Suốt ngày ông quanh quẩn bên ghềnh đá. Ông nhìn xuống chỗ vực xoáy chờ đợi thằng Tĩnh. Nhiều lần ông đã âm thầm ôm mặt khóc như đứa trẻ lạc mẹ.Ông tưởng tượng một lúc nào đó, thằng Tĩnh, thằng con duy nhất trong đời ông, trở về. Nó rẽ nước mà lên, mắt to lồi nhìn ông. Nó sẽ cất giọng như ngày nào. Cái giọng ngọng líu, dính liền nhau mà chỉ ông mới nghe và giải mã nổi. Có điều ông không thể biết nó khóc như thế nào. Ông cầu mong nó vẫn như xưa. Vẫn nhỏ bé, vẹo vọ và nghịch ngợm. Đêm ông mơ thấy nó. Nó lặng lẽ vuốt tay ông, thỉnh thoảng lại cười phô ra mấy chiếc răng sún. Có lần nó về ngồi khoanh chân bằng tròn nhổ tóc sâu cho ông. Nó đếm chi li từng sợi một. Ông vùng tỉnh dậy và thấy tóc mình rụng trắng giường. Cầm một sợi tóc, ông soi lên ngọn đèn dầu như bao lần ông giơ chiếc thìa nhôm của dòng họ để hòng tìm kiến những vết hoa tay in t rên đó. Bây giờ nếu thằng Tĩnh có về, nó sẽ nhổ tóc đen cho ông. Mà hình như cũng chẳng còn sợi nào đen để nó nhổ nữa. Bất giác ông nhìn lại hai thanh niên. Ông thèm được như họ. Giá tóc ông đen lại… Thời gian là kẻ sát nhân tàn khốc. Tóc gã đánh xe không đen cũng chẳng trắng. Nó nhờ nhờ một màu bùn đất.Cảm giác về sự già nua rõ nhất mỗi khi ông bị ốm. Trong túp lều tối ẩm, ông lắng nghe tiếng mọt nghiến ken két, tiếng nước ầm ì và tiếng gió lật mái gianh. Bụi mọt phủ khắp người. Ông nghĩ rằng những bụi mọt kia sẽ phủ kín mình nếu như ngày mai ông không dậy. Ngày mai đã qua nhưng ông chưa bị phủ. Rồi ngày nữa, ngày nữa. Đầu ông chập chờn, nóng hầm hập. Ông liên tục mê thấy mình đi trên đá. Dưới chân ông, những đốm lửa phụt lên rồi vụt tắt. Những ngọn lửa giấu trong lòng đá, như ngày xưa nó giấu dưới đám rêu xanh trong câu chuyện về ông ngoại. Mỗi lần ngọn lửa phụt lên là một lần đầu ông bị mũi dùi xuyên qua. Trận ốm nặng nhất của ông kéo dài hai tuần. Khi dứt ốm, phải cố gắng lắm ông mới gạt được lớp bụi đã đông cứng phủ lên mình. Lần đó tóc ông rụng hết hai bên thái dương. Rồi mùa đông ông lại phải chống chọi với những trận lụt. Ông đeo bọc quần áo vào cổ, cố gắng leo lên chóp đá cao nhất để thoát khỏi cơn đại hồng thủy. Ông nhìn xung quanh, tất cả đều đục ngầu, đều cuồn cuộn, đều xoay tròn, vỡ nát. Thị trấn ngập ngụa trong mưa. Mưa xối xả đến mức không thể trở lại được. Mọi thứ rác rưởi cùng đồ đạc, xác người xác vật trộn vào nhau, nổi lềnh bềnh trong trạng thái buông xuôi, bất lực. Nước à à khắp nơi. Nước vươn tay định kéo ông xuống để mang đi đâu đó. Ông hoảng sợ, thấp thỏm chờ. Biết đâu thằng Tĩnh lại về những lúc đó. Ông không biết nó ra đi vô tình hay cố ý. Khi kéo chiếc cải tiến chở thuê về, ông gọi nhưng không nghe tiếng trả lời như mọi hôm. Ông lần ra mép đá nơi ngày đầu gặp mẹ con nó và thấy một chiếc cần câu nằm chúc đầu xuống nước. Ông lồng lên, chạy cuống cuồng dọc mép sông gọi nó. Ông gọi cho đến lúc kiệt sức, gục xuống mỏm đá. Trăng xoã khắp người làm ông gượng tỉnh. Ông khóc rống lên. Thế là nó đã đi. Nó đã bỏ ông một mình. Mẹ nó, người vợ đầu tiên của ông, cũng từng bỏ đi mà không nhắn lại lời nào. Người ta chỉ cho ông một đống tro trắng xốp nằm giữa khu nhà cháy. Đám cháy khổng lồ không rõ nguyên nhân