Giamin làm ở xưởng dụng cụ đã được ba tuần. Bao giờ cậu cũng có cái cảm giác bất tiện, như thể người nào cũng dí ngón tay vào lưng cậu và nghĩ: “Khéo kiếm cho mình một chỗ ấm quá đấy chứ!”. Vâng, ở đây quá ấm, dễ chịu và yên tĩnh thật. Những chiếc dụng cụ mới toả mùi như mùi rong biển. Lúc còn sống, cụ Cudia vẫn bảo là trong nhà không hiểu sao sắt có mùi rong biển. Ở xưởng cơ khí chưa ai thấy biển bao giờ và mọi người tin ở lời bác thuỷ thủ già. Thật ra không phải không có người cho ông cụ là kì quặc. Nhiều lần, khi thấy các bạn bới từng tấn sắt vụn, tìm chặt các thanh ốp ngoài trời lạnh, Giamin đỏ mặt bảo Xtêpan là cậu sẽ không làm việc ở phân xưởng dụng cụ nữa. Khi ấy ở phân xưởng rèn và nguội, có những chiếc cửa sổ chiếu sáng đặc biệt thuận lợi. Những người đục lỗ ngoài trời thường ghen tị với những người làm việc ở nơi ấm. - Không sao, cháu ạ - Xtêpan nói – Cháu tưởng bác không nghĩ gì khi thấy các cháu còn bé mà phải khuân những thanh sắt nặng thế à? Trước kia bác có bao giờ để cô Grunhia khuân cái gì nặng đâu. Thế mà, bây giờ bác chỉ ngồi trên xe này và nhìn thôi – bác nói rồi vỗ mạnh bàn tay to của mình xuống bánh xe – Cháu ở đây cho khoẻ hẳn đã. Người ta mổ bụng cháu chứ có phải xước tí tay tí chân gì… Còn việc cháu thấy khó coi, thế là tốt. Thằng Côlia nhà bác đi làm về mệt là như thế mà vẫn lại gần mẹ: “Để đấy, con xách nước, lấy củi cho…” Không biết Giamin còn phải làm ở phân xưởng dụng cụ bao lâu nữa, nếu một sáng tháng Giêng trời xanh, đốc công không cho triệu tập tất cả mọi người tới phân xưởng nguội. Người hơi cúi xuống, hai tay chắp sau lưng, đốc công đi lại trước công nhân. Sau ông là người đại diện tuyến đường sắt, mặt nhợt nhạt, mặc chiếc áo ấm có đeo phù hiệu. Không ngẩng đầu, Xamôrucốp nói lúng túng: - Ở tuyến đường sắt đang thiếu người. Ai được miễn lao động nặng, có thể ở lại xưởng. Cả xưởng hầu như phải đóng cửa mấy ngày, nhưng kế hoạch sản xuất vẫn giữ nguyên. Ngược lại càng ngày càng cần nhiều đinh và thanh ốp hơn… Công nhân nhìn nhau thở dài, nhưng vẫn giữ im lặng. Đốc công nhắc lại: - Ai được miễn lao động nặng có thể ở lại xưởng… - rồi quay sang nhìn ông đại diện tuyến đường sắt đang vò nhàu chiếc mũ lông chó trong tay - Việc rất gấp, các đồng chí ạ. - Bây giờ ở đâu mà chẳng gấp? – Xêmiôn Tôcarép cất giọng ồ ồ nói. Anh là thợ làm đinh ốc, tròng trắng mắt hơi vàng. Nghe nói đau gan. Một lần anh ta mắc bệnh vàng da và cứ thế phải chịu khổ sở từ đó tới nay, và cũng vì thế mà không phải bị động viên vào bộ đội. Như đọc được ý nghĩ của đốc công, anh ta nói: - Thế kế hoạch cũ phải giữ nguyên chứ? Quí này đã bốn lần phải lên tuyến đường sắt làm việc rồi. Mà chúng ta có được ai giúp đỡ để hoàn thành kế hoạch của mình đâu? Ông đại diện đội chiếc mũ lên đầu nói to, giọng hồi hộp: - Đã là lệnh thì không được bàn ra bàn vào! Đây không phải là mít tinh! - Rồi sau như chợt tỉnh, hạ giọng nói tiếp: - Kế hoạch không giảm, không ai giúp các đồng chí… Cái thời bây giờ thế đấy. Chúng tôi sẵn sàng giúp các đồng chí, nhưng có phải ai cũng vào đứng