Hoa Xuân Hùng mê chuyện, cậu ta nói liến thoắng làm cho Hoàng Đỗ sốt ruột chỉ e nhỡ việc. Anh lính trạo nhi cầm trong tay một cái cung Thát Đát rất đẹp, cánh cung bằng gỗ dày và rộng bản. Cánh cung này Hoa Xuân Hùng cướp được của một tướng giặc tử trận. Nếu ta đem cung sang làm quà cho ông tiểu tướng đô viễn thám của hành trung doanh. Đêm hôm qua, mãi đến lúc phò Trung Thành vương về Chương Dương, Hoa Xuân Hùng mới khẽ hỏi Dã Tượng ra tiễn ông hoàng bảy xem cái ông chỉ huy đô viễn thám là ông nào. Dã Tượng bảo:
- Là cái ông đưa chú mày từ ngoài sông đến chỗ ta ấy mà.
Hoa Xuân Hùng đâm ra lắp vì kinh ngạc:
-Cái... cái... cái thằng... thằng... nhãi nhép... nhãi nhép ấy à?
-Thằng láo lếu! Mày cứ cố mà nhãi cho bằng ông ấy.
Thực ra Hoa Xuân Hùng cũng chẳng kém cỏi gì. Yết Kiêu đã từng giao cho chú ta cai quản mười thuyền mà mười thuyền còn đông lính hơn một đô. Tuy nhiên, danh tiếng con người đeo chuỗi răng cá sấu quá đỗi kiêu hùng khiến cho anh lính trạo nhi quên cả tuổi mình hơn, quên cả sức mình hơn, đã tìm sang kết bạn với Hoàng Đỗ. Nhưng mở đầu cho buổi nói chuyện lại xảy ra một cuộc thi bắn cung mà kết quả khó phân định giữa người bắn và người làm bia sống, ai hơn ai kém. Sau cuộc bắn, Hoa Xuân Hùng đã cầm xem cây cung của Hoàng Đỗ. Đó là một cây cung rất tốt nhưng nặng nề, cánh chuốt chưa được khéo léo cho lắm. Hoa Xuân Hùng đã lấy cây cung Thát Đát tặng Hoàng Đỗ và hứa sẽ chuốt lại cánh cung một chút cho thật vừa sức Hoàng Đỗ rồi sẽ sơn cung cho xứng với người. Cánh cung đã chuốt xong rồi, mà sơn cũng đã xong rồi. Hoàng Đỗ đã chọn hai màu sơn trắng và xám đen; chú ta bảo đó là màu của bông lau và màu của da cá sấu, cũng như hai màu đen đỏ Hoa Xuân Hùng đã chọn là màu của thép, tuy chỉ khác là thép sống và thép chín. Hoàng Đỗ chỉ muốn lắp ngay cung, bắn thử một phát, nhưng Hoa Xuân Hùng nhất định chưa giao cung. Cậu ta chẻ cật mây già thành sợi như sợi tóc để xiết đầu cánh cung cho khỏi xước. Cậu ta làm cẩn thận quá, chậm quá, mà làm một tí lại ngừng tay nói chuyện. Những nào chuyện lính trạo nhi lặn cũng giỏi như bơi; nào Yết Kiêu buộc ai nấy phải biết chèo thúng cóc, biết đi lèo, biết giữ lái, biết cào thoi và phải biết cả nhảy cà kheo...
-Mỗi cây cà kheo dài hai sải, đi không chống gậy.
Câu chuyện của Hoa Xuân Hùng rất quyến người, nên Hoàng Đỗ lúc nhớ ra thì sốt ruột nhưng sau đó lại đằm vào. Cà kheo là cách của người ven biển dùng để lội dưới nước đẩy lưới đánh tép biển, tôm biển. Hoàng Đỗ khi còn là nô tì của Trần Bình Trọng, đã từng được xem cà kheo nhân một chuyến theo hầu ngựa cho ông về hương Tức Mạc. Nhưng ở cửa miệng Hoa Xuân Hùng, cà kheo trở thành một trò hấp dẫn kỳ lạ, cậu ta nói thuở nhỏ, mình đã đi cà kheo qua đầm, qua hồ. Gặp con mương một hai sải tay phỏng? Cứ “hấp”, bước qua. Gặp gò phỏng? Bước qua! Như lời Hoa Xuân Hùng thì người chạy thật nhanh cũng không bằng một người đi cà kheo xoàng, miễn xoàng ở mức không ngã kheo.
