Hồi 3
Giang hồ Thất sát

Tiếng quát nạt to như tiếng sấm động khiến Hứa Phong ngay khi choàng tỉnh phải vội chui ra ngoài xe.
Trong khung cảnh mờ sáng của buổi bình minh vừa ló dạng, Hứa Phong thấy vẻ mặt khiếp sợ của A Phúc, A Bảo và động thái run lẩy bẩy tay chân của Tạ Phương Điền y như thật.
Và đến lượt Hứa Phong cũng phải lo sợ ra mặt khi phát hiện bao quanh cỗ xa mã lúc này có đến mười mấy gương mặt đằng đằng sát khí.
Hứa Phong kinh hoảng lên tiếng:
– Chư vị, chư vị sao lại... sao lại...
Trong mười may gương mặt nọ có một gương mặt tuy cũng đằng đằng sát khí nhưng nhờ có mũ đạo quan đội trên đầu, cộng với đạo bào màu trắng như tuyết tạo nên dáng cách uy nghi khiến vẻ mặt sát khí như biến thành vẻ nghiêm nghị đáng ngưỡng mộ.
Nhân vật này trầm giọng khi lên tiếng:
– Thiếu hiệp bất kinh hãi. Cho hỏi, thiếu hiệp là người hà phương hà xứ, đến Thiếu Lâm để làm gì?
Chưa từng được ai gọi là thiếu hiệp, Hứa Phong đương nhiên phải hoang mang:
– Đạo nhân hỏi vãn sinh ư?
Câu hỏi ngớ ngẩn của Hứa Phong làm một nhân vật khác có ánh mắt hung ác phải đùng đùng nổi giận:
– Bọn ta không hỏi ngươi thì hỏi ai? Hay ngươi chê là đã sống quá lâu trên cõi đời này?
Hứa Phong khiếp đảm:
– Vãn sinh... vãn sinh...
Tạ Phương Điền trong lốt lão xa phu chợt lập bập kêu:
– Chư vị đại gia xin thương tình. Thiếu gia của tiểu nhân... là người từ phương xa đến đây, cốt ý đến thắp hương Phật... cầu xin... cầu xin...
Ánh mắt hung ác kia càng phát lộ hung quang nhiều hơn:
– Câm! Bọn ta chưa hỏi đến lão thất phu ngươi. Ngươi còn mở miệng nói thêm lời nào nữa, chớ trách ta...
Đạo nhân nọ vụt xua tay ngăn lại.
– Lão tứ chớ quá nóng nảy. Đừng quên nơi này gần Thiếu Lâm, gây kinh động sẽ không có lợi.
Đoạn đạo nhân đưa mắt nhìn lão xa phu tội nghiệp vẫn đang run rẫy:
– Lão gọi ai là thiếu gia? Thiếu gia nào?
Hứa Phong không hiểu Tạ Phương Điền sợ thật hay chỉ giả vờ, chỉ thấy Tạ Phương Điền vừa tiếp tục run bắn vừa lắp bắp giải thích:
– Thiếu gia của lão nô nguyên là độc tử của Hứa lão gia, quan Tri phủ ở... ở...
Có lẽ Tạ Phương Điền sợ thật, Hứa Phong nghĩ như thế. Do vậy, Hứa Phong vội tiếp lời và Hứa Phong vẫn luôn giữ đúng lễ độ khi lên tiếng:
– Bẩm đạo nhân! Gia phụ là Tri phủ ở phủ Hà Châu. Vãn sinh vì sắp đến kỳ lên kinh ứng thí nên muốn thắp hương lễ Phật cầu cho đỗ đạt.
Đưa tay chỉ Tạ Phương Điền, Hứa Phong bảo:
– Tạ lão là lão bộc trung thành, xin đạo nhân và chư vị đạo gia đừng làm lão Tạ sợ đến chết khiếp. Còn kia là A Phúc, A Bảo, cũng là gia nhân tệ trang.
Nhân vật có đôi mắt hung ác chợt hừ mũi:
– Lời của ngươi làm sao bọn ta tin được?
