THE STRUCTURE OF SCIENTIFIC REVOLUTIONS
Người dịch: Nguyễn Quang A
Chương 1
Dẫn nhập: Một vai trò cho Lịch sử

Lịch sử, nếu được xem như một kho cho nhiều hơn chuyện vặt  hay sắp xếp theo niên đại, có thể tạo ra một sự biến đổi quyết  định trong bức tranh về khoa học mà giờ đây chúng ta có. Bức  tranh đó đã được vẽ trước đây, thậm chí bởi bản thân các nhà  khoa học, chủ yếu từ nghiên cứu các thành tựu khoa học đã hoàn  tất như các thành tựu này được ghi lại trong các kinh điển và,  gần đây hơn, trong các sách giáo khoa mà từ đó mỗi thế hệ khoa  học mới học để hành nghề của mình. Tuy vậy, mục đích của các  sách như vậy chắc hẳn mang tính thuyết phục và sư phạm; một  khái niệm về khoa học rút ra từ chúng không chắc hợp với hoạt  động táo bạo đã tạo ra chúng nhiều hơn một bức tranh về một  nền văn hoá dân tộc rút ra từ một cuốn sách mỏng quảng cáo du  lịch hay một bài văn. Tiểu luận này thử chứng tỏ rằng chúng ta  đã bị chúng làm lầm đường về nhiều mặt cơ bản. Mục tiêu của  nó là phác hoạ một khái niệm hoàn toàn khác về khoa học cái có  thể nổi lên từ tư liệu lịch sử của bản thân hoạt động nghiên cứu.
Ngay cả từ lịch sử, tuy vậy, khái niệm mới đó sẽ không tới nếu  dữ liệu lịch sử tiếp tục được tìm kiếm và xem xét tỉ mỉ chủ yếu  để trả lời các câu hỏi do ấn tượng rập khuôn được rút ra từ các  văn bản khoa học nêu ra. Các văn bản này, thí dụ, thường có vẻ hàm ý rằng nội dung của khoa học được minh hoạ bằng thí dụ một cách duy nhất bằng các quan sát, qui luật, và lí thuyết được  mô tả trên các trang của chúng. Hầu như thường xuyên, cùng các  cuốn sách được cho là nói rằng các phương pháp khoa học đơn  giản là các phương pháp được minh hoạ bởi các kĩ thuật thao tác  được dùng để thu thập các số liệu giáo khoa, cùng với các thao  tác logic được dùng khi liên hệ các số liệu đó với những khái  quát hoá lí thuyết của sách giáo khoa. Kết quả là một khái niệm  về khoa học với các hệ luỵ sâu sắc về bản chất và sự phát triển  của nó.
Nếu khoa học là một hình trạng (constellation) của các sự thực,  các lí thuyết, và các phương pháp được sưu tập trong các văn bản  hiện hành, thì các nhà khoa học là những người, thành công hay  không, đã cố gắng đóng góp một yếu tố hay yếu tố khác cho hình trạng cá biệt đó. Sự phát triển khoa học trở thành một quá trình  từ từ theo đó các tiết mục này được thêm, một cách đơn lẻ và kết  hợp, vào kho dự trữ tăng không ngừng, cái [kho] tạo thành kĩ thuật và tri thức khoa học. Và lịch sử khoa học trở thành một  môn ghi niên đại của cả sự gia tăng liên tiếp này và các trở ngại  đã ngăn cản sự tích luỹ của chúng. Quan tâm đến sự phát triển  khoa học, nhà sử học khi đó hình như có hai nhiệm vụ chính.  Một mặt, ông ta phải xác định ai và ở thời điểm nào đã khám phá  hay phát minh ra sự thực, qui luật, và lí thuyết khoa học đương  thời. Mặt khác, ông ta phải mô tả và giải thích mớ sai lầm, huyền  thoại, và mê tín đã ngăn cản sự tích tụ nhanh hơn của các hợp  thành của văn bản khoa học hiện đại. Nhiều nghiên cứu đã  hướng theo các mục đích này, và một số vẫn thế.