đã đưa vợ ông đi vĩnh viễn. Chỉ còn lại hai bố con nuôi nhau bằng chiếc xe cải tiến kéo thuê. Ông âm thầm nghiến răng làm, cố gắng dành dụm cho thằng Tĩnh một số tiền. Nó phải có cái để mà ăn, mà gây dựng vợ con khi ông không còn. Cũng dạo đó, ông quen người đàn bà thứ hai. Cô ta phiêu bạt từ xuôi lên và tự nguyện theo ông về làm vợ. Ngay buổi đầu, cô ta đã véo tai bắt thằng Tĩnh đi kiếm cành khô về làm củi đun. Cô ta ăn khỏe như hùm. Phải công nhận rằng cô ta cũng biết xoay sở. Có một dúm vốn, cô ta liền bỏ ông để đi theo một anh chàng bán thuốc bắc rong. Ông không đủ sức buồn, chỉ lặng lẽ thu xếp những gì còn lại và tiếp tục duy trì cuộc sống của hai bố con. Nhà có cái gì, cô ta mang theo hoặc đem bán đi hết. Một thời gian dài sau đó, cô ta lại quay về. Ông không có nhà. Cô ta bắt thằng Tĩnh chỉ cho mình chỗ ông giấu tiền. Nó không chỉ, nên bị đánh đập. Thằng Tĩnh chạy ra cổng. Nó chửi điên cuồng cho đến khi sẩm tối, ông lóc cóc kéo chiếc xe về.- ịt mẹ ày!Nó gào to khi nhìn thấy ông. Ông hỏi, nó không thèm trả lời, bất thần vơ nắm cát đáp thẳng vào mặt ông. Ông tát và xách cổ nó về. Lúc đó thằng bé mới choàng tỉnh, òa khóc.- ó ấy ết iền ồi!Ông nhìn góc lều bị bới tung và chợt hiểu. Sống mũi ông cay cay. Ông thầm buồn thực sự. Nỗi buồn thăm thẳm không lấy gì để chống đỡ được. Ông bắt đầu lại từ đầu. Số tiền dành dụm cho nó chưa được là bao… Từ ngày nó đi, có một con chó không hiểu từ đâu chiều nào cũng đến lều. Con chó quanh quẩn trong lều lấy lệ rồi lảng ra phía sau hít lấy hít để cái hố. Cái hố ấy thằng Tĩnh đào để cất giấu đồ chơi. Nó nhét xuống đấy đủ thứ và bảo rằng để dấm. Vớ được cái gì nó cũng nhét cả xuống, từ chuối non, đu đủ, quần rách cho đến xác chuột chết. Có lần không hiểu nó kiếm đâu ra mấy đồng tiền nhàu nát rồi đem vùi xuống cái hố đó. Nó dấm tiền. Con chó ngủ trên miệng hố, đến sáng lại lảng vảng vào thị trấn để kiếm ăn. Ông mặc kệ con chó, vả lại có nó quang cảnh cũng đỡ buồn hơn. Những lúc rỗi, ông nhìn sang bên kia bảo tàng lịch sử. Cái nhà vuông chằn chặn như tảng gạch đá ong nằm soi bóng xuống dòng sông. Chiều nào cũng có những con quạ đen đến lượn trên nóc bảo tàng như ca ngợi, cổ vũ và thèm khát. Ông đã vào đấy một lần. Toàn súng ống, tượng anh hùng và vàng bạc giả. Có cả ống hút thuốc phiện nữa. Đặc biệt, ông thấy vô số quần áo của đủ loại dân tộc. Tất cả những thứ đó tỏa mùi khêu gợi bầy quạ đen.Người hay sang trò chuyện với ông là lão Hạng. Lão có cửa hàng nhỏ ngay cổng chợ. Cửa hàng, cũng là nhà của lão luôn. Lão Hạng đông con, có đến năm đứa tất cả, toàn trai, đứa nọ nhỉnh hơn đứa kia một chút. Một lũ quỷ sứ thật sự. Vợ lão Hạng bị liệt sau một trận sốt phát ban. Nghe nói mụ ta trước kia thuộc con nhà khá giả, có học. Hôm đầu vào nhà lão chơi, người ông nổi gai ốc ầm ầm. Căn nhà nhỏ chật cứng những đồ đạc rẻ tiền, bẩn thỉu. Vợ lão ngồi trên tấm phản, tựa lưng vào tường. Không biết mụ ngồi đó đã bao năm. Ông chỉ thấy một đống nhàu nhĩ trong bóng tối ẩm ướt, lưu cữu. Một mùi khai nồng nặc sộc vào mũi ông. Con mắt vợ lão Hạng lừ đừ chuyển động khi ông hỏi thăm sức khỏe. Mụ không trả lời, chỉ ậm ự một thứ âm thanh lạnh lẽo và