Bấy giờ Cao Hoài Đức lãnh chức nguyên soái trở về dinh, vào tâm sự với vợ là Hoàng cô Tiêu Mỹ Dung, kể hết mọi việc. Tiêu Mỹ Dung nói: - Chẳng hay vương gia bữa nay đi chầu có việc gì lo lắng vậy? Cao Hoài Đức nói: - Ta nay vâng chỉ kéo quân đánh Kim Lăng. Thiên tử đã sai không thể chối từ. Việc chinh phạt chỉ một vài năm, ít lâu sẽ trở về. Song chỉ còn một nỗi mẹ già đầu bạc, con trẻ mày xanh, vậy nhờ Hoàng cô phụng dưỡng huyên đường, dạy Thế tử tinh thông võ nghệ, chớ cho nó hoang đàng, mang tiếng họ Cao. Vợ chồng bàn tính xong, mở tiệc cùng nhau ăn uống. Người con trai là Cao Quỳnh, tên chữ là Quân Bảo đã mười tám tuổi, nghe tin cha vâng lệnh chinh Nam, liền bẩm: - Con ở nhà không làm gì, xin đi theo hầu cha và đánh giặc, cho trọn niềm thần tử, đáp nghĩa quân ân. Hoàng cô nói: - Ngươi tài cán bao nhiêu mà dám nói phách như vậy? Ngươi tưởng đánh giặc dễ lắm hay sao? Cao Quân Bảo thưa: - Xin mẹ đừng cho con là đứa vô dụng. Nay con đã biết cầm cung lên ngựa, gươm giáo tinh thông, một lớp với con đều không địch nổi. Con xin tùy tùng ra chiến trận cho quen thuộc binh cơ, như vậy mới nên con nhà tướng. Xin cha mẹ an lòng. Cao Hoài Đức nghe con nói tỏ ý khen: - Lời con nói rất phải, tính toán rất thông, ngặt vì bà nội con già nua, con thì còn bé, chi bằng ở nhà thế cho cha thờ phụng bà nội cho trọn niềm hiếu thảo. Cao Quân Bảo nghe cha khuyên không dám trái ý. Đêm ấy, Cao Hoài Đức từ giã gia đình. Cả nhà đều bận bịu nhưng vẫn làm lễ tiễn hành. Đến ngày xuất quân, Cao Hoài Đức dẫn binh đến diễn võ trường, vua Thái Tổ ngự đến. Các quan văn võ đều đứng hai hàng làm lễ tiễn đưa. Vua Thái Tổ ngự giá lên đường quân đi rầm rầm rộ rộ nhưng trật tự rất nghiêm, không ai dám phạm của ai một mảy. Quân sĩ Nam Đường hay tin về báo lại. Vua Nam Đường nghe Thái Tổ ngự giá thân chinh lòng kinh hãi, bèn triệu tập các quan đến nghị luận. Khi các quan tề tựu đông đủ, vua Nam Đường phán: - Ngày trước vì phê bài thơ vào tấm hịch mà gây việc Tống chinh Nam. Người ta thì binh hùng tướng mạnh, còn mình thì lực yếu thế cô chống cự sao lại, nên trẫm mời các khanh đến đây nghị luận xem nên hòa nên chiến. Nếu để giặc đến, quân dân khốn khổ. Dư Hồng tâu: - Xin Bệ hạ chớ lo. Nước Tống mạnh là mạnh với các nước khác kia, còn đối với nước ta hễ tướng Tống qua đây bao nhiêu, tôi bắt sống bấy nhiêu, để Bệ hạ biết phép thần thông của tôi lợi hại thế nào. Tôi quyết đền ơn tri ngộ, xin Bệ hạ đừng than thở mà làm cho binh tướng ngã lòng. Vua Nam Đường phán: - Quân sư vốn thần thông binh pháp, lại hết lòng giúp trẫm, thì trẫm còn sợ gì. Song tướng Tống đại tài, phải đề phòng cho kỹ. Dư Hồng tâu: - Tôi đoán chắc binh Tống kẻo qua đây sẽ đi qua ngã Thọ Châu. Vua Nam Đường hỏi: - Sao quân sư biết chắc như vậy? Dư Hồng tâu: - Vua Tống đã chinh chiến mười tám năm, từng trải việc binh cơ đồ trận. Nay đi đánh xa muôn dặm phải lo việc lương thảo làm đầu, nên phải đi ngõ Thọ Châu, trước lấy lương, sau đó nơi theo đường Phụng Dương thì thẳng đến Kim Lăng rất dễ. Vua Nam Đường phán: - Như