Dịch giả: Lê Quang
P1 - Chương 5.6.7

5.
Một tuần sau tôi lại đứng trước cửa phòng cô.
Cả tuần liền tôi cố không nghĩ đến cô. Nhưng chẳng có gì làm tôi thanh thản và quên lãng được cả; bác sĩ chưa cho phép tôi đến trường, đọc sách mấy tháng liền thì cũng phát ngán, còn các bạn thì cũng ghé qua nhưng tôi ốm đã quá lâu nên những chuyến thăm viếng ấy không kết nối được cuộc sống thường nhật của chúng tôi và ngày càng ngắn đi. Tôi cần phải đi dạo, mỗi ngày lâu hơn một chút nhưng không được cố gắng. Mặc dù chính tôi lại cần cố gắng.
Hồi còn bé hay mới lớn, những lúc ốm đau thật đáng nguyền rủa! Chỉ có những âm thanh rời rạc của thế giới bên ngoài và của những cuộc chơi đùa lúc rảnh rỗi trong sân trong vườn hoặc ngoài đường lọt tới phòng bệnh. Còn trong này thì ngổn ngang một thế giới của các câu chuyện và nhân vật mà người ốm đọc. Cơn sốt làm cùn sự nhận thức và mài sắc trí tưởng tượng, biến phòng bệnh thành một không gian mới, vừa thân quen vừa lạ lẫm. Ma quỷ trợn trừng trong họa tiết của tấm rèm và giấy dán tường, bàn ghế giường tủ chất lên thành hình núi non, hình nhà và tàu thuỷ, vừa trong tầm tay lại vừa xa vời vợi. Những hồi chuông từ tháp chuông nhà thờ, tiếng gầm gừ của ô tô chốc chốc đi qua và ánh đèn pha loang loáng quét lên tường và mái nhà là bạn đồng hành của người ốm trong những đêm dài dằng dặc. Đó là những giờ trằn trọc nhưng không phải mất ngủ, những giờ phút lấp đầy chứ không phải khiếm khuyết. Khát vọng, hồi ức, sợ hãi và vui sướng đan thành những mê hồn trận để trong đó người bệnh lạc lối, phát hiện và lại lạc lối. Đó là những giờ phút mà mọi sự đều được phép xảy ra, tốt cũng như xấu.
Khi sức khoẻ người bệnh khá lên thì tình trạng ấy cũng bớt đi. Nhưng nếu bệnh kéo dài đủ mức thì phòng bệnh sẽ chìm đắm trong các mê hồn trận mà người bệnh mất tăm trong đó, cả khi đang phục hồi và dứt cơn sốt.
Mỗi buổi sớm mai tôi thức dậy với cảm giác bứt rứt, lắm khi quần ngủ bị ẩm hay dính vết. Những hình ảnh và cảnh tượng mà tôi nằm mơ đều không ổn. Tôi biết, mẹ tôi và ông linh mục, người giảng bài cho tôi trong lớp kiên tín mà tôi rất kính trọng, cũng như bà chị lớn mà tôi khai hết các bí mật của con trẻ, họ sẽ không mắng tôi đâu. Nhưng họ sẽ cảnh báo tôi một cách âu yếm và lo ngại - còn tệ hơn mắng mỏ. Dở nhất là, nếu tôi không thụ động mơ thấy những hình ảnh và cảnh tượng ấy thì tôi chủ động tưởng tượng ra chúng.
Tôi không biết là đã lấy đâu ra can đảm để tới chỗ cô Schmitz. Giáo dục luân lý đã quay mũi giáo trở ngược lại chính mình? Khi ánh mắt thèm khát cũng tệ hại như làm thoả mãn sự thèm khát ấy, khi chủ động tưởng tượng tệ hại như chính hành sự trong tưởng tượng - tại sao không làm thoả mãn và hành sự? Ngày nối tiếp ngày, tôi nhận ra mình không rũ bỏ được các ý nghĩ tội lỗi. Vậy thì tôi muốn thi hành tội lỗi ấy.
