Chương 3

Cảm giác đầu tiên của tôi là quán Thu Vàng tối thui. Còn tối hơn quán Nhớ. Mọi hình thể đều nhòe nhạt. Tôi không nhìn thấy gì hết. Tôi vấp ngay vào cái ghế sát cửa vào. Cạnh ghế đập mạnh vào ống chân đau nhói. Lan không nhanh tay đỡ kịp tôi đã té lăn trên nền nhà. Tiếng Lan sát gần:
- Mắt với mũi.
Tôi nhịn đau, gượng cười:
- Tối quá đi.
Lan kêu lớn, kinh ngạc:
- Sáng choang thế này mà kêu tối. Ngọc làm sao thế?
Với khung cửa sổ phía trước cũng mở rộng như cửa ăn thông vào trong, với những vì tường vàng tươi và trần nhà trắng toát, quán Thu Vàng sáng thật. Chỉ là tôi choáng váng, hoa mắt, mọi hình thể đã nhòe nhạt cái chung quanh còn quay đảo chóng mặt, tôi phải đứng lại, vịn tay vào một bờ tường. Giây phút tê liệt bàng hoàng buổi sáng hôm nào ở phi trường Cù Hanh lại xâm chiếm tôi, một lần nữa. Cảm thấy hơi thở nghẹn ứ và trái tim đứng ngừng trong lồng ngực. Mãi mãi rồi tôi mới thở được. Tôi thở, thở ra một hơi thật dài. Những hình thể trước mắt sáng dần, tôi nhìn thấy cặp mắt mở lớn của Thư, cái nhíu mày chưa hết kinh ngạc của Lan. Nét mặt tôi hẳn kỳ lạ lắm vì đám khách trong quán đang chuyện trò đều ngừng bặt. Họ nhìn tôi chăm chú.
Tôi ngồi xuống cái ghế gần nhất, nói chữa:
- Tự nhiên thấy choáng váng, chắc vừa bị trúng gió.
Lan săn đón:
- Trúng gió thật rồi. Mặt tái nhợt đi thế kia. Vào nhà trong nằm nghỉ một lát nhé.
Tôi nghĩ thật nhanh trong đầu là nên làm theo lời đề nghị của Lan. Ngồi, dù chỉ ngồi thêm một phút, tôi có thể ngất đi. Trái tim không ngừng đập nữa. Nó đập, đập hỗn loạn trong lồng ngực. Sự cần thiết khẩn cấp ở tôi lúc này là đừng để ai thấy rõ thêm nữa, sự bối rối đầy kinh hoảng của mình. Tôi nắm lấy tay Thư:
- Thư ngồi đây, anh Khoa đến vào cho mình biết.
Không đợi Thư trả lời, tôi đứng lên, đi theo Lan. Phòng ngủ của Lan diêm dúa, nhưng bừa bãi. Bộ đồ ngủ, cái chăn, cái gối còn ngổn ngang trên mặt đệm. Tôi nằm vật xuống giường, đưa hai tay lên bưng lấy mặt. Tiếng một ngăn kéo mở ra cùng với dầu thơm cay gắt. Lan đến ngồi ghé xuống thành giường. Lan bôi dầu vào hai thái dương tôi. Kéo chăn đắp lên người tôi. Tấm chăn len thật dầy. Dưới chăn thân thể tôi vẫn lạnh buốt. Lan cúi xuống hỏi:
- Đỡ chưa?
Tôi gật, hai mắt nhắm nghiền:
- Đỡ rồi. Ra ngoài bán hàng đi, để mặc mình nằm yên một chút.
- Khoa đến thì sao?
- Giữ Khoa ở ngoài ấy, mình sẽ ra.
Lan đứng lên, lại ngồi xuống, giọng thân mật:
- Bao giờ đây?
- Bao giờ cái gì?
Lan cười:
- Đừng dấu nữa. Đi chơi với Thư tức là chuyện công khai rồi còn gì. Bao giờ là bao giờ cho uống rượu mừng.
Tôi đang bận tâm về chuyện khác. Trả lời Lan cho xong:
- Chưa đâu.
- Tôi đi phù dâu đấy nhé!
- Cố nhiên.
Lan chép miệng:
- Anh Khoa đứng đắn, hiền lành. Ngọc may mắn hơn mình nhiều.
Tôi may mắn chưa thấy đâu, nhưng Lan không may mắn thì tôi đã được nghe Nhạc và Thập nói chuyện. Quán Thu Vàng được mở lại vì cuộc tình duyên giữa Lan và cái anh chàng trẻ tuổi nào đó ở Sàigòn đã tan vỡ. Những lần trước, sự tan vỡ chỉ nửa chừng. Nó được hàn gắn lại. Lần này tan vỡ hoàn toàn. Những chuyến đi đi về về Sàigòn của Lan không bao giờ có nữa. Gã con trai Sàigòn đã lấy vợ.