Tuy vậy, trong các năm gần đây vài sử gia khoa học đã thấy  ngày càng khó để hoàn thành các chức năng mà khái niệm về phát triển-bằng-tích luỹ phân cho chúng. Với tư cách những  người ghi niên đại của một quá trình tăng thêm, họ nhận ra rằng  nghiên cứu thêm làm cho khó hơn, chứ không dễ hơn, để trả lời  các câu hỏi như: Oxy được khám phá ra khi nào? Ai là người đầu  tiên quan niệm về bảo toàn năng lượng? Vài người trong số họ ngày càng nghi ngờ rằng đấy đơn giản là các loại câu hỏi sai để hỏi. Có lẽ khoa học không phát triển bằng tích luỹ các khám phá  và phát minh riêng lẻ. Đồng thời, cùng các sử gia đó đối mặt với  các khó khăn ngày càng tăng về sự phân biệt cấu thành “khoa  học” của quan sát và lòng tin quá khứ khỏi cái mà các tiền bối  của họ đã gắn cho cái nhãn “sai lầm” và “mê tín” rồi. Càng  nghiên cứu cẩn thận hơn, thí dụ, động học Aristotlian, hoá học  nhiên tố (phlogistic), hay nhiệt động học, họ càng cảm thấy chắc  chắn hơn rằng những cái một thời là các quan điểm hiện hành về tự nhiên, như một tổng thể, không kém khoa học hơn cũng chẳng  nhiều hơn sản phẩm của tính khí riêng của con người so với các  quan điểm hiện hành ngày nay. Nếu các lòng tin lỗi thời này phải  được gọi là các huyền thoại, thì các huyền thoại có thể được tạo  ra bằng cùng các loại phương pháp và được tin vì cùng loại lí do  mà bây giờ dẫn tới tri thức khoa học. Nếu, mặt khác, chúng phải  được gọi là khoa học, thì khoa học đã bao hàm các khối lòng tin  hoàn toàn không tương thích với những cái chúng ta tin ngày  nay. Căn cứ vào các lựa chọn khả dĩ này, sử gia phải chọn cái sau. Các lí thuyết lỗi thời về nguyên tắc không phải phi khoa học  bởi vì chúng đã bị loại ra. Tuy vậy, sự lựa chọn đó làm cho khó  khăn để hiểu rõ sự phát triển khoa học như một quá trình phát  triển dần lên. Cùng nghiên cứu lịch sử đó phơi bày các khó khăn  về cô lập các sáng chế và phát minh riêng rẽ tạo lí do cho những  nghi ngờ sâu sắc về quá trình tích tụ qua đó các đóng góp riêng  rẽ này cho khoa học được nghĩ là đã hợp thành.
 Kết quả của tất cả những nghi ngờ và các khó khăn này là một  cuộc cách mạng về ghi chép sử trong nghiên cứu khoa học, tuy là  cuộc cách mạng vẫn ở các giai đoạn đầu của nó. Dần dần, và  thường hoàn toàn không được nhận ra là họ đang làm vậy, các  nhà sử học về khoa học đã bắt đầu hỏi những loại câu hỏi khác  và lần theo các tuyến phát triển khác, và thường bớt tính tích luỹ hơn, cho các khoa học. Thay vì tìm kiếm những đóng góp lâu dài  của một khoa học cổ hơn đối với ưu thế hiện tại của chúng ta, họ thử trưng bày tính nhất quán lịch sử của khoa học đó trong thời  của chính nó. Họ hỏi, thí dụ, không về quan hệ của các quan  điểm của Galileo đối với các quan điểm của khoa học hiện đại,  mà đúng hơn về quan hệ giữa những quan điểm của ông và các  quan điểm của nhóm ông, tức là, các thầy ông, những người  đương thời, và những người kế tục trực tiếp trong các khoa học.  Hơn nữa, họ nhấn mạnh đến nghiên cứu những ý kiến của nhóm  đó và các nhóm tương tự khác từ quan điểm - thường rất khác  với quan điểm của khoa học hiện đại – cái cho các ý kiến đó sự cố kết nội tại cực đại và khớp sát nhất có thể với tự nhiên. Nhìn  qua các công trình sinh ra như thế, các công trình có lẽ được  minh hoạ tốt nhất trong các tác phẩm của Alexandre Koyré, khoa  học hoàn toàn không có vẻ là cùng hoạt động táo bạo như được  các tác giả theo truyền thống lịch sử cũ hơn đã thảo luận. Bằng  ngụ ý, chí ít, các nghiên cứu lịch sử này gợi ý khả năng về một  bức tranh mới về khoa học. Tiểu luận này nhằm phác hoạ bức  tranh đó bằng làm rõ một số trong những dính líu của việc chép  sử mới.
