Kỳ 33

Chẳng hiểu sao, hai cái móc đều không móc được vào sợi cáp hãm tốc độ. Robert rồ ga, tăng tốc độ, vọt lên không trung. Lần thứ hai hạ cánh cũng không thành công, anh ta bắt đầu nổi nóng. Nghe giọng nói, biết Robert không còn bình tĩnh, người chỉ huy hạ cánh đã ra lệnh nâng lưới chắn ở cuối đường hạ cánh lên, đề phòng. Quả nhiên, lần thứ ba chiếc móc trên chiếc F-8E của anh ta cũng không móc được vào sợi dây hãm tốc độ hạ cánh, anh ta vừa đẩy tay ga, toàn bộ chiếc máy bay đã bị lưới hãm trùm chặt không nhúc nhích được. Robert được kéo ra khỏi lưới, anh ta vội vã chạy ra phía đuôi, chiếc móc bằng thép to gần bằng cái dĩa inox, vẫn đựng miếng thịt bò bữa ăn tối, đã không thấy, cả đoạn thép to bằng cổ tay hơn một mét tự động thò ra cùng với chiếc móc chẳng còn. Robert bực mình co chân đá mạnh vào chân một người lính thợ, làm cho anh này phải đưa đến trạm xá trên hạm chữa trị gần một tuần mới đi lại được. Dù biết Crommell xỉa xói, nhưng Crommell là một tay đấm có hạng, đã từng thượng đài, nên Robert cười trừ, nói:
- Thiếu tá, chúng ta sẽ chứng minh lời nói của mình ở trên không.
- Vâng, tôi rất muốn chúng ta sẽ nói và làm như nhau. Ở trên trời mọi lời khuyên đều vô nghĩa, chỉ có bản lãnh của người đàn ông mới đáng nói.
Lúc đó, đồng hồ của Crommell chỉ 7 giờ 30. Tiếng còi báo động lan tỏa chói lói, những phi công đều nhanh chóng rời khỏi căng-tin. Có người còn vội vã uống hết ly sữa. Crommell kịp nhìn Robert bình tĩnh ngửa cổ đổ hết tách cà phê vào miệng rồi mới bước đi.

