Chương 2
BẾN LÚ

Giao xong công việc khách sạn cho người làm, Sa chạy lên tìm Marthe.  Ðám du khách đã đi treking hết, trừ Hà tối qua say nên còn nằm ngủ vùi trong phòng.  Marthe kêu đau chân từ tối hôm qua, đã hẹn Sa đưa mình vào làng người  Hmông chỉ ở cách Sapa năm cây số đường bộ.  Sa tíu tít:
- Tata ơi, mình đi được rồi.  Ði sớm đỡ nắng, đến trưa là về...
Nhướng mắt nhìn ánh mặt trời chiếu qua vòm cây trong vườn, Sa nói tiếp:
- Cháu dẫn Tata đi vòng lên bến Lú, đường đỡ gập ghềnh, nhưng hôm qua mưa nên còn trơn, Tata cẩn thận.
Vác  ba-lô  lên vai, Marthe vừa quàng máy ảnh qua cổ vừa nhìn Sa giục:
- Nào, lên đường chứ...
Hai người  đi dọc con phố chính dài  độ trăm mét  là xuống dốc  rồi ra khỏi thị xã Sapa. Men theo chân những thửa ruộng đẽo ngang vào lưng chừng đồi, Marthe bước theo Sa. Lên cao, ruộng phía dưới như trải thảm xanh, xa xa dăm ba con trâu thơ thẩn gục gặc bên  những tà áo đen thấp thoáng. Trước mắt, đỉnh Fan-xi-Pan  nghễu nghện, chót vót cạnh những đọt  mây nhìn như bị níu xuống thế gian.  Càng lên cao, đường càng dốc.  Ði một lát, Marthe nhìn quanh tìm một nhánh cây làm gậy, bồn chồn hỏi:
- Bến Lú, còn xa không?
- Không! Qua khỏi cái đồi này, Tata sẽ thấy.
- Lú là gì?
- Quên mất, lú lẫn đấy... - Sa cười, tiếp  - Tata có biết cháo lú là gì không?
Marthe bảo:
- Cháo thì biết.  Cháo lú thì không?  Là gì...
- Cháo đó, ăn vào là không nhớ đường về...  Người chết đi, bắt phải ăn cháo lú, Tata ạ. Nếu không, họ lại quay về đấy.
Marthe trượt chân, tay gậy chống vội, bật cười:
- Tí nữa là ngã...  Thế khi qua bến Lú, mình có biết đường về không?
Sa ngước mắt nhìn ra xa, dí dỏm:
- Người Hmông bảo muốn quên, chỉ vốc nước lên uống...  - Sa khúc khích - Cháu chưa thử nên cháu không biết.  Tata có dám thử không?
Marthe đáp:
- Không!  Tata đâu muốn quên...  Sa không biết đâu, cha bảo Tata thuở nhỏ sống ở vùng này. 
Sa ngạc nhiên:
- Thật hả Tata?  Thế xưa Tata ở đâu? Giồng nào?
Marthe lắc đầu:
- Tata không rõ.  Chỉ biết là gần Sapa.  Năm năm mươi ba, cha mang Tata  về  Hà Nội, sau đó đi Pháp.  Lúc đó, Tata mới sáu tuổi...
- Cha Tata là người Pháp?
Marthe gật đầu.  Sa nói tiếp:
- Nhưng Tata trông hệt người mình, chắc mẹ của Tata là Việt Nam?
- Tata không nhớ rõ lắm...  Chắc phải thế.  Về Pháp được sáu năm, cha Tata mất.  Tata không biết mặt mẹ, chỉ nghe cha bảo mẹ là một vị công chúa yêu cha, và cha lấy làm vợ, rồi đẻ ra Tata.
Sa reo như trẻ con:
- Thích nhỉ.  Con một công chúa...  Thế mà bây giờ Tata mới nói.  Sa chưa biết ai là công chúa...  Như vậy, Tata cũng là công chúa.
Sa quay lại nhìn Marthe:
- Mà Tata đẹp thật.  Công chúa đẹp thật.  Sa muốn đẹp như công chúa...  Sa gọi Tata là công chúa nhé...
Dưới chân đồi, có lẽ là bến Lú, một con hoẵng thơ thẩn cúi đầu thong thả uống nước.  Marthe kêu:
- Chết, nó uống thế, nó quên hết sao?
Ngoảnh lại, Sa làm như đóng kịch, cung kính:
- Thưa công chúa, chẳng rõ con hoẵng đã nhớ chi, cho nên ai  biết được nó quên gì!
Bị hút vào trò chơi của Sa, Marthe giả nghiêm giọng:
- Ta biết.  Nó nhớ từ thuở đất trời còn hỗn mang, mây mù kéo về đỉnh Fan Xi-Pan như hôm qua, làm mưa liền ba năm ròng, khiến nhân gian quên mất nắng trời.  Mưa nên ta ngủ, cho đến khi vị hoàng tử đó cưỡi con ngựa màu hồng đến lâu đài, vó ngựa làm ta thức giấc.  Ta vẫn nhắm mắt, và ta chỉ mở khi chàng áp môi vào trán ta, đôi môi mềm như nhung nhưng nóng như lửa.  Từ đó, ta không bao giờ ngủ nữa.
Sa phá lên cười, cười nắc nẻ, không để ý nhìn chân trời bỗng thấp thoáng hiện ra một đám mây đen.
