Trần Quốc Tuấn trở về phòng lúc cơm chiều đã dọn sẵn trên án. Vị tướng già chợt thấy đói vô cùng. Ông ăn cơm rất ngon miệng và uống luôn mấy chén rượu cau rất mạnh. Tâm hồn ông đã vui vẻ và sảng khoái trở lại như lúc chưa có tiếng gà đầu tiên gọi sáng trong ngày. Sau bữa cơm, ông bảo Trương Hán Siêu truyền lệnh cho các bếp trong thái ấp phải sửa soạn tiệc khao quân sáng mai thật tươm tất. Ông nghĩ phải nuôi quân, chăm sóc quân với đầy đủ lòng ưu ái của một vị tướng rộng lượng.Trời mùa xuân chầm chậm tối. Trong thái ấp, các loại đèn đĩa, đuốc con, đuốc cột đã thắp lên như sao khắp nơi. Trương Hán Siêu cũng châm lửa vào hai đôi bạch lạp trong căn phòng riêng của Trần Quốc Tuấn, và ngoài cửa phòng, những người gia nô cầm đèn lồng chờ sẵn, phòng khi Trần Quốc Tuấn có việc phải đi trong đêm. Nhưng khi vị tướng già bước ra khỏi cửa, ông ra lệnh cho tốp lính đèn lồng cứ ở lại đó. Vị tướng già đi thầm trong bóng tối vào khu nhà dành làm chỗ ở cho gia nô trong thái ấp. Khu nhà này ở mé trái trang trại, ngăn cách với thôn xóm dân thường bằng một lđá tre gai dày. Trần Quốc Tuấn cũng ít khi xuống khu nhà này vì ông ghét sự ồn ào. Còn nếu cần sai bảo gì thì ở quanh vị tướng già đã có người túc trực. Lần này, việc xuống khu gia nô ở chính vì một ý nghĩ mới nảy ra dọc đường về.Chiều hôm tất niên, Trần Quốc Tuấn nghỉ lại ở một thôn nhỏ nằm kề con sông Thiên Đức. Đó là một làng nghèo chuyên sống về đất bãi trồng dâu chăn tằm. Sự yên vui của dân làng nhờ cậy ở mưa xuân, ở màu xanh của những bãi dâu non, ở những nong tằm ăn rỗi gặp cữ đẹp trời. Năm nay làng được mùa tơ. Lụa dệt ra bao nhiêu đem bán ở Thăng Long hết bấy nhiêu. Cả làng tưng bừng đón tết. Vị tướng già được thấy cảnh những gia đình đông đúc, từ ông già đến trẻ nhỏ đều tất bật, ồn ĩ, hả hê xoay quanh nồi bánh chưng tết. Ông lại được biết dân làng năm nay bán lụa được nhiều tiền nhưng họ cũng không ăn tết phung phí. Các bô lão trong làng lập ra quỹ dân binh. Nhà nào cũng đóng góp ít nhiều, và tất cả món tiền thu được dùng vào việc rèn binh khí cho đội dân binh của làng có cái mà sẵn sàng chống giặc. Dân làng có góp thóc, góp cá mắm và nhiều thứ khác nữa.Nói tóm lại là cái thôn nhỏ ven sông ấy đã dành tất cả của cải và sức lực của mình cho việc giữ nước. Điều đó làm cho Trần Quốc Tuấn xúc động, suy nghĩ. Và ông đã trầm ngâm ngắm cái thôn nhỏ mom sông ấy lúc ra đi rồi tự nhủ khi về Vạn Kiếp sẽ luôn luôn xuống khu nhà ở của gia nô... Khu nhà gia nô san sát, đủ chứa mấy ngàn người. Tiếng cười, tiếng đùa bỡn nhau chen lẫn tiếng vài người say lè nhè bông lơn.Trần Quốc Tuấn cười thầm trong bóng