Nhật ký đi Pháp từ tháng 3 đến tháng 9, 1922
Phần 2

II.
Giữa bể, khỏi Colombo, ngày 24 Mars.
Tàu tự Penang đi 2 giờ chiều ngày 19, đến 12 giờ trưa ngày 23 tới Colombo, chạy vừa đúng bốn ngày. Bốn ngày ròng rã ở trên tàu, nghe đã thấy chồn, nên tới nơi vội vã lên bộ ngay. Từ đây mới bắt đầu được thưởng cái nóng của mặt trời nhiệt đái. Thật là nóng như rang, nắng như lửa, cho nên người xứ này đen hơn củ súng.
Tàu đến đây cũng như đến Penang, không vào áp bến, nghe đâu vì nước không đủ sâu, nên đứng ngoài xa, hành khách muốn xuống bộ phải đi sà lúp hay đi đò vào. Bến Colombo này, ở về phía tây nam đảo Ceylan (Tích Lan), cũng là một nơi hải cảng và một chốn thương phụ to, ở giữa khoảng con đường giao thông Đông á với Tây Âu, các tàu lớn đi lại tất phải qua đó. Lúc tàu mới đến, đứng ngoài biển trông vào, cũng có một cái cảnh tượng vĩ đại, vì cái đê lớn nó bao bọc bên ngoài bến như một con trường xà [1] nằm quanh trên làn sóng biếc. Nguyên cửa Colombo ở vào trung độ con đường hàng hải Ấn Độ Dương, vị trí thật là tốt, nhưng địa thế không phải là một nơi hiểm yếu, đủ làm một chốn hải cảng kín đáo cho tàu bè đậu được. Phàm hải cảng phải ở vào giữa một cái vũng bể sâu, chung quanh kín cả, chỉ có một cái cửa cho tàu đi lại. Thành Colombo này ở ngay trên bờ biển, sóng rạt đến tận chân bến, những khi sóng gió không đủ làm chỗ ẩn nấp cho các tàu bè. Bởi thế nên người Anh mới xây một cái đê dài bằng đá, chạy thẳng ra bể, bao lấy hai mặt, làm thành ở giữa như một cái vũng bể nhân tạo cho tàu bè đậu được. Đó thật là một cái công trình to lớn, mắt trông cũng đủ biết. Tàu đến thì vào đậu ở trong đường đê, đã có sẵn những cọc bằng đá và bằng sắt để bỏ neo, rồi sà-lúp và đò ra đón hành khách vào bến. Hôm ấy, đậu ở trước cửa Colombo có một chiếc chiến hạm Anh cũng khá to, và nhiều các tàu biển khác nữa, hết thảy đều kéo cờ xí nhiều lắm, xanh đỏ trắng vàng, phấp pha phấp phới, coi rất ngoạn mục. Tàu chúng tôi vào đến trước bến cũng kéo cờ như các tàu khác. Hỏi ra mới biết thành Colombo vừa làm lễ nghênh tiếp Hoàng Thái tử nước Anh hiện đương đi kinh lược Ấn Độ. Vào đến thành phố còn thấy những cửa khải hoàn, những rạp điểm binh, hãy còn mới mẻ cả, vì Thái tử mới dời Colombo được mấy bữa, hiện ở Kandy, cách đây non một trăm cây-lô-mét.
Thành phố Colombo lớn hơn Penang, hơn Singapore nhiều, và có một điều khác lạ khác hai nơi đó là suốt trong phố phường không có một hiệu Khách nào, bao nhiêu nghề nghiệp buôn bán ở tay người bản xứ là người Chà hết thảy. Khách du lịch đã qua Singapore và Penang, an trí rằng đâu có đất cắm dùi, tất có người Khách ở, đến đây không thấy một chú Chiệc nào, không khỏi lấy làm lạ, và tự hỏi vì cớ sao. Vì cớ rằng trong thế giới chỉ có hai giống người có cái sức sinh hoạt mạnh ngang nhau, là giống Chi-na non bốn trăm triệu và giống Ấn Độ ngoại ba trăm triệu người. Hai giống người ấy không đủ sinh hoạt ở đất nước mình, thường phải di cư ra ngoài, làm các nghề nghiệp, bất cứ sang hèn, nghề gì kiếm ăn được thời thôi, dù kéo xe cũng được; cho nên những xứ nào người thổ dân lười biếng hay nhu nhược, không đủ giữ được lợi quyền, tất thấy người Chà và người Chiệc đến lập nghiệp nhiều lắm. Ở Singapore và Penang thời hai giống ấy chia nhau mà ăn hại người thổ dân là người Mã Lai. Nhưng ở đây là xứ sở của người Chà thì không còn dư địa đâu cho người Chiệc ở nữa. Bởi thế nên trong suốt thành phố Colombo không có một hiệu Khách nào; nghe đâu chỉ có một vài tiệm hút thuốc phiện là của người Khách mà thôi.
