Hãy nhìn vào sự thật rõ ràng và những đặc điểm đang có mà xem xét. 12.12.2000 Phải thấy một cách rõ ràng là sau Cách mạng Tháng 8. 1945 ở Việt Nam đã có một chính quyền cách mạng, tên là Việt Nam dân chủ cộng hoà, với 3 tiêu ngữ: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc, thuận theo tôn chỉ của chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn: Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc. Chính quyền mới xuất hiện với những bộ máy, cung cách làm việc và những con người trái hẳn với chính quyền thực dân phong kiến trước kia. Nhân dân nô nức đi bầu ra Quốc hội, được thấy những đại biểu gần gũi và quen biết của mình. Đặc biệt nhất là hàng ngày thấy và nghe một vị Chủ tịch nước rất bình dân, giản dị, nói năng dễ hiểu và thân gần với tất cả các tầng lớp dân từ nông thôn đến thành thị, miền ngược đến miền xuôi, từ trẻ nhỏ đến cụ già. Mọi người sống trong không khí hữu ái, bạn bè, bình đẳng, không còn ai phải sợ ai. Một không khí dân chủ mới mẻ bao trùm cả xã hội. Chính quyền ấy phải lãnh đạo và bảo đảm sự lãnh đạo toàn dân đi vào cuộc chiến tranh. Cuộc chiến càng diễn ra rộng khắp và ác liệt thì nhiều yêu cầu khắt khe càng được đặt ra. Yêu cầu phổ biến nhất là mọi người, mọi nơi, phải tuyệt đối phục tùng kế hoạch chung thống nhất, mọi cấp phải chấp hành nghiêm chỉnh mọi nhiệm vụ lớn nhỏ của mình. Thế là một tình trạng phổ biến là phải tập trung cao độ, phải kỷ luật chặt chẽ. Trong thời gian này Đảng cộng sản nhấn mạnh sự lãnh đạo dân tộc của mình và đòi hỏi có sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối. Đó là điều cần thiết và mọi người đều tự nguyện chấp nhận và chấp hành. Đảng giành quyền lãnh đạo lúc này là giành quyền chịu gian khổ, chịu thiếu thốn khó khăn, giành quyền hy sinh trước hết. Vì vậy giành quyền lãnh đạo cũng tức là giành lấy sự vẻ vang hy sinh vì nước. Do đó, cả một thời gian chiến tranh dài dằng dặc, không ai có ý kiến gì khác và vai trò Đảng cộng sản ngày càng vững chắc, được công nhận đầy đủ và sâu xa. Trong đời sống xã hội, ít có những yêu cầu dân chủ, tự do, độc lập cá nhân. Nếu có xuất hiện ở bộ phận nào, cá nhân nào đó thì lập tức yêu cầu của chiến tranh cũng làm cho bộ phận ấy, cá nhân ấy phải tự nguyện từ bỏ yêu cầu ấy đi. 14.12.2000 Thế nhưng, sau năm 1975, trên một đất nước thống nhất hoàn thành, một chế độ chính trị xã hội nghiễm nhiên buộc tất cả mọi người phải công nhận nó. Thực ra, một nửa nước, tức là miền Bắc, đã công nhận nó từ lâu, còn một nửa miền Nam thì phải miễn cưỡng công nhận. Hàng trăm ngàn người không công nhận chế độ chính trị xã hội và cả đời sống nghèo khổ đã bỏ đất nước ra đi. Đó là một hiện tượng xã hội cần được xem xét khách quan, không thể quy hết vào âm mưu phá hoại của địch và là hành động của những phần tử phản động. Cái chế độ chính trị xã hội được hình thành ấy là một chế độ Độc Đảng và Toàn Trị. Vì Đảng cộng sản công khai tuyên bố là Đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, Đảng