Dịch giả: Trần Bình Minh
Chương 41 -42

Tolland lúc này trông tỉnh táo hẳn ra:
- Điều này cũng giải thích vì sao mức nước trong hố không hề thay đổi. - Ông quay ra Norah - Cô vừa nói loài phù du có mặt trong mẫu nước tên là….
- Gabrielle. Polyhedra. - Norah công bố. - Và giờ chắc anh muốn hỏi tiếp xem loài này có thể ngủ đông trong băng đá được không chứ gì? Anh sẽ cảm thấy hài lòng đấy, vì câu trả lời là: Có. Chắc chắn đấy. Loài phù du này từng sống tập trung thành từng quần thể lớn quanh các phiến băng, chúng tự phát sáng, và có thể chuyển sang trạng thái trong băng đá. Anh còn muốn hỏi gì nữa nào?
Mọi người nhìn nhau. Qua giọng nói của Norah, ai cũng cảm nhận rõ ràng rằng sẽ có câu "nhưng mà" nào đó - ấy thế mà dường như nhà khoa học này vừa khẳng định rằng giả thuyết của Rachel là đúng.
- Như thế có nghĩa là… Tolland phá tan im lặng - cô nói rằng điều đó có thể là đúng không nào? Giả thuyết này có đúng không đây?
- Đúng hoàn toàn, - Norah nói - nếu các vị chẳng có tí chất xám nào trong hộp sọ cả.
Rachel trừng mắt:
- Chị có thể nhắc lại câu đó được không?
Norah Mangor cũng trừng mắt nhìn Rachel:
- Tôi nghĩ rằng trong lĩnh vực chuyên sâu của cô, biết một ít còn nguy hiểm hơn cả không biết gì, đúng thế không? Thế thì, tin tôi đi, đối với ngành băng hà học cũng thế. - Norah thôi không đọ mắt với Rachel nữa, chị ta lần lượt nhìn bốn người đang đứng quanh mình. - Tôi xin được giải thích rõ ràng. Những túi nước biển đông cứng mà cô Sexton mường tượng ra quả có tồn tại. Các chuyên gia băng hà học gọi chúng là các khe hở. Tuy nhiên các khe này không có dạng cái túi như cô ấy tuởng tượng, chúng là một mạng lưới chằng chịt những tua đá mặn có bề ngang chỉ bằng sợi tóc. Tảng thiên thạch của chúng ta phải làm tan một mạng lưới dày đặc đến vô cùng thì mới có thể tạo ra được ba phần trăm nước biển trong hố với độ sâu ấy.
Ekstroml quắc mắt:
- Nói tóm lại là đúng hay sai?
- Làm sao mà đúng được. - Norah lạnh lùng đáp. - Không thể có chuyện đó. Nếu thế thì lúc khoan thăm dò tôi phải tìm thấy chứ.
- Người ta luôn luôn cho khoan thăm dò ở những vị trí tình cờ đúng không nào? - Rachel cật vấn. - Liệu có khả năng chỉ vì rủi ro mà không phát hiện được túi đá nước biển không?
- Tôi đã khoan ngay bên trên tảng đá. Sau đó lại khoan rất nhiều lỗ trong phạm vi vài mét ở hai bên. Không thể khoan gần hơn thế được nữa.
- Tôi chỉ hỏi thế.
- Còn một điều nữa. - Norah nói. - Những khe nước biển này chỉ có mặt ở những vùng băng theo mùa - những vùng băng đá hình thành rồi lại tan hết theo từng mùa. Phiến băng Milne thuộc loại băng vĩnh cửu - loại băng hình thành trên các đỉnh núi và giữ nguyên trạng thái cho đến khi nó phát triển ra đến vùng dễ nứt và rơi xuống biển. Nếu các vị thấy giả thuyết về những sinh vật phù du bị đông cứng là có lý lắm rồi, thì tôi xin đảm bảo rằng không thể có loài phù du đóng băng nào trong dòng sông băng này.
Lại im lặng.