tối. Ông đi giữa những dãy nhà thấp nhưng thẳng hàng. ánh sáng từ những khuôn cửa hẹp hắt ra, lấp loáng trên hàng khuy hổ phách chân vàng đơm đọc tràng áo vị tướng già. Ông vui lòng vì gia nô trong thái ấp của ông được chăm nom hơn bất cứ gia nô của một vương hầu nào khác. Đây là dãy nhà của những người phục dịch trong chuồng voi và lính đội voi. Căn nhà đầu dãy là chỗ ở của Dã Tượng. Trần Quốc Tuấn định đến thăm Dã Tượng và cũng định hỏi xem người chỉ huy đội voi nghĩ ra sao về việc chọn tướng cầm cờ.Khi vị tướng già sắp đẩy cửa bước vào thì một câu nói bên trong làm ông ngừng lại:-Thế thì anh ốm vờ rồi!Câu nói vừa bực tức vừa nũng nịu, lại có vẻ trách yêu. Giọng nói là giọng em bé gái. Trần Quốc Tuấn hơi cau mày. Xưa nay, khu này coi là trại quân và nghiêm cấm đàn bà, trẻ con đặt chân đến. Ông nghe thấy Dã Tượng đáp lại:-Anh ốm thật chứ! Anh ngã từ lưng voi xuống đất. Anh bị đau nhưng có mật gấu được thưởng năm ngoái, anh hòa rượu với mật gấu, hỏa thang lên, bóp vết sưng ngay lúc tối. May thế đấy.Trần Quốc Tuấn nửa giận, nửa mừng. Miếng mật gấu này, con trai thứ ba của ông thưởng cho Dã Tượng khi ở Chiêm Thành về. Dã Tượng đã học thành tài nghề luyện voi. Anh đem hết nghề riêng để luyện đội voi Vạn Kiếp. Khép những con vật to lớn, hung dữ ấy vào khuôn phép là một điều khó khăn, và người quản tượng thường phải dùng đến rượu thuốc và mật gấu. Trần Quốc Tuấn mừng vì viên gia tướng tài giỏi của ông vẫn khỏe mạnh nhưng ông giận vì người được ông tin cậy đã không biết nghĩ đến vinh dự giữ cờ tiết chế, nhất là khi ngọn cờ đó do ông nêu lên, tiêu biểu cho sức mạnh giữ nước của dân tộc Việt.-Thế thì tại sao sáng nay anh lại ở nhà?Dã Tượng đáp ngập ngừng:-Anh muốn đến Bình Than nhưng... anh không thể đi được.-Anh nói thế nào đấy, em chả hiểu gì cả.-Bao giờ em nhớn em sẽ hiểu.-Em muốn hiểu ngay từ bây giờ cơ.-Anh nói thế nào đấy, em chả hiểu gì cả.-Bao giờ em nhớn em sẽ hiểu.-Em muốn hiểu ngay từ bây giờ cơ.Câu nói nũng nịu của cô bé làm cho Trần Quốc Tuấn mỉm cười. Ông đoán rằng cô bé này chắc đáng yêu lắm. Ông bước sang phía cửa sổ, nhìn vào căn phòng của viên tướng chỉ huy đội voi. Căn phòng không rộng, mỗi chiều chỉ ba sải tay. Trên vách đất, Dã Tượng treo binh khí: một cây đòng móc câu, một cây thiết lĩnh, một cánh cung sơn đỏ và một bao tên... Ở chỗ trang trọng nhất, Dã Tượng dùng lụa màu xanh thiên lý, treo chênh chếch chiếc búa nhọn mũi của nghề dạy voi. Hầu như ngoài binh khí và chiếc giường nhỏ kê sát vách, căn phòng không còn đồ vật gì khác nữa.Trần Quốc Tuấn nhìn hai người ngồi trên giường. Dã Tượng tựa lưng vào vách đất. Khi ngồi, nom