Marguerite Barankitse
(Sinh năm 1955)
THIÊN THẦN CỦA BURUNDI

Bạn bè quốc tế gọi Marguerite Barankitse là thiên thần của Burundi còn Marguerite thì nói: “Tôi là một phụ nữ, một người mẹ, mà nghĩa vụ của một người mẹ là hy sinh cho các con”.
Marguerite Barankitse là một phụ nữ thuộc sắc tộc Tutsi ở Burundi. Là thư kí của toà giám mục Ruyigi bà đã từng có nhiều cơ hội nói về hoà bình, tình đoàn kết giữa người và người. Năm 1993 khi cuộc nội chiến xảy ra ở Burundi giữa người Tutsi và người Hutu bà tận mắt chứng kiến những điều ấy bị thách thức, bị chà đạp, và trở nên xa vời hơn bao giờ hết đối với mọi người dân của đất nước này. Bà đã thấy những người Hutu và những người Tutsi đẩy thù hận giữa họ đi xa đến mức họ có thể giết nhau bằng những cách dã man và tàn bạo nhất. Họ giết nhau bằng lửa, súng, bom, búa, dao găm, dao rựa và bất cứ vật gì có thể kết liễu mạng sống trong nháy mắt. Sự thù hận của sắc tộc này dội vào tất cả mọi thành viên của sắc tộc kia không ngoại trừ trẻ em. Marguerite có bốn đứa con nuôi người Hutu và nhiều lần bà đã phải lấy cả mạng sống của mình ra để bảo vệ sự an toàn cho chúng. Người ta bảo bà đừng nên nuôi những đứa trẻ ấy nữa, nếu không sẽ phải chịu vạ lây nhưng bà vẫn khăng khăng giữ chúng bên cạnh mình. Những người cùng sắc tộc với bà gọi bà là một kẻ phản bội. Một lần họ muốn giết đứa con gái nuôi người Hutu của bà, bà đã nói với họ: “Nếu các người làm thế thì chẳng khác gì làm cái chuyện anh giết em. Chúa trời sẽ không bao giờ tha thứ cho các người đâu”.
Vào một trong những ngày đen tối nhất của cuộc nội chiến, Marguerite đã chứng kiến một cuộc thảm sát đẫm máu kéo dài trong vòng 10 giờ liền. Nhưng người Tutsi tấn công một khu dân cư của người Hutu đốt nhà của họ và dùng búa và dao găm giết chết 72 người trong đó có nhiều trẻ em. Vì là người Tutsi nên bà không bị giết nhưng bà bị đánh đập, bị trói và buộc phải đứng yên nhìn những đứa trẻ bị giết hại dã man. Sau khi những người Tutsi bỏ đi, bà đã gom thi thể của những đứa trẻ xấu số và chôn cất chúng. Kể từ hôm đó, bà quyết định sẽ làm tất cả để cứu mạng sống những đứa trẻ dù đứa trẻ đó thuộc sắc tộc nào.
Marguerite bắt đầu công việc đó vào ngày 25 tháng Mười năm 1993. Bà nhận che chở cho 25 em nhỏ có cha mẹ đã bị giết. Bà giấu những đứa trẻ ấy trong nhà thờ và tìm mọi cách để nuôi sống chúng. Người nhà hỏi bà có mất trí không mà lại đi làm cái công việc nguy hiểm đó, bà hỏi lại họ: “Ai mất trí, kẻ đi giết người hay kẻ tìm cách cứu người?”.
Con số trẻ cần giúp đỡ tăng lên nhanh chóng. Marguerite vận động sự ủng hộ của những người bạn trong nước và nước ngoài hỗ trợ bà để bà có thể mở rộng hoạt động nhân đạo của mình. Tháng Năm năm 1994, giám mục Ruyigi đồng ý cho bà sử dụng một ngôi trường cũ làm trung tâm bảo trợ trẻ em. Họ đặt tên cho trung tâm đó là “Ngôi nhà thân ái”. Kể từ đó ngôi nhà than ái của Marguerite trở thành nơi đón nhận những em nhỏ là nạn nhân của cuộc nội chiến thuộc mọi sắc tộc ở Burundi. Đó là những em có bố mẹ bị giết hoặc bị lạc trên đường theo bố mẹ vượt biên giới sang nước láng giềng Tanzania lánh nạn. Tất cả các em ở mức độ nào đó đều bị tổn thương về thể xác và tinh thần bởi phải trực tiếp hứng chịu bạo lực hoặc chứng kiến bạo lực xảy ra với bố mẹ mình. Điển hình như trường hợp của một bé trai mà Marguerite đã đưa về trung tâm. Bé trai này được tìm thấy khi bé vẫn đang bám chặt lấy thi thể đầy máu của người mẹ trong khi bé cũng đã bị lựu đạn làm mất một phần khuôn mặt. Marguerite đã cố gắng cứu sống bé và tìm cách đưa bé sang Đức phẫu thuật chỉnh hình.
Sau khi tình hình ở Burundi đi vào ổn định, Marguerite vẫn tiếp tục theo đuổi công việc bảo trợ trẻ em thiếu may mắn. Trung tâm ngôi nhà thân ái đã phát triển thành một trong những tổ chức nhân đạo lớn nhất Burundi. Lãnh đạo 120 tình nguyện viên của tổ chức, Marguerite đã bảo trợ cho mười nghìn trẻ em mồ côi trên khắp đất nước. Trong số những trẻ em hiện đang được tổ chức của bà nuôi dưỡng hoàn toàn có 216 em mang virus HIV.
Để mỗi em bé đến với mình đều có cơ hội được quan tâm chăm sóc, được học hành đầy đủ và để cho các trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi không trở nên quá tải, Marguerite luôn phải huy động tất cả những gì bà có và tất cả những gì bà có thể kêu gọi từ cộng đồng. Đến trụ sở của Cao uỷ Liên hợp quốc về người tị nạn ở Gevana bà đã thẳng thắn nói rằng tổ chức của bà đang thiếu tiền. Giúp đỡ những người phụ nữ hồi hương sau nội chiến bà không ngần ngại đề nghị họ chung tay cùng bà chăm sóc những trẻ em mồ côi bởi theo bà những phụ nữ ấy biết cách chia sẻ những may mắn của họ khi mà các con họ vẫn còn có họ trên đời. Khi được nhận số tiền 100 nghìn đô la của giải thưởng Nansen Refugee Award, giải thưởng của Cao uỷ Liên hợp quốc vì người tị nạn, Marguerite đã nói: “Tôi sẽ dùng số tiền này xây dựng một bệnh viện phụ sản ở Ruyigi để những phụ nữ trẻ được trang bị kiến thức và được chăm sóc y tế, để không phải chết trong khi sinh nở. Làm như vậy chúng ta sẽ không còn phải thấy những đứa trẻ sơ sinh mồ côi nữa”.
Nếu những đứa trẻ mồ côi tìm đến với Marguerite chỉ hi vọng được cho ăn uống, cho nơi che mưa che nắng thì Marguerite đã cho chúng tất cả những điều đó. Và còn hơn thế, bà cho chúng không khí gia đình, tình yêu thương của người mẹ. Trên tất cả, bà tạo cho những đứa trẻ thuộc những sắc tộc khác nhau cơ hội sống bên nhau, giúp đỡ chia sẻ với nhau mọi vui buồn để chúng tự học lấy bài học về tình đoàn kết của dân tộc. Đó là sự chuẩn bị cần thiết cho tương lai của các em và cho tương lai của đất nước Burundi.