Các khía cạnh nào của khoa học sẽ nổi bật lên trong tiến trình  của nỗ lực này? Thứ nhất, chí ít về thứ tự trình bày, là sự thiếu  các chỉ dẫn phương pháp luận, mà với bản thân chúng, để áp đặt  một kết luận duy nhất thực sự đối với nhiều loại câu hỏi khoa  học. Được bảo phải khảo sát các hiện tượng điện hay hoá học, người không biết về lĩnh vực này nhưng biết cái gì là khoa học  có thể đạt một cách hợp lí đến bất cứ một trong một số kết luận  không tương thích nhau. Giữa các khả năng hợp lí, các kết luận  cá biệt mà anh ta đi đến có lẽ được xác định bởi kinh nghiệm  trước đây của anh ta trong các lĩnh vực khác, bởi những ngẫu  nhiên trong khảo sát của anh ta, và bởi cấu tạo riêng của chính  anh ta. Thí dụ, những lòng tin nào về các ngôi sao mà anh ta  mang vào nghiên cứu hoá học hay điện học? Cái nào trong nhiều  thí nghiệm có thể hình dung ra liên quan đến lĩnh vực mới mà  anh ta sẽ chọn để thực hiện đầu tiên? Và các khía cạnh nào của  hiện tượng phức tạp sinh ra khi đó sẽ gây ấn tượng cho anh ta  như đặc biệt xác đáng cho một sự làm sáng tỏ bản chất của sự thay đổi hoá học hay của ái lực điện? Đối với cá nhân, chí ít, và  đôi khi cả đối với cộng đồng khoa học nữa, các câu trả lời cho  các câu hỏi như thế này thường là các nhân tố quyết định cơ bản  của sự phát triển khoa học. Chúng ta sẽ lưu ý, thí dụ, trong Mục  II rằng các giai đoạn phát triển ban đầu của hầu hết các khoa học  đã được đặc trưng bởi sự cạnh tranh liên tục giữa một số quan  điểm khác nhau về tự nhiên, mỗi quan điểm được dẫn ra một  phần từ, và tất cả đại thể tương thích với, những tiếng gọi của  quan sát và phương pháp khoa học. Cái phân biệt các trường phái  khác nhau này đã không phải là thất bại này hay thất bại khác  của phương pháp – chúng đã đều là “khoa học” – mà là cái  chúng ta sẽ gọi là những cách không thể so sánh với nhau của  chúng về nhìn nhận thế giới và về thực hành khoa học trong đó.  Quan sát và kinh nghiệm có thể và phải giới hạn một cách mạnh  mẽ dải của lòng tin khoa học được phép, vì khác đi thì sẽ không  có khoa học nào. Nhưng riêng chúng không thể xác định khối cá  biệt của lòng tin như vậy. Một yếu tố dường như tuỳ ý, được hoà  trộn bởi sự tình cờ cá nhân và lịch sử, luôn luôn là một thành tố cấu thành của các lòng tin được một cộng đồng khoa học cho  trước ở một thời điểm cho trước tán thành.