anh càng to lớn. Người chỉ huy đội voi đang chăm chú nói chuyện với cô bé có giọng nói nũng nịu. Cô bé này xoay lưng về phía cửa sổ. Trần Quốc Tuấn không nhìn thấy mặt cô bé. Ông chỉ nhận ra một vẻ trừu mến tràn trề tình thương mà ông chưa hề gặp trên gương mặt Dã Tượng.Cô bé chìa tay về phía Dã Tượng. Trên bàn tay cô ta có ba quả trứng cuốc xinh xinh. Cô ta nói với Dã Tượng nhưng Trần Quốc Tuấn nghe không rõ, vì cũng lúc đó ở dãy nhà đối diện, tiếng cười của đám đông bật lên, ồn ào. Sau đó, cô ta rụt tay về, bỏ ba quả trứng vào túi áo cánh. Dã Tượng cười bảo cô bé:-Em phạt anh đấy à? Em nghiêm khắc gớm nhỉ?Cô bé cười khanh khách. Cô lắc đầu quầy quậy; nhờ vậy Trần Quốc Tuấn nhìn thấy mặt cô ta. Một cô bé đen giòn có một đôi mắt rất linh hoạt và miệng cười phô hai chiếc răng cửa sứt nom nghịch ngợm và rất đáng yêu. Trần Quốc Tuấn đoán rằng cô bé này là con một gia nô trong thái ấp của ông. Dã Tượng bảo cô bé:-Em múa đi. Em múa cái điệu anh dạy em năm ngoái ấy.Cô bé nhí nhảnh cười:-Không! Em không thích cái điệu ấy. Để em múa một điệu khác cho anh xem.Cô bé nhảy từ trên giường xuống đất. Cô xăng xái xắn quần xắn áo. Ngay từ bước vũ đầu tiên của cô bé, Trần Quốc Tuấn đã nhận ra đây là điệu Dâng hoa của Chiêm Thành. Mùa xuân, cây cỏ tốt tươi, rừng rực rỡ muôn màu hoa. Những cô gái Chiêm Thành hái hoa kết thành tràng tặng người chiến sĩ anh hùng đánh bại Toa Đô. Trần Quốc Tuấn kinh ngạc trước phong cách múa của cô bé. Ông đã được xem điệu này do vũ nữ Chiêm Thành múa trên thềm điện Thiên An cho tất cả các vương hầu xem. Cô bé không có sự mềm dẻo điêu luyện của những vũ nữ đã trên mười năm rèn tập, nhưng cách múa của cô ta tràn đầy sự duyên dáng và tươi tắn của mùa xuân. Trần Quốc Tuấn ngắm Dã Tượng. Người gia nô gõ đầu ngón tay xuống phản làm nhịp múa cho cô bé.Cô bé đã múa xong điệu Dâng hoa. Dã Tượng cười bảo cô bé:-Này, anh thưởng cho em một cỗ chuyền như anh đã hứa nhé.Cô bé nhảy tót lên, mặt hớn hở, miệng reo vui:-A a! Tôi có một cỗ chuyền rồi! Tôi có một cỗ chuyền rồi!- Ở kia kìa! Anh gác nó trên đầu hồi nhà ấy.Cô bé chạy ù lại để lấy cỗ chuyền nhưng cô thấp Quy kiễng mãi chân cũng không với tới. Cô nũng nịu bảo Dã Tượng:-Anh lấy cho em. Anh cất sao mà cao thế.Dã Tượng buông hai chân xuống đất và đứng dậy. Anh chợt nhăn mặt, nghiêng người, hai tay ôm lấy cái cột. Cô bé lo lắng chạy lại bên Dã Tượng.-Anh ơi, anh làm sao thế?-Không, không sao cả. Anh chóng mặt một tí thôi.Nhưng khi Dã Tượng đi lại cuối phòng, Trần Quốc Tuấn biết ngay cái chân đau của Dã Tượng chưa khỏi và câu nói vừa rồi chỉ là để yên lòng cô bé mà thôi. Dã Tượng nhắc cô bé lên vai mình. Anh công kênh để cô bé tự tay mình lấy cỗ chuyền cho cô ta thích hơn.