CÁI MŨI VÀ ĐỜI NGƯỜI Thi sĩ Cao Bá Quát đọc thơ của Vua Tự Đức cùng nhóm triều thần trong thi xã của vua đã phê bình rằng: Ngán cho cái mũi vô duyên, Câu thơ thi xã con thuyền Nghệ An. Ý chê là thối như thuyền nước mắm. Chính vì cái mũi vô duyên đó mà Cao Bá Quát mới rơi vào cảnh tù ngục chết chém. Ba hồi trống giục mồ cha kiếp, Một nhát gươm đưa bỏ mẹ đời. Tướng con người ta kỵ nhất cái mũi vô duyên (dĩ nhiên là không phải theo cái nghĩa mà Cao thi sĩ nói), vì xem tướng trước hết phải xem cái mũi. Mũi tốt mới xem thêm, mũi xấu khỏi nói chuyện. Bất cứ con trai hay con gái, về tướng mặt mày đều lấy mũi làm chủ. Về tướng mũi chia ra làm hai loại: Thượng cách và hạ cách. Thuộc về thượng cách chia ra làm ba hạng: - Thiện tướng - thiện nhân đây là nói về phẩm cách. - Quý tướng - quý nhân đây là nói về quyền vị. - Phú tướng - phú nhân đây là nói về tài phú. Người thiện không nhất định phải giàu nhưng suốt đời vui sướng và khi chết cũng an toàn. Người quý vị tất đã giàu, người giàu không chắc đã thiện. Cho nên hai loại người này không chắc đã được vui sướng và thiện chung. Cho nên khi cổ nhân luận bàn về phúc tướng thường lấy thiện làm tốt và quý là thứ nhì, sau cùng mới đến phú. (Hiện tại là thời đại tư bản, phú luôn đi với quý nên người xem tướng cần phải thẩm định lại cái lý, chẳng nên giữ mãi quan niệm hủ lậu ngày trước). Tướng quý thiện, phú đều phân thành ba đẳng cấp: Đại, trung, tiểu. Tỉ dụ: Đại quý, trung quý, tiểu quý. Đại phú, trung phú và tiểu phú. Mũi thuộc tướng quý thế nào? Phải “thông thiên hữu thế” nghĩa là dài thẳng suốt lên đến giữa hai mắt như ống mũi ăn sâu vào trong óc, tỉ như ta gọi là mũi dọc dừa, phải có thế trông mạnh mẽ oai vệ. Phải “phong mãn tàn khổng” nghĩa là đầy đặn, to lớn, hai lỗ mũi ẩn kín. Lúc Tôn Văn còn bôn ba, có một vị thầy tướng đã bình phẩm cái mũi của nhà cách mạng đó rằng: Đại thiện kiêm đại quý đản vô phú (Mũi rất mực thiện, rất mực quý nhưng không giàu). Quả nhiên, Tôn Văn suốt đời khó nhọc vì tiền, kể cả lúc lấy bà Tống Khánh Linh giàu sụ bên Mỹ. Trong đời chỉ có tướng mũi vừa thiện vừa quý nhưng không bao giờ có tướng mũi vừa thiện vừa quý lại vừa phú. Quý dễ đi đôi với phú, có thể đi đôi với thiện. Nhưng phú ít đi với thiện. Về tướng ác của mũi được phân biệt như sau: Ác, tiện, bần. Ác, tiện, bần chia làm ba đẳng cấp: - Nhưng tướng mũi ác là tối kị. Vì người tướng mũi ác sẽ chết bất đắc kỳ tử, thậm chí cả nhà sẽ bị thảm tử. - Ác, không nhất định phải kiêm cả bần. Bởi vì tướng mũi ác đa số dễ giàu có. - Bần không nhất định phải kiêm cả tiện. Tuy nhiên ở xã hội thì tướng bần, tướng tiện rất nhiều và tướng ác tương đối ít hơn. Chẳng qua vì nhiều người nghèo nên ăn chẳng vay bữa mà mang tiếng ác thôi. Chứ ác không phải vậy. Theo truyền thống của tướng pháp Trung Hoa thì cái mũi ảnh hưởng lớn nhất đến vận mạng và tính cách con người, nam cũng như nữ. Đối với đàn ông, mũi chủ tài