Chương 4
NGƯỜI Ý

Tôi vốn rất tò mò về người Ý. Nếu tôi có ba mươi giây để nói thật nhanh những từ hiện ra trong đầu tôi khi có ai đó nói chữ "Người Ý" thì có lẽ tôi sẽ nói thế này: Rome, Venice, Versace, Sicilian, rượu, đồ ướp, say mê, lãng mạn, La Mã, lâu đài, cung điện, hoàng đế, thời trang, du lịch, mì đũa, pizza,, Al Pacino, bố già, opera, maphia. Vì vẫn luôn thắc mắc sao người Ý có thể dung hoà nhiều thứ rất trái ngược nhau trong một dòng máu như vậy, nên tôi rất thú vị khi nhận được email của một chàng người Ý chính gốc, từ Rome sang.
Anh 30 tuổi, là tiến sĩ kinh tế, làm cho một ngân hàng của Ý, sang trường đại học ở gần chỗ tôi ở dậy học 6 tháng, có một cái tên nghe cũng rất Ý là Giuliano, đọc lên nghe réo rắt vui tai, và tôi có thể "google" ra được những bài viết và công trình khoa học của vị tiến sĩ này (nói cho oai thôi chứ tôi đọc chả hiểu gì, tôi vốn không mặn mà với toán xác suất thống kê lắm mà những công trình của anh đều là ứng dụng dựa trên hai loại toán này).
Sau một vài lần trao đổi email, người Ý mời tôi đi ăn tối. Tôi nghe nói đàn ông Ý nổi tiếng hào hoa, nhiệt tình và lãng mạn, thôi thì cũng là một sự thay đổi từ chàng dược sĩ "thịt quay", nên tôi nhận lời.
Giuliano đặt bữa tối ở một nhà hàng Ý, ngay bên bờ biển. Chúng tôi sẽ gặp nhau trước ở một quán cà phê gần đó để nói chuyện và làm quen một chút trước bữa ăn. Tôi cũng thấy khá hồi hộp, vì đây là lần gặp mặt đầu tiên, không biết cảm giác đầu tiên sẽ thế nào. Sẽ là nói dối nếu cho rằng tôi không lo lắng vì đi gặp một người đàn ông lạ chỉ quen trên mạng ( tôi định đi mua cái vũ khí tự bảo vệ xịt hơi hạt tiêu cay ở Wal-Mart trước buổi hẹn). Và thêm vào đó tôi sẽ phải đối mặt với tất cả những gượng gạo, ngượng ngùng của buổi đầu gặp mặt, khiến nhiều lúc tôi chỉ muốn hủy buổi hẹn, ngồi ở nhà ăn bỏng ngô, xem ti vi.
Nhưng rồi tôi cũng vượt qua được nỗi ngại ngùng, mặc kệ điều gì sẽ xảy ra, nhắm mắt mà đi. Mỗi cuộc hẹn hò là một cơ hội, tôi không muốn hai mươi năm nữa phải ngồi ở nhà một mình xem ti vi với một đàn mèo. Mà tôi có thích mèo đâu.
Quán cà phê tên là Phòng khách, nằm ngay trên đầu một con dốc ngắn chảy thẳng xuống bờ biển, nơi có những chú hải cẩu nằm dài lười biếng dưới ánh trăng, sóng thong thả vỗ bờ, trong tiếng biển đêm ì ầm. Quán mang phong cách châu Âu, một phần vì nhạc rất trẻ, rất sôi nổi nhưng không quá mạnh, phần vì đồ uống là các loại cà phê, chè ( tôi ngạc nhiên thấy trong danh sách có cả chè đá Việt Nam), và rất nhiều loại bánh vanila, chocolate, cheesecake, cắt thành những khúc nhỏ, ăn vừa đủ với một cốc chè hay cà phê, trông rất ngon, nhìn cũng đã thấy thèm. Quán lúc nào cũng đông nghịt người, phần lớn trẻ tuổi khoảng trên dưới hai mươi, rất nhiều sinh viên ngồi đây học, chủ yếu là người châu Âu da trắng, tóc vàng, mắt xanh, ăn mặc trông rất lịch sự, vui mắt.
Người Ý đã đến trước và ngồi chờ tôi ở chiếc bàn gỗ góc xa nhất. Tôi nhận ra ngay vì trông giống trong ảnh. Chàng cao khoảng 1.85m, khung khá cân đối, dáng người không hẳn là gầy nhưng hơi xương xương, mặc quần jean, áo sơ mi, trông gọn gàng, lịch sự. Khuôn mặt hơi vuông, đeo kính, ánh mắt sau làn kính khá sắc sảo, thông minh, trông già hơn một chút so với tuổi 30 ( nếu tuổi khai là thật).