Lúc khác, tôi đã hỏi chuyện Lan, an ủi Lan. Đời sống tình cảm đầy gió bão của Lan có một khía cạnh nào đó rất tội tình, và khía cạnh này làm tôi xúc động. Mọi người ở đây đều ném cho Lan một cái nhìn chê trách. Lan vấp ngã liên tiếp. Dại trai một cây. Ôm ấp những mộng tưởng, không bao giờ trở thành sự thật, vì mộng tưởng ở quá xa, ngoài tầm tay với. Pleiku nói về Lan như thế.
Những anh con trai địa phương theo đuổi Lan không được Lan đáp lại, nói về Lan như thế. Tôi nghĩ khác. Lan đã giám sống theo ý muốn của mình. Mỗi lần về Sàigòn là một lần đuổi theo ảo tưởng. Mỗi lần từ Sàigòn trở về, trái tim tan nát lại thêm một lần thương đau. Vậy mà vẫn ra phi trường Cù Hanh. Từ phi trường Cù Hanh trở về thị xã mỗi chuyến đi, Lan đều trả một giá thật đắt. Nhưng đi. Và trả. Chịu lún ngập thêm mãi trong sự lầm lẫn của mình. Tôi biết, cái gã con trai nào đó ở Sàigòn chỉ cần viết một lá thư, gửi một điện tín là Lan lại ra phi trường Cù Hanh tức khắc. Và quán Thu Vàng lại đóng cửa thêm một lần nữa.
Tôi chép miệng:
- Đã biết thế nào mà bảo là may mắn hay không may mắn. Chuyện hai đứa, lúc khác chúng mình sẽ nói chuyện.
Biết tôi muốn nằm một mình, Lan đi ra.

*

Người đàn ông lạ mặt đứng một mình dưới mưa bay ở phi trường Cù Hanh, người đàn ông lạ mặt ấy mà tôi vừa thấy lại trước quán Thu Vàng, sự thật với tôi, không phải là một người lạ mặt. Cũng là tại Khoa. Kỳ cục thật, cái chuyện tôi đổ lỗi cho Khoa. Nhưng sự thật là vậy, không có sự yêu cầu của Khoa, hai chị em tôi đã không về lánh nạn ở Sàigòn. Khoa mua vé máy bay, đặt tôi trước sự đã rồi. Rồi Khoa đưa xe đến tận nhà, đón hai chị em ra phi trường Cù Hanh. Nhớ hôm đó, tôi đã hỏi đùa Khoa:
- Đẩy em về Sàigòn, anh không sợ mất em sao?
Khoa ngạc nhiên:
- Mất bằng cách nào?
Tôi nhún vai:
- Em sẽ bị Sàigòn quyến rũ, em sẽ không trở về Pleiku nữa.
Khoa cười, tiếng cười đầy tin tưởng:
- Chừng nào trên này yên, em sẽ trở về.
- Sao anh tin chắc như thế được?
- Em không phải là Ngân. Đi đâu rồi em cũng trở về Pleiku.
Tôi cũng tin như thế. Nghĩ như thế. Sống như thế. Có điều là đời sống quái ác thường dành cho người ta những chuyện tình cờ không biết trước và những chuyện tình cờ ghê gớm nhất đã xẩy đến cho đời tôi, trong một chuyến đi.
Hôm đó, trời thật đẹp. Chúng tôi đóng cửa quán Nhớ, rời Pleiku trong những tiếng đại bác ầm ỳ vọng tới từ phía Khôngntum. Đường ra phi trường đầy đặc những đoàn xe vận tải. Những chiếc xe lớn, bật đèn sáng mở hết tốc lực. Bụi đầy mù mịt. Khói bốc khét lẹt. Xe của Khoa phải ngừng lại trên bờ cỏ nhiều lần, cho những đoàn xe nhà binh đi qua. Trên mỗi chiếc xe, những người lính đội nón sắt, mặc áo đỡ đạn ngồi lầm lì trên hai hàng ghế. Gần tới phi trường tiếng súng cũng gần hơn. Không khí chiến tranh kín trùm trên một Pleiku chuẩn bị đương đầu với những trận tử chiến khốc liệt.
Chúng tôi phải chờ ở phi trường gần hai tiếng đồng hồ. Một nhân viên hàng không cho Khoa biết ngày mai có thể không có máy bay, ngoại trừ những chuyến bay quân sự.
Khoa bảo tôi:
- Ngọc thấy chưa. Tình hình mỗi ngày một khẩn trương. Ngọc về Sàigòn ít lâu là phải lắm.
Khoa tỏ ý ân hận đã không thể về cùng với chị em tôi vì phải ở lại Pleiku với gia đình và cửa tiệm. Gần trưa, máy bay hạ cánh. mười lăm phút sau, chiếc máy bay ấy cất cánh đưa chị em tôi về Sàigòn. Tôi bàn với Huyền. Chưa tới phi trường Tân Sơn Nhất, hai chị em đã đồng ý với nhau là sẽ đến ở một căn phòng khách sạn. Chúng tôi không có bà con thân thuộc ở Sàigòn. Đến ở chung với Thư thì nhất định là không rồi. Cho đến bây giờ tôi cũng chẳng hiểu tại sao cái việc ở khách sạn lại kích thích tôi mãnh liệt đến thế. Cũng tại Khoa nữa. Theo ý anh, đến một thành phố xa lạ thích nhất là ở khách sạn, Khoa nói, mình không làm phiền ai, mình hoàn toàn tự do. Và thế là chúng tôi đã làm theo Khoa, đã đến ở một căn phòng khách sạn.