Còn một suy nghĩ nữa. Đi đến đó có thể nguy hiểm. Song thật ra thì mối nguy hiểm ấy không thể nào xảy ra. Có thể cô Schmitz sẽ ngạc nhiên đón chào tôi, nghe lời xin tạ lỗi cho hành vi kỳ quặc của tôi rồi thân mật chia tay. Không đến đó mới nguy hiểm; tôi sẽ chịu nguy cơ không thoát được ra khỏi những hình ảnh tưởng tượng của mình. Vậy là tôi hành xử đúng, nếu tôi đến đó. Cô ấy sẽ xử sự bình thường, tôi sẽ xử sự bình thường, và tất cả sẽ trở lại bình thường.
Ngày ấy tôi tự sắp xếp mọi lý lẽ sao cho khớp, tôi biến sự thèm khát của mình thành một tính toán đạo đức hi kỳ và trấn áp lương tâm đang dằn vặt. Nhưng không vì vậy mà tôi có can đảm đến nhà cô Schmitz. Tự vẽ ra cảnh mẹ tôi, ông linh mục khả kính và bà chị lớn sau khi nghĩ kỹ sẽ không thể ngăn cản tôi, mà còn thúc tôi đến cô Schmitz, đó là một chuyện. Thực sự đi đến đó lại là chuyện khác hẳn. Tôi không biết tại sao mình đã làm việc đó. Song hôm nay tôi nhận ra trong sự việc ngày đó một mẫu hình mà trong cả cuộc đời tôi, tư duy và hành động thống nhất hay không thống nhất đều tuân theo mẫu hình đó. Tôi suy nghĩ, đi đến một kết quả, biến kết quả đó thành một quyết định rồi nhận ra rằng hành động là một chuyện riêng biệt, hành động có thể nhưng không bắt buộc tuân thủ quyết định. Đã nhiều lần trong đời, tôi làm gì đó mà tôi không quyết định làm, và không làm khi đã quyết định phải làm. Nó, bất kể nó là gì, hành động, nó đi đến người đàn bà mà tôi không muốn gặp nữa, nó nói với sếp một câu mà tôi sống hay chết sẽ phụ thuộc vào đó, nó tiếp tục hút thuốc mặc dù tôi đã quyết tâm bỏ thuốc, và bỏ thuốc sau khi tôi nhận ra mình đã và sẽ hút thuốc tiếp. Tôi không định nói là suy nghĩ và quyết định không ảnh hưởng đến hành động. Nhưng hành động không đơn giản hoàn tất những cái gì trước đó đã được suy nghĩ và quyết định. Hành động có nguồn cội riêng, và hành động của tôi mang tính độc lập, giống như tư duy của tôi là tư duy của tôi và quyết định của tôi là quyết định của tôi.
6.
Cô không có nhà. Cửa vào nhà khép hờ, tôi trèo lên cầu thang, nhấn chuông và đợi. Tôi nhấn chuông lần nữa. Trong căn hộ các cửa đều mở, tôi nhìn thấy qua ô kính trên cửa ra vào và nhận ra tấm gương trong hành lang, tủ treo áo và đồng hồ. Tôi nghe tiếng đồng hồ kêu tích tắc.
Tôi ngồi xuống bậc thang và đợi. Tôi không nhẹ người như tâm trạng một người hạ quyết tâm với cảm giác nôn nao và sợ đón hậu quả, nay thì vui mừng đã thực thi quyết tâm đó mà không phải gánh chịu hậu quả. Tôi cũng không thất vọng. Tôi quyết tâm gặp cô và đợi đến khi cô về.
