Chiếc lá rơi xuống dưới chân Vy. Thoại nhặt lên rồi lẩm nhẩm đọc. Vy hỏi:- Cái gì đó? Thông điệp của trời hở anh?- Ừ. Anh sẽ là lãnh tụ… Vy ạ.Anh sẽ là lãnh tụ! Vy như chìm đắm trong một thứ hào quang chói lọi. Vy dụi mắt. Vy vẫn không ngủ, mắt mở trao tráo nhìn trần nhà. Nhưng vẫn thấy Thoại ở đó, tay cầm chiếc lá. Quả vậy, giấc mơ không cần đợi khi ngủ. Vy thấy rõ ràng Thoại và Vy sát vai bên nhau. Thoại tài giỏi, Thoại sinh động, Thoại dào dạt nhiệt huyết - Vy sẽ không mất Thoại. Vy không là đứa oắt con. Thoại đang nói thế. Anh là con cá kìm có cái mỏ rất nhọn đi cắn người ta. Hay quá! Anh không giống anh Đặng, cũng không giống anh Trọng bạn chị Loan, mặt mày nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao cứng ngắc như bị đóng hộp. Vy phải đi theo con cá kìm. Con ốc phải thoát khỏi cái vỏ - dù là cái vỏ lóng lánh. Thật là lý luận của trẻ con. Thoại đang nói như thế. Vy cười sung sướng. Có Thoại là có tất cả. Vy đã thú nhận là Vy yêu quý Thoại hơn yêu mẹ của Vy rồi. Mắt Vy mở lớn. Vy thấy Thoại cúi xuống cầm mấy sợi tóc của Vy lên rồi hôn.Vy ngồi bật dậy. Chiếc đồng hồ vô dụng cứ kêu “tích tắc tích tắc” như sáng nay nó đã kêu như vậy. Hơn hai giờ rồi! Vẫn chưa nghe gì hết. Vy nằm trên giường chờ đợi một tiếng chuông reo, hay tiếng xe của anh Vĩnh trở về. Căn nhà yên lặng thản nhiên. Vy cồn cào với nỗi ám ảnh kỳ lạ, nửa ray rứt nửa chơi vơi.Giờ này Thoại làm gì? Một giấc ngủ trưa đã xong, và tiếp tục những bài viết nào đó? Đang đứng ở một phòng điện thoại công cộng, sắp gọi cho Vy? Hay đang ở cạnh Vân Cơ? Ý nghĩ đó làm Vy nghe nhói trong tim. Vân Cơ! Vân Cơ! Người ta đang tự do làm những công việc người ta đeo đuổi!...Tiếng nói của ai thật trong trẻo vọng lên từ dưới sân. Vy xỏ chân vào dép bước ra nhìn xuống cửa sổ. Chị bếp đang đóng cổng. Trong sân, đã có chị Loan và anh Trọng. Hai người chở nhau bằng chiếc Honda màu xanh. Chị bếp nói gì đó với Loan rồi đi vào nhà. Hai người vẫn đứng với nhau bên chiếc Honda. Qua tàn cây Ngọc Lan, hình ảnh đó trông rất thơ mộng. Vy chống tay lên cửa, chăm chú nhìn. Loan nói thì thầm với Trọng rồi hai người cười rúc rích với nhau. Loan mặc một chiếc áo rực rỡ, bên cạnh Trọng cũng diện thật kẻng. Nhìn kỹ, anh chàng dường như mới đi sấy tóc gội đầu. Vy mỉm cười. Lại một kẻ “đóng hộp” thật tội nghiệp! Vy thấy chị Loan đưa tay sửa lại chiếc cà-vạt cho Trọng, dáng điệu tự nhiên như đã là vợ chồng của nhau rồi. Sau đó hai người lại cười thích thú. Vy không dằn được, bực bội kêu to:- Chị Loan!Loan ngơ ngác nhìn quanh. Trọng đã thấy Vy, anh ta bẽn lẽn, đành phải lên tiếng:- A! Bé Vy! Xuống đây!- Xuống thì xuống chứ!Rồi Vy chạy xuống lầu. Loan và Trọng đã vào phòng khách. Hai người cùng ngồi xuống một chiếc ghế dài. Trọng như còn luyến tiếc giây phút thơ mộng vừa qua, mặt gượng vui trông thật tội nghiệp. Vy chào:- Anh Trọng mới đến ạ.Trọng đưa ra một gói kẹo, nói:- Ừ! Quà của bé Vy đây! Thích không?Vy đón gói kẹo, cười thầm. Loan hỏi:- Chiều chủ nhật mà không đi chơi hở Vy?- Nhà đi hết rồi, em ở nhà.Trọng cười lấy lòng:- Anh biết rồi, chắc là đang gạo bài phải không?Vy lắc đầu đứng im. Loan trề môi:- Còn lâu mới gạo bài. Anh cứ tưởng bở mấy cô bé bây giờ ngoan ngoãn lắm hở?