Truyện ngắn Nga chọn lọc do Bùi Việt Thắng chọn và giới thiệu
Chuyện chuồng bồ câu của tôi
I.BABEN

Tặng M. Goócki

Hồi còn nhỏ tôi rất thèm có một chuồng bồ câu. Suốt đời tôi không có mơ ước nào thôi thúc mạnh mẽ hơn. Mãi đến năm tôi lên chín, bố tôi mới hứa cho tiền mua ván gỗ và ba đôi bồ câu. Hồi ấy là năm một nghìn chín trăm linh tư. Tôi đang chuẩn bị dự kỳ thi tuyển vào lớp dự bị trường trung học Nhicôlaep. Gia đình tôi sinh sống ở thành phố Nhicôlaep, tỉnh Khecxônxcaia. Bây giờ tỉnh này không còn nữa, vì thế thành phố của chúng tôi đã được nhập vào quận Ôđetxki.
Tôi mới lên chín và tôi sợ các kỳ thi. Nhưng về cả hai môn tiếng Nga và số học, không thể nào tôi được điểm dưới năm (1). Ở trường trung học chúng tôi, định mức trúng tuyển rất ngặt, vẻn vẹn có năm phần trăm. Trong số bốn mươi học sinh, chỉ hai thằng bé Do thái có thể được lấy vào lớp dự bị. Các thầy giáo đặt cho những đứa trẻ này những câu hỏi rất lắt léo. Không ai bị hỏi rắc rối như chúng tôi. Vì thế, lúc hứa cho mua bồ câu, bố tôi đòi phải có hai điểm năm cộng. Ông làm tình làm tội tôi, tôi chìm trong một giấc mơ không bao giờ chấm dứt ngay cả trong khi tỉnh, giấc mơ tuyệt vọng kéo dài của trẻ con, và tôi đã đi thi trong trạng thái chiêm bao ấy, nhưng dù sao vẫn thi đỗ khá hơn các thí sinh khác.
Tôi vốn có năng khiếu về khoa học. Dù đã dùng nhiều mánh khóe, các thầy giáo vẫn không thể nào làm tôi bối rối và mất trí nhớ. Tôi vốn giỏi về khoa học nên đã được hai điểm năm. Nhưng sau đó tất cả đã thay đổi. Kharitôn Êphrutxi, nhà buôn ngũ cốc xuất cng lúa mì sang Macxây, đã đút lót năm trăm rúp để chạy cho thằng con trai, vì thế tôi bị ghi năm điểm trừ chứ không được năm điểm, và thằng bé nhà Êphrutxi đã chiếm chỗ của tôi ở trường trung học. Lúc ấy bố tôi hết sức đau khổ. Từ năm tôi lên sáu ông đã dạy tôi tất cả các môn khoa học có thể có trên đời. Chuyện năm điểm trừ đẩy ông tới tuyệt vọng. Ông định nện Êphrutxi một trận hoặc thuê hai tay phu khuân vác đánh Êphrutxi, nhưng mẹ tôi đã can được bố tôi, và tôi bắt đầu chuẩn bị dự một kỳ thi khác, tổ chức năm sau, vào lớp một. Gia đình tôi đã nói với thầy giáo dạy tôi trong một năm cả chương trình lớp dự bị lẫn chương trình lớp một nhưng không cho tôi biết. Vì chúng tôi tuyệt vọng về mọi mặt nên tôi đã học thuộc lòng ba cuốn sách. Ba cuốn ấy là cuốn ngữ pháp của Xmianôpxki, cuốn các bài toán của Eptusepxki và cuốn sách giáo khoa sơ yếu lịch sử Nga của Putrưcôvit. Trẻ con ngày nay không học mấy cuốn sách ấy nữa, nhưng tôi đã học thuộc lòng, từng dòng, và năm sau trong kỳ thi, về bài tiếng Nga tôi đã được thầy Caravaep cho điểm không thể có được là năm cộng.
Thầy Caravaep này là một nhân vật bất mãn trong số các sinh viên Matxcva, da dẻ hồng hào. Chưa chắc thầy đã đến ba mươi. Cặp má cương nghị của thầy đỏ tươi như trên mặt những đứa trẻ nông dân, một bên má có mụn cóc. Ngoài Caravaep, trong kỳ thi còn có phó đốc học Piatnhitxki, cụ được coi là một nhân vật quan trọng trong trường và trong toàn tỉnh. Phó đốc học hỏi tôi về Piot Đệ Nhất. Lúc ấy tôi có cái cảm giác mê mẩn, cái cảm giác thấy mình đang kề sát sự kết thúc và vực thẳm, một vực thẳm ráo hoảnh, đầy hân hoan và tuyệt vọng.