huy động bộ máy chính quyền quét sạch các thứ Đảng khác như Việt Quốc, Việt Cách, hạn chế các hoạt động tôn giáo, vận động (và thực chất là ép buộc) hai Đảng đồng minh trong Mặt trận tổ quốc phải tự giải thể và rút lui với lý do “đã hoàn thành sứ mệnh”, đó là Đảng dân chủ và Đảng xã hội. Trong khi đó thì thực ra Đảng cộng sản cũng đã hoàn thành sứ mệnh độc lập, thống nhất, và hoàn thành một cách vẻ vang. Còn sứ mệnh dân chủ giàu mạnh thì thật ra một mình Đảng cộng sản không thể làm nổi. Đã độc Đảng thì tất yếu phải kéo theo nhiều thứ “độc” khác: độc tài, độc đoán, độc quyền. Thế mà lại còn đòi lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, rồi lại còn thực hành chuyên chính của một giai cấp. Rõ ràng một chế độ như vậy mang theo đầy đủ tính chất của một chế độ không dân chủ và phải nói là phản dân chủ. Chế độ ấy rất có họ hàng với chế độ phát xít mà nhiều nhà trí thức thế giới đã nói. Có điều rất hài hước là chế độ đó lại luôn cao giọng nói những lời hoa mỹ: - Vì nhân dân phục vụ - Vì dân, do dân, của dân - Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. (Thực ra chỉ có Dân làm còn thì dân không được biết, không được bàn …) - Dân là gốc - Đại đoàn kết, đoàn kết toàn dân Thế mà có ý kiến nào nói đến chuyện này thì lập tức bị kết tội là nói xấu chế độ và bị thực hiện “chuyên chính” ngay. Một xã hội có nhiều tầng lớp, giai cấp khác nhau, mà đòi thực hiện chuyên chính của một giai cấp trên các giai cấp khác, tức là trên toàn dân (và giai cấp ấy gồm những người như thế nào mới được chứ?). Thật rõ ràng là đã có một bộ phận người nắm quyền lực thực hành chuyên chính với toàn xã hội. Nếu chỉ căn cứ trên ngôn ngữ, mọi người đã thấy bản chất của chế độ là thế nào? Có các nhà lý luận “lý luận” rằng: những hiện tượng mất dân chủ là “hiện tượng”, còn “bản chất” chế độ là tốt đẹp vô cùng, dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư sản. Trong khi ấy mọi người chỉ cần được dân chủ bằng một nửa dân chủ tư sản thôi, thực ra mọi người muốn được thực hiện một nửa những điều đã công bố ở nhiều văn kiện: Hiến pháp, phê bình và tự phê bình, chỉnh đốn Đảng. Cái lý luận “bản chất - hiện tượng” thực ra đang chửi lại và vạch trần những lời nói láo. Vì thế, đặc điểm bao trùm của chế độ chính trị xã hội này là: a) Nói một đàng, làm một nẻo Nói thì “dân chủ, vì dân” mà làm thì chuyên chính phát xít. Cái đặc điểm đó cũng có nghĩa là nói dối, nói láo, lừa bịp, trò hề “nói vậy mà không phải vậy”. Suốt ngày đóng trò, cả năm đóng trò, ở đâu cũng thấy các vai hề, ở đâu cũng thấy các trò lừa bịp. Suốt ngày đêm, suốt năm tháng cũng lúc nào cũng chỉ nghe thấy những lời nói dối, nói lừa. Chế độ này bắt mọi người phải đóng trò, bắt tất cả trẻ con phải đóng trò, bắt nhiều người già phải đóng trò. Đặc điểm này đã góp phần quyết định vào việc tạo ra và hình thành một xã hội dối lừa: lãnh đạo dối lừa, Đảng dối lừa, cán bộ dối lừa, làm ăn giả dối, giáo dục dối lừa, bằng