Yếu tố tuỳ ý đó, tuy vậy, không biểu lộ rằng bất cứ nhóm khoa  học nào có thể thực hành nghề nghiệp của mình mà không có  một tập các lòng tin nhận được nào đó. Nó cũng không làm cho  hình trạng cá biệt mà nhóm đó, ở thời điểm cho trước, thực ra đã  cam kết, là ít hậu quả hơn. Nghiên cứu hữu hiệu hầu như không  bắt đầu trước khi một cộng đồng khoa học nghĩ nó đã thu được các câu trả lời vững chắc cho các câu hỏi như sau: Các thực thể cơ bản tạo thành thế giới là gì? Những thực thể này tương tác với  nhau và với các giác quan thế nào? Các câu hỏi nào có thể được  hỏi một cách chính đáng về các thực thể như vậy và các kĩ thuật  nào được dùng để tìm kiếm các giải pháp? Chí ít trong các khoa  học chín muồi, các câu trả lời (hay những cái thay thế đầy đủ cho  các câu trả lời) cho các câu hỏi giống thế này được gắn vững  chắc trong nhập môn giáo dục chuẩn bị và cấp bằng cho sinh  viên để hành nghề. Bởi vì việc giáo dục đó vừa nghiêm ngặt vừa  cứng nhắc, các câu trả lời này có ảnh hưởng sâu sắc lên đầu óc  khoa học. Rằng chúng có thể có ảnh hưởng vậy góp phần lớn để giải thích cả tính hiệu quả lạ kì của hoạt động nghiên cứu thông  thường và chiều hướng nó được tiến hành ở bất kì thời gian cho  trước nào. Khi khảo sát khoa học thông thường ở các Mục III,  IV, và V, chúng ta sẽ muốn mô tả dứt khoát rằng việc nghiên cứu  như là một nỗ lực cố gắng hết sức và tận tâm để buộc tự nhiên  vào các hộp quan niệm do giáo dục chuyên nghiệp cung cấp.  Đồng thời, chúng ta sẽ tự hỏi liệu việc nghiên cứu có thể tiến  hành mà không có các hộp như vậy được không, dù yếu tố tuỳ ý  trong nguồn gốc lịch sử của chúng và, đôi khi, trong sự phát triển  tiếp của chúng có thế nào.
Thế nhưng có yếu tố tuỳ ý, và cả nó nữa cũng có một tác động  quan trọng lên sự phát triển khoa học, mà chúng ta sẽ khảo sát kĩ ở các Mục VI, VII, và VIII. Khoa học thông thường, hoạt động  mà trong đó hầu hết các nhà khoa học chắc hẳn dùng hầu hết thời  gian của họ, được khẳng định trên giả thiết rằng cộng đồng khoa  học biết thế giới giống cái gì. Phần lớn thành công của hoạt động  táo bạo bắt nguồn từ sự tự nguyện của cộng đồng để bảo vệ giả thiết đó, nếu cần với cái giá đáng kể. Khoa học thông thường, thí  dụ, thường chặn các tính mới căn bản bởi vì chúng tất yếu mang  tính lật đổ các cam kết cơ bản của nó. Tuy nhiên, chừng nào các  cam kết này vẫn giữ được một yếu tố tuỳ ý, chính bản tính của  nghiên cứu thông thường đảm bảo rằng tính mới lạ sẽ không bị chặn quá lâu. Đôi khi một vấn đề bình thường, vấn đề chắc có  thể giải được bằng các quy tắc và thủ tục quen biết, lại cưỡng lại  sự tấn công dữ dội lặp đi lặp lại của các thành viên có năng lực  nhất của nhóm mà vấn đề thuộc về thẩm quyền của họ. Trong  các dịp khác một thiết bị được thiết kế và xây dựng cho nghiên cứu bình thường lại không thực hiện theo cách được dự kiến, tiết  lộ một dị thường không thể khớp với sự mong đợi chuyên môn,  bất chấp các nỗ lực lặp đi lặp lại. Trong các con đường này và  các con đường khác nữa, khoa học thông thường lạc lối hết lần  này đến lần khác. Và khi nó hoạt động- tức là, khi những người  trong nghề không còn có thể lẩn tránh các dị thường lật đổ truyền  thống hiện hành của thực hành khoa học được nữa – thì bắt đầu  các cuộc khảo sát đặc biệt dẫn những người trong nghề rốt cuộc  đến một tập mới của những cam kết, một cơ sở mới cho thực  hành khoa học. Các giai đoạn đặc biệt trong đó sự dịch chuyển  về các cam kết chuyên nghiệp xảy ra là các giai đoạn được biết  đến trong tiểu luận này như các cuộc cách mạng khoa học.  Chúng là những phần bổ sung gây đảo lộn truyền thống cho hoạt  động gắn với truyền thống của khoa học thông thường.
