975. Tháng 4. Đại thắng mùa xuân. Như tên hồi ký Văn Tiến Dũng viết. Và cho tướng Giáp ra rìa đại tiệc. Báo Nhân Dân dành hai trang đăng bài Bùi Tín tường thuật “giải phóng Sài Gòn”. Xem đến đoạn Bùi Tín vào Dinh Độc Lập mở tủ lạnh xem “chúng nó” ăn những gì, tôi không đọc nữa. Kiểm kê sự ăn uống của tư sản, địa chủ vốn nằm quen thuộc trong cẩm nang phát động quần chúng căm thù bọn bóc lột. Tức là bấm vào cái huyệt ghen ăn tức ở. Mở trí khôn cho quần chúng ở cái điểm này mới quý đây!
Bỏ báo xuống là một phản ứng buồn. Chính tôi thua. Với thân phận kẻ bị đàn áp, rất bản năng tôi đứng ngay vào phía bà con đại bại trong Nam. Tự nhiên cứ hay hát thầm “Chung một tương lai tối mù tối mịt” theo điệu một bài hát ca ngợi Biển Đông chung chạ môi răng.
Gần trưa 30-4, Nguyễn Thành Long rủ tôi đi bộ về phía ngã tư Lý Thường Kiệt - Phố Huế. Đường ngày càng đông người hò reo. Tôi nói: “Chả lẽ trời đất quỷ thần lại phù hộ…”. vừa lúc một chiếc xe máy phóng vượt lên, người ngồi sau vung một bánh pháo đang nổ tụng tóe, tôi không nói tiếp nữa.
Tôi dành một trang nhật ký viết:
Le rideau tombe! - Hạ màn. Sáng 1-5, con gái tôi dậy rất sớm khe khẽ lấy khăn quàng đỏ xin phép cho lên xe Nhà hát.
Tôi vẫy cháu đến bên giường. Thấy cần cho cháu hiểu điều cơ bản:
- Cho con đi mừng đất nước hết chiến tranh, dân thôi chết chóc chứ không phải mừng chiến thắng vì khi con reo hò thì trong kia có thể ông nội và các cô chú của con lại đang khóc… bởi bom đạn ngoài này giết chết mất người thân.
Tự kiềm chế, tôi tránh chữ nội chiến, sợ cháu ra ngoài bép xép nhưng chính cũng lúc đó trong đầu tôi chợt lóe lên một liên hệ: Đảng đã trung thành noi sít sao gương hai ông anh cả và hai mở đầu sử mới của đất nước đều bằng nội chiến tàn khốc để rồi rút ra kết luận thần thánh “chính quyền ra từ nòng súng”. Nhưng sao người ta cứ phải mượn danh nghĩa chống ngoại xâm? Kia, từ 1972 đến 1975, ba năm qua toàn là Việt Nam thịt Việt Nam! Mỹ cuối cùng chẳng phải đã học Trung Quốc vở Việt Nam hoá chiến tranh đó sao? Để nó đánh, còn mình tung hứng chỉ trỏ đằng sau có hơn không?
Đâu chỉ tôi lo người nhà tôi trong kia khóc. Ngoài này tôi đã chứng kiến người khóc. Gần nhà tôi có cụ Lập, hơn bảy chục tuổi, thổi
clarinette dàn nhạc cung đình của Bảo Đại, cùng dàn nhạc theo cách mạng, đánh Pháp rồi tập kết ra Bắc cùng với Dương Quang Thiện, Lý Thương, các giám đốc Nhà hát Giao hưởng, Hợp xướng, Nhạc vũ kịch, Nhà hát Ca Múa Nhạc. Mỗi cụ Lập không đảng thì lính trơn. Sống một mình. Nghèo, đói. Bít tất nâu bạc phếch quanh năm ở chân, đúng hơn, hết chun, tụt nằm lòng thòng ôm mắt cá. Đôi dép râu quai vồng ngỏng lên như những còng vó. Mưa gió ra chuồng xí về thấy tôi dịch sách ở đầu hiên (mất điện), cụ dừng lại.
Đập vào mắt tôi là đôi bít tất lúc này đã tụt ra nửa bàn chân đang như hai cái bao tải con lau chùi vệ sinh cho dẫy hè sứt mẻ ướt dượt, cho vũng nước đái đã lên váng mấy màu ở chuồng xí. Tôi thầm nghĩ: “Cụ không tập kết thì cụ đang đi giày da bóng loáng và quần téc-gan màu than đá”.
Về sau, trong mắt tôi, đôi bí tất lòng thòng ở hai cổ chân gầy mốc meo và lật phật rủ ra ngoài đến một nửa kia trở thành ngọn cờ của đầu hàng buông xuôi. “Tôi là vì nghệ thuật mà hăm hở ra đi, nhưng nghĩ lại thì cũng vì nhiều cái lắm, vì tiền đồ cá nhân này, vì nước này nhưng cuối cùng chẳng cái gì nó vì tôi…”
Một hôm để cụ vui, tôi nói:
- Cụ ơi, sau Cách mạng tháng Tám, nghe Dàn nhạc cung đình chơi có cả
clarinette, saxo… hai bài “Lưu thuỷ Hành vân” ở trước Nhà hát lớn tôi thật không ngờ ta đã kết hợp tây nhạc và hay đến thế. Các cụ từ hồi ấy đã chăm chút vốn liếng dân tộc và học ngoại.
- Ấy, rồi ông Tố Hữu bắt giải tán. Ông ấy bảo truyền thống chúng ta là thô mộc, tây nó mới kèn đồng, dây đồng. Thì ông gì Cục trưởng văn hoá quần chúng cho mở lại hội Lim cũng bị phê phán rồi mất chức đấy.