Người Chà ở Colombo lại nhũng hơn là ở Penang và Singapore hễ thấy khách lạ mặt thời sán đến tận nơi, kèm ngay bên cạnh, bám lấy không dời, đuổi không đi nữa; đứa thì mời đổi bạc, đứa thì chào đi xe, đứa thì gạ gẫm đi chơi, đứa thì nằn nì hút thuốc. Có mấy đứa cứ theo hoài để mời vào tiệm, dùng thuốc phiện, nói rằng chánh phủ Anh có lệnh cấm thuốc phiện, nhưng tiệm hắn đã có giấy phép riêng, xin mời cứ vào, không có ngại gì, vừa ngon, vừa rẻ! Nói vừa tiếng Anh, vừa tiếng Chà, lại pha mấy tiếng Pháp, dáng bộ gật gù, coi thật khả ố. Giống người Chà này thật là một giống đáng ghét. Người đen như củ súng, mặt thì nhăn nhăn nhở nhở, anh nào cũng như bộ gạ gẫm muốn “xoáy” tiền của khách lạ. Không biết làm sao người Anh lại dung túng những thói nhũng nhiễu như thế, vì những thói ấy đủ làm cho khách chán không muốn xuống bộ.
Tệ nhất là bọn Chà chở đò. Tàu không đỗ áp bến, và công ty chỉ có một chiếc sà-lúp để chở khách tự tàu vào bến và từ bến ra tàu nhiều khi chờ đợi lâu lắm phải dùng đò. Bọn Chà chở đò chở đến nửa chừng đòi thêm tiền, không thời cứ nhùng nhằng đứng đấy, khách sợ nhỡ tàu nhiều khi đòi bao nhiêu cũng phải cho.
Tiền tiêu ở đây là tiền roupies, có quan tiền Pháp hay bạc giấy Đông Pháp phải đổi ra roupies mới tiêu được. Đổi như thế thì thiệt lắm, bọn Chà đổi bạc ăn tiền cáp nhiều quá. Theo thời giá mỗi đồng roupies là ba quan, nhưng mười quan chỉ đổi được ba roupies mà thôi, mất hẳn một quan tiền cáp.
Chưa lên đến bến đã thấy một lũ Chà làm công của mấy hiệu ô tô đưa giấy mời lên xe đi chơi phố. Chúng tôi thuê một cái xe 6 chỗ ngồi của hiệu Colombo tourist office đi dạo quanh phố phường trong 3 giờ đồng hồ, lại vào nghỉ mát uống nước trà ở nhà khách sạn lớn trên núi Livinia, ở ngay trên bờ biển; cách Colombo bẩy cây-lô-mét; cả thảy mỗi người 6 roupies, 6 người 36 roupies (hơn 20 đồng bạc ta).
Ở Colombo, không có cái gì lạ, chỉ nhiều người, nhiều phố, nhưng cảnh trí không đẹp bằng Penang. Duy có một dải bờ biển, sóng dạt mãi đến tận bên cạnh đường, chiều đến diễu xe đi chơi mát tưởng cũng thú.
Nhân Hoàng tử Anh sang chơi, thành Colombo có mở đấu xảo các kỹ nghệ của người bản xứ, đặt thành như hội chợ ở bên ta, mỗi người vào xem phải mất một roupie, xem qua một lượt không thấy nghề gì là xuất sắc lắm, tưởng cũng không hơn gì các kỹ nghệ của ta.
Chúng tôi lại vào xem một cái chùa thờ Phật. Đạo Phật vốn phát nguyên từ ấn Độ, tức là đất Thiên Trúc đời xưa, vậy mà ngày nay trong suốt cõi ấn Độ, không còn đâu thờ Phật nữa [2] duy có ở đảo Ceylan (Tích Lan) này mà thôi. Trong chùa có một cái tượng Phật nhập Nát bàn to chật cả một gian chùa chung quanh treo những tranh vẽ về sự tích Phật. Vào xem phải rút giầy bỏ mũ ở ngoài, và mỗi người cầm một cái hoa để dâng trước Phật đài. Cửa Phật là chỗ thanh tịnh từ bi, thế mà cũng có một lũ Chà ngồi đấy để chực kiếm tiền của khách du lịch. Khách vào đến nơi, đứa nọ dắt đi bên này, đứa kia lôi đi bên nọ, chỉ trỏ huyên thiên, nói năng líu lường, đến lúc ra là nhất loạt ngửa tay xin tiền, cho một roupie không nghe, cho hai roupies cũng chưa bằng lòng. Giống buôn Thánh bán Thần, thật ở đâu cũng có!
Tối đến các cửa hàng trong thành phố, thắp đèn điện sáng trưng, đứng ngoài bến trông vào, coi rất ngoạn mục.
Đến 12 giờ đêm ngày 23, tàu cất neo chạy về Djibouti, chừng một tuần lễ nữa mới tới.