Các thí dụ hiển nhiên nhất của các cuộc cách mạng khoa học là  các giai đoạn trong sự phát triển khoa học mà thường đã được  gắn cho cái nhãn cách mạng trước đây. Vì thế, trong các Mục IX  và X, nơi bản chất của các cuộc cách mạng khoa học lần đầu tiên  được khảo sát tỉ mỉ một cách trực tiếp, chúng ta sẽ đề cập lặp đi  lặp lại đến các điểm ngoặt chính trong sự phát triển khoa học gắn  với tên tuổi của Copernicus, Newton, Lavoisier, và Einstein.  Sáng tỏ hơn hầu hết các giai đoạn khác trong lịch sử chí ít của  các khoa học vật lí, các giai đoạn này để lộ ra cái mà mọi cuộc  cách mạng khoa học đều có. Mỗi trong số chúng đòi cộng đồng  phải loại bỏ một lí thuyết khoa học đã đi vào truyền thống để ủng  hộ một lí thuyết khác không tương thích với nó. Mỗi trong số chúng tạo ra một sự dịch chuyển tiếp theo về các vấn đề có giá  trị cho khảo sát khoa học kĩ lưỡng và về các tiêu chuẩn theo đó  giới khoa học xác định cái gì được coi như một vấn đề có thể chấp nhận hay như một vấn đề-giải pháp chính đáng. Và mỗi  trong số chúng đã làm biến đổi trí tưởng tượng khoa học theo  những cách mà cuối cùng chúng ta cần để mô tả như một sự biến  đổi của thế giới trong đó công việc khoa học được thực hiện.  Những thay đổi như vậy, cùng với các tranh cãi hầu như luôn  luôn đi cùng với chúng, là các đặc trưng định nghĩa của các cuộc  cách mạng khoa học.
Các đặc trưng này nổi lên với sự sáng tỏ đặc biệt từ một nghiên  cứu, thí dụ, về cách mạng Newtonian hay cách mạng hoá học.