Tôi thầm nghĩ: Đào Duy Kỳ!
Bây giờ, tôi mau mắn mừng cụ sắp được đoàn tụ gia đình. Nhưng cụ nắm tay tôi:
- Cảm ơn ông, đoàn với ai, tụ với ai? Vợ con chưa biết hiện ở đâu, đi theo nhà khác mất rồi có khi. Họ hàng thì chết trong Tết Mậu Thân… Tôi về đó vẫn lại trơ làm thằng tập kết đợt hai trơ trọi một mình… Ra đi để thống nhất đất nước, bây giờ ai thống nhất với thân già tôi?
Thương cụ, tôi cúi xuống.
Thì lần đầu tiên thấy chân trần của cụ. Nó xương xẩu, mỏng tóp, vặn vẹo, và tôi thấy đúng là nó có một nội tâm và nội tâm ấy đang mếu. Tôi vụt nghĩ Ma Y thần tướng có lẽ nên xem tướng bàn chân trước hết, lấy cái bệ đỡ của số kiếp này làm điểm đột phá vào vận mạng mỗi người.
Cụ Lập nói chuột cống tha mất bít tất rồi. Đêm qua ở nhà vệ sinh về bước vào vũng nước sâu phải cởi ra hong. Sáng không còn nữa.
Lúc ấy tôi chỉ có một đôi bí tất rách mũi và gót. Vào nhà ai phải cởi giầy, tôi thấy như đang viết khai lý lịch phi vô sản đáng xấu hổ.
Tôi nói nhiều đến cụ Lập này vì hai nguyên cớ, ngoài tình thương đồng loại còn có lợi ích. Sau khi cụ về Huế, Thanh Thanh, diễn viên múa, con gái Hoàng Mười bảo vợ tôi:
- Cô hãy xin cho dọn về nhà cụ Lập chứ ở mãi cạnh chuồng xí mất vệ sinh lắm. Thú thật là vào nhà cô, em thấy mọi thứ ám mùi… kia kinh quá.
Cụ Lập đã cho gia đình tôi một “dinh cơ… thơm”.
Nguyên cớ thứ hai: cụ Lập giống Cụ Hồ như một bản sao. Trẻ con Khu văn công thường đến đập cửa nhà cụ: Cụ Hồ ơi là Cụ Hồ ơi, sao Cụ lại đến ở đây?
Lý ngừa ô là ngừa ô ô ộ ô, nào xin rrước… Củ, rrước Củ, rrước Củ là về rrưn… là về rrưn… à rrưn. Hay vỗ tay hát chõ vào nhà: “Hai mắt Bác như sao, râu hơi mùi…”
Chúng kháo râu cụ có mùi
thui thúi (nhại cụ).
Hỡi Ma Y Thần tướng? Sao giống nhau như đúc mà mỗi người một cảnh? Bên là vật chứng của vinh hoa thành đạt, bên là vật chứng của lụn bại thảm thương. Tôi đã có lúc nghĩ không chừng cụ Lập là một phản - Hồ Chí Minh, như phản vật chất trong vật lý. Lúc ấy tôi chợt tiếc đã không quan sát kỹ bàn chân Cụ Hồ một dạo tôi hay nhìn thấy.
Nhân chuyện đám trẻ con Lý ngựa ô ghẹo
rước cụ Lập về rrưn, cần nói thêm chúng còn ghẹo cái phi lý của xã hội.
Chúng vỗ mông hát rất đều và to:
Què liên lạc, Lác lái máy bay, Cụt tay đào hầm, Câm gọi điện, Mù đọc báo, Điên chỉ huy … Và một kiểu lắp thêm chữ vào câu hát như kiểu cờ domino, ai ngắc không hát tiếp được sẽ bị ê ê:
Bà gì bà ngoại, Ngoại gì ngoại xâm, Xâm gì xâm lăng, Lăng gì Lăng Bác, Bác gì Bác Hồ, Hồ gì hồ đồ, Đồ gì đồ xôi, Xôi gì xôi lạc, Lạc gì lạc thối, Thối gì thối tai, Tai gì tai chó, Chó ỉa vào mày, Mày vầy nước đái, Cho tái mặt lên…*
Xong chiến tranh cả tháng tôi rất buồn: không có tin của bố và các em tôi. Dù Linh vào Nam biểu diễn từ đầu tháng 5 và Thép Mới, Mai Lộc hết sức tìm. Gia đình tôi mất liên hệ với nhau đã lâu.
Thương miền Nam đang sướng rồi khổ đây thì mọi người cũng lại xuýt xoa trong kia dân nó ối chà giàu ơi là giàu. Vàng chỉ năm chục đồng Cụ một cây. Tủ lạnh vài chục đồng một chiếc. Lạnh cứ là liên lu liền lù suốt năm. Bảo cho tay vào lâu là hoá ra đá.
Một sáng P. K. bên giáo dục chuyển sang làm báo mời tôi ăn phở Phú Gia. Lúc chờ, anh nói:
- Chỉ với anh thì tôi mới nói thật cái này: nhà tôi là tư sản anh ạ.
Thấy vẻ sung sướng trên mặt anh, tôi mừng thay nhưng cũng lo. Tôi nói khéo sẽ mất hết. K. nói:
- Tôi đã mách cách phân tán cả rồi. Sao để họ lấy không được chứ?