-Một cỗ chuyền bằng gỗ đánh bóng nhé!- Ại, sao nó nhẵn thế.Cô bé vuốt ngón tay lên từng cái que. Ngoài song cửa, Trần Quốc Tuấn cảm thấy tất cả sự say mê của cô bé. Chắc đang thích thú như thế, cô ta không thể nào nhận ra cái chân đau của Dã Tượng.-Em có một cỗ chuyền mà các cô quận chúa cũng không có đấy nhá!Cô bé hình như không nghe thấy Dã Tượng nói. Cô chỉ mải ngắm, mải vuốt ve những que chuyền tròn, nhẵn, láng, đẹp tuyệt vời. Trong khi đó, Trần Quốc Tuấn khẽ bật cười. Ông cười vì cái đúng rất kỳ lạ trong câu nói tưởng như phạm thượng của Dã Tượng. Như cháu nội ông chẳng hạn, chúng nó có hàng trăm thứ đồ chơi quý giá làm bằng vàng, bạc, châu báu, ngọc ngà, nhưng các cháu ông chưa hề có thứ đồ chơi được làm với tất cả tình thương như cỗ chuyền bình thường kia. Ông lại nhìn Dã Tượng và chợt hiểu rằng viên tướng chỉ huy đội voi rất đôn hậu.-Em bằng lòng chưa? Anh làm cho em đấy! Em thử lật đầu que chuyền mà xem!Cô bé lật đầu những que chuyền và đột nhiên kêu lên sửng sốt:- Cái gì mà sáng lóe lên thế này? Chữ hả anh? Có chữ hả anh? Anh gắn nó vào à?- Ứừ, sao lại gắn! Khảm đấy! Anh khảm vỏ trai thành chữ tên em đấy.Dã Tượng cầm một que chuyền chỉ cho cô bé:-Đầu này anh khảm chữ Tiểu, đầu này là chữ Bội. Tiểu Bội là tên cái con bé nào thế nhỉ?Dã Tượng cười, anh béo yêu má cô bé. Cô Bội ôm cỗ chuyền vào ngực, nhìn anh nuôi với tất cả niềm trìu mến, yêu dấu. Nhưng đột nhiên cô hỏi một câu làm Dã Tượng sửng sốt:-Anh không mắng em à? Anh mắng em đi, mắng đi! Dã Tượng ngơ ngác thốt lên:-Mắng em à? Em làm gì mà anh phải mắng em?Cô bé móc túi lấy ba quả trứng cuốc chìa về phía Dã Tượng.-Em mang trứng cho anh ăn chóng khỏe. Thế mà em nỡ đòi trứng lại. Chân anh thì đang đau...Dã Tượng chợt hiểu, anh cười:-Anh khỏi rồi. Em cứ múa cho anh xem là anh khỏi mà.-Không, không phải đâu. Chân anh hãy còn đau. Em biết rồi.Trong khi Dã Tượng ôm lấy vai cô bé, Trần Quốc Tuấn se sẽ đi trở ra. Ông về căn phòng riêng của mình. Vừa đi, ông vừa nghĩ về tình cảm đẹp đẽ trong sáng trong những tâm hồn thơ trẻ. Việc Dã Tượng không đi dự hội võ chắc cũng có nguyên nhân. Ông sẽ hỏi Dã Tượng sau, nhưng qua những điều mắt thấy tai nghe, ông tin chắc Dã Tượng không đi hội võ không phải vì cái chân đau.Trần Quốc Tuấn mải mê suy nghĩ và ông thích thú với những khám phá mới của mình. Về tới phòng, Trần Quốc Tuấn được biết cụ Uẩn đã đến xin vào hầu từ chập tối. Ông cụ hiện đang chờ ở trại ngoài. Trần Quốc Tuấn ra lệnh đưa cụ Uẩn vào. Đó cũng là một điều khác nếp sống bình thường trong trang trại Vạn Kiếp. Một lát sau, cụ Uẩn bước vào. Khi không giữ lái thuyền, khi gió trời không thổi bù mớ râu dài, rậm, cụ Uẩn nom hom hem, rụt rè như những ông già mắt đã kém, gân đã chùng. Ông cụ ngượng nghịu sụp lạy Trần Quốc Tuấn, dâng lời chúc sức khỏe, tuổi thọ.