ột ví dụ cuối cùng cho các nền tảng đạo đức và tôn giáo của y học Tây Tạng có thể được thấy trong việc chẩn đoán và điều trị các căn bệnh của phụ nữ. Quyển rGyud bzhi liệt kê ba mươi hai căn bệnh phụ khoa, và trong vòng nhiều năm các bác sĩ khác đã ghi thêm các căn bệnh mới vào trong danh sách này cùng với những bài bình luận. Các căn bệnh phụ khoa bao gồm năm rối loạn của tử cung gây ra bởi gió, mật, đờm, máu, và một số kết hợp khác nhau của những thứ này; chín loại bướu tử cung, hai loại ký sinh trùng tử cung, và mười sáu loại rối loạn kinh nguyệt. Hơn nữa, trong thời kỳ mãn kinh, có những trường hợp liên quan đến phổi, tim, gan, lá lách, túi mật, thận, ruột non, ruột già, dạ dày, xương, ngực, và đầu, làm thành tổng số ba mươi hai căn bệnh phụ khoa. Về sức khỏe của phụ nữ, các căn bệnh thường bắt đầu từ máu huyết kinh nguyệt và trở thành những căn bệnh mãn tính đi kèm với gió. Gió ảnh hưởng đến nhiều bộ phận nội tạng, nhất là gan. Nếu gan hoạt động tốt và yếu tố gió luân lưu tốt, các trạng thái cảm xúc sẽ được dễ dàng và hạnh phúc, và người đó sẽ ở trong trạng thái vui vẻ và có thể thoải mái biểu lộ tình cảm của mình. Nếu các yếu tố gió bị cản trở và đi lệch khỏi trạng thái bình thường, nó sẽ ảnh hưởng đến trạng thái cảm xúc của người phụ nữ, gây ra sự tức giận và khó chịu. Trong bệnh lý, nếu gió dấy loạn ở phần trên thân, sẽ làm lửa trong gan dâng lên, người ấy sẽ rất khó chịu và bị đau đầu. Khi gió đi lệch, nó có thể ảnh hưởng xấu đến sự di chuyển của máu trong các mạch, làm ảnh hưởng đến buồng trứng, dẫn đến việc kinh nguyệt không đều và đau đớn, cùng với trạng thái căng thẳng và ngực bị sưng trước kỳ kinh nguyệt. Hơn thế nữa, gió có thể dễ dàng ngăn trở hoạt động của gan trong việc bảo đảm cho sự luân lưu của máu. Việc cung cấp máu trong gan có thể trở nên cạn kiệt, cuối cùng dẫn đến sự mất cân bằng hoặc ứ đọng máu. Khi quá trình máu-gan bị nghẽn, dòng máu luân lưu trong các mạch cũng sẽ trì trệ và ảnh hưởng đến chức năng của kinh nguyệt. Biểu hiện chính của sự ứ máu trong tử cung là máu kinh nguyệt bị đóng cục và có màu đen. Sự ứ đọng máu luôn luôn dẫn đến sự đau đớn, trong trường hợp này, sự đau đớn chính là do bị căng phồng. Điều này cũng có thể làm tăng khối lượng máu xơ trong tử cung. Kết quả của việc thiếu máu là những kỳ kinh nguyệt ít ỏi hoặc chẳng có, chẳng hạn như trong thời kỳ mãn kinh sớm. Vì gió cũng có liên quan chặt chẽ đến các cảm xúc, chúng ta cũng có thể hiểu được những vấn đề về rối loạn tâm thần của phụ nữ. Các cảm xúc tức giận và thất vọng có liên quan đến hoạt động của gan và các yếu tố lửa, dịch thể mật. Gió và lửa có xu hướng ảnh hưởng đến tâm bằng cách tạo ra sự lo lắng, khó chịu, kích động tâm thần, mất ngủ, hoặc bệnh tâm thần. Khi ngọn lửa di chuyển lên phía trên nó kích động máu, làm chảy máu. Tính chất của lửa là dâng lên đến đầu, nơi nó có thể làm khô các dịch thể, gây thiệt hại cho máu, và ảnh hưởng đến tâm