Nhất Linh và Bướm trắng Tại sao Bướm trắng? Tại sao không viết về Nhất Linh theo một chủ đề rõ rệt nổi bật từ toàn bộ tác phẩm ông, công việc đã có nhiều người làm trước đây, trong số đó bài “Hạnh phúc trong tác phẩm Nhất Linh” của ông Đặng Tiến (Bán nguyệt san Văn số 37) là một cố gắng đáng kể. Tại sao không viết về Nhất Linh, về tác phẩm Nhất Linh, xem đó như một công trình đã hoàn tất, đã trở thành một định mệnh, đã đầy đủ cho chính nó, đã dừng lại, đã đi đến chỗ tận cùng của nó, đã trở thành lịch sử (một thực tại thuộc lịch sử cũng như một thực tại thuộc văn học sử). Tại sao không viết về Nhất Linh bằng cách đặt ông vào một khuôn khổ, một vị trí chắc chắn, căn cứ vào những tác phẩm ông đã viết, đã để lại đầy đủ: biết rằng cái chết của mỗi nhà văn đương nhiên biến những cuốn sách của hắn thành tác phẩm, biến tác phẩm của hắn thành sự nghiệp: biết rằng cái chết của mỗi nhà văn không là cách chấm dứt một sự nghiệp dở dang, ngược lại đó là một cách hoàn thành tốt đẹp nhất. Tại sao viết về Nhất Linh chỉ căn cứ vỏn vẹn trên một cuốn sách lẻ loi tách ra từ một toàn thể, sự nghiệp của tác giả. Và tại sao chọn Bướm trắng, Nhất Linh và Bướm trắng. Tại sao Bướm trắng thay vì Đôi bạn, Đoạn tuyệt hay Dòng sông Thanh Thuỷ, một cuốn sách này thay vì một cuốn sách nào khác. Có thể xem đây là việc làm liều lĩnh của kẻ ký tên dưới bài viết này không? Liều lĩnh vì sẽ dễ dàng rơi vào chỗ thiếu sót, chủ quan, phiến diện, độc đoán v.v… Bởi vì quan niệm thông thường vẫn thường có khuynh hướng toàn thể hoá các tác phẩm của nhà văn, biến chúng thành một toàn thể hợp nhất và độc nhất, không thể đập vỡ hay chia cắt ra được. Tại sao Nhất Linh và Bướm trắng? Sau đây là lý do chính yếu nhằm biện minh cho cái nhan đề của bài viết và người viết có bổn phận trình bày sơ qua: Tách rời một cuốn sách khỏi toàn bộ tác phẩm của một nhà văn tức là một cách nào đó phủ nhận sự nghiệp tác phẩm của nhà văn như một toàn bộ cứng nhắc. Nói khác đi là phủ nhận sự nghiệp sáng tác của nhà văn như một dòng liên tục, như một định mệnh chờ đợi hoàn tất, an bài. Một cuốn sách không là một chặng đường, mà là một hướng đi, một lối đi bên cạnh những hướng đi, những lối đi của cùng một người. Mỗi một cuốn sách đều có thứ tiếng nói riêng của nó, một giọng nói riêng của nó, một ước muốn riêng của nó. Một cuốn sách có thể nói khác đi, ngược lại nếu cần với những điều mà tác giả đã nói ở những nơi khác, những cuốn sách khác. Tác phẩm là một hình thái bất liên tục. Để hoàn tất (tạm dùng chữ này) tác phẩm của mình, nhà văn không đi trên một con đường thẳng, êm xuôi, thanh bình. Trái lại hắn không ngớt phải vượt qua chính mình, phải nói không với chính mình, phải phủ nhận chính mình. Hắn phải trải qua những kinh nghiệm, những tìm tòi và khủng hoảng luôn luôn đổi mới. Những cuốn sách hắn viết nên có thể mâu thuẫn, chống đối nhau, nhưng chính tác phẩm hắn hứa hẹn làm nên từ những mâu thuẫn và chống đối đó. Tác phẩm của hắn không đứng lại bao giờ, bởi nó còn những xung đột nội tại phải làm nên từ những mâu thuẫn và chống đối đó. Tác phẩm của hắn không đứng lại bao giờ, bởi nó còn những xung đột nội