Chưong 1 - 2

Làng Ke thì đứa nào chẳng biết. Tụi nhóc như bầy sói con, xưa nay chẳng ngóc ngách nào trong làng là chưa thăm dò, sục sạo. Tất nhiên nếu không kể đồi Phù Thuỷ.
 
Nhưng làng Ke theo lời mô tả của thầy Râu Bạc mang một hình ảnh vô cùng mới mẻ:
Làng Ke của các trò, hừm, dĩ nhiên là của cả ta nữa, có hình thù của một con ngựa. Đầu ngựa hướng Bắc, đuôi ngựa hướng Nam, bụng ngựa hướng Đông, lưng ngựa hướng Tây. Đầu ngựa có miếu thờ thần Tam giáp, người có công thành lập làng. Bụng ngựa là chợ Ke. Khu dân cư trải dài từ cổ ngựa đến rốn ngựa, được chia thành sáu khúc…
Nguyên và Kăply giương cặp mắt lạ lung uống từng lời thầy giảng. Kăply thôi vùng vằng với cuốn tập trước mặt. Nó khoanh tay để trên bàn, công nhận là thầy giảng hay thiệt. Trước nay tụi nó chưa nghe ai nói về làng Ke cặn kẽ và hấp dẫn đến thế. Nhưng có một điều Nguyên và Kăply rất háo hức muốn biết, vậy mà ngồi ngóc cổ cả buổi vẫn không nghe thầy nhắc tới. Đó là đồi Phù Thuỷ.
 
Đồi Phù Thuỷ nằm sau lưng trường, thuộc về hướng Tây. Nhưng thầy Râu Bạc cứ thao thao về đầu ngựa, đuôi ngựa và bụng ngựa mà chẳng nhắc gì đến lưng ngựa.
Thế còn lưng ngựa, thưa thầy?
Năm, sáu tiếng nói vọng lên từ các dãy bàn.
Trò nào nhảy vô họng ta đó? – Thầy Râu Bạc trừng mắt – Trò có biết hồi đó ông ngoại của trò…
Nhưng thầy Râu Bạc nhận ngay ra là có tới cả đống học trò “nhảy vô họng” thầy cùng một lúc nên thầy không biết phải bắn tia nhìn của thầy vế hướng nào. Thầy lừ lừ quét mắt từ trái qua phải, rồi từ phải qua trái, chòm râu dày và trắng của thầy rung rinh như có gió thổi, rồi trước vẻ mặt sợ hãi của học trò, thầy thở phì một cái và thình lình hạ giọng:
Lưng ngựa hả? Lưng ngựa là núi. Là vách núi. Là núi thì chẳng có gì để kể cả!
Thầy chấm câu bằng cách một lần nữa dộng thước đánh “rầm” xuống mặt bàn khiến mấy cuốn sách đang nằm ngủ trên đó giật mình nẩy tưng lên. Đám học trò cũng giật bắn lên theo và khi hoàn hồn tụi nó nơm nớp hiểu rằng tốt nhất là chớ có dại dột hỏi thêm một câu nào nữa về cái lưng ngựa cấm kỵ kia.
Ngày mai tao sẽ lại leo lên đồi! -  Trên đường về, Nguyên thì thầm vào tai Kăply.
Đi một mình hở? – Kăply lo lắng hỏi.
Một mình, nếu mày không đi theo.
Nguyên nói và nhìn Kăply qua khoé mắt, vẻ chờ đợi.
 
Nhưng Kăply không nói gì. Rõ rang Kăply và Nguyên là bạn thân, nhưng có thân đến mức sẵn sang cùng bạn dẫn xác đi lên ngọn đồi âm u rùng rợn và chắc chắn đầy rẫy nguy hiểm đó không thì Kăply còn phải nghĩ thêm một lát nữa.
Theo tao, trên đó chẳng có gì nguy hiểm cả! – Như đọc được sự đắn đo trong lòng bạn, Nguyên bỗng nói – Toàn là cây cối. Và gió thổi lộng. Ờ, thêm vài con thú nhỏ. Những con thú nhỏ thì chẳng làm hại ai.
Chim choc nữa! – Kăply bổ sung.
Nguyên hớn hở, giọng nó du dương như tiếng sáo:
Thì mày cũng biết rồi đấy, toàn những thứ vô hại cả!
Nhưng Kăply không để bị mê hoặc. Những thứ vừa kể đúng là vô hại. Nhưng đó là những thứ hữu hình. Còn những thứ vô hình nữa chi. Cuối cùng nó đành dốc ra nỗi lo lắng trong lòng:
Nhưng nếu vậy, tại sao ngọn đồi đó có tên là đồi Phù Thuỷ?
Câu hỏi của Kăply khiến Nguyên xịu mặt. Tiếng nói của nó nghe hệt tiếng bong bong xì hơi:
Điếu đó thì tao chẳng biết!
Nó lật đật nói thêm:
Và cả làng Ke chắc cũng mù tịt!
Rõ ràng Nguyên cố làm Kăply hiểu rằng đó là chuyện đương nhiên, có nghĩa là đừng băn khoăn về cái tên vớ vẩn đó làm chi.
 
Nhưng cũng rõ ràng là Kăply không nghĩ như vậy:
Theo tao, có một người biết.
Cặp long mày trên trán Nguyên lập tức xếp thành một đường thẳng:
Mày muốn nói tới thầy Râu Bạc?
Ờ, thầy chứ ai! Thầy sống không biết bao nhiêu năm ở cái làng này rồi, chắc từ lúc ông tụi mình chưa sinh. Dám ông cố mình hồi bé cũng học thầy lắm à.
Nguyên thò tay lên đầu dứt mạnh một sợi tóc:
Nhưng mày cũng thấy hồi sáng nay rồi, thầy làm như không muốn nhắc gì đến đồi Phù Thủy.
Chính vì vậy tao mới nghi thầy biết rõ về nó!
Kăply nói như thể nó chỉ phỏng đoán nhưng căn cứ vào cái giọng chắc nịch của nó, có thể thấy nó sẵn sàng nuốt luôn cái lưỡi nếu nó đoán sai.
 
Nguyên cắn môi, mặt nó nhăn lại không rõ vì ý nghĩ trong đầu quá hắc ám hay tại răng nó lỡ cắn mạnh quá:
Chẳng lẽ mày định đến gặp thầy trước khi quyết định có lên đồi hay không?
oOo
Nếu áp dụng các hình ảnh mà thầy Râu Bạc vừa vẽ ra sáng nay để mô tả địa thế làng Ke, thì căn nhà của thầy nằm ngay… mông ngựa. Đó là một căn nhà gỗ nhỏ nằm ở hướng Tây Nam, tuốt rìa làng. Căn nhà đứng lẻ loi dưới một cây đa cổ thụ, cách xa khu dân cư làng Ke vốn tập trung đông đúc ở hướng Đông, trông cao ngạo, lạnh lẽo và huyền bí như một cái miếu thờ. Người làng Ke coi lối sống tách biệt của thầy Râu Bạc là chuyện hiển nhiên, mà thực ra thì một bậc kỳ lão như thầy cũng xứng đáng sống trong một cái miếu thờ lắm, tất nhiên là với điều kiện thầy phải sốt sắng qua đời.