nhớt. Mụ đang loay hoay bắt những con rận bò rào rào quanh mép chiếu. Mấy đứa con lão nằm ườn trên đống quần áo cũ, kịch liệt giành nhau một mẩu sắn nướng. Ông ngồi khoảng ba phút rồi ra. Khi về, ống thấy thái độ lão Hạng khác hẳn mọi lần. Không còn nét thân mật nữa mà ánh lên vẻ thù hằn độc ác. Ông thoáng tiếc, giá như đừng vào nhà lão chắc hẳn quan hệ giữa hai người vẫn tốt đẹp như xưa. Lão Hạng ít nói và tốt bụng. Người lão nhỏ thó, vai trái bị tật, lệch trĩu xuống. Chơi với nhau lâu, ông biết lão thích cây. Lão mê cây đến mức có thể ngồi bất động hàng giờ trước cãi chõng bày dép cao su để ngắm những cây xà cừ xanh thẫm. Lão nhìn miên man như thèm khát. Những lúc như vậy ông thấy mặt lão xanh lét, giần giật chạy. Khó ai có thể đoán chính xác tuổi của lão.- Thủa nhỏ, tôi thích đi rừng. Bao giờ gặp nhau, lão cũng mở đầu bằng một cau như vậy. Mấy lần ông tìm cách dò hỏi gốc gác lão nhưng đành chịu. Khoản đó lão kín như bưng. Lão gây cho ông một sức hút kỳ lạ. Gần lão, ông thấy mình thanh thản, nhẹ nhõm và sảng khoái hơn. Một hôm thằng con thứ hai của lão bị đánh chết ngay giữa chợ. Nó ăn cắp ở hàng chè. Lão Hạng ôm xác con vào lòng, hộc lên một tiếng như lợn. Lão đờ đẫn ngồi cạnh xác con trai hai ngày liền, không cho ai đem đi chôn. Lão đặt xác thằng bé lên chiếc chõng xếp dép cao su. “Tôi bán. Tôi bán!”. Lão lẩm bẩm như thế, mắt nhìn sâu vào khuôn mặt tím tái của đứa con. Công an, bảo vệ đến can thiệp lão cũng mặc kệ. Ông phải bỏ kéo xe hai ngày để ngồi cạnh lão an ủi. Khí lạnh và mùi tanh từ xác chết tỏa làm người ông nhũn lại. “Tôi bán. Tôi bán!”. Lão Hạng vật vã, mắt toàn lòng đen. Đồng tử lão giãn to che hết màu trắng. Người ta vực lão vào nhà. Ông chất xác thằng bé lên xe cải tiến của mình, cùng mấy bà quét chợ đem đi chôn. Lão Hạng càng ngày càng ít nói. Lão vẫn hay nhìn cây. Hàng lão ế ẩm vì không ai dám mua. Những đôi dép cao su phủ bụi, co lại, xoăn như hơ lửa. Lão cũng chẳng thèm để ý. Trong khi ngồi, tay lão cứ vuốt ve từ đầu xuống chân. Dưới bàn tay lão, ông thoáng thấy hình thằng bé con bất hạnh chập chờn ẩn hiện. Ông không đến chơi với lão nữa. Buổi chiều cuối năm, sau khi kéo thuê cho hàng rau bắp cải từ Đồng Bẩm về, ông thấy đám đông bu quanh cây xà cừ trước nhà lão Hạng. Tò mò, ông lách vào và không tin ở mắt mình nữa. Lão Hạng dang hai tay ghì chặt gốc xà cừ vào người, trán lão tì vào lớp vỏ sần sùi. Lão đã chết. Khi gỡ lão ra, người ta thấy ngực lão có một vết rạch rộng bằng gang tay, chỗ rạch ấy áp vào một thân cây, cũng đúng chỗ vỏ bị rạch một vết tương tự. Từ vết rạch ở thân cây, ứa ra một dòng nhựa đỏ bầm, đặc quánh. Khi đặt lão Hạng xuống đất, người ta phát hiện ra người lão cứ xanh dần, xanh dàn như lá cây già. Ông ôm mặt lần ra ngoài. Thotó nhiên ông hoa mắt khi nhìn cây xà cừ. Cái cây rung rung và đỏ hồng lên như một cơ thể sống. Ông sốt nặng. Hình ảnh lão Hạng cùng chiếc chõng dép cao su đêm nào cũng lừ đừ trôi về. Lão Hạng mỉm cười rì rào. Từ đấy, mỗi lần buồn, ông lại vẩn vơ nhìn hàng xà cừ cạnh nhà bảo tàng. Ông như được ai đó từ các tán cây trò chuyện, chia xẻ cùng mình. Ông nhớ lại lần làm quen đầu tiên với lão Hạng. Hôm ấy trời nhả mưa, ông chạy quáng quàng vào thêm nhà lão trú nhờ. Lão tỏ ra khó chịu khi có người trú ở thềm nhà mình. Mưa ồ ồ mấy tiếng liền. Gió lạnh khiến ông run lập cập. - Làm gì mà rét!Mãi lúc sau lão Hạng mới lên tiếng vẻ châm biếm, giễu cợt. Ông mỉm cười ngượng nghịu.