tại phải giải quyết, bởi nó còn phải trò chuyện không ngừng với người đọc. Không có bảo tàng viện cho văn chương bởi tác phẩm vẫn không ngừng sống, lớn lên. Và công việc của các nhà làm văn học sử chỉ là một ảo tưởng bởi tác phẩm văn chương, thực tại văn chương không bao giờ là một món đồ ù lì, bất động để cho các sử gia mặc tình thâu tóm hay phân loại! Khi Nhất Linh đưa ra những điều mà ông cho là lầm lẫn của chính ông trong đời nhà văn của mình [1], lời thú thật mang ý nghĩa một tác động kiểm thảo can đảm, ngoài ra còn ngầm nói lên một ý nghĩa cần thiết, cốt cán của tác phẩm cũng như của công việc sáng tạo: người ta viết trong sự thức tỉnh thường trực, người ta viết trong khốn khổ, người ta viết để hy vọng lấp đầy những hao hụt của chính tác phẩm mình, và mỗi cuốn sách là một cơ hội đặt một câu hỏi, nêu một câu trả lời, mở ra một viễn tượng. Ta hãy nghe Nhất Linh nói về “cái lầm lớn nhất” của ông: “… Luận đề tiểu thuyết của tôi có cuốn Đoạn tuyệt, Hai vẻ đẹp, Lạnh lùng (và ít nhiều truyện ngắn). Sự hoan nghênh của những truyện đó, nhất là Đoạn tuyệt, những lời khen ngợi của các nhà phê bình đã làm tôi sau này khó chịu một cách thành thực (…). Sau hai mươi năm, giở Đoạn tuyệt đọc lại tôi thấy chỉ có một vài đoạn tả mẹ chồng nàng dâu có đôi chút giá trị, còn những cái về xung đột mới cũ (ý định chính của tôi) như việc Loan dọn nhà đi không đem bát hương, Loan đẻ con trai, lời cãi của trạng sư v.v… thì đến nay chẳng còn gì là hay nữa. Về cuốn Lạnh lùng (tuy nghệ thuật cao hơn Đoạn tuyệt) nhưng còn bao nhiêu chi tiết về tâm hồn một người góa trẻ, khao khát yêu đương v.v… tôi đã bỏ qua, không cho tìm kiếm thêm. Độ ấy tôi chỉ coi nhân vật như những quân cờ để đánh một ván bài, họ không phải là cái chính và chỉ dùng những chi tiết nào lợi cho ái ý chứng tỏ của mình không theo sát cuộc đời thực là mục đích chính của tiểu thuyết mà đổi cuộc đời thực đi để lại luận đề của mình” [2]. Trước khi các nhà phê bình sau này có thể sẽ lên tiếng chỉ trích ông, ông đã nhìn tác phẩm của mình với đôi mắt nghiêm khắc (đã có bao nhiêu nhà văn làm công việc đó?), ông đã là nhà phê bình của chính ông. Điều này chứng tỏ rằng người ta viết không nhất thiết để thoả hiệp với những gì người ta đã viết hay sẽ viết. Mỗi cuốn sách chỉ còn là một giai đoạn không liên tục nằm trong một toàn thể tự nó đã là một mâu thuẫn nội tại. Biết rằng, như ai kia đã nói, không nhà văn nào giống nhà văn nào, không tác phẩm nào giống tác phẩm nào cho dù là tác phẩm của cùng một con người sáng tạo, tại sao không nhìn ngắm một nhà văn, một tác phẩm như một giá trị nội tại, tự tại, không tuỳ thuộc, không nợ nần gì với những yếu tố bên ngoài. Người ta viết một mình. Và tác phẩm là kết tựu từ một niềm cô đơn tuyệt đối, kết tựu của chính niềm cô đơn tuyệt đối đó. Vấn đề chính yếu của người đọc hay người phê bình có lẽ không phải là tìm xem Nhất Linh đã chịu ảnh hưởng của Tolstoi, của Somerset Maugham, của Jean Eyre, của André Gide v.v… ra sao, không phải đối chiếu từng dòng từng chữ của Nhất Linh với từng dòng từng chữ của một nhà văn nào khác, không phải là cố tình đặt để Nhất Linh bên cạnh