Mặc dù bị bác bỏ thẳng thừng, bộ não có khả năng phân tích nhạy bén của Rachel vẫn cứ ủng hộ giả thuyết về những sinh vật phù du đóng băng. Bằng trực quan của mình, cô biết đó là lời giải đơn giản nhất cho bài toán này.!uy luật tối giản, cô thầm nghĩ. Dưới sự dẫn dắt của những bậc đàn anh ở NRO, quy luật ấy đã thấm vào tận máu Rachel. Khi có nhiều phương án giải thích cùng một lúc được đưa ra, cách đơn giản nhất thường là đúng nhất.
Hiển nhiên là Norah Mangor có nhiều thứ để mà mất nếu dữ liệu về phiến băng không chuẩn xác; biết đâu chị ta đã phát hiện ra sinh vật phù du, biết rằng mình đã sai lầm khi khẳng định tính chất đông đặc liền khối của sông băng, và giờ đây đang ra sức bưng bít.
- Nói tóm lại, - Rachel nói - tôi vừa báo cáo với toàn bộ nhân viên Nhà Trắng rằng tảng thiên thạch này được phát hiện trong lòng một phiến băng toàn nguyên; kể từ khi nó văng ra từ một tảng thiên thạch nổi tiếng Jungersol năm 1716, băng hà đã bảo vệ nó trước mọi tác động ngoại lai. Nhưng giờ đây… dường như chúng ta đang phải lật lại vấn đề.
Ông Giám đốc NASA yên lặng, vẻ mặt căng thẳng.
Tolland hắng giọng rồi nói:
- Tôi buộc phải đồng ý với Rachel. Trong hố nước này có nước biển và sinh vật phù du. Dù có giải thích cách nào đi nữa thì đây cũng không thể là một môi trường kín. Điều đó thì ta buộc phải thừa nhận.
Corky có vẻ không được thoải mái cho lắm:
- Thưa các vị, tôi không có ý định tỏ ra am hiểu về băng hà học ở đây, nhưng trong giới cổ sinh vật chúng tôi, cứ có một sai sót thì bước tiến bị kéo chậm lại hàng tỉ năm đấy. Liệu tỉ lệ nước biển và sinh vật phù du này có quan trọng đến thế không? Dù lớp băng hà bao xung quanh nó không được hoàn hảo cho lắm thì cũng chẳng ảnh hưởng đến tảng thiên thạch là mấy. Chúng ta vẫn có các mẫu hoá thạch. Chẳng ai đưa ra chất vấn nào về tính xác thực của chúng cả. Dù dữ liệu về phiến băng có sai sót chút đỉnh thì cũng chẳng làm sao. Điều cốt yếu vẫn là chúng ta đã phát hiện được bằng chứng về sự tồn tại của sự sống ngoài vũ trụ.
- Tôi xin lỗi. - Rachel nói. - Thưa tiến sĩ Marlinson, với tư cách là chuyên viên phân tích tức, tôi không thể đồng tình với ý kiến của anh được. Bất kỳ một lỗi nhỏ nào trong những dữ liệu mà tối nay NASA công bố đều có thể trở thành cái cớ để người ta nghi ngờ toàn bộ phát kiến này. Kể cả tính xác thực của các hoá thạch.
Corky há hốc mồm:
- Cô nói cái gì thế? Những mẫu hoá thạch đó còn gì để bàn cãi nữa nào?
- Tôi biết, tôi biết chứ. Nhưng nếu công chúng nghe phong thanh được rằng chính NASA cũng đang băn khoăn về dữ liệu của phiến băng, tôi đảm bảo họ sẽ ngay lập tức băn khoăn không hiểu NASA còn nói dối họ về những cái gì khác nữa.
Norah bước dấn lên phía trước, mắt nảy lửa:
- Dữ liệu về phiến băng của tôi không hề sai sót. - Chị ta quay sang ông Giám đốc - Tôi có thể chứng minh một cách khoa học là không hề có túi nước biển nào lẫn trong lòng phiến băng này.
Ông Giám đốc nhìn Norah hồi lâu, mãi mới hỏi:
- Bằng cách nào?
Norah trình bày kế hoạch; nghe xong, Rachel phải thừa nhận rằng dự định đó nghe rất có lý.
Ông Giám đốc thì có vẻ không tin tưởng lẳm:
- Và kết quả sẽ rõ ràng đấy chứ?