- Kheo dài mà ngã rồi thì chỉ có nước tụt chân ra thôi.
Hoa Xuân Hùng cười hì hì và rít mối mây cuối cùng. Cây cung đã xong. Hai người vào dây cung. Hoa Xuân Hùng búng búng vào cán cầm bằng xương cá mập:
- Bữa nào xin ông Trương Hán Siêu mấy chữ rồi nhờ anh Dã Tượng khắc nó vào chỗ này.
Hoa Xuân Hùng giảng cho Hoàng Đỗ nghe là người ta hay đề chữ vào một vật gì luôn luôn có bên mình để ghi nhớ mà làm theo. Ai nhà giàu ăn trắng mặc trơn thì viết vào quạt, lười quá lắm mà không cầm quạt thì thêu lên áo. Còn cánh mình, lính tráng, cây cung, cây kiếm liền người thì kiếm cái chữ gì hay hay khắc vào. Hoàng Đỗ nghe thích lắm. Anh lính đeo răng sấu chợt thấy cây cung từ đây gắn bó với mình, trở thành một phần của thân thể mình như chuỗi răng cá sấu. Họ đang trò chuyện vui thì có tiếng vó ngựa đập lộn xộn từ xa vẳng lại. Như hai người lính đã nửa đời chinh chiến, Hùng, Đỗ cầm vũ khí tạt luôn sang những mô đất ven đường. Từ phía bãi mé thượng lưu sông, hai con ngựa đang chạy tới. Chắc chúng rất mệt nên nước chạy loẽng choẽng không ra phi, không ra kiệu. Ngựa càng gần lại, Hoa Xuân Hùng và Hoàng Đỗ càng nhìn rõ hơn. Một con ngựa không có người cưỡi, còn con kia có một kỵ sĩ nằm phục xuống cổ nó, tay phải người cưỡi ngựa cầm một lưỡi kiếm ngắn buông thõng quét lê xuống mặt đất. Ngựa gần lại nữa. Hoa Xuân Hùng lẩm bẩm:
-Yên cương Thát Đát! Giặc à?
Hùng lắp tên giương cung định bắn, nhưng Hoàng Đỗ đã kêu lên:
-Đừng! Ta đấy!
Hoàng Đỗ đã nhìn thấy chiếc khăn chiến màu đỏ dà của dân binh vùng kinh thành. Hai con ngựa cứ loẽng choẽng chạy dần lại. Hoa Xuân Hùng đứng thẳng người lên. Những con ngựa hoảng sợ khựng lại, nhưng chúng mệt quá rồi không còn sức để tìm cách tháo thân nữa. Hoa Xuân Hùng quát:
-Ai?
Người cưỡi ngựa vẫn nằm phục xuống cổ ngựa. Hoa Xuân Hùng ra hiệu cho Hoàng Đỗ đề phòng, còn cậu ta bước đến hai con ngựa theo một hướng vừa tránh được vó sau ngựa vừa tránh được đường kiếm của người. Nhưng còn vài bước nữa đến nơi, Hùng chợt kêu lên. Cậu ta nhìn thấy một mũi tên cắm ngập bả vai người cưỡi ngựa. Vải áo quanh thân tên đẫm máu. Hùng xốc tới. Kỵ sĩ tin cậy ngả người vào đôi tay cứng cáp của Hoa Xuân Hùng. Hoa Xuân Hùng và Hoàng Đỗ khiêng người bị tên sang vệ đường, đặt nhẹ nhàng người ấy, đỡ cho đầu ngả vào ngực áo Hoa Xuân Hùng. Hai mắt người bị thương nhắm nghiền, hơi thở không đều đặn, một dòng máu khẽ rỉ ra mép. Hùng bảo Đỗ:
-Về trại lấy người khiêng, mau lên.