°
Vòng qua bến Lú, Marthe và Sa lên dốc rồi rẽ trái. Băng ngang những thửa ruộng, họ bước trên những vệ đất hẹp vừa đủ một người đi.  Vào mùa này, những cuống rạ nằm trơ trên mặt ruộng sũng nước mưa.  Hai người vào giồng, tay xua gậy đuổi lũ chó sủa oăng oẳng, miệng gọi.  Một đám trẻ con, đứa ở trần, đứa ở truồng, chạy ra, mắt tròn lên nhìn khách lạ.  Sa quen biết người ở đây, nói với họ tiếng Kinh nhưng có trộn tiếngHmông, tay chỉ Marthe và cái máy ảnh Marthe đeo ngang hông.  Bọn trẻ con nghe thấy, cười rúc rích rồi ù té rủ nhau chạy.
Giồng tộc Thèn đâu khoảng ba mươi mái nhà, nằm nhấp nhô trên triền đồi cạnh bến Lú.  Nhà người Hmông xây trên nền đấy nện, vách trát vữa trộn với rơm, mái lớp lá trên dẫy kèo chạy ngang dọc buộc vào nhau bằng những sợi mây rừng.  Nhà phần lớn chia hai, phần sau là bếp.  Không có cửa sổ nên nhà nào nhà nấy ám khói và tối mù mù.
Sa hỏi một bé gái đang oằn hông bế em. Ðứa nhỏ chắc chưa đầy một tuổi cứ khóc ré lên. Nó nói gì đó, thằng con trai bên cạnh chạy vụt đi. Sa quay nhìn Marthe:
- Công chúa ơi, chủ nhà đi vắng.  Cháu định mời công chúa vào thăm một gia đình dân dã...
Marthe mỉm cười, đưa máy ảnh lên chụp, nhưng Sa giãy nẩy lên:
- Thôi, cháu xấu thế này, công chúa chụp làm gì...
Vừa lúc đó, một ông già chống gậy phía lưng nhà ló ra.  Sa chào rồi nói:
- Trúng truổ ơi, thế chị Pình đâu?
Ông già chỉ tay vào nhà, đáp:
- Trong ấy... ốm.  Ốm lắm!
Vịn tay Sa, Marthe bước, chân đặt vào những lõm đất  trên dốc dẫn lên thềm nhà.  Lách người  vào cửa, Sa dặn:
- Công chúa bước cẩn thận nhé, đồ đạc bừa lắm.
Marthe mở to mắt.  Giữa phòng là một chiếc khung dệt.  Trên vách treo đầy những bó ngô đã phơi khô.  Trong góc là bàn thờ, nhưng sơ sài, không có lư hương hay ảnh như bàn thờ người Kinh.  Ðám trẻ con đi theo, bu quanh, có đứa thò tay vào sờ sờ cái máy ảnh.  Trúng Truổ, cách gọi người đứng đầu giồng, lại chậm rãi, giọng như người đi bị vấp:
- A Pình ốm, không ngồi được.
Tay chỉ vào một đống chăn thù lù trên cái giường đặt ở góc, Trúng Truổ tiếp:
- Năm ngày rồi!  - chỉ vào má,  Trúng Truổ  làm dấu - sưng lên, to to lắm.
Sa đến đầu giường, tay vén chăn, miệng bảo:
- Chị Pình à, Sa đây.
Người đàn bà hé mắt, rên nho nhỏ, nhìn Sa.  Marthe cúi xuống.  Quả thật, má người đàn bà sưng lên như cái rổ.  Marthe thò tay để lên trán chị Pình, hoảng hốt bảo Sa:
- Nóng lắm.  Không thể để thế được.  Sa hỏi xem có thuốc thang gì chưa?
Một người đàn ông bước vào, mùi rượu xông lên sực vào mùi.  Sa nhăn mặt, nói khẽ:
- Anh Pình đấy.  Lại say rượu rồi!
Ðứng lớ ngớ nhìn, anh ta nói với  Trúng Truổ, rồi quay sang Marthe, ngửa bàn tay lên kêu:
- Không có tiền.  Tiền...
Marthe không trả lời.  Mùi rượu nồng nặc xông vào mũi khiến Marthe quay đi, nửa thương nửa giận, nửa muốn bỏ đi, nửa lại có gì giống như một niềm ân hận vô cớ ào đến làm nước mắt rưng rưng  lưng tròng.  Nắm lấy  tay Sa kéo ra ra khỏi  nhà, Marthe bảo Sa dẫn thẳng lại bệnh xá.  Ðó là một căn buồng nằm trong ngôi trường tiểu học, rộng độ bốn thước vuông.  Người y tá mở cửa, lắc đầu, lầu nhầu với Sa.  Sa thở dài:
- Không có thuốc, thưa công chúa.  Ông ấy bảo phải đưa về nhà thương thị xã, ở đây chẳng ai làm gì được cho chị Pình cả!
Marthe bỗng nổi giận.  A, cái gọi là xã hội chủ nghĩa này!  Cái chủ nghĩa chắc chắn không có gì là xã hội  đối với những kẻ khốn khó bệnh tật, chỉ độc cưu mang những giấc mơ bán đất và hàng loạt lời nói dối có kế hoạch. Nàng  vùng vằng, mặt đỏ lên, miệng nói bằng tiếng Pháp, lẫn vào là Sacre Dieu và Merde[1]...,  rồi bảo Sa:
- Mình đưa chị ấy về Sapa!
Sa trợn mắt, ngạc nhiên  đáp:
- Tốn lắm.  Bây giờ phải cáng chị ấy đi.  Thuê người cáng.  Và phải thuê cả cáng.
- Sa thuê đi!
Sa ngần ngừ trước đôi mắt Marthe lúc một nghiêm khắc. Marthe lại giục. Sa lắc đầu  rồi đi lại nói với người y tá. Anh ta cười, hấp háy nhìn ví tiền của Marthe, cong lưng gập đầu  như  trong phim ảnh Liên Xô thời còn nhiếc móc những tên Tsar phản động trong cái chế độ nông nô cả nhân loại đã phỉ  nhổ. Móc ví ra trả tiền, Marthe xách một đầu cáng, để Sa xách một đầu, nhằm phía nhà chị Pình xăm xăm đi.  Thỉnh thoảng, Sa nghe Marthe lẩm bẩm "Sacre Dieu", định bụng hỏi "công chúa nói thế là gì?" nhưng rồi không dám.
°
Hà thức giấc lúc nắng đã lên ngang đầu ngọn cây bàng mọc dưới cửa sổ.  Vùng dậy, chàng thấy cổ họng đắng chát, người ê ẩm, đầu vẫn nặng chình chịch.  Hà vào nhà tắm, mở douche, để nước lạnh xối xuống đầu, xuống mặt, cho đến lúc tỉnh hẳn.
Hà định hỏi rồi thôi.  Chàng ra đường, thẳng bước đi về phía chợ.
Váy cùng màu với  áo, dài phủ đến gần mắt cá, thường là bó lẳn vào thân, và vạt  áo chẽn xòa rộng  xuống che cườm tay lủng lẳng những chiếc vòng to bản làm bằng bạc, trên có khắc hoa văn đề tên họ tộc. Khi  thấy du khách, họ chạy lại, tay chìa vào mặt những sản phẩm thủ công như vòng tay, vòng cổ, áo thêu, mũ thêu và những chiếc  túi sách đủ màu, miệng kêu "Bô, bô... pa se"[2] hay là cập nhật hơn "nai xơ, nai xơ, gút, gút!"  và "chíp, chíp..."[3].
Một bà già, đầu khăn hoa, khều tay Hà, miệng nói "Gia pan[4] mà... hớ".  Hà lắc đầu.  Bà ta tiếp tục "Gia pan mà... gút".  Hà xua tay, lách khỏi đám đông.  Bà già lẽo đẽo theo sau, một tay giơ chiếc khăn, một tay giơ chiếc mũ, cười hở hàm răng mạ vàng, mạ bạc lấp lánh dưới nắng, vẫn kêu "chíp, chíp... Thanh kuyu...". Hà tránh không ngoái lại, nhìn thấy một tiệm ăn có cái tên Mimoza, vội  đẩy cửa bước vào.  Người đàn bà theo đến cửa.  Chủ tiệm đi ra, tay xua, miệng đuổi.  Anh ta nói với Hà muốn mua gì kỷ niệm thì qua cửa hàng trước mặt, giá vừa phải chăng, lại tốt hơn hàng bán rong.
Ăn uống qua loa, Hà vừa định đứng dậy đi thì Marthe và Sa bước vào.  Marthe vừa quệt mồ hôi vừa khoe:
-  Chúng tôi vừa đưa một người bệnh ở làng Hmông vào nhà thương Sapa.
Hà hơi ngạc nhiên nhìn Sa.  Marthe kể chuyến vào giồng, gặp chị Pình má sưng vù.  Marthe chép miệng:
- Chị ấy có đến bảy đứa con mà đâu chỉ chưa đầy ba mươi tuổi. Ghê thật!  Phải không?
Hà chỉ mỉm cười nhìn Sa, lòng mong hỏi để cám ơn kẻ đêm qua đã đưa mình về phòng, nhưng im lặng vì  có Marthe bên cạnh.  Sa không ăn uống gì, bẽn lẽn xin về khách sạn.  Khi Marthe đưa Sa ra cửa.  Sa nói nhỏ:
- Thôi, công chúa về sau.  Chiều nay mình có hẹn vào nhà thương trả tiền đấy nhé. Chẳng biết chị Pình bệnh gì, nhưng không có tiền là người ta không chữa đâu!
Marthe vào nên Hà ngồi nán lại.  Chàng châm thuốc, nghe Marthe dịu dàng bảo:
- Hút hại sức khỏe lắm đấy!  Anh biết chứ?
Hà gật đầu.  Marthe lại hỏi:
- Sao anh không đi  treking?
- Tối hôm qua tôi uống rượu, sáng dậy mệt quá!
Marthe lại cười:
- Uống rượu có hai típ.  Vui và buồn.  Ðấy là loại ra người nghiện, buồn vui gì cũng phải uống.
Hà nhắp một ngụm trà:
- Tôi không nghiện.  Chắc tôi thuộc típ buồn.  Nhưng thực sự, tôi cũng chẳng biết tại sao?
- Anh về quê hương lần đầu?
Nhìn Hà gật, Marthe nói tiếp:
-... thế thì phải vui chứ!  Gặp lại bè bạn, gia đình, buồn thế nào được.
- Tôi không có gia đình ở đây.  Bè bạn cũng không.  Họ ở bên Mỹ.  Lạ một cái là về đến đây, họ như không có nữa - Hà ngập ngừng - hay nói cho đúng, họ bỗng xa xôi đến độ trở nên trừu tượng.  Ngay vợ tôi, con tôi, bây giờ hình như là những hình bóng mờ nhạt khó nhớ...  Lạ thật, cứ như là  họ chẳng mảy may  liên quan gì  đến tôi lúc này.