- Tôi đảm bảo trăm phần trăm. - Norah cam đoan. - Nếu có một chút xíu nước biển nào kẹt trong phiến băng này thì các vị sẽ được nhìn thấy ngay. Chỉ cần vài giọt tí xíu cũng sẽ làm thiết bị của tôi sáng rực lên y như quảng trường Times về đêm.
Cặp lông mày bên dưới mái đầu ngắn kiểu quân sự của ông Giám đốc nhíu hẳn lại:
- Không còn nhiều thời gian nữa. Một vài giờ nữa là đến lúc phải họp báo rồi.
- Chỉ cần hai mươi phút là xong.
- Cô vừa nói là sẽ phải đi ra xa đến đâu nhỉ?
- Không xa. Chỉ cần hai trăm mét là đủ.
Ekstrom gật đầu:
- Cô đảm bảo như thế là an toàn chứ?
Tôi sẽ đem theo pháo sáng. Và Mike cũng sẽ đi cùng tôi.
Tolland ngẩng phắt lên:
- Tôi ấy à?
- Anh sẽ phải đi với tôi, Mike! Chúng ta sẽ dùng dây để buộc chung người vào. Tôi sẽ cần hai cánh tay khoẻ mạnh khi có gió lớn.
- Nhưng mà…
- Cô ấy nghĩ thế đúng đấy. - Ông Giám đốc nói. - Nếu đi thì không được đi một mình. Tôi sẽ cử mấy cậu bên tôi đi cùng cô ấy.
- Nhưng thật lòng mà nói thì tôi không muốn có thêm bất kỳ ai biết chuyện này. Đợi đến khi mọi thứ rõ tàng đã.
Tolland miễn cưỡng gật đầu.
- Tôi cũng muốn đi. - Rachel nói…
Norah nhảy dựng lên như con rắn chuông:
- Cô đi để làm cái gì?
- Thật ra thì, - Ông Giám đốc nôi thêm như thế vừa tự nghĩ ra ý đó tôi cảm thấy là nếu cử cả một đội đúng quy chuẩn đi thì an toàn hơn. Đi có hai người thì cô biết làm thế nào nhỡ Mike bị trượt? Bốn người cùng đi thì an toàn hơn hắn. - Ông ta ngừng lời, đưa mắt nhìn Corky:
- Thế tức là hoặc anh, hoặc tiến sĩ Ming sẽ đi.
Ekstrom đưa mắt nhìn khắp bán sinh quyển.
- Không thấy ông Ming đâu cả nhỉ?
Từ nãy đến giờ không thấy đâu cả. Có lẽ ông ta tranh thủ đi ngủ rồi.
Ekstrom quay sang Corky:
- Tiến sĩ Marlinson, tôi không có quyền đề nghị ông việc này, nhưng mà…
- Sao nào? - Corky lên tiếng. - Ông thấy bốn người chúng tôi hợp nhau lắm phải không?
- Không được! - Norah pbản đối. - Đi bốn người sẽ rất chậm. Tôi và Mike đi là đủ rồi.
- Không được đi hai người. - Giọng ông Giám đốc nhất quyết. - Phải có lí do thì người ta mới quy định đội quy chuẩn phải gồm bốn thành viên chứ. An toàn là trên hết. Tôi không muốn để tai nạn xảy ra ngay trước buổi họp báo quan trọng nhất trong lịch sử NASA.
42.
Gabrielle Ashe cảm thấy mơ hồ lo lắng khi ngồi trong căn phòng ngột ngạt của Marjorie Tench. Bà ta có ý đồ gì đây? Ngồi sau chiếc bàn duy nhất trong phòng, Tench ngả người trên ghế, đầy vẻ khoan khoái trước sự lo lắng Gabrielle.
- Tôi hút thuốc có được không? - Bà ta hỏi, lấy từ trong bao ra một điếu thuốc nữa.
- Bà cứ tự nhiên. - Gabrielle nói dối.
Trước khi cô trả lời, bà ta đã châm xong điếu thuốc.
- Trong chiến dịch tranh cử này, cô và ngài ứng cử viên của cô quan tâm đến NASA nhiều đấy nhỉ.