-Cụ lại gần đâyTrần Quốc Tuấn vời ông già đến bên án sách mà nheo mắt kinh ngạc không tin người này đã giữ lái con thuyền tướng vượt sóng Lục Đầu sáng nay. Cụ Uẩn chắp hai tay, đầu hơi cúi thấp. Hai con mắt già nua gấp gay. Ông cụ mặc bộ áo bằng vải nâu còn mới, nếp gấp nhàu cứng, chừng may đã lâu nhưng nay mới có dịp dùng đến. Ngang lưng, cụ Uẩn thắt một dải sồi màu tam giang nom quê mùa, chất phác. Trần Quốc Tuấn sai rót cho ông già một chén rượu. Ông cụ tạ ơn, xin uống. Chỉ đến lúc ấy, Trần Quốc Tuấn mới thấy vẻ ngang tàng trong thói quen của những người lính hộ vệ cha mình.Cụ Uẩn chậm chạp nâng chén rượu lên môi, nhưng khi chén đã kề môi, cụ ngửa cổ làm một tợp cạn luôn, đôi mắt gấp gay chợt sáng lên thèm thuồng. Thế là những hình ảnh xa xưa, những kỷ niệm cũ trở về, chen trộn trong tâm trí người lái đò già. Ông cụ gấp gay mắt kể lể, nửa trách nửa thân tình:-Ngày xưa con cũng hay được Phụng Kiền đại vương thưởng rượu. Rượu phải nặng, hễ rót là sủi tăm lên, mà chén uống là cái bát bằng ngần này.Ông cụ giơ chét tay ra hiệu. Trần Quốc Tuấn tủm tỉm cười. Vị tướng già sung sướng nghĩ về cha mình, một người rộng rãi, hào phóng với binh lính dưới quyền và được họ yêu mến.-Cụ có hay ở gần cha ta không?-Con là lính hộ vệ.Cụ Uẩn chợt ngẩng mặt cười, phô hàm răng khuyết nhiều chiếc, chẳng còn lưu lại chút gì vẻ vũ dũng xưa của những người lính hộ vệ Phụng Kiền vương.-Lính hộ vệ chúng con có tất cả sáu tay kiếm.- Ờ! Ta đã từng nghe kể về sáu tay kiếm này.-Nhưng bây giờ thì chỉ còn mình con thôi. Những người kia đã chết trận thời Nguyên Phong, hai mươi sáu năm trước đây. Chỉ còn con. Con rời quân ngũ vui nghèo với con đò ngang bến Bình Than.Những năm tháng trôi qua tưởng như đè trĩu tâm hồn hai ông già. Bên ngoài, đêm xuân ấm áp, hoa xuân tỏa hương ngào ngạt thái ấp; hương lan, hương hồng quế, mùi cỏ thạch xương bồ cùng phả vào phòng, trộn lẫn với mùi trầm quyền quý mới được Trương Hán Siêu gầy lên trong chiếc lư đồng bạch. Trần Quốc Tuấn bảo người chép sách mang đến cho mình chiếc hộp đựng nửa mảnh phù sơn son. Vị tướng già lấy mảnh phù ra, giơ cho cụ Uẩn xem. Ông hồi hộp theo dõi nét mặt của người lái đò, nhưng ông cụ chỉ lộ vẻ ngơ ngác...-Cụ có biết mảnh phù này không?-... Trần Quốc Tuấn ngẫm nghĩ giây lát rồi ra hiệu cho Trương Hán Siêu cất hộp phù đi. Ông thưởng cho cụ Uẩn một tuần rượu nữa, lần này bằng một chiếc chén lớn, lân miệng.