Và nhân vật nọ đưa mắt nhìn vị đạo nhân:
– Không phải Quan chủ đã nói, mười mấy ngày qua vẫn chưa phát hiện tung tích của lão trọc Chí Nhân? Có khi nào Chí Nhân vì không thể lộ diện đã tìm cách sai bọn này đưa vật kia về cho lão Chí Thiện?
Hứa Phong giật mình. Hóa ra những gì đêm qua Tạ Phương Điền đã nói về Chí Nhân, và về quyển Phạn kinh đều đúng với sự thật Bởi giật mình, suýt nữa Hứa Phong đã cho tay vào bọc áo để giữ lấy chiếc túi gấm nọ. Nhưng kịp nhớ lại kế sách đã được Tạ Phương Điền chỉ điểm, Hứa Phong trầm tĩnh và chưa có cử chỉ nào thất thố xảy ra.
Hứa Phong nghe vị đạo nhân kia lên tiếng:
– Dù sao đó cũng là cách có thể Chí Nhân trong lúc túng ngặt phải dùng đến. Tuy nhiên, theo bần đạo nghĩ, đó là vật có liên quan đến pho võ học thượng thừa của Huyền môn, Chí Nhân đâu thể khinh suất giao cho bọn người vô dụng? Trừ phi...
Dừng lời ở đây, ánh mắt của vị đạo nhân bỗng bắn xạ hai tia tinh quang khiếp người. Và ánh mắt đó được đạo nhân tuần tự hướng về Hứa Phong, Tạ Phương Điền và hai gã gia nhân A Bảo, A Phúc.
Và Hứa Phong phải kinh tâm động phách khi nghe vị đạo nhân thản nhiên bảo:
– Trừ phi tiểu tử kia chỉ là vị thiếu gia giả hiệu, kỳ thật là võ lâm hảo thủ cố tình qua mắt bổn Quan chủ Cổ Thạch quan. Cổ Tuyết! Ngươi thử xem hư thực thế nào?
Chưa hiểu ý của vị đạo nhân là thế nào, mắt Hứa Phong chợt hoa lên và khi định thần đã thấy một nữ đạo nhân không hiểu bằng cách thế thần diệu nào bỗng xuất hiện ngay trước mặt. Là nữ lang nhưng lại vận đạo bào, Cổ Tuyết càng tỏ ra thêm cổ quái khi nàng bất ngờ vươn ngọc thủ chộp vào Hứa Phong:
– Bần đạo xin thất lễ. Mong thiếu hiệp tấn tình chỉ giáo cho.
Vù...
Hứa Phong hiểu ngay đây, không phải hành vi thiện ý. Nhưng Hứa Phong nào biết làm gì hơn khi cái chộp của Cổ Tuyết quá nhanh, quá thần tốc.
Bất quá, theo bản năng, Hứa Phong đành phải cho tay vào bọc áo, khư khư giữ lấy chiếc túi gấm đã được Chí Nhân hòa thượng giao cho độ nào.
Binh!
Cái chộp của Cổ Tuyết, tuy là nữ nhân là hạng chân yếu tay mềm nhưng lại làm cho Hứa Phong phải ngã ngửa.
Không những thế, phát hiện cách Hứa Phong cho tay vào bọc áo là quá khả nghi, Cổ Tuyết vừa xấu hổ vừa xấn tới vừa cười lạnh:
– Thiếu hiệp không chịu hạ cố chỉ giáo ư? Nếu vậy, bần đạo lại phải thất lễ thêm lần nữa! Xem đây.
Vù...
Ngọc thủ của Cổ Tuyết chợt khua khoắng biến ảo và chỉ chớp mắt cổ tay của Hứa Phong đã bị Cổ Tuyết bóp mạnh, đến nỗi Hứa Phong phải buông vội túi gấm và giận dữ nhìn chiếc túi gấm vậy là đã bị Cổ Tuyết chiếm đoạt.
Đúng lúc đó, Hứa Phong mới nghe tiếng Tạ Phương Điền hô hoán:
– Có cướp! Bọn ngươi sao lại xem thường vương pháp đến vậy ban ngày, ban mặt lại dám cướp tài vật của người!