tinh (tiền bạc). Đối với đàn bà, mũi chủ phu tinh (chồng con). Sách “Tướng lý hành chân” dạy rằng: Mũi là cơ quan thẩm biện của cơ thể. Nên đầy đặn, cao lớn có thịt như mũi sư tử, mũi hổ như trái mật treo, ngay ngắn không lệch lạc, không thô, không nhỏ. (Xin các bạn lưu ý là to lớn nhưng không thô tục). Như vậy là thẩm quan tốt, không giàu cũng sang. Nếu nó giống mũi chó, mũi diều hâu, mũi dao nhọn, gồ ghề, gẫy, lỗ mũi hếch, lệch và yếu ớt, sống mũi lộ, cao và cô đơn như ngọn núi. Như vậy là thẩm biên quan hư, con người có sống mũi này phải chịu lao đao, vất vả, tâm tính gian tham. Tướng học nhận mũi là thổ tinh. Nếu thổ tinh hãm, vạn vật không có đất nuôi nấng sẽ chết khô héo. Mũi hỏng tất nhiên lục phủ ngũ tạng hư. Đến tuổi trung niên tất vì bệnh tật mà hết nghiệp. Trên thế gian không có giai nhân nào mũi lệch (có thể miệng lệch vẫn là giai nhân) cũng như không có vị anh hùng hào kiệt nào mũi hin, mũi nhỏ và mũi hãm, mũi tẹt dí mà thành công. Người nào mũi thẳng, đầu mũi tròn trịa có da thịt thì tính tình nhân từ, bộc trực. Người nào mũi ngưỡng thiên thì vô nhân vô nghĩa. Người nào mũi nhọn, đầu mũi không có thịt thì tính tình xảo trá. Người nào mũi khoằm như lưỡi câu thì tính tình hiểm độc. Sống mũi có đốt lộ ra ngoài là vợ chồng lục đục, đôi khi khắc, sát. (Dân Tàu đi hỏi vợ bao giờ cũng trông tướng mũi trước). Tại Hương Cảng có một vị phú ông tên là Phó Lão Dung rất nổi tiếng về tiền bạc và về một chuyện kể dưới đây: - Lão Dung vào đời rất nghèo khổ, sau nhờ thông minh kiên nhẫn nên chẳng bao lâu trở thành đại phú thương. Nhưng dân Hương Cảng không chỉ nể ông vì tiền mà còn kính trọng ông vì đức. Ông là người khinh tài trọng nghĩa. Được giúp ai việc gì ông rất vui vẻ. Giàu thiên ức vạn tải, nhưng trên mặt chẳng bao giờ lộ ra vẻ ngạo mạn khinh khi. Có lần ông bị bọn cướp bắt cóc. Chúng bịt mắt ông mang xuống thuyền đẩy ra giữa dòng sông để tra khảo. Trước hết chúng cắt một miếng tai ông. Ông vẫn bình thản. Hôm sau chúng mang đến một bát thuốc độc để trước mặt ông và bắt ông phải chọn hai điều, hoặc uống hết bát thuốc, hoặc viết thư về nhà lấy tiền chuộc mạng. Ông thản nhiên cầm lấy bát thuốc độc uống cạn một hơi. Bọn cướp ngạc nhiên hết sức, mặc dầu bát thuốc độc chúng mang lại chỉ là bát chè “bát bảo lường xà”. Sau cùng bọn cướp chịu thua. Tại sao Phó Lão Dung lại hành động như thế? Ông là con người bần tiện coi tiền hơn sinh mạng chăng? Chuyện này thiên hạ bàn tán xôn xao, nhưng khi ông còn sống vẫn chẳng ai tìm ra giải đáp xuôi xoả. Mãi tới lúc ông chết, câu chuyện mới vỡ lẽ. Hấp hối trên giường, ông bắt người nhà mang tới một tờ giấy hoa tiên ông cất giấu trong chiếc hộp bằng ngọc thạch cẩn kim cương. Đó là tờ giấy đoán tướng. Ông đọc xong mỉm cười rồi chết. Người nhà đọc tờ giấy kia thì thấy những dòng chữ như sau: “Tướng mũi người này tất phát đại phú vì nó đã đầy đặn lại còn nhiều khí lực, thêm vào đấy