*

7 giờ 30 phút ngày 3 tháng 4 năm 1965 vùng trời sân bay Nội Bài nhiều mây, chân mây thấp,sương mù dày đặc, tầm nhìn chưa đến 5 ki-lô-mét. Khu vực Hàm Rồng tầm nhìn xa khá hơn, mây gần kín bầu trời. 8 giờ sáng, sĩ quan khí tượng Nguyễn Duy Phẩm cho biết, vùng trời Thanh Hóa mây đã tan. Ngay lúc đó tổng trạm phát hiện một tốp địch hai chiếc bay vào khu vực Lạch Trường- Hòn Mê, dọc theo bờ biển lên đến cửa sông Ninh Cơ. Sở chỉ huy không quân theo dõi sát tốp máy bay địch. Sĩ quan dẫn đường Trần Quang nhìn những khắc và con số cây thước tam giác đo ba đoạn đường bay, do người chiến sĩ tiêu đồ vừa vẽ, Trần Quang viết bằng bút chì dầu màu xanh bên cạnh đoạn đường bay V= 850. Anh ngước nhìn tư lệnh quân chủng, báo cáo:
- Đây là tốp trinh sát khí tượng, độ cao và tốc độ trung bình 850 km/giờ, chưa có triệu chứng đánh mục tiêu.
Tư lệnh quân chủng dáng bệ vệ, đầu hói, có thói quen vuốt những sợi tóc ít ỏi trên chiếc đầu hói của mình. Ông nheo mắt, chất vấn:
- Cậu căn cứ vào đâu để nói tốp 03 không phải là tốp vào đánh mục tiêu?
Trần Quang bình tĩnh đáp:
- Thưa Tư lệnh, trước trận đánh, bao giờ bọn Mỹ cũng bay trinh sát khí tượng, số lượng tốp này nhỏ, độ cao bay khá cao để nhìn được xa… Đó không phải là tốp mang bom.
Tư lệnh phòng không- không quân Phùng Thế Tài nổi tiếng là một sĩ quan kiên quyết trong hành động, táo bạo trong chỉ huy. Ông đã từng theo bảo vệ Bác Hồ từ những năm trước Cách mạng Tháng Tám. Và nghe đồn rằng ông là người được Bác Hồ giới thiệu vào Đảng. Là một cán bộ nhìn mọi việc bằng trực quan, cách suy nghĩ của ông không phức tạp, cụ thể, rất rõ ràng và chính xác. Ông chưa từng nghe phải dùng máy bay để trinh sát khí tượng. Nhưng, ông hiểu rất nhanh việc phải trinh sát khí tượng bằng máy bay là để bảo đảm trận đánh vào mục tiêu ở mặt đất có kết quả. Ông đã từng biết bọn Mỹ có vệ tinh khí tượng, có máy bay chụp ảnh mục tiêu. Có lẽ, trực tiếp nhìn bằng mắt bao giờ cũng chính xác hơn. Ông gật đầu, sau khi nghe Trần Quang báo cáo. Chắp hai tay sau lưng, không nhìn Trần Quang, ông nhìn tốp máy bay đang di chuyển ra xa, có lẽ nó trở về hạm tàu. Đại tá Tư lệnh vẫn đứng, bên cạnh ông Đại tá Đặng Tính, Chính ủy quân chủng đang nói chuyện bằng chiếc điện thoại màu nâu với Trung đoàn trưởng đoàn Sao Đỏ:
- Tốt, công tác chuẩn bị ở mặt đất càng kỹ thì lên trời sẽ tốt hơn. Anh truyền đạt cho anh em. Tôi và Tư lệnh đang ở sở chỉ huy không quân, chúng tôi sẽ theo dõi trận chiến đấu. Chúc các phi công của chúng ta chiến thắng, bắn rơi máy bay địch ngay loạt đạn đầu…
Đại tá Tư lệnh bước đến, Chính ủy nói:
- Anh Luyện, Tư lệnh nói chuyện với anh.
Đại tá Phùng Thế Tài cầm điện thoại, sửa tư thế theo thói quen. Đưa ống nghe lên tai, một tay chống lên bàn, ông nói:
- Luyện hả? Tôi đã lệnh cho các đơn vị pháo cao xạ vào cấp 1, bộ đội pháo cao xạ ở Hàm Rồng đã liên lạc với sở chỉ huy quân chủng trực tuyến. Không quân ta đến mục tiêu, pháo cao xạ sẽ đánh bằng mắt. Anh nhắc lại mệnh lệnh cho phi công phải chiến thắng… Tốt, tôi mong… tốt.
Tư lệnh đưa mắt nhìn Chính ủy. Cả hai không nói với nhau, dù hai ông vẫn đang nhìn nhau… Một biên đội Không quân Nhân dân Việt Nam sẽ bước vào trận không chiến đầu tiên với không quân Mỹ, hai ông biết rõ tất cả những gì sẽ xảy ra… Chính ủy nhìn rất lâu tư lệnh… Hai ông cùng nhìn vào tấm bản đồ chiến đấu của không quân… Đối với Chính ủy, ông là người đã gắn bó với không quân từ những ngày còn trong trứng nước, là vị chỉ huy đầu tiên, cục trưởng không quân thuở còn mang tên Cục Không quân. Ông, cũng chính ông là người khai sinh trung đoàn không quân vận tải đầu tiên và theo dõi từng bước đi của trung đoàn Sao Đỏ. Chính ủy có gương mặt hiền, môi dày, miệng rộng, râu rậm, và nụ cười cởi mở… Chính ủy Đặng Tính bóp mạnh bàn tay Tư lệnh hồi lâu, nói:
- Anh Tài, hôm nay địch có đánh Hàm Rồng?
- Có chứ, chắc chắn bọn Mỹ phải đánh để ngăn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam.
- Tôi cũng có nhận định như anh. Có điều là, chưa biết bọn Mỹ sẽ đánh như thế nào?
- Tôi cho là máy bay mang bom sẽ cất cánh từ hàng không mẫu hạm.
Đại tá Phùng Thế Tài bất ngờ hỏi sĩ quan dẫn đường Trần Quang:
- Theo cậu, bọn Mỹ sẽ đánh như thế nào?
Đại úy Trần Văn Thuyết, trưởng phòng quân báo, liếc rất nhanh Tư lệnh, đỡ lời:
- Thưa Tư lệnh, tôi nghĩ rằng, bọn Mỹ sẽ dựa vào các điểm kiểm tra nổi bật ở ven biển để tiến nhập.