vậy thì phải sai một vị Đại tướng qua giữ Thọ Châu. Dư Hồng nói: - Binh Tống mới kéo sang, tinh thần còn hăng lắm, quân ta khó bề giữ đặng Thọ Châu, chi bằng cứ để thành trống, gạt chúng nó vào đó rồi bao vây thì quân Tống có mấy mươi vạn cũng phải chết đói. Vua Nam Đường nghe tâu, gật đầu nói: - Quân sư liệu kế rất hay, tướng Tống dù anh hùng thế nào cũng không thoát khỏi. Sau đó, Dư Hồng sai Huỳnh Phủ Huy và Lâm Văn Báo lãnh kế đến Thọ Châu truyền rằng: - Nay ta vâng lệnh Hoàng Đế, rao truyền cho dân chúng đất Thọ Châu hay, bất luận quan dân phải dọn đồ ra khỏi thành, nếu chậm trễ, giặc Tống vào sẽ giết hết. Hai mươi vạn dân Thọ Châu nghe lệnh thất kinh, kẻ cõng con, người dắt vợ cấp tốc lên đường. Trong thành dọn hết kho lương, không còn một mảy, rồi về báo lại Dư Hồng. Lúc này vua Thái Tổ kéo binh đi đã ngót một tháng mới đến địa phận đất Kim Lăng, trước tiên đánh ải Giới Bài giết hai đại tướng rồi chiếm thành. Còn Cao Hoài Đức chia một muôn rưỡi binh cho Phan Mỹ trấn ở đó, rồi cùng nhau bàn tính việc vào Kim Lăng. Vua Thái Tổ nói: - Nên đi vào ngõ Thọ Châu thì dễ hơn. Cao Hoài Đức tâu: - Thọ Châu là yếu địa của Kim Lăng, bên Nam Đường nghe ta lấy ải Giới Bài thế nào cũng đem binh tướng trấn thủ hoặc mai phục, nếu đi ngõ ấy e mắc kế chăng. Chi bằng đi ngõ Lư Châu, rồi đem binh lén qua sông Hiệp Phi, binh Đường không ngờ thì rất dễ phá. Miêu Quân sư nói: - Kim Lăng khi trước là xứ Đông Ngô, chỗ cũ của Tôn Quyền, ở đó tám mươi mốt châu địa hiểm trở, phải dè dặt mới được. Vua Thái Tổ phán: - Trẫm há chẳng biết tánh dè dặt của nguyên soái hay sao, nhưng đánh nước nào thì phải cẩn thận, còn Nam Đường binh thưa tướng ít ta mới đến đã chiếm ải Giới Bài, có phải chúng nó yếu kém hay không? Vả lại, ngõ Lư Châu nước sâu núi cao khó bề vận lương, sao bằng đi đường Thọ Châu rộng rãi, ta cứ đánh một trận xem sao rồi sẽ liệu. Các tướng vâng lệnh kẻo binh đi ngõ Thọ Châu. Khi binh đến còn cách thành năm mươi dặm thì Cao Hoài Đức truyền quân hạ trại, đào giếng mà dùng, không cho uống nước ao của Nam Đường e có bỏ thuốc độc. Hôm sau, Cao Hoài Đức hạ chiến thơ cho Nam Đường. Vua Nam Đường bèn sai Lâm Văn Báo và Huỳnh Phủ Huy lãnh một muôn binh đi đánh, Cao Hoài Đức lại sai Sử Khuê, Thạch Thủ Tín ra trận giao tranh. Hai tướng Đường đánh không lại, vào bế thành mà trốn. Cao Hoài Đức thừa thắng đem binh vây thành Thọ Châu, chẳng ngờ hai tướng vâng lệnh Dư Hồng trá bại rồi bỏ thành đi mất. Té ra binh Tống chỉ vây thành không. Đến khi vào thành không thấy một tên quân nào cả. Sử Khuê Thạch Thủ Tín lấy làm lạ cho người chạy về báo với vua Thái Tổ rõ sự tình. Vua Thái Tổ nghe báo lấy được Thọ Châu thì rất mừng, đinh ninh chẳng bao lâu sẽ lấy Kim Lăng như trở bàn tay. Cao Hoài Đức hộ tống vua vào thành tra xét lương thảo không có gì hết, ngoài đồng trong chợ cũng không thấy một bóng người. Vua Thái Tổ thất kinh, biết là mình mắc kế, còn Cao Hoài Đức thì cúi đầu không dám nói điều gì... Miêu Quân sư nói: - Chắc là bị kế không thành, chớ lẽ nào chỗ địa đầu