cấp giả dối, đến gia đình cũng lừa dối, lễ hội lừa dối, tung hô lừa dối, hứa hẹn lừa dối. Ôi, cay đắng thay! b) Đặc điểm thứ hai là quá lợi dụng quá khứ thắng lợi Quả thật nhân dân ta có một lịch sử đấu tranh hết sức quyết liệt và đã thắng lợi vẻ vang. Trong đó Đảng cộng sản có vai trò quan trọng và Đảng cộng sản đã tự nói về điều đó một cách quá đầy đủ rồi. Thế mà đến nay đã gần 30 năm hoặc đã gần 80 năm vẫn còn ngày đêm phất cờ đánh trống, ngày đêm hò hét tự biểu dương, và cũng ngày đêm vơ vét các thành tựu nhân dân làm ra dồn vào cái túi “thắng lợi vẻ vang” và cái túi “sáng suốt, tài tình”. Lúc nào cũng bắt nhân dân phải tung hô, phải chào mừng, phải ca ngợi. - Chào mùa xuân cũng phải mừng Đảng, mừng Xuân - Kỷ niệm nông dân, phụ nữ, thanh niên cũng phải biểu dương thành tích Đảng, Đảng là nguyên nhân thắng lợi. - Nhân tổ chức lễ hội để tưởng nhớ tổ tiên và vui chơi cũng phải tưởng nhớ công lao Đảng và chào mừng Đảng. - Đám cưới, đám ma cũng phải tưởng nhớ và chào mừng Đảng. Một câu ca dao rất tuyệt vời của nhân dân nói lên bản chất của tình hình và nói lên chân lý thời đại: Mất mùa thì tại thiên tai, Được mùa là bởi thiên tài Đảng ta! Nhắc đi nhắc lại mãi “chân lý” này càng làm nó sáng rõ. Thực ra, mỗi người cộng sản có lương tâm phải biết xấu hổ về cái “chân lý” ấy. Có người đã nói rằng: Đảng đã ăn cái “xái” (xái thuốc phiện) của thắng lợi quá nhiều lần. Người ta ăn xái thuốc phiện thì ăn đến xái ba, xái bốn là hết, còn xái thắng lợi thì Đảng ta ăn đến xái 100 rồi mà còn chưa chán. c) Đặc điểm thứ ba là bộ máy lãnh đạo và quản lý xã hội này (cả Đảng và nhà nước) càng ngày càng đuối, càng bộc lộ trình độ kém cỏi của mình trước “nhiệm vụ dân chủ” giàu mạnh của đất nước Tất cả những nhu cầu, những thiết yếu hàng ngày của một người dân muốn nhờ vào bộ máy lãnh đạo và quản lý gỡ rối cho, giải quyết cho thì đều gặp: - Giải quyết sai làm cho đời sống dân khó thêm, rắc rối thêm - Giải quyết chồng chéo, không biết giải quyết thế nào, cứ bộ phận nọ bắn sang bộ phận kia, kéo dài vô tận. - Không giải quyết được. - Đòi hỏi dân phải tốn kém nhiều mới chịu giải quyết. Vì thế mới nhiều khiếu kiện, nhiều oan khuất, nhiều điểm nóng … Cũng do đặc điểm độc tài, độc đoán, cho nên mỗi người dân không được độc lập bộc lộ tài năng của mình (tuy rằng tài năng đó không hiếm). Việc chọn lựa những người có trách nhiệm cứ theo lối phe phái, theo lối ăn cánh, theo lối nịnh bợ, cơ hội, theo lối “bầu cử có lãnh đạo”, (Đảng cử dân bầu) thì các tài năng cứ bị vùi dập, bị thui chột, và đó là tai hoạ cho toàn dân tộc. Trong thực tế, đây là một trong những tội ác lớn nhất của Đảng đối với đất nước, dân tộc. 21.12.2000 d) Đặc điểm thứ tư là đặc điểm lớn nhất, tai ác nhất, dã man nhất. Đó là độc quyền tư tưởng, độc quyền ý thức hệ Đặc điểm này của chính quyền là trước mắt tạo ra một xã hội tẻ nhạt, khô cứng, nó vùi dập khoa học và văn nghệ, ép buộc thiếu nhi và thanh niên, làm cho không một giá trị tinh