*
Có lẽ đã ba tháng, Dã Tượng, Yết Kiêu mới gặp nhau. Họ là gia tướng thân tín nhất của Trần Quốc Tuấn nên tình hình chiến trường diễn biến ra sao, họ biết kỹ. Câu chuyện của hai anh em đi vào những cạnh khía kỳ lạ hầu như buồn cười: chuyện ở Vạn Kiếp, giặc cho mấy chục thằng lính lội xuống đầm dùng rổ xúc cá giếc đuôi đỏ. Xúc cả buổi, chúng không bắt được con cá nào mà lúc lên bờ, lính giặc hét rầm trời nằm lăn ra bờ cỏ giãy đành đạch, sau mới biết chúng nó bị đỉa bám vào chỗ hiểm; chuyện ở Chương Dương có ba đám cưới ngay đêm đốt trại giặc, dâu là gái làng, rể là lính trạo nhi, nhà giai đi ba trăm thuyền đến rước dâu, cuối cùng về không, mất cả chú rể vì ba ông rể ở lại nhà vợ; chuyện Quốc mẫu Phụng Dương đậu thuyền ở bến thăm đức ông Chiêu Minh, nửa đêm thuyền đứt dây neo, trôi xuôi, lính trạo nhi hì hục chèo chống, la gọi nhau, Quốc mẫu tưởng có giặc, hạ cái khiên của đức ông xuống che cho cả hai vợ chồng. Họ nói với nhau toàn chuyện vui. Mãi sau cũng đến lúc phải đi coi việc quân, Dã Tượng mới đưa cho Yết Kiêu một cái gói bằng lá sen khô:
-Nấm hương Yên Tử! Con bé Bội nó gửi biếu thầy và chú.
Bé Bội là em nuôi của Dã Tượng, bây giờ cô bé được Hưng Vũ vương nuôi làm con nuôi. Đã làm em nuôi của Dã Tượng thì quận chúa Tiểu Bội cũng là em nuôi của Yết Kiêu. Viên tướng đánh thủy cầm lấy gói nấm hương, vẻ mặt xúc động và tần ngần. Vốn ăn to nói lớn, anh ít cần đến mùi thơm của các loại gia vị trong bữa ăn dù là nấm hương, nhưng anh nhớ kỹ mép rượu rất sành của cụ Uẩn. Biết thế nào bây giờ?
-Thầy chẳng trối trăng gì lại nhỉ. Thầy ở, rồi thầy đi như một con chim trời ấy.
Yết Kiêu không nói thành lời rằng lắm lúc anh tưởng như cụ Uẩn sắp hiện ra ở bất kỳ chỗ nào, bình thường như xưa, chất phác mà cũng kiêu kỳ như xưa. Đó cũng là cảm nghĩ của Dã Tượng. Chính lúc hai anh em đang im lặng, Hoàng Đỗ hấp tấp bước vào lều trận báo tin người dân binh trúng tên. Lệnh cho người đi khiêng thương binh được ra ngay tức khắc. Chỉ một lát sau mũi tên đã được nhổ ra. Cũng may, chiếc tên trúng phần thịt mềm của bả vai, thò mũi ra dưới xương quai sanh trước ngực, nên cắt thân tên, kéo tên xuôi ngạnh không vướng. Lá dấu đã dịt vết thương kỹ lưỡng; rượu hòa chút mật gấu đã đổ cho người bị thương. Đôi mắt lờ đờ của người ấy từ từ nhìn quanh và cặp môi xám khẽ thoáng cười. Dã Tượng sai lấy gừng giã nhỏ, đổ rượu mạnh vào, hỏa thăng lên, rồi bọc giẻ chườm nhè nhẹ hai mang tai và ngực người dân binh. Chừng nhai giập bã trầu, người bị thương đã tỉnh. Anh ta dần dà trả lời vài điều cần thiết: Anh là dân binh trong đội quân của tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa giữ vùng đầm từ Kiêu Kỵ đến Thọ Vực. Đây là một vùng hoang vu gần như vùng lầy Màn Trò, ở kề cánh rừng đa bên phía đông kinh thành, chỉ cách kinh thành bằng con sông Cơ Xá. Dã Tượng hiểu địa thế vùng ấy. Anh cũng hiểu rõ cánh quân của Nguyễn Chế Nghĩa có lệnh phải giữ vững địa bàn đồng lầy để nếu cần, Quốc công Tiết chế sẽ chuyển quân lên phía đông bắc kinh thành bằng đường ấy. Theo lời người dân binh bị thương, quân giặc đã bắc một cái cầu phao bằng những bó nứa ngang sông Cơ Xá từ bến Đông Bộ Đầu sang rừng đa. Tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa đã hai lần đột nhập ban đêm để đốt cầu nhưng đều bị giặc đánh bật ra. Mới đây, giặc đưa thêm nhiều quân sang bờ bắc kinh thành, lùng sục cả vào vùng rừng đa. Chúng đóng nhiều trại nhỏ rải rác ở ven rừng, rình bắt lính thông hiệu của ta. Chúng dồn ép ta về vùng đầm lầy. Nhưng vài ngày nay, đột nhiên quân giặc rối loạn thế trận; binh tướng điều ngược điều xuôi, phần lớn kéo nhau đi khiêng gạo, khiêng cỏ khô. Chắc rằng tình hình lương thảo của chúng bên Thăng Long gặp lúc quẫn bách. Chúng phải triệt nhiều đồn, nhiều trại giữa trời, bỏ nhiều trạm canh kể cả những trạm canh bí mật. Tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa làm tờ cáo để hành trung doanh biết tình hình đó. Để tờ cáo về hành trung doanh được nhanh hơn, quân ta tổ chức một trận đánh nhỏ vào một đồn giặc đóng trên đường cái. Đồn này có khoảng một trăm tên giặc, hơn chục con ngựa trạm để chạy công văn, và lúc nào cũng có vài con đóng sẵn yên cương buộc ở cổng đồn. Khi pháo hiệu vừa nổ báo lệnh đánh, quân ta xông vào đồn, thì người dân binh thông hiệu đã nhanh như cắt xông vào chỗ buộc ngựa trạm, cởi ngay cương ngựa giặc phi luôn. Anh ta còn cẩn thận đến mức dắt theo một con ngựa để nếu cần thì thay ngựa. Chẳng may, trong đám tên bắn loạn, một mũi tên trúng bả vai... Người dân binh thông hiệu mỉm cười, tay trái rờ rẫm lần vào trong bao dạ cá, lấy ra một cái ống tre nhỏ niêm phong bằng giấy hồng điều, đưa cho Dã Tượng. Viên tướng hành trung doanh cảm động cầm lấy cái ống tre đựng tờ cáo của tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa. Anh không phải là người có tầm nhìn bao quát của một vị tướng lĩnh cao cấp, nhưng anh hiểu rằng tờ cáo này ắt có nhiều điều cần thiết cho cuộc hành binh sắp tới của Quốc công Tiết chế. Dã Tượng ra lệnh cho tả hữu:
-Đổ sâm và ủ ấm cho bác ta.
*
Trời vừa tối, Trần Quốc Tuấn ngồi vào ghế da hổ xem các bản cáo của các mặt trận. Vị tướng trấn giữ mặt biển, Phó đô tướng quân Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư cáo rằng ông vui mừng vì mặt biển hoàn toàn do quân ta phòng, tiễu, tra, soát. Quân giặc lầm một nước cờ quan trọng là đã không lưu tâm đầy đủ về mặt biển, nên quân thủy của chúng không đủ sức đưa nổi một thuyền lương, cỏ nào vào các cửa sông nước Việt. Mà cũng không một chiếc thuyền nào của giặc lọt được lưới vây của quân ta; hành trung doanh cứ an tâm, quân giặc đã bị hãm một cách chắc chắn trong đất liền. Cáo của bốn con trai ông ở vùng bắc và đông bắc đất nước càng sôi nổi hơn: quân ta quây đồn giặc, chẹn đường lương, bắt tù binh, rồi lại thả chúng về gieo kinh hoàng vào lòng những thằng chưa bị bắt. Sắc văn của Quan gia ở mặt nam gửi cho ông lại hết sức dịu dàng; ngoài tình hình hai vua vây khốn Toa Đô trên sông, nhà vua chỉ nhắc nhở Trần Quốc Tuấn gìn giữ sức khỏe. Sắc văn này còn kèm theo một nén cao hổ cốt Thượng hoàng ban cho Trần Quốc Tuấn để bồi bổ thêm. Tất cả các tờ cáo đều hết sức khen ngợi tài năng và lòng trung thành của dân binh các lộ. Có thể nói hầu hết các trận đánh đều có phần công lao to lớn của họ đóng góp. Ngoài ra, họ là sức lực chính đã xây lđá, làm đường, rồi do thám, dẫn đường, rồi góp gạo, góp thịt và cả rượu nữa để nuôi quân khao quân.
