Bạn đã nghe qua câu chuyện “tiệc đầu lưỡi“ chưa? Yso nhà ngụ ngôn nổi tiếng của Hi Lạp cổ đại, khi còn trẻ đã từng làm nô lệ cho một nhà quý tộc. Một lần, chủ nhân của ông mở tiệc mời khách. Các vị khách được mời đều là những nhà triết học nổi tiếng của Hy Lạp đương thời. Chủ nhân ra lệnh cho Yso chuẩn bị tiệc rượu và làm những món ăn ngon nhất để đãi khách. Thế là Yso đã đi tìm lấy các loại đầu lưỡi động vật, chuẩn bị một bữa “tiệc đầu lưỡi“. Khi bắt đầu khai tiệc, chủ nhân vừa ăn một miếng liền kinh ngạc hỏi: “Đây là cái gì vậy?“. Yso trả lời: “Ngài đã bảo tôi phải chuẩn bị món ăn ngon nhất cho các vị khách quý, đầu lưỡi chính là nơi bắt nguồn của các loại học vấn uyên bác, vì vậy, đối với các nhà triết học đây mà nói, đầu lưỡi chẳng phải là món ăn ngon nhất hay sao?“ Các vị khách nghe Yso nói xong đều gật đầu lia lịa và cười ồ cả lên. Chủ nhân ra lệnh cho Yso: “Vậy thì ngày mai người lại làm một bữa tiệc nữa, lần này thì là các món ăn tồi nhất“. Sang ngày thứ hai khi mọi người ngồi vào bàn tiệc thì vẫn thấy toàn là lưỡi, chủ nhân bèn vặn hỏi, Yso bình tình trả lời rằng: “Lẽ nào tất cả những chuyện xấu xa đều không phải từ miệng mà ra sao, vì vậy đầu lưỡi vừa là thứ tốt nhất cũng vừa là thứ xấu xa nhất“. Chủ nhân im lặng không nói gì. “Lưỡi vừa là thứ tốt đẹp nhất, cũng vừa là thứ xấu xa nhất“. Câu nói trên mang ý nghĩa khá sâu sắc và đầy tư tưởng biện chứng. Quả thật, tài ăn nói có tính hai mặt: những người nói năng hoạt bát, nói những lời hay ý đẹp thì làm việc bao giờ cũng thuận lợi như ý. Những người nói năng không khiêm tốn, hay dùng những lời lẽ cay nghiệt để hại người thì chỉ gây ra những chuyện thị phi và mang hoạ vào thân mà thôi. Như vậy thế nào mới không bị mắc hoạ từ miệng? Người viết cho rằng chủ yếu có hai điểm cần chú ý: ° Tránh những lời lẽ thô tục. Khi nói chuyện phải coi trọng sự văn minh lịch sự, đây là yêu cầu tối thiểu nhất. Những lời lẽ và thái độ khi nói chuyện không văn minh như ngôn ngữ thô tục, trong miệng đầy những lời nói vô văn hoá tục tĩu, cay nghiệt làm hại người khác.... thường dẫn đến những kết quả chẳng vui vẻ gì, ảnh hưởng đến giao tiếp, làm bại hoại phong cách sống. Xin hãy xem ví dụ dưới đây: Thời gian đi làm và tan sở, người đi xe buýt rất đông, người A khó khăn lắm mới chen được lên xe, anh ta xì dài một tiếng, không cẩn thận đụng trúng người B đứng đằng trước. Người B không hề khách khí nói ngay: “Dũi gì mà dũi, ai mà không biết năm nay là năm lợn“. Người A nghe qua tức quá cũng không chịu kém, đốp lại: “Năm chó qua rồi, anh sủa cái gì?“ Hai người cãi cọ, mọi người xung quanh nghe xong đều không nhịn được liền phá lên cười, kiểu châm biếm này không tránh khỏi hơi chanh chua cay nghiệt. Nếu hai người đều có thái độ đối xử đúng đắn, anh kính tôi nhường thì sẽ không dẫn đến tình cảnh nực cười như vậy Ví dụ, người B nói: “Xin anh chú ý một chút, anh chen vào tôi rồi“, người A thì nói: “Thật không phải, xin anh thông cảm“, như vậy sẽ có thể tránh được tình trạng nói trên. Lại có một câu truyện như sau: Ở một làng nọ có một thằng bé đang học lớp 7, thành tích học tập của nó không tốt, có rất nhiều môn dưới điểm trung bình, cha nó tức giận không kịp suy nghĩ mà mắng chửi nó: “Ông mày nuôi một con lợn, một năm cũng có thể bán được mấy trăm đồng, nuôi mày thì được tích sự gì! Thi lại cũng không nên thân, mày xéo đi cho ông?