Trả lời tôi hỏi trong ấy họ sống thế nào, anh nói:
- Đủ hết nhưng nay nhà tôi đã cho nghỉ máy lạnh. Giả nghèo. Buồng nào cũng máy lạnh. Xin lỗi anh, tôi thấy sướng nhất là đi toa lét. Ối trời, anh biết không, rộng, thoáng, mát., sạch… Buồng trưởng phó ban báo ta thua xa…
Hồi Nghị quyết 9, K. đả xét lại khá mạnh. Tôi không hiểu tại sao nay anh chỉ nói niềm vui hưởng thụ của gia đình tư sản với riêng tôi. Mơ hồ thấy có khi anh lại nhận ra ở tôi cái gì đó giống Sài Gòn - đúng, giống thì mới chống dữ việc “giải phóng” nó chứ! Cũng lại nghĩ: thảo nào có câu “miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng”. Con búp bê lủng lẳng trên ba lô mỗi anh lính trên đường về Bắc. Nhẹ đi một cơ số đạn giỏi cướp mạng người thì nặng ra một vật cưng biết chớp mắt, nhoẻn cười.
Thời gian rồi cho thấy hoá ra Sài Gòn cũng có công bày lối đi tới cho Đổi mới… Định hướng xã hội chủ nghĩa cặp bồ với kinh tế thị trường, kẻ cho uy danh, kẻ cho túi bạc, mối nhân duyên này chẳng phải là sặc sụa mùi dân Nam nhận họ cộng, dân Bắc nhận hàng tư đó ư?
*
Cuối cùng Thép Mới thư: “Đĩnh, Hồng Linh đã gặp cả nhà mày ở Nguyễn Thông rồi. Đâu có đấy. Tao đến chào ông cụ. Ông cụ khỏe, khóc nhớ miền Bắc. Thép Mới, thân. Tối 31-5-1975 trước khi đi xem Hồng Linh biểu diễn”.
Sợ mấy nghìn quyển sách - 16 loại từ điển - của bố tôi bị thiêu huỷ, Thép Mới cho bố tôi một giấy chứng nhận của báo Nhân Dân: “Xin cảm ơn cụ đã có nhã ý để cho báo Đảng chúng tôi sử dụng thư viện gia đình cụ…”
Cán bộ nhân viên có gia đình trong Nam đều xin giấy chứng nhận cán bộ cách mạng để gửi vào làm một thứ bảo lãnh. Tôi nộp đơn xin thì Ngũ Phong, cán bộ văn phòng cho hay Hồng Hà không ký, bảo rằng tôi không cần. Nghĩa là tôi không có tư cách cán bộ cách mạng. Khi Ngũ Phong báo tôi ý kiến của Hồng Hà, Vũ Hoàng Địch đang ngồi với tôi ở dưới cây đa sân báo liền ngẩn ra rồi run run môi nhìn xuống. Còn tôi thấy bỏng rát cái kim ấn tội đồ Đảng đóng vĩnh cửu lên mặt. Không có bùa yểm cho gia đình, tôi gửi huân chương kháng chiến của tôi vào.
Mất hết! Các cháu bé con hai cô em đem huân chương ra đánh cầu. Nhà nước lẫn gia đình đều phủ nhận công lênh chiến đấu của tôi.
Cơ quan báo họp nghe truyền đạt ý kiến Phạm Văn Đồng: ta nhân đạo đưa họ đi cải tạo để trở lại làm người, kẻ nào không chịu mà chống lại thì ta sẽ đối xử như chó (ý là cho quay lại đời chó săn). Tôi nghe thấy kinh khủng, lạnh cả người. Bữa ấy cũng truyền đạt lời Lê Đức Thọ: ta để cho họ tạm buôn bán thế mà đã có anh em chất vấn. Họ như con chim ta nắm trong lòng bàn tay, cần đến ta bóp lại ngay thôi mà.
Người ta hớn hở thì lòng tôi u ám. Như Nàng Kiều trước mộ Đạm Tiên cứ thấy số phận mình gắn nhiều hơn với bà con trong kia. Cũng chung phường phản động cả.
Nghe câu “chuyến tôi đi xe đò đứt thắng, đ. mẹ đời đ. má tương lai” chả hiểu vì sao lại truyền ra Bắc, tôi thấy rõ hơn bà con trong Nam, đồng minh không cần cam kết, sẽ bị đày ải từ nay!
Nhưng người ngoài Bắc nô nức đi Nam. Tôi biết thân phận không ngỏ ý ngay. Người ta sẽ bảo anh chống kháng chiến chống Mỹ cơ mà, sao còn xin hưởng chiến thắng?
Gần năm rưỡi sau, tôi được giấy phép vào. Tiền không có, tôi vay Lê Văn Viện, phiên dịch cho sứ quán Ấn Độ, bố Bống tức ca sĩ Hồng Nhung, 500 đồng. To của. (“Anh cứ cầm, bao giờ trả em, mà không trả cũng được”, - Viện nói). Có tiền rồi lại khó khoản vé. Chỉ có thể hoặc nhất thế nhì thân hoặc chìa cổ ra cho phe vé. Tôi nhờ học giả Đào Duy Anh. Anh viết vài chữ bảo tôi cầm đến cho Hiến từng làm ở báo
l’ Action,
Quân du kích và Hà Nội Mới. Hiến đã mua cho tôi vé liên vận - xe lửa đến Vinh, đổi xe khách trực chỉ ngày đêm vào Sài Gòn.