Nhân vật có đôi mắt hung ác chợt bật tung người lao thật nhanh về phía Tạ Phương Điền.
Vút Cùng lúc đó, ngay khi đoạt chiếc túi gấm, chỉ cần để tay chạm vào, Cổ Tuyết liền vỡ lẽ kêu lên:
– Sư phụ! Trong túi chứa toàn ngân lượng, không phải vật chúng ta cần tìm.
Vị đạo nhân ứng xử thật linh hoạt:
– Nói vậy, chung ta đã nhận định lầm! Đã như thế, lão tứ, sát nhân diệt khẩu mau.
Đang lao về phía Tạ Phương Điền, nhân vật nọ chợt cười sặc sụa:
– Lão nhị yên tâm! Tứ Sát này đâu ngại gì việc tay nhuộm máu người, dù là người vô tội! Ha... ha...
Hứa Phong, thật sự kinh hoàng...
Bỗng từ phía xa chợt có một thanh âm trầm hùng vang đến mỗi lúc mỗi gần:
– A Di Đà Phật! Đây nào phải nơi cho những kẻ như Giang hồ Thất sát lộng hành! Mau dừng tay!
Thanh âm vang đến đã nhanh, chủ nhân của thanh âm đó đến còn nhanh hơn.
Vút!
Mắt Hứa Phong vừa thấy áo tăng bào phất phới thì từ phía Tạ Phương Điền đã vang lên tiếng chấn động lạ tai.
Ầm!
Sau đó, nếu trước mặt Tạ Phương Điền đã có sự xuất hiện của một vị hòa thượng Phương trượng uy lẫm thì nhân vật hung ác nọ đã tự xưng là Tứ Sát, đang nặng nề thối lui từng bước một.
Và Hứa Phong nghe vị đạo nhân tự nhận là Quan chủ Cổ Thạch quan chợt gầm lên:
– Chí Thiện! Ngươi tưởng phái Thiếu Lâm có thể đối đầu cùng Thất sát bọn ta sao? Xuất thủ!
Quan chủ Cổ Thạch quan lập tức đưa tay lên ngang ngực đẩy ra một đạo cuồng phong cực kỳ quái dị.
Vù...
Hứa Phong trợn to mắt, không hiểu sao một người bình thường như vị đạo nhân kia có thể tự tạo ra cuồng phong, cứ như những nhân vật huyền thoại trong truyền thuyết có tài hô phong hoán vũ.
Và thật lạ cuồng phong nọ vừa xuất hiện chợt tan biến đi ngay khi Hứa Phong nghe hòa thượng kia cười giòn dã:
– A Di Đà Phật! Dám hay không dám sao Nhị Sát Quan chủ không thử nhìn lại xung quanh, xem đệ tử bổn tự đang lập thành trận gì?
Hứa Phong vội đưa mắt nhìn quanh, cứ như lời của vị hòa thượng kia là dành cho Hứa Phong vậy.
Và khi Hứa Phong nhìn thấy mười mấy nhân vật hung ác kia đang bị vây kín bằng mấy mươi vị hòa thượng không hiểu đã xuất hiện từ lúc nào, cũng là lúc Hứa Phong nghe Quan chủ Cổ Thạch quan có phần lo lắng khi hô hoán:
– La Hán trận? Chí Thiện ngươi đã cho đệ tử phục sẵn từ trước rồi ư?
Nhân vật Tứ Sát chợt gầm lên một tiếng kinh thiên động địa:
– La Hán trận nào có gì lợi hại chứ? Lão nhị chờ gì nữa không lập trận đáp lễ?
Quan chủ Cổ Thạch quan vụt cười to:
– Đương nhiên rồi! Đây đâu phải lần đầu tiên Thất Sát trận và La Hán đối đầu? Phân khai tả hữu! Đánh!
Tuy tai nghe toàn những danh xưng lạ lẫm, nào là La Hán trận, rồi bây giờ là Thất Sát trận nhưng chỉ cần nhìn qua cách bày bố của mười mấy nhân vật hung ác, Hứa Phong cũng mơ hồ hiểu phần nào.