“ Thằng bé tự biết sức học của nó không thể bỗng chốc khá lên được bèn viết một lá thư để lại rồi bỏ đi, báo hại cho phụ huynh phải chạy Đông chạy Tây tìm nó, còn phải đăng quảng cáo tìm người. Kết quả là tốn mất mấy ngàn đồng, qua mấy tháng trời mới tìm được. Mẹ của thằng bé cũng vì lo quá mà mắc bệnh tinh thần. Suy nghĩ của trẻ con rất đơn thuần, hơn nữa ý chí lại rất mềm yếu, dễ bị tổn thương, vì vậy không nên mắng chửi, nói những lời cay nghiệt với chúng, trẻ con cũng có lòng tự trọng của chúng chứ. Chúng ta lại xem một câu truyện dưới đây: Có một gã choai choai nhìn thấy một thiếu phụ dung nhan xinh đẹp, thân hình đẫy đà bèn cố ý chạm vào người cô khi gã đi ngang qua, lấy tay vuốt vào mông cô. Thiếu phụ thoạt đầu thì giật mình sau đó tức giận không nói lên lời: “Cậu...“ gã choai choai đểu cáng nói: “Tôi, tôi thì làm sao, cô cũng đi, tôi cũng đi, đó là do mông của cô chạm vào tay tôi đấy chứ?“. Thiếu phụ không nén nổi cơn giận lôi gã lại và chửi cho một trận. Sau cùng cảnh sát đến bắt gã đi, nhất định gã sẽ nhận được một bài học thích đáng, thật đáng kiếp. Những người dân thường cần chú ý nói năng văn minh lịch sự, đối với những vị lãnh đạo thì ngôn ngữ lại càng không thể dung tục, tuỳ tiện, nếu không sẽ chỉ làm cho vấn đề trở nên rắc rối thêm. Xin hãy xem câu chuyện dưới đây: Tháng 7 năm 1959, trước khi phó tổng thống Mỹ Nixon đi thăm Moscow, Quốc hội Mỹ đã thông qua nghị quyết cho phép khống chế các nước. Trong cuộc gặp giữa Khrushchev và Nixon, Khrushchev rêu rao rằng đây là một sự khiêu khích nghiêm trọng, là một nghị quyết mang tính đe doạ ngu xuẩn. Ông ta dùng tay đấm lung tung xuống mặt bàn, lại còn tức giận thốt ra vài câu thô lỗ, đến người phiên dịch ngồi cạnh ông ta cũng phải đỏ cả mặt, một lúc sau, người phiên dịch mới nói: “Nghị quyết này tiếng tăm rất hôi thối, như mùi bốc lên từ đống phân ngựa vừa được thải ra, chẳng có mùi nào có thể khó ngửi hơn mùi này nữa“. Do Nixon biết rằng Khrushchev trước đây đã từng là người chăn lợn nên cũng không hề chịu kém mà đớp lại rằng: “E rằng ngài chủ tịch đã nhầm rồi, có một mùi còn khó ngửi hơn cả mùi phân ngựa, đó chính là mùi phân lợn“. Sau khi nghe phiên dịch nói lại lời của Nixon, mặt Khrushchev bỗng đỏ bừng, nhưng cũng không tiện tức giận ra mặt, ông ta chỉ ngượng ngập cười và nói: “Về điểm này có lẽ ông đã đúng, bây giờ chúng ta hãy chuyển sang vấn đề khác đi“. ° Tránh chỉ ra điểm yếu của người khác. Ai cũng có những điểm yếu riêng. Vì vậy, khi nói chuyện với người khác cần phải tránh đề cập đến những thứ mà đối phương kiêng kỵ. Bởi vì, tâm lý kỵ huý là điều mà ai cũng có. Đến ngay cả AQ - nhân vật trong truyện của Lỗ Tấn - người mà thường sử dụng phép thắng lợi tinh thần cũng không phải là ngoại lệ. Hắn ta thường sử dụng biện pháp này để tự an ủi mình, vì vậy mà rất ít khi đối mặt với những chuyện phải lo nghĩ nhiều. Cho dù người khác lừa hắn, chửi hắn, hắn vẫn có thể kiềm chế được bản thân. Chỉ một chốc là có thể lấy lại được cân bằng, duy chỉ có một điều hắn ghét nhất, đó là bị người khác gọi là điên. Chỉ cần có người đứng trước mặt