Câu chuyện đã có thể kết thúc tại đây. Nhưng chúng ta thử nhìn thêm một chút nữa xem sao! Xem gia đình của một người sau hai năm thử xem! Họ sống trong một chung cư, ở tận lầu ba. Nhà gồm bốn phòng, tuy không rộng lắm nhưng cách bài trí thật vén khéo. Trên tường phòng khách được dán bằng loại vải cao su màu sữa có những sọc kim tuyến. Từ cửa ngoài nhìn vào là thấy ngay một bức tranh hình hai thiếu nữ với nụ cười ẩn hiện trên môi. Nếu ta hay đọc báo thì hẳn bức tranh này không có gì xa lạ. Đấy là bức “Nụ Cười” đã được phòng triển lãm tranh tại Pháp tuyển chọn làm tác phẩm xuất sắc nhất. Nhà họa sĩ trẻ ngoài vinh dự lớn trên còn được số tiền thưởng lớn. Bên cạnh bức đó còn một bức khác cũng được vào chung kết. Dưới hai bức tranh, là chiếc đàn dương cầm, chiếc đàn mà ngày xưa Hàn Ni thường ngồi đàn cho Vân Lâu nghe. Một chú chó Bắc Kinh, nằm dưới chân đàn, và một người đàn ông ngoại ngũ tuần đang ngồi đó. Đó là ông Khiêm, một người đàn ông hoàn toàn khác hẳn năm xưa, một con người đường bệ đang ngồi chăm chú đàn một bản nhạc vừa được sáng tác. Ngoài chiếc đàn ra, trong phòng khách còn một bộ sa lông ba ghế màu đen, màn cửa màu xanh nhạt. Một bình hoa hồng đỏ trên nắp đàn làm ấm hẳn cái vẻ lạnh lẽo gian phòng. Đấy là một buổi chiều mùa hạ, nắng tốt. Ông Khiêm ngồi bên đàn dạo đi dạo lại khúc nhạc đắc ý. Một thiếu phụ trẻ tuổi trong chiếc áo xanh, đầu thắt nơ vàng bước tới, ân cần hỏi: - Cha không thấy mệt sao? - Tiểu My, con nghe bản nhạc này thế nào? Đoản khúc thứ hai có cao lắm không? - Hay lắm cha ạ. Tiểu My sung sướng nhìn cha. Cảm ơn trời phật! Nàng nhớ lại những nỗi khó khăn lúc cùng Vân Lâu đưa cha đến bệnh viện, những giây phút bực mình khổ sở... Nhưng rồi mọi việc cũng qua đi. Bây giờ ông Khiêm đã cai được rượu. Việc sáng tác lại bắt đầu. Những bản nhạc do ông Khiêm sáng tác tuy không được hoan nghênh lắm, nhưng cũng có một vài bản được đưa lên đài phát thanh, đó là niềm an ủi lớn của ông. Gần đây, một công ty điện ảnh đã mời ông làm nhạc đệm cho phim. Đối với ông Khiêm, một chân trời mới bắt đầu, và ông mê sáng tác trở lại. - Chừng nào thì thằng Lâu về? - Anh ấy bảo nếu sớm thì một giờ và nếu trễ khoảng ba giờ. Ngưng một chút, đột nhiên Tiểu My nhìn ông Khiêm hỏi – Cha có biết hôm nay họ định làm gì không? - Làm gì? - Con không hiểu sao mới tờ mờ sáng Thúy Vi chạy đến đấy kéo Vân Nhi đi mất, bỏ cả học hành. Hai vợ chồng bác Dương lại gọi điện thoại mấy lần đến hỏi bao giờ anh Lâu về. Bây giờ cha lại hỏi nữa. Con nghi có chuyện gì đây? Ông Khiêm quay mặt sang nơi khác, dấu một nụ cười: - Tao... tao có biết chuyện gì đâu? - Con biết mà, mọi người đang dấu con chuyện gì đây. - Ai dấu cô cái gì mới được chứ? Vân Lâu với nụ cười tươi bước vào. Trên tay chàng là một gói giấy to. Bây giờ chàng không còn là một anh sinh viên nghèo hốc hác nữa, chàng đã trở thành con người lúc nào cũng bận rộn, là đứa con cưng trong giới hội họa. Mỗi bức tranh đều có một giá tương xứng thật cao, mọi người đổ xô nhau mua tranh của chàng như một cái “mốt”. Ngoài công việc hội họa, chàng còn dạy học. Công việc tuy bận rộn hơn, nhưng Vân Lâu vẫn béo, vẫn khỏe. - Mấy người đang nói lén tôi chuyện gì đó? - Có