Tuy vậy, một luận điểm căn bản của tiểu luận này là, chúng cũng  có thể được tìm lại từ nghiên cứu của nhiều giai đoạn khác  không hiển nhiên cách mạng như thế. Đối với một nhóm chuyên  nghiệp nhỏ hơn nhiều bị ảnh hưởng bởi các phương trình  Maxwell thì chúng cũng cách mạng như các phương trình của  Einstein, và chúng cũng bị cưỡng lại một cách tương ứng.  Thường xuyên, và một cách thích đáng, sự phát minh ra các lí  thuyết mới khác gây ra cùng phản ứng từ một số chuyên gia mà  chúng đụng chạm đến lĩnh vực hiểu biết chuyên sâu của họ. Đối  với những người này lí thuyết mới hàm ý một sự thay đổi về các  qui tắc chi phối thực hành trước đây của khoa học thông thường.  Vì thế, chắc hẳn nó làm mất uy tín nhiều công trình khoa học mà  họ đã hoàn tất một cách thành công. Đó là vì sao một lí thuyết  mới, cho dù dải ứng dụng của nó có đặc biệt thế nào, hiếm khi  hoặc chẳng bao giờ chỉ là một sự tăng thêm vào cái đã được biết  rồi. Sự tiêu hoá nó đòi hỏi việc xây dựng lại lí thuyết trước đó và  đánh giá lại sự thực trước, một quá trình về thực chất mang tính  cách mạng hiếm khi được hoàn tất bởi duy nhất một người và  chẳng bao giờ trong một sớm một chiều. Không ngạc nhiên là  các sử gia đã có khó khăn về định niên đại một cách chính xác  quá trình kéo dài này mà từ vựng của họ buộc họ coi nó như một  sự kiện biệt lập. Các phát minh ra lí thuyết mới cũng chẳng phải  là các sự kiện duy nhất có tác động cách mạng lên các chuyên  gia mà trong lĩnh vực của họ chúng xảy ra. Các cam kết chi phối  khoa học thông thường định rõ không chỉ các loại thực thể nào  được chứa trong vũ trụ, mà, bằng ẩn ý, cả những thứ không được  chứa trong đó. Suy ra, tuy điểm này sẽ cần thảo luận rộng hơn,  rằng một sự khám phá như sự phát hiện ra oxy hay X-quang  không đơn giản đưa thêm một thứ nữa vào dân cư của thế giới  của nhà khoa học. Cuối cùng nó có ảnh hưởng đó, song không  trước khi cộng đồng chuyên nghiệp đã đánh giá lại các thủ tục thí  nghiệm truyền thống, đã thay đổi quan niệm về các thực thể mà  nó đã quen biết từ lâu, và trong quá trình, đã chuyển mạng lưới lí  thuyết qua đó nó đề cập đến thế giới. Sự thực và lí thuyết khoa  học là không thể tách rời một cách dứt khoát, trừ có lẽ trong  phạm vi của một truyền thống duy nhất của thực hành khoa học  thông thường. Đó là vì sao sự khám phá bất ngờ không đơn giản  [chỉ] có tính thực sự trong nội dung của nó và vì sao các tính mới lạ cơ bản hoặc của sự thực hay của lí thuyết đã làm biến đổi thế giới của nhà khoa học về chất cũng như làm nó giàu thêm về lượng.
Quan niệm được mở rộng này về bản chất của các cuộc cách  mạng khoa học là quan niệm được phác hoạ ra trong các trang  tiếp theo. Phải thừa nhận sự mở rộng vi phạm cách sử dụng  thường lệ. Tuy nhiên, tôi sẽ tiếp tục nói thậm chí về các khám  phá như cách mạng, bởi vì nó đúng là khả năng về liên hệ cấu  trúc của chúng với cấu trúc của, thí dụ, cách mạng Copernican  cái làm cho quan niệm mở rộng có vẻ quan trọng đến vậy với tôi.  Thảo luận ở trước cho biết các khái niệm bổ sung của khoa học  thông thường và của các cách mạng khoa học sẽ được trình bày  ra sao trong chín mục tiếp ngay sau đây. Phần còn lại của tiểu  luận thử dàn xếp ba vấn đề chính còn lại. Mục XI, bằng thảo luận  truyền thống sách giáo khoa, xem xét vì sao trước đây lại khó  thấy các cuộc cách mạng khoa học đến vậy. Mục XII mô tả sự cạnh tranh cách mạng giữa những người đề xuất truyền thống  khoa học thông thường cũ và những người ủng hộ truyền thống  mới. Nó như thế xem xét quá trình, cái bằng cách nào đó, trong  một lí thuyết về thẩm tra khoa học, phải thay cho các thủ tục xác  nhận hay chứng minh là sai được bức tranh thông thường của  chúng ta về khoa học làm cho quen thuộc. Sự cạnh tranh gữa các  mảng của cộng đồng khoa học là quá trình lịch sử duy nhất từng  thực sự mang lại kết quả về sự bác bỏ một lí thuyết trước đây đã  được chấp nhận hay về sự chấp nhận một lí thuyết khác. Cuối  cùng, Mục XIII sẽ hỏi làm sao sự phát triển thông qua các cuộc  cách mạng có thể tương thích với đặc tính hình như duy nhất của  tiến bộ khoa học. Tuy vậy, cho câu hỏi đó tiểu luận này sẽ không  cung cấp nhiều hơn những phác thảo chính của một câu trả lời,  câu trả lời phụ thuộc vào các đặc trưng của cộng đồng khoa học  một việc đòi hỏi thêm nhiều khai phá và nghiên cứu.