- Đúng thế thật. - Gabrielle bốp chát, không thèm kiềm chế cơn giận dữ của mình. - Nhờ có một số lời khích lệ đầy sáng tạo. Tôi muốn được nghe lời giải thích.
Tench bĩu môi, giả bộ ngây thơ.
- Cô muốn biết vì sao tôi gửi thư điện tử và vạch đường cho cô tấn công NASA chứ gì?
- Những thông tin bà gửi cho tôi rất bất lợi cho ngài Tổng thống:
- Trước mắt thì quả vậy.
Giọng nói đầy ẩn ý của Tench khiến cô thấy bất an.
- Thế tức là sao?
- Bình tĩnh nào Gabrielle. Những bức thư của tôi có gì ghê gớm lắm đâu. Trước những bức thư ấy rất lâu thì Thượng nghị sĩ Sexton cũng đã chống lại NASA rồi. Đơn giản tôi chỉ giúp ông ta làm rõ thông điệp của mình. Khẳng định chắc chắn quan điểm của ông ấy.
- Khẳng định dứt khoát quan điểm của ông ấy ư?
- Chính xác. - Bà ta cười, phô ra hàm răng vàng xỉn. - Phải thừa nhận là chiều nay, trên CNN ông ấy đã làm việc đó rất hiệu quả.
Gabrielle nhớ lại phản ứng của Thượng nghị sĩ lúc bị bà ta hỏi dồn. "Đúng vậy, tôi sẽ giải tán NASA". Bị dồn vào thế bí, ông đã tự tạo ra một đường thoát. Làm thế là đúng. Chẳng phải thế sao? Nhưng nhìn ánh mắt thoả mãn của Tench, Gabrielle cảm thấy vẫn còn chi tiết nào đó mà cô chưa biết hết.
Bất chợt bà ta đứng dậy, dáng người lòng khòng làm xấu cả căn phòng. Điếu thuốc vẫn vắt vẻo trên môi, bà ta đến bên chiếc két chìm trong tường, lấy ra một phong bì dầy cộm, quay lại bên chiếc ghế rồi ngồi xuống.
Gabrielle nhìn chiếc phong bì dầy cộp.
Bà ta cười mỉm, mân mê chiếc phong bì trong lòng tay như thế một người đang chơi bài poker đang nâng niu con át chủ bài. Búng búng mấy móng tay vàng xỉn vào mép phong bì, làm cho giấy tờ bên trong kêu sột soạt rất khó chịu, bà ta có vẻ rất thích thú thấy Gabrielle đang dè chừng mình.
Gabrielle biết mình đang thần hồn nát thần tính, nhưng thoạt đầu, cô kinh hãi nghĩ rằng trong phong bì có bằng chứng về buổi tối đầy ái ân với ngài Thượng nghị sĩ. Lố bịch, cô nghĩ thầm.
Chuyện ấy diễn ra vào lúc rất khuya khoắt, và Sexton đã khoá trái cửa. Thêm nữa, nếu Nhà Trắng có bất kỳ bằng chứng nào, họ đã chẳng ngại ngần trưng ra trước bàn dân thiên hạ.
Có thể họ chỉ nghi ngờ thôi, Gabrielle nhủ thầm, nhưng chắc chắn không có bằng chứng.
Tench dụi tắt điếu thuốc lá.
- Cô Ashe này, không biết cô có tự ý thức được điều này không, nhưng cô đang can dự vào một cuộc chiến âm ỷ ở Washington từ năm 1996 đến giờ đấy.
Gabrielle không ngờ sẽ có đòn thí tốt này.
- Bà vừa nói gì cơ?
Tench châm một điều thuốc khác. Đôi môi mỏng quẹt và xám xịt uốn lượn:
- Cô đã bao giờ nghe ai nhắc đến Dự luật Khuyến kích thương mại hoá vũ trụ chưa?
Cô chưa bao giờ nghe nói tới. Gabrielle nhún vai, không hiểu.