Đó là một toà nhà ba tầng mới xây cất, ở đường Trần Hưng Đạo. Người tài xế taxi đón chị em tôi từ phi trường, đưa thẳng chúng tôi tới đó.
Tôi hỏi:
- Khách sạn có tử tế không, ông tài xế?
Ông ta gật:
- Hai cô yên tâm. Tôi giới thiệu mà. Tôi đã ở đó một đêm. Tiện nghi và sạch sẽ lắm.
Đúng như lời người tài xế, khách sạn sạch bóng từ ngoài cửa sạch vào. Tôi ghi tên vào sổ, đi theo một người bồi phòng mặc dồng phục trắng. Y dẫn hai chị em tôi vào thang máy. Chiếc thang máy nhấc bổng chúng tôi lên tới tầng lầu thứ ba. Phòng chúng tôi ở cuối dẫy, nhìn xuống khoảng sân sau của khách sạn. Căn phòng khá rộng, thoáng đãng. Một chiếc giường lớn kê ở chính giữa. Bàn phấn thấp, với tấm gương hình bầu dục ở một góc phòng, một cửa nhỏ ăn thông sang phòng tắm. Người bồi phòng trải đệm giường, chỉ dẫn cho chúng tôi cách thức xử dụng vòi tắm nước nóng, nói hai chị em cần gì cứ bấm vào nút chuông ở đầu giường, rồi đi ra.
Tôi và Huyền chưa đi đâu xa. Mới ở khách sạn lần đầu. Hai chị em cùng bỡ ngỡ, nhưng là một bỡ ngỡ đầy thích thú. Chúng tôi mở valy, cho quần áo vào tủ. Sau đó, tôi đi tắm trong khi Huyền tỳ tay vào thành cửa sổ, nhìn xuống những người đi lại ở sân sau khách sạn. Tôi nhớ tôi đã nằm thật lâu trong bồn tắm. Đắm mình trong làn nước ấm. Chỉ cần một nửa giờ bay, Pleiku đã xa hẳn. Bên kia những triền núi. Bên kia những cánh rừng.
Tắm xong thay quần áo, tôi bất chợt bị xâm chiếm bởi một cảm giác mỏi mệt. Huyền nói:
- Làm gì bây giờ chị?
Tôi chép miệng:
- Về đây lánh nạn, sống mấy tuần ăn không ngồi rồi chính tao cũng chưa biết làm gì đây cho hết ngày. Cho mày hoàn toàn tự do muốn đi đâu thì đi.
Huyền hỏi:
- Chúng mình ăn ở đâu?
Tôi nằm xuống giường:
- Liệu sau. Ăn tiệm hay ăn luôn ở khách sạn cũng được. Tao chưa thấy đói, chỉ thấy mệt, để tao nằm nghỉ đã.
Huyền:
- Em đi chơi một chút nhé!
Tôi gật:
- Đừng đi đâu xa. Đi đâu cũng coi chừng kẻo lạc.
Huyền mặc áo đi ra. Tôi nằm, nghĩ xa nghĩ gần rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Tỉnh dậy, buổi trưa đã qua, buổi chiều đã tới. Giấc ngủ là một liều thuốc thần diệu. Sự mỏi mệt ở tôi không còn nữa. Huyền chưa về. Tôi mặc áo dài, đi xuống tầng dưới. Người quản lý vẫn ngồi ở chỗ cũ, sau một cái quầy hình móng ngựa. Tôi đến nói chuyện với ông ta. Chừng bốn mươi tuổi, khổ người gầy guộc, ông ta tiếp chuyện tôi thân mật, niềm nở. Ông ta nói khách sạn có một tiệm ăn ở tầng lầu trên cùng. Tiệm mở cửa tới khuya, buổi tối có âm nhạc.
Người quản lý hỏi:
- Thế ra cô mới về từ Pleiku?
- Vâng. Xuống tới phi trường, một ông tài xế taxi đưa thẳng chúng tôi về đây.
Người quản lý nói ông ta có nhiều bà con quyến thuộc ở Pleiku. Năm ngoái, ông ta có lên Pleiku chơi mấy ngày, được người em gái lấy chồng ở trên ấy đưa đi thăm viếng thắng cảnh Biển hồ. Ông ta đến Pleiku vào những ngày mưa gió buốt lạnh nhất, lại không mang theo quần áo ấm, đêm nằm rét run không tài nào ngủ được. Từ cái lạnh miền cao và những đêm không ngủ, chuyện thời tiết chuyển sang chuyện thời thế. Tôi kể cho người quản lý nghe về bộ mặt Pleiku trước đe dọa của mặt trận tới gần. Về những quán hàng phải tạm thời đóng cửa, trong số có quán Nhớ. Về những người con gái Pleiku phải rời những bóng núi, xa những ngọn đồi vế lánh nạn ở Sàigòn, trong đó có chị em tôi.