trí. Như vậy, người phụ nữ sống trong những điều kiện khiến họ luôn tức giận hay sợ hãi có thể bị kinh nguyệt không đều, hoặc làm tăng trưởng tử cung…. Các yếu tố xã hội khác như việc di dân do chính phủ tài trợ đến những vùng có nước, xa rời các khu vực khô cằn; hay các luật lao động mới dành cho những người dân phải ngâm mình làm việc dưới nước hằng giờ dẫn đến những sự mất cân bằng mãn tính về gió-đờm. Sự gia tăng hoạt động của đờm ảnh hưởng đến việc luân lưu của nước, và nhiệt độ của thận có liên quan đến việc cảm lạnh, và sự luân lưu của máu, với kết quả là đau bụng, đau lưng, sưng khớp xương. Ở đây, những tác động tâm lý của điều kiện xã hội khiến gió làm hoạt động của đờm thêm trầm trọng. Cuối cùng, một vấn đề chung của các phụ nữ Tây Tạng là sự nhiễm trùng ở vùng xương chậu do sự mất cân bằng của gió-mật. Những vấn đề này thường xuất phát từ sự thay đổi chế độ ăn uống, theo đó những người trẻ được tiếp xúc với nhiều loại thực phẩm khác nhau, nhưng đặc biệt là ớt được tiêu thụ với số lượng rất lớn, và sự thay đổi trong cách hành xử, nhất là các hành vi tính dục và sinh sản. Việc kiểm soát sinh sản được gia tăng, nhất là việc sử dụng vòng tránh thai (I.U.D.), nhiều việc giao hợp thường xuyên với nhiều đối tượng, và việc nạo phá thai, tất cả liên quan đến việc tạo ra các rối loạn gió-mật và bệnh sốt với sự nhiễm trùng tử cung, ống dẫn trứng, và/ hoặc buồng trứng. Ở đây, sự mất cân bằng của gió có thể làm tăng thêm hoạt động của mật, do đó sản xuất nhiệt, dẫn đến bệnh sốt từ nhiệt. Kích động của máu trong ống sinh sản liên quan với sự nhiễm trùng. Trong mọi trường hợp, các bác sĩ Tây Tạng tập trung vào sự mất cân bằng vật lý có thể được khắc phục bằng liệu pháp ăn uống, hành vi, y dược, hoặc phương pháp điều trị ngoại tại (bao gồm ngãi cứu, xoa bóp, nhang và ống giác hơi), nhưng cũng có thể hiểu các vấn đề sức khỏe này là liên quan đến tam độc chịu ảnh hưởng của các yếu tố ngoại tại. Các rối loạn của gió là một ví dụ đặc biệt…. Các thiếu nữ Tây Tạng ngày nay ở đô thị cũng có thể được xem là bị chứng rối loạn từ gió có liên quan với chất độc của ham muốn, cụ thể là những ham muốn chưa được thỏa mãn, bởi các biến đổi nhanh chóng của xã hội. Vì sự mất cân bằng về gió có liên quan đến những ham muốn chưa được thoả mãn, ta có thể thấy sự gia tăng tính dục như một cách để tìm sự thỏa mãn, mà trong những hoàn cảnh hiện tại đòi hỏi phải kiểm soát sinh sản, phá thai, hay có nhiều đối tượng, có thể gây hại đến sức khỏe của người phụ nữ. Nói chung, các bác sĩ Tây Tạng trị bệnh với những phương pháp nhẹ nhàng. Các kỹ thuật chữa bệnh không chỉ chữa trị căn bệnh đặc biệt mà bệnh nhân đang mắc phải, mà còn chữa trị luôn các tác dụng phụ. Như vậy, các phương pháp trị liệu bao gồm các thảo dược có hiệu quả không chỉ trong việc chấn chỉnh lại sự mất cân bằng dịch thể mà còn thay đổi nhận thức của một người về hoàn cảnh xã hội, giúp người đó thích ứng tốt hơn với