lại hai gò má rất phối hợp với mũi. Đến trung vận thì sẽ như rồng gặp mây. Hiềm đôi mắt hơi có chút phá cách, bởi tại ác nhãn. Như nếu biết tâm tướng mà chữa phần tướng, khi nào giầu phải biết làm việc nghĩa ngay thì giàu có mới bền vững. Bằng không e chết chẳng toàn mạng”. Phó Lão Dung đã triệt để vâng theo lời đoán tướng trong sự đối xử hàng ngày với cuộc sống. Do đó ông đã thoát rất nhiều tai nạn. Cái lòng tin tưởng vào tâm tướng của ông lớn đến nỗi có thể cầm cả bát thuốc độc uống một hơi mà tâm hồn ông không một chút hoảng kinh kể cũng lạ. Khi người ta cậy dỉ mũi, vắt nước mũi với lòng tục và mắt tục làm gì có ai nghĩ rằng cái mũi quan trọng đến nhường ấy. Hàng ngày, người ta thường nói với nhau thằng ấy, con ấy bị tao bóp mũi mà cái miệng tục chẳng bao giờ để ý rằng chính mình đã công nhận cái mũi là quan trọng. Cái mũi trên mặt người ta, khi nó đi với tai, mắt, miệng được ví như sông ngòi, khi nó đi với lưỡng quyền, trán, cằm được ví với núi non mà tiếng chuyên môn gọi là tứ độc và ngũ nhạc. Cho nên mũi với đời người rất quan trọng. Mũi là trung nhạc (núi đứng giữa), khí linh của phổi. Phổi tốt, mũi đẹp và có lực (hữu khí). Mũi mà chảy xệ, người mắc chứng ho lao hoặc suyễn, che khuất nhân trung sống không quá 40 tuổi. Theo Thần Tướng Toàn Biên, xem tướng mũi phải chia ra hình với sắc. Sắc của mũi luôn luôn quang nhuận, da dẻ mịn màng, màu hồng vàng ong ong dưới làn da (nếu đỏ như mũi người nghiện rượu lại vất vả) mũi đen như tro than làm lấm lưỡi vẫn không đủ ăn. Về hình tướng, có 4 loại mũi tốt nhất: - Huyền đởm tị: (Mũi trái mật treo) đầy đặn, kín lỗ mũi, sống mũi cao không lộ cốt chạy lên đến sơn căn (giữa hai con mắt), phú quý nhiều may mắn. - Tài đồng tị: (Mũi như ống tre vát) sống mũi cao thẳng, bóng bẩy, đầu mũi và cánh mũi chắc chắn dầy dặn, phú quý. - Sư tử tị: (Mũi sư tử) to nở đầy, lỗ mũi kín nhưng không được sần sùi, phú bất quý. - Long tị: (Mũi rồng) là cả ba hình mũi trên cộng lại, mũi này thuộc loại vua chúa, phú gia địch quốc hiếm có. Nó từa tựa như mũi nhà tỉ phú Onassis. Loại mũi xấu gồm có: - Lộ khổng tị: (Hai lỗ mũi rộng toác) nghèo khổ, túng bấn. - Tam khúc tị: (Mũi gãy) cô độc. - Cô phong tị: (Mũi như mỏm núi chon von) tự cao tự đại, dễ bị ghét nên nghèo khổ. - Cẩu tị: (mũi chó) mũi gầy guộc lộ sống mũi, hình dung thô tục, loại hèn hạ. - Ưng chuỷ tị: (Mũi chim ưng hay mũi con két) gian tà ác tâm. Tóm lại, mũi tốt trên nguyên tắc chung, về hình thái phải kín lỗ mũi, ngay ngắn, đầy đặn, sống mũi cao nhưng không lộ cốt. Xấu thì lỗ mũi lộ, mũi hếch, cốt lộ mỏng, lệch. Tướng mũi cần phải phối hợp với lưỡng quyền, mũi lớn đẹp mà quyền thấp không ăn to. Tướng mũi còn phải đi với tướng mắt. Mũi lớn đẹp mà tướng mắt hỏng dù có giàu cũng không thể sang được. TỨ ĐỘC - NGŨ NHẠC - NGŨ QUAN Bất cứ một học khoa nào, một nghề nghiệp nào cũng có chuyên môn. Tứ độc khoa tướng mệnh dùng để chỉ tai, mắt, mũi