- Thật à? Tench nói. - Tôi ngạc nhiên đấy. Đặc biệt là khi ngài nghị sĩ của cô có cương lĩnh tranh cử như thế. Năm 1996, Thượng nghị sĩ Wanker đã soạn thảo dự luật này. Trong đó, ông ấy chứng minh rằng sau khi đưa được người lên Mặt trăng, NASA chẳng làm được gì đáng kể. Dự luật kêu gọi tư hữu hoá NASA bằng cách đem bán cơ quan này cho những công ty kinh doanh vũ trụ tư nhân áp dụng cơ chế thị trường để thám hiểm không gian hiệu quả hơn, nhờ đó cất bỏ gánh nặng NASA khỏi hầu bao những người đóng thuế.
Gabrielle đã nghe nói rằng những người phản đối NASA đã đề nghị tư hữu hoá cơ quan này để giải quyết vấn đề, nhưng không ngờ đã có hẳn một dự luật chính thức về chuyện đó.
- Dự luật thương mại hoá này, - Tench nói tiếp - đã được trình lên nghị viện cả thảy bốn lần. Về đại thể thì nó cũng giống những dự luật đã hỗ trợ pháp lý thành công cho công cuộc tư hữu hoá những ngành công nghiệp của Chính phủ, ví dụ như sản xuất Uranium. Cả bốn lần, nghị viện đã thông qua. May mắn là lần nào Nhà Trắng cũng phủ quyết. Zach Herney đã hai lần phủ quyết dự luật này.
- Còn quan điểm của bà?
- Tôi cho rằng Thượng nghị sĩ Sexton chắc chắn sẽ ửng hộ dự luật này nếu ông ta trở thành Tổng thống. Tôi có lý do để tin rằng ngay khi vớ được cơ hội đầu tiên, ông ta sẽ bán ngay NASA cho các nhà thầu. Nói tóm lại, ngài ứng cử viên của cô sẽ chọn giải pháp tư hữu hoá NASA thay vì dùng tiền đóng thuế của người dân Mỹ để nuôi cơ quan này.
- Theo tôi được biết thì ngài Thượng nghị sĩ chưa bao giờ công khai bày tỏ quan điểm của mình về Dự luật Khuyến khích thương mại hoá vũ trụ.
- Đúng thế. Nhưng tìm hiểu kỹ đường lối chính trị của ông ấy thì tôi sẽ chẳng hề ngạc nhiên nếu ông ta làm điều đó.
- Cơ chế thị trường tự do luôn góp phần làm tăng hiệu quả Trong nhiều trường hợp khác thì là thế. - Bà ta trừng mắt. - Buồn thay, tư hữu hoá NASA thì lại là một ý tưởng kinh tởm, và phải có lý do thì tất cả những đời Tổng thống từ năm 1996 đến giờ đều chống lại dự luật này.
- Tôi đã nghe nhiều ý kiến chống lại tư hữu hoá ngành vũ trụ, Gabrielle nói - và tôi hiểu những trăn trở của bà.
- Thật thế à? - Tench nhoài hẳn người về phía Gabrielle - Cô đã nghe được lý lẽ gì của họ?
Gabrielle ngọ ngoạy trên ghế một cách khó chịu:
- Chủ yếu là những quan điểm của giới hàn lâm - thường gặp nhất là nếu tiến hành tư hữu hoá NASA thì cơ quan này sẽ nhanh chóng bị thương mại hoá và xa rời các mục tiêu khoa học thuần tuý.
- Đúng thế ngành khoa học vũ trụ sẽ bị bóp chết trong nháy mắt. Thay vì chi tiền cho các công trình nghiên cứu vũ trụ, các công ty kinh doanh vũ trụ sẽ vắt kiệt những tiểu hành tinh có khoáng chất, xây các khách sạn trong không gian cho khách du lịch, và cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh nhân tạo. Các công ty tư nhân việc gì phải mất công nghiên cứu về nguồn gốc của vũ trụ, trong khi điều đó có thể tiêu tốn của họ hàng tỷ đô la, đã thế lại còn chẳng mang lại lợi lộc gì.
- Dỉ nhiên là thế. - Gabrielle phản bác. - Nhưng dĩ nhiên người ta sẽ thành lập quỹ nghiên cứu vũ trụ quốc gia để bảo trợ cho những công trình nghiên cứu mang tính học thuật.
- Chúng ta đã có sẵn một hệ thống như thế. Tên nó là NASA.
Gabrielle lặng im.