-Cụ chưa hề thấy mảnh phù nào giống mảnh ta vừa đưa cho xem à?Người lái đò nghếch mái đầu suy nghĩ. Nhớ lại những gì đã qua mấy chục năm trời đâu phải chuyện dễ dàng. Cụ Uẩn cố sống lại những ngày xưa. Trần Quốc Tuấn không giục giã. Ông điềm đạm ngồi chờ đợi. Bất chợt, ông hơi nhíu mày, chăm chú ngắm ánh sáng thoáng lóe lên rồi lại tắt đi trong cặp mắt già nua đục lờ của cụ Uẩn. Ông cụ lẩm bẩm:-Có... à... không...-Cụ Uẩn chật vật với những hình ảnh mờ nhạt, lẫn lộn đang mơ hồ hiện lên.-Có... có... không...Trần Quốc Tuấn ngả người về phía trước. Nhưng cuối cùng, người lái đò mệt mỏi nói: Niên hiệu cuối cùng của vua Trần Thái Tông.- Thưa Quốc công, con không nhớ ra ạ.Trần Quốc Tuấn vẫn ôn tồn:-Thôi được, cụ hãy ghi nhớ lời ta. Lúc nào minh mẫn, nghĩ được chuyện cũ sẽ đến hầu ngay nghe.Ông biết rằng sức nhớ của người già bao giờ cũng suy giảm, nhưng có lúc nào đấy, từng cái nhỏ bé, bình thường qua đã lâu chợt trở lại rất nhanh, rất mạnh và rất rõ rệt. Ông sai rót cho cụ Uẩn tuần rượu thứ ba và sau đó hỏi người lái đò về nghề nghiệp sinh sống hiện giờ. Cụ Uẩn thở một hơi dài thoải mái. Cụ kể rằng với con đò ngang, cụ kiếm ăn được. Dân hương Vạn Kiếp mua cá của cụ. Lính gia nô Vạn Kiếp mến cụ.-Thưa Quốc công, chả là vì con bày cho họ cách bắn nỏ và dạy họ múa kiếm, bài kiếm của Phụng Kiền đại vương đã dạy chúng con ngày xưa.Trần Quốc Tuấn cười hỏi:-Bài kiếm nào thế cụ?-Dạ, thưa là bài kiếm hương nhà. Cái bài kiếm có ba mươi tư đường đánh đỡ ấy ạ.Trần Quốc Tuấn nghiêm nét mặt, kinh ngạc:-Bài kiếm ba mươi tư đường à?-Vâng, đúng ba mươi tư đường đấy ạ.Trần Quốc Tuấn biết rằng bài kiếm truyền trong quân gia nô hương Vạn Kiếp từ trước vốn chỉ có ba mươi mốt đường. Cò ba đường cuối cùng chỉ truyền cho người trong họ Trần thuộc chi Vạn Kiếp mà lại là ba đường hiểm nhất, hay nhất. Ông đã định lần này về hương sẽ đem nốt ba đường ấy dạy cho gia nô. Đứng trước nạn nước nguy cấp, giữ riêng ba đường ấy là có tội! Không ngờ ba đường kiếm ấy còn có người khác biết và đã dạy cho quân Vạn Kiếp rồi. Nhưng... biết đâu chẳng phải là ba đường kiếm đó? Trần Quốc Tuấn cầm cái quạt thước đưa cho cụ Uẩn. Ông nói:-Ngươi múa ta coi thử.Người lái đò đỡ cái quạt, vái Trần Quốc Tuấn hai vái và ngượng ngùng xin múa. Nhưng ngay từ thế võ đầu tiên, Trần Quốc Tuấn đã nhận ra bài kiếm riêng của dòng họ. Càng múa, cụ Uẩn càng linh hoạt. ánh mắt già nua của ông cụ trở nên nhanh nhẹn, đường kiếm phóng ra thu về không câu nệ như cách múa của những người chưa từng chiến đấu. Đường thứ ba mươi... đường thứ ba