và miệng. Ngũ nhạc để chỉ trán, lưỡng quyền, cằm, mũi. Ngũ quan dùng để chỉ tai, mắt mũi miệng và lông mày. Tại sao trong bộ tứ độc có tai mắt mũi miệng như ngũ quan? Sở dĩ phải phân ra như vậy là vì tai mắt mũi miệng được xem tướng trên hai bộ phận: hình bên ngoài và khoảng trống bên trong, khoảng trống ấy ví như lòng sông, lòng ngòi, lòng suối mà thông thường gọi là lỗ tai, lỗ mũi, lỗ miệng và lòng mắt. Phần ngũ quan ngoài tai mắt, mũi miệng còn có lông mày khác với ngũ quan, cửu khiếu của khoa cơ thể học vì lông mày theo tướng học, liên hệ đến công danh phú con người. Trên nguyên tắc tướng tốt của tứ độc là sâu và rộng (thâm khoát) có thành, bờ chắc chắn, tối kỵ phá khuyết. Tứ độc: Tai, mũi, miệng, mắt là tượng trưng cho thủy. Nếu phá khuyết, nước sẽ tràn gây hoạ. Tai có thành (vành tai), quách (chỗ gồ lên gần vành tai), lỗ tai lớn và sâu, vị trí ở cao trên mắt càng hay, dái tai đầy đặn, tai dầy màu trắng sáng hay hồng nhuận là tai đẹp tướng. Tuy nhiên lúc xem phải phối hợp với mắt. Có hảo nhĩ vô hảo nhãn sẽ kém đi 80%. Qua kinh nghiệm đa số thành công nhân vật thường có tướng mắt cực tốt hơn tai tốt. Mắt, bộ vị quan trọng nhất của nhân thân. Mắt phải sáng trong, lòng trắng, lòng đen phân minh, mắt to con ngươi lớn, đuôi mắt hướng thượng (mắt xếch), ngoạ tầm (thịt nằm dưới mắt đầy đặn), mắt không lộ quang là loại mắt kim bất hoán (vạn lượng vàng không đổi). Mũi (xin xem chương trên). Miệng cần lớn và vuông, đôi môi kín đáo không để lộ răng, góc miệng nên cong lên đừng chảy xuống (chảy xuống là miệng cá). Sách tướng có những câu về miệng như: Thần nhược đồ chu thực lộc nhị thiên thạch (Môi tựa son hồng, bổng lộc nhiều). Nam tử khẩu đại thực tứ phương (Đàn ông miệng lớn ăn cơm thiên hạ đi đâu cũng có ăn). Khẩu trung tự hữu hoàng kim ốc (trong miệng tựa như có nhà vàng). Tứ độc là sông ngòi, ngũ nhạc là núi non. Trán là núi phía Nam tức Nam nhạc. Cằm là núi phía Bắc tức Bắc nhạc. Lưỡng quyền là núi phía Đông, phía Tây tức Đông nhạc và Tây nhạc. Mũi ở giữa là Trung nhạc. Theo lối nhìn bản đồ bây giờ, phía Bắc ở trên, Nam ở dưới, nhưng tướng học thì Nam ở trên, Bắc ở dưới, vì căn cứ vào ngũ hành, Nam phương thuộc hỏa mà mỗi khi hỏa phát đều tụ vào trán (người ốm sờ vào trán nóng nhất). Núi non tất phải cao, hùng vĩ, khí thế. Bộ vĩ nhạc cũng vậy, cần khí thế, có khí thế mới cao sáng lớn chắc kiên cường. Sách “Thạch Thất Thần Dị” viết: Muốn hỏi tiền trình thì xem khí, cục và hình dung. Ngũ nhạc là căn cốt của hình dung. Ngũ nhạc triều quy, kim thế tiền tài tự vượng (Ngũ nhạc đẹp, tiền tài thừa thãi). Tướng nhạc triều quy có nghĩa là cả năm nhạc cao, nở, chầu vào mũi. Thời buổi tao loạn rất hiếm, bởi tình thế xoay chuyển luôn sinh nhiều khuyết hãm cho tướng số nên mới tạo nên cảnh lên voi xuống chó. Còn ngũ nhạc triều quy thì tất cả đã có đều bền bỉ. Xem tướng người làm chính trị nên chú ý Ngũ nhạc. Trước khi đi