máy ngay được đâu. Đúng thế chứ? Các đồng chí nhất định sẽ không cho… - Hẳn là thế, - giọng ồ ồ của Tôcarép lại vang lên – Tôi thì đến chiếc búa tôi cũng chẳng muốn giao cho ai… - Chúng mình biết cậu tham lam lắm, Xêmiôn ạ. Mùa đông cũng chẳng xin được cậu cho nắm tuyết! - một người nào đó nói chen vào. - Thôi, các đồng chí tranh cãi nhau thế đủ rồi, - đốc công giận dữ ngắt lời - Nếu tất cả đều khoẻ thì xin mời mặc quần áo vào. Xe kiểm ray kéo toa sàn đang chờ chở các đồng chí đi. - Piốt Pêtrôvích – Giamin nói với Xamôrucốp – Bác cho cháu đi cùng với đội. Đốc công vân vê bộ ria lốm đốm trắng của mình, lẩm bẩm một điều gì đó không ai hiểu, rồi hỏi: - Thế Xtêpan thì sao? Bác ấy còn cần cậu ở đây. Hơn nữa bây giờ cậu không được làm việc nặng… - Không, cháu khoẻ lắm, thật mà. Cho cháu đi đi, Piốt Pêtrôvích ạ! Thiếu cháu bác Xtêpan vẫn làm hết việc… - Nếu thế thì đi, - Xamôrucốp nói vẻ cau có – Các bạn cậu sẽ vui hơn. Rồi như tự nói với mình, ông nói thêm - Gặp hoàn cảnh ấy rồi mình cũng làm thế… - Thế là ông tướng vẫn cứ xin đi cho được, - Xtêpan nhìn qua cửa sổ nói. Thời gian gần đây bác hay suy nghĩ thành tiếng như vậy – Mà cậu ấy làm thế là đúng. Đã quyết, xin bằng được! Trong xưởng trở nên vắng vẻ. Lăn trên chiếc xe của mình (mà vẫn gọi là đi) Xtêpan lúc thì nhặt chiếc cờ lê do một người nào đó bỏ quên, lúc thì nhặt chiếc búa rồi cẩn thận xếp chúng vào chỗ. Bác dập tắt ngọn lửa còn cháy không trong lò, lấy xẻng đập đập vào mẻ than nóng đỏ, dùng chổi khéo léo phủi sạch bụi trên thành cỗ máy, xong xuôi mới có hai phụ nữ đang hàn các thanh ốp. Chiếc máy biến áp kêu rè rè, căng thẳng. Que hàn điện mòn dần, nổ lách tách như những cây nến loại tồi. Không muốn làm người khác phải ngừng việc vì mình, Xtêpan lặng lẽ cho xe đi xa: “Chẳng khác gì sau một trận đánh! – bác nghĩ – Cũng yên tĩnh như thế…. Con người kể cũng lạ. Khi trong xưởng ầm ĩ tiếng máy thì muốn yên tĩnh, bây giờ được yên tĩnh, cũng chẳng lấy thế làm sung sướng…” Công nhân xưởng cơ khí được đưa đến một ga xép. Chiếc toa sàn giật mạnh đánh sầm một cái khi vượt qua đường nối. Mọi người ngồi khít bên nhau, giống như những con quạ lớn xù lông, nói đi qua Mátxcơva và cậu sẽ gặp Tamara ở đó. Nhura đứng im. Đôi má tròn lúm đồng tiền của cô ửng hồng. Hình như cô còn mừng vì Giamin có vẻ như thờ ơ với những điều cô nói về Tamara. - Không có lẽ cậu quên nó rồi sao? – cô hỏi Tim Nhura lúc này đập mạnh như muốn nhảy khỏi lồng ngực. Cô rất muốn nghe Giamin nói: “Ừ, quên rồi”. Lúc ấy, có lẽ cô sẽ thú thật là cô thích Giamin ngay từ lớp một, khi hai đứa ngồi chung bàn. - Cậu biết không, đoàn của mình sẽ qua Mátxcơva để tới những vùng vừa mới giải phóng. Ở đấy thế nào mình cũng gặp Tamara! – Giamin nói sôi nổi – Mình sẽ điện cho Tamara ra đón - Cần biết trước các cậu sẽ đến ga nào, vì tàu các cậu không phải là tàu khách, - Nhura khô khan nói Giamin không nhận thấy tâm trạng của Nhura đã đột ngột thay đổi. Cậu nói thêm một cách cương quyết: - Thế nào mình cũng gặp Tamara ở đấy. Rồi cậu bỏ đi. Còn Nhura thì chạy vào