Marthe im lặng, hồi  tưởng lại căn nhà chị Pình, cái má sưng vù, và anh chồng sặc rượu. Lòng nàng chợt dịu xuống, bâng khuâng như ánh nắng ngả nhạt ngoài trời.  Marthe ngước lên nhìn Hà, rồi thong thả:
- Chắc anh không biết tôi là người vùng này.  Mẹ tôi đẻ tôi ở đây!  Nhưng mẹ tôi chết, rồi cha tôi đưa về Pháp lúc tôi còn nhỏ.  Về đến nơi này, tôi lại không cảm thấy mình có gì liên hệ thực sự với nó...  Sáng nay, tôi vào giồng người Hmông, tôi chỉ nhìn thấy sự thiếu thốn, nghèo khổ, và sự bất lực của mình...  Cái tôi nhìn thấy nó trần trụi đến độ tước đoạt hết cái có thể cảm thấy được, anh ạ!
Hà trầm ngâm, khẽ lắc đầu, giọng có chiều hốt hoảng:
- A, sự trần trụi... Nó còn tước đoạt cả trí nhớ. Bốn ngày đầu kể từ khi đặt chân vào Hà Nội, tôi không nói được tiếng Anh, cứ lúng ba lúng búng.  Mặc dầu tôi ở Mỹ trên hai mươi năm, vợ Mỹ, và con thì mù tịt tiếng Việt... 
Nhìn Marthe, Hà định tâm sự, nhưng chàng chợt nghẹn lời. Về đến quê hương, Hà như bị hụt chân vào một cõi mơ hồ.  Không biết nó là gì, nhưng chàng lại rõ rệt hiểu ra một điều kinh khủng: sự cưu mang Hà, điều Hà đã trân trọng trong hai mươi năm qua trên đất nước Mỹ bỗng nhiên trở thành vô nghĩa đến như chưa từng có thật...  Trong Hà là một khoảng trống, nhưng chàng chẳng có gì để khỏa lấp nó đi.  Bơ vơ bước mà chân không đụng đất, Hà  vật vờ như một linh hồn lạc lõng.
Marthe lại bỗng như nghe thấy gì, đưa tay lên môi làm dấu, rồi thì thào:
- Anh có nghe không?
-???
- Vẫn cái tiếng hôm qua.  Bây giờ, tôi có thể xếp vào loại đồng, cái nhạc khí đó.  Nhưng âm nó trầm và lắng, độ ngân rất xa...  Ðúng, nó lại vang lên và dội về qua những vách núi...
°
Chập choạng tối, hai vợ chồng Marthe và André từ nhà thương về đến khách sạn. Hai  người vừa bước vào, Sa hỏi ngay:
- Công chúa, chị Pình bệnh gì vậy?
Marthe nhìn chồng.  André cười:
- Chẳng có gì nguy đâu. Un abcès. Một cái răng hàm bị tấy độc.
Tay chỉ vào miệng, André làm cái động tác nhổ răng, lắc đầu.  Marthe kêu:
- Không nhổ ngay được.  Phải uống trụ sinh cho hết sưng đã...  Nhìn Sa, Marthe tiếp - thuốc trụ sinh ở Sapa còn đắt hơn là ở Paris...
Sa gật đầu:
- Vâng.  Chẳng ai có tiền mua thuốc ấy đâu.  Cháu cứ tưởng chị Pình bị ung bướu. Dân Hmông nhiều người mắc bệnh này. Chị Pình may gặp công chúa, chứ không thì...  chắc chết đấy.  Ðã có người chết vì răng làm độc, mủ chảy lên óc.
Hà từ ngoài cửa bước vào. Nhìn Hà, André đưa tay lên vẫy, giọng vui vẻ:
- Anh mất một dịp trèo núi, con đường khá gập gềnh nhưng thú vị lắm.
Hà chỉ mỉm cười.  Billy tắm rửa xong, quần áo sạch tưng, từ trên lầu đi xuống.  Hắn nhìn Sa, mắt thèm thuồng, hô hố:
- Baby! Em có khỏe không?
Sa quay đi, đáp "hello".  Billy nhìn theo, nói với Hà:
- Such a beautiful ass!  Ô, cái mông đít! You see...
Bực mình, Hà sẵng:
-  Câm miệng! Shut up!
Billy ngạc nhiên, quay lại nhìn Hà, rồi giơ tay như phân bua vời Freddy ở đâu đến bên cạnh.  Nó kêu oang oác, mặt nhăn lại:
- Hey, be cool, noodle[5]! Ðừng sẵng thế với tao!
Hà nổi nóng nhưng chưa kịp phản ứng gì thì Freddy gằn giọng, nhìn Billy,  đe dọa:
- You, shut up! shame on you[6].
Billy cụt hứng, lầm bầm nói "OK, OK..." rồi ra ngồi một góc, giả vờ mở quyển sách hướng dẫn du lịch "Việt Nam, Ten Dollars a Day" ra đọc.
Bữa ăn tối nay chỉ có bốn người.  Billy cảm thấy mình bị gạt ra, ăn vội rồi lỉnh sang bên kia đường, chắc vào cái quán Karaoke trước mặt.  Hà ít nói, lâu lâu lại đưa mắt nhìn bức tranh Cây Ða nơi đỉnh Miếu, nhưng nét mặt có đôi chút thanh thản.  André trầm ngâm, rồi phá vỡ bầu không khí tịch mịch, thốt lên:
- Vào nhà thương Sapa, mới thấy dân ở đây thiếu đủ mọi thứ.  Bông, băng, thuốc... cái gì họ cũng không có.  Khi y sỹ đề nghị nhổ răng chị Pình ngay, tôi hỏi thuốc tê đâu.  Họ bảo không có.  Rồi họ nói, cứ buộc bệnh nhân cho chặt, nhổ được, chỉ đau thôi.  Tôi rùng mình...  Không tưởng tượng được, các bạn ạ! 
