TU
Tác giả: Ma Trí
Nguồn: KTNN số 684, ngày 10.08.2009

Hai Tỉ là một công tử con nhà phú hộ, lúc nào tiền bạc cũng nặng túi, người hầu xúm xít chung quanh, suốt ngày rong chơi. Một hôm, đi ngang qua khu rừng thấy Đức Phật đang thuyết Pháp. Hai Tỉ bèn ghé vào nghe thử. Nghe xong, Hai Tủ hết sức cảm động, thấy ngưỡng mộ những tì kheo (người xuất gia) tự do, tự tại, vô ưu. Nhớ lại những năm tháng phóng túng đã qua, Hai Tỉ thấy chán ngán và quyết định qui y. Dù cha mẹ ra sức ngăn cản, Hai Tỉ vẫn quyết định giũ bỏ mọi hệ luỵ để sống cuộc đời thanh tịnh của một tì kheo.
 
Sau khi xuống tóc, Hai Tỉ rất chăm chỉ, siêng năng: lúc nào người ta cũng thấy anh tĩnh toạ hay đọc kinh, quét tước, dọn dẹp, không lúc nào ngơi nghỉ. Ngay cả việc ngủ Hai Tỉ cũng thấy là lãng phí thời gian. Nhưng trước đây không quen làm việc căng thẳng như vậy nên mới được nửa tháng, Hai Tỉ đã thấy cơ thể rã rời, sức khoẻ suy giảm nghiêm trọng. Hai Tỉ thấy mình đã cố gắng hết mình mà vẫn chưa ngộ nên đâm ra buồn chán, dần dần trở nên hết sức lười biếng, trái ngược với lúc trước.
 
Đức Phất biết chuyện, tìm gặp Hai Tỉ và nói: “Ta nghe nói lúc ở nhà, con đánh đàn rất giỏi phải không?”.
 
Hai Tỉ gật đầu. Đức Phật lại hỏi: “Nếu dây đàn chùng quá thì tiếng đàn thế nào?”.
 
Hai Tỉ đáp: “Nếu dây đàn chùng quá thì đàn không ra tiếng”.
 
Đức Phật hỏi tiếp: “Vậy nếu dây đàn căng quá thì có tiếng đàn hay không?”.
 
Hai Tỉ đáp: “Nếu dây đàn quá căng, chẳng những tiếng đàn không hay mà còn nguy hiểm vì dây đàn sẽ rất dễ đứt. Dây đàn căng quá hay chùng quá thì tiếng đàn phát ra đều không hay”.
 
Đức Phật bèn hỏi: “Vậy như thế nào tiếng đàn mới hay?”.
 
Hai Tỉ đáp: “Dây đàn vừa phải, không quá căng mà cũng không quá chùng thì thanh âm hay nhất”.
 
Đức Phật gật đầu nói: “Việc tu hành cũng giống như vậy. Nếu quá nôn nóng, gấp gáp sẽ dễ bỏ cuộc, còn nếu quá lười biếng cũng khó có thể tiến bộ. Không quá nôn nóng và cũng không quá lười biếng mà điều độ, vừa phải mới tốt. Vậy con nên xem lại cách sinh hoạt của mình, lúc cần nghỉ ngơi thì nên nghỉ ngơi, lúc cần dụng công thì nên chuyên tâm cố gắng. Kết hợp điều đã học được với thực tế, biết dụng tâm mà lý giải đạo lý thì việc tu hành mới có kết quả!”.
 
(Theo Chan Gushi)