Trần Quốc Tuấn mỉm cười nhớ lại, cũng hồi này năm ngoái ông còn phân vân trong việc tìm chỗ dựa cho kế sách diệt giặc của ông. Nhờ ơn tổ tông, ông đã nhận ra và bây giờ chỗ dựa ấy đã dư thừa điều kiện để ai nấy công nhận là vững chãi vô cùng. Trần Quốc Tuấn nghĩ đến cõi lòng đen tối của Trần Ích Tắc. Con người ấy hàng giặc phải chăng vì ham sống sợ chết, thèm muốn vinh hoa phú quý- thứ vinh hoa phú quý bẩn thỉu có giây mồ hôi và máu đồng bào-hay còn vì chưa hiểu được lẽ tất thắng của vua tôi đất Việt? Ngẫm cho cùng, hai mặt đó cũng chỉ là hai mặt sấp ngửa của một đồng tiền. Hắn đã hàng giặc. Hắn đã bán linh hồn hắn cho quỷ vương. Vạn cổ sẽ đọc cái tên xấu xa của hắn trong quốc sử! Hắn và bọn chúa mới sẽ chẳng tài gì thoát được thảm bại nhơ nhuốc. Tình thế đất nước như thế, chiến trường Thăng Long thắng lớn như thế, có thể ngồi mà đợi xem giặc giẫm lên nhau, giày xéo nhau mà chạy. Nhưng bỗng nhiên, Trần Quốc Tuấn chau mày. Sao lại ngồi mà đợi giặc chạy? Chúng còn ở đất Việt ta ngày nào thì còn người Việt quý giá bị thiệt mạng, còn nhà cửa ruộng vườn quý giá nước Việt bị đốt phá! Ông chợt nhớ đến mối băn khoăn mơ hồ trong lòng ông ngày hôm nay chính là việc chọn chiến trường diệt giặc ở đâu để giải phóng kinh thành, giải phóng non sông. Chọn chiến trường ở vùng ven kinh thành chăng? Giặc tuy thua đậm ở Chương Dương, mất toàn bộ chu sư trong trận lửa tưng bừng mấy hôm trước, nhưng chúng vẫn còn đông, còn mạnh. Đánh ở vùng này cũng vẫn chắc thắng nhưng tổn thất của ta sẽ không phải nhỏ. Binh pháp có nói: “Giỏi nhất là đánh bằng mưu rồi đến đánh vào lòng người, hẽng xoàng là đánh bằng binh khí, kém nhất là đem quân đánh thành”. Cho nên tốt nhất bây giờ giặc đang ở yên thì buộc cho chúng chuyển dịch. Đánh địch đang chuyển dịch chính là kế hay nhất, tổn ít xương máu mà chiến thắng sẽ lớn không lường được. Thế đấy! Ông đã ra nhiều mệnh lệnh đón chẹn giặc di chuyển, nhưng bao giờ thì địch chuyển? Chẳng lẽ ngồi chờ. Đó, đó, mối băn khoăn của ông ở chỗ đó. Tất cả tin tức về địch, về chiến trường vẫn còn thiếu một chút gì đâu đây giúp cho ông nhận ra lúc nào địch sẽ di chuyển, làm cách nào để buộc địch phải di chuyển? Trần Quốc Tuấn vốn có một tâm hồn sôi sục tươi trẻ đầy tráng khí nhưng cốt cách của ông lại hết sức điềm đạm, một sự điềm đạm có được do tuổi tác và sự hiểu biết. Cái gì chưa đến thì nó chưa đến, đâu phải vì thôi thúc mà nó bật ra được! Trần Quốc Tuấn mỉm cười. Ông gọi lính hầu sai đi triệu Lê Văn Hưu. Một lát sau, ông già chép sử vào trướng hổ. Trần Quốc Tuấn cho phép ông cụ ngồi và cười nói:
-Thượng hoàng ban cho ít cao tốt. Ta đã sai ngâm rượu. Tối nay, chúng ta uống rượu quý và đánh cờ giải trí.