Chúng tôi chào nhau và anh đứng dậy, làm động tác hôn vào hai bên má, đây là cách gặp gỡ của người châu Âu. Hồi đi học tôi đã được mấy bạn châu Âu bảo cho phong tục này nên cũng không lấy làm lạ. Cùng ngồi xuống bàn, tôi uống chocolate nóng, anh uống cà phê.
Người Ý và tôi bắt đầu câu chuyện làm quen khá nhẹ nhàng, chủ yếu hỏi về công việc, sở thích, quê hương. Anh nói tiếng Anh nặng giọng Ý, có lẽ vì mới sang. Tôi phải rất chú ý mới nghe được, nhưng kể ra giọng cũng khá thú vị. Tôi đỡ dần cảm giác căng thẳng bối rối ban đầu. Tôi chắc là Giuliano cũng vậy. Sau khoảng 30 phút làm quen, chúng tôi chuyển từ quán cà phê ra tiệm ăn.
Đây là tiệm ăn Ý nhỏ nằm trên một con phố nhỏ, ngắn và tối dẫn thẳng ra biển. Khi bước vào, cảm giác đầu tiên của tôi khi nhìn thấy những chiếc khăn trải bàn kẻ carô đỏ trên những bàn ăn nhỏ là đây là tiệm ăn trang trí theo kiểu bình dân Ý, với "ông chủ và bà chủ” làm chủ tiệm và nấu đồ ăn mang tính chất gia đình. Tiệm chơi nhạc Ý, âm thanh rất khoẻ, khi trầm khi bổng làm tôi nhớ tới giọng opera. Trên các bức tường là chân dung của những ca sĩ Ý nổi tiếng Những người làm trong tiệm đều là người Ý. Họ đều cao lớn, khuôn mặt dài và to, giọng nặng. Tôi nghe thấy họ nói tiếng Ý với anh ta khi chào đón chúng tôi vào tiệm.
Giuliano bắt đầu giải thích cho tôi những món ăn Ý trong thực đơn như Scarpariello, chicken marsala, Beef Carpaccio, Baked Ziti, Zuppa Toscana,Creme Brulee, Nonna's Spaghetti And Meatball Sauce, Fried Calamari. (Những món ăn này tôi đọc trẹo cả lưỡi, hình như món nào cũng kết thúc với âm "a" "o" hay "i". Vốn liếng của tôi chỉ có ba từ "spaghetti", "pizza" và "pasta" là hết). Anh bảo đồ ăn Ý quan trọng nhất là nước xốt và bắt đầu giải thích từng loại nước xốt trong thực đơn. Tôi cười rất tươi, gật gật, nhìn vào mắt anh nhưng thực ra chỉ nghe câu được câu chăng vì vẫn chưa quen giọng, đã thế anh lại đá rất nhiều tên món ăn tiếng Ý vào khi nói nên tôi chịu hẳn. Giá kể lúc khác thì tôi cũng hỏi lại cho hiểu rõ hơn vì tôi rất thích tìm hiểu về các món ăn nhưng thực sự tâm trạng tôi vẫn còn cố gắng thích nghi với cuộc chuyện trò với một người tôi chưa từng gặp trong đời trong khung cảnh thân mật, nên chả còn tâm trí đâu tìm hiểu thêm.
- Vậy em chọn món gì?
- Em chọn món nào mà anh chọn.
(Tôi kết luận là nên gọi giống anh cho chắc là được món ngon).
Món "mì ống" nấu với gà mà chúng tôi gọi ăn cũng khá mềm, sợi mì như tan trong miệng, ngon hơn hẳn loại mì vẫn bán ở chợ, có lẽ làm ngay tại nhà hàng, chứa một vị thơm thoang thoảng, cảm giác như là một chút rượu. Anh uống rượu đỏ, còn tôi uống nước lọc, chúng tôi cụng ly, xem chừng sống sót buổi gặp mặt đầu tiên.