Bọn hung ác gồm đủ mười bốn người, sau lệnh phân khai của Quan chủ Cổ Thạch quan, mười bốn người này liền chia thành hai nhóm. Nhóm bảy người chiếm cánh hữu là do Tứ Sát chủ đạo, họ liên tục phát động cuồng phong hưởng vào tốp tăng nhân hòa thượng đứng gần họ.
Nhóm thứ hai do Quan chủ Cổ Thạch quan làm chủ trận, gồm toàn những kẻ vận đạo bào, cả nam lẫn nữ, và bảy nhân vật này hiện đang dùng kiếm để tạo thành trùng trùng điệp điệp những tia kiếm quang lấp loáng tử khí.
Đối lại với hai trận Thất Sát (thất là bảy, mỗi trận có đúng bảy người). Vòng vây của ba mươi sáu vị hòa thượng cứ liên kết với nhau thành một trận La Hán duy nhất và vững như núi thái khó bề lay chuyển.
La Hán trận càng tăng thêm uy lực mỗi khi ba mươi sáu vị hòa thượng cùng rập ràng hô to câu Phật hiệu:
– A Di Đà Phật! A Di Đà Phật!
Đang giương mắt nhìn cảnh tượng kỳ quái, Hứa Phong chợt thấy A Phúc, A Bảo lấm lét tiến lại gần.
A Phúc lào thào hoảng loạn:
– Tạ thúc thúc nói chẳng sai. Cách bọn người võ lâm giao đấu quả là hung hiểm hơn cách bọn ta thượng cẳng chân hạ cẳng tay nhiều. Thiếu gia phải mau mau hồi trang thôi.
A Bảo cũng nói:
– Khi hồi trang cũng nên nói với vị hòa thượng giả hiệu Chí Nhân kia một tiếng, xin lão hãy buông tha cho Hứa gia trang.Kẻo vì lão, Hứa gia trang khó tránh đại họa.
Ta Phương Điền cũng đến gần từ lúc nào không hay. Họ Tạ đang hạ thấp giọng căn dặn:
– Mọi người đừng xầm xì nữa. Nên biết rằng, phàm là người luyện võ đã đạt mức cao thủ, thính lực của họ không thể xem thường. Việc nhắc đến hai chữ Chí Nhân chính là hành vi khiến chúng ta bị chuốc họa đấy.
Hứa Phong động tâm:
– Họ có thính lực tinh tường như vậy thật ư? Có phải Tạ thúc thúc cũng như họ?
Tạ Phương Điền nheo mắt, cười bí ẩn:
– Đương nhiên Tạ mỗ đã phát hiện có người của Chí Thiện đại sư xuất hiện. Lúc nãy Tạ mỗ cốt ý hô hoán là tạo cớ cho Thiếu Lâm phái xuất hiện nhanh hơn.
Hứa Phong ngẩn người nhìn Tạ Phương Điền:
– Tạ thúc thúc càng lúc càng tỏ ra kỳ bí! Và dường như bản lãnh võ học của Tạ thúc thúc không thể kém hơn vị đạo nhân kia!
Tạ Phương Điền chầm chậm lắc đầu:
– Cũng như việc văn không hề có giới hạn nào cho võ học. Văn phải ôn thi võ cũng phải luyện. Hôm nay ta hơn người, nhưng nếu vì thế mà chểnh mảng thì hôm sau người lại hơn ta. Tạ mỗ đâu dám tự phụ sở học cao minh hơn ai. Huống chi, nếu võ lâm có Thất đại phái thì Giang hồ Thất sát một khi hợp lại cũng có thể làm điêu đứng bất kỳ môn phái nào, kể cả phái Thiếu Lâm.
– Thất đại phái nào? Và Thất sát gồm những ai? Tựu trung trong giới võ lâm có bao nhiêu bang phái?