- Nói vậy sao được Loan? Ai chứ bé Vy thì nổi tiếng là chăm.Loan nhìn Vy cười hóm hỉnh. Ý chừng Loan đang nghĩ rằng cô em gái út của mình chắc rồi cũng có những phút giây mơ mộng, đăm chiêu như mình, ngồi trước sách vở nhưng hồn thả đi đâu… Trước tia mắt đó, Vy cảm thấy nhột nhạt. Vy nói lảng:- Em đang nghỉ trưa, nghe có tiếng cười khúc khích phải dậy. Hóa ra là anh với chị.Trọng đỏ mặt, hai bàn tay trống trơn vì đã lỡ đưa gói kẹo cho Vy rồi, không biết để vào đâu nên đành móc thuốc lá ra. Nhưng lại không có hộp quẹt. Trọng nhìn quanh. Sự ngượng ngập của anh ta càng lộ rõ. Loan vội nói:- Vy cho chị mượn cái hộp quẹt.Trọng bảo:- Thôi, thôi, để anh đi mua. Hai chị em ở đây nhé!Chưa đợi ai phản ứng, Trọng ra lấy xe đi thẳng.Loan quay lại, nhìn Vy trách móc:- Vy chọc quê người ta hoài. Anh ấy mà đi về luôn, chị giận Vy cho coi.Vy chỉ bao thuốc lá trên bàn:- Chị đừng lo, anh ấy về luôn sao được!Loan thở dài, cúi xuống lấy một tờ tạp chí:- Hôm nay mẹ lên chơi hở Vy?- Dạ.- Sao giờ này chưa thấy đến?- Em đoán anh Vĩnh chở mẹ đi đâu, không chừng đi thăm bác Lê. Còn chị?Loan ngạc nhiên:- Chị… sao?- Chị ghé đây có tin gì lạ không?Loan cười:- Về việc gì? Chị với anh Trọng hở?Vy lắc đầu:- Không. Em muốn hỏi là chuyện học của chị.- À, chuyện học. Chị mới thi hai môn thực tập. Chắc cũng đậu. Nhờ có… anh Trọng kèm đấy Vy.Vy bật cười. Vy nghĩ đến cảnh Trọng ngày ngày lấp ló trước cư xá nữ sinh viên, hỏi thăm hết người này đến người khác để được gặp Loan, để được “kèm” Loan học. Vy nghĩ đến biệt hiệu “văn sĩ của tình yêu” mà chị Loan mơ ước từ ngày mới lớn. Loan tưởng tượng ra cảnh Loan và Trọng, như nhiều người trẻ tuổi khác, dệt mộng mơ hàng ngày, hàng tuần trên đường Duy Tân, trên đường Trần Quý Cáp, trên những ghế đá của sân trường. Nhàm chán! Vy nghĩ như vậy. Lại gương mặt của Thoại hiện ra thật rõ trên mặt kính của chiếc bàn thấp. Ngày mai này Thoại sẽ lên đường. Thoại sẽ đi trên những con đường lớn. Thoại sẽ ra sông. Hay Thoại sẽ ra biển khơi mịt mùng. Tại sao Vy lại không thể theo Thoại? Vy có quyền chứ! Ý thích của Vy cũng chính là ý thích của Thoại. Vy không thể xa rời Thoại được.Vy nhớm người nhìn lên đầu tủ trà. Chiếc máy điện thoại vẫn vô tình im lặng. Thời gian đang qua bằng những bước nặng nề nhưng nhanh lắm Thoại biết không?- Vy! Nghĩ gì vậy?- Dạ?- Nói cho chị nghe, Vy nghĩ gì về anh Trọng.Lại anh Trọng. Giống như anh Đặng cứ hỏi Vy nghĩ gì về chị Thoa. Vy muốn trả lời rằng họ giống như nhau, từ hình vóc đến tư tưởng, không có gì đặc sắc để cho Vy quan tâm. Ai cũng được cha mẹ nuôi nấng, cưng chiều từ thuở nhỏ, học hành thi đâu đậu đấy, người giáo sư, người thương gia… ai cũng vui vẻ và hãnh diện với những chiếc khăn quàng có mang nhãn hiệu mà xã hội đã tròng vào cổ họ.Thấy Vy không đáp, Loan ngạc nhiên:- Kìa Vy, bộ Vy ghét anh Trọng hở?- Đâu có. Anh Trọng vui tính, đẹp người chứ!- Vy có thích anh ấy không?