Sau bữa ăn tối, Giuliano rủ tôi đi bộ ra bờ biển. Chúng tôi bước cùng nhau trên đoạn phố nhỏ không đèn chỉ có ánh trăng rọi qua hai hàng cây cọ cao và thẳng tắp hai bên đường. Bước im lặng bên anh trên con đường chỉ có ánh trăng và tiếng biển ầm ì từ xa xa vọng lại, tôi thấy lòng dần yên tĩnh lại, những lo lắng của buổi gặp mặt đầu tiên bớt dần đi. Đi dần ra tới biển, gió khuya thổi làm tôi hơi run người vì lành lạnh, người Ý khoác lấy vai tôi. Chúng tôi cứ đứng như thế nhìn ra biển đêm mênh mông nơi những con sóng bạc ánh trăng mải miết rong ruổi và hát ca. Tôi cũng có cảm giác lãng mạn nếu đôi giầy cao gót chết tiệt không làm chân đau kinh khủng vì phải đi bộ một quãng đường. Đó là một đôi giày kiểu cách màu đen trang điểm bởi những vòng bạc lấp lánh, gót cao và nhọn làm chân tôi dốc xuống. Giầy này chỉ để bước từ trên ô tô xuống tiệm ăn rồi bước lên ô tô, chứ không thể dùng để đi bộ bên bờ biển. Anh chắc vẫn còn muốn đứng đó lâu hơn nữa nhưng tôi muốn quay về vì đêm đã rất khuya và tôi rất lạnh ( thực ra là đau chân nữa).
Chúng tôi chia tay và cảm ơn nhau ở trước cửa tiệm ăn, anh đề nghị đi bộ cùng tôi ra xe nhưng tôi từ chối. Đoạn đường rất ngắn, phố đêm thứ bẩy vẫn rất đông người, nên tôi thấy có thể đi một mình được.
Vừa về tới nhà, mở máy tính lên, tôi đã nhận ngay được email của người Ý, cảm ơn về buổi tối và hi vọng rằng chúng tôi sẽ gặp lại.
Lần này, tôi hẹn anh ở một cửa hàng sách gần nhà. Tôi thấy không khí cửa hàng sách cũng thật dễ chịu. Chúng tôi ngồi ở góc cà phê Starbuck của tiệm sách nơi mùi cà phê nóng và thơm thoang thoảng, xung quanh là tiếng rì rầm nho nhỏ của những người trò chuyện mà không muốn làm ảnh hưởng đến người đọc sách. Cửa hàng rộng, rất đông người nhưng rất yên tĩnh, sách được xếp theo từng chủ đề như đương đại, cổ điển, khoa học, thể thao, du lịch, nấu ăn, thương mại, máy tính, tiểu thuyết lãng mạn trên từng dãy giá gỗ, ánh đèn ấm áp vừa đủ sáng trong tiếng nhạc chơi tươi tắn, êm đềm, người đi lại mải mê ngó các giá sách, hoặc ngồi bệt xuống đất mải mê đọc. Trong lòng tôi cửa hàng sách luôn là một nơi kì thú, mở ra một thế giới tưởng tượng vô tận, một nơi mà tôi bao giờ cũng thấy hạnh phúc khi tới thăm. Vì vậy, dù cửa hàng sách không phải của riêng mình nhưng lòng vẫn rất hào hứng giới thiệu với bạn bè, như muốn khoe một địa điểm đáng yêu mà mình biết, và muốn họ cũng thấy sự tuyệt vời của nó.
Không hiểu người Ý đã chờ bao lâu, nhưng khi tôi bước vào cửa hiệu sách đã thấy anh ngồi đó với một cuốn sách trên tay. Thấy tôi, anh vội đứng dậy:
- Chào em.
- Anh tới lâu chưa?
- Anh cũng mới tới thôi. Anh có cuốn sách này tặng em.
- Ồ, cám ơn anh. Nhưng em không có gì tặng anh cả.
- A, không cần đâu. Đừng suy nghĩ về điều đó.
Đó là cuốn “Người giả kim” của tác giả Brazil Paulo Coelo. Lúc đó, tôi không hề biết rằng đó là một cuốn sách nổi tiếng trên thế giới. Tôi rất ngạc nhiên vì hành động bất ngờ này bởi đây mới là lần hẹn thứ hai, và tôi không trông đợi bất cứ điều gì từ anh, nhưng rồi cũng không suy nghĩ gì thêm. Sau này nhớ lại, tôi mới hiểu Guliano có lẽ suy nghĩ nhiều trước khi làm việc đó. Có lẽ vì tôi hẹn anh ở cửa hàng sách, nên anh đoán là tôi thích sách, nên mua một cuốn sách nổi tiếng tặng, mong rằng tôi sẽ vui lòng, mong sẽ chiếm được cảm tình của tôi. Quả là người Ý lịch sự, khéo léo, muốn chiều chuộng phụ nữ. Tiếc rằng, lúc đó tôi không hiểu ra khía cạnh tế nhị đó.