°

Giữa bể, ngày 27 Mars 1922
Quãng đường này là quãng đường dài nhất. Tàu đi tự Colombo đã hơn ba ngày còn chừng bốn ngày nữa mới tới Djibouti, càng chạy tàu càng lúc lắc, tàu càng lúc lắc đầu càng lao đao. Không say sóng lắm như mấy bữa đầu nhưng đầu nặng như đá, không thể ngồi mà viết lách hay đọc sách được. Viết mấy dòng này cũng phải nằm mà viết bằng bút chì. Cả ngày chỉ nằm dài, thật là buồn quá. Mong sao cho chóng tới nơi!

°

Giữa bể, ngày 28 Mars 1922
Muốn biết ngày giờ dài là dường nào, phải đi tày bể trong một tháng; ngồi trong tàu, chỉ trên trời, dưới nước, đằng đẵng hằng ngày không trông thấy bờ, mỗi ngày coi dài bằng một tuần. Lại thêm tàu lúc lắc, người lừ đừ, làm gì không được, đọc sách cũng chán, mới lại càng buồn nữa. Cứ ngày ấy sang ngày khác, ngày nào cũng như ngày nào, ăn rồi lại nằm, nằm rồi lại ăn, người nhẫn nại đến thế nào rồi cũng phải chán.
Chỉ thỉnh thoảng trông thấy lũ cá bay, – gọi là cá bay, nhưng kỳ thực không phải là cá bay, chính là những cá bể thường bị sóng đánh bắn lên như ta đánh thia lia, – hay là gặp chiếc tàu khác đi ngang, là còn chuyện vui một chút. Lại chiều chiều đến, lúc mặt trời lặn, lên trên boong mà chực xem “lục quang tuyến” (les rayons verts), cũng thấy trong tàu rộn rịp được một lát, nhưng ai cũng chực xem lục quang tuyến, mà hồ dễ đã ai trông thấy lục quang tuyến. Người ta thường truyền rằng, giữa lúc mặt trời lặn xuống ở giữa bể, hễ trên trời không mây mù gì, thì trông thấy trong loáng một giây đồng hồ ở ngay chỗ mặt trời sụt xuống, một thứ ánh sáng riêng sắc xanh lục, gọi là “lục quang tuyến”, và thứ quang tuyến này chỉ thấy ở trong bể ấn Độ Dương mà thôi. Song ít thấy lắm, vì không mấy khi là trời thực quang đãng, không có chút mây mù nào. Cho nên ai đã được trông thấy một lần, thời cho là một sự may mắn không gì bằng, và tin rằng có ảnh hưởng đến sự hạnh phúc của mình. ấy là người ta tương truyền như thế, nhưng xét ra có lẽ cũng là một sự mơ tưởng hay một sự quáng mắt mà thôi, vì ai cũng nói lục quang tuyến, mà hỏi ra chưa ai trông thấy lục quang tuyến bao giờ. Ngày nào, cứ đến khoảng 6 giờ chiều mặt trời lặn, cả tàu ra ngóng trông mà tịch không có ai trông thấy, khi trời tạnh cũng như khi trời ám.
Ngày hôm qua thứ hai 27 Mars, trong tàu có mở một cuộc đàn ca, trước là mua vui trong quãng đường dài, sau là giúp cho những việc làm phúc cho các con bồ côi lính thủy. Cuộc này do mấy ông hành khách hạng nhất khởi xướng ra, mời quan chánh coi tàu là ông Carré làm chủ toạ. Buổi chiều mở một cuộc rút số lấy đồ (tombola), tối thời các ông tây bà đầm kẻ đờn người hát, rồi sau nhảy đầm vui vẻ lắm. Hay nhất là lúc hai bà đầm hát bài Quốc ca Đại Pháp (La Marseillaise), một ông tây đánh đờn nhịp, cử toạ đều đứng dậy hạ mũ nghe, đến những đoạn hay lại đồng thanh hát nhịp theo, thật là cảm động, tưởng như cái hồn oanh liệt của Đại Pháp truyền khắp cả những người đứng đấy, dù là người quý quốc hay người nước ngoài, ai nghe cũng thấy như hưng khởi, phấn chấn tinh thần lên. Ôi! Mạnh thay là cái lòng ái quốc!