- Ơ… có.Loan dễ tin. Loan không nhìn nét mặt Vy, nên tưởng cô em út ngây thơ và thành thật. Loan hát nho nhỏ một bản nhạc vui. Chiếc đồng hồ lớn trên tường gõ tích tắc như hòa nhịp cho Loan. Vy nóng bừng cả ruột. Vy nhìn mãi chiếc điện thoại. Tiếng chuông! Vy hồi hộp đợi nó nhưng không mong có nó. Vy muốn trở lên lầu để nằm, để nhắm mắt lại, đừng suy nghĩ, và quên hết những căng thẳng hôm nay.Loan không còn chuyện gì để nói. Chừng như Loan chỉ có hứng thú khi trò chuyện với Trọng. Còn tâm sự, Loan đã có những cô bạn gái ở cùng đại học xá với Loan. Còn Vy, đối với Loan, chỉ là một đứa bé không hơn không kém. Loan nghĩ Vy chưa đủ trí khôn để nghe những chuyện của Loan. Loan thích sống với bạn bè hơn là sống với gia đình. Loan có đủ lý do để sống với bạn bè. Vì Loan đã lên đại học. Vì Loan xin ở trong đại học xá trước khi Vĩnh và Đặng mua nhà. Vì Loan cần có bạn để học chung, chương trình học khó khăn… Chị em ruột, nhưng Loan xa lạ với Vy hơn cả người chị dâu.Loan dán mắt vào tờ tạp chí, nhưng quả thật Loan rất mong Trọng trở lại. Loan nói nhỏ:- Cái anh này kỳ, đi đâu lâu dữ!Vy hỏi:- Chị với anh Trọng định đi đâu hở?- Ừ. Có phim hay lắm. Anh Trọng bảo chị là rủ Vy đi luôn.Vy trố mắt:- Em?- Ừ. Đi không? Phim nói về tình yêu. Bạn chị xem rồi. Nó nói phim hay tuyệt.Vy lắc đầu:- Em không đi đâu.- Sao vậy?Vy nhìn đăm đăm ra cửa:- Em không thích xi-nê.Loan tủm tỉm cười:- Xạo nhé! Hồi nhỏ cứ nằng nặc mỗi tuần đòi đi coi cho được một phim. Nhớ không, bữa có phim “Vì hiếu phiêu lưu”, nghe Thiều xúi đi coi, chị với Vy cứ “nẹo” mẹ cả buổi đó!Chị Loan nhắc lại một cách vô tình. Nhưng kỷ niệm như một làn gió mát lạnh khiến Vy xao xuyến. Vy nói như reo:- Phim “Vì hiếu phiêu lưu”, có nhỏ tài tử tóc vàng bằng tuổi em đóng phải không? Nhớ rồi! Nó với em nó đi tìm cha, phải đi qua sa mạc.- Đi với chú của nó nữa chứ.- Đúng rồi! Bãi sa mạc thật kỳ lạ. Có mỗi một cây cổ thụ to. Đêm hôm ấy nước ở đâu dâng lên làm lụt bãi sa mạc phải không?Loan cười ngặt nghẽo:- Người ta làm phim xạo quá, vậy mà tụi mình cũng tin. Sa mạc mà có lụt, ông đạo diễn tài thật!Vy nói như kể lại:- Ba chú cháu phải leo lên cây cổ thụ mà ngủ. Sáng hôm sau thức dậy thấy có một con beo cũng sợ nước lụt trèo lên cây…Loan ôm bụng cười chảy nước mắt:- Ha ha! Sa mạc mà có beo! Chị biết rồi, đó là một khu rừng, hay là ngọn đồi trọc gì đó.Vy say sưa nhớ lại khúc phim, nói:- Rừng hay đồi cũng được. Em nhớ lúc đó nhỏ tóc vàng sợ lắm, rồi… rồi làm sao chúng nó đi khỏi nơi ấy được nhỉ?Loan nhíu mày:- Quên mất rồi.- Sau đó họ đi qua vùng núi lửa phải không? Nhằm lúc núi lửa đang phun, đá nóng chảy tràn xuống làng mạc, ghê quá!- Ừ, hồi đó tụi mình nhát gan ghê là! Coi đến đó chị nhắm mắt lại.- Em nhớ nhất là đoạn họ đi lên núi tuyết. Có một tảng băng vỡ ra, biến thành chiếc xe chở họ chạy xuống chân núi.- Phim có ráp với những đoạn hoạt họa đó, Vy đừng có tin.- Dĩ nhiên là lớn lên em thấy ông đạo diễn xạo con nít. Nhưng sao vẫn thích, chị Loan à.Loan dí ngón tay vào trán Vy, cười:- Đấy! Vy vẫn thích xi-nê, thấy chưa?- Không, em thích tụi mình nhỏ lại, đi xi-nê với nhau mới thú.- Lớn rồi đi xi-nê vẫn thú chứ!Vy lắc đầu:- Em thích đi xi-nê với chị, hay với anh Thiều, như hồi còn bé. Em không thích đi mà có anh chàng Trọng lè kè một bên. Với lại… lớn rồi, đi xi-nê mất công ăn diện.