Về Piot Đệ Nhất tôi đã thuộc lòng qua cuốn sách của Putrưcôvit và những câu thơ của Puskin. Tôi nức nở đọc những câu thơ ấy, và những mặt người bỗng hiện lên trong mắt tôi và trườn đi như những cây bài bật ra từ một cỗ bài mới. Những mặt người ấy bị xáo trộn dưới đáy mắt tôi và trong những giây phút ấy, tôi run lên, dướn thẳng người, vội vã gào hết sức đoạn thơ của Puskin. Tôi lớn tiếng đọc rất lâu những câu thơ, nhưng chẳng ai cắt ngang cách trả lời sát hạch điên dại của tôi. Qua sự mù quáng mang một mầu đỏ rực, qua cm giác tự do hoàn toàn xâm chiếm mình, tôi chỉ trông thấy khuôn mặt già nua của cụ Piatnhixki cúi nhìn tôi với chòm râu bạc. Cụ không ngắt lời tôi mà chỉ nói với Caravaep đang sung sướng vì tôi và vì Puskin:
- Một dân tộc quả là lạ lùng, - ông già khẽ nói, - dân Do thái các ông toàn là những tay bị quỉ ám.
Và khi tôi nín lời cụ nói:
- Được rồi, thôi ra ngoài kia, anh bạn nhỏ của tôi...
Tôi rời khỏi lớp học, ra hành lang và ngoài ấy tôi dựa lưng vào bức tường không quét vôi, bắt đầu tỉnh lại sau cơn mê sảng kinh giật. Những đứa trẻ người Nga nô rỡn quanh tôi, cái chuông nhà thờ treo gần đấy bên trên cầu thang dành cho nhân viên nhà trường, bác gác trường ngủ gà ngủ gật trên chiếc ghế dựa bị đè lún xuống. Tôi nhìn bác gác trường và tỉnh lại. Từ tất cả các phía có những đứa trẻ lẻn đến gần tôi. Không biết chúng nó định bụng trêu tôi hay chỉ muốn đùa một chút, nhưng cụ Piatnhixki bỗng xuất hiện trong hành lang. Lúc đi qua chỗ tôi, cụ đứng lại một chút, chiếc áo lễ phục từ từ lượn sóng nặng nề trên lưng cụ. Tôi nhận thấy một vẻ xao xuyến trên cái lưng cánh phản đần đẫn những thịt của một nhà quí tộc, bèn đi tới gần ông già.
- Này các trò, - cụ nói với bọn học sinh,- đừng bắt nạt thằng bé này nhé, - rồi cụ đặt bàn tay to béo, trìu mến lên vai tôi.
- Anh bạn nhỏ của tôi ạ, - cụ Piatnhixki quay lại nói, - về nói cho bố con biết là con đã được nhận vào lớp một.
Một ngôi sao lộng lẫy lóng lánh trên ngực cụ, tấm bội tinh lách cách trên ve áo, cái thân hình cao lớn bận sắc phục đen của cụ bắt đầu rời chỗ trên cặp chân rất thẳng. Cái thân hình ấy bị ghìm ép giữa những bức tường ảm đạm, trườn đi giữa những bức tường ấy như chiếc xà lan dưới một con kênh sâu rồi biến mất sau cánh cửa phòng giám đốc. Một người hầu bưng trà vào cho cụ trong những tiếng loạt soạt long trọng, còn tôi thì chạy tế về nhà, về cửa hiệu.
Trong cửa hiệu nhà chúng tôi, một bác nông dân mua hàng đang ngồi gãi, vẻ mặt đầy vẻ nghi ngại. Trông thấy tôi, bố tôi bỏ luôn bác ta đấy và không một hai gì cả, tin ngay lời tôi kể. Ông quát anh bán hàng đóng cửa hiệu rồi chạy bổ đến phố Nhà Thờ mua cho tôi cái mũ có huy hiệu. Bà mẹ đáng thương của tôi phải vất vả lắm mới lôi được tôi ra khỏi tay con người đang sướng như điên này. Trong giây phút này mặt người tái nhợt và người thăm dò số phận. Người vuốt ve tôi rồi lại đẩy tôi ra, vẻ gớm guốc. Người nói rằng các học sinh được nhận vào trường trung học đều được công bố trên báo và Thượng đế sẽ trừng phạt chúng ta, con người sẽ chê cười chúng ta nếu chúng ta mua đồng phục quá sớm. Mặt mẹ tôi nhợt nhạt, người cố dò hỏi số phận trong con mắt tôi và nhìn tôi với vẻ khát khao đầy cay đắng như khi người ta nhìn một thằng bé tàn tật, vì riêng người biết rằng chúng tôi là một gia đình bất hạnh thế nào.