Đồng hồ hành lang cứ 15 phút lại đánh chuông một lần. Tôi cố theo dõi tiếng tích tắc khe khẽ và đếm chín trăm giây giữa hai hồi chuông, nhưng cứ liên tục bị lẫn. Tiếng cưa của thợ mộc rít lên dưới sân, trong nhà có tiếng người hoặc nhạc vẳng ra từ một căn hộ, có tiếng cửa đóng mở. Rồi tôi nghe có tiếng chân ai đó đều đặn, chậm rãi và nặng nề lên thang gác. Tôi hy vọng người đó sống ở tầng ba. Nếu chẳng may người ấy thấy tôi - liệu tôi phải giải thích là đang làm gì ở đây? Nhưng bước chân không dừng ở tầng ba, bước lên tiếp. Tôi đứng dậy.
Đó là cô Schmitz. Một tay cô xách thùng than cốc, tay kia xách thùng than ép thỏi. Cô mặc bộ đồng phục, áo khoác và váy, và tôi nhận ra cô là người soát vé tàu điện. Cô không thấy tôi, cho đến khi lên đến bậc trên cùng. Ánh mắt cô không bực tức, không ngạc nhiên, không diễu cợt - không chút gì như tôi từng lo ngại. Trông cô mệt mỏi. Lúc cô đặt than xuống và lục tìm chìa khoá trong túi áo khoác, xu rơi loảng xoảng xuống đất. Tôi nhặt chúng lên và đưa cho cô.
"Duới tầng hầm còn hai thùng nữa. Cháu xúc đầy rồi lấy lên được không? Cửa mở đấy."
Tôi chạy xuống cầu thang. Cửa xuống tầng hầm vẫn mở, đèn dưới hầm đang bật, cuối chân cầu thang dài dẫn xuống hầm tôi thấy một ngăn bằng ván ghép có cánh cửa đóng hờ và ổ khóa vòng móc trên then cửa còn mở. Căn hầm rộng rãi, than cốc chất đầy tới bậu cửa sổ sát trần, nơi người ta đổ than từ ngoài đường vào hầm. Cạnh cửa là than thỏi xếp ngăn nắp vào một bên, bên kia là các thùng đựng than cốc.
Tôi không biết đã làm gì sai. Ở nhà tôi cũng lấy than dưới hầm lên và chẳng bao giờ gặp vấn đề gì. Tuy nhiên than cốc ở nhà tôi không chất cao như thế. Lấy đầy thùng thứ nhất thì ổn. Lúc tôi nắm lấy quai thùng thứ hai và định nhặt than cốc từ dưới đất vào thì núi than chuyển động. Từ trên cao, những cục than nhảy công cốc xuống đất, sâu phía dưới có gì trơn trượt, tận dưới nền là than lăn và chảy. Một đám mây bụi đen tung lên. Tôi giật mình đứng trân ra, bị trúng mấy hòn than rơi vào và chẳng mấy chốc chân ngập đến mắt cá trong than cốc.
Khi hòn núi hết lở, tôi ra khỏi đống than cốc, chất đầy cái thùng thứ hai, kiếm ra một cái chổi và quét những hòn than lăn ra ngoài lối đi vào lại ngăn hầm, khoá cửa và xách hai thùng lên gác.
Cô Schmitz đã trút bỏ áo khoác, nới lỏng ca vát, mở khuy cổ và ngồi bên bàn với cốc sữa. Cô nhìn tôi, thoạt tiên khẽ cười khinh khích trong cổ rồi sau thì cười phá lên. Cô chỉ ngón tay vào tôi và đập tay kia lên bàn. "Trông kìa, cậu bé, trông kìa!" Lúc đó tôi cũng thấy khuôn mặt đen nhẻm của mình trong gương và cười theo.
"Cháu không để thế về nhà được đâu. Cô xả nước vào bồn tắm cho cháu rồi đập bụi khỏi quần áo của cháu." Cô đi ra bồn tắm. Nước xối vào bồn ngút hơi. "Cởi quần áo cho cẩn thận nhé, cô không muốn có bụi đen trong bếp đâu."