- Thì đã đành vậy! Lớn có cái vui của người lớn.Vy không nghe rõ chị Loan nói gì. Dường như ngày xưa thơ ấu trở lại làm Vy chìm ngập trong đó. Vy kể lể:- Dạo đó anh Thiều mới tập xe đạp, dành chở chị ra bến đò, rồi về chở em ra sau. Hai chị em qua phà, rồi đi xe buýt tới rạp xi-nê. Hình như hôm ấy tụi mình mê ăn me ngào, nên bận về phải đi bộ, để tiền còn lại qua phà. Báo hại mẹ ngóng mỏi cả mắt vì tưởng hai chị em đi lạc.Loan thở dài:- Hồi ấy mỗi lần xin đi xi-nê khổ cực ghê Vy hở! Xin cả ngày mẹ mới lòi cho một trăm.- Tại mẹ nghèo.Hai chị em yên lặng. Câu chuyện cũ làm hai người cảm thấy gần gũi nhau. Vy len lén nhìn Loan. Dường như Loan cũng đang đăm chiêu suy nghĩ điều gì đó. Vy bồi hồi. Chị Loan chưa có chồng nhưng xem như đã tách khỏi gia đình rồi. Mộng ước của Loan là mai mốt ra trường, mở một nhà thuốc tây, lấy một ông chồng giàu, có học; và cũng mơ trở thành “văn sĩ của tình yêu”. Chừng đó, chắc hết mong chị nhớ lại những mẩu chuyện nhỏ nhoi vụn vặt thuở còn ở nhà mẹ. Kỷ niệm sẽ chỉ còn như một vệt chỉ thêu vụng về mờ nhạt trên tấm thảm vàng son của chị mà thôi.Vy nghĩ đến chị Hà. Chị Hà thua anh Đặng ba tuổi. Xem như chị là con gái lớn nhất nhà. Thuở mẹ làm thợ nhuộm, chị Hà đi may thuê. Anh Vĩnh, anh Đặng miệt mài học. Loan, Thiều và Vy cũng học, và nẹo quà bánh cả ngày. Trăm sự túng khổ dồn hết cho chị Hà. Chỉ có chị chia xẻ với mẹ. Chị toan bỏ học, nhưng anh Vĩnh không cho. Mỗi tối anh Vĩnh kèm cho chị học. Hai mươi tuổi chị mới có bằng Tú tài bán phần. Bây giờ trở thành cô giáo làng, chị Hà cũng như một cái bóng xa lắc.- Vy nè!- Gì chị?- Đi với chị không?Vy lắc đầu:- Chị chờ anh Trọng về rồi đi. Em không đi đâu.- Không thích phim tình yêu hở?Vy nhận đại:- Không thích. Chừng nào có chiếu lại phim của nhỏ tóc vàng em sẽ coi.- Halley Mills nó cũng đã lớn, cũng đóng phim tình yêu.- Kệ. Cho nó già, chết luôn đi.Loan cười:- Vy không đi, chị đi một mình với anh Trọng, mẹ hay anh Vĩnh rầy làm sao?Vy nhỏm dậy:- Đó! Chị biết có mẹ sắp lên, mà chị không đợi gặp mẹ nói chuyện sao?- Thì tối chị về đây, tâm sự với mẹ trắng đêm.- Thôi, em ở nhà chờ mẹ.Vy nhủ thầm: chỉ là một cái cớ. Cũng như chị Loan rủ Vy đi, chỉ là một cái cớ. Vy thật sự không mong có mẹ bây giờ. Vy chỉ chờ đợi tiếng chuông của Thoại. Nghe Thoại nói, rồi nói cho Thoại nghe một quyết định. Vy trở lại tâm trạng cồn cào, hồi hộp. Vy sẽ quyết định gì? Bằng lòng lên đường với nhóm của Thoại một cách dễ dàng? Hay cho Thoại biết rằng Vy sẽ ở lại nối tiếp cuộc sống buồn tẻ của mình ở đây? Không, Vy không muốn đứng trước một ngả ba. Vy chưa dám quyết định gì. Vy không biết gì hết. Trí óc đã trắng dầy như tuyết.Vy đứng dậy. Tại sao chuông điện thoại không reo? Thoại không cần đến quyết định của Vy nữa sao? Thoại không màng đến sự có mặt của Vy trong chuyến lên đường của anh? Vy bước đến gần tủ trà, tức tối cầm ống nghe điện thoại lên. Chợt Vy mở tròn đôi mắt ngạc nhiên. Rồi hai màng nước lấp kín mắt Vy. Vy muốn kêu lên để lộ sự giận dữ, nhưng cổ họng nghẹn cứng. Dây điện thoại đã đứt tự bao giờ.