mươi mốt... cụ Uẩn múa tới ba thế võ bí truyền. Cây quạt thước trong tay cụ vẽ nên những hình quen thuộc trước mắt Trần Quốc Tuấn. Đúng là ba miếng võ mà Trần Quốc Tuấn định đem dạy cho quân gia nô Vạn Kiếp lần này! Cụ Uẩn cung kính hai tay nâng trả quạt. Ông cụ lại trở về vẻ ngượng nghịu như cũ.Trần Quốc Tuấn đứng dậy. Ông mở tà áo, tháo miếng quế đeo lẩn trong đó, thưởng cho cụ Uẩn. Miếng quế đeo bằng tơ năm màu xâu qua một cái lỗ dùi ở một góc. Ông bảo cụ Uẩn:-Cụ hãy giữ lấy. Đây là quế trắng rất quý, trị được nhiều bệnh hiểm nghèo. Lúc nào cũng phải đeo nó liền người ấy.Cụ Uẩn đeo miếng quế vào cổ. Ông cụ chợt ngẩn mặt ơ lên một tiếng, quên cả vái tạ.-Lão thấy rồi! Lão nhớ rồi! Nhớ rồi...Ông cụ lắp bắp nói chẳng ra đầu ra đuôi gì cả. Cụ nói rằng có một mảnh phù sơn son đeo bằng tơ; đeo ở cổ áo; đeo giấu trong ngực áo; một người đàn bà; bà ta đi trốn; bà ta là người thân cận...Trần Quốc Tuấn rất mừng nhưng ông cứ để nguyên cho cụ Uẩn nói lung tung. Chờ khi người lái đò đã bình tĩnh dần dần, Trần Quốc Tuấn mới lựa lời hỏi từng câu ngắn. Cụ Uẩn kể rằng khi Phụng Kiền vương trốn khỏi kinh thành, một người đàn bà nô tì đã bế người con trai của Phụng Kiền vương đi lánh nạn. Ba tháng sau, khi anh em Phụng Kiền vương đã hòa với nhau, người đàn bà nô tì trở thành quản gia của thái ấp Mai Hiên. Cụ Uẩn đã có lần được thấy người này có một mảnh phù đeo cổ.-Mụ ta tên là gì, con quên rồi, nhưng Phụng Kiền đại vương đã cất nhắc mụ lên chức quản gia.Trần Quốc Tuấn sững sờ. Tưởng ai hóa ra người quản gia thái ấp Mai Hiên. Người này thì ông biết rất kỹ. Ông cầm cái nậm ngọc đưa cho cụ Uẩn:-Này cụ! Ngày xưa muốn cho quân lính vui vẻ thì cha ta làm thế nào?Cụ Uẩn ngượng nghịu:-Thôi thì mỗi người một thích. Con cứ được uống rượu là vui, nhưng luật quân nghiêm cấm uống Quy ba chén. Anh em thì người thích xem múa rối, người ưa đánh cờ tướng, người ham nghe đàn hát.-Binh lính cũng thích nghe đàn hát à?-Dạ thích chứ ạ. Ở đội voi bây giờ cũng có ban hát riêng đấy ạ.- Ởđội quân của Dã Tượng à?Trần Quốc Tuấn vui vẻ hỏi. Ông sai Trương Hán Siêu xuống chỗ ở của Dã Tượng bảo đem ngay ban hát lên diễn thử. Ông bảo cụ Uẩn:-Cụ hãy nán lại xem hát. Bây giờ mới canh hai.Ban hát múa của đội voi diễn ngay trên sân rộng dưới ánh sáng của mười hai cặp đèn lồng nhiều màu. Đó là những điệu múa, bài hát, trò uốn người mềm dẻo, tất đều chưa được tập luyện thành thục và lựa chọn chưa kỹ càng. Nhưng Trần Quốc Tuấn luôn miệng khen được và vui mừng nghĩ rằng binh lính của ông có những cách giải trí như thế này. Ông tự nhủ có lẽ nên lập nhiều ban hát múa trong tất cả các đội