Marthe phụ họa:
- Chị Pình gan lắm, cứ gật gật, bảo nhổ thì nhổ.  Ðau, không sao!  Tôi phải kêu lên cản lại.  Có thuốc, chắc chỉ một vài  ngày là hết sưng, lúc đó có nhổ răng còn chịu được. Chứ bây giờ - Marthe lè lưỡi - chắc đau đến chết được!
Freddy nghe câu chuyện, thờ ơ nói:
- Ông bà ở thêm ít lâu, sẽ còn khám phá ra nhiều điều khác. Nhưng tất cả sẽ kéo về một điểm:  ở trên vùng cao này, sinh tồn là một phép lạ...
Marthe hỏi, giọng nhẹ nhàng:
- Anh tin vào phép lạ...
Freddy khoa tay:
- Có.  Có phép lạ đấy.  Vùng này gần biên giới Việt-Hoa.  Ðường xe lửa qua Lào Cai dưới kia là đường tiếp vận trong chiến tranh - Freddy cười buồn buồn - con đường bị ném bom với một cường độ tàn phá trên từng cây số vuông cao nhất trên thế giới...
Im lặng, Freddy nhìn ra ngoài, mông lung suy nghĩ rồi tiếp:
- Thế mà mọi loài sinh vật vẫn tiếp tục tồn tại.  Dĩ nhiên là trong đó có con người.  Tôi đi khắp vùng núi, đếm hết những hố bom to như những cái hồ, lắm cái chu vi đến hai mươi, ba mươi mét.  Bướm thích ở những nơi độ ẩm cao, nên chung quanh những cái hố bom đã thành hồ, rất nhiều bướm, bướm đủ màu, và có những con to bằng bàn tay...
Marthe cắt ngang, cười để xoa dịu một bầu không khí chợt căng thẳng:
- Ô, cái chuyện của quá khứ...  những cánh bướm bất tử dưới tay anh bây giờ đâu có mặt khi xưa người ta ném bom để đèo cái quá khứ đáng buồn ấy vào cánh chúng!
Như không để ý lời Marthe,  Freddy nhìn Hà, giọng run run:
- Anh là  người Mỹ gốc Việt.  Anh có tin rằng ngày xưa người Mỹ mang bom đến ném là giúp người Việt ở đây không?
Hà lắc đầu.  Freddy lại buồn bã:
-... Vì thế, câu chuyện quá khứ đó, chúng vẫn còn vướng trên những cánh bướm như dấu vết bi tráng của một thời không thể quên đi được.
°
Hai ngày sau khi chị Pình rời nhà thương về giồng, một buổi sáng kỳ lạ làm náo động cái thị trấn cao nguyên xưa nay vốn hiền hòa này.Vào khoảng bảy giờ sáng một đoàn người Hmông lũ lượt kéo nhau vào trong sân khách sạn khiến Sa hoảng hốt sai đóng cửa chính, rồi đi lối sau ra xem. Vừa thấy Sa, chị Pình reo:
- Sa này, công chúa đâu?
Giúi vào tay Sa một con gà sống, chị tiếp:
- Quà của Pình dâng công chúa, ơn được  cứu sống mà!
 Ði kèm Lùng thầu của giáp[7]  là Trúng Truổ,  bố chồng chị Pình, cùng một cụ già lưng còm, tay chống gậy. Họ ùa đến vây quanh Sa. Trúng Truổ  nói với cụ già:
- Ðấy, con bé này gọi bà ta là công chúa...
 Cụ già nheo mắt nhìn Sa.  Da mặt cụ đen sạm, hằn lên những vết nhăn không khác chi nếp nương lưng đồi vào buổi phải đốt gốc mạ để sửa soạn vụ cấy sau. Miệng căng lên rồi co giật nhè nhẹ, cụ thủng thỉnh:
- Cho tôi vào.  Tôi muốn gặp!
Lúc đó, bọn khách du lịch đã đi hết, chỉ còn Freddy và Marthe là vẫn ở trong phòng.  Sa ngần ngừ:
- Ðể làm gì hả cụ?
Ðám đàn bà Hmông uà đến nhao nhao:
- Công chúa, công chúa đâu?
Có lẽ họ chưa bao giờ thấy một người đàn bà dám bỏ tiền bỏ công ra đưa một người như Pình lên nhà thương Sapa chữa chạy.  Họ cười, răng vàng lóng lánh, tay níu lấy Sa, tay chỉ lên gác.  Nghe tiếng ồn, Marthe ló đấu ra cửa sổ nhìn.  Thế là có tiếng reo, tiếng hò:
- Công chúa, công chúa...
Chị Pình la to:
- Công chúa cứu mạng Pình, cho Pình tạ ơn!
Nói xong, Pình quì xuống, má chỉ còn sưng một chút, nước mắt ứa ra.  Sa lên, vừa nói vừa cười:
- Công chúa, thần dân của ngài đã đến chào mừng.  Xin hạ gót chiếu cố họ.
Marthe bối rối, rồi bảo:
- Thôi đi Sa, không đùa nữa.  Tata có là công chúa đâu.  Xuống bảo họ thế!
Sa xuống, lát sau lại lên, lo ngại:
- Họ nhất định không đi.
Ngẫm nghĩ, Marthe xuống thang, ra phòng tiếp tân rồi bảo Sa mở cửa.  Ðoàn người Hmông hò lên.  Marthe chào Trúng Truổ, rồi nói:
- Tôi không phải là công chúa đâu!  Con bé Sa nó gọi đùa thế mà thôi!