Đêm miền Nam đầu tiên nghỉ ở Đà Nẵng. Hành khách ngủ vạ vật trên đường quanh xe. Sáng sớm, mở mắt tôi thấy một vùng loá trắng, tinh khiết, ngỡ như mênh mang ngay ở trên đầu: pho tượng Phật. Chợt thấy lòng êm ả lạ. Nhờ ánh sáng an ủi mà một đức Phật bằng lặng và nguy nga như tảng băng Nam cực kia trôi đến ban cho. Sau biết đó là pho tượng Phật Quan Âm lớn nhất Việt Nam ở Chùa Linh Ứng, Bãi Bụt. Hay thật, sao đêm đầu tiên gửi mộng trên đất miền Nam tôi lại ở Bãi Bụt!
Tôi tới nhà, cô em út trông thấy tôi đầu tiên.
Cách đây hai mươi năm, ở Đại học Bắc Kinh, tôi nhận được một bưu thiếp, sản phẩm đặc biệt của cái thời “tạm chia cắt”. Hân, mười sáu tuổi, viết: “Em mơ thấy anh được Nobel, à, nhưng anh có biết Nobel là gì không? Em khoe với bọn bạn là anh rất giống Marlon Brando và Anthony Perkins, ôi, chúng nó ghen quá, đã đẹp trai lại giỏi nữa chứ. À, nhưng anh có biết hai diễn viên Mỹ này không?”
Nay Hân ngẩn ra nhìn mãi cái người tiều tuỵ đang cố rút chân ra khỏi đống bị, sọt, can, ba lô tha vào cứu tế chất đầy sàn xích lô. Gắng rút được chân thì một chiếc dép nhựa nâu văng lên thành một parabol hoàn hảo của một chiếc lá đa già, mỏng sắc, nó liệng vồng lên qua đường rồi rơi đánh đạch một cái trước khung cửa gỗ tăm tối của nhà tôi: tiền trạm của tôi lại là cái gót rỗ kỳ khu nằm trình diện kia! Khi xỏ lại chân vào nó, tôi chợt thấy mình đúng là khố dây đi đất. Tôi không có nền móng gì ở dưới chân. Nhẹ bỗng. Trống trơ. Trừ tình gia đình, bố con anh em…
Tôi đồng thời cũng thấy một ngỡ ngàng lớn trên mặt em gái. Em quan niệm người có tài mới thành đạt và thành đạt thì trước tiên là có nhiều tiền, kiểu như Bill Gates sau này vậy. Tan vỡ Nobel. Marlon Brando, Anthony Perkins… ở người anh. Tan vỡ hết luôn cả mộng nữ sinh Trưng Vương Sài Gòn.
Đoàn tụ thật là cảm động và vui. Nhưng luôn nhói lên một nỗi lo đen ngòm: gia đình tôi trong này rồi sống làm sao. Bố tôi sụt mười mấy cân. Lo, chán. Tôi nhắc chuyện Nguyễn Thành Long nói bố bị bắt đứng nghiêm một lúc. Cụ cười bảo tôi: Bố đi bộ về đến đầu phố thì bị một anh bộ đội cầm súng gác giữ lại hỏi đi đâu mà nhanh thế. Bố nói tôi già nên muốn mau về nhà nằm. Không được, đứng nghiêm năm phút! Bố lại ngỡ như thuở bé đi học đứng nghiêm là quay mặt vào tường nên quay vào tường thì anh ấy lại vặn sao quay mặt đi? Trốn giáo dục à? Lại quay lại nhìn thiên hạ qua lại nhìn mình. Đứng đã ngán lại phải nghe loa ca ngợi chiến thắng, phân tích chiến thắng…
Đến đây, bố tôi chợt ra đầu giá sách lúi húi lục tìm rồi quay lại đưa tôi hai trang báo đã cắt.
- Đĩnh xem, chiến thắng đây.
Một nửa trang báo Sài Gòn Giải Phóng có câu tôi nhớ đại ý như sau: Với Việt Nam, Trung Quốc vĩ đại không chỉ là người đồng chí, mà còn là ông thầy tín cẩn, đã cưu mang chúng ta nhiệt tình để chúng ta có được ngày hôm nay, thì chủ quyền Hoàng Sa thuộc Trung Quốc hay thuộc ta cũng vậy thôi. Khi nào chúng ta muốn nhận lại, Trung Quốc sẽ sẵn sàng giao lại.
Một trang nữa với bài xã luận nhan đề thật kêu: “Thấm nhuần tinh thần nhân đạo Việt Nam”.
Bố tôi che phần dưới bài xã luận hỏi tôi:
“Tu crois en ca? - Đĩnh có tin không - rồi rút tay lại cho tôi đọc tiếp.
“Đế quốc Mỹ và tay sai đã biến chúng từ con người thành ra dã thú. Cách mạng phải cải tạo chúng từ thú trở lại thành người. Phải giam chúng lại để chúng không làm hại nhân dân được nữa. Đồng thời phải cải tạo chúng để chúng cải tà quy chính”. Tôi lại thấy lạnh người như lần đầu nghe truyền đạt lời Đồng - (chứ không phải vàng, chỉ lời Bắc Kinh mới là vàng) tại bản doanh báo đảng.
Bố tôi nói:
- Qua thư từ các con, bố đoán các con khốn khổ vì đảng và vì thế bố cũng hài lòng, đỡ buồn. Trước kia, trong này vẫn gọi Hà Nội là tay sai của Moscou, Bắc Kinh… Còn bảo Sài Gòn tay sai thì Sài Gòn không hề dâng đất cho Mỹ như Hà Nội. À, Đĩnh thì chắc biết cũng Trung Quốc nhưng Trung Quốc lại đã có Lão Tử chủ trương không dùng vũ lực vì chính vũ khí sẽ chống lại người cầm vũ khí… Mặc Tử thì phản chiến thế này: mùa đông rét, mùa hè nóng nên không dấy binh, mùa xuân canh tác, mùa thu hái gặt nên cũng không dấy binh…
Người ta sợ khổ dân mà không đòi chém giết. Còn Mạnh Tử nói kẻ cầm quyền coi dân là ngọn cỏ cục đất thì dân coi lại họ là quân cướp, kẻ thù.