Tôi ngập ngừng, cởi áo len và sơ mi rồi ngập ngừng tiếp. Nước dâng lên nhanh, bồn đã gần đầy.
"Cháu có định đi giày và mặc quần vào bồn tắm không đấy? Cô không nhìn đâu, cậu bé ạ." Nhưng lúc tôi tắt vòi nước và cởi quần lót thì cô thản nhiên ngắm nhìn. Tôi đỏ mặt, trèo vào bồn và hụp xuống nước. Lúc tôi ngoi lên thì cô đang ở ngoài bao lơn với quần áo của tôi. Tôi nghe cô đập đôi giày vào nhau và giũ bụi khỏi áo len và sơ mi. Cô nói gì đó về bụi than và mùn cưa xuống phía dưới, ai đó nói vọng lên và cô cười. Quay vào bếp, cô đặt quần áo của tôi lên ghế. Cô chỉ thoáng nhìn tôi. "Lấy dầu gội đầu mà gội đi. Cô đem khăn bông đến ngay." Cô lấy gì đó trong tủ quần áo rồi ra khỏi bếp.
Tôi tắm rửa. Nước trong bồn bẩn, và tôi xả thêm nước mới để tráng cho sạch đầu và mặt. Sau đó tôi nằm nghe tiếng lò đun kêu lục bục, cảm thấy trên mặt không khí lạnh lọt vào qua khe cửa bếp mở hé và nước ấm quanh người. Tôi thấy dễ chịu, một sự dễ chịu kích thích, và dương vật tôi cương lên.
Tôi không nghe tiếng cô vào bếp, mà mãi đến khi cô đứng trước bồn mới ngẩng lên. Hai tay cô dang rộng chiếc khăn lớn. "Ra đây!" Tôi xoay lưng lại phía cô khi nhổm dậy và leo ra khỏi bồn. Cô trùm khăn lên người tôi từ phía sau, từ đầu đến chân, cọ khô người tôi. Sau đó cô thả khăn rơi xuống đất. Tôi không dám động đậy. Cô tiến sát lại đến mức tôi cảm thấy vú cô chạm vào lưng và bụng cô chạm mông tôi. Cô cũng trần truồng. Cô vòng tay ôm, một tay để lên ngực tôi, tay kia đặt lên dương vật tôi cương cứng.
"Cậu đến đây vì thế chứ gì!”
"Cháu…” Tôi không biết phải nói gì. Không vâng, nhưng cũng chẳng chối. Tôi xoay người lại. Tôi không nhìn thấy cô nhiều vì chúng tôi đứng sát nhau quá. Nhưng tôi bị thân thể loã lồ của cô làm choáng ngợp. "Cô đẹp quá!”
"Chao ôi, cậu bé nói gì vậy.” Cô cười và vòng tay ôm cổ tôi. Tôi cũng ôm cô.
Tôi sợ - sợ đụng chạm, sợ hôn, sợ không vừa lòng và không đáp ứng được ý cô. Nhưng sau khi chúng tôi ôm nhau một hồi lâu, tôi ngửi mùi cô, cảm thấy hơi ấm và sức mạnh của cô thì mọi chuyện trở nên hiển nhiên. Tìm tòi trên cơ thể cô bằng tay và miệng, hai miệng gặp nhau, rồi rốt cuộc cô trên người tôi, mắt đối mắt, đến khi tôi lên khoái cực và nhắm nghiền mắt, mới đầu cố tự chủ và sau đó thì kêu to đến mức cô lấy tay bịt lên miệng tôi chặn đứng tiếng kêu.
7.
Đêm hôm sau thì tôi yêu cô say mê. Tôi ngủ không sâu, ước ao gặp cô, mơ đến cô, tưởng như chạm vào cô, cho đến khi nhận ra là tôi đang ôm vào gối hay chăn. Miệng tôi đau vì hôn. Dương vật tôi luôn cương lên, nhưng tôi không muốn tự làm thoả mãn. Tôi sẽ không bao giờ tự làm thoả mãn nữa. Tôi muốn cùng cô.
