Trong số các tác phẩm triết học đời Xuân Thu và Chiến Quốc, có lẽ chỉ có ba bộ Luận ngữ, Đạo Đức kinh và Mạnh tử là tin được gần hết (nên kể thêm bộ Đại học và Trung Dung chăng?), còn thì chỉ đáng tin một phần nào thôi. Già nửa những bộ Trang tử, Mặc tử là do phần người sau viết, ngay đến Tuân tử và Hàn Phi tử xuất hiện ở cuối thời Chiến Quốc mà cũng có nhiều thiên người đời sau thêm vô, còn bộ Quản tử, Quan Doãn tử, Án tử xuân thu… thì hoàn toàn là nguỵ tác. Nạn nguỵ tác đó, Hồ Thích đã đưa ra hai nguyên nhân: - Người đời sau có một tư tưởng nào đó, muốn đem ra dạy đời, cải tạo xã hội, nhưng sợ mình không đủ uy tin, nói không ai nghe, nên gán cho cổ nhân. Trường hợp điển hình là sách của ông Hoàng Đế. Không biết ông có sống thật hay không, cứ theo truyền thuyết thì ông họ Cơ, tên Hiên Viên, là ông vua đầu tiên của Trung Quốc, giữ ngôi đúng trăm năm từ -2698 tới -2597. Người ta gán cho ông bộ Nội kinh, bộ sách thuốc cổ nhất Trung Hoa, và cả bộ Hoàng Đế thư nữa, và coi ông là thuỷ tổ của đạo Lão (trong cuốn Liệt tử này độc giả sẽ đọc được vài đoạn chép lời ông), do đó mà đạo Lão thành ra đạo Hoàng Lão (danh từ này xuất hiện từ thời Chiến Quốc, thế kỉ thứ 4 trước công nguyên). Rồi thêm Nghiêu và Thuấn nữa, sống sau Hoàng Đế ba, bốn trăm năm, cũng được mọi triết gia thời Xuân Thu và Chiến Quốc (nghĩa là hai ngàn năm sau), bất kì trường phái nào: Nho, Mặc, Lão, cả Pháp gia nữa, gán cho những hành vi, tư tưởng hợp với chủ trương của mỗi nhà, mà chủ trương của họ có khi trái ngược hẳn nhau. Hết đời Chiến Quốc, các tư tưởng gia cỡ nhỏ hơn, không “khai thác” các ông thánh Hoàng Đế và Nghiêu, Thuấn mà khai thác những ông hiền gần hơn tức Lão, Trang, Mặc, Dương, Liệt, Quản, Án v.v… - Một nguyên nhân nữa, sau nạn “đốt sách chôn nho” đời Tần Thuỷ Hoàng, một số vua đời Hán sưu tầm sách cổ, và người ta nguỵ tác rồi gán cho các triết gia Tiên Tần để dâng triều đình mà lãnh thưởng. - Chúng tôi nghĩ tất còn một nguyên nhân thứ ba nữa: vô tình nhầm lẫn: của tác giả này mà cho là của tác giả khác. Trường hợp này thời nào cũng xảy ra, chẳng hạn như ở người ta, có những bài thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm gán cho Nguyễn Trải và ngược lại. Bộ Liệt tử, còn hơn bản thân của Liệt tử nữa, bị rất nhiều học giả nghi ngờ. Một số người cực đoan như Cao Tự Tôn (đã dẫn ở trên) và Diêu Tế Hằng đời Thanh cho là hoàn toàn do người đời Nguỵ (220-264), Tấn (265-290) nguỵ tác; một số khác, đông hơn, nhận rằng bộ đó tuy không phải của Liệt tử viết, nhưng có một phần đáng tin là chép tư tư tưởng của Liệt tử, và người chép phải là người thời Chiến Quốc; trải qua đời Hán, tới đời Nguỵ, Tấn người sau phụ thêm vào mà thành bản chúng ta có ngày nay. Người đầu tiên sưu tập và phê bình qua loa bộ đó là Lưu Hướng, một học giả đời Hán (sanh năm -79, mất năm -8), thờ các vua Tuyên Đế, Nguyên Đế, Thành Đế, làm tới chức Quan lộc đại phu, tác giả những bộ Hồng phạm ngũ hành truyện, Liệt nữ truyện, Liệt tiên truyện, Thuyết Uyển… Trong bài Tựa, ông bảo thời Hiếu Cảnh Đế (-156 -140), vì nhà vua mộ đạo Lão, Trang, nên bộ Liệt tử khá được lưu hành, rồi sau tán thất, ông bỏ công ra sưu tầm được tám thiên, trong số đó có những thiên Mục vương, Thang vấn, Lực mệnh và Dương tử, còn bốn thiên kia chúng ta không biết nhan đề. Bản đó cách thời Liệt tử non ba trăm năm, có thể coi là bản cổ nhất, chứ không thể coi là nguyên bản. Lại loạn lạc, tán thất một lần nữa, và