Mặt trời đã trở màu vàng, thảo nguyên Ơlôn giống như một đại sa mạc màu vàng kim, thung lũng mà xưa kia đàn sói thường lui tới, bóng râm đã phủ quá nửa. Trần Trận đứng dậy rồi theo bản năng, nhìn lên hang sói trên sườn núi. Thời làm dương quan, mặt trời trở màuvàng là phải đề phòng sói ra bắt cừu. Sói gây ấn tưọng trong anh sâu sắc hơn bị rắn cắn. 20 năm đã qua, lúc này, trên sống lưng lại tái hiện cảm giác lạnh toát. Anh duỗi chân duỗi tay, bảo Dương Khắc: Đã về được chưa? Caxưmai chắc sốt ruột lắm rồi đấy. Dương Khắc đang hào hứng nghe, vội xua tay: Không sao, Caxưmai biết rõ chúng mình có cái tật là đã trò chuyện là bất kể sớm tối. Lúc đi mình đã nói với chị ấy, có thể đêm nay không về nhà ngủ, đi thăm một đội. Cậu đã học được cách kể chuyện của ngưòi kể chuyện rong, đến đoạn gay cấn nhất, lại "Muốn biết sự thể ra sao, xin xem hồi sau sẽ rõ". Mình biết, hồi sau là kỵ binh Mông Cổ vào chuyện. Lên xe đi! Mình ngả ghế, cậu nửa ngồi nửa nằm mà nói, còn mình cũng vậy mà nghe. Tiếp tục đi! Trần Trận lên xe, nửa nằm nửa ngồi, nói: Không ngờ mở hội thảo ngay tại nơi sói con ra đời, rất dễ nhập vai. Mình đã tiếp nhận địa khí của hang sói. Trần Trận lập tức kể tiếp: Đến khi dân tộc thảo nguyên Mông Cổ trỗi dậy, đừng nói gì dân tộc nôngcanh Trung Quốc bạc nhược tới mức không chịu nổi một đòn, mà tất cả nhứng dân tộc nông canh trên thế giới không còn đủ sức đánh trả. Mười mấy vạn kỵ binh Mông Cổ sở dĩ càn quét châu Âu là do hai nguyên nhân chính: Nguyên nhân thứ nhất, dân tộc Mông Cổ là dân tộc du mục tin thờ linh vật sói chân thành nhất, coi sói là tôtem, thú tổ, thần chiến tranh, tông sư, hình mẫu và hộ pháp của các dân tộc du mục. Người Mông Cổ không chỉ thừa nhận tổ tiên mình là "sói xanh "từ trên trời xuống, hơn nữa, lãnh tụ của những bộ tộc hạt nhân, thậm chí bản thân những bộ tộc hạt nhân còn gọi mình là sói. Vì vậy nhà sử học Ba Tư Laxthơ trong quyển I danh tác "Sử tập" chỉ ra rằng, Gia tộc Lục tổ Hai Đô Khan sinh ra Thành Cát Tư Khan (quen gọi Thành Cát Tư Hãn), Ngũ tổ Basânnhi Khan và Tứ tổ Đônpinai Khan phát triển đến đời Tứ tổ Thành Cát Tư Khan,đã xuất hiện một bộ lạc hạt nhân trực hệ vương tộc Mông Cổ - "bộ lạc xinaxư". Hai lãnh tụ của bộ lạc này chính là hai con trai của Tứ tổ Thành Cát Tư Khan Đônpinai Khan, một người tên Kiên Đô - Xíchna, một người tên Anlukhơsân - Xíchna. Tiếng Mông Cổ, Xíchna nghĩa là "sói". Laxthơ nói: "Kiênđô Xíchna" nghìa là sói đực, "Anlukhơsân Xíchna" là sói cái. Do vậy tên của hai vụ lãnh tụ này là sói đực và sói cái. Không chỉ có thế, họ còn gọi tên bộ lạc của họ là "Xíchnasư", có nghĩa là đàn sói. "Bộ lạc Xíchnasư" có nghĩa là "bộ lạc sói đàn". Nhà sử học hàng đầu về Mông Cổ Hàn Nho Lâm