Tất cả những người đàn ông thuộc dòng họ chúng tôi đều cả tin người khác và dễ có những hành động thiếu cân nhắc. Chúng tôi chẳng có hạnh phúc về mặt nào. Ông tôi xưa kia đã từng là rap-bi theo Nhà thờ Trắng, nhưng lại bị đuổi ra khỏi đấy vì tội báng bổ. Sau đó cụ sống thêm bốn mươi năm ầm ĩ và chán ngán, học những tiếng nước ngoài và bắt đầu mất trí năm tám mươi tuổi. Bác Lêp nhà tôi, anh của bố tôi, đã học trường đạo Do thái ở Vôlưgiưnxki. Năm 1892, bác từ bỏ cuộc đời làm lính, quyến rũ được cô con gái viên sĩ quan quân nhu đóng ở quân khu Kiep. Bác Lêp đã đưa người đàn bà ấy sang Caliphoocnia, đến ở Lôt-Angilet, rồi ở bên ấy, bác lại bỏ người đàn bà ấy và chết trong nhà điên, giữa những người da đen và người Mã-lai. Sau khi bác chết, cảnh sát Mỹ đã gửi cho chúng tôi di sản của bác ở Lôt-Angilet: một cái hòm to đánh đai sắt nâu. Trong hòm có những quả tạ tập thể dục, vài lọn tóc đàn bà, chiếc khăn ông tôi thường trùm đầu khi cầu nguyện, những chiếc roi có tay cầm mạ vàng và cây chè nở hoa trên cái hộp nạm ngọc trai rẻ tiền. Toàn gia đình chỉ còn bác Simôn điên, bố tôi và tôi. Nhưng bố tôi quá tin người. Ông làm người ta bực mình với những cơn hoan hỉ khoái trá trong mối tình đầu của ông đối với người ta. Người ta đã không tha thứ cho bố tôi điều đó và đã lừa bịp bố tôi. Vì thế bố tôi đinh ninh rằng cuộc đời của ông bị chi phối bởi một số phận cay nghiệt, một cái gì không thể hiểu rõ nó theo đuổi làm khổ ông và xung khắc với ông về mọi mặt. Vì thế trong cả gia đình tôi, mẹ tôi chỉ còn có mình tôi. Cũng như tất cả những người Do thái, tôi nhỏ bé, gầy yếu, và vì học nhiều nên có chứng nhức đầu. Tất c những điều đó, mẹ tôi nhìn thấy hết, người không bao giờ mất sáng suốt trước cái thói hợm hĩnh kiểu dân nghèo của chồng, cũng như trước niềm tin tưởng không thể nào hiểu nổi của ông cho rằng ngày nào đó gia đình chúng tôi sẽ giầu mạnh hơn những con người khác trên đời này. Mẹ tôi không chờ đợi sự thành đạt đến với chúng tôi, người sợ không dám mua trước cho tôi chiếc áo b-lu đồng phục mà chỉ cho phép tôi đến hiệu ảnh chụp một bức chân dung to.
Ngày hai mưi tháng Chín năm một nghìn chín trăm linh năm, tại trường trung học đã treo danh sách các học sinh được vào lớp một. Trên bảng có ghi cả họ tên tôi. Cả họ nhà tôi đã kéo đến xem tờ giấy này.
Ngay đến ông Sôil, ông chú tôi cũng tới trường trung học. Tôi thích ông già huênh hoang này vì ông buôn cá ở chợ. Hai bàn tay rất dầy của ông lúc nào cũng ướt, đầy vảy cá và nặc mùi những thế giới lạnh lẽo tuyệt đẹp. Ông Sôil còn khác người bình thường ở những chuyện bịa mà ông thường kể về cuộc nổi dậy năm 1861 ở Ba Lan. Trước kia ông đã từng làm chủ một quán rượu nhỏ ở Xcvira. Ông có trông thấy những tên lính của Nhicôlai đệ nhất xử bắn bá tước Côlepxki và những người khác trong nghĩa quân Ba Lan, nhưng cũng có thể là ông không được chứng kiến vụ này. Ngày nay thì tôi biết ông Sôil chỉ là một ông già vô học, bịa chuyện một cách ngây thơ, song các mẩu chuyện của ông rất hay, tôi không bao giờ quên. Và thế là cả ông cụ ngớ ngẩn Sôil cũng tới trường trung học đọc tấm bảng ghi họ tên tôi được nhận vào lớp một rồi đến tối ông giậm chân nhảy múa trong buổi khiêu vũ nghèo nàn ở nhà chúng tôi.