lại trên ba trăm năm sau, đời Hoài Đế nhà Tấn (307-312), một học giả, Trương Trầm, mất công sưu tầm lại, cũng được tám thiên, rồi hiệu đính, chú giải. Bản hiện nay lưu hành chính là bản của Trương Trầm, ngoài bốn thiên nhan đề kể trên, còn bốn thiên: Thiên thuỵ, Hoàng Đế, Trọng Ni và Thuyết phù. Từ đó, trải qua cùng đời Đường, Tống, Thanh, thời nào cũng có những bản hiệu đính, bình chú thêm. Xét nội dung bản hiện lưu hành – tức bản Trương Trầm – thì quả thực khó mà tin được là của Liệt tử viết, mà cũng không phải là của một người viết. Cảm tưởng đầu tiên của chúng ta là tác phẩm không có tính cách nhất trí, không có một bộ “kinh” nào mà nội dung tạp như vậy. Trong số 144 bài, chỉ có khoảng hai chục bài viết về Liệt tử, mà 9 bài là do đệ tử viết vì gọi Liệt tử là “Tử Liệt tử” (thầy Liệt tử), còn trên mười bài kia – có bài mâu thuẫn nhau như chúng tôi đã dẫn ở trên – không biết được là của ai viết. Số bài nói về Khổng tử (19) cũng ngang ngang số bài nói về Liệt tử, còn số bài nói về Dương Chu thì vượt hẳn (23); về Lão tử chỉ có 5 bài. Ngoài ra còn có những bài dẫn lời Quan Doãn, Dục tử, cả Quản Trọng và Án Anh nữa. Lại thêm: - cùng một nhân vật mà chép hai tên hơi khác nhau: như Bá Hôn Mâu Nhân, các bài I.1, II.14… chép là Mâu Nhân, bài II.5 chép là Vô Nhân; - cùng một truyện, truyện Khổng Tử ngắm thác nước ở Lữ Lương, được chép làm hai lần, lần đầu: bài II.9, lần sau: bài VIII.10, chỉ khác nhau về lời của người lội nước giảng về thuật lội nước, trong bài trên thuật đó là tập cho thành cái bản tính lội nước, cứ tự nhiên theo cái “đạo” của nước, trong bài dưới, thuật đó là cứ thành tâm tin ở mình, ở nước. Ấy là chưa kể những bài chủ trương mâu thuẫn nhau: Chỗ thì đề cao đạo vô tri, vô vi, chỗ thì lại khuyên phải trọng nhân nghĩa, nên là việc thiện; bài thì bảo danh là luỵ, bài thì bảo danh có hại mà cũng có lợi; cùng một nhân vật, Dương Chu, mà ở đây tả là người nhũn nhặn, ở chỗ khác lại chê là quá tự đắc, vân vân. Nhưng lí do chính làm cho các học giả nghi có sự nguỵ tác của đời sau (Hán, Nguỵ, Tấn), là trong Liệt tử có nhiều bài trùng với các tác phẩm khác. Theo Cao Tự Tôn (do Đường Kính Cảo dẫn trong cuốn Liệt tử - Thương vụ ấn thư quán) thì thiên Chu Mục vương già nửa lấy trong Mục thiên tử truyện[1], còn thì lấy trong Linh khu[2]; một đoạn nói về hình, khí, chất trong bài I.1, rút trong cuốn Dịch vĩ càn tạc độ; bài V.7 có chép trong Mặc tử. Bài VI. 3 chép truyện Quản Trọng và Bão Thúc Nha gần giống hệt bài Quản Án trong Sử kí của Tư Mã Thiên. Bài IV. 4 (Khổng Tử xét các môn sinh) rõ ràng là chép trong Khổng tử gia ngữ. Bài V.1 (truyền thuyết về trời đất), V.2 (Những cái lạ trong vũ trụ) chép trong Sơn hải kinh[3]. Ngay những bài nói về Liệt tử, chúng ta cũng thấy chép trong Nam Hoa kinh, như: bài II.14 có trong thiên Liệt Ngự Khấu. bài VIII.6 có trong thiên Nhượng vương. bài II.10 và II. 4 có trong thiên Đạt sinh. bài II.20 cũng y hệt truyện Nuôi gà đá trong thiên Đạt sinh, vân vân… Như vậy người ta nghi ngờ Liệt tử là nguỵ thư cũng phải.Chú thích:[1] Chép truyện tây du của Mục vương đời Chu (-1001 -946), gồm nhiều “cố sự” hoang đường như trong Sơn Hải kinh. Tương truyền, cuốn đó được phát giác đời Tấn.[2] Một bộ sách thuốc thời cổ.[3] Một bộ chép những bộ thần quái, có lẽ viết vào đời Chu. Những truyện đó, trong Liệt tử (bài V.2) bảo là “do vua Đại Vũ đi xa mà thấy, ông Bá Ích biết mà đặt tên, ông Di Kiên nghe mà ghi lại”.