Người quản lý:
- Cô tính ở đây bao nhiêu lâu?
Tôi nhún vai:
- Tới chùng nào yên yên.
- Cô buồn, tối lên lầu trên nghe nhạc. Chúng tôi mới có một ban nhạc ngoại quốc Phi Luật Tân. Họ trình diễn nhiều màn đặc sắc lắm. Có cả khiêu vũ nữa. Cô biết nhẩy không?
Tôi cười, lắc đầu. Đời sống Pleiku của tôi chừng mực, hiền lành, thu gọn trong mấy cuốn tiểu thuyết, mấy băng nhạc, những giấc ngủ trong tiếng mưa rơi trên mái rì rào. Đôi khi, một buổi sáng chủ nhật đẹp trời, tôi tới ngồi mơ mộng trên bờ Biển Hồ. Rồi về. Đi chơi lang thang trên những con đường đồi quanh tỉnh. Rồi về. Thế giới tôi thu nhỏ, khuất lánh, là cái hình ảnh của một lũng hẹp nằm giữa hai triền núi cao. Cái thế giới đó chưa từng có cho nó những phá vỡ, những gió bão. Tôi cũng không muốn cho tôi như thế. Không muốn những phá vỡ, những gió bão. Và cái bến đậu sau này của đời tôi cũng sẽ là một bến đậu bình yên và quen thuộc. Đó là Khoa. Phải, sẽ chỉ là Khoa mà thôi.
Câu chuyện ở đầu quầy với người quản ly ngừng lại sau đó. Huyền về. Và tôi nhìn thấy người đàn ông. Từ ngoài đường y bước vào khách sạn cùng với Huyền và cúi đầu đi nhanh về phía cầu thang. Người quản lý gọi lớn:
- Ông Đạo!
Người đàn ông đứng lại. Người quản lý lấy ở quầy ra một cái phong bì, vẫy người đàn ông:
- Ông có thư.
Người đàn ông từ từ đi lại đón lấy phong thư, không nhìn là thư của ai, chỉ lẳng lặng đút cái phong bì vào túi quần. Tôi chưa từng thấy ai nhận một lá thư gửi cho mình một cách thờ ơ và dửng dưng đến như thế. Người đàn ông cao và gầy. Hai tay dài thòng. Nét mặt khép kín. Toàn thân y, từ cặp mắt sâu đến mái tóc dài, toát ra một vẻ buồn bã chán chường đặc biệt. Tôi đã thấy nhiều người đàn ông buồn. Tất cả những người bạn trai của tôi ở Pleiku đều là những người đàn ông buồn. Nhạc không cười, đăm chiêu hàng giờ trước tách cà phê nguội lạnh. Thập u uất. Dã Thụy bơ vơ, lạc lõng. Ai cũng buồn. Nhưng người đàn ông này có một vẻ buồn thật lạ lùng, không giống với cái buồn của bất cứ một ai. Y quay gót. Người quản lý lại gọi một lần nữa:
- Ông không lấy chìa khóa phòng?
Người đàn ông nhếch mép:
- Tôi quên.
Miếng thẻ có chữ số treo cùng với chiếc chìa khóa y nhận ở tay người quản lý cho tôi biết người đàn ông ở cùng một tầng lầu với hai chị em tôi. Ba chúng tôi rời quầy lên thang. Người đàn ông đi trước, đầu vẫn cúi xuống như đang đắm chìm trong một suy nghĩ miên man chưa dứt. Lên tới hành lang, y dừng lại trước căn phòng đối diện với phòng tôi, mở khóa, đẩy cửa bước vào và đóng sập cửa lại. Thái độ của người đàn ông lạ mặt lúc đó có làm cho tự ái người con gái Pleiku ở tôi bị thương tổn nặng nề. Ai cũng khen tôi xinh đẹp. Ai cũng nói tôi có một mái tóc óng mượt, một khuôn mặt quyến rũ. Tôi ra đường, tất cả những chàng trai, những người đàn ông Pleiku đều quay lại nhìn. Vậy mà từ lúc đối diện ở quầy khách sạn cho tới lúc y vào phòng, người đàn ông không thèm ngó tôi, dù chỉ một lần.
Vậy mà chuyện đã xẩy ra. Lạ lùng và kỳ dị thật. Vậy mà Đạo đã trở thành người đàn ông thứ nhất của đời tôi. Có thể ngờ và có thể tin được không? Tôi và Đạo gặp lại nhau, lần thứ nhì, ngay buổi tối hôm đó. Ăn cơm xong, không biết làm gì, tôi chợt nghe thấy tiếng âm nhạc từ một tầng cao trên đầu vọng xuống. Cả hai chị em cùng chưa buồn ngủ. Buổi tối Sàigòn chỉ mới bắt đầu, với những tiếng động của xe cộ từ những lòng đường phía dưới bay lên và những khung cửa sổ sáng đèn mở rộng khắp bốn phía.
Tôi hỏi Huyền:
- Muốn nghe nhạc không?
Huyền mừng rõ:
- Ở đâu?