mà không có quân canh giữ. Vậy phải mau kéo binh ra khỏi, nếu chậm trễ ắt bị khốn. Vua Thái Tổ biết lỗi, nhưng ăn năn thì việc đã rồi. Xảy nghe tiếng quân ó vang trời, ngoài thành có quân vào báo: - Bốn phía binh Đường đang kéo vào, đèn đuốc sáng chói. Binh Tống thất kinh, không dám kéo ra. Cao Hoài Đức truyền quân thủ thành nghiêm ngặt, rồi thỉnh vua Thái Tổ và Quân sư lên lầu xem hư thiệt. Lúc này binh Đường vây phủ trùng trùng. Xa xa, thấy một đạo sĩ mặc áo bát quái, cưởi con nai bông, miệng hỏa lò, hàm răng cào cỏ, mắt sáng như sao, tay trái cầm quạt lông, tay mặt cầm gậy sắt, xăm xăm đến cửa thành chỉ mặt vua Thái Tổ mắng rằng: - Vua Tống trở lòng cướp ngôi Châu hậu chúa, lại bất nghĩa giết Trịnh ân, nên thầy ta là một vị đại tiên, sai ta xuống trừng phạt. Nay đã mắc kế rồi, chúa tôi nhà ngươi như chim ở trong lồng, như cá ở trong chậu, nếu còn tưởng mình là anh hùng trong thiên hạ thì khó mong giữ nước. Nếu khôn khéo tùng phục vua Đường thì cũng được làm vua một cõi, bằng chống cự ắt không toàn mạng. Dư Hồng đang diễu võ giương oai thì vua Thái Tổ nổi giận hét: - Đạo sĩ ở trong rừng nào tới đây, dám nói nghịch quả nhân. Nói rồi truyền quân trên thành bắn xuống như mưa. Dư Hồng cười lớn: - Ta có sá gì mấy mũi tên khốn đó, dẫu ngàn muôn gươm giáo cũng chẳng làm gì ta được. Nói rồi niệm thần chú, lấy quạt lông quạt mấy cái, tên bắn đều vẹt ra hai bên, chẳng động đến Dư Hồng. Thạch Thủ Tín thấy vậy tức mình, xin phép xuống đánh, Cao Hoài Đức nói: - Ta xem yêu đạo rất lợi hại, vậy ngươi có ra trận đừng đuổi theo mà khốn. Thạch Thủ Tín vâng lệnh, lãnh năm ngàn quân khai thành múa đao xốc tới chém Dư Hồng. Hai bên đánh nhau mười hiệp, Dư Hồng thối lui lại ít bước rồi lấy một cái chiêng nhỏ gọi là Lạc Hồn La đưa trước mặt Thạch Thủ Tín đánh lên một tiếng, Thạch Thủ Tín bất tỉnh té xuống ngựa, binh Đường bắt trói lại. Vua Thái Tổ trông thấy rụng rời. Sử Khuê nổi giận nói: - Yêu đạo không tài cán gì, bất quá dùng phép tà mà bắt tướng, xin Bệ hạ cho tôi ra trận thử sức xem sao. Vua Thái Tổ phán: - Không nên! Yêu đạo có phép thuật như vậy, dùng lực làm sao đấu lại. Cao Hoài Đức cũng chẳng cho đi. Sử Khuê cũng nằng nặc một mình một ngựa ra thành, kêu Dư Hồng hét lớn: - Yêu đạo! Nếu ngươi không thả Thạch Thủ Tín cho ta thì ta nguyện bêu đầu ngươi trên ngọn giáo! Dư Hồng mỉm cười nói: - Tướng Tống không biết thời cơ. Vua ta là dòng chính nối nghiệp Đường Cao Tổ trên ba trăm năm, không phải là chúa của ngươi soán ngôi xưng đế. Nay đã sa vào lưới rọ, nếu biết mạng trời thì trở về bảo vua Tống dâng biểu đầu hàng, bằng nghịch mạng thì vua tôi làm quỉ không đầu. Sử Khuê nghe Dư Hồng nói liền nạt lớn: - Yêu đạo đừng nói xàm. Hãy coi chừng mũi thương ta đây. Nói rồi vung thương chém tới. Dư Hồng đỡ đánh rồi dùng phép như cũ, bắt Sử Khuê trói lại. Tào Bản nổi nóng xông ra, cũng bị Dư Hồng dùng chiêng lạc hồn bắt nữa. Trận này Dư Hồng bắt luôn ba tướng đem về dâng trước bệ tiền. Vua Nam Đường mừng rỡ, nói: - Quân sư phép tắc dường ấy, bắt ba tường Tống