Tạ Phương Điền thầm thì:
– Vì thiếu gia quan tâm, được Tạ mỗ cũng vui lòng nói cho thiếu gia biết thêm chút liến văn về giới võ lâm. Hai mươi năm trước kia, giới võ lâm có một câu này, bao gồm đủ các nhân vật và các đại bang phái hữu danh.
Hứa Phong háo hức:
– Là câu gì?
Tạ Phương Điền bảo:
– “Nhất Quân Nhất Kiếm Tứ Tuyệt Chướng. Thất phái Thất sát Nhị đại bang.”\.
Hứa Phong hít hà:
– Họ gồm những ai? Sao Thất sát...
Tạ Phương Điền sa sầm nét mặt:
– Thiếu gia biết như thế là đủ rồi. Thiếu gia càng hỏi nhiều càng khiến Tạ mỗ thấy có lỗi với lệnh tôn.
Biết Tạ Phương điền không dám nói thêm vì đã có lời hứa với phụ thân, Hứa Phong đành hỏi qua câu khác:
– Đó là câu đã có từ hai mươi năm trước. Phải chăng hiện giờ đã có câu khác phù hợp hơn?
Tạ Phương Điền miễn cưỡng gật đầu:
– Có một chút thay đổi. Đó là...
Tạ Phương Điền chưa kịp giải thích đó là những thay đổi gì, Hứa Phong bỗng nghe Quan chủ Cổ Thạch quan cười vang dội:
– Đủ lắm rồi. Rồi sẽ có dịp Giang hồ Thất sát lãnh giáo thêm tuyệt học phái Thiếu Lâm. Hãy lui lại nào.
Hứa Phong vội đưa mắt nhìn và thật ngạc nhiên khi thấy phía các hòa thượng tuy đông nhân số hơn nhưng xem ra vẫn không thể đưa cục diện đến chỗ thắng thế.
Cùng với tiếng quát sau cùng của Quan chủ Cổ Thạch quan, Hứa Phong thấy hai trận Thất Sát bỗng hợp lại làm một và bất ngờ xuất lực đẩy lui mười mấy tăng nhân phía trước mặt.
Cuồng phong loạn vũ.
Ào... Ào...
Kiếm quang chớp ngời.
Véo... Véo...
Sấm động nổ vang.
Ầm! Ầm!
Và La Hán trận vì thế mất đi sự liên kết, tạo lối thoát cho mười bốn nhân vật hung ác lũ lượt bay đi như họ là những cánh chim điểu.
Vút! Vút!
Họ bay nhanh như chim, và biến mất như bị gió cuốn đi.
Hiện cảnh này khiến Hứa Phong thất thần kinh ngạc...
Chợt có tiếng Tạ Phương Điền kêu bên tai:
– Kìa, thiếu gia! Sao không mau đến bái phỏng vị hòa thượng trụ trì Thiếu Lâm thiền viện?
Hứa Phong sực tỉnh.
Và may thay, vị hòa thượng uy nghi nọ vì nghe tiếng kêu, dù là thật nhỏ của Tạ Phương Điền nên đang lướt mắt nhìn bốn người Hứa Phong.
Càng thêm thán phục sự cải dạng quá tinh vi của Tạ Phương Điền, từ lời nói cử chỉ đều y như người không biết võ, Hứa Phong tuy biết rõ vị hòa thượng nọ là người mình cần tìm nhưng vẫn phải giả vờ không biết.
Hứa Phong kêu:
– Xin chư vị hòa thượng cho hỏi, ở đây có vị nào là trụ trì của Thiếu Lâm thiền viện?
Chí Thiện đại sư tiến lại gần:
– Chính là lão nạp. A Di Đà Phật! Chư vị thí chủ từ đâu đến đây, dường như muốn tìm lão nạp?
Tạ Phương Điền mừng rỡ ra mặt, và Hứa Phong hiểu đó là Tạ Phương Điền dang giả vờ:
Tạ Phương Điền kêu luôn miệng:
– Tạ ơn trời Phật. Hoàng thiên thật hữu nhân đã khiến chủ nô lão hủ được đích thân vị hòa thượng trụ trì cứu nguy, cũng là giúp thiếu gia của lão nô hoàn thành lời ủy thác của Chí Nhân hòa thượng.