hắn nhắc đến chữ điên hoặc phát ra một âm gần giống với từ “lại“, hoặc đề cập đến những chữ “hoảng“, “lượng“, “đăng“, “chúc“. Hắn sẽ tức đến đỏ mặt tía tai. Nếu nó mạnh thì hắn chửi, nếu nó yếu thì hắn đánh. Trong thời đại phong kiến, số người do không lưu tâm, nói năng phạm vào điều cấm kỵ dẫn đến hoạ rơi đầu cũng có vô số. Vị anh hùng áo vải Trần Thắng, người trước đây từng làm tôi tớ nhưng sau này đã dựng nên nghiệp lớn rất kỵ người khác nhắc đến xuất thân hèn kém của mình. Một vài huynh đệ đã từng vào sinh ra tử với ông vì vô tình đã làm tổn thương đến “hình tượng lãnh tụ” của ông nên đã chuốc lấy hoạ diệt thân. Hoàng Đế khai quốc nhà Minh là Chu Nguyên Chương cũng đã từng là “hòa thượng“, là “giặc“ (từ để chỉ những người khởi nghĩa trong thời đại phong kiến). Từ khi làm hoàng đế, ông rất kỵ người khác nhắc đến việc “mất thể diện“ đó. Nếu như có người nhắc đến những từ như “hoà thượng“, “tăng“, “sinh“ trước mặt ông thì cũng có nghĩa là tự lãnh cho mình tội chết. Ông cũng không cho phép người khác nhắc đến chữ “tặc“ (giặc), thậm chí cả từ có cách đọc gần giống là “tắc“ cũng không được nhắc đến nếu không sẽ bị chặt đầu. Trong thời đại phong kiến, bước phát triển đỉnh cao của tâm lý kỵ huý này chính là sự mọc lên của những “nhà tù văn tự”. Có rất nhiều văn nhân học giả vì phạm huý đối với những nhà cầm quyền đương thời mà phải chịu cảnh lao tù trong suốt cuộc đời còn lại, thật đáng tiếc làm sao. Những người bình thường cũng có tâm lý kỵ huý. Nếu như bạn gặp những người bị hói đầu mà nói những câu như “Tức đến mức khó mà dựng cả tóc tai lên được“ hay là “Cái đèn này sao tự nhiên không sáng vậy?“ hoặc là “Hôm nay mặt trời chiếu sáng quá“ thì nhất định người này sẽ biến sắc mặt vô cùng tức giận quay ngoắt bỏ đi và hẳn bạn sẽ cảm thấy rất bối rối. Vậy phải làm thế nào mới không phạm huý? Chúng tôi cho rằng trước tiên phải tìm hiểu những điều mà đối phương kiêng kỵ. Đối với những việc mà đối phương cho là cấm kỵ thì nhất nhất phải luôn chú ý không nhắc tới để tránh làm tổn thương đến họ. Trước mặt người hói đầu không nên nói từ “bóng“, trước mặt người béo không nên nói từ “mỡ”, trước mặt người gầy không nên nói từ “khỉ“, trước mặt người lùn không nên nhắc đến “Võ Đại Lang“ (một nhân vật trong truyện Thuỷ Hử có chiều cao rất thấp), trước mắt người có dung mạo không đẹp không nên nói “xấu xí“, người có tật ở chân không nên nói “chấm phẩy“, trước mặt người gù không nên nói “gánh vác nặng nề“. Đối với những người có một tâm nguyện chưa được hoàn thành thì cũng nên tránh nói đến nỗi đau của họ. Ví dụ như không nên thao thao bất tuyệt về cuộc sống trên đại học trước mặt những người học hành không đỗ đạt, không nên nói nhiều đến chuyện sinh con đẻ cái đối với những người hiếm muộn, đối với những người có hành vi trộm cắp thì không nên nhắc đến “Lầu A Thử“. Tránh phạm huý không chỉ là vấn đề nghệ thuật ngôn ngữ và khéo léo trong quan hệ giữa con người mà còn là vấn đề về thái độ đối với bạn bè, đồng nghiệp. Tôn trọng người khác cũng có nghĩa là tôn trọng chính mình. Vì vậy, trong giao tiếp nhất thiết phải tránh phạm huý, giữ gìn lời ăn tiếng nói để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra do nói năng thiếu suy nghĩ gây nên.