Tôi yêu cô say mê, phải chăng đó là cái giá phải trả cho việc cô ngủ với tôi? Cho đến giờ, sau một đêm với phụ nữ tôi có cảm giác mình đã được chiều chuộng và nay phải đền đáp lại - đền đáp cho người phụ nữ ấy, bằng cách là dù sao tôi cũng cố tìm cách yêu cô ta, và đền đáp cho thế giới mà tôi dám đương đầu.
Một trong số ít ký ức sinh động từ hồi trẻ con là một buổi sớm mùa đông, lúc tôi lên bốn tuổi. Phòng ngủ của tôi hồi ấy không được sưởi, đêm đến hay sáng sớm thường rất lạnh. Tôi nhớ đến phòng bếp ấm áp và cái bếp lò nóng, một cái lò gang nặng trịch, trong đó nhìn thấy lửa nếu lấy móc kéo tấm che và vòng kiềng ở chỗ nấu ra, và có cả một bồn luôn trữ nước nóng sẵn sàng. Mẹ tôi đẩy chiếc ghế tôi đang đứng trên đó ra trước bếp lò, tắm rửa và mặc quần áo cho tôi. Tôi nhớ lại cảm giác khoan khoái của hơi ấm, sự sung sướng được tắm rửa và mặc quần áo trong hơi ấm đó. Tôi còn nhớ là mỗi khi hồi tưởng lại cảnh ấy tôi vẫn tự hỏi tại sao mẹ chiều tôi như thế. Vì tôi có bệnh? Vì các anh chị đã được thứ gì mà tôi không được? Liệu trong ngày sẽ xảy ra điều gì bất trắc và khó khăn mà tôi phải vượt qua?
Cũng vì người đàn bà không có danh tính trong tâm tưởng của tôi lúc chiều đã chiều chuộng tôi đến mức ấy mà hôm sau tôi đi học trở lại. Thêm vào đó, tôi muốn thể hiện tính cách đàn ông mà tôi mới có được. Không phải là tôi muốn khoe khoang gì, song tôi cảm thấy tráng kiện và hiên ngang, tôi muốn ra trước mặt các bạn và giáo viên với sức mạnh và sự hiên ngang đó. Ngoài ra, tuy không nói chuyện ấy với cô nhưng tôi nghĩ là công việc soát vé của cô thường kéo dài đến tối hoặc đến đêm. Làm sao tôi có thể gặp cô hằng ngày nếu tôi phải ở nhà và chỉ đi dạo dưỡng sức?
Lúc tôi từ chỗ cô về đến nhà, bố mẹ và các anh chị tôi đang ăn tối. "Sao con về muộn thế? Mẹ con lo cho con đấy." Giọng bố tôi nghe bực bội hơn là lo lắng.
Tôi nói là bị lạc đường khi định đi qua nghĩa trang liệt sĩ sang trại sữa dưỡng bệnh, lang thang mãi ở đâu đó và cuối cùng đến tận Nussloch. "Con không có tiền và phải đi bộ từ Nussloch về đây."
"Đáng lẽ con có thể vẫy xe đi nhờ." Em gái tôi thỉnh thoảng vẫy xe đi nhờ, chuyện đó bố mẹ tôi không đồng ý.
Anh tôi khịt khịt mũi đầy khinh miệt. "Trại sữa dưỡng bệnh và Nussloch nằm hoàn toàn ngược hướng nhau."
Chị tôi nhìn tôi dò xét.
"Mai con sẽ đi học trở lại."
"Thế thì nhớ học cho tử tế môn Địa lý. Nhớ là có hướng Bắc và hướng Nam, còn mặt trời thì mọc ở …”
Mẹ tôi ngắt lời anh. "Bác sĩ bảo còn ba tuần nữa."