°

Thứ tư, 29 Mars 1922
Hôm qua, hôm nay, được hai ngày tốt quá: bể bình tĩnh, tàu yên lặng, lại có gió hiu hiu mát, không ngờ gần đến Hồng Hải là nơi có tiếng nóng xưa nay mà lại được cái khí hậu êm ái như thế này.
Bèn mở tập nhật ký để biên. Nhưng ngồi trong tàu giữa khoảng trời nước mênh mông như thế này, còn có chuyện gì mà biên chép. Lại từ đầu đến giờ biên được tờ nào gửi về báo cả rồi, không biết còn có chuyện gì quên chưa chép không. Mà những tờ gửi về ấy, cũng không hay có tới nơi cả không, vì những khi đỗ tàu ở Singapore, Penang, Colombo, phải gửi vào nhà dây thép [3] Anh để đợi có chiếc tàu nào chạy Đông Pháp mới chuyển giao, chắc không khỏi thất lạc.
Nhớ kỹ lại, nghe đâu trong mấy tờ trước quên chưa nói đến các ông phái viên Nam kỳ cũng đi sang Đấu xảo một chuyến tàu này và xuống tàu từ Sài Gòn ngày 14 Mars. Số phái viên Nam kỳ đi đấu xảo Marseille nhiều lắm, nghe đâu tới ngót ba mươi ông, phần nhiều là những tay điền chủ giàu có, tự xuất gia si để đi chơi. Nhưng chuyến này đi cùng với chúng tôi chỉ có bốn ông, là: ông Lương Khắc Ninh, thưởng thụ ngũ đẳng Bắc đẩu bội tinh, có chân Hội đồng cố vấn Nam kỳ (Conseil privé de Cochinchine), ông vốn làm chủ mấy rạp hát ở Sài Gòn, có đem theo một bọn hát bội ba đào ba kép; ông Trương Minh Giảng, tri huyện tòng sự ở Phủ Thống đốc Nam kỳ; ông Võ Văn Chiêu, điền chủ, hiện làm cai tổng, tổng Hoà Đồng Hạ, tỉnh Gò Công; ông Võ Văn Cang, điền chủ, nguyên làm xã trưởng làng Tân Niên Tây, tỉnh Gò Công, người còn thanh niên, trước đã học qua một năm ở trường Cao đẳng Pháp chánh Hà Nội; ông tự xuất gia si [4] đem bà vợ và một đứa con gái đi theo, một nhà cùng du lịch, tưởng cũng là một cái khoái sự, ngoài Bắc ta chưa từng thấy bao giờ.
Bốn ông toàn là những người danh giá trong Lục châu, những khi lui tới chuyện trò, cũng có nhiều điều thú.