Nghe thế, Chí Thiện đại sư giật mình:
– Chí Nhân ư? Ủy thác gì? Sao chư vị thí chủ được sư đệ Chí Nhân ủy thác?
Tạ Phương Điền liến thoắng, khiến Hứa Phong thêm mở rộng tầm mắt, hiếu thuật dị dung sẽ thêm lợi hại như thế nào nếu người dùng thuật dị dung biết ứng đối trôi chảy, phù hợp với lốt đang cải dạng:
– Chuyện là thế này, bẩm trụ trì bổn trang ở mãi phủ Hà Châu, cách đây khoảng mười hai ngày tệ thiếu gia có tình cờ cứu mạng cho một vị hòa thượng lên là Chí Nhân. Sau đó...
Tạ Phương Điền càng nói, càng thuật lại những gì đã xảy ra, như Hứa Phong thấy, sắc mặt của Chí Thiện đại sư càng tỏ ra nghiêm trọng.
Do đó, sau khi Tạ Phương điền dứt lời, Chí Thiện bắt đầu nhìn thật kỹ ân nhân đã cứu mạng Chí Nhân, là Hứa Phong.
Chí Thiện đại sư nói lời cảm kích:
– A Di Đà Phật! Một người xuất thân từ dòng dõi quan nhân thư lại như tiểu thí chủ lại có lòng nghĩa hiệp cứu giúp người trong lúc lâm nguy, quả là phúc đức thay. Nói vậy tiểu thí chủ là người họ Hứa và cố quán là ở Hà Châu?
Vẫn nhanh mồm nhanh miệng, Tạ Phương Điền cười móm mém đáp thay lời Hứa Phong:
– Đã sắp đến ngày thiếu gia của lão nô phải lên kinh ứng thí, ngoài việc hoàn thành lời ủy thác của hòa thượng Chí Nhân, chủ bộc lão nô nào nệ hà đường sá xa xôi từ Hà Châu đến đây, cũng muốn thắp hương lễ Phật mong có ngày bái tổ vinh quy. Mà phải nói rằng thành tâm của chủ bộc lão nô quả đã được Phật tổ minh giám ứng nghiệm. Chỉ suýt nữa quyển kinh Phật kia đã bị lũ hung nhân chiếm đoạt, may sao Phật tổ đã kịp đưa trụ trì đến giải nguy, Phật tổ quả từ bi, cứu khổ cứu nạn cho những ai thành tâm.
Hoặc giả ở Hứa Phong có điểm gì đó đặc biệt, hoặc những lời huyên thuyên của Tạ Phương Điền chỉ là một lão gia nô không hơn không kém chỉ làm người nghe mau nhàm chán, Chí Thiện đại sư vẫn chú ý mục nhìn Hứa Phong.
Và nhân câu chuyện đang đề cập đến quyển kinh Phật, Chí Thiện đại sư nhẹ nhàng hỏi:
– A Di Đà Phật! Vậy quyển kinh Phật đó tiểu thí chủ định lúc nào giao cho lão nạp?
Hứa Phong mỉm cười, thầm thán phục Chí Thiện đại sư quả xứng đáng là trụ trì của Thiếu Lâm thiền viện bởi đức độ hơn người, cũng xứng đáng là Chưởng môn Phương trượng Thiếu Lâm phái bởi tài nghệ võ học thật cao minh. Hứa Phong chợt khom người, vén gấu áo nho sinh qua một bên, để lộ một quyển kinh Phật mỏng được Hứa Phong nhét vào xà cạp.
Hứa Phong nâng quyển kinh Phật bằng hai tay, hướng về Chí Thiện đại sư:
– Mong Phật tổ và trụ trì minh xét, văn sinh nào dám khinh thường hoặc mạo phạm đến kinh văn được đức Phật truyền dạy. Bởi sợ vật này rơi vào tay nhơ nhuốc của bọn ác nhân, vãn sinh đành tùy cơ ứng biến, cất giữ quyển kinh Phật ở một nơi có thể nói là bất xứng. Một lần nữa mong trụ trì thấu hiểu và lượng thứ.