Lùng Thầu rành tiếng Kinh, dịch ra nói thì thào vào tai cụ già.  Ðến sát Marthe, cụ chăm chăm nhìn vào mặt, mắt hấp háy, mái tóc bạc nay lơ thơ cứ chổng ngược lên trời.  Cụ nói:
- Giáp Hmông lạc mất một vị công chúa cách đây đúng bốn mươi năm...
Marthe nhỏ nhẹ:
- Không phải tôi!  Tôi không biết gì...
- Khi bị lạc, công chúa mới sáu tuổi, chắc chắn không biết gì.  Bà không biết, sao lại dám bảo mình không là công chúa của người Hmông?
Cụ già nói tiếp vào tai Lùng Thầu.  Ông này quay nhìn Marthe, giọng nghiêm trang:
- Cụ đây đã hầu hạ Ðức Vương và biết công chúa từ khi mới đẻ.  Ngày lạc  công chúa, dân có cầu Ðức Bàn Then[8].  Ðức Bàn bảo bốn mươi năm sau công chúa về cứu dân Hmông.  Hai hôm trước Trúng Truổ  báo, chúng tôi đã về giáp tìm cụ đây - tay Lùng Thầu chỉ - và lại xin với Ðức Bàn chỉ cho người Hmông biết có phải là công chúa về không?  Thày Tao°[9], người có thể cầu Ðức Bàn về, bảo rằng có lẽ thế, nhưng nếu người Hmông xin được ngài về Lũng Mây, tế bàn thờ tổ, thì Thày Tao  mới chắc được...
Quay lại, Lùng Thầu nhìn đám người Hmông nói một tràng dài, không hiểu sao mà tất cả đều quì xuống, cúi đầu, và đồng thanh hát.  Marthe sững người, không biết phải  đối phó thế nào.  Ðúng lúc đó, hai xe jeep công an trườn tới.  Một người đội mũ có đính sao, lưng đeo súng, nhảy xuống rồi đi thẳng lại nói chuyện với Lùng Thầu và Trúng Truổ, có lẽ yêu cầu họ giải tán đám người Hmông.  Hai bên điều đình gì đó, Marthe chỉ  thấy Lùng Thầu  lắc đầu.  Ðể thị oai, công an rút súng lên đạn, tiếng nghe xoành xoạch.  Marthe hỏi Sa:
- Họ làm gì thế?  Họ định bắn à?
Sa đáp nhỏ:
- Chắc chỉ dọa thôi.  Người Hmông cứng đầu lắm, họ chả sợ đâu!
Quả vậy, đám người Hmông vẫn bình thản quì dưới đất, im lặng.  Hàng trăm cặp mắt đổ vào Marthe đang đứng chết trân, mắt nhìn lo ngại.  Một chiếc xe nhà binh đến đậu ngay bên hông khách sạn, bộ đội ở đâu đã kéo tới, xuống xe rồi bao lấy mặt tiền.  Nỗi sợ xô sát giữa những kẻ đằng đằng sát khí ập tới đẩy Marthe đến cạnh Lùng Thầu.  Bà hoảng hốt nói nhanh:
- Ðược rồi, tôi sẽ đi Lũng Mây!
Quay lại nói với đám người đương quì, Lùng Thầu  giơ tay ra dấu. Họ cùng nhau đứng dậy, cười reo "Công chúa, công chúa...".  Lùng Thầu  nghiêng mình vái Marthe, trong khi đó người chỉ huy công an  lắc đầu, lẩm bẩm "... thật  mỗi ngày một loạn!".
°
Sau bữa ăn, cả bọn ngồi quanh lò sưởi tán gẫu. Nghe Marthe kể lại câu chuyện sáng nay, thằng Billy cười, vẫn giọng hô hố:
- Princess?  Chuyện kỳ cục?  Này, André - nó quay sang - vậy ông là ông hoàng?
Không  trả lời, André nhìn Freddy:
- Ðúng là tiểu thuyết!  Nếu Marthe là công chúa thật, bạn nghĩ xem, nếu thật thế... - André tiếp -... thì chúng ta sẽ hóa trang thành tùy tùng, đi vào Lũng Mây xem cái vương quốc đó thế nào nhé!
Nhìn lên trần, Freddy mỉm cười, giọng diễu cợt:
- Tại sao lại hỏi rằng thật thế hay không?  Nếu dân Hmông nghĩ rằng Marthe là công chúa của họ, thì với  con người, đó là sự thật.  Sự thật của con người là sự thật giữa  con người  với  nhau¼
Phần lớn, sự thật của con người  đem so đo  thì so đo với cái gì.  Chẳng có gì để họ đi so đo mà chắc chắn nắm bắt cái sự thật đó như thể loại sự thật trong khoa học tự nhiên được. Nếu dân Hmông bảo Marthe là công chúa, và bà hài lòng đóng nhân vật đó, tất là nhạc tấu lên, đèn bật, và sân khấu mở màn.  Ðóng tấn kịch đó một đời, Fredy chua chát, thì đó gọi là đời "thật". Quay sang nhìn Marthe, Freddy  nghiêm trang:
-  Bà đã nghe tiếng một nhạc khí mà tôi và tất cả mọi người đều không nghe thấy.  Vậy cái bà nghe có, hay không có thật?
Còn chần chừ, Marthe lại nghe Freddy tiếp:
-  Nó không có thật với chúng tôi, nhưng hề gì!  Nó có thật với bà.  Còn bà thật là công chúa hay không, cái thật đó với người Hmông có khác gì cái âm thanh huyền diệu bà thính thấu được mà chúng tôi thì không có cái duyên ấy...
Marthe ngắt lời:
- Nếu cha tôi là Vua, tôi là công chúa, dĩ nhiên.  Nhưng nếu mọi người tưởng tôi là công chúa vì một sự lầm lẫn chẳng hạn, anh nghĩ tôi vẫn là công chúa à!