tiên sinh giải thích: "Xíchnasư là số nhiều, có nghĩa là tập đoàn sói". Hơn nữa, bố đẻ ông chú Thành Cát Tư Khan cũng lấy sói để đặt tên. Laxthơ chỉ ra rằng: Xaxưhơ Lincôn sau khi anh trai chết, lấy chị dâu làm vợ… Người vợ đầu của ông ta lại sinh thêm mấy người con trai, trong đó một người thừa kế ngôi vị của cha và rất nổi tiếng, tên ông ta là Xuơnhâytuhu - Xíchna. Ông ta ở cùng Đônpinai Khan. Con trai ông ta và người kế vị là Enbakhai Hơhan. Enbakhai là chú ruột Thành Cát Tư Khan, và như vậy bố đẻ chú ruột Thành Cát Tư Khan tên là Xuơnhâytuhu - Xichna. Xuơnhâytuhu tiếng Mông Cổ không rõ nghĩa, nhưng "Xichna" nghĩa là "sói". Do đó, bố đẻ của chú ruột Thành Cát Tư Khan tên là "Sói". Người Mông Cổ đặt tên "Xichna", tức "Sói" rất nhiều. Có thể thêm một ví dụ: "Sử tập" chép, cụ tổ ba đời của Thành Cát Tư Khan là Hơbulơ Khan, con trai thứ tư của cụ tên Hơđan, thông gia của Hơđan có tên là Alihây - Xichna, "Alihây" không rõ nghĩa, còn "Xichna" nghĩa là "Sói". Có thể thấy, sói trong con mắt người Mông Cổ rất cao quí, mà người Hán thì không ai đặt tên cho con là "sói". Sự thực nói trên có thể chứng minh, Thành Cát Tư Khan nổi tiếng thế giới không chỉ lớn lên trên thảo nguyên sói, mà còn lớn lên giữa đàn "người sói". Do đó Mông Cổ là dân tộc lấy sói làm tổ tiên, coi sói như thần, vinh dự vì sói, so mình với sói, hiến thân cho sói ăn thịt, nhờ sói đưa lên trời, là một dân tộc dũng cảm kiên cường, khôn ngoan mưu trí trong thế giới cổ đại. Kỵ binh Mông Cổ là đội quân hung hãn nhất, mưu trí nhất thiện chiến nhất do sói thảo nguyên huấn luyện nên. Nguyên nhân thứ hai khiến Thành Cát Tư Khan có thể càn quét thế giới là, văn minh nông canh cổ đại đã chín nhũn từ hạt điều cứng thành hạt điều thối. Còn kỵ binh Mông Cổ được vũ trang bằng tinh thần linh vật sói thảo nguyên dã sáng tạo kỳ tích trên thế giới:dựng nên một đại đế quốc Mông Cổ trên bản đồ lịch sử thế giới, đạt tới đỉnh cao nhất có thể đạt của sức mạnh du mục thảo nguyên. Cần lưu ý là, đế quốc La Mã cổ mà bản đồ trong lịch sử chỉ nhỏ hơn bản đồ đại đế quốc Mông Cổ, là đế quốc sùng bái tinh thần sói, tấm huy hiệu có hình con sói cái, đến nay vẫn khắc sâu trong "tinh thần du mục" của người Tây Âu. Hai đế quốc có bản đồ lớn nhất trong lịch sử cổ đại, đều sùng bái tinh thần sói. Chẳng lẽ không thể chứng minh ảnh hưởng và vai trò vĩ đại của sói? Sự bạc nhược của nước Kim, diệt vong của Nam Tống, thắng lợi của kỵ binh Mông Cổ không liên quan gì đến sức sản xuất cao hay thấp, mà liên quan trực tiếp tới sự tồn tại của dân tộc nông canh và tính cách dân tộc mà họ quyết định. Một dân tộc nếu không muốn rơi vào số phận bị đào thải, thì phải bảo tồn một phần hoặc sáng tạo phương thức sản xuất