Đưa tay nhận lấy quyển kinh, sau đó thản nhiên giao cho vị hòa thượng đứng gần cất giữ, xem đó chỉ là một quyển kinh Phật bình thường, vì quả thật đó chính là quyển kinh Phật bình thường, không hề là báu vật hãn thế có lẽ sẽ bị nhiều người manh tâm chiếm đoạt. Đến khi lên tiếng, Chí Thiện đại sư cũng có những lời hàm ý tương tự:
– A Di Đà Phật! Thu hồi quyển kinh này, công đức của Chí Nhân quả không phải nhỏ. Vì từ lâu lắm rồi kể từ khi ngôi cổ tự ở Tế Nam vô tình bị lửa thiêu rụi bạn lão nạp vẫn ngỡ quyển cổ kinh này chẳng còn. Đúng như lời tiểu thí chủ nói, thành tâm của tiểu thí chủ quả đã làm đức Phật động lòng. Hy vọng tâm nguyện có ngày vinh quy bái tổ của tiểu thí chủ sẽ được đức Phật thành toàn. A Di Đà Phật!
Và với thái độ hoàn toàn thản nhiên cũng rất là tự nhiên, Chí Thiện đại sư làm như người chỉ thuận miệng hỏi:
– Không biết tiểu thí chủ có dịp xem qua những lời Phật dạy trong quyển kinh Phật đó chưa?
Thoáng đỏ mặt, Hứa Phong trước khi đáp đã vô tình đưa mắt liếc nhìn Tạ Phương Điền, và ánh mắt của Hứa Phong làm cho Tạ Phương Điền phần nào bối rối, phải giả vờ nhìn nơi khác.
Hứa Phong thú nhận:
– Vãn sinh đã từng được gia phụ giáo huấn, vật của người nếu chưa được người thuận ý thì không được tùy tiện xem. Tuy nhiên, do đêm qua nghe tiếng sát phạt, vì cần thiết phải bảo toàn cho quyển kinh, quả thật vãn sinh có xem thoáng qua.
Nói đến đây Hứa Phong chợt thở ra nhè nhẹ:
– Ví có xem qua nên vãn sinh mới biết rằng, lời lẽ Phật dạy quả uyên thâm, thật khó mong lĩnh hội nổi trong một sớm một chiều.
Chí Thiện đại sư vụt cười:
– Lão nạp hỏi không phải để trách cứ. Trái lại lão nạp còn mừng hơn khi biết đây là cơ hội cho Phật học được quảng bá sâu rộng. Còn việc muốn lĩnh hội phần nào ẩn ngữ từ lời Phật dạy, chẳng hay tiểu thí chủ có thể cùng lão nạp đàm đạo riêng một lúc được chăng?
Hứa Phong cả mừng:
– Đó là điều vãn sinh vẫn ước ao, nhất là được đích thân trụ trì đưa đi vãn cảnh.
Chí Thiện chợt lắc đầu:
– Lão nạp chỉ có thể cùng tiểu thí chủ đàm đạo. Còn việc viếng thăm tệ tự xin hẹn đến dịp khác.
Hứa Phong chợt hiểu. Quả nhiên đúng như Tạ Phương Điền đã nói đêm qua, do sự biến phát sinh, việc xuất nhập Thiếu Lâm thiền viện không phải dễ dàng như Hứa Phong nghĩ.
Hứa Phong nhìn quanh:
– Vậy trụ trì muốn cùng vãn sinh đàm đạo ở đâu?
Cười nhẹ, Chí Thiện bảo:
– Tuy không thể viếng thăm tệ tự nhưng ở khắp Tung Sơn này đâu phải không có những cảnh quan kỳ thú cho tiểu thí chủ thưởng ngoạn. Hãy đi theo lão nạp. Chúng ta vừa tản bộ vừa đàm đạo đó cũng là một thú tao nhã của văn nhân.
Mỉm cười, Hứa Phong vui vẻ cùng Chí Thiện đếm bước...