- Là Vua?  Không ai là, mà Vua chỉ là khi mọi người đều nhận ông ta là Vua.  Tôi biết, với văn hóa phương Ðông, Vua là con trời.  Nhưng đó là điều Vua nói cho mọi người tưởng là thế.  Phương Tây cũng vậy thôi, cho đến cách đây hai trăm năm thì mới có chút thay đổi.  Nhưng bà, bà có thích là  công chúa hay không?
- Là công chúa nghĩa là làm sao?
Freddy bật cười:
- Có thể nghĩa là cái mọi  người tưởng bà  là...  Mà thôi, bà có định đi Lũng Mây thật không?  Ði đến đó mất một ngày.  Về cũng một ngày.  Vị  chi phải bỏ ba ngày ra.
André chen vào:
- Thời giờ hiếm hoi lắm.  Ta còn đúng một tuần, đi thế nào được?  Lại tối mai, tối thứ bảy, phải đi xem chợ Tình chứ!
Billy vỗ tay, cười to:
- Yes, Love Market... Fantastic!  Ai đi đâu chớ tôi, tôi chỉ đợi chợ Tình,  Love Market...
"... Baby, I love you...Này em, anh yêu em..." đi ra sân.  Marthe nhăn mặt, trầm ngâm, mắt nhìn Hà:
- Ðã hứa với họ là đi Lũng Mây, không lẽ...
Xua tay, André nói, giọng châm biếm:
- À không, tôi xin được miễn, kính thưa công chúa!
Marthe đứng dậy, vẻ không vui, nói sẵng:
- Nhưng công chúa thì công chúa cứ đi. Ai không đi thì thôi!
André ngạc nhiên, nhìn Marthe:
-  Hay nhỉ! Không biết đùa à?
Không khí chùng xuốâng khi Marthe bỏ lên gác.  Bọn đàn ông nhìn nhau không biết làm gì.  Chợt một tiếng hét ngoài vườn vọng lại, rồi tiếng chân người vừa chạy vừa kêu.  Hà và Freddy nhìn nhau.  Không ai bảo ai, cả hai đều bước vội về phía cửa.  Tiếng Sa gọi hớt hải "Mẹ, mẹ ơi, mẹ!".  Cửa mở tung.  Sa lao vào, tóc xõa, ngực áo rách một mảng, mặt tái mét.  Lấy tay che ngực, Sa chạy xuống bếp.  Ra đến thềm, Hà và Freddy thấy Billy đứng lớ ngớ.  Hà hỏi "... có gì vậy?" trong khi Freddy lẳng lặng đến gần Billy.  Nó ấp úng "... không, không có gì!".  Bất chợt, Freddy vung một quả đấm  vào mặt Billy, miệng quát "son  of a bitch[10]  ".  Billy lảo đảo.  Freddy bồi thêm một cái đạp.  Lần này, Billy ngã, mặt đập xuống sân sỏi. Trong cái tranh sáng tranh tối của buổi chiều tà, Hà thấy một ánh dao lóe lên.  Ðó là con dao đi rừng Freddy hay đeo trên dây lưng.  Hà nhảy lại ôm lấy Freddy, miệng kêu "Không, anh đừng... Stop!".
°
Nghe tiếng khóc tỉ tê, Hà lặng lẽ đi xuống, mắt nhìn vào bếp.  Bà mẹ Sa ngồi xổm trước bếp lò, tay bưng mặt, đầu gục xuống.  Sa đã thay áo, ngồi cạnh mẹ, mắt nhìn trừng trừng vào khoảng không.  Môi mím lại, hai tay nắm chặt, nàng đang dồn sự uất ức  và tủi nhục vào lòng.  Không dám bước mạnh, Hà nhẹ nhàng đứng vào góc, dịu dàng hỏi:
- Cháu không làm sao chứ?
Sa lắc đầu, nhưng mẹ Sa khóc nấc lên.  Bà kể lể:
- Làm cái việc khách sạn này, coi thế chứ khổ lắm cơ ông ạ!  Ðây nào phải lần đầu.  Khách du lịch quen thói Hà Nội rồi, cứ thấy nhân viên phục vụ là họ coi như đĩ như điếm... Tội nghiệp con tôi... Nhục ơi là nhục!
Giọng cứng cỏi, Sa thốt:
- Thôi mẹ!  Không làm thì lấy gì mà ăn...  Nghèo thì gì cũng nghèo - Sa chua chát - làm sao mà đòi giàu nhân phẩm được.
- Mẹ đã bảo mà, mẹ nằm mơ thấy anh con, cứ mỗi lần thế...
Sa cười, nhưng xót xa:
- Anh ấy chỉ tay lên đỉnh Hàm Rồng chứ có chỉ ra sân đâu... Làm sao con đoán mà đề phòng được!
Biết mình thừa thãi, Hà vừa định ra thì  Sa nói:
- Ðấy, chú đây con nói với mẹ là trông có nhiều nét giống cha lắm.  Hôm nào tìm cái ảnh cha cho chú coi.
Giở kính ra rồi lấy khăn lau mắt, mẹ Sa vừa thở vừa chậm rãi:
- Tôi nhìn bây giờ cứ mờ mờ ảo ảo...  Ông thứ lỗi, tôi chẳng biết...  Nhưng nhà tôi, chắc tuổi hơn ông, lại sống cực khổ bao nhiêu năm nay, làm sao mà giống ông cho được.