một phòng học trống, đóng chặt cửa và ngồi khóc rất lâu ở đấy. Đã mấy ngày nay đoàn tàu khôi phục sẵn sàng chờ lệnh lên đường đi xa làm nhiệm vụ khó khăn. Những ngày này, kể ra đoàn trưởng có thể ngồi yên nghỉ ngơi trong toa khách của mình chờ xuất phát. Thế nhưng khó mà tìm thấy anh ta ở đấy. Anh chạy, quả đúng là chạy thật, dọc theo đoàn tàu, kiểm tra đến hàng chục lần xem các thanh ray, tà vẹt, xe kiểm ray đẩy tay, động cơ và các cỗ máy được xếp trên toa sàn chắc chắn chưa, các cần cẩu làm việc thế nào, phụ tùng để đâu. - Các đồng chí phải nhớ là chúng ta sẽ đi tới một nơi không có cả một chiếc đinh ốc, một chiếc búa, một chiếc đinh. Tất cả đều chờ chúng ta giúp đỡ. Và vậy, hãy kiểm tra lại một lần nữa và một lần nữa tất cả mọi thứ! Mọi người đều có cảm giác là hình như đoàn trưởng không bao giờ ngủ. Anh ta có thể xuất hiện vào bất cứ giờ nào trong ngày đêm. Một lần, Giamin nghe anh nói với chính trị viên của mình: - Chúng ta cần tạo việc làm thích hợp và bổ ích cho anh em. Nhàn cư vi bất thiện mà. Một số thì uống rượu, số khác thì đánh bạc. Trong việc này, người có lỗi là anh và tôi đấy. “Mình cũng sẽ vào Đảng để trở thành một người như Vaxili Xécgâyêvích” – Giamin thường nghĩ như vậy. Giamin nghĩ là khi tàu chạy, chắc Xưrômachin thế nào cũng nghỉ ngơi, lúc ấy anh sẽ ngồi yên mà ngắm qua cửa sổ, nhìn những cột điện thoại vùn vụt chạy trở lại. Cậu không ngờ là ngay trên đường, Xưrômachin vẫn chạy như trước, không biết mệt là gì, từ đầu tàu đến cuối tàu để xem mọi người có khỏe không, đòi các ga phải cho tàu anh xuất phát sớm nhất, đánh điện cho các ga sắp tới yêu cầu chuẩn bị trước thực phẩm và than đá… Nhưng tất cả những điều này Giamin không được chứng kiến. Một ngày trước khi lên đường, cậu bỗng thấy đau nhói phía bên phải bụng. - Cậu làm sao thế? – Xécgây đứng bên cạnh, hỏi - Không sao. Bụng mình thế nào ấy… - Chắc ăn phải cái gì. Cũng chóng khỏi thôi. Mình vẫn hay bị thế. Giamin thử đếm từ một đến một nghìn để thời gian trôi nhanh hơn và quên đau. Áo ướt đẫm mồ hôi, môi nóng bừng, nhưng cậu vẫn ngại không muốn nói với đốc công. - Hay cậu xin nghỉ đi? – Xécgây lại nói - Không, mình sẽ cố chịu tới lúc tan tầm… Lúc ấy, Raia Alếchxâyêva đi lại. Chị liền bảo Xécgây chạy tìm y sĩ của đoàn. Trong lúc Xécgây đi hỏi có ai thấy y sĩ ở đâu không thì Giamin lại càng cảm thấy hết sức khó chịu. Cậu trả lời các câu hỏi một cách khó nhọc. Miệng cậu khô, luôn mở để hớp không khí. Thấy vậy, Raia chạy ra đường, chặn một chiếc xe ngựa, khẩn khoản nói với người đánh xe nhờ chở một người bệnh nặng vào bệnh viện. - Xe tôi có phải xe cứu thương đâu? – anh ta cáu kỉnh đáp - Người ta còn đang khối việc chưa làm… - Vâng, vâng, nhưng anh ốm sắp chết! - Thì can gì đến tôi? Tôi cũng còn việc của tôi chứ… - anh ta chưa dứt lời, Raia xông tới nắm lấy cương ngựa. - Nào đi! – cô hét lên – Anh không có tim à? - Cô kìa, muốn kêu gì thì kêu, nhưng đừng có sờ tay vào đấy, kẻo tôi lại quật cho mấy roi bây giờ, - người đánh xe doạ - Đồ keo bẩn, đáng nguyền rủa! – và Raia còn tuôn ra một