Không nghi ngờ gì, một số bạn đọc đã muốn biết rồi liệu sự nghiên cứu lịch sử có lẽ có thể có tác động hay không đến loại  chuyển biến quan niệm được nhắm tới ở đây. Toàn bộ kho  phương tiện của những sự phân đôi [dichotomy] là sẵn có để gợi  ý rằng nó không thể làm vậy một cách thích hợp. Sử học, chúng  ta nói quá thường xuyên, là một bộ môn mô tả thuần tuý. Các  luận đề được gợi ý ở trên, tuy vậy, thường mang tính diễn giải và đôi khi chuẩn tắc. Lại lần nữa, nhiều trong các khái quát hoá của  tôi là về xã hội học hay về tâm lí học xã hội của các nhà khoa  học; thế nhưng chí ít một vài kết luận của tôi theo truyền thống  thuộc về logic học hay nhận thức luận. Trong đoạn văn trên tôi  thậm chí có vẻ đã vi phạm sự phân biệt đương thời rất có ảnh  hưởng giữa “ngữ cảnh khám phá” và “ngữ cảnh biện hộ”. Có thể có bất cứ thứ gì nhiều hơn sự lẫn lộn sâu thẳm được biểu lộ bằng  sự trộn lẫn này của các lĩnh vực và mối quan tâm khác nhau hay  không?
Sau khi đã cai dần những sự phân biệt này về mặt trí tuệ và các  thứ khác giống chúng, tôi hầu như không thể ý thức hơn được về ảnh hưởng và sức mạnh của chúng. Đã nhiều năm tôi coi là  chúng quan tâm đến bản chất của tri thức, và tôi vẫn cho rằng,  viết lại một cách thích hợp, chúng có cái gì đó quan trọng để nói  cho chúng ta. Thế mà các nỗ lực của tôi để áp dụng chúng, thậm  chí grosso modo [đại thể], cho các tình huống thực tế trong đó tri  thức được thu nhận, được chấp nhận, và được tiêu hoá đã làm  cho chúng có vẻ cực kì khó giải quyết. Thay vì là những phân  biệt logic hay phương pháp luận sơ đẳng, những cái như thế sẽ là  có trước phân tích về tri thức khoa học, bây giờ có vẻ chúng là  những phần không thể tách rời của một tập truyền thống của các  câu trả lời cho chính các câu hỏi mà trên đó chúng được triển  khai. Tính vòng vo đó không hề làm chúng mất hiệu lực. Nhưng  nó khiến chúng thành các phần của một lí thuyết, và bằng cách  làm thế, bắt chúng phải chịu cùng sự khảo sát kĩ lưỡng được áp  dụng cho các lí thuyết trong các lĩnh vực khác. Nếu chúng phải  có nhiều hơn sự trừu tượng hoá thuần tuý như là nội dung của  chúng, thì nội dung đó phải được khám phá ra bằng cách quan  sát chúng trong áp dụng đối với dữ liệu mà chúng muốn làm  sáng tỏ. Làm thế nào lịch sử khoa học có thể không là một nguồn  của các hiện tượng mà các lí thuyết về tri thức có thể được yêu  cầu một cách thích đáng để áp dụng vào?