một tên tuổi nào khác, gần gũi hay xa lạ…: đó phải chăng là những công việc có phần dễ dãi (mặc dù có thể không dễ dàng) và vô bổ tố cáo sự thất bại trước tiên của người đọc (người phê bình) đã không tìm thấy ý nghĩa và giá trị chân thật nhất, riêng tư nhất, thân mật nhất của một tác giả hay một tác phẩm: và đó cũng chính là công việc thường thấy trong sinh hoạt phê bình xưa nay, ở bất luận nơi nào. Nhất Linh và Bướm trắng. Sự chọn lựa không tình cờ chút nào. Tôi muốn xem Nhất Linh trước tiên như một tác giả không ngừng sống dưới mắt tôi và đang hoàn tất tác phẩm của ông, bởi vì cái chết (của ông) không là cánh cửa khép lại một lần chót sau tác phẩm, trái lại đặt tác phẩm đó vào tình trạng dang dở đời đời. Tôi muốn đọc Bướm trắng như một cuốn sách đang viết, đang hoàn tất trong toàn bộ một tác phẩm dường như cũng không ngớt tìm kiếm cho nó một định mệnh. Đọc Bướm trắng không là tìm đến một câu trả lời mà là lắng nghe lời hứa hẹn của một tác gia đang lên tiếng. Vâng, một tác giả vẫn không ngừng lên tiếng trong tác phẩm của mình, lên tiếng với từng độc giả một tìm đến, trong từng một lần đọc đang diễn ra, lên tiếng từ những bến bờ xa lạ, nhưng lại thân mật gần gũi bao nhiêu. Hơn nữa, tôi muốn đọc Bướm trắng như người ta tìm đến một bộ mặt cô đơn nhất của một đời người, xem nó như một hiện hữu biệt lập: một cách quên đi những tác phẩm còn lại của tác giả. Dĩ nhiên ở đây người ta chỉ có thể có được một cái nhìn thiếu sót về Nhất Linh cũng như Bướm trắng chỉ là một cánh cửa của một đền đài. Tại sao không? Ở đây sự thiếu sót của một người đọc, người phê bình lại chính là một dịp may tốt đẹp của tác giả, của tác phẩm mai đây hãy còn là lời kêu gọi. Nếu sáng tạo là một công trình nhất thiết dở dang, thưởng ngoạn và bình phẩm là những tác động còn tiếp tục mãi mãi. Như vậy đọc và phê bình không có nghĩa là “thanh toán” một lần cho xong một tác phẩm, mà là tạo cơ hội cho những lần đọc khác, những lần phê bình khác, đầy đủ và tốt đẹp hơn, và cứ như vậy. Ta đã nói về những lầm lẫn của Nhất Linh do chính ông tiết lộ. Những lầm lẫn đó, ông đã gom về bốn điểm chính: “1. Để cái thích riêng của mình nó huyễn hoặc, làm hoa mắt không nghĩ đến sự tìm tòi cái hay thực. 2. Để câu văn trống rỗng du dương, hoặc cầu kỳ nó quyến rũ mình (…). 3. Để cái ý định viết hay xuống dưới cái ý định viết để làm gì, viết về thứ gì (viết về nghị luận, triết lý v.v… thì cố nhiên là mình viết để làm một cái gì rồi nhưng viết tiểu thuyết khác, tiểu thuyết nó có mục đích của nó…). 4. Để nêu một cách giải quyết một vấn đề gì. Sự lầm lẫn tiểu thuyết với cuốn sách giảng giải một tính đố thật là vô lý, nhưng lại có những nhà phê bình vẫn lầm lẫn, và lại có báo đem đăng lên thực là vô lý nữa (đây là đem xếp đặt cốt truyện để giải quyết chứ không phải để đời thật rồi tự nó, nó bày tỏ một cái gì). Tôi nhớ có đọc được một nhà văn (mà tôi quên mất tên) phê bình trên báo Cải tạo (xuất bản ở Hà Nội) cho ngay một cuốn tiểu thuyết là hay, là có giá trị vì câu chuyện đã giải quyết được một vấn đề một cách đẹp đẽ. Truyện một người vương vít vợ con rồi giải quyết nỗi khổ trong gia đình bằng cách