trong một giờ. Vậy thì việc lấy Tống không khó. Chắc là giang sơn họ Lý thâu về, cơ nghiệp nhà Đường phục lại. Bá quan văn võ đều khen: - Bệ hạ có Quân sư như rồng gặp mây, như cá gặp nước, ắt khôi phục nhà Đường không khó. Còn vua Thái Tổ thấy Dư Hồng bắt luôn ba tướng thì không dám cho ai ra trận nữa, truyền quân ráng sức thủ thành. Hôm sau, Cao Hoài Đức nghe quân báo có Dư Hồng khiêu chiến tức giận nói: - Nó vừa bắt mất ba tướng còn hiên ngang khiêu chiế n, xin Bệ hạ cho hạ thần liều sinh tử với nó một phen, nếu không nó sẽ làm nhục không chịu nổi. Thái Tổ nói: - Nguyên soái xem ba tướng bị bắt đó có phải dở đâu. Yêu đạo có nhiều yêu thuật nguyên soái đánh sao cho lại nó. Nếu rủi có bề nào, trẫm biết nương tựa vào ai? Nguyên soái hãy nhẫn nhịn để tìm mưu mà cứu ba tướng đó. Cao Hoài Đức tâu: - Tôi làm nguyên soái có lý nào chịu nhục để chúng khinh bỉ. Nay nhờ hồng phước Bệ hạ, nếu giết được nó thì Nam Đường rất dễ chinh phục. Nói rồi liền cầm thương lên ngựa, dẫn binh ra thành rồi hét: - Yêu đạo! Hãy coi cây thương của bổn soái đây. Dư Hồng thấy một tướng đội ngân khôi, mặc bạch giáp, mặt trắng như tuyết, giọng thanh như chuông, nghĩ chắc là Đông Bình Vương Cao Hoài Đức, là tướng mạnh nhất trong đời, bèn giục hươu tới hỏi lớn: - Tướng Tống hãy mau xưng tên rồi chịu chết. Cao Hoài Đức nói: - Khá khen cho yêu đạo, không sợ phép trời, cả gan gây chiến với Đại Tống. Nay bổn soái đến đây thì chớ trách ta không có lòng nhân đức. Ta là Đông Bình Vương Cao Hoài Đức, lẽ nào ngươi không biết danh ta? Dư Hồng cười ha hả nói: - Ta há không biết ngươi là rường cột của vua Tống hay sao, song đã gặp ta thì uy danh trôi trên dòng nước. Nói rồi đập mạnh một gậy. Cao Hoài Đức đỡ gạt ra làm cho Dư Hồng ê ẩm cả cánh tay, muốn rơi gậy xuống đất. Dư Hồng biết sức mình thua xa nên giục hươu bỏ chạy. Cao Hoài Đức không đuổi theo, Dư hồng quay lại mắng: - Dù cho ngươi có quỷ quyệt đến bực nào ta cũng bắt được. Nói rồi trở lại giao tranh, lấy chiêng phép đưa ngay trước mặt Cao Hoài Đức đánh một tiếng. Cao Hoài Đức hôn mê, sa xuống ngựa bị quẩn Nam Đường bắt trói lại. Binh Tống thất kinh chạy vào thành hết. Dư Hồng bị cấm sát sinh nên không chém giết, bèn đánh kiểng thâu quân, dẫn Cao Hoài Đức về nạp trước ngai. Vua Nam Đường khen: - Quân sư pháp thuật cao cường nên mới bắt được Hoài Đức. Nay Tống đã mất hết nhuệ khí, thì Đường càng vững vàng, khỏi lo sợ. Dư Hồng truyền quân khiêng thây Cao Hoài Đức bỏ chung với các tướng vừa bị bắt. Còn vua Thái Tổ thấy Dư Hồng bắt Cao Hoài Đức thì buồn rầu, than thở mãi không nguôi. Triều thần can gián, vua Thái Tổ nói: - Trẫm chinh phạt lâu nay, đánh đâu thắng đó, dựng nên cơ nghiệp, ba cõi phục tùng. Không dè nay đến Kim Lăng lại gặp yêu đạo bắt hết bốn tướng, nhắm lại giang sơn khó giữ, nếu chịu nhục mà đầu Nam Đường thì uổng công bấy lâu trận mạc, lại để nhục ngàn thu. Vậy các khanh có mưu chi làm cho khỏi cảnh vua buồn tôi nhục không? Miêu Quân sư tâu: - Xin Bệ hạ bớt phiền não. Xưa nay thắng bại trong trận mạc là chuyện