Nghe bố nói Lão Tử, Mặc Tử, Mạnh Tử mà mình im, tôi hơi ngượng. Học ở Trung Quốc nhưng tôi không mò vào Lão Tử, Mặc Tử, Mạnh Tử!… Đúng ra, 1973, tôi đã mượn Minh Chi quyển Đạo Đức Kinh tiếng Anh nhưng đọc cứ trượt đi. Không tán thành Marx đề xướng bạo lực, tôi cũng chê Lão Tử không tưởng khi chủ trương vô vi. Nhưng tôi rất thích ý này của Lão Tử: lúc chuẩn bị dùng vũ khí thì hãy coi như đang sửa soạn lễ tang, tàn sát nhiều thì nên thương khóc cho những mất mát đau buồn, nếu có thắng thì nên kỷ niệm bằng tang ma chứ đừng tự ca ngợi mình giết giỏi.
Bố tôi chép miệng phàn nàn im súng là mở luôn ngay một trận
terreur rouge - khủng bố đỏ. Bố đã thấy những bà mẹ bế con bé quỳ xin người khác lên xe chạy trốn ra ngoài hãy giúp đem con mình đi, trốn chế độ cộng sản.
- Dân Nam bỏ đi bị chết không biết đến bao nhiêu ở biển, - tôi nói.
- Người ở lại thì chết trên cạn… Họ bạo lực thì dân phải trí trá, đạo đức giả. Lần đầu tiên trong đời bố ngày ngày phải sống giả vờ tươi vui. Xưa đọc sách báo phương tây nói về cộng sản bố đã sợ - cho nên không ở lại ngoài đó - nhưng nay bố mới thật sự chìm trong cảnh.
- Năm con mười ba tuổi, bố dịch các bài trong tạp chí
Revue francaise, đọc cho con viết, con nhớ có bài bất đề kháng của Gandhi, bố cốc đầu con một cái khi con viết thành bất để kháng… xót máu dân hay không, - bố tôi nói.
Qua gia đình, bố và các em, tôi thấy rõ hai miền hai kiểu nghĩ, hai lối nhìn khác nhau trắng đen rõ rệt. Và tôi mừng. Thì vừa hay chiều, tôi và chú em ra phố. Đến đầu Kỳ Đồng, chỗ bố tôi bị phạt đứng im, gặp một đám ma. Chú em leo vội lên hè cúi đầu ngả mũ, cái mũ bẹp nát. Đi sau, tôi lặng người. Ôi tan nát hết, từ nay sống ra sao, vậy mà vẫn níu lấy cái mẩu văn hoá bắt đầu thấy bơ vơ lạc lõng kia! Chú em tôi đang làm tay sai cho ai đây trong việc ngả mũ cúi đầu tiễn biệt một vong linh không quen biết?
Vài hôm sau, ở Huỳnh Tịnh Của, tình cờ gặp Minh Trường, phóng viên nhiếp ảnh Thông tấn xã năm 1971 đã cùng tôi vào vùng rốn lụt của Hải Dương. Anh thuộc lớp người đầu tiên về Sài Gòn chiến thắng. Nhưng anh đã nếm một chiến bại đớn đau. Hơn một năm sau kể lại với tôi, giọng anh vẫn run run như nghẹn lại. Lẽ tất nhiên anh rất vui khi lần đầu tiên trở lại đứng trước nhà mình bấm chuông. Thì mẹ anh mở cửa. Thì mẹ liền chắp hai tay lạy:
- Anh còn sống thì tôi mừng nhưng anh về thì tất cả các đứa con bao lâu nay sống với tôi, chăm sóc phụng dưỡng tôi đều đã bị các anh lôi đi tù hết mất rồi. Anh về thì nhà này tan nát, thì tôi trơ trọi. Thôi, tôi xin anh, anh đi với đồng chí của anh đi cho mẹ con tôi yên…
Vũ Hoàng Địch đến chào bố tôi. Kể chuyện Vũ Hoàng Chương. Chương ở chung xà lim với cựu thủ tướng Phan Huy Quát. Lúc mới vào, tự giới thiệu nhau xong, Chương nói:
- Thế ra thi vương, tể tướng cũng là tù của cộng sản nhỉ.
Quát nhất định không học tập:
- Tôi chống cộng sản từ trong đầu óc, máu huyết tôi thì làm sao các ông cải tạo được tôi, các ông giết tôi đi chứ không khi nào học các ông.
Sau đó Quát chết trong tù. Không học qua một bữa.
Bố tôi nói ngày cưới em gái tôi - cô em mơ tôi được giải Nobel - bố tôi mời Phan Huy Quát, là bạn và thủ tướng lúc đó.
Chú em rể tôi, phi công, mượn cớ chào quan khách đến trước mặt Phan Huy Quát đã to tiếng hỏi sao ông bán đất cho Mỹ?
Quát vừa ký cho Mỹ thuê Cam Ranh 99 năm. Kể lại, bố tôi lắc đầu cười. “Anh này lo Mỹ thuê hết đất thì không còn chỗ để Việt cộng mở trại giam. Anh này hiện đang đi cải tạo xa lắm…”
Khoảng một tuần sau, bố tôi đi chơi về khẽ bảo tôi: Vũ Hoàng Chương vừa mới chết… Giọng bố tôi buồn. Một lúc cụ nói thêm, vẫn khẽ:
- Vũ Hoàng Chương có mấy câu thơ dân Sài Gòn thích lắm… “Từ thuở ngươi về hỡi loài man rợ, Đến vô tri sỏi đá cũng buồn đau”.