Tôi chỉ tay lên trần:
- Trên tầng lầu cao nhất.
Đúng như lời người quản lý, phòng trà của khách sạn nằm ở tầng lầu trên cùng, một nửa lộ thiên, một nửa có mái che. Thang máy đưa chúng tôi lên. Thoạt đầu, tôi không nhìn thấy Đạo. Một người bồi bàn đón hai chị em từ ngoài cửa, dẫn tôi và Huyền tới một bàn gần dàn nhạc. Sàn nhẩy ở chính giữa. Tôi ngồi xuống, gọi đồ uống, nghe hết một bản nhạc mới nhìn thấy người đàn ông ở đối diện với phòng mình. Đạo ngồi sau một bàn bên kia sàn nhẩy, trước một ly rượu mạnh. Lần này, Đạo nhìn tôi đăm đăm. Ly rượu được uống cạn mau chóng. Đạo vẫy tay gọi bồi đưa tới một ly rượu khác. Đạo vừa uống rượu vừa hút thuốc lá. Hút cũng nhiều như uống, liên miên hết điếu này đến điếu khác. Và Đạo nhìn sang tôi, nhìn yên lặng, bằng một cái nhìn dài.
Cảm giác đầu tiên của tôi là một cảm giác khó chịu. Tự ái hồi chiều của tôi đã bị thương tổn. Lần này nó lại tổn thương, bằng một cách khác. Chưa từng một người đàn ông nào lại nhìn tôi sỗ sàng và trắng trợn đến như vậy. Đến tiếp sau cái cảm giác khó chịu là một cảm giác nhột nhạt. Như chính da thịt tôi đã bị cái nhìn đụng tới và làm cho nổi gai lên. Huyền cũng phát giác thấy sự có mặt của người đàn ông. Và cái sự y đang lặng lẽ nhìn tôi. Huyền ghé vào tai tôi thì thầm:
- Thấy thằng cha trước cửa phòng mình chưa?
Tôi gật. Huyền cau mặt:
- Đáng ghét lạ.
Tôi hỏi:
- Sao vậy?
- Chị không thấy y đang nhìn chúng mình sao?
Tôi đập nhẹ vào tay Huyền:
- Mặc y. Đừng để ý tới y là được.
Tôi ngồi quay người lại, chăm chú nghe nhạc. Huyền cũng quên đi không để ý tới người đàn ông nữa. Khoảng mười một giờ đêm chúng tôi rời phòng trà, trở về phòng. Tôi còn nhớ đêm hôm đó, đêm Sài gòn thứ nhất của đời tôi là một đêm rất nồng nực. Khách sạn có nhiều phòng gắn máy lạnh, nhưng gía quá đắt, tôi không mang theo nhiều tiền nên không dám mướn. Phòng chúng tôi chỉ có quạt trần. Thay bộ đồ ngủ nằm xuống mặt đệm, đón hơi gió từ chiếc quạt xoay tròn ném xuống, tôi thấy hơi gió nào cũng chỉ làm cho bầu không khí đã nóng nực càng nóng nực thêm. Có thể là đêm Sàigòn, không nóng đến thế, mà chỉ là tôi đã quen quá với những đêm Pleiku lạnh phải có một tấm chăn phủ kín lên người. Trằn trọc mãi tôi vẫn không ngủ được. Bên cạnh, Huyền đã ngủ, hơi thở đều hòa. Cuối cùng, tôi ngồi lên, mở cửa phòng, đi ra hành lang.
Cửa phòng người đàn ông mở rộng. Y đứng giữa khung cửa, ánh sáng từ phía sau lưng y ném cái bóng y đổ dài trên hành lang. Y vẫn mặc nguyên bộ quần áo tôi đã nhìn thấy, buổi tối, trên phòng trà. Người đàn ông không tỏ vẻ ngạc nhiên một chút nào. Hình như không một cái gì còn có thể làm y ngạc nhiên, kể cả cái trường hợp một người con gái tỉnh nhỏ về Sài gòn,, đến ở một căn phòng khách sạn. Hành lang lúc đó vắng ngắt. Những căn buồng khác đều đã đóng kín, mọi người đã ngủ yên. Tôi lúng túng không biết nên có một thái độ nào. Cái nhìn của người đàn ông thì vẫn là cái nhìn ban nãy, trên phòng trà. Đăm đăm, dữ tợn và bất động. Toàn thân tôi nóng ran. Phút đó, tôi mới nhận thấy là mình đã mặc một bộ đồ ngủ quá mỏng. Để tránh khỏi cái nhìn như đang khám phá từng phần thân thể mình, tôi bặm môi đi nhanh ra phía đầu hành lang. Phía đó là phía nhìn xuống con đường lớn chạy qua trước mặt tiền khách sạn.
Tôi đứng tỳ tay vào lan can nhìn xuống đường với hy vọng là người đàn ông trở vào phòng y và đóng cửa lại. Nhưng không phải thế. Tôi nghe thấy tiếng chân ở sau lưng. Tiếng chân đến gần, thong thả từng bước, vang lên trong yên lặng. Người đàn ông đi theo tôi, đi theo một cách cực kỳ ung dung và bình tĩnh. Rồi tôi thấy y đứng ở bên cạnh tôi, thật gần.