Trần Quốc Tuấn sai rót rượu, sắp vài món nhắm và bày bàn cờ lên văn án. Ông có một cái bàn cờ rất đẹp vẫn mang theo từ lúc xuất sư. Cái bàn bằng gỗ trắc màu sẫm, nét vân kỳ dị, lại cẩn các đường ngang dọc bằng gỗ lòng mực trắng muốt. Bộ quân bằng răng voi, thớ ngà xoắn xuýt, do chính tay Dã Tượng tiện, chuốt bóng và khắc theo chữ mẫu viết đá thảo của Trương Hán Siêu. Trần Quốc Tuấn tủm tỉm cười, cất tiếng bình sang sảng một câu văn trong cuốn Khóa hư lục của tiên đế Trần Thái Tông: “Tiết trời nực, đá bền cũng chảy, muôn vật đều khô; ánh nắng hun, vàng rắn phải tan, trăm sông sắp cạn”. Cái cách ông cười khi bình câu văn ấy chứng tỏ ông tâm đắc ý chứa đựng trong đó. Hai người bày quân cờ ra bàn. Lính hỏa đầu bưng lên mấy món nhắm dâng hầu trong đó có món chả cá quả bọc lá lốt nướng thơm phức. Lê Văn Hưu vốn đánh cờ nổi tiếng, chuyên lấy công làm thủ. Chỉ thoạt xem mươi nước cờ, người ta tưởng như lối đánh của ông già khác với bản tính, nhưng không phải, nước cờ của ông già chép sử bắt nguồn từ sự hiểu biết sâu xa về phép đánh cờ và lòng tự tin vững chắc đối với sự suy nghĩ của ông. Trận cờ tuy thế diễn ra hết sức gay go. Ông già chép sử liên tiếp chuyển quân đánh mà vẫn không sao phá nổi đôi pháo gánh di chuyển hàng ngang chập chờn như cá giỡn trăng của Trần Quốc Tuấn. Cuối cùng, bằng một cặp mã tốt rất gắn bó, Trần Quốc Tuấn buộc Lê Văn Hưu phải thí xe chém tốt để được hòa. Ông già chép sử nhìn mấy con cờ còn ngổn ngang trên mặt bàn, nói:
-Bẩm đức ông, người ta thường nói tính người thế nào, nước cờ như thế...
-Nhưng ý tiên sinh thế nào?
-Bẩm đức ông, còn phải tính đến học vấn của người đánh cờ nữa.
Trần Quốc Tuấn khẽ nghiêng đầu ngẫm nghĩ. Ông gật đầu tán thưởng lời Lê Văn Hưu. Đột nhiên, ông hỏi:
-Hồi chiều tiên sinh định hỏi ta điều gì đấy?
Lê Văn Hưu kinh ngạc rồi ngập ngừng:
-Bẩm Quốc công, có phải trong cuộc chiến đấu quyết liệt như thế này, con người ta thay đổi mau chóng không?
Một câu hỏi về bụng dạ con người mà muốn giải đáp thỏa đáng, cần phải nghiền ngẫm thấu đáo. Như hẽng người Trần Ích Tắc và Trần Kiện thì sự thay đổi quá ư rõ rệt, từ bậc thân vương tôn quý thành tên phản nước rất đỗi bỉ ổi. Một tên đã đền tội, còn một tên đeo đẳng kiếp sống thừa, nhục nhã. Lại như Chiêu Minh vương, Trung Thành vương thì có sự thay đổi nào đâu nhỉ? Họ vẫn là các bậc thân vương hiển quý cột trụ của giang sơn xã tắc. Còn hẽng người như cụ Uẩn, Hoàng Đỗ, Dã Tượng, Yết Kiêu...? Có người vẫn đang sống và tiếp tục lập chiến công. Có người đã ngã xuống, khí thiêng về trời, trăm họ sẽ ngàn đời hương khói phụng thờ. Đó là sự thay đổi của họ hay sao? Không! Chưa hẳn chỉ là thế! Những con người ấy chỉ định hình rõ nét hơn trên nền cảnh của ba đào khói lửa. Tuy vậy, Trần Quốc Tuấn chưa yên trí rằng mình đã nghiền ngẫm thấu đáo câu hỏi về lòng người như thế. Ông nhìn đăm đăm ông già chép sử, rồi cũng hỏi một câu khá đột ngột:
-Hẳn tiên sinh băn khoăn về kế sách sắp xếp việc nước sau chiến tranh?
- Bẩm...
Lê Văn Hưu nghiêng mái đầu bạc ngẫm nghĩ, ngập ngừng tìm lời
-Bẩm... trọng hiền vẫn là điều cốt yếu của vương đạo bấy nay chăng?