Trần Vũ, đạo diễn điện ảnh bảo tôi 1975 Vũ vào Sài Gòn tìm Vũ Hoàng Chương. Chương hỏi thằng Địch nó làm gì? Vũ đáp làm ở Viện Triết. Chương cười:
- Lạ nhỉ, chúng mày làm đếch gì có triết mà cũng Viện triết?
Bố tôi mấy lần bảo tôi:
- Chưa có thời nào mà bắt người thua trận bị tù hàng chục vạn như thời cộng sản. Các tay này không biết lòng dân là thế nào sao?… Cái khó chịu nhất là dân trong này thấy mình bị khinh miệt. Hôm nọ nghe loa nói không có đảng cộng sản quang vinh thì làm sao có được tổ quốc vĩ đại đánh thắng đế quốc trùm sỏ, bố thấy buồn quá.
Tôi biết. Phong cách thừa thắng xông lên chả coi ai ra gì là một thái độ cần được xây dựng đại trà. Nhưng tôi im lặng.
Không muốn đẩy bố vào chỗ suy sụp, trầm cảm. Tôi không ngờ bố tôi tụt mất mười bảy cân sau mấy tháng “giải phóng”…
Tôi nghe một người quen gia đình ông Lê Đình Duyên, con cụ Lê Đình Thám, nhân vật Hoà bình thế giới của miền Bắc, kể một câu chuyện khá tiêu biểu. Ông Duyên, người này nói, là thủ lĩnh Việt Nam quốc dân đảng có uy tín và là nghị sĩ của chế độ Sài Gòn. Đại lễ mừng giải phóng, tướng Trần Văn Trà, chủ tịch uỷ ban quân quản Sài Gòn gửi giấy mời và xe con đưa ông Duyên đến dự hẳn ở trên lễ đài. Trà nói với ông: “Không có ai thắng ai, chỉ có nhân dân Việt Nam thắng Mỹ, nam bắc chúng ta một nhà”. Ông Duyên về nói lại mà bao nhiêu người mừng. Ai ngờ rồi chính tướng Trà ký lệnh bắt ông đi cải tạo. Mọi người lại tái mặt. Dân nguỵ chúng tôi bảo nhau ông Thiệu vẫn bảo đừng nghe Việt cộng nói, hãy xem Việt cộng làm. Bây giờ thâu tóm tất cả rồi, chẳng phải dụ ai, các ông nín được chuyện đánh tiếp nguỵ dân đã trắng tay mới là lạ. Đồng chí của Nguyễn Thái Học, Xứ Nhu mà tù đấy. Vừa ngon ngọt lại quắc mắt ngay, lật lọng quá. Vào Sài Gòn tôi tránh gặp gỡ. Rồi trong một bữa giỗ nhà Ngọ, sĩ quan biệt kích Sài Gòn bị cải tạo, Lan, vợ Ngọ là bạn của em gái tôi khẩn khoản mời tôi đến - đường Hoàng Đạo gần ga. Và rồi không thể không chuyện. Bữa đó, mấy vị trí thức hỏi tôi:
- Nếu có quyền thì vào đây ông làm gì?
Tôi nói tôi không thể có quyền. Nhưng họ cứ bao giả thử là có đi, xin ông cứ nói.
- Làm hai điều - tôi nói, không tiện im miệng mãi. Thứ nhất mời Liên hợp quốc đến, dựng một lễ đài nổi ở ngoài biển mạn Vũng Tàu, đem ba cái LCT chở xe tăng, đại bác, súng ống của cả Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ đến đó long trọng làm một lễ
Farewell to Arms - Vĩnh biệt vũ khí, quăng tất cả xuống nước, xin Liên hợp quốc giúp cho chúng tôi từ nay làm ăn xây dựng… Thứ hai xin cả nước để ba ngày róng chuông nhà thờ, chuông chùa làm lễ cầu siêu cầu thoát cho tất cả các vong linh đã chết trong chiến tranh này rồi cùng nhau tu sửa mọi nghĩa trang, bởi vì theo tôi, một khi đã là nắm xương gửi lại mảnh đất này thì đều là U Linh Hồn Việt hết cả.
- Chúng tôi ít khi nghe được ở người ngoài Bắc ý kiến nào giống như của ông, - mấy vị nói.
Một hôm đọc bài báo Thép Mới nói đến “hoà hợp dân tộc” tôi mừng. Bảo với Thép Mới tớ có hai cái ý này… Nhưng anh đã gạt đi:
- Không mày ạ, phải chuyển gấp sang giai đoạn cách mạng mới rồi. Phải thống nhất ngay đất nước và tức khắc lên chủ nghĩa xã hội.
Tôi lúc ấy không biết tháng 8-1975, hai miền Việt Nam đã nộp đơn xin vào Liên hợp quốc. Liên Xô và nhiều nước của thế giới thứ ba tán thành tại Đại hội đồng Liên hợp quốc nhưng Mỹ phản đối. Với lý do sao trước đó Hàn quốc xin lại bị từ chối. Sau này, ở Mỹ, Đoàn Viết Hoạt cho tôi bản copy tờ New York Times 7-8-1975 đăng tin kia, tôi mới hay.