thần nào được xuất hiện và phát triển, về lâu dài nó làm cùn mòn cả nhiều thế hệ và do đó cùn mòn cả một dân tộc, một giống nòi. Nhưng những tai ác của đặc điểm này không duy trì được lâu. Đã có nhiều người trong thế hệ thanh niên và trung niên được tiếp xúc với nhiều thông tin thế giới bắt đầu nhận rõ tình hình và đang tìm cách rũ bỏ cái ách này. Chính quyền chỉ có một tiền đồ là bị phản đối và sẽ tan rã. Ta đã tha thiết mong mỏi biết bao nhiêu; chính quyền này đừng phản lại lịch sử nữa, hãy thích ứng với thời đại và tự đổi mới. Được như thế thì dân tộc ta gặp may mắn. Nhưng hình như những lực lượng bảo thủ, giáo điều, và cuồng tín còn quá nhiều và nhiều tham vọng nên còn đang kìm hãm nhịp sống bình thường của toàn dân tộc. e) Đặc điểm thứ năm là Đảng đã độc đoán và toàn trị, lại xử lý các việc theo kiểu bí mật và nội bộ, rất sợ công khai, sợ dân biết Càng bí mật nội bộ thì càng tha hồ tuỳ tiện, muốn duy trì độc đoán nên càng sợ hãi và cấm đoán công khai, không dám tranh luận công khai, không dám thông tin công khai. g) Đặc điểm thứ sáu là thích hình thức, phô trương Bệnh hình thức thì Hồ Chí Minh lên án từ lâu, nhưng ngày nay, bệnh cứ ngày càng phát triển nặng, ngày càng phổ biến, trở nên nhàm chán, kệch cỡm, đến nỗi dư luận xã hội và đại biểu Quốc hội phải lên tiếng. Suốt ngày, ta chỉ thấy kỷ niệm “chào mừng”, “lễ hội”, “mít tinh long trọng”,… Những người lãnh đạo suốt ngày phải đi biểu diễn “mở miệng nói”, không thấy có lúc nào họ có thì giờ để suy nghĩ và chuẩn bị được ý tưởng để lãnh đạo. 22.12.2000 Tóm lại, sự thật của mấy chục năm qua là: Cuộc cách mạng ở Việt Nam đã đập tan và xoá bỏ được một chính quyền thực dân phong kiến, một xã hội nô lệ, mất nước, đói nghèo, nhục nhã. Nhưng lại xây dựng nên một xã hội chưa tốt đẹp, còn nhiều bất công, nhiều tệ nạn, một chính quyền phản dân chủ, chuyên chế, của một chế độ độc đảng và toàn trị, nhiều thói xấu giống như và tệ hơn là trong chế độ cũ. Thế là ta đập tan một cái xấu xa và lại phải chấp nhận một cái xấu xa mới giống như hoặc tệ hại hơn tất cả những xấu xa mà ta từng chửi rủa, từng căm thù. Như thế là vì sao? Có thể nói sự biến chuyển từ xấu đến xấu ấy là sự biến chuyển tự nó, không ai chủ động được. Con người có thể đề ra những lý tưởng, những mơ ước, nhưng cuộc sống quá phức tạp và tế nhị, mà con người chỉ có những ảo tưởng vẫn là sản phẩm của một sự vận động quái ác. Nhìn lại, thấy rất rõ tâm sự của Nguyễn Huệ lúc còn trẻ: Ta đập tan cái xấu xa này rồi thay thế nó bằng cái gì? Hay lại lập lại những cái mà ta đã đập tan? Ta lại thấy rất rõ Nguyễn Nhạc khi lên ngôi, và sau này, chính Nguyễn Huệ cũng khi lên ngôi, đều không dám cho diễn vở tuồng “chàng Lía” là vở tuồng ca ngợi sự nổi dậy. Và chân lý hiện ra là: người nổi dậy khi đã cầm quyền lại rất sợ nổi dậy!? Trong nhân dân cũng có một chuyển biến tâm lý như tôi đã ghi trong bút ký “Một Cái Nhìn Trở Lại” (bài 2): từ quan hệ dân và cán bộ là mẹ con, vậy mà chỉ sau mấy ngày đã trở thành quan hệ giữa “thưa ông” và “nhà cháu’’. Ta không lấy làm lạ là tất cả những mỹ từ được sử dụng chỉ là để củng cố sự cầm quyền của Đảng cộng sản. Đó chính là sự chuyển biến từ Đảng cộng sản là những người con thân yêu thực sự của nhân dân lao động thành một tầng lớp thống trị gồm một tập đoàn các quan chức chỉ muốn bóc lột, hành hạ, sai khiến nhân dân và lừa bịp nhân dân, và lại cứ nhân danh là “con của nhân dân” và “đầy tớ của nhân dân” Sự nỗ lực toàn bộ và trung tâm của Đảng cộng sản hiện nay chỉ tập trung vào sự củng cố quyền lực của Đảng. Cả một bộ máy công tác tư tưởng đồ sộ ngày đêm hò hét chỉ để ca ngợi Đảng, đề cao Đảng, khai thác hết mức thắng lợi của toàn dân và tô vẽ thành thắng lợi của Đảng. Cả một bộ máy “nói lấy được”, lừa bịp, dối trá đến trắng trợn, kiểu lưu manh. Bên cạnh đó, nảy sinh một hệ thống các tổ chức an ninh, từ Bộ công an mà lực lượng lớn bằng nửa Quân đội, đến các cơ quan an ninh nội bộ đủ các loại, đầy quyền lực và thủ đoạn. Những thủ đoạn an ninh đều được học tập từ các chế độ phong kiến, phát xít và độc tài cộng sản. Tất cả nhằm bảo vệ cho quyền lực của Đảng cộng sản. Trong lúc Đảng cộng sản ngày càng tỏ ra kém sức lực trong việc quản lý xã hội bình thường. Vì Đảng cộng sản chỉ quản lý được một “xã hội trại lính”. Đây chả phải sự xét lại, sự sám hối gì hết. Mà đây chỉ là một nỗi lòng cay đắng trước một sự thật phũ phàng. Cả đất nước ngày ngày kỷ niệm, ngày ngày đại hội và lễ hội, chỉ để tụng niệm một quyền lực đã lung lay và đã thoát ra khỏi lòng tin của nhân dân, luôn luôn bắt toàn quân toàn dân và cả toàn Đảng phải ca ngợi và dối trá. Bây giờ làm sao? Thực ra, ta chỉ mong Đảng cộng sản, vốn là Đảng trọng sự thật, nhận ra cái sự thật cay đắng này, cái sự thật lịch sử này, tự điều chỉnh mình cho thật phù hợp với lý tưởng mà mình đã hứa với nhân dân. Nhưng càng ngày lại càng thấy cái mong ước đầy thiện chí nọ vẫn chỉ là ảo tưởng lớn, toàn Đảng (tức là nhóm người cầm đầu) càng ngày dấn sâu vào tâm lý, tư duy và phong cách của một lớp thống trị xa rời và ngược lại với nhân dân, càng ngày càng trở thành sản phẩm của chính những tâm lý, tư duy và phong cách của chính họ, càng ngày càng trở thành vật cản nặng nề cho mọi tiến bộ xã hội. Càng ngày bộ máy càng làm những việc tàn ác, độc đoán và vẫn cứ cao giọng nhân danh cách mạng, nhân danh nhân dân, nhân danh Hồ Chí Minh, nhân danh lịch sử thắng lợi của dân tộc. 24.12.2000 Thế là tận những ngày cuối của Thế kỷ XX và của Thiên niên kỷ thứ II thì mới nhận được rõ nét một sự kiện lịch sử lớn của đất nước. Đó là: Từ một Đảng sinh ra từ nhân dân, được nhân dân nuôi nấng và bảo vệ, có những đảng viên tiên phong gương mẫu đi đầu trong gian khổ chiến đấu và hy sinh nhằm đưa đất nước giành được độc lập. thống nhất, hoà bình, nhưng từ ngày toàn đất nước được thống nhất hoà bình và độc lập, thì cái Đảng ấy lại tồn tại như một Đảng cai trị. Đảng đó ra sức củng cố tình trạng độc đảng