Người Ý hôm nay đeo kính, đôi mắt ánh lên sắc sảo dưới ánh đèn. Anh mặc quần jean và một chiếc áo sơ mi màu đen trông có vẻ khá kiểu cách, có lẽ là của một hiệu nổi tiếng. Thấy tôi lướt mắt qua chiếc áo sơ mi, anh giải thích:
- Đây là áo hiệu Daniel Ellissa của Ý.
Tôi cũng hơi ngạc nhiên vì lần đầu tiên gặp một người con trai nhớ kỹ hiệu áo sơ mi mà anh mặc, lại còn rất thoải mái bàn luận về điều đó.
- Vậy hả, em chưa nghe tên hiệu này bao giờ.
- Ừ, nó nói chung nổi tiếng hơn ở trong nước Ý. Anh đi tìm mua áo sơ mi ở đây mà ít thấy những hiệu vừa ý.
- Anh đã đến siêu thị lớn nhất chưa? Em chắc họ có nhiều hàng hơn. Vả lại, bây giờ cái gì cũng có thể mua trên mạng.
- Chưa, anh chưa có dịp đi đâu nhiều. Hay hôm nào em đi cùng anh được không?
- Ồ, được thôi. À, mà em rất tò mò về nước Ý. Cuộc sống ở đó thế nào? Công việc của anh ở đó ra sao?
- Nước Ý ấy à, rất nhiều chính sách xã hội mà anh không đồng ý. Bây giờ các chính sách của châu Âu cũng gây nhiều bất mãn trong dân chúng. Anh làm cho phòng nghiên cứu ở một ngân hàng chủ chốt của Ý.
- Ồ, em không biết rằng ngân hàng cũng cần nhà kinh tế.
- Họ có một phòng như vậy để trông cho oai vậy thôi, chứ thực ra thì cũng không làm gì mấy.
- Vậy anh qua đây vì công việc gì?
- Anh qua dậy học một năm. Anh muốn ở lại giảng dậy lâu hơn nhưng có lẽ cũng không dễ.
- Vậy anh càng nên tranh thủ đi chơi, một năm qua nhanh lắm. Cuối tuần này công ty em tổ chức tiệc cuối năm. Nếu anh thích thì đi cùng em.
- Ồ, vậy thì tuyệt quá. Nhất định anh sẽ đi.
Bữa tiệc diễn ra ở một phòng dạ hội nhỏ ở khách sạn ngay gần chỗ người Ý ở. Các bàn ăn được trang trí rất lịch sự, khăn trải bàn màu trắng với bình hoa hồng, khăn ăn màu lòng tôm được gập rất kỳ công thành hình hoa để trên bàn khăn trắng. ( tôi phải hì hục mãi mới mở ra được khi ăn và khi tìm cách gấp lại đúng hình như thế thì mãi không gập được). Phòng dạ hội đèn hơi tối, những người dự tiệc đều mặc váy dạ hội rất đẹp hơặc áo comple. Tôi dặn anh nếu muốn có thể mặc áo sơ mi, không cần phải comple nhưng đừng mặc quần jean mà mặc quần Âu.
Giuliano tới hơi muộn, mặc quần jean và áo sơ mi. Anh giải thích rất dài về vấn đề chiếc áo sơ mi, hình như không bằng lòng với chiếc áo hay chuyện gì đại loại như vậy mà tôi cũng không nghe rõ. Tôi chỉ có một thắc mắc: “ Sao anh chàng này lại bị ám ảnh về vấn đề áo sơ mi thế nhỉ?”.
Tôi vốn rất thích tiệc tùng vì cứ nhạc lên là chân muốn nhảy. Khi lướt trong tiếng nhạc, tôi thấy lòng thật vui sướng hạnh phúc, tâm hồn bay bổng, mắt bừng sáng lấp lánh, miệng cười không dừng lại được, và trái tim ngập tràn tình yêu cả thế giới. Tiếng nhạc đi vào hồn, đánh thức dậy những niềm ước sâu thẳm vừa say mê mãnh liệt vừa âu yếm dịu dàng. Trong điệu nhạc, tôi là một con người khác, là con chim tải cúc hay hót, là ánh bình minh trong vắt, là tiếng suối róc rách hát ca, là một người hạnh phúc nhất trên thế giới.
Tay trong tay tôi và Giuliano lướt trên sàn nhảy. Bây giờ, tôi mới nhận ra là anh có lẽ cao hơn tôi tưởng, vì anh gần như có thể cúi xuống đỉnh đầu và hôn lên tóc tôi. Ôm người Ý trong điệu nhạc chậm, tôi ngước lên nhìn anh cười vui vẻ, mắt lấp lánh, tôi là một cô gái hay cười. Đó là một giây phút dễ chịu, bình yên, chỉ có tiếng nhạc êm đềm chảy chậm rãi, trễ nải trong không gian và trong hồn tôi mơ màng.