°

Thứ sáu 31 Mars
Hôm qua là 30 Mars, – giữa mồng 3 tháng 3 ta, – 2 giờ rưỡi chiều, tàu đến Djibouti. Ngồi tàu đã hơn một tuần lễ, ai cũng thấy mỏi mệt. Lại từ Sài Gòn đến mấy cửa bể đậu (Singapore, Penang, Colombo), toàn là cửa bể của người Anh cả, nay mới đến một cửa của Đại Pháp nên ai cũng có cái hứng muốn xuống bộ.
Tàu không đỗ áp bến, đứng tận ngoài xa, có những thuyền của người thổ dân ra đón khách vào bến.
Cửa Djibouti là một nơi hải cảng của Đại Pháp mới đặt được ba mươi năm nay ở ngay cửa bể Hồng Hải (Mer Rouge), đối với cửa Aden của người Anh. Cả một miền hải tần [5] này là nơi cùng tịch, toàn thị là sa mạc hết, mà khí hậu nóng như lửa đốt, cả năm không có được mười ngày mưa. Trông xa chỉ cực mục [6] một vùng cát trắng, không có một cái cây, không có một ngọn cỏ. Thật là một nơi thiên cùng thủy tận. Thổ dân lại là một giống dã man hung hãn, không có một chút văn hoá gì. Thế mà quý quốc trong khoảng hơn hai mươi năm gây dựng thành một nơi đô hội cũng khá to, thế thì đủ biết người Đại Pháp có cái công khai thác, có cái tài kinh doanh mạnh bạo là dường nào. Đem Djibouti mà sánh với Colombo, với Penang, với Singapore, thì không bằng thật. Nhưng phải biết rằng ba cửa bể của người Anh đó thành lập đã lâu, lại ở vào những nơi đất tốt, người đông, của nhiều, cho nên dễ phát đạt lên to. Cứ xem như cái cảnh tượng một đảo Penang, khác nào như một cái rừng rậm xanh um toàn những cau cùng dừa cả. Nhà cửa của người ta như ủ ê dưới bóng mát cây xanh, mặt trời có chói lọi, khí nóng có nồng nàn, mà bóng cây gió bể làm cho sự sinh hoạt vẫn có vẻ êm đềm mát mẻ. Đến như Djibouti này thì thật là một cõi đất cháy. Người ta nói rằng cách hai mươi năm nay, bấy giờ Djibouti đã có đường phố nhà cửa rồi, trong suốt thành phố không có một cây nào, chỉ trong dinh quan Thống đốc có trồng một cây chà là bằng sắt tây sơn xanh để hình tượng loài thực vật mà thôi!
Thế mà bây giờ không những trong dinh quan Thống đốc có một cái vườn cũng khá xinh, mà trong đường phố nhiều nơi đã trồng cây hai bên, có chỗ trồng rặt một giống trúc đào, hoa tươi đỏ ói. Coi đó thời đủ biết cái công phu gây dựng khó nhọc là dường nào.
Bây giờ ở Djibouti các dinh thự công sở đã dựng lên san sát, nhà buôn cũng có dăm ba nhà lớn, còn những tiệm buôn nhỏ phần nhiều của người Chà (Indiens), người Do Thái (Juifs), người Hy Lạp (Grecs), người Ả-rập (Arabes). Người bản xứ là giống Somalis thì toàn làm những nghề đê tiện như đánh xe gánh đểu [7]. Có người nói rằng giống này là giống hèn lắm, chỉ ăn trộm, ăn cắp, làm biếng, nói dối, không thể nào khai hoá cho được; đành là một giống bỏ đi, như giống da đỏ ở Bắc Mỹ, giống thổ dân ở Úc châu vậy. Nhận kỹ đứa nào cũng gầy còm, không được mấy đứa mập mạp, và trông những con trẻ mười đứa thì đến tám đứa sâu quảng ở hai ống chân. Thế mà lại hung hãn nữa, hay làm giặc ăn cướp; người ta nói mấy năm về trước phải đặt lính đi tuần luôn ở chung quanh Djibouti, người thường mà ra ngoài địa phận mấy ngàn thước có khi bị giặc cướp bóc lột. Không biết ngày nay đã khỏi những sự nhũng nhiễu ấy chưa.
Ở Djibouti này có một hạng con trẻ lặn tài lắm. Hễ tàu đến bến thì nó lặn từ trong bến ra, lượn chung quanh tàu, xin hành khách cho tiền, rồi lặn xuống cho xem. Đứng trên tàu ném đồng xu hay đồng hào xuống, nó liền lặn xuống đón lấy được đồng xu đồng hào lên, mười lần không trượt lần nào, vì đồng tiền xuống không bao giờ mau bằng nó lặn. Lại có đứa lặn qua gầm tàu, tự bên này sang bên kia; lại có đứa nhẩy tự trên nóc tàu xuống; nhanh nhẹn dung dị lạ lùng, tưởng như một loài ếch loài cá chi, chứ không phải là giống người nữa.