Thái độ của người đàn ông đêm đó đã lạ lùng, đêm đó phản ứng của tôi còn lạ lùng hơn nữa. Tôi chỉ việc bỏ chỗ mình đang đứng, trở về phòng, tắt đèn đi ngủ là xong. Hoặc là khi người đàn ông cất tiếng hỏi chuyện tôi chỉ cần quắc mắt cự tuyệt. Nhưng y hỏi.. và tôi đã trả lời. Và chuyện không thể xẩy ra giữa một người con gái với một người đàn ông lạ mặt đã xẩy ra.
Lan đẩy cửa phòng bước vào.
- Khoa tới rồi đó.
Chuyện cũ nhớ lại làm cho đầu óc tôi mệt lả váng vất. Thấy là mình vừa chảy nước mắt. Cũng may, căn phòng tối mờ Lan không nhìn thấy gì hết. Tôi gắng gượng ngồi lên. Lan hỏi:
- Dễ chịu chưa?
Tôi thở ra một hơi dài, lắc đầu, bước xuống khỏi giường. Trời chẳng nóng nực gì mà mồ hôi đã lấm tấm ở những chân tóc. Ở Sàigòn trở về, hòa nhập trở lại với bầu không khí quen thuộc và trầm lặng của Pleiku tôi đã tưởng là tôi đã quên được. Quên được những đêm khách sạn ấy, quên được hai tuần lễ ở Sài gòn, mê hoảng như một cơn ác mộng. Bây giờ, tôi mới biết mình lầm. Cơn ác mộng vẫn ở trong tôi, phủ trùm trí nhớ, đầy ắp kỷ niệm. Tôi càng cố quên, nó càng hiện hữa. Mỗi lần tôi muốn nhận chìm nó xuống, là một lần nó ngòi bồng lên, như không phải là từ năm ngoái, mà mới đêm qua, mới buổi sáng nay. Thì ra cơn ác mộng đã đi theo tôi trên đường về. Nó ra tới phi trường Tân Sơn Nhất cùng với tôi. Lên cùng một chuyến máy bay. Và khi tôi đáp xuống phi trường Cù Hanh thì nó cũng đáp xuống theo. Và khi tôi về tới quán Nhớ, nó cũng về cùng một lượt. Sự khám phá thật hãi hùng. Bây giờ. Đạo lại có mặt ở thị xã này. Tôi đinh ninh Đạo chỉ đi qua. Không ngờ Đạo đã ở lại. Cặp mắt ấy nhìn tôi, cũng đăm đăm không chớp như đêm nào, trên một hành lang khách sạn. Chúng tôi không bao giờ nên nhìn mặt nhau nữa mới phải. Tôi đã điên cuồng, đã dại dột một lần. Một lần là quá đủ, Đạo muốn gì nữa?
Theo Lan đi ra ngoài tôi đã mất hết tự nhiên. Có cảm tưởng thân thể mình là một khối thủy tinh trong suốt, những ý tưởng thầm kín nhất phơi bày, toàn vẹn không che dấu. Khoa nhìn tôi, nét mặt ngơ ngác:
- Em làm sao thế?
Lan nhanh nhẩu:
- Trúng gió. Em vừa phải lấy dầu xoa cho đấy. Anh Khoa không cám ơn sao?
Khoa cười, nhìn Lan:
- Cám ơn Lan.
Mọi cặp mắt đều đổ dồn vào tôi. Khoa hỏi:
- Đến Dã Thụy hay thôi?
Tôi lắc đầu:
- Để khi khác. Anh làm ơn cho em về.
- Thì hãy ngồi một lát cho tỉnh táo hẳn đã.
Mỗi người nói với tôi một câu, ai cũng tỏ vẻ ân cần săn sóc. Riêng Thư nín thinh không nói một lời nào. Không có bằng chứng rõ rệt nhưng tôi biết Thư đã nghi ngờ. Tôi ngồi tựa lưng vào tường, với câu hỏi hoang mang trong đầu óc là Đạo còn đứng ở ngoài đường hay Đạo đã bỏ đi. Lan pha một tách trà nóng, đưa tới. Tôi bưng ly trà, im lặng uống từng hớp nhỏ. Đời sống không còn bình thường được nữa, tôi đau đớn nhủ thầm. Hay là nói hết cho Khoa biết? Câu trả lời đến ngay với tôi là không thể được, thôi để đó rồi liệu. Sớm muộn rồi tôi cũng phải tìm được cho mình một lối thoát. Điều cần thiết là tôi phải nhìn lại tôi rõ hơn. Xem mình như thế nào. Xem mình muốn gì.
Uống hết tách trà, tôi ra hiệu cho Khoa đứng lên. Nói với Lan:
- Lúc nào rảnh, đến chơi nhé!
Lan cười:
- Lúc nào cũng rảnh. Không chừng chiều đến đó.
