Nhờ dùng ánh sáng chánh niệm chiếu soi vào cái giận, ta bắt đầu thấy được gốc rễ của nó. Cái giận có nhiều nguyên do, vì hiểu lầm, vì vụng về, vì sự bất công hoặc vì tâm ta chứa nhiều hạt giống sân hận. Những nguyên nhân này có thể đã có mặt trong ta và trong người làm ta giận. Ta phải dùng chánh niệm để quán chiếu mới có thể nhận diện được chúng và hiểu được bản chất của chúng. Phải thấy và hiểu, ta mới có thể có từ và bi. Ta không ăn được khoai sống, nhưng không phải vì vậy mà ta vứt nó đi. Ta có thể luộc cho khoai chín. Ta bỏ khoai vào nồi nước và ta đậy nắp lại, bắt lên lửa. Lửa là chánh niệm, là hơi thở ý thức, là sự quán chiếu cái giận. Cái nắp là định lực, là sự tập trung vì nó ngăn không cho hơi nóng bay ra ngoài. Khi ta theo dõi hơi thở và thực tập quán chiếu cái giận, ta cần phải tập trung tâm ý để giữ vững chánh niệm. Do đó ta không để tâm chạy tán loạn. Nếu ta đi thiền hành ngoài trời, giữa cỏ cây hoa lá; sự thực tập càng dễ dàng hơn. Ngay khi ta đặt nồi khoai lên lò lửa, sự chuyển đổi đã bắt đầu. Nước bắt đầu nóng. Mười phút sau thì nước sôi. Nhưng ta không tắt lửa vì ta phải đợi cho khoai chín. Cũng như vậy, khi ta theo dõi hơi thở và quán chiếu cái giận, sự chuyển hóa đã bắt đầu. Sau nửa giờ đồng hồ, ta mở nắp ra và ta ngửi thấy mùi khoai thơm. Bây giờ là lúc ta có thể ăn khoai. Cái giận đã biến thành một năng lực khác, năng lực hiểu biết và thương yêu.