nó. Các bác sĩ Tây Tạng nổi tiếng với bao loại thuốc khác nhau để chữa trị cho các chứng rối loạn của gió. Thảo dược được dùng nhiều nhất để trị các chứng rối loạn từ gió là hắc mộc lô hội (black aloe wood) hoặc ưng mộc (Aquilaria agallocha), đó cũng là thuốc an thần nhẹ được ưa thích nhất trong cộng đồng Tây Tạng. Để kết luận, lý thuyết y học về dịch thể của Tây Tạng đan xen với các tư tưởng Phật giáo trong sự hiểu biết phức tạp về các yếu tố cấu tạo của hiện tượng vật lý, liên hợp sinh lý học với các trạng thái hoặc điều kiện tinh thần, vật thể, xã hội, môi trường và đạo đức. Một bác sĩ giỏi trong truyền thống y học Tây Tạng không chỉ cần phải được trang bị với sự hiểu biết cặn kẻ về thân, mà còn sở hữu nhiều phẩm chất cá nhân. Chúng tôi tin rằng các phẩm chất này được miêu tả nơi một nữ bác sĩ nổi tiếng nhất của Tây Tạng, bà Kandro Yangkar. Kandro Yangkar, Vị Nữ Bác Sĩ Tây Tạng “Đầu Tiên” Trong bản dịch rGyud bzhii (Tứ Mật Kinh) của Rechung Rinpoche, chúng ta thấy bảng liệt kê các phẩm chất cá nhân cần phải có nơi một bác sĩ tài giỏi, trong thời đại của bà Kandro Yangkar (1904 - 1972 /3). Những điều kiện cần phải có bao gồm những điều sau:
- Thông minh: Người muốn trở thành một vị bác sĩ tài giỏi cần phải thông minh, có được sự hiểu biết sâu sắc, nhạy bén và trí nhớ dai. Người đó cần phải biết đọc và biết viết để có thể học hỏi về y học và để nắm vững những văn bản y học. Thầy của người đó cần phải là một người biết tất cả về y học và có thể giải thích tất cả, không giấu học trò bất cứ sự hiểu biết nào. Vị ấy phải là người hiểu biết, tử tế và có kiến thức nói chung về tất cả mọi mặt. Người học phải vâng lời, kiên nhẫn với vị thầy của mình, và hợp tác với các bạn đồng môn để giúp đỡ lẫn nhau trong việc học tập và không lười biếng.
- Lòng từ bi: Người muốn trở thành một bác sĩ giỏi cần phải luôn nghĩ đến việc giúp đỡ tất cả mọi người. Người đó phải có tinh thần thân thiện, không thiên vị, đối xử với tất cả mọi người như nhau. Người đó phải mong cầu hạnh phúc cho tất cả mọi người và có ước nguyện đạt được Giác ngộ. Một người với thiện tâm như thế sẽ không gặp trở ngại nào trong khi hành nghề.
- Tư cách bên giường bệnh: Các bác sĩ cần phải vui tánh, thông cảm, và có thể cho bệnh nhân những lời khuyến khích và lòng tự tin. Họ cần phải thông thạo về y học và có thể chẩn đoán các căn bệnh dễ dàng. Họ cần phải quen thuộc với phong tục và tập quán của người dân bình thường, biết cách nói chuyện, biết cách hành xử, và có đôi chút hiểu biết về tôn giáo. Người bác sĩ không được ích kỷ và cần phải có lòng thương đối với người nghèo khó. Phải chăm sóc bệnh nhân chu đáo cho đến khi bệnh nhân hoàn toàn bình phục. Người bác sĩ có được tất cả các đức tính như trên sẽ đạt được danh tiếng và giàu có. Người bác sĩ giỏi giống như người bảo vệ và người giải thoát cho những ai yếu thế; người ấy là đại diện cho đức Phật Dược Sư và là dòng dõi của các vị thầy về y học.