- Chuyện người ta từ bỏ khoa học cơ bản chạy theo lợi nhuận chỉ là khía cạnh nhỏ mà thôi. - Tench nói. Điều đó thật quá bé nhỏ so với tình trạng hỗn loạn kinh khủng nếu cho phép khu vực kinh tế tư nhân được quyền thao túng. Chúng ta sẽ có cả một miền tây hoang dã trên bầu trời. Sẽ có người nhận Mặt trăng và các tiểu hành tinh là thuộc sở hữu của họ, rồi dùng vũ lực để bảo vệ quyền sở hữu của mình. Nhiều công ty đã từng xin giấy phép để phóng lên quỹ đạo những bảng quảng cáo bằng đèn nê ông để đến khi đêm về, các tấm biển quảng cáo sẽ nhấp nháy đầy trời.
Đã từng có những đơn xin cấp phép xây dựng các khách sạn vũ trụ và những tụ điểm du lịch với những độc chiêu như phóng ra ngoài vũ trụ và tạo thành những đống rác trong quỹ đạo. Nói thật nhé, hôm qua tôi còn được đọc dự án của một công ty định biến vũ trụ thành nghĩa trang bằng cách phóng xác chết vào quỹ đạo. Cô có chấp nhận được cảnh các vệ tinh của chúng ta đâm phải xác chết hay không? Tuần trước, một ông tỉ phú nài nỉ tôi cho phép kéo một tiểu hành tinh về gần trái đất để khai thác kim loại quý trên đó nữa cơ. Tôi đã phải nhắc ông ta nhớ rằng làm như thế rất rủi ro và có thể gây ra những thảm hoạ toàn cầu! Cô Ashe này, tôi xin cam đoan với cô, nếu dự luật này được thông qua, trong đội quân ô hợp những công ty lao vào vũ trụ sẽ không có các nhà khoa học tên lửa đâu. Đó sẽ chỉ là các nhà kinh doanh với những túi tiền kếch xù, nhưng đầu óc mông muội mà thôi.
- Những lý lẽ rất thuyết phục. - Gabrielle đáp. - Và tôi đảm bảo Thượng nghị sĩ sẽ cân nhắc rất cẩn thận nếu ông ấy ở vị trí thông qua hay phủ quyết dự luật đó. Tôi xin hỏi tất cả những điều này thì liên quan gì đến cá nhân tôi đây?
Tench nheo mắt nhìn điếu thuốc trên tay:
- Rất nhiều người đang ao ước có cơ hội được kinh doanh trong vũ trụ và hiện đang ráo riết vận động hành lang để nhằm dỡ bỏ mọi rào cản. Quyền phủ quyết của Tổng thống là trở ngại duy nhất còn lại, cản trở ý đồ tư hữu hoá, cản trở tình trạng hỗn loạn kinh khủng trên vũ trụ, cho nên tôi đã cố vấn cho Zachary Herney phủ quyết dự luật ấy. Điều tôi e ngại là ngài ứng cử viên nhà cô sẽ chẳng cân nhắc tỷ mỉ được như thế đâu nếu như ông ta đắc cử.
- Xin nhắc lại tôi tin rằng ngài Thượng nghị sĩ sẽ cân nhắc mọi khía cạnh của vấn đề một cách tỉ mỉ nếu như ở vào vị trí phải xem xét đạo luật ấy.
Trong Tench có vẻ không tin:
- Cô có biết Thượng nghị sĩ Sexton đã chi bao nhiêu tiền để đánh bóng tên tuổi của ông ấy trên các phương tiện thông tin đại chúng hay không?
Câu hỏi này chẳng hề ăn nhập với đề tài mà họ đang bàn bạc.
Những số liệu đó vẫn được công khai trước cử tri mà.
- Mỗi tháng hơn ba triệu đô la đấy.
Gabrielle nhún vai. Khoảng chừng đó.
- Con số đó gần đứng.
- Đó là một khoản tiền rất lớn.
- Ngài Thượng nghị sĩ có rất nhiều tiền.
- Đúng thế, ông ta giỏi vạch chiến lược. Hay đúng ra là đã chọn vợ một cách khôn ngoan.