chuyên chế về tư tưởng và chính trị, tạo ra một xã hội đầy tham nhũng, đầy dối trá và lừa bịp, mọi người sống trong cảnh đóng trò giả dối, ngày ngày nảy sinh lớp lớp người nịnh bợ, cơ hội, các tệ nạn xã hội lan tràn phát triển. Càng hô hào chống, bỏ và xoá, lại càng nặng nề thêm. Đảng cai trị ngày càng chuyên chế một cách quyết liệt để giữ vững sự chuyên chế của mình, che lấp sự kém cỏi bất lực của mình, đàn áp mọi phát triển ở các lĩnh vực khoa học chuyên môn, luôn coi sự giữ chắc truyền thống giá trị xã hội của mình là quan trọng hơn tất cả mọi phát triển của xã hội, mọi sự nảy nở và phát triển của mọi cá nhân trong xã hội đó. Tình trạng này đặt đất nước đứng trước hai tình huống cơ bản: 1. Đảng cai trị phải nhận thức rõ được sự kém cỏi, bất lực của mình mà tự đổi mới, chấp nhận một thể chế dân chủ phù hợp với thông lệ dân chủ của thế giới, bỏ đi cái quan niệm lạc hậu lỗi thời phân biệt dân chủ tư sản và dân chủ vô sản; tự hạn chế mình trong vai trò lãnh đạo chính trị thực lòng vì nhân dân, vì sự phát triển của đất nước. Như thế thì Đảng vẫn giữ được cái lịch sử vẻ vang của mình mà vẫn có vai trò quan trọng trong lịch sử. 2. Không làm như thế mà cứ khai thác một cách bừa bãi thắng lợi của dân tộc, ngoan cố duy trì chế độ độc đảng và toàn trị thì sớm muộn nhân dân sẽ chán ghét và do đó dẫn đến đổ vỡ, tạo ra những tai hoạ khôn lường cho đất nước và dân tộc, tai hoạ ấy còn nặng nề gấp nhiều lần tai hoạ của Cải cách ruộng đất và tai hoạ bắt cả nước xây dựng xã hội chủ nghĩa. Tai hoạ ấy sẽ xoá sạch vai trò của Đảng trong lịch sử và Đảng sẽ phải chịu tội trước lịch sử. Sự thực quá trình đó đã bắt đầu. Nhân dân cứ có cuộc sống của nhân dân, nhân dân cứ sống, và xã hội cứ tiến lên. Đáng lo thay cho bộ phận lãnh đạo mà tài và tầm nhìn thì dưới trung bình, đức thì cũng không hơn mức thông thường trong nhân dân, mà ngày càng kém hơn. Đáng lo thay cho những bộ phận lãnh đạo ấy và đáng lo thay cho số phận của nhân dân phải chịu đựng sự lãnh đạo ấy. Có thể thấy rõ rằng: chế độ độc đảng, độc tài và toàn trị ngày càng đi sâu vào các thủ đoạn gian dối và tàn bạo để tự duy trì, tự bảo tồn chế độ ấy, thế mà còn huênh hoang nói là chế độ xã hội chủ nghĩa đầy dân chủ và nhân đạo. Thực chất là chế độ thì rất dã man, cho nên phải dùng nhiều thủ đoạn để lừa bịp nhân dân. Tạm kê một số thủ đoạn như sau: A.- Thần thánh hoá, thiêng liêng hoá Đảng, cấp uỷ và các nghị quyết. Điều vô lý là bắt toàn dân phải học nghị quyết của Đảng. - Đảng có nhiều Nghị quyết quá, Nghị quyết của nhiều cấp, Nghị quyết của nhiều ngành. Đẻ ra nhiều thứ tổ chức Đảng quá, và những tổ chức đó lại tha hồ mà có nghị quyết và chủ trương. - Một người dân phải học, phải biết và phải thi hành nhiều thứ quá. - Có một đòi hỏi phổ biến là coi Nghị quyết của Đảng quan trọng hơn, cao hơn quyết định của các cấp chính quyền. - Quyết định của chính quyền mà không có ý kiến của Đảng chấp nhận thì không có giá trị thi hành. Nhiều khi