Lan tươi như hoa. Nhìn Lan, tôi thèm muốn được như Lan. Qua bao nhiêu cuộc tình tan vỡ, sau đau buồn ở Lan, chỉ chốc lát. Lan quên mau một người đàn ông này để đến với một người đàn ông khác, cũng dễ dàng tự nhiên như đến với người đàn ông trước, tình yêu với Lan là một đam mê, đồng thời cũng chỉ là một trò đùa.
Chúng tôi cùng chào Lan, đi ra. Tôi nghe thấy nhịp tim mình đật thật mạnh trong lồng ngực. Nếu Đạo còn đứng chờ ở ngoài, tôi sẽ phải có với Đạo một thái độ như thế nào? Chẳng lẽ cứ lờ nhau đi mãi. Tôi thở ra nhẹ nhõm. Tôi không nhìn thấy Đạo nữa. Đạo đã bỏ đi. Đạo đã biến mất.
Khoa và Thư đã về rồi. Lúc này là buổi trưa. Quán Nhớ đóng cửa đến ba giờ mới mở lại. Huyền dọn cơm lên mặt quầy. Hai chị em cùng yên lặng ăn. Một lát. Rồi Huyền nhìn tôi hỏi:
- Có chuyện gì vậy?
Tôi giật mình:
- Chuyện gì là chuyện gì?
- Mấy hôm nay, em thấy chị khác lắm. Như người mất hồn.
Tôi tránh cái nhìn của Huyền.
- Tao đang nhiều chuyện bực mình. Ăn đi, đừng hỏi lôi thôi nữa.
Huyền không chịu thôi:
- Vì anh Khoa?
Tôi gắt:
- Anh Khoa có làm gì đâu mà mày nói động tới anh ấy.
- Không phải anh Khoa thì em gái anh KHoa vậy.
- Cũng không phải. Đừng đoán bậy.
Tôi không át giọng Huyền. Nó đoán bậy thật. Những cái nghĩ, những cái tưởng của nó ở cách xa sự thật hàng ngàn cây số. Mới cách đây mấy ngày, Khoa, Thư, Vận còn là những có mặt rực rỡ. Thình lình họ chỉ còn là những bóng hình mờ nhạt. Một hình ảnh khác đã tới đẩy hết thẩy mọi hình ảnh khác sang những đường lề xa tắp. Không gian tôi đang sống là Pleiku. Nhưng chiếm đoạt thần phách tôi, làm rối loạn tâm trí tôi là thứ thời gian quá khứ đó, cái khoảng thời gian năm ngoái ở SàiGòn. Từng chi tiết sống lại. Từng sự việc trở về. Tôi đắn đo rồi hỏi:
- Huyền còn nhớ hồi năm ngoái của chúng mình ở Sàigòn?
Huyền nhai cơm ngon lành, gật:
- Sao không nhớ.
Nó cười:
- Chị Ở khách sạn cả ngày. Em thì đi chơi cùng khắp. Em biết Sàigòn hơn chị là cái chắc.
Tôi gượng cười theo:
- Mày đi chơi ghê thật. Đi những đâu vậy?
Huyền nhứn vai:
- Lung tung. Lên Phú Nhuận vào Chợ Lớn. Cái hôm em không về ăn cơm, chị mắng mãi, biết em đi đâu không? Sang Khánh Hội đó.
Tôi trợn mắt:
- Mày không sợ lạc?
Huyền rụt cổ cười thành tiếng:
- Lạc rồi chứ còn sợ gì nữa.
- Vậy mà mày dấu không cho tao biết.
Huyền điềm nhiên khoe:
- Lạc gần một buổi đó. Em sợ hết hồn. Đã muốn phát khóc. May gặp được một người cảnh sát chỉ cho cách về.
Huyền đi chơi tối ngày, cũng là một điều không may cho tôi, trong hai tuần lễ đó. Nó ở luôn bên cạnh, tôi phải giữ gìn, chưa chắc chuyện đáng tiếc, chuyện ân hận một đời đã xẩy ra. Điều làm tôi băn khoăn là Huyền đã gặp Đạo, thấy Đạo, ít nhất cũng một lần.
Tôi hỏi:
- Huyền còn nhớ cái thằng cha ở đối diện với phòng mình?
Huyền gật, khiến tôi giật mình:
- Nhớ.
Tôi gặng:
- Nhớ như thế nào, nói tao coi.
- Cái thằng cha nhìn chúng mình suốt buổi tối trên phòng trà chứ gì?
- Đúng vậy.
- Một thằng cha khả ố. Nếu em nhớ không lầm.
- Bây giờ gặp lại mày nhận được ra y không?
Huyền cau mày:
- Bỗng dưng chị hỏi đến cái thằng cha mắc dịch ấy làm gì vậy?
Tôi làm bộ ung dung:
- Thử xem trí nhớ mày tốt hay xấu.
Huyền nghiêng đầu, ngẫm nghĩ:
- Lâu quá rồi, làm sao nhận ra được. Nhưng không chừng em nhận ra được cũng nên. Sao?
- Không. Hỏi thế thôi.