đăng lính, phục vụ quốc gia. Truyện ấy viết rất dở nhưng nhà phê bình kia cho nó là hay, là xây dựng, là lành mạnh. Đấy chỉ có thể là một bài tuyên truyền người ta vào quân đội (dùng thể thức tiểu thuyết cũng như các bài dạy người ta tránh nạn xe hơi dùng thể thức thơ lục bát) không thể gọi là một tiểu thuyết hay được” [3]. Nhất Linh đã viết những điều trên đây vào cuối đời mình ở giai đoạn già dặn và trầm tĩnh nhất của một người đã từng có một quá khứ văn nghệ đáng kể, đã từng biết tới những vinh dự lớn lao của nghề cầm bút. Ông đã không ngần ngại, căn cứ trên chính lời lẽ của ông đã trích dẫn, tố giác chính những hư hỏng của mình trên phương diện sáng tác, và mặc nhiên phủ nhận ít ra là một sự thành công nào đó của mình trong những tác phẩm cũ đã từng được tán thưởng, ca ngợi (chỉ cần tưởng tượng đến Nhất Linh của thời kỳ Đoạn tuyệt với những “tiếng động” mà cuốn sách này gây nên trong văn giới cũng như trong xã hội). Thiết tưởng đó là điều ta không được phép quên. Càng không được phép quên khi nhắc đến Bướm trắng vì mấy lý do sau đây:
- Bướm trắng là một cái đỉnh quan trọng của nghệ thuật Nhất Linh. Nó đánh dấu thời kỳ già dặn nhất của tác giả sau những thành công của Đôi bạn, Đoạn tuyệt v.v… Chính tác giả đã hơn một lần bày tỏ sự hài lòng của mình về nó. Trong chủ quan tôi, đó hẳn là cuốn sách xứng đáng nhất để được giữ lại một mai kia nếu có sự đào thải, lựa chọn. (Cho tới bây giờ, khi viết những dòng này, tôi vẫn muốn trung thành với những ấn tượng đầu tiên của mình khi còn là một cậu học trò trung học, mười lăm năm rồi còn gì, khi say mê đọc Bướm trắng, khám phá Bướm trắng, lạc loài trong Bướm trắng…).
- Bướm trắng không chỉ là một cuốn sách thêm vào số lượng tác phẩm của Nhất Linh. Nó còn thể hiện một ước muốn tích cực của người viết: viết chống lại những gì mình đã viết, viết không có nghĩa là viết lại một tác phẩm nào đó đã hoàn tất cũng chưa hề bắt đầu chỉ đang hứa hẹn. Nói theo điệu nói thông thường, Nhất Linh đã thực hiện một cuộc thoát xác trong tác phẩm này. Những đề tài đã từng nổi bật trong các tác phẩm trước đã lùi lại hay biến mất: Không còn những xung đột mới cũ, những tranh chấp xã hội, những mưu toan biến đổi hay giáo huấn, những lý tưởng mơ hồ v.v… Có thể quan niệm Bướm trắng là một lời nói không của chính tác giả trước những lối mòn của quá khứ. Nó thể hiện và đồng thời thực hiện một cuộc đoạn tuyệt với chính vũ trụ tiểu thuyết quen thuộc của tác giả. Và tưởng tới lúc phải nói rằng cuộc kiểm thảo thực sự của Nhất Linh không đợi tới cuốn “Viết và đọc tiểu thuyết” mới tìm được cơ hội bộc lộ qua mấy điểm mà ông gọi là sai lầm trong văn nghiệp của mình. Cuộc kiểm thảo đó đã ẩn tàng ngay trong Bướm trắng.
- Do đó trong sự nghiệp Nhất Linh, Bướm trắng hầu đã vượt khỏi giới hạn của một cuốn tiểu thuyết. Nó đánh dấu một sự thay đổi ngay trong quan niệm viết văn của tác giả. Nó là một thí nghiệm. Nó mặc nhiên bao gồm trong nó một lý thuyết (về tiểu thuyết) bởi nó thể hiện một chọn lựa, một quyết định của chính tác giả: viết khác đi với những điều đã viết, với những cách thế đã sử dụng để diễn đạt con người, xã hội, vũ trụ…