vào chi tiết ngũ nhạc, ta hãy nói về tam đình. Tam đình là gì? Là danh từ khoa tướng mệnh dùng để phân mặt con người làm ba đoạn: - Từ chân tóc xuống đến Sơn căn (gốc mũi giữa hai mắt) là Thượng đình. - Từ sơn căn đến chuẩn đầu (đầu mũi) là Trung đình. - Từ chuẩn đầu đến địa các (hàm và cằm) là Hạ đình. Trán thuộc Thượng đình. Mũi lưỡng quyền thuộc Trung đình. Cằm thuộc Hạ đình. Thượng đình chỉ thời thiếu niên. Trung đình chỉ thời trung niên và Hạ đình chỉ thời lão niên. Trán tức Nam nhạc ứng vận từ 15 đến 28 tuổi, cần hình thế nở rộng, cốt khí sung thực. Không vết không sẹo, không lấm tấm, không phá hãm, không đen rám lại như trái bưởi bị rám nắng. Có trán như vậy thời thiếu niên sung sướng, con nhà khá giả, học hành đỗ đạt được nhiều người giúp đỡ. Nếu trán hẹp, thiên lệch, thuở thiếu niên truân chuyên. Sách “Ma Y” nói: “Thiên đình cao tủng, thiếu niên phú quý khả tì” (Trán cao rộng hy vọng có phú quý sớm). Xem gia thế con nhà, dòng dõi hay phúc thiện hay chú ý tướng trán. Trung nhạc tức cái mũi là vận tuổi 40 đến 50 tuổi để lập sự nghiệp. Đức Khổng Tử bảo rằng: Bốn mươi, năm mươi tuổi đầu mà chưa tăm tiếng gì, kẻ đó không đáng sợ. (Tứ thập ngũ thập nhi vô căn yên, tư nhân bất túc uý dã hỉ). Từ 40 đến 50 nếm trải mùi đời đã quán đạt, sức khỏe còn mạnh. Nếu quá 50 mà chưa có nền móng chi cả thì sức đâu. Lực bất tòng tâm là một điều khốn khổ trong cõi nhân gian. Bởi vậy cho nên cái mũi mới quan trọng cho vận mệnh người ta. Mũi nở nang hữu lực, cánh mũi đều sơn căn dày. Cộng thêm với lưỡng quyền phối hợp, hai tai ứng hữu tình như ông vua có văn võ quan, quần áo uy nghiêm đứng chầu là tướng mũi hoàn hảo. Nếu lưỡng quyền thấp hãm, hai tai mỏng manh mà mũi cao, mũi lớn đứng một mình gọi là độc tủng cô phong tượng trưng cho sự cô khắc, dù có giàu có mà cô độc khắc cha mẹ, anh em, bạn bè, vợ con thì đời sống làm gì còn hứng thú nữa. Con gái có mũi độc tủng cô phong sát phu, mười lần lấy chồng vẫn hoàn quả phụ. Đông Nhạc Tây nhạc lưỡng quyền quan hệ mật thiết với cái mũi, vận hạn cùng thời với mũi. Tính chất của lưỡng quyền là quyền uy, tự tin và tài năng lãnh tụ. Sách “Vạn Kim Bí Ngữ” nói: “Hình thế lưỡng quyền là phải nổi lên như hai trái trứng gà, hoặc độn má lên như hai khối bạc vuông mới thành cách”. Xương với thịt lưỡng quyền tương xứng, không thiên lệch, nếu to lớn chạy suốt thiên sương (gần thái dương) đó là bậc đại trượng phu trên đời. Các quân nhân cần lưỡng quyền thật tốt mới có thể lên chức tướng được. Tuy nhiên chớ nên quên sự phối hợp của lưỡng quyền với mũi. Bắc nhạc tức là cái cằm thuộc lão niên 55 đến 60 tuổi trở đi, tuổi kết cục của cả một đời. Quá khứ cao sang, giàu có, phú quý, vinh hoa, oanh liệt, hiển hách, mà lúc tuổi già thân bại danh liệt, vợ bỏ, con lìa, ốm đau khổ sở, chết đường chết chợ thì thật là một cảnh bi ai nhất cho kiếp nhân sinh. Cảnh bi ai đó là kết quả của tướng cằm, Bắc nhạc tước