Tàu đến bến, người thổ dân thường đem đồ lên bán, như ốc tù và, và lông đà điểu (autruche). Mua bán ở đấy có thứ tiền riêng của bản xứ, nhưng dùng tiền phật lăng của Đại Pháp cũng được.
Trong thành phố, không có gì lạ mà xem, đi dạo qua độ một giờ đồng hồ thì hết. Đi trong phố bằng một thứ xe ngựa, có mui, giá mỗi người mỗi giờ từ một đến hai phật lăng [8], tùy số người nhiều ít.
Lạ nhất là mấy phố của người bản xứ và người Ả-rập ở, nhà làm đều không có mái, chỉ có gác sân ở trên, vì xứ này không có mưa mấy khi. Mấy hôm trước khi tàu đến, nghe như có mưa một chút, vì đường phố còn nơi có dấu bùn, và khí hậu xem chừng có mát hơn những ngày thường.
Có một chỗ nên xem nữa, là nơi “Chợ củi” (Marché de bois). Một xứ không có cây cối như thế này, củi chắc là một vật quý lắm. Người bản xứ phải dùng lạc đà (chameaux) đi kiếm củi những nơi xa đem về họp chợ bán. Củi cũng không thành thân củi, toàn là những cành cây khô, tưởng đánh cái lửa thời cháy vèo hết.
Ở Djibouti này còn một trò để hiến các khách hiếu kỳ: là trò đàn bà múa bụng, theo nhịp thanh la ưỡn bụng mà quay tít. Nhưng bọn đàn bà này toàn là những con gái điếm cả, khách hiếu kỳ cũng phải nên cẩn thận.
Tàu đỗ ở Djibouti có 8 giờ, từ 3 giờ chiều đến 11 giờ đêm, nửa đêm ngày 30 thời đã cất neo chạy.
Qua eo bể Bab-el-Mandeb, thời vào Hồng Hải. Người ta thường nói vào đến đây thời nóng lắm, nhưng tôi thấy cũng không nóng hơn gì ở ngoài Ấn Độ Dương, có lẽ mùa này đương mùa mát chăng.
Qua Hồng Hải phải mất bốn ngày, một ngày thứ năm qua sông Suez, rồi mới tới Port Said.
III.
Thứ hai, 2 Avril 1922
Ở Djibouti vào là bể Hồng Hải (Mer Rouge). Cứ nghe người ta nói thì vào đến Hồng Hải trời nóng như luộc, không thể nào chịu được. Nhưng lần này vào không những là mát, mà lại có ý lạnh, có lẽ là vì có gió bắc nên thế.
Tại làm sao bể này gọi là Hồng Hải? Nước cũng xanh biếc như các bể khác, mà khí hậu thì không lấy gì làm nóng hơn ở ngoài. Duy ở hai bên bờ có những núi đá trơ trọi, mặt trời ánh vào như có sắc đỏ, có lẽ bởi thế nên bể gọi là Hồng Hải chăng. Nhưng bể tuy trông trong địa đồ hẹp, mà thực có quãng rộng tới hơn 300 cây-lô-mét, tàu đi ở giữa không mấy khi trông thấy bờ.
Trong Hồng Hải, ngay tự Djibouti đi, có một giống vịt trời, lội nước được, bay theo tàu từng đàn, ai ném miếng bánh miếng thịt thời sà xuống nước để ăn.
Lạ nhất trong quãng bể này là đêm đến thường thấy những đom đóm bể (phosphorescences), tàu đi giữa sóng rạt ra hai bên, sáng quắc như hai làn điện, trông đẹp lắm. Người ta nói rằng trong nước bể có vô số những con vật rất nhỏ có lân chất (phosphore) bị sóng đánh sát vào nhau bật lên lửa, bởi thế thành ra đom đóm bể; không biết có phải không, nhưng giữa đêm tối trông thấy ánh sáng như thế cũng đẹp.
Qua Hồng Hải mất hơn ba ngày, trời bể bình tĩnh, không có sóng gió gì cả, duy càng đi càng thấy có khí lạnh.
Bắt đầu đi tự Djibouti 12 giờ đêm ngày 30 Mars, đến sớm ngày 3 Avril thì vào vụng Suez (golfe de Suez), chợt thấy trời gió to, sóng nổi lên cuồn cuộn đánh tạt cả vào trong phòng tàu, mà gió thì lạnh ngắt, như gió đông vậy. Ai nấy phải mở hòm mở rương, lấy áo dạ áo nỉ ra mặc. Sóng gió như thế, tưởng tàu chồng chềnh khó chịu lắm thì phải, nhưng lạ thay không thấy gì cả, người ta nói có lẽ tại sóng gió tự đàng mũi lại, nên không việc gì, đi bể chỉ sợ nhất là sóng hai bên dồn lại và sóng đàng sau đẩy đi.
5 giờ chiều ngày 3 Avril, tàu đến Suez.