"Nếu nó đi được qua nghĩa trang liệt sĩ đến Nussloch rồi từ đó quay trở về thì cũng đến trường được. Nó không thiếu sức khoẻ, chỉ thiếu trí khôn thôi." Lúc còn bé, anh tôi và tôi toàn đánh lộn, sau này chỉ khẩu chiến. Hơn tôi ba tuổi nên anh tôi trội hơn ở cả hai lĩnh vực. Đến lúc nào đó tôi thôi trả miếng và mặc xác tính hiếu chiến của anh. Từ đó trở đi anh chỉ còn hậm hực gây sự.
"Bố nói sao?" Mẹ tôi quay sang hỏi bố. Ông đặt dao dĩa xuống đĩa, dựa ra sau và chắp tay trong lòng. Ông im lặng và trầm tư như mỗi khi mẹ tôi nói chuyện với ông về con cái hay nhà cửa. Và mỗi lần đó tôi tự hỏi, liệu ông có suy nghĩ thật sự về câu hỏi của mẹ hay đang nghĩ công việc riêng. Có thể ông cũng nghĩ ngợi về câu hỏi của mẹ, song một khi đã tập trung suy nghĩ là ông không thể nghĩ đến gì khác ngoài công việc của mình. Ông là giáo sư Triết học, và cuộc đời ông là tư duy. Tư duy và đọc và viết và giảng dạy.
Thỉnh thoảng tôi có cảm giác là chúng tôi, gia đình của ông, đối với ông chỉ như thú nuôi trong nhà. Như con chó để dắt đi dạo, con mèo để cùng chơi hay gừ gừ nằm co trong lòng và được vuốt ve - có thể người ta thích, thậm chí cần thiết về phương diện nào đó, nhưng đi mua đồ ăn cho chúng, rửa khay cát đựng cứt mèo và đưa đến thú y thì thật là quá đáng. Vì cuộc sống là một cái gì khác cơ. Thật ra tôi chỉ muốn rằng chúng tôi, gia đình của ông, chính là cuộc đời ông. Lắm khi tôi cũng muốn ông anh trai hay gây sự và cô em gái nhỏ hỗn láo của tôi khác đi, nhưng tối đến đột nhiên tôi lại yêu tất cả một cách khủng khiếp. Đứa em gái bé bỏng của tôi. Làm đứa nhỏ nhất trong số bốn anh chị em chắc không hề đơn giản, không hỗn láo một chút thì không tự vệ được. Còn ông anh của tôi. Chúng tôi vốn ở chung phòng, đối với anh ấy chắc khó chịu hơn là đối với tôi, thêm vào đó từ khi tôi ốm anh phải nhường cả phòng cho tôi và ra ngủ ngoài ghế sofa, làm sao tránh được gây sự cơ chứ? Bố tôi. Tại sao chúng tôi phải là cuộc đời của ông cơ chứ? Chúng tôi đã lớn, sắp phương trưởng và ra khỏi nhà cơ mà.
Tôi thấy như là cả nhà ngồi với nhau lần cuối bên bàn dưới chùm đèn bằng đồng thau có năm nhánh và năm ngọn đèn, cứ như là ăn với nhau lần cuối từ những cái đĩa cổ với đường vân xanh quanh mép, cứ như là nói với nhau lần cuối một cách thân ái. Tôi cảm giác như khi chia tay. Tôi còn đó nhưng đã đi rồi. Tôi nhớ mẹ, nhớ bố và các anh chị em, và ước ao ở gần người đàn bà nọ.
Bố nhìn qua phía tôi. "Mai con sẽ đi học trở lại - con đã nói thế, đúng không?"
"Vâng ạ." Thế ra là ông cũng nhận ra rằng tôi hỏi ông chứ không hỏi mẹ, và cũng không nói là tôi tự hỏi có nên đi học trở lại hay không.
Ông gật đầu. "Mọi người hãy để con đến trường. Nếu thấy quá sức thì con lại ở nhà."
Tôi mừng. Đồng thời tôi cảm thấy sự chia tay đã diễn ra.