bạc, vát cằm nhọn yếu. Tóm tắt lại, ngũ nhạc nên nở nang, cao tủng, đầy khí thế. Trên thực tế khó kiếm ra người tướng ngũ nhạc lý tưởng như sách vở, nếu có chăng thì chỉ đếm bằng đầu ngón tay các vua chúa, các nhà tỉ phú, các trọng thần mà thôi. Ngoài ra, đa số ngũ nhạc ở tình trạng khuyết hãm. Thấy khuyết hãm thì đoán theo khuyết hãm. Giả như Nam nhạc yếu, bốn nhạc kia tốt, tất thời thiếu niên lao đao vất vả, từ trung niên mới khá. Giả như Trung nhạc yếu thì mọi sự nghiệp 45 tuổi về trước nên coi như giấc mộng đêm xuân. Còn Trung nhạc khí tuyệt nơi sơn căn thì dù Bắc nhạc có tốt chăng nữa cũng phải lìa đời... Ngũ quan là tai mắt mũi miệng và lông mày. Đưa lông mày vào bộ vị ngũ quan không rõ là nguồn gốc từ đâu, nó đã gây một thời kỳ tranh luận sôi nổi. Sau cùng, lập luận các sách như: Thông Tiên Kinh, Bạch Vân Từ, Ngọc Quản Chiếu Thần, Nguyệt Ba Động, Đại Thanh Thần Giám, Băng Giám, Ma Y, Liễu Trang, Thuỷ Kính lập thành phe đa số chấp nhận lông mày thuộc ngũ quan. Các sách đều đưa ra một nguyên tắc chung cho ngũ quan bằng câu: “Ngũ quan dục kì minh như chính” (Ngũ quan phải ngay ngắn sáng sủa). Minh là ưu điểm nội tại. Chính là ưu điểm ngoại biểu. Cổ nhân định nghĩa chữ Minh: Minh là một khí thế quang khiết, lãng huy, thanh tân sống động không trầm trệ, nếu chữ minh ấy đem áp dụng vào con người thì minh là biết nhiều, hiểu rộng, khí anh hùng bột bột, quyết đoán và dũng cảm, tượng trưng cho đa năng đa tài. Cổ nhân định nghĩa chữ Chính: Chính là ngay ngắn, thẳng thắn. Minh phải đi với Chính, có cả tài lẫn đức. Có đức mà vô tài là hạng xoàng. Có tài mà vô đức là hạng tồi. Minh để xét năng. Chính để xét đức độ. Thiếu minh, con người hay ngu si làm việc hay đổ vỡ. Thiếu Chính, con người vong ân bội nghĩa khắc bạc quả ân. Phương ngôn có câu voi chéo ngà, đàn bà lác mắt. Ngà chéo, lác mắt là bất chính. Lù rù như chuột chù phải khói là bất minh. Riêng về lông mày (mi) “Thần tướng toàn biên” viết: “Mi là cái lọng che cho mắt, biểu nghi của diện, dùng để phân biệt anh hoa cho tướng mắt và hiền ngu của tinh thần”. Lông mày cần chạy dần đến quá đuôi con mắt (mi trường quá mục), thanh tú mềm mại, bóng bẩy chủ thông tuệ, thô đậm mọc ngược chủ hung hãn, ngoan cố. Lông mày thô đậm áp đảo mắt thì cùng khổ, nếu thêm mắt nhỏ nữa suốt đời lao ngục, tù tội. Lông mày mọc ngược, bất lương. Lông mày giao nhau, bần khổ, khắc anh em. Lông mày lưa thưa, giảo quyệt, nịnh nọt. Lông mày cao, quý tướng. “Thần Tướng Toàn Biên” phân định ra làm nhiều loại lông mày kể dưới đây: - Quỷ mi: Thô và đàn áp mắt, tâm bất thiện, giả nhân, giả nghĩa, ăn cướp, ăn trộm. - Bát tu mi: Đầu thưa, đuôi tán loạn, cô độc. - La hán mi: Nhạt như người cạo để đi tu, cô độc. - Kiếm mi: Hình lưỡi kiếm, giỏi giang, uy quyền. - Long mi: Thanh tú, cong như cánh cung, đại phú quý. - Hoàng bạc mi: Thưa, màu vàng, rất xấu, nghèo khổ, các bộ vị khác có tốt cũng không bền lâu.