°

5 Avril
Suez là một cái bến nhỏ ở đầu kênh Suez (Tàu dịch là Tô-tư-yêu vận hà), đấy có những sở làm việc và nhà máy của “Công ty kênh Suez” (Compagnie du Canal de Suez). Ai cũng biết tên kênh Suez là một cái sông đào thông Địa Trung Hải với Hồng Hải, khiến cho các tàu đi tự Âu châu sang Á châu không cần phải đi vòng quanh Phi châu như xưa. Kênh ấy là công trình của một người nước Pháp, ông Ferdinand de Lesseps khởi ra tự năm 1857, đào mất mười năm, phí hàng trăm triệu, ngày nay do một công ty vạn quốc [9] đứng quản lý, gọi là “Công ty sông Suez”, trong công ty ấy các nhà tư bản nước Pháp vẫn còn giữ quyền lợi to. Mỗi năm các tàu lớn chạy qua kể hàng nghìn chiếc, mỗi chiếc ra vào phải nộp tiền thuế cho công ty, nghe đâu thuế tính theo trọng lượng tàu và số hành khách, cứ mỗi tấn là mười quan, mỗi người là bảy quan, mỗi năm công ty thu vào cũng nhiều tiền, dùng để phát lời cho các đông gia [10] nhưng công ty tiêu ra cũng nhiều, thứ nhất là phải dùng máy hằng ngày nạo (draguer) lòng sông cho đất cát khỏi sụt xuống mà làm nông mất đi.
Đến Suez, tàu đậu ở ngoài xa, không vào áp bến. Vả cũng không đậu lâu, nên hành khách không ai lên bến. Nhưng đứng trên tàu trông xuống cũng biết Suez là một thành phố khá lớn, song phần nhiều các nhà lầu là những ty sở của công ty sông Suez cả.
Khi tàu đến trước Suez thì có một cái sà-lúp trong bến ra cắm cờ Hồng thập tự: đó là các quan viên thầy thuốc lên tàu khám xem có người nào mắc bệnh truyền nhiễm không. Nghe nói đó là phái viên của một hội đồng vệ sinh vạn quốc đặt ra ở Suez để phòng bị cho các bệnh nguy hiểm khỏi truyền nhiễm sang Âu châu, vì đây tức là nơi cửa ngõ của châu Âu vậy.
Tàu đỗ có 3 giờ đồng hồ, tự 5 giờ đến 8 giờ tối thì chạy. Từ đây trở đi là vào địa phận sông Suez. Trước khi chạy phải buộc trước mũi tàu một cái đèn chiếu điện (projecteur électrique) mạnh lắm để soi đường ban đêm. Tàu đi trong sông phải đi rất chậm, vì lòng sông hẹp (chừng 50 thước tây), tuy số tàu đi lại rất nhiều mà chỉ đi được cái một, khi nào hai cái gặp nhau thì một cái phải đứng lại áp vào bờ cho cái kia chạy. Thường thường có những chỗ đào vũng vào trong đất gọi là “ga”, để cho tàu lớn tránh nhau.
Tiếc rằng tàu đi qua sông Suez giữa đêm, nên không được xem phong cảnh hai bên bờ, như làng Ismalia, như mấy cái hồ nước mặn, v.v…
Nhưng sáng hôm sau cũng còn được xem ít nhiều cảnh tượng sông Suez, vì mãi đến 10 giờ tàu mới tới Port-Said. Bờ sông về bên Á châu (Arabie) thì thấy những đất cát cây cằn, đủ biết là cõi sa mạc; bờ về bên Phi châu (Egypte) [11], nhờ có những ngòi nước ngọt, nên có chỗ nhiều cây cối xanh tươi. Chạy ngang với bờ sông, áp ngay bên sông, có một con đường xe lửa tự Suez đến Port - Said, thỉnh thoảng lại có một cái nhà ga, đến nhiều chỗ phong cảnh vui mắt, người ngồi trong tàu tưởng tượng như ngồi một cái “ghe” chạy trong cái kênh nào ở Nam kỳ vậy.
10 giờ sáng ngày 4 Avril đến Port - Said.
Port - Said thật là một nơi tụ họp đủ các giống người phần nhiều là người Italiens và người Grecs. Nhưng ở đây tiếng nói thông dụng nhất là tiếng Pháp, không phải tiếng Anh, mà nói tiếng Pháp ai cũng hiểu, dễ giao thông lắm. Nhật báo của người Ai Cập cũng bốn năm tờ làm bằng chữ Pháp, coi đó thì biết chữ Pháp ở Ai Cập thịnh hành là dường nào.
Bọn con buôn ở đấy thời cũng nhiều và hay lừa người chẳng kém gì ở Colombo. Mới ở tàu lên, đã có bọn “đưa đường” (guides) đến hiến công, đi bộ một giờ đồng hồ đòi năm sáu quan.
Tiền tiêu ở đây cũng gọi là piastres như đồng bạc ta, nhưng giá chỉ bằng nửa quan tiền tây (0f.50). Tôi đi vào một cửa hàng hỏi mua cái cravate, người bán hàng nói giá: mười đồng (10 piastres), tôi lấy làm kinh ngạc, sau hỏi ra mới biết rằng giá là năm quan (5 francs). Ở đây tiền nước nào tiêu cũng được, vì đầu phố nào cũng có người đổi bạc, nhưng người lạ đổi nhiều khi họ bắt cáp nặng lắm.
Port - Said chia ra làm hai phần: một phần phố Tây, một phần phố ả rập. Phố Tây thời nhiều nhà cao đường rộng, người các nước Âu châu mở những cửa hàng lớn để buôn bán, gần bờ bể lại có nhiều những nhà mát để ra hóng gió bể. Phố Ả-rập thời chật hẹp hơn, toàn những người Ả-rập ở. Nhà Ả-rập lạ lắm: mái toàn bằng gác sân, và tường thời hình như có khung gỗ cả. Người đàn bà Ả-rập, cách ăn mặc hình như cũng kỳ lắm: chùm một tấm vải đen kín cả đầu, cả mặt, cả người, chỉ có hai con mắt và mũi thì che bằng một cái ống đồng, trông không biết rằng già hay trẻ, xấu hay đẹp. Nghe nói theo tục Ả-rập, phàm nhà sang trọng đều phải ăn mặc như thế, chỉ trừ đàn bà con gái hạ lưu mới phải để hở mặt để đi làm ăn.
Người ta thường nói đến Port - Said mua sắm đồ gì cũng rẻ, vì đồ hàng vào không có thuế thương chánh. Nhưng tôi hỏi nhiều thứ thấy cũng đắt chẳng kém gì các nơi khác; có lẽ thấy khách lạ nhà hàng nói thách chăng.
Ở đây có một thứ mứt làm bằng các thứ quả, gọi là lucum, tương truyền là ngon lắm. Người bản xứ thấy tàu ngoại quốc đến, khách du lịch qua, đem đến bán từng hộp, vừa bán vừa rao: Rahatlucum! Rahatlucum!! (Rahat là tên hiệu), nói mau như tiếng tây đen, nghe buồn cười lắm. Ăn thử chỉ thấy ngọt lự, và chất nó giống như kẹo hồng ta.
Lại có một thứ cà phê, gọi là “cà phê turc”, là cà phê pha để uống cả cặn.
Dạo qua phố phường mấy giờ, đến chiều thì về tàu, 6 giờ tàu chạy về Địa Trung Hải.
Ở đầu đê, ngoài cửa bến có cái tượng ông Ferdinand de Lesseps đứng chỉ tay vào sông Suez, như chỉ đường cho các tàu ở Âu châu đi lại.
Nghe hành khách trong tàu nói chuyện đã biết tiếng Địa Trung Hải là dữ, sóng tuy nhỏ không bằng ở ngoài đại dương, mà hay sốc sáo, làm cho tàu bè điên đảo. Nay vào đến Địa Trung Hải lấy làm lo lắng vô cùng. Hẵng biết được một ngày hôm nay vô sự, không biết tự mai trở đi thế nào.

°

Ngày 6 Avril 1922
Say sóng dữ, nằm cả ngày.