quyết định của Đảng phủ nhận hoặc bác bỏ quyết định của chính quyền. Người có trách nhiệm ở chính quyền mà không phải là đảng viên và cấp uỷ viên thì ý kiến thường bị coi thường. - Nghị quyết thường là nói những khái niệm và thành ngữ chung chung, bao quát phạm vi rất rộng, thế rồi bất cứ việc gì trong sinh hoạt xã hội cũng đều phải quy chiếu vào nghị quyết nọ, nghị quyết kia, làm ra vẻ Đảng soi sáng đến tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống - Khi trong thực tế thấy rõ là những điều nêu trong Nghị quyết không thể thực hiện được, thì lại quay vẽ chữ: Nghị quyết là đúng, là hay, nhưng những người tổ chức thực hiện kém. Chỉ có thi hành nghị quyết là kém, còn nghị quyết thì lúc nào cũng đúng, cũng có ý nghĩa quan trọng, thậm chí tài tình. Không có bất cứ một hiện tượng xấu nào có nguồn gốc từ Nghị quyết cả! - Không ai, kể cả báo chí, cá nhân được quyền nhận xét phê phán, phân tích các nghị quyết cả. Đã là nghị quyết thì chỉ có đúng và tài tình, là rất thiêng liêng! B.- Khuyến khích và bồi bổ tệ nạn sùng bái cá nhân là tệ nạn đã bị lên án nặng nề trong phong trào cộng sản thế giới. - Bao giờ ý kiến của Bí thư, uỷ viên Thường vụ và cấp uỷ cũng là quan trọng, là thiêng liêng, là chân lý. Luôn luôn những ý kiến này được trích thuật, có khi chỉ là một ý kiến vớ vẩn, ai cũng nói được. Trong các phương tiện thông tin đại chúng, mục “hoạt động của các vị lãnh đạo” bao giờ cũng là mục quan trọng ở trang nhất, tất cả chiều dài của tin, khổ rộng của ảnh đều được quy định chặt chẽ. - Ở tất cả các loại báo thì các thông tin và hoạt động, và hội nghị về lễ kỷ niệm, Đại hội và chào mừng vv… chiếm đến 80%, còn những thông tin có ích chỉ chiếm 10-20%. - Một người có địa vị trong xã hội thì chức vụ trong Đảng cũng là quan trọng nhất, bao giờ cũng đưa ra trước hết như là Bí thư, uỷ viên Bộ chính trị, uỷ viên cấp uỷ. - Trong các cáo phó người chết thì danh hiệu đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam cũng là danh hiệu vẻ vang lớn nhất, hơn tất cả các danh hiệu khác … - Đảng cố tạo nên các phong tục tập quán, các tục lệ xã hội, cái gì cũng phải thần phục Đảng, thần phục các quan chức của Đảng, tạo ra một tục lệ là mọi người bình thường phải lập công để trở thành đảng viên, dù phải lạy lục, nịnh bợ, chạy chọt, thậm chí có lúc phải hối lộ tiền nữa. Tôi nhiều lần tự hỏi Đảng có cần gì phải có đến 2-3 triệu đảng viên và vẫn còn đang tìm cách phát triển nữa, trong khi bây giờ không cần có sự hy sinh như trong chiến tranh và trong khi ai cũng thấy chất lượng đảng viên ngày càng sa sút. Vậy cố gắng tăng số lượng làm gì? Đó cũng lại là một sự phi lý nữa … 30.12.2000 Bài thơ rất tâm đắc của Bùi Minh Quốc: Cay đắng thay! Các guồng máy nhục mạ con người Mang bộ mặt hiền lành của người cuốc đất ù lì quay Quay Thao thao bài đạo đức Liệu mấy ai còn ngây Cay đắng thay Mỉa mai thay Trọn tuổi xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt Lại đúc nên chính bộ máy này.