Bố tôi đã tổ chức một cuộc khiêu vũ nhân chuyện vui mừng, có mời các bạn của ông: những người buôn ngũ cốc, những người môi giới mua bán dinh cơ điền sản và những người chào hàng bán máy móc nông nghiệp trong khu chúng tôi. Các bác chào hàng này bán máy móc cho bất cứ ai. Nông dân cũng như địa chủ đều sợ họ, chưa mua gì thì đừng hòng bứt khỏi họ. Trong toàn thể dân Do thái, những người chào hàng là những con người từng tri nhất, vui nhộn nhất. Trong tối vui của chúng tôi, họ hát những bài ca của giáo phái Khaxi, chỉ gồm vẻn vẹn ba từ, nhưng hát rất kéo dài với những âm điệu buồn cười. Chỉ những ai đã có dịp ăn lễ Phục sinh ở chỗ những người Khaxi hay đã đến những nhà thờ ầm ĩ của họ trong vùng Vôlưn mới hiểu được tính chất duyên dáng trong các âm điệu ấy.
Ngoài các bác chào hàng, đến nhà chúng tôi còn có cụ Libecman, người dạy tôi kinh thánh Do thái và tiếng Do thái cổ. Nhà chúng tôi gọi cụ là m-xi- Libecman. Cụ uống rượu vang Betxa-rabi quá mức nên uống, những di băng lụa truyền thống tuột ra ngoài chiếc áo gi lê đỏ của cụ, và cụ dùng tiếng Do thái cổ để nói những lời nâng cốc chúc mừng tôi. Trong những lời nâng cốc này, ông già chúc mừng bố mẹ tôi rằng trong kỳ thi tôi đã đánh bại tất cả các địch thủ của tôi, tôi đã thắng những đứa trẻ má phính người Nga cũng như con cái các nhà trọc phú Do thái. Chẳng khác gì đời xưa Đavit vua sứ Giuđê đã đánh bại Gôliat, và cũng như tôi đã chiến thắng Gôliat, nhân dân chúng tôi, với sức mạnh của mình, sẽ chiến thắng các kẻ thù vây quanh chúng tôi và chờ chúng tôi đổ máu. M-xi- Libecman nói mấy lời như thế thì òa lên khóc. Cụ vừa khóc vừa uống thêm rượu vang rồi kêu to: “Hoan hô!” Khách khứa lôi cụ vào vòng khiêu vũ và nhảy với cụ một điệu ca-đri cổ như trong một đám cưới ở khu Do thái.
Trong cuộc khiêu vũ của chúng tôi mọi người đều vui, ngay đến mẹ tôi cũng nhấm nháp chút rượu vang tuy người không thích rượu và không hiểu tại sao người ta lại có thể thích rượu. Vì thế người coi tất cả những người Nga là những kẻ điên rồ và không hiểu sao lại có những người đàn bà có thể sống với những người chồng Nga.
Song những ngày hạnh phúc của chúng tôi đến muộn hơn. Đối với mẹ tôi, những ngày ấy chỉ đến khi sáng sáng trước lúc tôi đến trường học, người sửa soạn cho tôi những chiếc bánh mì kẹp nhân, khi mẹ con tôi vào các cửa hiệu mua những đồ trang trí cho cây thông Nô-en của tôi: hộp bút, cái ống dành tiền, cái cặp đeo sau lưng, những quyển sách mới có bìa các tông và những quyển vở học giấy láng. Trong đời này không ai có cảm xúc mạnh hn con trẻ trước các đồ vật mới. Mùi đồ mới làm trẻ con run lên như con chó đánh hơi thấy dấu vết thỏ rừng. Lúc ấy chúng có cái trạng thái mất trí sau này sẽ được gọi là cảm hứng khi chúng ta trở thành người lớn. Và cái cảm xúc trong lành của con trẻ khi được làm chủ những vật mới cũng truyền sang người mẹ. Chúng tôi phải mất một tháng mới quen với hộp bút và cái cảnh tranh tối tranh sáng lúc sớm mai khi tôi uống nước trà bên mép cái bàn to có thắp đèn và xếp sách vở vào cặp. Chúng tôi đã mất một tháng mới quen với cuộc sống hạnh phúc của chúng tôi và mãi sau học kỳ một tôi mới nhớ tới những con bồ câu.