°

Ngày 7 Avril 1922
Cả buổi sáng vẫn còn say sóng.
Đến quá trưa thấy bớt sóng, là vì tàu đã đi đến gần đất, trông đàng xa thấy hai bên có bờ cả.
3 giờ chiều thời qua eo bể Messine, một bên là đất Italie, một bên là đảo Sicile, hai bên làng xóm phố xá đông đúc, trông thật đẹp mắt, chiếu ống nhòm xem không khác một bức hoạ. Đất toàn là đất núi mà người ở không có sót một chỗ nào, đâu đâu cũng có nhà cửa; nhìn mắt không tựa hồ như những vết vôi trắng vẩy trên sườn núi, mà chiếu ống nhòm thấy toàn là nhà người ở cả. Coi đó thời đủ biết những xứ này dân cư phồn thịnh là dường nào. Tàu đi khí xa bờ quá, nên trông không rõ; nhưng người ta nói rằng những khi đi áp bờ và đi vào ban đêm, thời không cảnh tượng gì vui bằng. Trên bờ đèn thắp như sao sa, có khi nghe thấy tiếng đàn hát, tiếng người nói ồn ào.
5 giờ chiều đi ngang núi lửa Stromboli, nhưng đi xa, phải chiếu ống nhòm mới trông rõ, núi hình chữ kim, trên miệng ngày đêm phun tro, khói, lửa, trông xa còn thấy ngùn ngụt lưng chừng trời, thật là một cái lò bất tuyệt. Đêm đến, lửa phun lên, đi xa còn trông thấy sáng, như một cái cột đèn bể (phare) ở tận tịt mù vậy.

°

Ngày 8 Avril 1922
Tàu ra xa đất lại trông thấy sóng.
Hôm nay đi qua eo bể Bonifacio cách đảo Corse với đảo Sardaigne.
Sáng sớm mai thời đến Marseille, ai nấy tấp nập sửa soạn hành lý để mai lên sớm.
Mai là 9 Avril; tàu đi tự Hải Phòng ngày 10 Mars, thế là vừa tròn một tháng.
Tuy trong một tháng trời lênh đênh giữa bể, cũng nhiều khi nhọc nhằn vì sóng gió, nhưng nay đã tới nơi bình yên vô sự, thật cũng đáng mừng. Mà đáng mừng thật, vì mùa này chính là mùa đi bể tốt đó; người ta nói đi vào tháng bảy tháng tám, nhiều khi gặp bão bể còn khổ hơn nhiều, không những hành khách, thuyền viên đã quen bể cũng say sóng, mà sóng dữ đến nỗi người ta nằm trên giường bị đánh lăn xuống phản tàu!
Nay đã qua khỏi cái nạn say sóng, nghĩ đến chuyện say sóng mà nực cười; lại sực nhớ đến đoạn sách của ông Jules Renard mình đã đọc qua.
Ông nói rằng:
“Tôi đã từng đi chơi nhiều thứ tàu bể khác nhau, chủ ý nghiên cứu bệnh say sóng.
“Đi chơi lúc chưa ăn uống gì thời lần thứ nhất tôi nôn mửa, lần thứ nhì không, nhưng lần thứ ba lại nôn.
“Năm lần ăn cơm rồi, lại uống rượu sâm banh, cho khoẻ quân, thời ba lần nôn mất hết, còn được hai lần không.
“Đi đàng mũi tàu nôn, đi đàng lái không thấy nôn, nhưng đứng ở giữa lại nôn, ấy là lưng đã thắt cái thắt lưng bằng nỉ, có lẽ vì thắt chặt quá chăng? Lại có lúc, thân thể khinh khiêu [12], tinh thần hoạt bát, đi chơi bách bộ, mắt nhìn trời bể, theo như lời dặn, cố ý tư tưởng những sự tốt lành mạnh bạo cho nó khuây khoả phấn chấn, những lúc ấy thời có khi không thấy gì cả, mà có khi nôn mửa hết.” [13]
Ấy đó. Đố ai biết bệnh say sóng là cái gì?
Tôi đi bể một tháng trời, say sóng đến mười bận, thật không hiểu được say sóng là cái gì. Cho nên không lấy gì làm tức mình bằng thấy những ông may không bị say sóng trông thấy người ta say, làm ra mặt vững vàng bạo dạn, cứ nói hoài: “Phải phấn chấn lên!… Phải đi bách bộ!… Phải ra mũi tàu!… Phải ra lái tàu!… Phải ăn đồ ngọt!… Phải uống sâm banh!… Phải thắt lưng chặt!… Phải thở cho mạnh!… Phải ăn cho nhiều! v.v…”
Ai đi bể không say sóng là người ấy may; ai bị say, cũng là sự không may; chỉ có thế thôi, còn những bộ bạo dạn, những lời nói “hươu” là khoác lác cả!

[1]Rắn dài.
[2]Không rõ ý tác giả thế nào, chỉ in theo nguyên văn.
[3]Nay gọi là bưu điện.
[4]Tiền riêng của gia đình.
[5]Miền ven biển. Năm năm hùng cứ một phương hải tần (Kiều).
[6]Tận cùng con mắt.
[7]Gánh thuê.
[8]Tức đồng franc.
[9]Công ty đa quốc gia.
[10]Cổ đông.
[11]Ai Cập.
[12]Nhẹ nhàng.
[13]Bỏ đoạn nguyên văn tiếng Pháp.