nói gì đâu! Tiểu My cười đáp – Sáng nay không hiểu có chuyện gì mà Thúy Vi đến kéo Vân Nhi đi mất, em không hiểu họ định bày trò gì đây. - Có lẽ họ đi chơi đấy mà, chúng nó có vẻ thân nhau dữ hả em. - Cô Thúy Vi vui tính đấy chứ, có điều lạ là em không hiểu sao lúc xưa anh không yêu cô ta, nếu em là đàn ông chắc em... - May mà em không phải là đàn ông. Vân Lâu hớt lời, đi vào trong chàng hỏi vọng ra – Còn bé Hàn đâu em? Ngủ rồi hở? Tiểu My đuổi theo sau: - Anh đừng hôn con, nó giật mình đấy. Nó sợ nhất là hàm râu anh, đâm đau thấy mồ. - Được rồi, không cho anh hôn con thì anh hôn mẹ nó vậy. - Đừng... đừng... Anh Lâu! Ông Khiêm ngồi trong phòng khách, nghe những lời âm yếm kia bất giác cười to. Đã làm cha làm mẹ rồi mà vẫn nồng như ngày mới cưới! Có tiếng chuông của reo, Tiểu My bế con chạy ra, đứa bé kháu khỉnh trên tay vừa độ năm tháng trông thật dễ thương vô cùng. Vân Lâu cứ mãi tiếc sao Tiểu My chẳng sinh đôi để chàng đặt tên như ngay nào ước nguyện. Đứa bé được đặt tên là Tư Hàn để tưởng nhở đến Hàn Ni. Vân Lâu thường đừa với vợ: - Em cố gắng sinh đôi đi chứ, sinh một thế này mãi thì phải kết thúc bằng một lần sinh đôi mới được. Tiểu My trách yêu: - Anh chỉ tổ nói nhảm. Bước về phía cửa Tiểu My định mở, thì có tiếng Vân Lâu hỏi phía sau: - Ai thế? Vân Nhi phải không? Năm ngoái Vân Nhi đến Đài Loan học, nàng ở chung với anh ruột và chị dâu. Cửa mở, bên ngoài cửa không hẳn chỉ có một mình Vân Nhi, mà còn có cả một đám đông ồn ào. Ông bà Dương, Thúy Vi... Ngoài ra còn có một đôi vợ chồng già khác với nụ cười hớn hở trên môi, đấy là vợ chồng ông Mẫn. Tiểu My ngạc nhiên, Vân Lâu cũng ngạc nhiên, chỉ có ông Khiêm là bình tĩnh đứng cười. Vân Lâu gọi lớn: - Cha mẹ! Cha mẹ đến từ bao giờ, sao chẳng cho con hay để con ra phi trường đón? Ông Mẫn cười thật tươi: - Bọn này sang đây từ sớm rồi, nhưng muốn dành cho chúng bay một ngạc nhiên nên không báo trước. Đâu cô dâu với cháu nội đâu, mẹ mày nóng lòng muốn nhìn mặt chúng nó từ sớm. Tiểu My chợt tỉnh, bế con bước tới trước, nàng trao đứa bé cho người đàn bà lớn tuổi, đôi mắt đang nhòa lệ. - Mẹ! Tất cả bước vào gian phòng, bấy giờ Vân Lâu mới phát giác ra một điều là trên tay Thúy Vi là một chiếc bánh cưới ba tầng, bên trên có cắm hai ngọn hồng lạp. Chàng ngạc nhiên: - Cái này... cái này là cái gì đây? Ông Mẫn cười trách yêu: - Sao đãng trí thế? Hôm nay là ngày thành hôn hai mươi năm của chúng bay, bằng không tao với mẹ mày sang đây làm gì? - À! Thì ra... Vân Lâu quay sang nhìn Tiểu My. Tiểu My đang đứng dưới bức tranh Hàn Ni, mắt mờ lệ vì cảm động. Chàng bước tới nắm chặt tay vợ. Thúy Vi và Vân Nhi vỗ tay rồi mọi người vỗ tay theo. Ngay cả cô bé mới năm tháng cũng đưa những ngón tay bụ bẫm lên đón mừng. Giữa khung cảnh như thế, chúng ta có thể rút lui để họ hưởng trọn hạnh phúc và niềm vui mật ngọt. Ai dám bảo trên đời không có tình yêu và tình người chứ? Thế gian này được kết thành từ tiếng Yêu. Nếu bạn còn bịn rịn chưa muốn rời, thì tối đến, mời bạn trở lại. Đứng tựa vào khung cửa sổ, bạn sẽ nghe tiếng đàn vọng ra và tiếng hát của Tiểu My: ”Tình như chim liền cánh Em chẳng sợ đường dài Dù gian nan trắc trơ? Vẫn có nhau trong đời...” Hết