: - Thưa bà thế bà vào.... chơi đây ạ? - Không, đoàn phụ nữ của chúng tôi không có gạo ăn, tôi bèn cho đi “vay” ở các sở, đồn điền cao su, các nhà giàu. Đến lúc các đồng chí thanh tra ngoài Bắc vào họ bảo tôi tham ô nên... - À ra thế, thế thì bà chính trị giỏi lắm nhỉ, nhân tiện ở đây rảnh rỗi thế này, xin bà giảng một ít cho chúng em mở mắt ra nhé. - Được các chị cứ hỏi đi, hỏi đâu tôi trả lời đến đấy! Trang ngần ngại một lúc bảo: - Thế bà giảng Tam dân chủ nghĩa của Tôn Dật Tiên cho chúng em nghe trước đã, rồi dần dần sẽ giảng các thứ khác sau. Bà tằng hắng: - À, tam dân à, tam dân.. tam là ba, dân là dân. Tam dân là dân có ba thứ: một là quan, hai là nhà giầu, ba là dân thường. Thấy bà nói không cười, Trang choáng cả người. - Thưa bà thế Tam dân không phải Dân tộc, Dân quyền, Dân sanh sao? - À, à, cái ấy thì tôi không để ý đến. Một cô gái trẻ tuổi nằm ở cuối giường, bị bắt về tội lấy chồng Nhật, ngồi nhổm dậy bảo: - Bây giờ tôi mới biết đấy, mới nghe nói cứ tưởng Tam dân là dân da đen như Chà Và, Ấn Độ bán vải, dân da trắng như tây lính Lê dương, dân da vàng là người mình, Tầu, và Nhật, kia đấy. Tối hôm sau, Trang không dám hỏi thêm nữa, vì sợ bà dạy đến bài Ngũ quyền là quyền lấy vợ lẽ, quyền đẻ con nhiều, quyền đi đánh bạc v. v... Bà hẹn nghỉ một hôm, tối hôm sau bà sẽ giảng thuyết Tam Nhân chủ nghĩa của bà nghĩ ra: thế nào là Thằng người, Cái người và Con người. Nhưng sáng hôm sau, một chiếc xe hơi đến chở bà và một số người nữa đi đâu không biết. Trang cũng không tiếc vì nàng đoán Tam nhân của bà có lẽ là giống đực, giống cái và giống tự nhiên như trong văn pháp tiếng ngoại quốc chứ gì. Ở trong tù được 6 hôm, Trang đã quen với chiếc giường xi-măng lạnh lẽo, quen với mùi cầu tiêu, quen với món cá mắm thối và cơm lẫn sạn. Trang đang dự định một cuộc sống dài hạn trong cái hoàn cảnh này thì đến hôm thứ bẩy, bình nước lã không thấy đưa vào nữa. Thì ra Ủy ban, Chánh phủ và tất cả các nhân viên giữ khám Chí Hòa đã rời nhà tù, tản cư vào rừng sâu từ đêm khuya, bỏ rơi hơn một ngàn tù cũ phạm đủ các thứ tội, lẫn tù mới không biết tội gì. Trọn một nhà tù để lại làm quà tặng cho quân Anh Ấn đang tiến vào thành phố giải giới quân Nhật.. Thế rồi trong phút chốc tiếng xe thiết giáp ầm ầm vang dội ở bên ngoài. Một số ít tù nhân lâu năm vẫn được ra vào xách nước nấu cơm, dùng vồ đánh vào khóa sắt từng phòng, rồi lại dùng song sắt xoi thủng một lỗ tường thành của nhà tù.. Từng người từng người chui ra...Đầu ra trước có người kéo, chân ra sau có người đẩy qua cái lỗ phá ở vách tường hơi chật. Ánh sáng đây! Không khí đây! Tự do đây! Ra khỏi tường thành, mạnh ai nấy chạy, tản mác nhanh như biến. Kẻ qua sông, lên tỉnh, vào thành phố, người về quê. Trang theo một bọn bạn gái tù chạy thẳng vào rừng, lối sang Thủ Đức. Trang sung sướng nhìn ánh nắng tuơi, nhìn rừng cây xanh, nhìn từng chiếc lá cây ngọn cỏ, lòng đầy hân hoan cho đến khi thấy bụng đói thì mới nhớ ra rằng mình chỉ là một tên tù vượt ngục. Nhà ở tận miền Trung xa xôi đã bị cắt đứt đường giao thông. Tiền Ủy Ban hay Chính phủ giữ hộ cho, nhưng lúc bỏ rơi Trang lại, nhà nước không nghĩ đến chuyện trả lại. Tự do giờ đây Trang đã có nhưng chỉ là một thứ tự do chết đói mà thôi. Một cô bạn gái trong tù về tội không tham gia hội Phụ nữ Cứu Quốc, đưa Trang về ở tạm nhà cô, mỗi đêm Trang phải xay một thau gạo thành bột để làm hai rổ bánh, một rổ bánh bò cho cô, và một rổ bánh đúc cho Trang. Ngày ngày trong bộ quần áo gái quê, hai cô mang hai rổ bánh lần mò vào các rừng có chợ, có bộ đội đóng, hay có các cơ quan mới tản cư đến để bán, nhân tiện dò hỏi theo vết chân của “chính phủ” để đòi tiền lại.