Tôi đã chuẩn bị đầy đủ để nuôi bồ câu: một rúp năm mươi cô-pếch và chuồng chim mà ông Sôil làm bằng một cái thùng. Chuồng chim sơn mầu nâu. Nó có những ngăn đủ nuôi mười hai đôi, với những cái nắp kiểu khác nhau trên mái và một cái lưới đặc biệt do tôi sáng chế để dụ bắt những con chim ở nơi khác. Hôm chủ nhật hai mươi tháng Mười tôi sửa soạn tới phố Phường Săn, nhưng trên đường lại gặp những trở ngại bất ngờ.
Câu chuyện tôi vừa kể, tức là chuyện tôi vào lớp một trung học đã xảy ra mùa thu năm một nghìn chín trăm linh năm. Hồi ấy vua Nhicôlai ban cho dân Nga một bản hiến pháp. Những người diễn thuyết mặc áo bành tô sờn rách leo lên những cái bệ của nhà hội đồng thành phố để phát biểu với dân chúng. Ngoài phố đêm đêm vang lên những tiếng súng, vì thế mẹ tôi không muốn cho tôi tới phố Phường Săn.
Hôm hai mươi tháng Mười, từ sáng những đứa bé ở các nhà láng giềng đã thả rắn vào ngay đồn cảnh sát và người đánh xe ngựa chở nước của chúng tôi đã vứt bỏ mọi công việc để đi nghênh ngang ngoài phố, đầu chải bri-ăng-tin, mặt đỏ như quả bồ quân. Sau đó chúng tôi thấy mấy thằng con người chủ hiệu bánh mì lôi con ngựa gỗ bọc da ra phố để tập thể dục ngay giữa lòng đường. Chẳng ai cản trở chúng nó. Viên cảnh sát Xêmecnhicôp lại còn kích thêm, thậm chí nhảy cao hơn chúng nó. Xêmecnhicôp thắt cái dây lưng nhà dệt lấy và hôm ấy đôi ủng của hắn được đánh bóng lộn, trước kia ủng của hắn chưa bóng sạch như thế bao giờ. Viên cảnh sát ăn vận không đúng đồng phục đã là điều làm mẹ tôi sợ nhất, vì thế người không để cho tôi ra đường. Song tôi vẫn lẻn ra đường qua sân sau rồi chạy đến phố Phường Săn; trong thành phố chúng tôi, phố này ở sau nhà ga.
Tại phố Phường Săn bác Ivan Nhicôđimưt bán chim bồ câu bao giờ cũng ngồi ở một chỗ. Ngoài chim bồ câu bác còn bán những con thỏ nhà và một con công. Con công xòe đuôi đứng trên cái thanh chim đậu và thn nhiên quay đầu nhìn ra tứ phía. Một chân nó bị buộc bằng sợi dây bện, đầu kia sợi dây bị kẹp dưới chân chiếc ghế đan của bác. Vừa đến nơi tôi mua ngay của ông già một đôi bồ câu màu tím đỏ có bộ đuôi to rậm xơ xác và một đôi có mào, rồi cho tất cả vào một cái túi và bỏ vào trong ngực áo. Mua xong tôi còn bốn mươi cô-pêch, nhưng với giá này ông già không muốn bán cho tôi một con đực và một con cái giống mỏ khoằm. Tôi thích những con bồ câu mỏ khoằm ở cái mỏ ngắn có những nốt lồi to và cái tính hiền lành thân thiện. Bốn mươi cô-pêch là vừa phải đối với cặp chim này, nhưng người bán cứ nói cao giá và khuôn mặt vàng ệnh, bừng bừng cái vẻ ham mê thèm khát của một người bẫy chim cứ quay đi không nhìn tôi. Đến cuối buổi chợ, bác thấy không thể kiếm được một khách hàng nào khác, mới gọi tôi. Tất cả đã diễn ra theo ý muốn của tôi, nhưng tất cả đã kết thúc một cách tệ hại.
Đến mười hai giờ trưa hoặc muộn hn một chút có một người đi ủng dạ qua bãi chợ. Bác ta đi nhanh nhẹn với cặp chân sưng phù, hai con mắt rực lên sôi nổi trên bộ mặt dãi dầu.
- Bác Ivan Nhicôđimưt ạ, - lúc đi qua chỗ người bán chim bác ta nói, - thôi bác thu dọn về ngay đi, trong thành phố các nhà quý tộc Giêruydalem đang tiếp nhận hiến pháp đấy. Ở phố Hàng Cá ông bố già nhà Baben đã bị nện chí tử.
Bác ta nói rồi nhẹ nhàng đi len lỏi giữa những chuồng chim như người thợ cày đi chân đất trên bờ ruộng.