Tench dừng lại để nhả khói thuốc.
- Chuyện về bà vợ ông ta, bà Catherinee, buồn thật. Cái chết của bà ấy quả là đau đớn đối với ông ta. - Tiếp sau câu nói ấy là tiếng thở dài rất kịch, rõ ràng là giả dối. - Mà bà ấy chết đã được lâu đâu, phải không nhỉ?
Bà đi thẳng vào vấn đề đi, không thì tôi về đây.
Bà ta ho như rút phổi, rồi với tay lấy chiếc phong bì dầy cộp. Sau đó lôi ra tập tài liệu kẹp ghim và đưa ra cho Gabrielle.
- Số liệu tài chính của Sexton đấy.
Gabrielle xem tập tài liệu, đầy kinh ngạc. Những con số này liên quan đến mấy năm gần đây. Dù Gabrielle không biết gì nhiều về chuyện tiền nong của ngài Thượng nghị sĩ, cô vẫn linh cảm được đây là những dữ liệu xác thực - những tài khoản ngân hàng, những khoản tín dụng, những khoản cho vay, lợi tức cố phiếu, bất động sản, các khoản nợ, những thắng lợi và thua thiệt về tài chính. Đây là những dữ liệu cá nhân. Làm sao bà có được?
Chuyện đó cô không cần biết. Nhưng nếu cô xem kỹ những con số này, cô sẽ biết ngay những đồng đô la mà ông ấy đang chi tiêu là tiền gì. Sau khi Catherinee qua đời. Ông ấy đã tiêu tán gần hết những gì bà ấy để lại vào những khoản đầu tư dại dột, những hưởng thụ cá nhân, và dùng tiền để đổi lấy chút ít vinh quang trong những chặng đầu tiên của chiến dịch tranh cử, và cách đây sáu tháng, ngài ứng cử viên nhà cô đã khánh kiệt.
Trực giác mách bảo Gabrielle rằng đây là sự thật. Nhưng nếu Sexton đã khánh kiệt thì ông ấy không thể chi tiêu kiểu đó. Tuần nào ông ấy cũng thuê thêm những chỗ rất đẹp để quảng cáo cho mình.
- Ngài ứng cử viên nhà cô - Tench lại nói tiếp - đang tiêu nhiều tiền hơn Tổng thống những bốn lần, y thế mà lại chẳng còn lấy một xu tiền riêng.
- Chúng tôi nhận được rất nhiều khoản hiến tặng.
- Đúng thế, và cũng có vài khoản hợp pháp đấy.
Gabrielle ngẩng phắt lên:
- Bà vừa nói cái gì cơ?
Tench nhoài hẳn người qua bàn, và cô ngửi thấy cả mùi nicôtin trong hơi thở của bà ta.
- Gabrielle Ashe này, tôi sẽ hỏi cô một câu, và tôi khuyên cô nghĩ cho thật kỹ rồi hẵng trả lời. Lời cô nói ra sẽ quyết định liệu cô có phải ngồi tù vài năm hay không. Tôi hỏi cô, Thượng nghị sĩ Sextơn đang nhận những khoản tiền hiến tặng bất hợp pháp khổng lồ từ những công ty đang muốn làm ăn trên vũ trụ, những công ty sẽ hái ra tiền một khi NASA được đem ra tư hữu hoá, điều đó cô có biết hay không?
Gabrielle trừng mắt:
- Một lời buộc tội ngớ ngẩn!
- Tức là cô không hề biết chứ gì?
- Tôi tin rằng nếu ngài Thượng nghị sĩ nhận những khoản tiền lớn đến như vậy thì tôi phải biết chứ.
Tench mỉm cười lạnh lẽo.
- Gabrielle, tôi hiểu rằng Thượng nghị sĩ Sexton đã chia sẻ với cô nhiều thứ, nhưng tôi cam đoan rằng có rất nhiều điều cô chưa hề biết về con người này đâu.
Gabrielle đứng dậy.
- Cuộc gặp đến đây là kết thúc.
- Ngược lại thì đúng hơn. - Bà ta nói, tay lấy những tập tài liệu còn lại trong phong bì ra và trải đầy bàn. - Cuộc gặp bây giờ mới bắt đầu.