Hàn Mặc Tử tên thật Nguyễn Trọng Trí sinh ngày 22-9-1912 tại Lệ Mỹ (Đồng Hới, Quảng Bình), con ông Nguyễn Văn Toản và bà Nguyễn Thị Duy. Tổ tiên vốn họ Phạm và quê quán ở Thanh Hóa. Ông cố là Phạm Chương liên quan về quốc sự, gia đình bị truy nã, nên người con là Phạm Bồi trốn vào Thừa Thiên, đổi ra họ Nguyễn, theo họ mẹ. Thân sinh nhà thơ là con trưởng cụ Phạm Bồi tức Nguyễn Bồi.Năm 17, 18 tuổi, thi sĩ họ Hàn đã bắt đầu có những bài thơ nổi tiếng, nhất là mấy bài Đường luật như Thức Khuya được nhà thơ, nhà yêu nước Phan Bội Châu khen và họa lại. Năm 20 tuổi, thi sĩ làm việc ở Sở Đạc điền (Qui Nhơn), thỉnh thoảng gởi thơ đăng ở tuần báo Phụ nữ Tân văn ký tắt với bút hiệu P.T Qui Nhơn. Đầu năm 1935, xin thôi việc ở Sở Đạc điền, vào Sài Gòn giữ trang văn chương ở các báo Gài Gòn, Công Luận, Tân Thời, Trong Khuê Phòng. Được một năm ông trở về Qui Nhơn, rồi mắc bệnh phong, điều trị tại nhà khá lâu mà không khỏi, ông bị cưỡng bức vào nhà thương Qui Hòa. Ngày 11-11-1940, thi sĩ ra đi trong đau đớn cả về thể xác lẫn tâm hồn...28 năm, một cuộc đời ngắn ngủi, nhưng thi sĩ đã để lại cho chúng ta những tác phẩm thơ vô giá, nhất là những vần thơ nói về trăng. Trăng trong thơ từ cổ chí kim nhiều hơn sao trời, lá rừng, cá bể. Nhưng trăng trong thơ thi sĩ họ Hàn lại có cái gì đó khác biệt lắm: “Trăng nằm sóng soải trên cành liễu/ Đợi gió đông về để lả lơi”. Một hình ảnh về trăng “xưa nay hiếm”, một cách nói về trăng “không giống ai”. Nhưng suy cho cùng đó là cách nói gần gũi, quen thuộc với người Việt. Cái dáng “nằm sóng soải” là một kiểu nằm hết sức thoải mái, tự nhiên. Nhà thơ Mai Văn Hoan có nói rằng: “Trăng không chỉ “nằm sóng soải” mà còn “Đợi gió đông về để lả lơi”. Trăng cũng thèm khát như người, cũng đa tình như người”. Đó là những cái tình rất đời thường, rất chân thật. Nhà thơ không hề giấu giếm khát vọng trần tục của mình (trần tục nhưng không dung tục). Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng ca ngợi: “Công bằng mà nói ít ai trên thế gian này tôn vinh vẻ đẹp trời ban cho “bóng trăng” như Hàn Mặc Tử”. Đến với thơ Hàn Mặc Tử ta như lạc bước vào một thế giới trăng. Không những trăng leo, trăng nằm, trăng còn bị cắn, trăng tự tử. Tử say trăng, uống trăng, chơi trăng, tắm cùng trăng, ngủ với trăng. Trăng như ám ảnh con người thơ của Tử. Có những vần thơ toàn trăng: “Trăng, trăng trăng là trăng, trăng, trăng...”. Có thể như là ý nhà nghiên cứu phê bình Trần Thanh Mại đã nói: Mỗi kỳ trăng sáng là mỗi lần có những tác động huyền bí nào đó đối với bệnh cùi. Vi trùng hoạt động mạnh hơn nên nhà thơ đau đớn hơn. Trăng vì thế đã trở thành một nỗi ám ảnh lớn trong thơ Hàn. Nhưng cũng có thể do bị đẩy vào hoàn cảnh cô độc, Hàn Mặc Tử chỉ biết lấy trăng làm bạn? Có lẽ cả hai đều đúng. Một lần có dịp ghé Qui Nhơn, ngược dốc Mộng Cầm lên thăm mộ Hàn Mặc Tử, tôi lại chợt nhớ đến bài thơ tình “Muôn năm sầu thảm” mà thi sĩ đã thốt lên những lời thống thiết trong cơn đau của mối tình đầu giữa Tử với Mộng Cầm: “Ta đến nơi - Nàng ấy vắng đâu rồi!/ Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỷ/ Trăng vàng ngọc, trăng ân tình, chưa phỉ/ Ta nhìn trăng khôn xiết ngậm ngùi trăng/ Ta vãi tung thơ lên tận sông Hằng/ Thơ phép tắc bỗng kêu rên thống thiết/ Hỡi Phan Thiết! Phan Thiết!/ Mi là nơi ta chôn hận nghìn thu/ Mi là nơi ta sầu muộn ngất ngư!” (Phan Thiết! Phan Thiết!). Nói như cách nói của nhà nghiên cứu Trần Thanh Mại thì: “Chàng không quên được hình ảnh người yêu, và sự đau khổ về cuộc tình duyên lỡ dở ấy lại là một nguồn cảm hứng để cho thi sĩ kéo dài ra nhiều điệu nhạc trầm hùng: “Trời hỡi! Nhờ ai cho khỏi đói/ Gió trăng có sẵn làm sao ăn/ Làm sao giết được người trong mộng/ Để trả thù duyên kiếp phụ phàng” (Lang Thang)... Nhưng thi sĩ hỡi, ngày nay, ra khỏi dốc Mộng Cầm, du khách sẽ được đọc những vần thơ của Mộng Cầm khắc trên những thanh gỗ mỏng nối lại, nếu biết thì hẳn thi sĩ sẽ ngậm cười nơi chín suối: “Nếu anh đếm được những vì sao/ Thì hiểu em yêu đến bực nào/ Tinh tú trên trời không đếm được/ Tình yêu càng thấp lại càng cao”. Chao ôi, chuyện đời của Hàn Mặc Tử đã và đang là một ẩn số, còn “vườn thơ của người thì rộng rinh không bờ bến, càng đi xa càng ớn lạnh” (Hoài Thanh - Thi nhân Việt Nam).NGUYỄN THỊ THỌ