Thế rồi Quốc hội miền Bắc họp tuyên bố thống nhất cả nước. Rồi đơn phương “thay mặt” cả miền Nam đổi luôn quốc hiệu. Không có cảng tự do Sài Gòn gì cả. Không tán thành miền Nam làm theo miền Bắc y xì, Nguyễn Văn Linh liền mất Bộ chính trị, về coi Tổng công đoàn. Vì phản đối gay gắt giập khuôn Bắc Kỳ Cục, từ 1976 Trần Bửu Kiếm, nguyên chủ tịch Uỷ ban kháng chiến Nam bộ bị gạt phăng rồi sang Pháp sống. Dân bị xua đi kinh tế mới; chồng vào trại tù, vợ con lên Tây Nguyên. Cải tạo tư sản ầm ầm.
Từ ngữ loài người giàu thêm một chữ
boat people, thuyền nhân. Trong một câu thơ, động từ “nuôi” được dựng thành ngọn cờ soái làm rớm nước mắt: “một là con nuôi má, hai là con nuôi cá, ba là má nuôi con”.
Em trai tôi, phiên dịch cho cơ quan Mỹ viện trợ Việt Nam, chú đã kính cẩn ngả mũ bẹp chào đám ma người không quen biết, có năm đứa con cả trai lẫn gái kéo nhau xuống một cái tàu đi. Gặp bão, được một tàu nước ngoài cứu. Thuyền trưởng tàu này hỏi năm đứa: “Thuyền trưởng đâu?” - “Dạ, cháu đây!”. Thằng cả mười bảy tuổi đáp. Thuyền trưởng thật đưa tất cả lũ nhỏ lẫn thuyền trưởng giả đến Malaysia. Tặng thuyền trưởng giả không có la bàn một la bàn.
Một chuyện làm cho tôi lạ lùng. Gặp Xuân Tửu trong Sài Gòn. Anh cho hay người cậu ruột của vợ anh là chuyên viên tài chính của Thiệu, rồi về hưu sang làm chuyên gia cho chính phủ vương quốc Lào. Khi ta giải phóng hộ Lào, cụ phải về Sài Gòn. Vợ chồng Xuân Tửu thăm cụ. Ông cụ nói người Mỹ đi rồi người Mỹ lại về thôi. Xuân Tửu kể lại cho tôi mà bật phá lên cười. “Khôi hài quá, - anh nói, tôi nghĩ bụng chứ không dám cười thật trước mặt cụ. Chỉ bảo cụ: Thôi cậu ơi, cậu già rồi xin lão giả an chi chứ theo cháu biết thì Mỹ đừng bao giờ hòng trở lại những nơi mà cờ búa liềm đã cắm xuống. Cụ nói sao biết không? Cụ nói thế là vì các anh chị chưa hiểu sức mạnh của đồng đô la đó thôi”.
Trước khi Xuân Tửu chết ít lâu, một hôm anh hỏi tôi có nhớ chuyện ông cậu ruột vợ anh không? Này, - anh nói, tôi không hiểu nổi sao ông cụ lại có cái tầm dự báo ghê gớm đến thế. Nó, thằng đô la ấy, nó trở lại thật kìa! Mà lại phải khẩn khoản mời nó, xin nó, cải cách nhiều cái theo pháp luật nó để cho nó hạ cố nó đến! Cái gì làm cho tôi ngu mà cái gì làm cho ông chuyên viên nguỵ kia sáng?
- Tại chúng ta tin cờ búa liềm đến đâu thắng đó.
- Có đúng như thế không thì chưa rõ… - Xuân Tửu nói.
Nhưng chắc là không thắng được lòng người.
*
Gặp ve chai đồng nát đạp xe tơi tới ở Sài Gòn, tôi chợt thấy mình thường hay hỏi: “Thanh hay Nghệ đấy?”.
Đâu chỉ hai căn cứ địa lớn này của Đói. Khắp mọi nơi! Từ Nam chí Bắc nay chả còn ai lạ câu hát “Tổ quốc ơi, ăn khoai mì mãi mãi. Từ trận thắng hôm nay, ta ăn độn bằng mười. Từ trận thắng hôm nay ta ăn độn nhiều lên…”. `Tôi không nói ngoa, có lúc nghe hát mà tôi hoe hoe mắt. Nhất là câu nhạc hơi cất lên “ta ăn độn nhiều lên…”
Cụ bạn trên kia khoe cụ nhận ra được đặc điểm hình thái văn hoá ve chai - hay mảng kinh tế thu dọn rác - đang tung hoanh ở Sài gòn bằng phương thức lao động nguyên thuỷ là lục bới, cúi nhặt. Theo cụ, văn hoá ve chai đã khái quát hoá rất rõ hành trình đi từ thô sơ thuần tuý lên nửa cơ khí bắt đầu có vận dụng tư duy nửa vời để vẫn cứ không thoát ly nổi hai bàn chân từ trần trụi đến dép lê, qua giai đoạn dép cao su mà khi làm thuỷ thủ Anh Ba đã thấy mẫu mã đầu tiên ở Sénégal rồi sau mách cho cách làm trên căn cứ địa Việt Bắc.
Cụ nói: Đúng, tôi đố ông… Đây, nếu không vũ trang theo ý nguyện được thì ngoài Bắc sẽ làm gì? Ôi, ông bảo là tuyển cử ư? Để thành Đệ nhị quốc tế cải lương đầu hàng à? Hà Nội chẳng tuyển cử với ai hết! Ông xem dân ta tốt như thế mà các ông ấy có cho tự do bỏ phiếu để được đua tài cao thấp với Đảng đâu! Tôi nghĩ ra rồi. Sẽ không xẻ dọc Trường Sơn mà đắp lên ở Bến Hải một Hoành Sơn nhất đái kiểu tường Béc-lin… Ông có biết một dạo dân Quảng Đông bơi qua biển trốn đi Hồng Kông bằng gì không? Dạ, bằng phao ghép bằng bao cao su.