tràng những lời không lấy gì làm dễ nghe nữa – lúc ấy mấy người dìu Giamin mặt tái nhợt đi ra. Raia cởi chiếc áo ấm của mình rải lên sàn xe, một người trong đám công nhân đưa thêm chiếc nữa, và đặt Giamin nằm lên đấy. - Này bác ơi, bác làm ơn cho xe chạy nhanh vào bệnh viện nhé, - tay đỡ đầu Giamin, Raia dịu giọng nói. - Nào, Xécco đi đi, người đánh xe thúc ngựa và lúng búng: Lúc thì “bác ơi, làm ơn”, lúc thì như muốn nuốt sống người ta. Thật chẳng hiểu cô là ai. Còn tôi? Tôi có đồng ý không à? Được… Đây là ngựa nhà nước, nó đã chạy suốt ngày hôm nay. Lưỡi của cô, cô gái ạ, thật chẳng khác gì miệng súng máy… - Bác nói nhiều quá đấy, bác ạ. Cho xe chạy thôi. – Raia ngắt lòi người đánh xe rồi cúi xuống người ốm, dịu dàng nói: - Gắng chịu tí nhé, đến nơi bây giờ. … Ngay ngày hôm ấy, người ta đã mổ cho Giamin. Thì ra cậu bị đau ruột thừa cấp tính. Nếu để chậm nửa giờ nữa, việc cứu chữa sẽ rất khó khăn. Ba ngày sau, Raia Alếchxâyêva và Xécgây đến thăm Giamin. Họ mang theo đường, kẹo làm bằng bột hoa quả và một bức thư ngắn từ biệt của anh em trong đoàn. Đọc xong, Giamin lo lắng hỏi: - Đoàn sắp lên đường à? - Vâng, ba giờ nữa… - Còn tôi thì sao? - Biết làm thế nào, đội trưởng. Một khi không may phải thế, -Raia đáp - Bọn mình ai cũng lấy làm tiếc. Sống với cậu quen rồi… Nhưng không sao, cậu sẽ ở nhà… Cậu khá lắm! Đoàn trưởng cứ tiếc mãi… Anh ấy nói rồi cậu sẽ trở thành một cán bộ lãnh đạo tốt. Đường và kẹo đây là do anh ta gửi đến, không hiểu kiếm đâu ở một nhà ăn đặc biệt. Anh ta bận chạy việc không thể đến thăm được. - Cậu biết không, đoàn trưởng không cho đốc công Tabacốp cùng đi – Xécgây nói - Bảo ở đấy công việc phức tạp, sợ anh ta không đương nổi, vì anh ta không biết làm việc với mọi người. Thay Tabacốp, người ta cử đến một anh chàng rất trẻ, từ mặt trận mới về. Trước chiến tranh, anh này học ở Trường đại học giao thông đường sắt Mátxcơva. Anh ta vừa điều trị ở quân y viện Ircútxơ, ngực đầy huân chương! – Xécgây đưa tay xoa khắp ngực, cười như chính mình được tặng những huân chương ấy. Giamin lắng nghe, hồi hộp quá không nói được gì. Cậu không sao hình dung nổi là cả đoàn lên đường mà cậu lại ở nhà. Vì với đoàn tàu khôi phục này, cậu còn có một ước mơ lớn nữa, là dưới làn đạn, trong khói bom, cậu sẽ không ngại hi sinh, xông lên sửa chữa những đoạn đường sắt bị hỏng và những chiếc cầu bị đánh sập… Và lúc ấy, thế nào cậu cũng sẽ đựơc kết nạp vào Đảng. - Các đồng chí, đã hết giờ thăm bệnh nhân. Người bệnh cần được yên tĩnh, - chị y tá đã đứng tuổi nghiêm khắc nói và mở cửa phòng bệnh. Giamin kéo lại chiếc chăn bị tuột không cầm được nước mắt, hỏi: - Đã đi rồi à? - Cậu thấy đấy, người ta đuổi… Ở đây đầy đủ tiện nghi và sạch quá. Mình có nằm đây suốt đời cũng được – Xécgây khẽ nói. - Thôi bọn mình đi, đội trưởng nhé. Đừng buồn. – Raia đặt môi mình lên má nóng của Giamin - Thiếu cậu bọn mình cũng sẽ buồn… - Cô khẽ vỗ vai Giamin và đưa tay vuốt mái tóc cứng của cậu – Ta đi thôi. Xécgây. Xécgây bước hai bước về phía cửa, chạy nhào lại ôm Giamin rồi chạy ra khỏi phòng