- Làm như thế không đúng đâu, - bác Ivan Nhicôđimưt lầu bầu sau lưng nhà bác kia, - làm thế không đúng đâu, - bác kêu to, giọng nghiêm khắc hơn, bắt đầu thu dọn những con thỏ và con công rồi giúi cho tôi hai con bồ câu mỏ khoằm lấy bốn mươi cô-pếch.
Tôi giấu đôi chim vào trong ngực áo và bắt đầu nhìn người ta chạy khỏi phố Phường Săn. Con công trên vai bác Ivan Nhicôđimưt ra đi cuối cùng. Nó cứ đứng như mặt trời trên bầu trời ẩm xì mùa thu, như tháng Bảy trên một bờ sông hồng hồng, tháng Bảy bị hun bỏng trên lớp cỏ cao lạnh lẽo. Trong chợ không còn ai nữa. Gần đấy vang lên những phát súng. Tôi bèn chạy ra ga, lao qua cái vườn hoa lập tức đổ ụp xuống trước mặt tôi và phóng như bay vào một ngõ vắng tanh, con đường đất vàng khè trong ấy đã bị giẫm chặt. ở cuối ngõ tôi trông thấy bác Macarencô cụt chân ngồi trên cái ghế có bánh xe. Bác ta vẫn đi khắp thành phố trên cái ghế này để bán thuốc lá. Bọn con trai phố tôi mua thuốc lá của bác. Tôi chạy bổ tới chỗ bác ngồi trong ngõ.
- Bác Macarencô ơi, - hổn hển vì vừa chạy, tôi nói và vuốt vuốt một bên vai bác cụt chân, - bác có trông thấy ông Sôil không?
Người tàn tật không tr lời, bộ mặt thô bạo của bác ta sáng ra, bộ mặt được tạo ra bằng mỡ đỏ, bằng những nắm đấm, bằng sắt thép. Bác ta ngọ nguậy trên cái ghế, vẻ xao xuyến. Người vợ tên là Cachiusa xoay cặp mông to bệu như làm bằng bông, đang soạn những thứ đồ ngổn ngang dưới đất.
- Đếm được những gì hử? - Người đàn ông vừa hỏi vừa đưa toàn thân lùi xa người đàn bà, tựa như cảm thấy trước là không thể chịu nổi câu trả lời.
- Ghệt bó chân mười bốn chiếc, - mụ Cachiusa không ngồi thẳng dậy, trả lời, - vải bọc chân sáu cái, bây giờ mũ vải đang đếm...
- Mũ vải, - Macarencô quát lên rồi vừa thở hổn hển vừa phát ra một thứ tiếng khóc nấc, - Cachêrina ạ, xem ra Chúa đã kiếm được tôi để bắt tôi chịu tội chịu nợ thay tất cả mọi người... Người ta lấy được hàng súc vải nguyên, người ta có chẳng thiếu thứ gì, người ta thì thế, còn nhà này thì đang đếm mũ vải...
Và đúng vậy, một người đàn bà đang chạy trong ngõ với bộ mặt xinh đẹp bừng bừng, một tay ghì vào người một ôm mũ kiểu Thổ-nhĩ-kỳ, tay kia mang một súc dạ. Bằng một giọng sung sướng hòa lẫn với tuyệt vọng, người ấy réo gọi những đứa con bị lạc, cái áo dài lụa và chiếc áo ngoài màu da trời ôm lẳn lấy cái thân hình như đang bay lên, và người ấy không để ý tới Macarencô đang cho chiếc xe lăn theo mình. Người cụt chân không theo kịp, bánh xe kêu lọc xọc, tay vẫn ra sức kéo đẩy hai cái cần.
- Ma-đam yêu quí,- Macarencô gào inh tai, - bà lấy được vải sọc ở đâu thế, ma-đam yêu quí?
Nhưng người đàn bà trong cái áo tung bay đã mất hút. Từ trong góc phố một chiếc xe ngựa ngật ngưỡng chạy tới. Một tay nông dân đứng thẳng trên xe.
- Bà con ta chạy đi đâu thế? - Gã thanh niên hỏi và giơ cao đoạn dây cương đỏ trên hai con ngựa hom hem đang nhảy lên dưới cái cổ ngựa.
- Mọi người đều đổ đến phố Nhà Thờ đấy, - Macarencô nói giọng van lơn, - ai cũng đến đấy cả, anh chàng tốt bụng ạ, anh kiếm được những gì thì cứ lôi về đây cho tôi, tôi sẽ mua hết...