thường. Bệ hạ là chúa trong đời còn Lý Cảnh bất quá là tên soán nghịch. Xưa Văn Vương bị giam nơi Dũ Lý bảy năm, Quan Võ bị vây ở đất Công Dương rất ngặt, nhưng tai nạn này cũng qua đi, sự nghiệp vẫn bền vững. Nay tuy bốn tướng bị bắt, song Nam Đường còn ngại chưa dám giết. Bởi Bệ hạ cãi lời Nguyên soái vào Thọ Châu nên mắc kế không thành, sớm muộn cũng sẽ tìm phương giải cứu. Lúc này vua Nam Đường thấy Dư Hồng bắt luôn một lúc bốn viên tướng Tống thì mừng rỡ, truyền quân mở tiệc ăn mừng, tự tay rót rượu đến trước mặt Dư Hồng ban thưởng. Dư Hồng hai tay bưng ly rượu nói: - Hạ thần chỉ có một chút công lao mà Hoàng Thượng trọng hậu như vậy, tôi đâu dám.nhận. Nhưng Bệ hạ đã ban không thể chối từ. Nói rồi bưng rượu uống. Tiệc mãn, vua Nam Đường liền ra lệnh đem tướng Tống ra chém bêu đầu, rồi sẽ cử binh đến Thọ Châu bắt vua tôi Thái Tổ, đưa sự nghiệp nhà Đường vào một mối giang san. Dư Hồng tâu: - Chẳng nên giết tướng Tống, bởi Bệ hạ chưa rõ. Nguyên tỉ tôi tu luyện lâu năm, sau học đạo Xích Mi lão tổ nên biết Thái Tổ là chánh vì vương, bởi cớ ấy không nên giết tướng của người. Bất quá vây cho Tống sợ, không dám đánh Kim Lăng mà giải hòa, ai lo nước nấy. Vua Nam Đường phán: - Hai nước giao tranh, lẽ nào bắt tướng mà không giết, vả lại những tên tướng ấy chẳng khác nào lại hùm dữ, nếu để nó sống rất nguy hại cho cơ nghiệp nhà Đường. Dư Hồng tâu: - Mười hai tướng mạnh của Tống đều thân thích của nhà vua. Nay bắt được thì nên dùng phép bắt nó đầu Đường đánh Tống cho Thái Tổ thất kinh, không dám đánh nữa, phải cầu hòa. Vả lại làm cho chúng đánh giết lẫn nhau, chúng ta khỏi phải mang tiếng dữ. Vua Nam Đường nói: - Người đã thác rồi còn sống sao được. Lại những tướng ấy là thân thích của vua, làm cho nó sống lại, rồi thả nó trở về chẳng khác nào thả cọp về rừng, thật khó tin nổi. Dư Hồng đáp: - Phép tiên hay lắm, cho hoàn hồn sống lại coi như chơi, lại có bùa linh, khiến đâu làm đó. Chúng sẽ không biết đến vua tôi cha mẹ, vợ con nữa, mà chỉ biết có hiệu lệnh mà thôi, nên tôi mới dám mạo hiểm như vậy. Vua Nam Đường nửa tin nửa ngờ, nói gượng: - Quân sư đã có phép lạ, vậy thử thực hiện xem sao? Dư Hồng tâu: - Tôi đâu dám giấu, để tôi làm thì thấy. Lời Bàn. Làm tôi không đem thân bảo vệ đất nước là bất trung, nhưng làm vua mà giết hại tôi trung là bất nghĩa. Hai hành động đó đều là vô nhân đạo, nhưng lịch sử vẫn diễn biến ngàn xưa, sanh ra nhiều cuộc tranh chấp. Sư nghiệp của một quốc gia không thể một cá nhân nào xây dựng nổi, mà phải nhờ vào sức mạnh của toàn dân. Nếu một vị vua, lúc nguy biết dựa vào sức dân để xây dựng cơ đồ, rồi đến lúc thành công không nghĩ đến dân, chỉ biết hưởng thụ riêng mình thì đó là một vì vua bất nghĩa. Huống chi, lúc được việc quên ơn những kẻ có công, giết oan họ thì đó là một hành động bạo tàn. Ở hồi này, Xích Mi lão tổ cho Dư Hồng xuống trần trừng phạt vua Tống là một quan niệm răn những kẻ bạo tàn, vong ơn bội nghĩa. Điều này cốt làm cho người đọc tự xét mình, xét đời, để rút ra bài học về đạo nghĩa làm người.