Tôi lảng nhanh sang chuyện khác. Bữa cơm được dọn đi. Huyền lui vào phòng trong. Tôi ngồi lại một mình với căn phòng ngoài lặng lẽ. Thường thường, sau bữa cơm tôi phải nằm một chút. Chợp mắt đi hay nghĩ ngợi cho đến giờ mở cửa hàng. Trưa nay, tôi biết giấc ngủ không đến với mình. Cũng không muốn nằm. Tôi nhớ đến mấy buổi trưa Sàigòn, tôi đã đi chơi với Đạo.
Hai chúng tôi đã hẹn nhau từ hồi tối hôm trước. Chờ cho Huyền ngủ say, tôi mở cửa phòng đi ra. Đạo chờ tôi ở dưới đường, cách khách sạn một quãng. Chúng tôi lên một chiếc taxi, và chiếc taxi đã đưa chúng tôi đến những khu vực khác của thành phố, thật xa khách sạn. Một buổi tối Đạo đưa tôi ra tận vùng ngoại ô. Tôi không nhớ tên, chỉ nhớ vùng đó có một giòng sông nhỏ và một cây cầu gỗ. Phía bên kia cây cầu là những bãi cỏ chạy dài và mất hút dưới những bóng cây um tùm, tôi đã nằm trên một trong những bãi cỏ ấy, dưới một trong những bóng lá ấy, với Đạo. Những cái hôn của Đạo kéo dài, tôi nhắm nghiền mắt, mê mẩn, trời đất, chung quanh hết thẩy đều tan biến.
Một buổi trưa khác, Đạo đưa tôi lên một khách sạn tồi tàn trong khu Chợ Lớn. Cái cầu thang đi lên ngập ngụa rát rưởi. Căn buồng ẩm thấp, bẩn thỉu. Vậy mà tôi đã đi theo Đạo, như Đạo muốn dẫn tôi tới chân trời góc biển nào tôi cũng đi theo. Như bên cạnh Đạo, mọi cưỡng chống ở tôi đã bị hủy diệt. Bây giờ, chỉ mới nhớ thoáng lại, đã thấy ngượng thẹn đến nóng bừng mặt mũi. Tại sao lại như thế? Câu trả lời là trong tôi, có một con người khác. Cái con người thứ hai ấy ngủ kỹ với Pleiku, đã thức dậy lần đó, chuyến đi đó, với Sàigòn.
Tiếng Huyền từ phòng trong vọng ra:
- Chị không ngủ trưa?
Tôi đứng lên, nói lớn:
- Không.
Những bước chân thẫn thờ đưa dẫn tôi tới gần cửa ra vào. Khung cửa có nhiều kẽ hở. Tôi đứng lại trước một kẽ hở nhìn ra đường. Sự kinh ngạc làm tôi suýt buột miệng kêu lớn. Một người đàn ông đứng ở hè đường bên kia, nhìn sang quán Nhớ. Người đàn ông đó là Đạo.
Thì ra Đạo đã đi theo tôi mà tôi không hay. Đạo đút hai tay vào túi quần, miệng ngậm một điếu thuốc lá. Cặp mắt tôi mở lớn. Tôi nhìn qua khe cửa, không chớp mắt. Hệt như ở phi trường, hệt như ở quán Thu Vàng, tôi lại bối rối đến cực điểm. Tôi đang muốn dấu tất cả mọi người, đang muốn chạy trốn một sự thật. Cái sự thật đó lại đang theo sát, tôi có cảm tưởng hãi hùng như mình không còn trốn chạy vào đâu được nữa.
Sự kinh hoàng của tôi gia tăng. Qua khe cửa, tôi nhìn thấy Đạo ném mẩu thuốc lá xuống chân rồi cất bước đi sang. Tôi lùi vội lại một bước, ẩn mình vào một góc tối. Tim tôi như ngừng đập. Tôi không nhìn thấy Đạo nữa. nhưng đã nghe thấy tiếng chân tiến lại thật gần. Tiếng chân ngừng lại. Bây giờ thì người đàn ông và tôi chỉ còn cách nhau bằng cái khoảng cách ngắn ngủi của một cánh cửa.
Một tiếng gõ cửa nổi lên. Tôi nín thở đứng yên. Hai chân tôi như chôn xuống đất toàn thân bàng hoàng, tê liệt. Tiếng gõ cửa lại nổi lên. Rồi thôi. Tiếng chân xa dần. Đạo bỏ đi.
Phải đến năm phút, tôi mới thở ra được, mới cử động được. Tôi vào nhà trong nằm vật xuống bên cạnh Huyền. Nó hỏi, giọng ngái ngủ:
- Ai đó, chị?
Tôi nói dối:
- Làm gì có ai?
- Rõ ràng em vừa nghe thấy tiếng gõ cửa.
- Mày ngủ mê thì có.
Huyền trở mình ngủ tiếp. Tôi nằm thẳng, nghĩ cuộc lánh mặt của mình không thể kéo dài thêm được nữa. Sớm muộn rồi Đạo cũng trở lại. Tôi cần tìm gặp Đạo trước. Để ngăn cản, không để cho người đàn ông này tới quán Nhớ.