- Xích vào đây một chút vậy! Người với chả ngợm.Lão chì chiết. Ông vẫn đứng nguyên chỗ cũ, lòng rối bời vì lo cho thằng Tĩnh ở nhà. Thấy ông im lặng, lão Hạng lân la tìm cách bắt chuyện:- Này, kéo xe thế có đủ ăn không? Ông gật đầu thay cho câu trả lời. Lão xoay sang nói một mình:- Giời với chả đất, đến chết hết đi cho rồi. Cây thì tốt phải biết. Con đĩ kia ông có biết không?Ông nhìn theo tay lão và thấy ở dãy hàng bên cạnh, một cô gái ngồi co ro trước thềm.- Nó làm tiền đấy, tôi biết mà, nó gạ tôi! Lão Hạng hồ hởi nói như khoe.- Nhà cô ta ở đâu? Xích vào trong một chút, ông hỏi, gần như mấp máy môi.- Xì, nhà cửa gì. Đêm nào cũng ngủ thềm đây này.- Thế à? Ông hờ hững, lòng vẫn nghĩ đến thằng Tĩnh.- Uống nước!Lão Hạng đẩy cho ông chiếc ca men bốc hơi. Ông đón lấy với vẻ biết ơn, rụt rè uống.- Hôm nào tôi cũng thấy ông, giờ mới quen.Ông đưa trả ca nước rồi ngồi xuống cạnh lão. Tự dưng lão im bặt, không nói thêm câu nào. Mặt lão lại càu cạu như lúc đầu. Lần sau, ông ghé qua hàng lão mua một đôi dép cao su thay cho đôi cũ đã đứt hết quai. Lão vừa nhận tiền từ tay ông vừa thò cổ vào nhà quát mấy đứa trẻ. Khi ông bước ra, lão gọi với theo:- Này, khi nào mưa cứ vào đây mà trú nhá!Ông mỉm cười kéo xe đi. Ông và lão đã trở thành bạn thân. Xẩm tối, dọn hàng xong, lão lại mò ra lều ông để tán gẫu. Lão nói nhát gừng không để ý đến thái độ người nghe.Chủ đề của lão bao giờ cũng xoay quanh chuyện lụt lội và lợi ích của những đôi dép cao su. Lão nói về thứ dép ấy hào hứng, làm như quảng cáo mặc dù biết được một điều hiển nhiên là hai, ba năm sau ông mới thay dép. Dù sao cũng có một ông bạn cùng lứa. Thằng Tĩnh không ưa lão Hạng. Nó nhăm nhăm chờ lão sang vốc cát ném, sau đó cười rú lên. Lão chẳng giận cũng chẳng chú ý đến nó. Lão nhìn lướt qua đầu nó rồi quên phắt. Thằng Tĩnh và lão không hợp nhau, trái lại càng ngày càng xung khắc. Rốt cuộc thì cả hai đều bỏ ông đi. Đời ông là thế, ròng rã những cuộc chia ly. Mỗi lần như vậy, người ông lại nhẹ hẳn đi như mất một phần xương thịt. Đôi khi ông chợt nghĩ không cẩn thận, cứ đà này này ông sẽ đi là là mặt đất như bà giáo ở làng mình mất…- Tao biết có một người đẻ ngược.Tiếng người thanh niên gầy gò bùng lên đột ngột. Người to thấp hỉ mũi, ông thấy mấy ngón chân thò ra khỏi mũi giầy của anh ta ngọ nguậy.- Đó là chân lí chăng?Vẫn là những câu chuyện tầm phào. Mọi âm thanh đưa ra đều rơi vào khoảng trống. Ông thấy thú vị và theo dõi câu chuyện rời rạc của họ.- Bà giáo ở chỗ tớ đẻ ngược! Người gầy gò nhăn mặt.- Sinh năm Tuất chăng?- Có thể.- Tên?Thanh niên gầy không trả lời, mặt anh ta thoáng vẻ bí ẩn, láu lỉnh. Hai người lạ mặt này ở đâu nhỉ? Tại sao họ biết câu chuyện kì dị của làng ông? Thuở ấy xa lắm, xa đến mức chính ông cảm thấy mịt mù, mặc dù là người chứng kiến câu chuyện của đời bà giáo. Ông nhắm mắt nhớ đến ngày ấy, cái ngày ông đang học cấp hai…