Condom people! Cái bao cao su, Cụ tha lỗi, chứ cụ có đồng ý là mỗi mạng người có mặt trên đời này đều là kết quả của một cuộc cạnh tranh câm lặng nhưng hết sức dữ dội giữa các tinh trùng không? Cách tuyển chọn phần tử ưu tú nhất đó… Sir Winston Churchill, vị anh hùng kháng chiến của Anh và Charles de Gaulle, bậc anh hùng giải phóng của Pháp đều về vườn sau khi thành đạt… Có lẽ vì thế dân họ mới được hưởng cái mới. Tiến hoá là luôn kem với phá thần tượng. Còn cứ dựng thần tượng vĩnh viễn thì dân ăn mày.
Sau đó, cụ bạn rủ tôi đi dạo một vòng. Mỏi chân, chúng tôi rẽ vào một khu biệt thự kín cồng cao tường, vườn cây um tùm rồi ngồi xuống một chiếc ghế dài granito trông sang một vườn hoa nho nhỏ. Mất điện, tiếng máy nổ ầm ì ở trong mỗi biệt thự.
Như có trời xui, cách chúng tôi hai ba mét một phụ nữ ve chai ngồi tựa vào hông chiếc ghế dài trống không. Tôi bảo ngồi lên ghế thì lắc: “Cháu không quen ngồi vào thứ sang”. Cụ bạn bèn đến bên:
- Bây giờ được ở trong các nhà thế này cô có quen không?
- Không ạ!
- Cô thấy nó đẹp không?
- Đẹp… Nhưng cháu chỉ muốn Mỹ nó lại thả bom cho tan hết…
Chúng tôi trố mắt. Không ngờ tới câu trả lời dứt khoát, đanh thép này chút nào.
Người phụ nữ nói tiếp:
- Thế hồi đánh nhau đâu có như thế này? Chả là đều nghèo như nhau cả thôi. Bây giờ đấy, đứa ăn chẳng có mà đứa thì sướng quá vua. Biết trước là ra một trời một vực thế này thì chả đi hy sinh làm gì. Hai cụ không nghe thấy dân đã có câu ca đấy ư?… “Áo lính chưa ráo máu đào, Mà xe vợ tướng đã vào tới nơi”.
Người phụ nữ quê ở Nga Sơn, Thanh Hoá. Đã thanh niên xung phong ở đường mòn. Ba năm tròn không thấy một bóng vía đàn ông. Đến nỗi chị cung đoạn phó, chị này bạo mồm lắm, bảo giá một đứa, Mỹ hay nguỵ cũng được, nó lạc đến để cho chị em ta nuôi nó ngày hai bữa chỉ sai nó làm có mỗi nhiệm vụ đứng đái đái vẩy vẩy cho mà xem nhỉ?… Còn cói kiếc gì nữa đâu hai cụ. Nay chiếu thì phải chiếu trúc, chiếu ni lông Trung Quốc, Thái Lan… cơ. Thôi cháu chào hai cụ, cháu đi đây. Sáng đến giờ mới kiếm được hai mươi tư nghìn…
Người ve chai đi rồi, cụ bạn chán nản nói:
- Tôi và ông Trường Khoan đang ở Đà Nẵng thì các ông đánh vào. Chúng tôi lên xe chạy nhưng bị chặn lại. Vứt xe đi bộ, quên mất chiếc va li con đầy đô la, vàng bạc, tư trang trên xe. Lại bị dồn quay về Đà Nẵng. Hôm sau qua một trại lính thấy xe mình. Mà không dám vào hỏi. Thằng nguỵ mà lại tư sản bóc lột thì mạt hạng rồi cụ ơi. Tiền gửi ngân hàng rồi cũng đội nón đi nốt. Thấy rõ thực tại của mình bị đập vỡ dễ như bỡn. Nhưng người phụ nữ Nga Sơn kia bị vỡ một thứ còn lớn hơn. Vâng, mộng, vỡ mộng ạ. Mộng là sức mạnh chi phối đời cơ mà cụ. Hồ Chí Minh từng “Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh đó”.
Cộng mạnh lúc đầu chính là nhờ giỏi xây mộng cho thiên hạ: vâng, bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình… Lòng tham, động lực ghê gớm nhất đã được huy động triệt để cho biến thành mộng, mộng đẹp của cách mạng, giải phóng loài người… Nhưng ở ta, im súng thì mộng cách mạng vỡ đánh độp, nông dân, quân chủ lực của cách mạng hoá ra lại khổ nhất nước. Tay trắng rồi, vong gia thất thổ, vũ khí bà ấy trông vào là gì? Bom Mỹ… Cú quật trái tay của lịch sử! Ừ, có đúng là “Vèo trông lá rụng đầy sân, Tương lai nói róc có ngần ấy thôi” không? Nhìn mặt bà ve chai này tôi bỗng nhớ câu “chiến thắng mang gương mặt khổ đau cùng cực” của Olga Bergolzt, nhà thơ nữ Nga bị đày ải hết đời. Bà ta nói thay cho tất cả những ai sống với cộng sản. Cộng sản lúc đầu hấp dẫn nhờ đưa ra các hứa hẹn thoả mãn toàn bộ các nhu cầu của con người. Nhưng phiệu hết. Chỉ còn bành trướng quyền lực của cộng là nhu cầu duy nhất phải thoả mãn. Vỡ mộng, dân bèn có nhu cầu trừng phạt cái tội lừa dân. Và cậy đến bất cứ thứ gì không phải cộng.