quân dưới quyền của ông.Buổi diễn thử kết thúc bằng một trò múa hát trên dây. Dưới ánh sáng đèn lồng nhiều màu, cô bé làm trò nom xinh như cô tiên con. Cô bé hát chưa hay lắm nhưng cái giọng nũng nịu rất đáng yêu. Cô múa cũng chưa thành thạo, một đôi lần còn nghiêng ngả tưởng sắp ngã xuống đất. Có lúc Trần Quốc Tuấn hồi hộp nhấp nhổm người trên ghế. Khi Dã Tượng đỡ cô bé xuống đất, Trần Quốc Tuấn gọi cô bé lại gần. Cô bé sợ sệt, sụp lạy ông. Vị tướng già tủm tỉm cười nhận ra cô bé với cỗ chuyền khảm chữ hai đầu. Đột nhiên ông vui vẻ nói:-Khá lắm! Khá lắm! Sao cháu không vừa cười vừa lắc đầu quầy quậy đi.Mọi người ngơ ngác chẳng hiểu ý ông. Trần Quốc Tuấn sai phát cho ban hát múa của đội voi mấy chục tấm vừa vải, vừa lụa, vừa sồi các màu để may áo diễn trò. Rồi ông cho họ lui và cho cụ Uẩn đi nghỉ với anh em đội voi. Trong căn phòng trở nên tịch mịch, chỉ còn vị tướng già và Trương Hán Siêu. Người chép sách quạt lò, hầu bữa trà khuya. Bên ngoài, cồng thái ấp điểm canh ba ngân nga. Hương Vạn Kiếp ngủ yên, no ấm.Đêm lạnh. Trần Quốc Tuấn khoác hờ lên đôi vai chiếc áo cừu nhẹ. Trần Quốc Tuấn đăm đăm nhìn sâu vào màn đêm lấp lánh sao. Khối núi Yên Tử đen, lạnh, sừng sững uy nghiêm. Chỉ một ngày, Trần Quốc Tuấn gặp nhiều người và sự việc khác lạ. Chợt ngẫm nghĩ, tưởng như tất cả đều riêng rẽ, rời rạc. Nhưng thật ra chúng gắn bó với nhau giúp cho ông rút ra một ý mới con người ta mỗi người có một tài. Mỗi con người là một nguồn sức mạnh phải được cổ vũ vào công cuộc đánh giặc giữ nước.Trần Quốc Tuấn nhíu mày ngẫm nghĩ rất lung. Từ xưa tới nay, các bậc danh tướng đều đề cập ít nhiều đến trăm họ, nhưng chưa từng có người nào lập một kế sách giữ nước lấy hẳn gốc rễ là trăm họ. Những kinh nghiệm xưa chưa từng có để làm chứng cứ về sức mạnh to lớn ấy, hay có mà chưa ai dám nêu lên thành một bài học lưu truyền. Bây giờ đây, trước nạn nước nghiêm trọng, ông sẽ phải nghĩ làm sao, đánh làm sao cho tròn sứ mệnh đè trĩu vai ông? Hãy gạt đi những vấn vương làm cho trí óc kém minh mẫn. Những con người ông đã gặp, những sự việc ông đã chứng kiến là những cái có thật mà ta phải tin cậy. Hơn hai mươi năm trước, ông đã từng làm tướng dưới trướng Thái sư Trần Thủ Độ. Những kinh nghiệm chiến chinh náu sâu ở đáy lòng ông vụt sống dậy giúp cho ông suy xét. Đôi mắt ông quắc sáng lên và Trần Quốc Tuấn đã nhìn thấy chỗ dựa trong bản kế hoạch phá giặc của mình! Ông khẽ nhấp ngụm trà thơm và gật gù lẩm bẩm:-Lũ giặc ngông cuồng! Bay chẳng những phải chạm trán với mấy chục vạn sĩ tốt tinh nhuệ mà còn bị tôi con hào kiệt của cả nước Việt đấu sức lại đánh cho bay tan tác.