Hãy gắng gỏi một lần cuối cùng, tôi tự khuyên mình, biết đâu còn cơ may. Tôi rời bỏ vùng rừng Thái Nguyên, con suối Linh Nham, cái lán xiêu vẹo, vài bộ quần áo chàm cũ bạc, chân vận đôi dép tự tay đục lấy từ cái lốp máy kéo hỏng, tôi lần về thành phố Huế quê nội. Tôi hy vọng trên mảnh đất chôn nhau, tôi sẽ đào bới tìm thấy lại mạch Thơ. Chớm mùa thu năm đó, vào một buổi chiều mặt trời gác núi, tôi cúi mình rửa khuôn mặt nhọc nhằn, lấm bụi đường và mồ hôi, trên bến Văn Lâu. Thành phố quê nội xót thương tôi như người mẹ đông con với đứa con số phận rủi ro, quá nửa dời người gặp phải cảnh truân chuyên… Nay gót nhọc lòng đau, tìm về với Mẹ. Ba mươi năm Tôi bị dìm trong bùn-nhơ-lăng-nhục Nhưng cuối cùng quê hương đã nhận ra Trái-tim-thơ trong sạch Và gương mặt thơ bi thiết của tôi Đó là câu thơ đầu tiên khi gặp lại Huế tôi nức nở thành lời. Thi hữu và bạn hữu quê nội đùm bọc và chiều đãi tôi. Thi hữu và văn hữu quê tôi nghèo lắm, có lẽ nghèo nhất đất nước này. Thế mà vẫn đãi tôi như các bậc hoàng đế, vương hầu thời Chiến quốc: ba ngày một tiệc nhỏ, năm ngày một tiệc lớn. Rượu như lửa tôi uống tràn thay nước! Tôi van các bạn: đừng cho tôi uống nữa, rượu đắt lắm! Các bạn gạt đi: Đất cố đô bao giờ chịu mang tiếng Để một nhà thơ phải đói rượu giữa quê hương. Tôi ngất ngưởng sống, ngất ngưởng say… Và tôi gặp Nàng… Như trong mê sảng, tôi tấu thơ cho nàng nghe. “Anh chép tặng em những bài thơ anh đọc…” “Những bài thơ cũ, sao xứng với em?” - Tôi nói trong cơn bốc – “Tôi sẽ xưng tụng em với một tập thơ mới.” Nàng đứng lên, mở ngăn kéo, lục tìm cái gì trong đó, một cuốn sổ lịch, in chữ nhũ vàng trên bìa ni lông đen. Cuốn sổ lịch nhàm chán, tầm phơ, vụt hoá thành báu vật trong bàn tay có ngón dài thanh mảnh, trắng muốt như đá cẩm thạch tượng Rô-đanh. Ngón tay đeo nhẫn lấp lánh ánh vàng, mặt đá quý màu hồng ngọc. “Em rất tiếc không tìm thấy cuốn sổ nào giấy trắng tinh. Cuốn sổ này các trang giấy đều có kẻ dòng… Em biết các nhà thơ đều thích viết thơ mình trên giấy trắng tinh…” “Tôi thì ngược lại, tôi chỉ thích viết trên giấy có kẻ dòng.” Sáng hôm sau tỉnh rượu, lòng tôi bỗng cồn lên nỗi nhớ. Tôi ao ước được nhìn thấy gương mặt huyền hoặc của Nàng. Trí nhớ tôi như phiến gỗ thông Đà Lạt, khoảnh khắc tạc lên mặt Nàng bằng bút lửa. Tôi chợt nhìn thấy cuốn sổ bìa ni lông đen trên mặt bàn viết. Lời hứa bốc đồng hôm qua bỗng cộm lên trong trí nhớ như những viên sỏi có nhiều cạnh sắt… Chỉ hình dung ánh mắt thất vọng pha chế riễu của Nàng khi nhìn thấy tôi đến với hai bàn tay không, tôi đã muốn chui xuống đất vì xấu hổ. Ôi, lời hứa của các nhà thơ! Tôi ngồi xuống, giở từng trang cuốn sổ lịch mà chẳng hiểu để làm gì… Tôi chỉ viết trên giấy có kẻ dòng… Câu nói vô tình bỗng xuyên qua trí nhớ tôi như một ánh chớp. Cảm hứng thơ không biết từ cõi miền nào đột ngột dâng lên như cơn lũ suối Linh Nham, tràn ngập cả hồn tôi… Và như cách nói một nhà thơ xưa: Bút đòi mực, mực đòi giấy, giấy đòi thơ… Từ ngày mới tập viết Nay gần trọn đời văn Số chữ tôi đã viết Có thể phủ kín một cồn Giã Viên Một niềm yêu tôi không đổi thay Một niềm tin tôi không thay đổi: Viết trên giấy có kẻ dòng Là nhà văn Tôi đã viết suốt ba mươi năm Là chiến sĩ Tôi là xạ thủ cấp kiện tướng trung đoàn Tôi có thể viết như bắn Trên giấy không kẻ dòng Nhưng tôi vẫn viết trên giấy có kẻ dòng Như cái thuở vỡ lòng tập viết Với nhiều người Giấy kẻ dòng dễ viết đẹp Nhưng với tôi Không có gì đẹp hơn Viết ngay và viết thẳng Là nhà văn Tôi yêu tha thiết Sự ngay thẳng tột cùng Ngay thẳng thuỷ chung Của mỗi dòng chữ viết Nhưng là nhà văn xạ thủ Tôi biết Khó vô cùng bắn trăm phát trúng cả trăm Và càng khó hơn Viết trọn một đời văn Dòng đầu thẳng ngay như dòng cuối Khi bàn tay đã đuối Khi tấm lòng đã mỏi Khi con mắt bớt trong Khi dũng khí đã nguội Trang giấy có kẻ dòng Giúp các em bé vỡ lòng Và nâng đỡ các nhà văn Viết ngay và viết thẳng Ngay thẳng thuỷ chung Từ dòng đầu đến dòng cuối