Bên người Ý, tôi thanh thản, vui vẻ nhưng cũng hiểu rằng trái tim mình sẽ không thuộc về anh. Cả hai chúng tôi tình cờ gặp nhau khi đang vội vã đi trong dòng đời đan chéo và bất tận, tận hưởng cái giây phút êm đềm này, nhưng chỉ là giây phút này thôi, không quá khứ, không tương lai.
Anh đề nghị tôi đưa về vì uống nhiều rượu, không muốn lái xe. Chúng tôi im lặng trên xe trong quãng đường tối. Tôi không muốn nói, hình như đỉnh điểm của cảm giác tôi dành cho anh là trong điệu nhảy ở bữa tiệc và ngay sau khi tiệc tàn, mọi thứ đang xuống dốc và môt sự chán nản mà tôi luôn biết sẽ đến bắt đầu tỏa dần. Anh có lẽ không hiểu sự thay đổi nội tâm tôi nên cố gắng bắt chuyện:
- Ngày mai, em tới giúp anh đi lấy xe ở khách sạn về được không? Dự báo thời tiết là trời sẽ mưa nên anh không muốn đi bộ.
- Có thể em sẽ đến.
Thực lòng, tôi không muốn đến và cảm thấy hơi bất mãn vì thái độ của anh hình như có gì hỏi. Và bởi vì, có lẽ ngay từ đầu, tôi không có một cảm giác nào khác dành cho anh ngoài sự tò mò. Tôi đã gặp, đã đi chơi, đã khám phá, đã thỏa mãn tò mò, và bây giờ, chỉ muốn bỏ đi.
Xe rẽ vào khu phố nơi anh ở. Trời tối, đèn mờ, màu vàng, không đủ soi đường Tôi chào tạm biệt và chờ anh mở cửa xe bước ra. Anh ngần ngừ cứ muốn ngồi lại trong xe. Rồi người Ý quay sang tôi, bất ngờ ôm lấy đầu tôi và hôn lên môi tôi. Môi của anh mềm, vẫn còn mùi rượu. Hình như là anh loáng choáng say. Tôi đẩy anh ra:
- Em muốn hiểu hơn về anh trước khi đi xa hơn.
- Em còn gì muốn biết về anh nữa.
Anh vùng vằng, có vẻ hơi gắt gỏng, không hài lòng, khiến tôi càng muốn bỏ đi. Tôi lạnh nhạt bảo:
- Chúc anh ngủ ngon.
Anh ra khỏi xe, đóng rầm cửa lại. Tôi bỗng nhận ra rằng đây sẽ là lần cuối cùng tôi gặp người Ý.
Giuliano email cho tôi ngày hôm sau, mời đi xem phim. Tôi không trả lời email đó. Mấy ngày sau tôi lại nhận được một email nữa, trong đó nói nếu anh đã làm gì xúc phạm tôi thì cho được xin lỗi. Tôi cũng không trả lời email này. Nhiều khi im lặng cũng là một câu trả lời.
Thực ra tôi không cảm thấy anh xúc phạm tôi vì nụ hôn đó ( Có lẽ nếu anh không tìm cách hôn sau một buổi tối vui vẻ như vậy thì có lẽ tôi lại bực mình vì nghĩ là anh không cho rằng tôi hấp dẫn). Tôi chắc người Ý không có ý xúc phạm, có thể chỉ là một chút vội vàng, một chút lợi dụng, một chút cô đơn, một chút tranh thủ, một chút hấp dẫn. Vả lại, anh từ một đất nước khác mới đến đây, việc ra mắt ở công ty tôi chắc cũng là một sự cố gắng rồi. Tôi chắc là trong lòng anh cũng có bối rối, ngượng ngập khi phải tới một nơi xa lạ với một người con gái mới quen, chỉ là không để lộ ra...
Chỉ có điều, lắng nghe lòng mình, tôi không nhìn thấy tương lai của tôi với anh. Và tôi chưa bao giờ muốn hôn người Ý.
Tôi nghĩ một ngày nào đó, anh sẽ làm một người con gái nào đó hạnh phúc. Nhưng chắc chắn,người con gái đó không phải là tôi.
Tôi trở lại với những bức thư chưa mở. Bức thư nào sẽ chứa đựng tương lai và dẫn tôi tới thiên đường?