Gã kia khom lưng về phía trước xe, quất cặp ngựa khoang còm nhom. Như hai con bò non, hai con ngựa hất những cái mông bẩn thỉu, chạy lao đi. Cái ngõ vàng ệnh còn lại vàng ệnh và vắng tanh. Lúc này người cụt chân mới chuyển cặp mắt mờ đục nhìn tôi.
- Phải chăng Chúa muốn đến tìm tôi, - Macarencô nói giọng đờ đẫn, - đang cần đến tôi phải không, con của con người...
Và Macarencô chìa cho tôi bàn tay mang những dấu vết của bệnh hủi.
- Trong cái túi của mày có gì thế hử? - Lão nói rồi giật lấy cái túi đang sưởi ấm trái tim tôi.
Bàn tay to đần đẫn của người tàn tật lắc những con chim và lôi từ trong cái túi ra sáng một con bồ câu màu tím đỏ. Con chim nằm gọn trong bàn tay, hai chân chổng lên trời.
- Bồ câu, - Macarencô nói rồi cho những bánh xe kêu ken két, tiến tới sát tôi, - bồ câu, - lão nhắc lại và đập vào má tôi.
Lão vung tay đánh tôi bằng bàn tay đang nắm con chim. Cặp mông to tầy giành của mụ Cachiusa quay lộn trong tròng mắt tôi và tôi ngã vật xuống đất với chiếc áo bành tô mới.
- Tông giống chúng nó thì phải diệt cho tiệt nòi, - lúc ấy mụ Cachiusa dướn thẳng người trên những chiếc mũ vải và nói, - cái tông giống chúng nó tôi không thể nào mê được, mà bọn đàn ông chúng nó thì hôi hám...
Mụ còn nói gì gì về tông giống chúng tôi nhưng tôi không nghe thấy gì nữa. Tôi vẫn còn nằm dưới đất, lòng ruột con chim bị đập chết chảy từ thái dương tôi xuống dưới, ngoằn ngoèo trên má, bắn tung ra, làm tôi tối mắt tối mũi. Một đoạn ruột chim trườn mềm mại trên trán tôi, và tôi nhắm một con mắt không bị quáng lòa để khỏi trông thấy cái thế giới đang trải ra trước mặt. Cái thế giới nhỏ nhen và rùng rợn. Một hòn đá nằm trước mắt tôi, hòn đá thủng lỗ chỗ như mặt một mụ già có cái hàm bạnh to, một mẩu dây nằm cách đấy không xa với đám lông vẫn còn thở. Cái thế giới của tôi thật nhỏ hẹp và đáng sợ. Tôi nhắm mắt để khỏi trông thấy nó và áp chặt mình xuống mnh đất nằm bên dưới tôi trong sự câm lặng làm tôi yên lòng. Mảnh đất bị chà đạp này chẳng có chút gì là đời sống của chúng ta và sự chờ đợi những cuộc sát hạch trong cuộc đời chúng ta. Trên mảnh đất này, ở một nơi xa, tai họa đang cưỡi một con ngựa to, nhưng tiếng vó ngựa đang yếu đi, không còn nghe thấy nữa, và không khí yên lặng, cái yên lặng cay đắng đôi khi làm những đứa trẻ đang bất hạnh kinh ngạc, bỗng nhiên xóa hết ranh giới giữa thể xác tôi và mảnh đất chẳng chuyển rời đi đâu cả. Từ dưới đất bốc lên mùi những nơi sâu thẳm ẩm ướt, mùi mồ hôi, mùi hoa. Tôi ngửi thấy mùi đất và khóc òa lên nhưng không cảm thấy sợ chút gì. Tôi đi theo một dãy phố không phải của mình, đầy những cái hộp trắng, với đồ trang trí là những đám lông đẫm máu, một mình giữa hai hè phố quét sạch bong như trong một ngày chủ nhật và khóc một cách cay đắng, thỏa mãn, sung sướng, như suốt đời không bao giờ còn được khóc như thế nữa. Những đường dây điện trắng bệch rung vang trên đầu, một con chó giống thường chạy phía trước.