có thể đào tạo tính cách dân tộc và sự tồn tại của dân tộc. Tóm lại, một dân tộc chỉ có rèn luyện cho mình một tính cách dân tộc kiên cường dũngcảm, thì mới nắm được số phận của mình. Tham mưu Bathơ nói: Lát nữa qua đằng nhà, chúng tôi gửi lại hai con biếu cụ. Cụ về đi! Ông già vẫn chưa định thần từ khi nhìn thấy uy lực của loại vũ khí mới. Chiếc xe đã chạy đi, nhanh như biến. Ông già tâm thần mê mẩn tưởng như vẫn trong đồng cỏ mùa thu mà ông đã quen thuộc, có lẽ ông vẫn đang nghĩ đến khẩu súng nòng dài trong tay Tham mưu Từ. Chỉ một tháng ngắn ngủi mà bấy nhiêu con người, bấy nhiêu loại vũ khí mới, bấy nhiêu thủ đoạn mới đáng sợ tuồn vào thảo nguyên! Ông hoàn toàn suy sụp. Chiếc com măng ca đã đi, ông quay lại không nói nửa câu, đóng qua quýt hàm thiếc rồi để cho con ngựa tự đi về nhà. Trần Trận chậm rãi đi bên cạnh. Cậu nghĩ, người ta bảo ông vua cuối cùng của triều đại rất đau khổ, nhưng lớp dân du mục cuối cùng còn đau khổ hơn. Sự tan rã của vạn năm thảo nguyên nguyên thủy khó chấp nhận hơn sự đổ vỡ của nghìn năm hoàng triều. Ông như bị viên đạn bằng đầu đũa khoan thủng mạch máu, cơ thể teo lại đến một nửa, hai hàng nước mắt ngầu đục theo nếp nhăn chảy sang hai bên, rớt xuống những bông cúc dại màu trắng xanh. Trần Trận không biết làm gì để giúp đỡ ông già rũ bỏ nỗi đau. Im lặng hồi lâu, cậu lắp bắp: Bố, cỏ năm nay tốt quá, thảo nguyên Ơlôn đẹp quá… có lẽ sang năm… Ông già như kẻ vô hồn, hỏi lại: Sang năm? Sang năm còn có những chuyện quái quỷ gì nữa? Xưa kia, ngay cả người mù cũng thấy thảo nguyên đẹp… Giờ thì thảo nguyên không đẹp nữa, mắt tôi mù đi thì hơn, sẽ không phải nhìn thấy thảo nguyên bị giày xéo… Ông già ngật ngưỡng trên yên, mặc cho con ngựa bước đi những bước nặng nề. Ông nhắm mắt, cổ họng phát ra những tiếng ca không rõ lời, nhưng Trần Trận vẫn nghe ra đó là một bài đồng dao: Bách linh hót, là mùa xuân đến. Rái cá kêu, là hoa lan nở. Hạc xám kêu, là trời sắp mưa. Sói con tru, là trăng sắp lên. Ông già hát đi hát lại bài đồng dao, càng hát giọng càng trầm lắng, lời ca càng mơ hồ, giống như một dòng sông nhỏ từ đâu chảy tới chảy quanh quẩn trên thảo nguyên rồi mất hút trong một trảng cỏ. Trần Trận nghĩ, có thể con cháu các tộc Khuyển Nhung, Hung Nô, Tiên Ty, Đột Quyết, Khiết Đan, và cả con cháu Thành Cát Tư Hãn Mông Cổ, đều hát bài đồng dao này? Nhưng từ nay về sau, đám trẻ trên thảo nguyên còn hiểu được ý nghĩa của lời ca? Có lẽ khi đó chúng sẽ hỏi: Bách linh là con gì? Rái cá là con gì? Hạc xám là con gì? Sói hoang là con gì? Đại nhạn là con gì? Hoa lan là hoa gì? Hoa cúc là hoa gì? Từ đám cỏ vàng úa, vài con bách linh vỗ cánh bay thẳng lên trời xanh rồi dừng lại giữ không trung, cất tiếng hót lảnh lót...