Sa cắt ngang, giọng chợt có chút mai mỉa:
- Giống chứ!  Ðàn ông người mình giống nhau cả - Sa cười - Cái khác phải tinh lắm mới thấy, chớ mắt thường thì không!  Con Rồng cháu Tiên mà...
Thấy hai mẹ con chừng như  quên chuyện vừa xảy ra, Hà góp lời,  cố làm như hồn nhiên:
- Vâng, giống chứ.  Mình là con Rồng cháu Tiên cả mà!
Sa cười nhẹ,  trêu chọc:
- Con một loài bò sát nhưng lại biết bay. Rồng mà!  Cha cháu xưa hay nói thế...
Bà mẹ Sa phẩy cái quạt bếp, miệng có thoáng chút ngậm ngùi:
- Bò sát... Phải.  Chân thì ngắn, lưng lại dài.  Nhưng có cánh đâu mà bay.  Chỉ bay tưởng tượng thôi, ông ạ!  Nhà tôi ngồi một chỗ cả đời nhưng đầu óc thì cứ đâu trên mây ấy...Còn ông, ông đi đã lâu rồi hẳn?
Hà từ tốn:
- Dạ.  Gần hai mươi năm!
Bà hỏi tiếp:
- Ông mấy cháu rồi?
- Dạ một.  Một cháu gái.
- Cháu bao nhiêu tuổi, hở ông?
- Thưa bà, cháu mười sáu...
- Thế là kém con bé Sa này ba tuổi.
Bà tiếp, giọng tủi thân:
-... nhưng chắc chẳng vất vả như thế này.
Sa ngắt lời mẹ:
- Con có gì mà vất vả.  Nay du khách ngày một thưa, mẹ chẳng phải lo con cực nhọc gì lâu nữa đâu!  Chú này, em chắc nói tiếng Anh giỏi lắm nhỉ?
Hà ngượng ngùng:
Em nó lại không biết tiếng Việt như Sa đâu!  Ở trong nhà, chỉ nói tiếng Anh, nên chịu... - Hà trầm giọng - Ðấy, khi mới đẻ nó ra thì mình cũng ước mơ, con mình sẽ đọc được truyện Kiều, sẽ ít ra một nửa là người mình.  Nhưng khó lắm.  Có nhiều gia đình vợ Việt chồng Việt mà con thì chỉ biết dăm chữ, vừa đủ để sai bố sai mẹ...  Ðói, phở và tiền...
Thở dài, Hà cười nhạt tiếp:
- Con cái là sự tiếp nối cái đời ngắn ngủi của mỗi con người.  Nhưng đẻ con bên Mỹ thì chỉ thấy sau cái sống như chớp mắt ấy là sự mù lòa muôn đời, sự què quặt của những cái "den" lạc lõng...
Sa nhìn Hà, thầm nghĩ, sao những người đàn ông thế hệ chú bác trước mình họ lại có thể nhạy cảm và mơ mộng hộ cho cả những cái "den".  Cha nàng, đã đành.  Ông ta không có cái gì thật, nên bắt buộc phải bám vào những giấc mơ.  Nhưng còn Hà?  Sa tưởng tượng là Hà đã có những cái rất thật như xe, như nhà cao, cửa rộng. Vì thế, mơ mộng hẳn chỉ là lớp màu mè tô vẽ, như khi thừa tiền một người thiếu nữ có thể đi tìm mua thỏi son thoa môi.  Ði xe hơi, ở nhà lầu có máy lạnh khi trời nóng, máy sưởi khi trời lạnh, bỏ tiền du lịch vòng quanh thế giới rồi lại âu sầu khi con gái mình không đọc được truyện Kiều?  Sa chau mày, nghĩ thầm thế là sướng quá hóa rồ. Nàng nhìn Hà như nhìn một đứa bé dở hơi được đời nuông chiều. Nửa thương hại, nửa khinh bỉ, nàng lấy giọng thản nhiên :
- Chú muốn em đọc được truyện Kiều có lẽ vì chú... yêu nước đấy mà thôi.  Thanh thiếu niên Việt Nam đều ít nhiều có đọc Truyện Kiều cả. Chúng cháu có một mớ ngôn từ  không nhỏ, có đủ chữ, từ những chữ cao cả như tình yêu, lý tưởng, đất nước cho đến những chữ thấp hèn để nguyền rủa và chửi tục...  Nhưng  có ba chữ đứa nào cũng tâm nguyện, vì mọi sự kết cục cũng rút về đấy cả...
Trước vẻ mặt ngơ ngác đến buồn cười của Hà, Sa buông thõng, tàn ác:
- Ðó là... đói, phở và tiền.
Hà thoáng thấy khóe mắt Sa rực lên một chút căm hờn đọng lại như chất đốt vừa bắt lửa. Chàng nghe Sa lạnh lùng:
- Ðể có ba chữ ấy, đứa nào sống cũng sẵn sàng uống nước bến Lú cho quên hết mớ ngôn từ còn lại. Còn đứa nào chết thì ăn chực cháo lú múc để trên lá đa, ăn để cứ mãi mãi là ma chứ chẳng bao giờ về lại cái chốn dương gian này nữa!
[1] Trời đất, và đồ cứt
[2] Ðẹp, rẻ (tiếng Pháp)
[3] Ðẹp, tốt và rẻ(tiếng Anh)
[4] Ngươì Nhật
[5] Bình tĩnh nào, mì sợi (tiếng lóng Mỹ gọi người da vàng)
[6]Câm miệng, đồ khốn!
[7]Giáp gồm có năm ba giồng, đứng đầu là Lùng Thầu.
[8] Ðấng tối thượng của các sắc tộc Hmông
[9]Thày cúng
[10] Ðồ điếm đàng