Trong cái ngõ bên cạnh, một tay mu-gích trẻ tuổi mặc áo gi-lê phá khung cửa sổ nhà Haritôn Êphrutxi. Anh ta phá bằng một cái vồ gỗ và dùng toàn thân lấy đà để vung cái vồ, vừa thở hổn hển vừa mỉm cười nhìn chung quanh với nụ cười đôn hậu của những khi người ta say sưa, đổ mồ hôi và cảm thấy sức mạnh tinh thần của mình. Cả dãy phố vang lên những tiếng răng rắc, roàn roạt, tiếng hát của gỗ bắn tung tóe. Anh nông dân này đập phá chỉ để được cúi gập mình, đổ mồ hôi và gào lên những từ ngữ lạ lùng của một thứ tiếng không phải là tiếng Nga mà tôi không biết. Anh ta gào lên các từ ngữ ấy và hát, cặp mắt màu lam giương to đến muốn rách ra, cho đến khi trên phố xuất hiện một đám rước mang thánh giá đi từ nhà hội đồng thành phố tới. Những ông già có những chòm râu nhuộm mang chân dung của ông vua tóc chải mượt, những lá phướn có hình các thánh đồ bay phấp phới bên trên đám rước, những bà già bị kích động chạy bổ tới. Anh nông dân mặc áo gi-lê trông thấy đám rước, vội áp cái vồ vào ngực và chạy theo những lá phướn. Còn tôi thì chờ cho đám rước đi qua hết mới lần về nhà. Nhà chúng tôi trống huếch trống hoác. Hai cánh cửa sơn trắng mở toang, cỏ ở chỗ chuồng bồ câu bị giẫm nát. Một mình cụ Cudma không rời khỏi nhà. Cụ Cudma là người coi nhà, cụ ngồi trong nhà kho để sửa sang thi thể cho ông Sôil đã chết.
- Gió thổi cháu đi như mảnh vỏ bào ngu xuẩn, - trông thấy tôi, ông già nói, - cháu bỏ đi bằn bặt bao nhiêu lâu rồi... Cháu thấy không, ở đây người ta hành hạ ông cụ nhà ta thế này đây...
Cụ Cudma thở phì phì, quay lưng lại và lôi trong đường xẻ quần của ông tôi ra một con cá vược. Ông tôi bị nhét vào người hai con cá: một con vào đường xẻ quần, một con vào miệng. Tuy ông tôi đã chết, nhưng một con cá vẫn còn sống, còn quẫy.
- Ông cụ nhà ta bị chúng nó đánh đập, không ai khác bị đánh nữa đâu, - cụ Cudma vừa nói vừa ném hai con cá cho con mèo. - Ông cụ chửi cha chửi mẹ tất cả mọi người, chửi cha chửi mẹ chẳng từ một ai, ông già cừ thật... Cháu phải đặt hai đồng năm cô-pếch lên mắt cụ mới phải...
Nhưng hồi ấy, mới lên mười, tôi còn chưa biết vì sao người chết cần có những đồng năm cô-pếch.
- Ông Cudma ơi, - tôi khẽ nói, - ông cứu chúng cháu với.
Rồi tôi đến gần ông lão coi nhà, ôm cái lưng già nua xiên xẹo của cụ với một bên vai nhô cao, và tôi trông thấy ông tôi sau cái lưng ấy. Ông Sôil nằm trên vỏ bào, ngực hõm xuống, râu vểnh lên, hai bàn chân không đi bít tất thọc trong đôi giày đặt xoạc ra, bẩn thỉu, xám ngoét, hết sức sống. Cụ Cudma cặm cụi bên hai chân ông tôi, đeo hàm dưới lên cho sát vào hàm trên và cứ tính toán xem còn cần làm gì thêm cho người đã qua đời. Cụ bận rộn lăng xăng cứ như trong nhà vừa có món đồ mới sắm và chỉ đứng lặng đi sau khi đã chải xong bộ râu cho người chết.
- Ông cụ chửi cha chửi mẹ tất cả, - cụ mỉm cười nói và âu yếm nhìn xác chết, - nếu bọn Tac-ta gặp cụ thì có lẽ cụ cũng tống cổ cả bọn Tac-ta đi, nhưng đây lại là bọn Nga kéo đến, có cả những mụ đàn bà, những con ca-trap cùng đến với chúng nó. Khi những đứa ca-trap tha thứ cho người ta thì chúng nó bực mình, ta biết bọn ca-trap lắm...
Ông lão coi nhà lấy mùn cưa rắc lên người quá cố, cởi cái tạp dề thợ mộc rồi nắm lấy tay tôi.
- Ta đến chỗ bố cháu đi, - cụ lẩm bẩm và nắm tay tôi càng chặt hơn, - bố cháu đi tìm cháu từ sáng, lo chết được...
Thế là cùng với cụ Cudma, tôi đến nhà ông thanh tra thuế vụ, nơi bố mẹ tôi ẩn náu, tránh đợt tàn sát người Do thái.

Nguyễn Thụy Ứng dịch

Đăng lần đầu trên tạp chí “Đất hoang Đỏ” 1925, số 4, tháng Năm. Tác giả ghi: 1925. (N.D.)

1. Ở Liên Xô sau cũng như trước cách mạng, điểm cao nhất là năm. (N.D.)