Trần Quốc Tuấn mỉm cười, chưa kịp trả lời thì Dã Tượng đánh tiếng vội vã ngoài cửa, xin vào cáo cấp một tin tối quan trọng. Trần Quốc Tuấn cho vào. Viên tướng coi quản hành trung doanh hai tay dâng trình ông tờ cáo của tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa kèm một cái que tròn đen bằng gỗ mun láng bóng. Trần Quốc Tuấn giật mình cầm vội cái que lên xem. Nó chính là một chiếc trong bó que chuyền của bé Bội mà ông đã giao cho Đỗ Vỹ mùa thu năm ngoái để thay thẻ phù làm tin khi con người tài hoa này nhận việc dò xét tin tức địch ở bên kia biên giới. Đúng rồi, que chuyền bằng gỗ mun láng bóng thế này, phải là do bàn tay yêu em và rất mực khéo léo của Dã Tượng chuốt nên. Lại còn hai chữ Tiểu Bội khảm bằng vỏ trai ở hai đầu que nữa, lầm lẫn thế nào được! Nhưng Đỗ Vỹ đã tử tiết vì nước rồi cơ mà? Trần Quốc Tuấn không tin ở mắt mình nữa. Ông đưa que chuyền cho Dã Tượng. Viên tướng coi quản hành trung doanh cũng xúc động và hiểu lòng Quốc công Tiết chế. Dã Tượng nói:
-Que chuyền này đúng do tay con chuốt.
Trần Quốc Tuấn cầm vội tờ cáo của tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa lên đọc, nét mặt ông căng thẳng, đôi mày rậm muối tiêu nhíu lại, vẻ bi tráng kéo trễ dần khóe miệng. Không, chẳng còn gì đáng ngờ nữa. Que chuyền do chính tay Đỗ Vỹ chuyển, nhưng con người ấy đã tử tiết thực rồi. Trong tờ cáo, tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa viết rằng Đỗ Vỹ trước khi bị bắt và bị giết chết, đã kịp cho người thân tín cầm que chuyền làm tin tìm về hành trung doanh. Người này bị giặc đuổi gấp, bị chúng phóng một mũi lao trúng lưng, đã cố phóng ngựa đến được chỗ Nguyễn Chế Nghĩa đóng quân. Anh ta chỉ kịp nói đủ những lời Đỗ Vỹ căn dặn rồi tắt thở, ngay đến tên tuổi anh ta cũng không kịp khai. Đỗ Vỹ đã sai truyền miệng lên hành trung doanh tin tức về hai tướng giặc. Đại nguyên soái Thoát Hoan là một hoàng tử cưng của vua Nguyên. Gã rất thông minh, rất trẻ, tuy chưa từng được giao trọng trách nguyên soái nhưng nổi tiếng làu thông binh pháp. Gã có tham vọng nếu lần này diệt được nước Việt ta, sẽ được vua cha truyền ngôi cho. Tên phó tướng A Lý Hải Nha là một tướng lão luyện, tuổi đã cao, kinh nghiệm chiến trận dồi dào. Gã là một con người trầm tĩnh, quyết đoán nhưng chậm chạp, được vua giặc giao cho nuôi dạy chính thằng Thoát Hoan từ nhỏ. Chỉ thêm mấy nhận định tính nết, tài năng, vị thế của hai tướng giặc mà Trần Quốc Tuấn bỗng thấy mọi suy nghĩ của ông đang tản mát chợt kết gắn lại khiến ông nhận ra các mấu cớ dùng trong việc trù hoạch một kế thần diệu để giải phóng kinh thành. Trần Quốc Tuấn từ từ đứng lên. Biết bao suy nghĩ của ông dồn dập trong đầu. Đánh trận nếu ví đơn giản, cũng như đánh cờ tướng vậy. Nó là một cuộc đấu trí, đấu tài, đấu tính nết giữa tướng lĩnh đôi bên. Bây giờ thì ông hiểu rồi. Hiểu cách buộc địch phải chuyển dịch, thậm chí phải bỏ chạy để bày quân chặn chúng, đánh chúng, tiêu diệt chúng, nhất là ông đã có thể tính ra lúc nào tướng giặc phải rút quân, bỏ chạy. Hà! Tham lam như ruồi mà đập quạt còn bỏ chạy, huống nữa bọn mày còn chút tính người, dù cho tí chút ấy cực kỳ nhỏ bé. Trần Quốc Tuấn đột nhiên trở nên hết sức lanh lẹ. Ông ra luôn mấy mệnh lệnh khẩn cấp rồi chỉ trong khoảnh khắc, không khí hành trung doanh đã nhộn nhịp vô cùng.